(LLCT&TT) “Cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” là một hiện tượng mang tính hai mặt: vừa khẳng định tính kế thừa chức năng về truyền thống của các gia đình; vừa ẩn chứa những hiểm họa trong công tác cán bộ khi quyền lực xã hội bị thao túng bởi lợi ích cục bộ của gia đình, dòng họ. Từ việc tích hợp các kinh nghiệm đã qua trong lịch sử dân tộc, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần khắc chế sự lạm dụng quyền lực xã hội vì “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Trong lịch sử nhân loại cũng như ở nước ta, hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” trên các lĩnh vực chính trị, sản xuất - kinh doanh, văn hóa nghệ thuật, khoa học… là khá phổ biến. Đã có những gia đình, dòng họ có nhiều thành viên thành đạt trên cùng lĩnh vực hoặc trên nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Có những thành công đáng ngưỡng mộ của các thế hệ từ ông cha, tới con cháu.
Hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” có những nhân lõi hợp lý, đó là tính kế thừa chức năng. Theo lý thuyết về sự kế thừa chức năng thì thông thường trong gia đình, dòng tộc, thế hệ trước truyền bá cho thế hệ sau (thông qua con đường xã hội hóa cá nhân) những khả năng chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức, quản lý điều hành sản xuất, xã hội và cả những đức hạnh, phẩm chất lối sống của gia đình mình. Điều này quy định tính ưu trội đặc biệt của những người, những nhóm người trong những đẳng cấp trên, tầng lớp trên.
Xã hội cũ thường tuyệt đối hóa tính kế thừa chức năng, đóng kín mọi ngõ ngách dẫn tới quyền lực của những người trong giới trung lưu và hạ lưu, dù đó là người tài. Việc được nắm giữ các vị trí quyền lực và có địa vị cao trong xã hội được mặc định cho những người có xuất thân thuộc dòng dõi cao trong xã hội.
Ngày nay, xã hội đã tạo điều kiện cho mọi người có thể vươn tới quyền lực. Tuy thế, tính ưu trội về dòng dõi vẫn thuận lợi rất lớn trong việc tạo lập nghề nghiệp và thăng tiến xã hội.
2. Dư luận xã hội về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan”
Lâu nay, đang tồn tại các luồng ý kiến đánh giá khác nhau về hiện tượng “cha truyền con nối” hay “cả nhà làm quan” trong dư luận xã hội. Phần lớn các ý kiến hiện nay trên truyền thông đều theo xu hướng “lên án”, quy kết mọi sự thành đạt của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ là do “mưu sự” mà nên.
Chẳng hạn, những năm gần đây, báo chí đã phản ánh về việc, nhiều địa phương tồn tại hiện tượng cả nhà làm quan, cả họ làm quan với những bất cập được chỉ ra là “bổ nhiệm người nhà thay cho người tài”. Như trường hợp ông Triệu Tài Vinh, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, được dư luận cho rằng có 8 người nhà đều giữ các vị trí chủ chốt của nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Thông tin này sau đó được ông Vinh xác nhận với báo chí và cho rằng không nên “nhìn vào hiện tượng của sự việc” mà nên nhìn vào bản chất của sự việc như quy trình bổ nhiệm cán bộ, điều kiện, năng lực, hiệu quả làm việc của người được bổ nhiệm.
Trong “Câu chuyện cả nhà Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh làm quan”, đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, gia đình ông Nguyễn Nhân Chiến (sinh năm 1960) - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã có hàng chục người thân trong gia đình đảm nhận những chức vụ khác nhau trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của tỉnh.
Bộ Nội vụ đã họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, do Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng chủ trì vào ngày 17.2.2017. Tại cuộc họp báo đó, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, thông tin kết luận của Bộ này về việc “cả nhà làm quan” tại 9 địa phương, đơn vị mà báo chí đã nêu ra, gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế); huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk); tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền (TP Cần Thơ); Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính); tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng. Qua kiểm tra, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương, đơn vị này là 58 người (quan hệ ruột thịt: 18, quan hệ họ hàng: 40). Các tồn tại, thiếu sót trong tuyển dụng, bổ nhiệm, gồm: thiếu tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị hoặc chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, bổ nhiệm không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương, bố trí việc làm phù hợp trình độ, chuyên môn… Thời gian gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận có sai phạm trong các trường hợp cha bổ nhiệm con ở Quảng Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh…
Rõ ràng những sự việc kể trên để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội. Trước tiên là làm mất niềm tin vào thể chế, vào công tác cán bộ. Nếu hệ thống pháp luật chặt chẽ và việc thực thi công tác cán bộ đúng nguyên tắc thì không thể có những quyết định về công tác cán bộ ban hành một cách tùy tiện, tùy hứng như vậy. Thứ hai, các quyết định sai phạm về công tác cán bộ mỗi khi bị phanh phui thì liền xử lý bằng hình thức tạm thời điều chuyển hoặc cách chức,... Dù là hình thức nào thì cũng gây tổn hại đến xã hội xét trên phương diện niềm tin xã hội đối với nhân cách của người cán bộ (đối với những trường hợp cậy “ô dù” để thăng tiến) và sự lãng phí nguồn nhân lực xã hội (đối với những người có tài, đức thực sự nhưng không được trọng dụng khi có người thân làm lãnh đạo).
Làm thế nào để khai thác, sử dụng và phát huy tối đa nguồn lực từ sự kế thừa chức năng của những gia đình, dòng họ có truyền thống tốt đẹp nhưng không bị chi phối bởi yếu tố “lợi ích nhóm”, “bè cánh” trong thao túng quyền lực đang là bài toán khó. Rõ ràng, không thể vì e sợ các ý kiến cho rằng sử dụng người trong cùng gia đình, dòng họ sẽ dẫn đến nguy cơ thao túng quyền lực xã hội mà để lãng phí nguồn nhân lực quý giá này, nhất là những người có tài - đức về lãnh đạo, quản lý xã hội. Cũng vì áp lực của dư luận xã hội mà vào năm 2019, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã ban hành công văn “cấm” lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh này không được làm quy trình đề bạt con trai của mình đang công tác tại sở đây lên vị trí cao hơn.
3. Những kinh nghiệm kiểm soát quyền lực trong lịch sử và vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác cán bộ
Trong lịch sử, ông cha ta đã rất có kinh nghiệm giải quyết vấn đề này thông qua những chế định trong luật Hồi tỵ của Triều Lê (Hồng Đức) và luật Triều Nguyễn.
Lê Thánh Tông là vị Vua đầu tiên ban hành luật Hồi tỵ nhằm tránh những tình huống dẫn đến quan lại thiên vị cho những người thân thích trong khi thực hiện công vụ. Theo Đào Duy Anh thì hồi tỵ có nghĩa là tránh đi(1). Luật Hồi tỵ quy định một người làm quan thủ hiến ở một địa phương nếu có người bà con đã làm thuộc liêu thì người ấy phải đổi tránh đi chỗ khác.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1488, Vua Lê Thánh Tông xuống chỉ dụ quy định rằng: “Từ nay các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau”(2). Nhà vua còn ra quy định: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc thì Bộ lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”(3).
Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn. Ví dụ, các dịch lại ở các nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là bố con, anh em ruột, không được làm quan nơi cư trú, ở quê vợ, quê mẹ mình; cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ cũng bị cấm. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ, huyện là quê hương của mình.
Đến năm 1836, Luật Hồi tỵ còn được bổ sung thêm những quy định khắt khe hơn, như quy định các quan đầu tỉnh (tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học) không những cấm với người thân mà không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng bộ, nha, sở… không được bố trí những người có quan hệ cha - con, anh - em, thông gia, thầy - trò, họ hàng… Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen dự thi. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với phụ nữ nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng đất… trong địa hạt mình cai quản(4)...
Sau năm 1945, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra lỗi lầm trong công tác cán bộ và nghiêm khắc cảnh báo: “Những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(5).
Về sau, trong các văn bản Hiến pháp; Pháp lệnh cán bộ, công chức; Luật Cán bộ công chức; các nghị định... đều tập trung vào những quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan nhà nước.
Trong Hiến pháp quy định cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước phải trung thành với chế độ dân chủ của dân, tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến, và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng… Các quy định này mang tính nguyên tắc chung chứ chưa có những ràng buộc cụ thể về hồi tỵ để kiểm soát hành vi “một người làm quan cả họ được nhờ” theo chiều hướng tiêu cực.
Chỉ từ khi ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 ra đời những quy định ràng buộc tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” và đề bạt người thân mới được quy định rõ ràng hơn. Chẳng hạn, đã có những quy định cụ thể như: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức hoặc mua bán vật tư, hàng hóa giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan tổ chức đó. Bên mời thầu không được tham gia với tư cách là nhà thầu đối với các gói thầu do mình tổ chức(6).
Thời gian gần đây, tình trạng về nạn “lợi ích nhóm”, “bè cánh”, “ô dù” trong đời sống chính trị xã hội trở nên báo động. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) đều chỉ rõ, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát cơ sở, cục bộ, bè phái, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành… Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, cấp ủy các cấp đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương(7) được quan tâm chú trọng và thực tế ở nhiều nơi cho thấy, chủ trương này tạo ra hiệu quả tốt.
Bộ Công an đã thực hiện khá hiệu quả chủ trương này. Trước đại hội đảng bộ của các tỉnh, hàng loạt các giám đốc sở công an đã được điều chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Bộ Chính trị cũng đã luân chuyển một số bí thư tỉnh/thành ủy giữa các tỉnh và từ trung ương về tỉnh(8). Chủ trương này mang lại hiệu quả rất cao khi hướng đến mục tiêu: vừa đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả cán bộ; vừa không để cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ tại quê hương mình; vừa không để họ tại vị ở một nơi quá lâu. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý hiện nay, vẫn còn thiếu những điều quy định hồi tỵ một cách đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cán bộ, nhất là ở các khâu bổ nhiệm, bố trí, sử dụng…
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tích hợp những quy định còn hợp lý trong di sản luật pháp của cha ông để lại và bổ sung thêm những quy định mới phù hợp và chặt chẽ hơn trong tình hình mới.
4. Một số giải pháp góp phần kiểm soát sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ
Một là, nhận thức thật rõ, thật đúng đắn về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” để phát huy mặt tốt, hợp lý; ngăn chặn, chống lại mặt xấu, lạm dụng chức quyền thao túng lợi ích xã hội.
Về mặt lý luận, vận dụng lý thuyết kế thừa chức năng vào quá trình tuyển dụng, bố trí nhân sự phù hợp với từng vị trí việc làm. Có thể căn cứ vào lý lịch gia đình và bản thân ứng viên để đánh giá về năng lực, sở trường của họ làm căn cứ tiếp nhận, bố trí sử dụng và bổ nhiệm vào những vị trí việc làm thích hợp mang lại hiệu quả cao nhất.
Về mặt thực tiễn, phải căn cứ vào uy tín, hiệu quả trong công việc làm thước đo đánh giá năng lực và phẩm hạnh. Mục tiêu cao nhất của công tác bổ nhiệm cán bộ là cơ cấu người hiền - tài tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý xã hội mang lại hiệu quả chung cao nhất. Cho nên, tuyệt đối không a dua, ý kiến một chiều cho rằng bổ nhiệm con em cán bộ lãnh đạo là nguy cơ thao túng quyền lực để rồi dẫn đến sự lãng phí những tài năng.
Mặt khác, công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ phải tránh nguy cơ kết bè, kết cánh dẫn đến thao túng quyền lực xã hội. Để khắc chế điều này, một trong những điều cần làm nhất là phải củng cố, xây dựng hệ thống những quy định về Luật Hồi tỵ thật chặt chẽ, phù hợp với tình hình hiện nay và tổ chức thực hiện thật nghiêm minh.
Hai là, thực hiện quy trình công tác cán bộ phải thật sự minh bạch, dân chủ, thực chất; gắn công tác cán bộ của Đảng với pháp luật Nhà nước (hiến pháp, pháp luật…).
Về mặt thực tiễn, sử dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình nhưng phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ thực sự. Bổ nhiệm cán bộ là khâu quan trọng nhất nên phải tuân thủ triệt để pháp lệnh dân chủ cơ sở. Nhiều nơi đã làm đúng quy trình, có lấy ý kiến thăm dò rộng rãi từ quần chúng nhưng cuối cùng, ý kiến quyết định vẫn do Ban thường vụ cấp ủy định đoạt. Mà trên thực tế thì có trường hợp, những ý kiến của một số thành viên trong ban thường vụ cấp ủy không đảm bảo được tính khách quan do vị nể nhau, bị ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến nhau khi nhân sự đưa ra xem xét, bổ nhiệm là người nhà của lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị hay địa phương đó.
Vì vậy, ý kiến của ban thường vụ có tính quyết định song nhiều khi chưa hẳn bảo đảm tính khách quan về những sự việc có liên quan đến người nhà của lãnh đạo trong đơn vị mình. Thực tế này càng đòi hỏi phải gắn công tác cán bộ của Đảng với pháp luật của Nhà nước, tức là phải bổ sung, kiện toàn hệ thống hiến pháp, pháp luật theo hướng bổ sung thêm những quy định về hồi tỵ. Việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải được xây dựng thành những điều luật bắt buộc đối với công tác cán bộ. Pháp luật phải thực sự có quyền lực tối thượng trong đời sống thực tiễn nói chung, đặc biệt là trong công tác cán bộ.
Ba là, phát huy vai trò của nhân dân làm “tai mắt” của Đảng để kịp thời phát hiện, xử lý hiện tượng xấu.
Gần đây đã có Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30.10.2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03.10.2017, của Ban Bí thư về việc “Ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Từ đó đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả cao như: định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân.
Thực tế hiện nay đòi hỏi cần nâng cao nhận thức cho người dân về quyền tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cần làm cho người dân hiểu rằng, cán bộ được trả lương là để phục vụ người dân, phụng sự đất nước. Vì vậy, khi phát hiện thấy cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống cần báo ngay cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Một trong những nguyên tắc cơ bản mà Ðiều lệ Ðảng đã quy định là Ðảng phải “gắn bó mật thiết với nhân dân”, đồng thời Ðảng “chịu sự giám sát của nhân dân”. Phát huy tốt vai trò “tai mắt” của nhân dân sẽ là biện pháp giám sát, kiểm soát cán bộ các cấp một cách hiệu quả nhất.
Bốn là, sử dụng báo chí - truyền thông để đấu tranh, xử lý các hiện tượng tiêu cực.
Thực tế ở nước ta cho thấy, các sự việc liên quan đến sự suy thoái đạo đức, tư tưởng và vi phạm pháp luật của một số cán bộ phần lớn đều do báo chí - truyền thông “điểm mặt, chỉ tên”. Và từ những thông tin được báo chí - truyền thông nêu ra lại được đông đảo công chúng quan tâm đưa ra những ý kiến phán xét trong các luồng dư luận xã hội. Những ý kiến này thường được chuyển tải qua các phương tiện báo chí - truyền thông và điều này tạo nên áp lực vô cùng lớn góp phần ngăn chặn các ý đồ lạm dụng quyền lực mưu cầu lợi ích cục bộ ở một số cán bộ chủ chốt các cấp.
Như vậy, để phát huy vai trò của báo chí - truyền thông, thứ nhất, cần nhất quán thực hiện cơ chế công khai, minh bạch thông tin về công tác cán bộ ở các cấp, báo chí được quyền tiếp cận và phản ánh mọi sự thật về những vụ việc khuất tất liên quan đến công tác cán bộ (không có vùng cấm); thứ hai, khi được báo chí - truyền thông cung cấp thông tin về những “sự cố” công tác cán bộ cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc để kịp thời xử lý triệt để. Quá trình và kết quả xử lý như thế nào cũng được báo chí tham gia phản hồi thông tin. “Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, (…) bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân”(9). Có như vậy, niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị mới vững bền và phát triển./.
_______________________________________________
(1) Đào Duy Anh, Hán – Việt từ điển giản yếu, Nxb. Trường Thi, in lần 3, tr.386, 387.
(2), (3) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H.,1993, tr.507, 521.
(4), (6) Đinh Thị Hương Giang, Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích ở Việt Nam, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 5.2017, tr.28.
(5) Hồ Chí Minh, Về tư cách người đảng viên cộng sản, Nxb Sự thật, tr.10.
(7) Cả nước đang triển khai thực hiện Quy định số 98 – QĐ/TW ngày 07.10.2017 về luân chuyển cán bộ.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG Sự thật, T.1, tr.44-45.
Bình luận