Lại bàn về vấn đề phân loại tác phẩm báo chí
Trước hết cần khẳng định rằng phân loại tác phẩm báo chí là một trong những phương pháp tiếp cận nghiên cứu các tác phẩm báo chí. Việc phân loại tác phẩm báo chí rất phức tạp, trước hết do thực tiễn báo chí vô cùng sinh động, đa dạng. Nhà báo luôn bị câu thúc bởi hạn định thời gian do tính định kỳ của sản phẩm báo chí cũng như yêu cầu thông tin của công chúng. Đặc biệt, làm báo là tham dự vào cuộc chạy đua thông tin. Việc đưa tin nhanh về các sự kiện thời sự nóng hổi được công chúng khát khao chờ đón là dấu hiệu đặc biệt quan trọng về sự thành công của nhà báo, những “niêm”, “luật” về thể loại nhiều khi chỉ có ý nghĩa tương đối, không được coi là yếu tố bắt buộc, cần quan tâm.
Mặt khác, sản phẩm báo chí (tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, v.v..) được tạo thành bởi nhiều loại chất liệu khác nhau. Các tác phẩm chỉ chiếm vị trí và dung lượng nào đó – thường là lớn nhất và có vai trò quyết định. Những tư liệu, những văn bản hoặc đoạn trích văn bản hành chính, những biểu bảng thống kê, biểu đồ, bản đồ, tranh ảnh, hình vẽ và các tác phẩm văn học nghệ thuật đều có thể được sử dụng để hình thành nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Vì thế, trước khi phân loại tác phẩm báo chí, cần phải phân biệt tác phẩm báo chí với các tác phẩm thuộc các loại hình sáng tạo khác mà trước hết và chủ yếu là văn học nghệ thuật.
Về một ranh giới giữa văn học và báo chí
Có thể nói, trong quan hệ giữa tác phẩm văn học nghệ thuật và tác phẩm báo chí thì đặc điểm rõ nét nhất để phân biệt là tính chất hư cấu và tính chất sự kiện. Trong văn học nghệ thuật, tác phẩm được hình thành trên cơ sở hư cấu. Nhà văn chiếm lĩnh cuộc sống, nhận thức nó và tái tạo cuộc sống thành hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Những con người, cảnh vật, quan hệ xã hội trong tác phẩm là sự phản ánh khái quát, điển hình hoá của cuộc sống hiện thực. Nó hoàn toàn không phải là sự phản ánh trực tiếp những con người, cảnh vật, mối quan hệ xã hội cụ thể của cuộc sống.
Ngược lại, báo chí phản ánh trực tiếp các sự kiện, hiện tượng cụ thể của đời sống. Tất nhiên, đó là những sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, được công chúng rộng rãi quan tâm. Sự kiện trong tác phẩm báo chí chính là những phán đoán trực tiếp của nhà báo về các sự kiện, hiện tượng có thật, vừa mới xảy ra. Vai trò của nhà báo là phát hiện ra sự kiện và những giá trị thời sự của sự kiện, phản ánh một cách khách quan sự kiện đó vào tác phẩm báo chí của mình. Chính tính khách quan cũng là một giá trị quan trọng cùng với tính hấp dẫn của thông tin về sự kiện tạo nên hiệu quả của tác phẩm báo chí. Bởi vì tính khách quan, trực tiếp tạo nên đặc điểm kênh thông tin, quy định tính chất giao tiếp nhà báo với công chúng cũng như thái độ tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng. Mặt khác, công chúng xã hội vừa là nhân vật, đối tượng phản ánh của báo chí, vừa là đối tượng tiếp nhận thông tin của báo chí. Họ là người kiểm soát khắt khe nhất tính chất khách quan của sự kiện được phản ánh trong tác phẩm báo chí.
Chính sự khác biệt trên đã quy định sự khác nhau về phương pháp sáng tạo giữa nhà văn và nhà báo. Trong khi nhà văn có thể dành thời gian dài để nghiên cứu thực tế, rồi suy ngẫm về nhân vật của mình trước khi đặt bút viết tác phẩm, thì nhà báo phải đi săn tin, phải sống cùng nhịp sống với các sự kiện nóng bỏng đang xảy ra và tính từng giây, từng phút cho sự ra đời tác phẩm của mình.
Khi xem xét quan hệ giữa tác phẩm văn học nghệ thuật với tác phẩm báo chí cũng không thể bỏ qua những vùng chồng lẫn, giao thoa giữa hai loại hình sáng tạo này. Trước hết là trong văn học cũng có những thể loại phản ánh người thật việc thật như một số thể ký. Tuy nhiên, một số thể ký này không đòi hỏi tính thời sự khắc nghiệt như báo chí. Hơn nữa, trong ký luôn hàm chứa nhiều cái chủ quan của nhà văn như những suy luận ngoại đề, những nhận xét về giá trị hay những hiện tượng từ tình cảm và quan niệm của cá nhân người viết. Đây là những yếu tố mà không phải là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, tính chất sự kiện của báo chí – tính chất đòi hỏi thông tin báo chí phải khách quan, chính xác và cụ thể.
Phóng sự – văn học hay báo chí, hay…
Cũng trong mối quan hệ giữa văn học và báo chí, có không ít tác giả coi phóng sự là thể loại tác phẩm văn học nghệ thuật hay ít ra là đưa ra ranh giới giữa phóng sự văn học và phóng sự báo chí. Trên thực tế, nếu xét cho cùng thì phóng sự không chỉ mang ý nghĩa khái niệm về một thể loại tác phẩm mà còn mang ý nghĩa là một phương pháp sáng tạo đặc thù của báo chí. Xét về phương pháp, phóng sự xuất hiện gắn liền với sự ra đời của báo chí, chỉ cách người ta phát hiện, phản ánh và thể hiện các sự kiện trên báo chí để mang đến cho người đọc thông tin trực tiếp, khách quan về các sự kiện đó. Xét từ ý nghĩa thể loại tác phẩm, phóng sự xuất hiện đầu tiên trên báo chí nước Anh hồi giữa thế kỷ XIX. Đó chính là những bài viết mô tả, tường thuật lại các cuộc họp nghị viện, tai nạn giao thông hay những trận chiến, những vụ thiên tai, hoả hoạn. Cùng với sự phát triển của báo chí, theo thời gian, phóng sự đã trở thành một trong những thể loại tác chiến hàng đầu của báo chí. Trong các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại như phát thanh, truyền hình, mật độ xuất hiện của phóng sự càng nhiều hơn. Ngôn ngữ biểu đạt và các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại mang lại cho phóng sự sức sống mới mạnh mẽ và năng lực chuyển tải thông tin sinh động, phong phú hơn.
ở nước ta, sự ra đời của báo chí vào nửa sau thế kỷ XIX đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về văn phong ngôn ngữ. Trong xã hội xuất hiện một lối văn mới – tân văn hay văn phóng sự, lấy diễn đạt ý là mục đích tối thượng, không câu nệ vào sự cân đối hài hoà cũng như “vẻ đẹp” hình thức câu văn của lối “văn ngôn”. Các nhà báo, nhà văn khi làm báo đều sử dụng lối văn này để diễn đạt tin tức hay viết các tác phẩm báo chí nói chung, trong đó có thể loại phóng sự.
Vậy có cần và có cơ sở không khi đặt ranh giới giữa phóng sự văn học và phóng sự báo chí? Phải chăng trên thực tế chỉ có phóng sự, cho dù nhà văn viết hay nhà báo viết ra nó! Thật ra thì nhà văn hay nhà báo khi viết phóng sự đều nhằm mục đích để in trên báo. ở nước ta, những thiên phóng sự nổi tiếng thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945 như Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng, Tôi kéo xe của Tam Lang, Trong làng chạy của Trọng Lang, Thanh niên truỵ lạc, Từ tình ái đến hôn nhân của Nguyễn Đình Lạp, Việc làng, Tập án cái đình, Dao cầu thuyền tán của Ngô Tất Tố, v.v… đều được đăng tải dài kỳ trên báo, về sau mới tập hợp lại để in thành sách. Khi viết các tác phẩm phóng sự này, các tác giả đã thực sự thâm nhập thực tế, điều tra khai thác thông tin đúng như phương pháp thực thụ của các nhà báo. Tam Lang đã khoác áo vai phu xe để viết Tôi kéo xe. Vũ Trọng Phụng đóng làm người đi ở để viết Cơm thầy cơm cô. Nguyễn Đình Lạp đã lang thang nhiều đêm trên hè phố Hà Nội để quan sát, tìm hiểu, khai thác tài liệu viết Thanh niên truỵ lạc và Từ tình ái đến hôn nhân… (xem: Lê Thị Đức Hạnh – Lời giới thiệu sách Nguyễn Đình Lạp tác phẩm – Nxb Văn hoá - Thông tin, H.2003). Về mục đích, rõ ràng những tác phẩm này nhằm phản ánh thực trạng đời sống xã hội ở cấp độ thời sự nhất. Nói cách khác, đó là những phóng sự có chất thời sự, mang đầy đủ những đặc trưng của sáng tạo báo chí. Ngoài các thiên phóng sự nổi tiếng kể trên, cũng chính các tác giả này đã viết nhiều phóng sự khác. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà những phóng sự đã không được in thành sách, không trở thành nổi tiếng.
Trở lại một bảng phân loại tác phẩm báo chí
Trong cuốn sách Tác phẩm báo chí tập 1 (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995) chúng tôi đã đưa ra một bảng phân loại tác phẩm báo chí. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày lại và bổ sung một số ý kiến mới xung quanh vấn đề này.
Chúng ta đều biết, cơ sở đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với sự phân loại là tiêu chí phân loại. Một hệ thống tiêu chí hợp lý là tiền đề sống còn cho một hệ thống phân loại hợp lý. Thông thường, người ta dựa vào ba tiêu chí sau để phân loại tác phẩm báo chí:
- Quy mô, tính chất của sự kiện, vấn đề;
- Hình thức, phương pháp phản ánh, chuyển tải thông tin;
- Mục đích, chức năng thông tin của tác phẩm.
Theo các tiêu chí trên, có thể phân loại tác phẩm báo chí thành ba nhóm thể loại: nhóm tác phẩm thông tấn, nhóm tác phẩm chính luận, nhóm tác phẩm chính luận – nghệ thuật.
Nhóm tác phẩm thông tấn gồm có các thể loại: tin, phỏng vấn, ghi nhanh, tường thuật, phóng sự, điều tra, bài báo. Ngoài tin và phỏng vấn, các thể loại tác phẩm còn lại của nhóm này rất gần gũi với nhau về tính chất và phương pháp thể hiện. Một số tác giả còn gọi chung ghi nhanh, tường thuật, điều tra và bài báo là loại bài phản ánh. Cũng có ý kiến cho rằng phóng sự, điều tra, tường thuật và ghi nhanh có cùng nguồn gốc chung là phóng sự. Nói cách khác, điều tra, tường thuật và ghi nhanh chỉ là những thể loại phái sinh của phóng sự. Chúng chỉ có sự khác biệt ít nhiều mức độ về tính chất, dung lượng thông tin và nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về một khía cạnh nào đó như tìm hiểu nguyên nhân hay phản ứng xã hội về một sự kiện thời sự nào đó.
Nhóm tác phẩm chính luận bao gồm các thể loại như: xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu phẩm, tản văn (phiếm luận)… Mục đích chung của nhóm tác phẩm này là thông tin giúp người ta hiểu sâu hơn về các mối quan hệ, tính chất hay bản chất của sự kiện hay vấn đề thời sự. Chính vì thế, phương pháp thể hiện của nhóm tác phẩm này là lôgic, luận lý và khái quát.
Nhóm thể loại cuối cùng, chính luận – nghệ thuật, là tập hợp khá phức hợp các thể loại nằm ở khu vực giao thoa giữa báo chí với loại hình sáng tạo văn học nghệ thuật như bút ký, nhật ký, ký sự, ghi chép, ký chân dung… (Xem: Tạ Ngọc Tấn chủ biên, Tác phẩm báo chí, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995).
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc phân loại tác phẩm báo chí có ý nghĩa tương đối, dựa vào tính trội của những biểu hiện dưới hệ quy chiếu của các tiêu chí phân loại. Sự tương đối này thể hiện từ bảng phân loại theo cấp độ nhóm đến cấp độ thể loại. ở mỗi thể loại, việc phân chia ra các thể cũng mang tính chất tương đối. Ví dụ, trong thể loại tin, người ta có thể dựa vào dung lượng, phương pháp thể hiện để chia thành các thể tin ngắn, tin vắn, tin có bình, tin công báo, tin sâu, tin tường thuật, v..v… Tuy nhiên trong một số giáo trình báo chí phương Tây, đôi khi người ta lại dựa vào đề tài, đối tượng phản ánh để chia thành các thể tin: tin toà án, tin bầu cử, tin quốc hội, tin khoa học, tin tội phạm, tin giáo dục, tin thể thao, tin tôn giáo, v.v… (xem John Hoenberg: Ký giả chuyên nghiệp, Nxb Hiện đại, Sài Gòn, 1974).
Đồng thời với tiến trình lịch sử của báo chí Việt Nam, các thể loại báo chí ở nước ta cũng có một quá trình phát triển phong phú và sinh động. Quá trình phát triển đó được triển khai chủ yếu theo hai hướng chính: thứ nhất là sự phân nhánh và hình thành các thể loại phái sinh nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng phong phú của xã hội, và thứ hai là sự tiếp nhận các yếu tố khác trong nền văn hoá dân tộc nhằm tăng cường năng lực thông tin và sự hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Có thể nói rằng sự hình thành của phóng sự điều tra (hay thể loại điều tra) từ thể loại phóng sự là sự phát triển thể loại báo chí theo hướng thứ nhất. Đáp ứng yêu cầu thông tin về nguyên nhân hay là giải đáp những nghi vấn về thực chất của các sự việc, hiện tượng trong xã hội chính là lý do sự ra đời của thể loại điều tra. Theo hướng thứ hai, các thể loại báo chí đã tiếp nhận các yếu tố như mô thức kể chuyện và các hình thức thể hiện trong văn hoá dân gian, phương pháp tu từ, cách lựa chọn chi tiết điển hình trong văn học nghệ thuật, cách biểu đạt trong ca dao, tục ngữ, v.v… để làm giàu thêm khả năng thông tin của các thể loại tác phẩm báo chí. Chính hướng phát triển này là một trong những cơ sở quan trọng nhất làm cho các thể loại tác phẩm báo chí không chỉ là những mô thức biểu đạt có tính quốc tế mà con mang đậm tính chất dân tộc, gắn bó chặt chẽ với những đặc trưng văn hoá của mỗi quốc gia./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 6 (tháng 11+12)/2005
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
Chiều 19/8/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu cho 35 sinh viên Khóa V.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận