Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, chế độ chính trị
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền
Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bộ phận quan trọng và đặc biệt của hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giữ chức năng tuyên truyền tư tưởng, định hướng dư luận, truyền thông xã hội, đảm bảo phục vụ phương hướng mục tiêu xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Sau 3 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khuôn khổ của Nghị quyết về Tổ chức Đảng và tuyên truyền, giáo dục, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức được thành lập(1). Dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, công tác tuyên truyền và quản lý thông tin được quan tâm, chú trọng, phát triển mạnh mẽ, được đầu tư nguồn lực và nhân lực đáng kể.
Hơn bốn thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc, theo đó là sự ra đời của số lượng lớn các tờ báo, kênh truyền hình, kênh truyền hình cáp và đặc biệt là mạng Internet, bối cảnh truyền thông ở Trung Quốc đã có những bước đột phá mạnh mẽ: truyền thông được phát triển, nhân rộng và có xu hướng tự do hơn, chịu tác động từ các nhân tố khác nhau, bao gồm xu hướng thương mại hóa của thị trường, các cấu trúc và môi trường mới trên toàn cầu và khu vực, mối quan hệ đa phương của Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới, và sự bùng nổ, phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông mới. Đặc biệt hơn, những thay đổi mạnh mẽ này cũng diễn ra cùng với những nỗ lực đổi mới và giữ gìn bản sắc chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc để Trung Quốc trở thành một cường quốc nổi trội của thế kỷ XXI trên thế giới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng quyền kiểm soát tuyên truyền và ý thức hệ để đảm bảo quyền lực của Đảng. Anne Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị Trường Đại học Canterbury, cho biết đây là một trong những điều quan trọng nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện ngày nay(2). Sau Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã định kỳ tổ chức các Hội nghị Trung ương, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển mới; tập trung nguồn lực triển khai trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại, nghĩa là hướng về người Trung Quốc và đối với người nước ngoài và cả thế giới, cũng như bốn loại hình: tuyên truyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội(3). Trong đó xác định “chính trị là căn bản, kinh tế là trọng tâm, quân sự là then chốt và ngoại giao là cơ sở”, đồng thời điều chỉnh linh hoạt trong từng thời điểm cho phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước. Nhờ đó, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XIX, bảo đảm hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” về xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021.
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra các yêu cầu mới về công tác xây dựng Đảng và đường lối tổ chức của Đảng trong thời đại mới, nhấn mạnh vào việc kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, coi đây là nguyên tắc căn bản, đặc trưng và ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, con đường tất yếu để kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc(4).
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với các công tác quan trọng; quyết liệt thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, đảm bảo vai trò hạt nhân lãnh đạo trong Đảng. Với quan niệm rằng lực lượng của Đảng đến từ tổ chức, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và toàn bộ công tác của Đảng phải dựa vào hệ thống tổ chức vì vậy cần xây dựng các tổ chức từ Trung ương, địa phương và cơ sở, kiên trì xây dựng Đảng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, hay trong các lĩnh vực mới nổi.
Lấy lý luận soi đường cho hành động, coi tư tưởng là ngọn cờ để tiến lên, việc xây dựng Đảng thông qua công tác tư tưởng và công tác tuyên truyền, giáo dục luôn là cẩm nang quan trọng, là kim chỉ nam dẫn đường cho Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển và tiến lên. Trung Quốc đã tổng kết những “bước nhảy vọt lịch sử” của quá trình “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác” trong 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; xây dựng hệ thống lý luận tương đối toàn diện về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”; hoàn thiện hệ thống “quan điểm phát triển mới” phù hợp với bối cảnh thời đại; tiếp tục củng cố quan điểm an ninh quốc gia tổng thể và mở rộng phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia một cách toàn diện; bổ sung “tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” vào hệ thống lý luận công tác đối ngoại của Trung Quốc.
Trách nhiệm lãnh đạo công tác tuyên truyền, cụ thể là quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và phim ảnh thuộc về Ban Tuyên truyền Trung ương của Đảng. Ban Tuyên truyền Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm định hướng công tác tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những không gian tư tưởng công cộng, chẳng hạn như các tổ chức truyền thông và tin tức, cơ sở giáo dục, trung tâm văn học và nghệ thuật, các triển lãm văn hóa đều chịu sự giám sát về tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng có các bộ phận chức năng phụ trách công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với trách nhiệm quán triệt đầy đủ, chính xác các phương châm, chính sách của công tác đối ngoại, nghiên cứu tình hình quốc tế và vấn đề quốc tế, quản lí công tác trao đổi đối ngoại có liên quan…
2. Nâng cao vai trò quản lý công tác tuyên truyền của Nhà nước
Sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc cũng từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý báo chí, truyền thông mang đặc sắc Trung Quốc theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Chính phủ quản lý, doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, lấy báo Đảng làm trọng tâm, phát triển theo cơ chế thị trường. Chính phủ Trung Quốc không cho phép báo chí tư nhân hoạt động, các cơ quan truyền thông nước ngoài phải có tổng biên tập mang quốc tịch Trung Quốc, sống tại Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc được phép có cổ phần đặc biệt để có thành viên trong hội đồng quản trị của cơ sở tại Trung Quốc.
Về hoạt động xuất bản, hiện nay Trung Quốc có khoảng hơn 2.000 nhà xuất bản hoạt động theo nhiều loại hình tổ chức: Nhà xuất bản là cơ quan xuất bản của Đảng, nhà xuất bản là doanh nghiệp, nhà xuất bản nằm trong tập đoàn gồm cả báo chí, xuất bản, truyền thông. Điều 4 Điều lệ quản lý xuất bản do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, quy định: “Hoạt động xuất bản phải đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, thực hiện sự kết hợp giữa lợi ích xã hội với lợi ích kinh tế”. Bất luận hoàn cảnh nào, ngành xuất bản đều phải đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, kiên trì phát triển văn hoá tiên tiến của chủ nghĩa xã hội, lấy mục tiêu là đáp ứng nhu cầu văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân.
Đối với báo chí truyền thông, cuộc cải tổ được bắt đầu từ thời kỳ cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào cuối những năm 1970. Bắt đầu từ báo in được quản lý theo kiểu doanh nghiệp và cơ chế thị trường, sau đó đến phát thanh, truyền hình. Chế độ phân phối báo chí độc quyền qua bưu điện trước đây đã thay thế bằng việc các tờ báo tự tổ chức phân phối sản phẩm của mình.
Từ năm 1997, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm quản lý và kiểm duyệt Internet và mạng xã hội, trong đó ban hành “Quy định về việc quản lý và đảm bảo an toàn an ninh mạng và thông tin máy tính”. Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc là đơn vị triển khai và giám sát việc thực hiện quy chế này. Năm 1998, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đã khởi xướng dự án trọng điểm quốc gia “Great Firewall” (Vạn lý Trường Thành trên mạng) và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11.2003.
Bên cạnh việc quản lý nội dung trên mạng Internet bằng hàng rào kỹ thuật và các quy định bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, Bộ An ninh Trung Quốc còn thành lập đội “Cảnh sát mạng” và “Tình nguyện viên cảnh sát mạng” nhằm tăng cường công tác kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm có tác động xấu đến xã hội. Hiện có khoảng 50.000 cảnh sát mạng thực hiện quản lý các nội dung trực tuyến và tiến hành điều tra các hoạt động gian lận, lừa đảo, khiêu dâm, đặc biệt ngăn chặn tội phạm, khủng bố trên không gian mạng.
Đồng hành cùng lực lượng trên là gần 2 triệu tình nguyện viên cảnh sát mạng theo dõi và hướng dẫn việc sử dụng Internet của người dân; giúp các cơ quan bảo mật mạng kịp thời phát hiện các lỗ hổng; ngăn chặn các đề tài, hình ảnh độc hại và lan toả những thông tin tích cực; hỗ trợ cảnh sát bảo vệ an ninh mạng. Đội ngũ tình nguyện viên cảnh sát mạng có sự tham gia đông đảo của cư dân mạng, đặc biệt là sinh viên của các trường đại học thông qua chương trình “Hãy nổi lên ngọn gió của một nền văn minh Internet”.
Họ có mặt trên mọi diễn đàn và mạng xã hội để kiểm soát và định hướng hơn 700 triệu người Trung Quốc dùng Internet, thậm chí có cả nhân viên chuyên nghiệp ở nước ngoài. Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc còn lập các đơn vị cảnh sát an ninh mạng ngay tại các công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn và các trang web quan trọng như Alibaba, Tencent, Baidu nhằm hỗ trợ các công ty này quản lý an ninh mạng.
Chính phủ Trung Quốc còn tuyển dụng nhiều chuyên gia để theo dõi và giám sát hoạt động của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thường xuyên gửi các báo cáo về các nội dung, bài viết trên mạng, các từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất…
Tháng 11.2016, “Đạo luật về an ninh không gian mạng” (Cybersecurity Law) được Quốc hội Trung Quốc thông qua và có hiệu lực từ ngày 01.6.2017 đã giúp cho không gian mạng của Trung Quốc được kiểm soát rất chặt chẽ. Người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin và bình luận nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 5 ngày đến 11 năm. Các công ty nước ngoài phải lắp đặt máy chủ tại Trung Quốc. Người dùng Internet phải đăng ký các dịch vụ trên mạng với tên thật, và dự kiến gắn liền với nó là hệ thống chấm điểm công dân. Các trang web không được cấp phép thì không được đăng bất kỳ tin tức gì trên mạng.
Toàn bộ hệ thống mạng Internet ở Trung Quốc đã trở thành “Chinternet” do nhà nước kiểm soát chặt chẽ cả về nội dung, mạng lưới kết nối, ứng dụng và các kênh giao tiếp. Great Firewall phát huy hiệu quả trong ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung không được phép, đồng thời giám sát và kiểm duyệt người dùng mạng Internet. Trung Quốc còn tăng cường sử dụng những KLO (Key Leader Opinion - những người có tầm ảnh hưởng) như người nổi tiếng, các chính khách để họ trao đổi, nói chuyện, dẫn dắt dư luận trên các diễn đàn, blog, nhằm hình thành “kỷ luật tự giác” của người sử dụng mạng.
3. Tranh thủ cảm tình của cộng đồng quốc tế trong công tác tuyên truyền
Song song với hệ thống báo chí, truyền thông phục vụ nhu cầu trong nước, hệ thống báo chí đối ngoại của Trung Quốc cũng góp phần đưa hình ảnh Trung Quốc ra thế giới, góp phần đảm bảo an ninh truyền thông.
Vào ngày 01/6/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị học tập dành cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh rằng các quan chức Trung Quốc cần phải tích cực truyền thông về hình ảnh Trung Quốc cho người nước ngoài, là một đất nước “dễ mến, đáng kính và đáng tin cậy”, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “kết bạn rộng rãi, không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè” của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh giúp mọi người hiểu rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự vì hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc mà phấn đấu”(5).
Nhiều người nhận định, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc căn cứ trên lý thuyết “tam chiến” bao gồm ba yếu tố: “chiến tranh tâm lý”, “chiến tranh dư luận”, và “chiến tranh pháp lý”. Trong đó “chiến tranh dư luận” (hay còn gọi là chiến tranh truyền thông) là “một hoạt động liên tục, kéo dài nhằm mục đích tác động lâu dài đến nhận thức và thái độ”. Chiến tranh truyền thông hướng tới duy trì tinh thần thân thiện, tạo ra sự ủng hộ của công chúng trong và ngoài nước(6).
Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế nhận định, Bắc Kinh cũng đang tìm cách chuyển trọng tâm toàn cầu về phía Đông, tuyên truyền ý tưởng về một trật tự thế giới mới với một Trung Quốc đang trỗi dậy ở trung tâm của nó. Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN - China Global Television Network) đưa ra một viễn cảnh hấp dẫn cho các nhà báo phương Tây với mức lương cạnh tranh để làm việc trong các studio được xây dựng hiện đại ở Chiswick, phía Tây London. CGTN - với tư cách là chi nhánh quốc tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) được đổi thương hiệu vào năm 2016 - là thành phần quan trọng nhất trong quá trình mở rộng truyền thông nhanh chóng của Trung Quốc trên toàn thế giới, theo Chủ tịch Tập Cận Bình, mục đích là “kể câu chuyện của Trung Quốc một cách thú vị”(7).
Trong những năm qua, Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tiếp tục mở rộng và ngày càng trở nên “bản địa hóa” - nghĩa là, sử dụng một số lượng lớn các nhà báo, phương tiện truyền thông nước ngoài, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát biên tập. CCTV có các chi nhánh chính ở Washington (Mỹ) và Nairobi (Kenya). Các chương trình phát sóng của kênh hiện tại giữa trụ sở chính ở Bắc Kinh và các trường quay ở Washington, Nairobi. Tuy nhiên, các câu chuyện và bài báo liên quan đến Trung Quốc đều được văn phòng tuyên truyền đối ngoại của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc kiểm duyệt(8). Tân Hoa Xã có hơn 170 văn phòng nước ngoài trên toàn thế giới và duy trì 31 văn phòng ở Trung Quốc.
4. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt xây dựng Đảng về đạo đức nhằm tạo cơ sở thực tiễn cho công tác tuyên truyền
Báo chí truyền thông, tuy có sức mạnh quảng bá, lan truyền, tạo dư luận xã hội, thay đổi thái độ và hành vi của con người, nhưng phải truyền thông trên cơ sở thực tiễn, không bịa đặt, tô hồng, thổi phồng, nói quá sự thật. Báo chí truyền thông làm nhiệm vụ phản ánh sự thật. Vì vậy, để công tác tuyên truyền về Đảng, chế độ đạt hiệu quả cao nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức.
Đảng Cộng sản Trung Quốc thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm về đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, chẳng hạn như tình trạng nhận thức về vấn đề đạo đức chưa đầy đủ, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, buông thả trước cám dỗ; nhiều đảng viên có biểu hiện hình thức, không đi vào thực chất; tình trạng tổ chức cơ sở buông lỏng quản lý, giám sát đảng viên…(9).
Mỗi đảng viên đều là một tế bào và chủ thể hoạt động của Đảng, vì thế việc xây dựng đội ngũ đảng viên được Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là “công trình vĩ đại”. Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng chia sẻ: “chỉ cần mỗi một tổ chức Đảng cơ sở và mỗi một đảng viên cộng sản đều có ý thức tôn chỉ và ý thức trách nhiệm mạnh mẽ, đều có thể phát huy vai trò chiến đấu, vai trò gương mẫu tiên phong, Đảng ta sẽ có rất nhiều sức mạnh, đất nước sẽ có rất nhiều sức mạnh, nhân dân sẽ có rất nhiều sức mạnh, cơ sở cầm quyền của Đảng sẽ vững như bàn thạch”, “Đi sâu thúc đẩy quản lý Đảng toàn diện, cần phải đưa việc giáo dục tư tưởng chính trị lên vị trí hàng đầu, giáo dục và hướng dẫn đảng viên, cán bộ bổ sung đầy đủ “canxi” của tinh thần, củng cố “hồn” của tư tưởng”(10).
Từ lý tưởng định hướng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy xây dựng Đảng về đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và quán triệt sáng tạo lý luận của Đảng, kết nối với học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin gắn liền với lịch sử Đảng, lịch sử Trung Quốc mới, lịch sử cải cách mở cửa, lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội - thực tiễn phong phú của xã hội. Bồi dưỡng đạo đức cần chú trọng cả giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan, đạo đức chính trị và đạo đức nghề nghiệp, tạo được sự đồng lòng về định hướng chính trị, tư tưởng, hành động, hiểu rõ và làm theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do Trung ương Đảng dẫn đầu, với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân.
Trung ương Đảng đã ban hành “Ý kiến về việc bồi dưỡng và thực hành giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa”, “Ý kiến về việc tăng cường và cải tiến hơn nữa giáo dục tính đảng trong bồi dưỡng, đào tạo cán bộ”, phát huy giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, định hướng các giá trị quan của người đảng viên: trung thành, công bằng, thật thà, chính trực, cầu thị, trong sạch…(11) . Nhiều phong trào hoạt động giáo dục với các chủ đề phong phú từ Trung ương đến quần chúng nhân dân cũng được chú trọng, mang tính thường xuyên, dài hạn.
5. Cải tiến, đổi mới sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục, tiếp cận nhân dân
Từ cuối năm 2013, một loạt phim hoạt hình về chính trị đã được đăng tải trên mạng và được lan truyền nhanh chóng. Hầu hết những hình ảnh động chính trị này được ghi nhận là xưởng sản xuất phim 复兴 路上 工作室 (“Studio trên con đường phục hưng”). Phim hoạt hình chính trị đầu tiên xuất hiện là 领导人 是 怎样 炼成 的 (“Các nhà lãnh đạo được rèn luyện nên như thế nào”), một video hoạt hình dài năm phút so sánh cuộc bầu cử ở Trung Quốc với các cuộc bầu cử ở phương Tây, chẳng hạn như Mỹ và Anh. Video được ra mắt vào tháng 10.2013 và đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trong vòng năm ngày kể từ khi được đăng trực tuyến(12).
Vào tháng 2.2014, Qianlong.com dưới sự quản lý của Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh đã phát hành loạt phim hoạt hình “Thời gian của Chủ tịch Tập Cận Bình đã trôi qua thế nào?” (习主席的时间都去哪儿了?), với hình ảnh của Tập Cận Bình tương tự như hình ảnh trong phim “Các nhà lãnh đạo được rèn luyện nên như thế nào” và xoay quanh hình ảnh về các hoạt động như khảo sát, thăm cấp nhà nước, cuộc họp, học tập và sở thích cá nhân là đọc sách, đi bộ đường dài, chơi bóng đá, v.v.. Loạt phim hoạt hình này sau đó còn được cải tiến thành các hình thức truyền thông có sự tương tác, bắt mắt về mặt hình ảnh, thiết kế, thu thập thông tin và hiệu đính, với sự đầu tư quy mô lớn, giúp người sử dụng có thể xem lịch trình của Tập Cận Bình tại các sự kiện như APEC năm 2014. BRICS, chuyến thăm của ông tới Mỹ Latin năm 2016...
Thành công của loạt phim hoạt hình đã khích lệ người làm truyền thông (cả nhà nước và thương mại mới) luôn sáng tạo để tìm ra cách truyền thông hình ảnh các nhà lãnh đạo chính trị(13). Điều đó cho thấy, sự cải tiến không ngừng trong cách thức truyền thông Trung Quốc tiếp cận với người dân, qua các cách thức, phương tiện và thông điệp khác nhau. Chính phủ Trung Quốc coi Internet như một công cụ hữu hiệu và hiệu quả cho công tác tuyên truyền. Năm 2013, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Hội nghị Công tác tư tưởng và tuyên truyền Quốc gia: “Internet đã trở thành chiến trường chính để đấu tranh dư luận”(14).
Những điều này cho thấy sự không ngừng thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông. Khác với những thời kỳ trước, truyền thông chủ yếu được coi như một công cụ tuyên truyền để huy động lực lượng kháng chiến, khi mà những lãnh đạo chính trị như Đặng Tiểu Bình coi những người làm báo chí như những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, hay “kỹ sư tâm hồn”(15).
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên truyền thông mới, với sự xuất hiện của các loại hình truyền thông có sự tham gia và tương tác đa chiều thì cách thức và quan niệm về truyền thông cũng phải thay đổi. Trong Hội nghị về “Công tác tư tưởng và tuyên truyền quốc gia” vào tháng 8.2013, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu tăng cường và cải thiện công tác tuyên truyền đối ngoại, nhằm “rèn luyện những khái niệm mới, những phạm trù mới và những cách diễn đạt mới để truyền thông khắp Trung Quốc và nước ngoài”, để “kể tốt câu chuyện của Trung Quốc, tuyên truyền tốt tiếng nói của Trung Quốc và thể hiện tốt các đặc điểm của Trung Quốc”.
Một cuộc cách mạng làm thay đổi nhiều chiều cạnh của truyền thông, với nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng và kỹ năng mới được cập nhật, thay thế luồng thông tin một chiều bằng sự tham gia của công chúng, với sự lãnh đạo và định hướng linh hoạt, có sự hợp tác tích hợp giữa các bộ phận khác nhau, thay vì các bộ phận làm việc đơn phương dưới sự quản lý theo chiều dọc như tại CCTV trước đây(16). Công chúng không còn được coi là mục tiêu thụ động, mà trong truyền thông trực tuyến, công chúng có những cơ hội chưa từng có trước đây. Đó cũng chính là lúc các thông điệp chính trị phải thể hiện được khả năng dẫn dắt, định hướng, lan tỏa và nâng cao tinh thần công chúng, tạo nên sự gắn kết xã hội và thu hút người dân với các giá trị về chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra.
6. Kết luận
Những phát triển và cải cách mới trong công tác tuyên truyền cho thấy đã có những thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cách nhìn nhận về hiệu quả của luồng thông tin đơn hướng từ Nhà nước đến công chúng. Nỗ lực và thành công trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra động lực mới trong tuyên truyền chính trị, trong đó không chỉ có cơ quan Đảng, mà cả truyền thông thương mại, các công ty truyền thông mới, độc lập và cư dân mạng đều chung tay thúc đẩy các giá trị chủ đạo, phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc./.
____________________________________________________
* Bài viết là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước KX04.32: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”.
(1)《党内组织及宣传教育问题议决案》(Nghị quyết Tổ chức Đảng)”. Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản gốc lưu trữ ngày 10.4.2019. Truy cập ngày 11.7.2020.
(2) Brady, Anne-Marie (2008), Marketing dictatorship: propaganda and thought work in contemporary China. Rowman & Littlefield. tr.1.
(3) Brady, Anne-Marie (2006), Guiding Hand: The Role of the CCP Central Propaganda Department in the Current Era. Westminster Papers in Communication and Culture. 3. 58. 10.16997/wpcc.15.https://www.researchgate.net/publication/317573167_Guiding_Hand_The_Role_of_the_CCP_Central_Propaganda_Department_in_the_Current_Era
(4) Lê Thị Mỹ Duyên, Học viện Chính trị quốc qia Hồ Chí Minh khu vực I: 8 bài học kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, https://drvn.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-dang-uy/8-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-trung-quoc-ve-cong-tac-to-chuc-xay.html?site=20830.
(5) Bình An (2021), Tại sao ông Tập muốn cải thiện hình ảnh Trung Quốc với quốc tế?, https://tuoitre.vn/tai-sao-ong-tap-muon-cai-thien-hinh-anh-trung-quoc-voi-quoc-te-20210602143908456.htm.
(6) https://www.vietnamplus.vn/chien-dich-tuyen-truyen-cua-trung-quoc-cung-co-yeu-sach-tren-bien-dong/667395.vnp.
(7) Nghiên cứu quốc tế (2019), Bên trong chiến dịch tuyên truyền toàn cầu táo bạo của Trung Quốc. http://nghiencuuquocte.org/2019/10/30/chien-dich-tuyen-truyen-toan-cau-tao-bao-trung-quoc/.
(8) https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/mot-so-kinh-nghiem-tu-cong-tac-tuyen-truyen-cua-trung-quoc-133987.
(9), (11) Kinh nghiệm xây dựng Đảng về đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông tin khoa học lý luận chính trị - số 7 (89)-2022.
(10) Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (21.07.2020). Kể chuyện Tập Cận Bình: Công trình vĩ đại này, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu phải làm từ đầu đến cuối. Facebook. https://www.facebook.com/criviet/posts/2754608247973965/.
(12), (13) Qin, Lei. (2019). From “Propaganda” to “Guided Communication”. Animating Political Communication in Digital China. Lingue Culture Mediazioni - Languages Cultures Mediation (LCM Journal). 5. 10.7358/lcm-2018-002-qinl.
(14) Jane Cai (2021), China’s internet was hailed as a path to democracy but the Communist Party reshaped it in its own image. https://www.scmp.com/tech/big-tech/article/3124305/chinas-two-sessions-2021-plans-digital-china-transformation-come?module=perpetual_scroll_1&pgtype=article&campaign=3124305.
(15) Communist Party Literature Research Center (CPLRC) (1994), Selected Works of Deng Xiaoping, vol. 2: 1975-1982. Beijing: Renmin Chubanshe.
(16) CPC News (2015), “Xuezhe Guancha: Jiexi Xi Jinping Lun Xin Meiti Jianshe de ‘Si Ge Zhongdian’ 学者观察:解析习近平论新媒体建设的‘四个重点’” (Scholar Observation: Analyzing the ‘Four Key Points’ in Xi Jinping’s Talks on New Media.Construction).[10.10.2018]. http://cpc.people.com.cn/xuexi/n/2015/0616/ c385474-27160250.html.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
- Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
- Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
- Vạch trần luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề tự do tôn giáo âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Trí thông minh nhân tạo hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiêu bài thâm hiểm của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hủy tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trắng trợn xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu này là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại Việt Nam có vai trò tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần nâng cao vị thế đất nước, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước gắn kết ngày càng chặt chẽ với thế giới; đồng thời, đóng góp quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tin tưởng, kiên định, giữ vững con đường cách mạng và thành tựu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước ta.
Bình luận