Hoàng Tích Chu với quan niệm người và nghề
Khởi đầu từ tính chuyên nghiệp, báo chí Việt Nam đã thu hút vào đời sống của nó nhiều lớp nhà báo xuất thân từ những nghề nghiệp khác nhau: học giả, nhà văn, văn nhân, chính khách, thương gia, nghệ sĩ... Có thể họ còn có những động cơ khác nhau khi dấn thân vào công việc làm báo, nhưng trong một cái nhìn chung nhất, không thể phủ nhận họ là những con người mẫn cảm, thức thời, năng động và ý thức được sức mạnh của báo chí, loại hình truyền thông - văn hoá còn rất mới mẻ ở nước ta. Và họ, trong những nỗ lực của mình, bằng con đường vừa làm vừa học đã đặt nền móng và khai mở được con đường vượt lên của báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo chí quốc ngữ.
Đầu thế kỷ XX, chỉ sau hơn ba thập niên tính từ thời điểm tờ Gia Định báo ra đời, báo chí quốc ngữ đã đạt được một sự tăng trưởng đáng kể. Năm 1922, trong số 86 đầu báo của cả nước chỉ mới có 19 đầu báo tiếng Việt (chiếm khoảng 22%) thì sau 5 năm, vào năm 1927, tổng số đầu báo đã là 148 tờ, trong đó có 36 tờ tiếng Việt (chiếm 25%). Thử nhìn vào một chặng thời gian ngắn ngủi 5 năm ấy, báo chí ở nước ta đã tăng trưởng 73%, trong đó báo quốc ngữ tăng trưởng gần 90%! Những con số này là một minh chứng thuyết phục cho hai vấn đề. Thứ nhất, chữ quốc ngữ đã phá được thế độc tôn của chữ Hán và chữ Pháp, nó đã bắt đầu được số đông nhìn nhận như một công cụ văn hoá hữu hiệu trong việc thúc đẩy phong trào nâng cao dân trí được khởi xướng từ những nhà yêu nước và những trí thức có tinh thần dân tộc. Thứ hai, các hoạt động báo chí đã khẳng định được vai trò của nó trong đời sống xã hội Việt Nam, nó không chỉ đem đến cho người Việt Nam một thói quen tiếp nhận thông tin mà còn hiện diện như một hoạt động mới mẻ trong bối cảnh giao lưu văn hoá Đông - Tây lúc bấy giờ.
Về phương diện nghề nghiệp, cũng đến thời điểm ấy, báo chí Việt Nam đã đi được một chặng đường quan trọng - một chặng đường đầy nhọc nhằn và hứng khởi. Kiên trì với việc khẳng định những tính năng của chữ quốc ngữ và một phương tiện truyền thông - văn hoá, các nhà báo sáng lập và hoạt động trong các tờ báo tiếng Việt đã không ngừng mày mò tìm kiếm những phương cách nhằm nâng cao chất lượng các tờ báo của họ, với mơ ước đạt tới sự bình đẳng nghề nghiệp với những tờ báo tiếng Pháp do chính người Pháp thực hiện tại Đông Dương. Như trên đã nói, với các nhà báo Việt Nam, đó chính là một quá trình tự đào tạo của họ. Người ta có thể kể ra không ít các tên tuổi những nhà báo đã đi trên con đường đó, họ học hỏi lẫn nhau và tự sáng tạo: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Thành út, Sương Nguyệt ánh, Nguyễn Văn Vĩnh...
Trong số những tên tuổi đó, thời điểm 1927, nổi lên một gương mặt đặc biệt: Hoàng Tích Chu (1897 - 1933). Chỉ có 6 năm hoạt động, ông giống như một vệt sao băng để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông được coi là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người đầu tiên đã táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề làm báo ở nước ta, bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn (ông đã làm chủ bút hoặc giữ vai trò yếu nhân 4 tờ báo nổi tiếng: Khai Hoá, Hà Thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo). Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của ông đã làm đảo lộn quan niệm về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc - những người chưa quen với những thông tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính trị... Và ông, như một lẽ đương nhiên của kẻ đi tiên phong, đã hứng chịu rất nhiều búa rìu dư luận, chủ yếu là từ các đồng nghiệp vẫn "theo lối làm báo cổ hủ ở xứ ta" (Tế Xuyên). Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác nhau về Hoàng Tích Chu, nhưng khi nhắc đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ Đông Tây, người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực của "hiện tượng Hoàng Tích Chu và Đông Tây" đến đời sống báo chí Việt Nam đương thời và mấy thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu "người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam".
Gốc quê làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 trong một gia đình quan lại, cha đã có thời làm tri phủ. Lúc nhỏ ông được học chữ nho, cũng đã từng lều chõng nhưng không đỗ đạt gì. Đó là những năm văn minh Pháp đã xâm nhập vào nước ta và đang có đà lấn lướt, nho học với lối học hư danh đã suy tàn. Là người nhạy cảm và còn trẻ tuổi, Hoàng Tích Chu chuyển sang học tiếng Pháp. Cơ duyên đầu tiên của ông với nghề báo xảy ra vào năm 1921 khi ông được nhận vào giúp việc cho toà soạn tờ Nam Phong, năm đó ông 24 tuổi. Cũng vào năm này, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi cho ra mắt bạn đọc tờ Khai Hoá (15.7.1921). Ông Bạch đã mời Hoàng Tích Chu về làm chủ bút cho tờ báo. Dưới bút danh Kế Thương, những bài báo của Hoàng Tích Chu đăng trên tờ báo này đã bắt đầu gây chú ý cho báo giới và bạn đọc. Một năm sau Hoàng Tích Chu rời Khai Hoá và bắt đầu nung nấu ý định sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào Nam Kỳ xin làm phụ bếp cho một con tàu biển, và bằng cách này ông đã đến được nước Pháp. Tại Pháp, Hoàng Tích Chu và người bạn thân Đỗ Văn (sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm) được nhận tiền trợ cấp hàng tháng của Lê Hữu Phúc (giáo sư trường Albert Sarraut) gửi sang. Lê Hữu Phúc có một ý tưởng đẹp: Ông muốn Hoàng Tích Chu học nghề làm báo và Đỗ Văn học nghề in, sau đó ông sẽ sang Pháp học văn chương và triết học để khi trở về, bộ ba này sẽ cho ra mắt một tờ báo cùng với các chức danh: Hoàng Tích Chu làm quản lý, Lê Hữu Phúc làm chủ bút, Đỗ Văn in ấn, trình bày và phát hành. Rất tiếc ý định không thành vì Lê Hữu Phúc đã mất tại Pháp. Năm 1927, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn về nước ta với rất nhiều nhiệt huyết về công việc làm báo mà họ đã học được từ nền báo chí lớn và hiện đại lúc đó. Tháng 6 năm ấy, Hà Thành ngọ báo của Bùi Xuân Học ra đời, Hoàng Tích Chu được mời về làm biên tập và Đỗ Văn in ấn. Những cách tân mà hai thanh niên thực hiện trên tờ báo này, trong cách viết và cách trình bày mới lạ, đã chưa thuyết phục được bạn đọc. Ngày 15.11.1929, Hoàng Tích Chu cho xuất bản tờ quan trọng nhất trong cuộc đời ông: tờ Đông Tây. Bằng một thứ ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, trong sáng, mang hơi thở cuộc sống hàng ngày; bằng hàng loạt chuyên mục độc đáo và thuyết phục; bằng lối trình bày hiện đại, sáng sủa.. tờ Đông Tây đã được bạn đọc và báo giới đón nhận nhiệt thành pha nhiều ngỡ ngàng. Nó trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ lúc đó. Nhưng trong lúc thuận đà thì Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản, đó là cuối năm 1932. Đấy cũng là lúc tờ Thời báo được xuất bản và Hoàng Tích Chu lại được chọn làm chủ bút. Toàn bộ các chuyên mục của Đông Tây đã được Hoàng Tích Chu chuyển sang tờ Thời báo, nhưng tờ báo này chỉ ra được 20 số thì bị thu hồi giấy phép. Năm sau, 1933, vào đúng ngày 30 tết, Hoàng Tích Chu qua đời sau một thời gian bị bệnh, hưởng dương 36 năm.
Trong bài báo nổi tiếng Nghề làm báo ngày nay (Đông Tây số 2, ra ngày 2.12.1929), một bài báo gây sóng gió trong làng báo đương thời, Hoàng Tích Chu đã nói thẳng: "Nghề làm báo ở nước ta cho đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó vì ở nước ta chưa có trường dạy báo chí. Chúng ta xem đó là một trò tiêu khiển về tinh thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì vậy ký giả làm việc miễn cưỡng". Là một nhà báo chuyên nghiệp và có ý thức rõ ràng về sứ mạng của người cầm bút, ông không thể không rầu lòng về đa số các đồng nghiệp của mình. Trên Đông Tây số 5 ra ngày 16.1.1930, ông viết tiếp bài báo này: "Những người làm công nói trên ở đâu ra? Đa số những nho sĩ nghèo và dốt, những người kiến thức nông cạn nhưng muốn loè thiên hạ với những câu văn hoa bóng bẩy. Những người này chỉ biết viết những bài xã luận mà thôi". Nhận xét này sẽ gây khó chịu cho không ít nhà báo đàn anh và cùng lứa với Hoàng Tích Chu (họ đã từng quay lưng với ông và Đỗ Văn thời làm Hà thành ngọ báo), nhưng không thể không thừa nhận đó là một thực trạng của báo chí nước ta lúc đó, khi mà nghề báo đang đi những bước dò tìm, khởi từ tính chất không chuyên nghiệp của nó. Ai sẽ trước hết phải chịu trách nhiệm về thực trạng này? Hoàng Tích Chu đã rất có lý: "Người chịu trách nhiệm lớn là các ông chủ báo. Khi lập ra tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý đến bộ biên tập. Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến toà soạn viết xã luận, dịch tin tức để trám cho đầy cột báo (...). Người chủ báo, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật trình có vai trò gì? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với vài tin tức lượm lặt ở sở cảnh sát hoặc dịch từ tờ báo Pháp (...) và tưởng như vậy là đủ rồi. Có người xem việc lập một tờ báo như mở một tiệm tạp hoá. Chủ bút ít vốn nên không dám chịu tốn kém để mua hoặc tìm tin tức. Họ chỉ trám vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hay báo Pháp".
Đây là những quy kết xác đáng về trách nhiệm của người chủ bút - những người sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt đến diện mạo và khuynh hướng cho mỗi tờ báo. Nhưng vào thời điểm Hoàng Tích Chu đang đề cập, họ đã phần nhiều chưa làm được việc này. Nên nhớ là từ khá lâu trước đó, vào những năm 1907 - 1908, thông qua Văn minh tân học sách, các nhà yêu nước Việt Nam đã đề xuất một trong hai yêu cầu để báo chí có thể góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào canh tân xứ sở: các chủ bút phải lựa chọn từ hàng ngũ những trí thức Việt Nam ưu tú nhất. Đó là một đề xuất đúng đắn, nhất là trong bối cảnh báo chí thực sự được coi như một phương tiện văn hoá (cùng với nhà trường) để mở mang dân trí, nâng tầm dân tộc.
Hoàng Tích Chu cũng là người luôn đề cao và nhấn mạnh yếu tố văn hoá trong nghề làm báo. Trong cách nhìn của ông, mỗi tờ báo cũng đồng thời làm một cơ quan văn hoá, bởi vậy những ứng xử nghề nghiệp cũng phải theo tinh thần đó. Nhân một cuộc bút chiến giữa hai tờ Phổ thông và Ngọ báo - cuộc bút chiến có nguy cơ đưa hai cơ quan ngôn luận này rời xa mục đích đi tìm chân lý mà quay ra hạ bệ nhau với những toan tính cá nhân, vị kỷ - Hoàng Tích Chu đã viết bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến giữa hai tờ báo đăng trên Đông Tây số ra ngay 22.10.1930. Sau khi tóm tắt nguyên nhân cuộc bút chiến, trong phần Mối cảm tưởng của tôi, ông viết: "Tờ báo là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta khinh độc giả thì ta mới ăn nói một cách sỗ sàng. Đem nhau chửi ông, chửi cha, chửi làng, chửi họ lên trên mặt báo, phỏng còn lý thú gì (...). Một điều tôi rất phàn nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta thường hay có thói khích bác, bêu riếu nhau". Hoàng Tích Chu cho rằng nghề làm báo cũng như nhiều nghề khác trong xã hội, phải chịu sức ép của luật cạnh tranh, nhưng - nói theo ngôn ngữ bây giờ - đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bằng chính chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo, "chứ không phải ganh nhau ở cái chỗ khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau để hòng giảm giá trị người ta (...). Bất cứ nghề nào cũng vậy, nói xấu nhau là phạm một điều vô đạo. Thật vậy, báo càng nhiều, nghề làm báo, tôi thấy ra mỗi ngày như giảm giá trị nhiều. ấy cũng bởi anh em đồng nghiệp ta, nhiều ông tự xưng thần thánh, chỉ rình những dịp hất cẳng vật ngã nhau. Đến nỗi đối với người ngoài, không thấy trọng; đối với dư luận, ta còn bị khinh ". Kết thúc bài báo đầy ưu tư này, Hoàng Tích Chu kêu gọi các đồng nghiệp: "Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho ta trước". Đã hơn 70 năm từ khi bài báo này xuất hiện, nội dung của nó vẫn còn rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà báo hôm nay.
Những vấn đề thuộc về kỹ thuật nghề nghiệp cũng được Hoàng Tích Chu quan tâm. Dĩ nhiên, là người được đào tạo bài bản, ông có điều kiện hơn hết khi nói về những "ngón nghề" có thể giúp ích ít nhiều cho những đồng nghiệp của ông phần đông còn đang hoạt động trong tình trạng thiếu chuyên nghiệp ở ta. Trong bài viết Hai góc trời hai hạng phóng sự, Đông Tây (số ra ngày 16.1.1932) đã giới thiệu những điểm khác nhau trong cách làm tin và phóng sự giữa các nhà báo châu Âu và châu Mỹ. Những nhận xét khá thú vị, chẳng hạn: "Bên châu Âu, muốn đương nổi cái chức trách của một người đi "nhặt tin chó chết" phải có học, học rộng (...). Trái lại, nhà phóng sự các báo bên Mỹ không thế. Họ chẳng cần phải có học vấn rộng. Mà lại phần nhiều là những người vô học hay ít học mới chịu chạy đi "nhặt tin chó chết"(...) vậy mà báo bên Mỹ vẫn có đủ tin tức mau chóng một cách lạ thường". Có điểm khác biệt này là bởi "Nước Mỹ là một nước rất tiến bộ về đường máy móc. Một ly một tý gì cũng làm theo phương pháp khoa học" và vì thế các nhà báo Mỹ cũng "ở trong guồng máy tri thức (...). Một tin vặt trước khi xuất hiện trên mặt báo đã phải qua tay năm bảy người gọt nặn". Bài báo kết luận: "Các phóng sự Mỹ có giống các phóng sự châu Âu là ở tính lanh lợi, lòng mạo hiểm của họ. ở hai góc trời, châu Âu và châu Mỹ, nghề làm báo cùng tiến bộ mà sao phương pháp làm việc lại khác nhau!". Đây chỉ là một trong số ít ví dụ cho thấy những nỗ lực của Hoàng Tích Chu trong hoài bão đóng góp sự biết sự học của mình vào việc đưa hoạt động báo chí ở nước ta lên tầm chuyên nghiệp. Hoàng Tích Chu ý thức được một xã hội tiến bộ là một xã hội mà mọi nghề phải có tính chuyên nghiệp cao, mọi công dân đều phải sống với nghề của mình. Quan niệm này đã được ông bộc lộ từ khá sớm trong bài báo Vì sao phải chọn nghề cho con trẻ?: "Bọn thiếu niên phải nhận lấy cái chức trách tìm tia ánh sáng, phải chọn cái nghề nghiệp hợp với tài năng, để đến đầu bạc, bước ra khỏi vòng hoạt động, ta có thể nói được câu này:" Tôi muốn hăng hái ra làm việc nữa! Mà kiếp sau có làm người thì tôi vẫn con đường này tôi đi, tôi vẫn cái nghệ kia tôi làm ". Với nghề làm báo, điều đó lại càng đúng. Nó không chỉ là nghề, mà còn là cái nghiệp.
Những người làm báo trước và cùng thời với Hoàng Tích Chu phần nhiều xuất thân từ Nho học và một số xuất thân Tây học. Dẫu xuất thân từ nguồn nào thì ở giai đoạn giao thời ấy, họ vẫn ít nhiều ảnh hưởng của lối đào tạo truyền thống, lối đào tạo mà Đông Tây từng chỉ trích là "cái học khoa cử, cái học hư danh". Những người này đến với báo chí trước hết bằng cả một tinh thần "tuý tâm văn hoá", và sau nữa như một nghề kiếm sống, với không ít bỡ ngỡ trước một hoạt động văn hoá còn rất mới. Tuy nhiên, là sản phẩm của lúc giao thời lại có nhiều ngỡ ngàng, không phải ai trong số họ cũng có được ngay một cái nhìn chân xác về công việc làm báo. Cũng là cầm bút, nhưng họ có xu hướng đề cao các sáng tạo văn chương, học thuận hơn là "viết nhật trình". Hoàng Tích Chu nhận thấy thực trạng này và ông hiểu rằng muốn cách tân nền báo chí Việt Nam thì phải có những con người xứng đáng phụng sự cho nghề báo - những người nhận thức được sứ mạng của nhà báo và có tính chuyên nghiệp cao, những người toàn tâm toàn ý đóng góp tâm trí mình cho lĩnh vực này.
Bài Cãi vã về nghề cầm bút, Đông Tây ra ngày 17.5.1930, viết: "Cái tên hèn phô trên tờ báo, hàng ngày có nghìn người mua, có nghìn được đọc, các thanh danh ấy còn quý gì bằng?". Viết báo cũng không hề là một công việc dễ dàng: "Anh đừng tưởng nó dễ trôi như hạt cơm anh thường nuốt hàng ngày, mà trái lại, có lẽ nó như cái xương móc ngang cuống họng". Bài báo chỉ ra rằng viết văn hay viết báo thì người cầm bút cũng đều phải chịu chung một sức ép, cái sức ép có thật này sẽ không phân biệt đẳng cấp giữa các nhà văn và nhà báo: "Tôi trọng lắm, nhưng phải đủ tư cách con nhà cầm bút mới đáng trọng(...). Học lực nhiều, tư tưởng cao, nói ít nhưng ý nhiều: tôi trọng. Học ít mà nói nhiều, chủ ý khoe danh hão, văn dài nhưng ý tưởng ít: tôi khinh. Cái khinh và cái trọng nó chia đôi ra hai hạng nhà cầm bút". Vẫn theo quan niệm ấy, trong một bài báo khác, Nỗi khổ tâm của nhà cầm bút (Đông Tây ra ngày 29.11.1930), tác giả H.V.T cũng không phân biệt sang hèn giữa nhà văn và nhà báo, bởi đã là người cầm bút chân chính thì họ đều có chung một nỗi khổ tâm cao cả: "Bóp óc, nặn văn, vất vả hơn kẻ chân lấm bùn, mà lương tâm mấy lúc đã được thảnh thơi khoái lạc. Kẻ cầm bút chân chính, sau trước một lòng với quan niệm mình thờ, bao giờ vẫn trọng ngòi bút. Thà như người xưa ném bút về đi cày, chứ không chịu làm bẩn bút".
Trong nghề, đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng ở người làm nghề, là trung thành với lý tưởng nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn trên đường đời. Trước sau Hoàng Tích Chu đã nhiều lần bày tỏ quan điểm này. Trong bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến của hai tờ báo đã dẫn, ông đã viết những dòng thống thiết trước các đồng nghiệp: "Khi ta đã cùng nhau dấn mình vào tập cái nghề này, tuy không phải tuyên thệ trước toà án như các luật sư, nhưng trước bàn thờ bà Chúa Báo, chúng ta con một nhà, đã ký kết một bản giao kèo thầm: Tôi xin trọng nghề!".Thái độ này và những hành xử nghề nghiệp mang tính dấn thân của Hoàng Tích Chu đã có những tác động rất đáng kể đến các nhà báo đương thời, nhất là các nhà báo trẻ. Trong nhiều hồi ký báo chí sau này của các nhà báo thành danh (Phùng Bảo Thạch, Vũ Bằng, Tế Xuyên... ), chúng ta thấy họ đều thừa nhận đã chịu ảnh hưởng của Hoàng Tích Chu như thế nào, trong đó có một điều quan trọng: Hoàng Tích Chu đã góp phần quan trọng giúp họ ý thức được vị thế của nghề báo và của người làm báo.
Là một nhà cách tân, Hoàng Tích Chu dễ dàng nhận thấy tình trạng không rõ ràng giữa Văn và Báo, giữa phương cách hoạt động của Nhà văn và Nhà báo còn tồn tại trong thời buổi báo chí nước ta đang đi những bước ban đầu. Bao lớp trí thức trước và đồng thời với ông đã ôm mộng văn chương bước vào nghề báo. Đó là biểu hiện rõ nhất và kéo dài trong tính thiếu chuyên nghiệp của báo chí nước ta. Ông đã từng khuyên một người như thế - Tế Xuyên - khi thanh niên này bước vào làng báo mà vẫn chưa hiểu rõ công việc: "Anh nên kiếm đề tài sinh hoạt của dân chúng mà viết những bài phóng sự, còn nếu anh chuyên chú vào tiểu thuyết, anh sẽ khó thành một nhà viết báo được (...). Anh đừng quan niệm cái tiếng "phóng viên" là thứ vô giá trị. Có những danh nhân trong làng văn nước Pháp cũng đi làm phóng sự. Phạm vi phóng sự rộng lắm, đến cả ngoại quốc nữa, chứ không giới hạn ở mấy cái tin "chó chết" lấy ở Sở Cầm đâu". Sâu sắc hơn nữa, dưới con mắt chuyên nghiệp, ông đã giúp nhà báo trẻ phân biệt được công việc viết văn và viết báo: "Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ viết báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng con nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà văn mà phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi". Những nhận xét của Hoàng Tích Chu quả thật là rất mới so với lúc bấy giờ, khi mà ngôn ngữ thông tấn còn là một điều khá xa lạ với bạn đọc và với không ít các nhà báo, khi mà lối viết kiểu văn chương biền ngẫu vẫn tràn ngập trên các trang báo và vẫn tỏ ra hợp khẩu vị với nhiều người.
Tất cả những quan niệm mang tính cách tân nêu trên của Hoàng Tích Chu về nghề báo, về người làm báo và cách làm báo, đã được ông thực thi khá triệt để trên tờ Đông Tây. Có người đã ví sự xuất hiện của tờ báo này giống như "một quả tạc đạn ném vào làng báo Việt Nam" đương thời. Ông với các cộng sự đồng quan điểm (Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch, Tam Lang, Vũ Bằng, Tế Xuyên, Lãng Nhân và đặc biệt là Đỗ Văn - người lo trình bày in ấn), "như một tờ báo bên Tây". Một cái mới xuất hiện không dễ gì đã được số đông chấp nhận ngay, phải mất một thời gian, tờ Đông Tây mới thật sự khẳng định được vị trí của nó trong làng báo và trong xã hội. Có thể coi đó là một hiện tượng trong đời sống văn hoá Việt Nam, khi mà Đông Tây và những người chủ trương đã đi tiên phong trong việc không lưỡng lự tiếp nhận và học hỏi những kinh nghiệm từ một nền báo chí hiện đại bên ngoài để làm mới mình và họ đã làm mới một cách thành công, phù hợp với bước đi của thời đại. Bản thân tờ Đông Tây đã là một cơ quan văn hoá kiểu mới với những quan niệm và cách thức hoạt động của nó. Đồng thời thông qua những trang in của mình, tờ báo cũng rất nhiệt thành trong việc đấu tranh cho một nền văn hoá mới, đả phá những tàn dư lạc hậu đang kìm giữ những bước tiến của xã hội Việt Nam đương thời. Đó là những nội dung chúng tôi đề cập trong một bài viết khác./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền tháng 1,2 năm 2006
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận