(LLCT&TT) Từ cách tiếp cận thể chế, có thể xem, thể chế kinh tế truyền thông là hệ thống các qui tắc, qui định pháp luật, luật lệ; các tổ chức kinh tế truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước kinh tế truyền thông và cơ chế vận hành, điều chỉnh các hoạt động kinh tế truyền thông và quản lý kinh tế truyền thông (KTTT) vì mục tiêu xác định. Để xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT bảo dảm hiệu quả kinh tế và định hướng chính trị xã hội cần thiết thực hiện tổng thể các giải pháp, quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ; sắp xếp lại các tổ chức truyền thông và các cơ quan quản lý truyền thông (người chơi) và tạo cơ chế chính sách phù hợp.
1. Thể chế kinh tế truyền thông: khái niệm và các yếu tố cấu thành
Hiện nay, có quan niệm khác nhau về thể chế. Thế chế (theo nghĩa hẹp) chỉ bao gồm hệ thống các quy tắc, qui định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng); còn thiết chế bao gồm các tổ chức hoạt động KTTT, các cơ quan quản lý nhà nước KTTT.
Có thể còn nhiều cách tiếp cận để hiểu khái niệm thể chế(1), thể chế KTTT, song một cách khái quát có xem: Thể chế KTTT là hệ thống các quy tắc, qui định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng); các tổ chức KTTT, các cơ quan quản lý nhà nước kinh tế truyền thông và cơ chế vận hành, điều chính các hoạt động KTTT và quản lý KTTT vì mục tiêu xác định.
Vậy là, thể chế KTTT là một chỉnh thể gồm 3 yếu tố cơ bản cấu thành: 1) Luật chơi, hệ thống các qui tắc, qui định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng) với tư cách là những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của các chủ thể truyền thông trong hoạt động kinh tế và chủ thể quản lý hoạt động KTTT; 2) Người chơi, các tổ chức hoạt động KTTT, các cơ quan quản lý nhà nước KTTT, những chủ thể tham gia hoạt động và quản lý hoạt động KTTT; 3) Cách chơi, cơ chế, chính sách tham gia vào quá trình vận hành, điều chính các hoạt động KTTT và quản lý KTTT phù hợp với các quy tắc, qui định pháp luật, luật lệ vì mục tiêu xác định.
Ba yếu tố chủ yếu cấu thành thể chế KTTT là chỉnh thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên khuôn khổ, môi trường cho các chủ thể truyền thông trong hoạt động kinh tế, đồng thời quản lý, điều chỉnh hành vi hoạt động kinh tế của các tổ chức truyền thông nhằm đạt hiệu quả, mục tiêu xác định. Bởi vậy, để có cái nhìn đầy đủ, tổng thể về thể chế KTTT cần phải nhìn nhận theo nghĩa rộng, thể chế bao gồm cả luật chơi, người chơi và cách chơi. Sẽ không có cái gọi là KTTT, hoạt động kinh tế của các tổ chức truyền thông vận hành một cách thông suốt, đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn (bảo đảm cả việc cung cấp thông tin, kinh doanh thông tin …) và bảo đảm định hướng chính trị - xã hội, một khi chỉ có luật chơi, không có người chơi và thiếu cơ chế chính sách tạo động lực, quản lý, điều chỉnh cuộc chơi của các chủ thể truyền thông hoạt động kinh tế theo pháp luật.
2. Một số giải pháp cơ bản nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT ở Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự tác động của cơ chế thị trường, của kinh tế số; trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt sự bùng nổ của công nghệ thông tin, để hoạt động truyền truyền thông đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn và bảo đảm định hướng chính trị - xã hội, cần thiết phải tìm ra và thực hiện một hệ giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế KTTT hoàn chỉnh, đồng bộ, thông suốt. Có thể khái quát một số giải pháp cơ bản như sau:
Trước hết, cần thống nhất nhận thức về truyền thông, KTTT và thể chế KTTT.
Trong xã hội nào cũng vậy, dù dưới hình thức và trình độ khác nhau, song hoạt động truyền thông với nghĩa chung nhất là hoạt động chia sẻ thông tin luôn là tất yếu. Cũng có thể diễn đạt cách khác, truyền thông là quá trình truyền đạt thông tin, sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, hình ảnh, màu sắc nhằm tác động trực tiếp đến tư duy, suy nghĩ của đối tượng mà truyền thông muốn hướng tới. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu trao đổi thông tin giữa con người cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, truyền thông càng khẳng định vai trò vị thế trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngành truyền thông cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không chỉ thực hiện chức năng thông tin, bao gồm cả thông tin phục vụ công việc chung của cộng đồng (quản lý, lãnh đạo) hay giải trí, mà hơn thế nữa truyền thông còn rất cần trong hoạt động kiểm soát, động viên, biểu lộ cảm xúc của con người và đặc biệt trong hoạt động kinh tế, chủ yếu là chia sẻ /bán mua thông tin, hoạt động quảng cáo …
Có thể nói, thuật ngữ truyền thông, KTTT, nền KTTT, đã xuất hiện từ rất sớm, gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ với kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Ở Việt Nam, thuật ngữ này cũng được đề cập phổ biến từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986). Và thuật ngữ thể chế xuất hiện gắn liền với thuật ngữ kinh tế tạo thành thuật ngữ, khái niệm thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) - một sáng tạo và phát triển độc đáo của Đảng ta về lý luận kinh tế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sáng tạo về lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ khẳng định nhận thức mới, tư duy mới của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế Việt Nam, mà hơn thế nữa khẳng định trình độ nhận thức và giải quyết những vấn đề về kinh tế đạt trình độ “thể chế”.
Sau Đại hội IX Đảng ta đã có 2 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những quan điểm, lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được bổ sung và hoàn thiện lên một trình độ mới trong Đại hội XIII, Đại hội tổng kết 35 năm đổi mới: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là, nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội(2).
Một khi thừa nhận kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ những qui luật của thị trường và tất yếu cần có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, Nhà nước pháp quyền XHCN. Hoạt động truyền thông trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, để hoạt động truyền thông diễn ra đúng chức năng của truyền thông và đúng định hướng XHCN và bảo đảm hiệu quả kinh tế, cần thiết phải xây dựng và từng bước và hoàn thiện thể chế KTTT, nhất là trong điều kiện các tập đoàn truyền thông lớn quốc tế vẫn đang là những cái “bóng lớn” bao phủ lên các công ty truyền thông trong nước. Kinh tế truyền thông phải bảo đảm thỏa mãn chí ít 3 yếu tố, luật chơi, người chơi và cách chơi(3), trước hết cần sớm ban hành luật về truyền thông và KTTT để tạo hành lang pháp lý và môi trường thông thoáng đúng pháp luật cho các tổ chức truyền thông hoạt động kinh tế, con đường sống còn của các tổ chức truyền thông.
Thứ hai, cần ra soát, tổ chức lại hệ thống các tập đoàn, các công ty truyền thông cũng như cơ quan quản lý truyền thông.
Như trên đã trình bày, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các tập đoàn truyền thông, các công ty truyền thông, kể cả các agency/ đại lý của các tập đoàn truyền thông quốc tế tại Việt Nam có xu hướng bùng nổ, khó kiểm soát(4). Đã đến lúc cần rà soát, đánh giá và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các tập đoàn, tổ chức truyền thông trên cơ sở hệ thống tiêu chí nhất định, bảo đảm cho các tổ chức truyền thông trong, ngoài nước, lớn, nhỏ có cơ hội hoạt động KTTT một cách hiệu quả, theo pháp luật và đúng định hướng chính trị - xã hội. Đương nhiên, cũng cần xem xét lại chức năng của các tổ chức quản lý về tư tưởng - văn hóa, quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế của các tập đoàn, tổ chức truyền thông, bảo đảm cho việc quy hoạch lại để tinh gọn hơn bộ máy của các tổ chức quản lý truyền thông, phù hợp với các quy định, định chế về KTTT (luật chơi). Có như vậy, hoạt động và quản lý hoạt động kinh doanh của các tổ chức truyền thông mới tránh tình trạng tự phát, không hiệu quả, thiếu định hướng.
Thứ ba, cần có một cơ chế và chính sách tạo động lực và điều chỉnh hoạt động KTTT và quản lý hoạt động KTTT.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả các hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổ chức truyền thông nhất thiết phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Qui luật của kinh tế thị trường, qui luật cung - cầu; cạnh tranh và quy luật giá trị sẽ chi phối, điều tiết hoạt đông kinh doanh và quản lý kinh doanh của các tập đoàn, tổ chức truyền thông. Cơ chế thị trường luôn lạnh lùng bất chấp những rào cản của xã hội và do đó không tránh khỏi những mặt trái, đòi hỏi phải có sự can thiệp đúng mức của nhà nước. Cơ chế chính sách tạo động lực và tham gia kiểm soát, điều tiết hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổ chức truyền thông phải được xây dựng và vận hành bảo đảm để Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, điều tiết hoạt động KTTT, đồng thời phải luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp, không gây khó khăn cho doanh nghiệp, tuân thủ theo nguyên tắc: Quản lý và phát triển KTTT là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển. Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để hoạt động KTTT phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, cần đổi mới cả nội dung, phương thức quản lý hoạt động KTTT theo kịp sự phát triển của xã hội và sự phát triển của công nghệ. Hơn thế nữa, cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động và quản lý hoạt động KTTT phải bảo đảm định hướng xã hội vì nhân dân và định hướng chính trị vì thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tư, nâng cao uy tín của các chủ thể truyền thông trên cơ sở nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hoạt động truyền thông của các tổ chức truyền thông.
Tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức truyền thông, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là tùy thuộc vào năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp của chính các tổ chức truyền thông. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, không phải không có những tổ chức truyền thông vì lợi nhuận tối đa mà bất chấp “luật chơi” đã có hoạt động chia sẻ thông tin, quảng cáo, market ing không đúng sự thật gây phản cảm, thậm chí gây phẫn nộ cho công chúng, chẳng hạn, quảng cáo thuốc tràn lan, không đúng thực tế trên mạng xã hội… Chính những hoạt động này đã làm xấu hình ảnh của các tập đoàn, tổ chức KTTT. Đã đến lúc cần tăng cường pháp luật, kỷ cương đối mới hoạt động thông tin, quản cáo, marketing nhằm nâng cao uy tín và tăng tính chuyên nghiệp cho chính tập đoàn, tổ chức truyền thông. Điều này đòi hỏi các tập đoàn, tổ chức truyền thông phải đổi mới công nghệ truyền thông, nâng cao chất lượng về nội dung, phương thức truyền thông, phương thức tiếp thị, marketing… và đổi mới mối quan hệ với công chúng theo hướng truyền thông dịch vụ, phục vụ công chúng, vì lợi ích của công chúng và vì phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Nói cách khác các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức truyền thông phải nâng cao văn hóa kinh doanh, trên cơ sở tuân thủ những giá trị cốt lõi và vì công chúng truyền thông và vì sự phát triển của xã hội.
KTTT, hoạt động kinh tế của các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức truyền thông trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão trong thời đại toàn cầu hóa là khách quan và vô cùng cần thiết, vì sự sống còn của các tập đoàn, tổ chức truyền thông, thậm chí còn tạo nên nền KTTT mũi nhọn. Bởi vậy, để KTTT vừa hoạt động hiệu quả vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi tập đoàn, tổ chức KTTT và của Nhà nước và toàn xã hội. Không thể chậm trễ hơn được nữa, cần sớm xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT để tạo môi trường, điều kiện, cơ hội và điều chỉnh kịp thời, đúng định hướng cho hoạt động kinh doanh và quản lý kinh doanh truyền thông vì công chúng và vì sự phát triển bền vững./.
______________________________________________________
(1) Tác giả cuốn Dictionnaire (Nxb.Laraousse, Bondas - 1999) và Dictionnaire Pratiquue du Francais (Nxb. Hacchette -1987), thuật ngữ Institution có nghĩa là: 1) thể chế - là sự đặt định những luật lệ, là những luật lệ cơ bản của một quốc gia; 2) thiết chế - là các bộ phận cấu thành của một cấu trúc, cần phải duy trì và tôn trọng.
Theo Noth D. (1990), thể chế bao gồm cả những quy tắc chính thức và những chuẩn mực phi chính thức (những chuẩn mực hành vi được thừa nhận rộng rãi, những thoả thuận đã đạt được, những hạn định bên trong của hoạt động) và cả những đặc trưng nhất định của sự bắt buộc thừa hành việc này hay việc khác
- North D, thể chế gồm ba bộ phận cấu thành:
Thứ nhất, những hạn định không chính thức (truyền thống, tập quán, dư luận xã hội); Thứ hai, những quy tắc chính thức (hiến pháp, luật, phán quyết của toà án, xử lý hành chính); Thứ ba, những cơ chế cưỡng chế đảm bảo tuân thủ quy tắc
- Hội thảo Khoa học “Xây dựng thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Tháng 10.2004) cho rằng: Thể chế là các đạo luật, luật lệ, điều lệ, quy tắc, tập quán…được thừa nhận chung và các tổ chức kinh tế và chính trị cùng các định chế của nó và yếu tố văn hoá hình thành từ thực tiễn
- Các học giả Trung Quốc cho rằng, thể chế chính trị là các loại chế độ chính trị cụ thể xây dựng trên cơ sở chế độ chính trị cơ bản và tổng hòa các cơ chế vận hành, thuộc kiến trúc thượng tầng; còn thể chế kinh tế là hình thức tổ chức cụ thể và chế độ quản lý kinh tế của một chế độ kinh tế- xã hội hoặc một quan hệ sản xuất
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. CTQG, tr.128 - 129.
(3) Cũng có ý kiến cho rằng, khái niệm thể chế, ngoài luật chơi, người chơi, cách chơi còn sân chơi.
(4) Hiện Việt Nam có 4 tập đoàn truyền thông lớn nhất của Việt Nam: Tập Đoàn Viettel quân đội; Tập đoàn Mobiphon; Vinaphon; FPT; 10 công ty truyền thông lớn nhất Việt Nam: Dentsu Việt Nam; Interpublic; VCCorp; XPR; Omnicom; Daiko Việt Nam; WPP; Mắt Bão Corp; Vietba Media; Saatchi & Saatchi (https://topz.vn/cong-ty-truyen-thong-lon-nhat-viet-nam-9038-p4684.html); 20 công ty truyền thông giải trí lớn; 50 công ty truyền thông Marketing uy tín.
Bình luận