Mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại hiện nay - vấn đề đặt ra và đề xuất
1. Thực trạng mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước
Trong thời gian qua, vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước được phát huy, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước được Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương quán triệt đầy đủ, kịp thời và chấp hành, thực hiện nghiêm túc trong Đảng bộ Khối. Việc lãnh đạo, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng... đã và đang tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ Khối, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng tổ chức đảng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận được triển khai đồng bộ, đúng quy định, có nhiều đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nói chung, trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng. Việc lãnh đạo triển khai nhiệm vụ chính trị của các đảng uỷ trực thuộc cơ bản đạt yêu cầu đề ra, vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và tăng trưởng, các doanh nghiệp trong Khối giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ để Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thực tiễn mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại thời gian qua cho thấy cũng còn những khó khăn, hạn chế và vướng mắc:
Thứ nhất, Đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có những bất cập, hạn chế:
Một là, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với các cấp ủy địa phương ở một số nơi chưa chặt chẽ, thậm chí còn xảy ra một số vướng mắc, do chưa tạo được sự thống nhất nhận thức và đồng thuận của các cấp ủy địa phương, nhất là trong công tác tổ chức và cán bộ.
Hai là, nội dung, phương thức lãnh đạo của một số tổ chức đảng doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của DNNN trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng còn ít về số lượng, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, khả năng nắm bắt tình hình, việc xử lý thông tin đối với những đơn vị cơ sở có mặt còn hạn chế.
Ba là, một số cấp ủy chưa thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cấp ủy địa phương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, việc tổ chức học tập nghị quyết, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng Đảng, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là nơi cư trú gặp khó khăn, hiệu quả thấp; một số tổ chức đảng ở doanh nghiệp thành viên đóng trên địa bàn địa phương yếu kém, để xảy ra sai phạm nhưng chậm được củng cố, kiện toàn.
Thứ hai, mô hình Đảng bộ công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước cũng cho thấy còn nhiều hạn chế:
Một là, tổ chức đảng ở các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trực thuộc nhiều cấp ủy cấp trên khác nhau, chưa có sự đồng bộ và thiếu gắn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế cho thấy: hầu hết các Đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước lớn đều trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhưng cũng có một số đảng bộ trực thuộc cấp ủy địa phương hoặc đảng ủy cơ quan bộ chủ quản; một số đảng bộ tổng công ty trước đây trực thuộc Đảng ủy cơ quan Bộ chủ quản, khi thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì lại chuyển về trực thuộc Đảng ủy cơ quan Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Đảng ủy cơ quan Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các đảng bộ tổng công ty). Sự phân tán tổ chức và trực thuộc nhiều cấp ủy cấp trên khác nhau vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; vừa không rõ trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn của nhà nước, nhất là khi doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…
Hai là, tổ chức đảng ở các doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước cũng trực thuộc nhiều cấp ủy cấp trên khác nhau, dẫn đến sự thiếu thống nhất và có sự chia cắt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế cho thấy, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong khi đó, Tổng công ty Điện miền Bắc trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của 27 công ty điện lực tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ Điện lực Hà Nội trực thuộc Thành ủy Hà Nội), nhưng Đảng ủy Tổng công ty Điện lực miền Bắc không trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mà trực thuộc Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội (tương đương cấp huyện); các tổ chức đảng ở các đơn vị cấp dưới của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng trực thuộc Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội (tổ chức đảng của doanh nghiệp cấp trên và tổ chức đảng của doanh nghiệp cấp dưới cùng trực thuộc một cấp ủy cấp trên là Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội). Tương tự như vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, miền Nam lãnh đạo các Công ty Điện lực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đều trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng tổ chức đảng cũng không trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mà trực thuộc các cấp ủy địa phương, nơi Tổng Công ty đặt trụ sở là Thành ủy Đà Nẵng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba là, cơ chế quản lý và sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong công tác cán bộ chưa chặt chẽ, hiệu quả. Thực tế cho thấy, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước thời gian qua cho thấy trách nhiệm của chủ sở hữu đối với việc bổ nhiệm cán bộ sai hay sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ chưa được làm rõ. Việc phối hợp chưa hiệu quả giữa các bộ, ngành dẫn đến thiếu thông tin, không đủ căn cứ đánh giá chính xác chất lượng hoạt động của DNNN và công tác của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Do đó, có những cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành để doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, gây thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước nhưng không bị xử lý, thậm chí có người còn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc trao quyền cho người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN quá lớn, trong khi chế độ báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của DNNN chưa được quy định cụ thể. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán chưa được tiến hành thường xuyên, việc chủ động phòng ngừa sai phạm bị hạn chế.
Bốn là, mối quan hệ công tác và sự phối hợp giữa tổ chức đảng trong các doanh nghiệp với Đảng ủy toàn tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; với Đảng ủy Khối và cấp uỷ địa phương còn có vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa rõ ràng, chặt chẽ, hiệu quả. Tình trạng vi phạm các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn xảy ra ở nhiều DNNN. Ðáng chú ý, khi thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp được giao rất lớn, nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả khôn lường.
Năm là, mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp mới được cổ phần hoá, nhiều cổ đông, thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp là người nước ngoài chưa được thể chế hoá và hướng dẫn cụ thể, nên trong tổ chức và hoạt động còn lúng túng, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Việc quản lý tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc ở ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc duy trì sinh hoạt và triển khai công tác xây dựng Đảng.
Nhận thức rõ những hạn chế, tồn tại trong mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, Ban Bí thư đã ban hành một loạt các quy định mới như Quy định 60, 61 và 87. Việc chuyển giao, sắp xếp lại tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước theo Quy định 60, tổ chức cấp ủy cấp trên cơ sở theo Quy định 87 cũng như Quy chế phối hợp công tác giữa các Đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương theo Quy định 61 hiện đang được Đảng bộ Khối và cấp ủy các cấp tích cực triển khai. Tuy nhiên, thời gian thực hiện còn chưa dài nên đến cuối nhiệm kỳ cần có sơ kết, đánh giá, điều chỉnh, nếu cần thiết.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Đảng cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời kỳ mới. Cụ thể là: sửa đổi, bổ sung Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân; Quy định số 171-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Quy định số 294-QĐ/TW, ngày 19/10/2015 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ đang hoạt động ở nước ngoài, cho phù hợp với tình hình mới. Tinh thần là mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp phải gắn với mô hình tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hiệu quả tổ chức kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Những quy định chồng chéo, vướng mắc, phức tạp về mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần được rà soát, đánh giá, tham khảo ý kiến thực tế để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý.
Thứ hai, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức Đảng bộ Khối Doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương theo Quyết định số 48-QĐ/TW về việc thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/4/2007. Cần chú ý đánh giá hiệu quả hoạt động trong việc quản lý các tổ chức đảng được chuyển giao, tiếp nhận, sắp xếp lại thuộc thẩm quyền của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp ở trung ương và địa phương; hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy trong mối quan hệ với các tổ chức đảng trực thuộc, tổ chức đảng cấp trên và các ban, ngành, đoàn thể; cũng như sự phối hợp công tác giữa trung ương và địa phương. Chú ý đến sự phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, tránh những vụ việc đáng tiếc như vụ Tất Thành Cang lạm dụng quyền lực, làm giàu bất chính và thất thoát tài sản nhà nước ở Công ty Tân Thuận thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn việc kiện toàn mô hình tổ chức đảng cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.
Trước mắt, chuyển Đảng bộ Tổng Công ty Điện miền Bắc trực thuộc Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội về trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu việc chuyển Đảng bộ Tổng Công ty Điện lực miền Trung, miền Nam về trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trừ Điện lực Hà Nội và Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các đơn vị khác, cần kiện toàn, sắp xếp theo hướng: lập Đảng bộ công ty mẹ mở rộng gồm Đảng bộ công ty mẹ và tổ chức đảng ở một số doanh nghiệp quan trọng, không mở rộng quá nhiều doanh nghiệp thành viên, nhất là các doanh nghiệp mà nhà nước không nắm vốn chi phối. Tổ chức đảng ở những doanh nghiệp có hoạt động gắn kết với đời sống, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và sử dụng nhiều đất đai thì cân nhắc để trực thuộc cấp ủy địa phương, không chuyển về trực thuộc Đảng ủy tập đoàn, tổng công ty…
Thứ tư, đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục kiện toàn tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cụ thể là:
Một là, sơ kết, đánh giá và nếu cần thiết thì điều chỉnh việc thực hiện các quy định mới ban hành có liên quan. Cụ thể, việc chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức đảng và đảng viên, sắp xếp lại tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước theo Quy định 60, tổ chức đảng ủy cấp trên cơ sở theo Quy định 87 cũng như Quy chế phối hợp công tác giữa các Đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương theo Quy định 61. Hiện nay, Đảng bộ Khối và cấp ủy các cấp tích cực triển khai các quy định này. Tuy nhiên, thời gian thực hiện còn chưa dài nên đến cuối nhiệm kỳ cần có sơ kết, đánh giá và điều chỉnh, nếu cần thiết. Theo Quy định 60 của Ban Bí thư, tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy hoặc cấp ủy cấp huyện, đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy được tổ chức theo 2 mô hình là Đảng bộ toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty và Đảng bộ công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Tuy nhiên, nếu chiếu theo điều kiện và thẩm quyền quyết định việc thành lập hai mô hình đảng bộ này thì trên thực tế có thể lại có đến ba mô hình là đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối Trung ương, Đảng bộ trực thuộc cấp ủy địa phương và Đảng bộ trực thuộc đảng ủy khối thuộc tỉnh, thành ủy. Vấn đề này cần được lưu ý, sơ kết và đánh giá kỹ càng trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn.
Hai là, trên cơ sở sắp xếp lại mô hình tổ chức đảng theo cơ cấu mới, cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước xây dựng, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy; chức trách, nhiệm vụ của bí thư, phó bí thư và mỗi cấp ủy viên. Quy định rõ chế độ trách nhiệm và lề lối công tác; xây dựng cụ thể mối quan hệ công tác của cấp ủy với hội đồng quản trị, ban điều hành và ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định chức năng, nhiệm vụ của các ban tham mưu giúp việc cấp ủy. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp với cấp ủy địa phương theo Quy định của Ban Bí thư. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành quy định mẫu quy chế làm việc để các đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện.
Ba là, thực hiện thống nhất chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc, giám đốc và nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong doanh nghiệp. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên phù hợp với năng lực, sở trường cán bộ; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cán bộ các ban tham mưu xây dựng Đảng. Bố trí một phó bí thư chuyên trách có kinh nghiệm công tác đảng, đã kinh qua lãnh đạo công tác chuyên môn và quản lý doanh nghiệp.
Bốn là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện điều lệ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Tăng cường mối quan hệ công tác của cấp ủy đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở tập đoàn, tổng công ty, đơn vị thành viên và sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương nơi có doanh nghiệp thành viên hoạt động; định kỳ kiểm tra việc thực hiện ở các tổ chức đảng doanh nghiệp thành viên. Thực hiện việc giao một số quyền cấp trên cơ sở cho những đảng ủy cơ sở có đủ điều kiện theo quy định./.
__________________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Bí thư, Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư về Tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước.
2. Ban Bí thư, Quy định số 196-QĐ/TW, ngày 22/11/2008 của Ban Bí thư về Tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước.
3. Ban Bí thư, Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương.
4. Ban Bí thư, Quy định số 48-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về “Quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước”.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Quyết định số 1156-QĐ/ĐUK ngày 01/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc thành lập Đảng bộ toàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
6. Hoàng Đức Công (2014), “Xây dựng mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa”, Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 27/10/2014.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.I.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.II.
9. Hoàng Giang (2020), Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong việc tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp nhà nước, Tạp chí Quản lý Nhà nước ngày 02/06/2020.
10. Nguyễn Đức Hà (2021), Tổ chức đảng doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - Thực trạng và giải pháp, Báo Đầu tư Thương mại ngày 30/06/2021.
11. http://doanhnghieptrunguong.vn/
12. https://www.agribank.com.vn/
13. https://bidv.com.vn/
14. https://portal.vietcombank.com.vn/
15. https://www.vietinbank.vn/
16. Đỗ Tiến Khang (2011), Về mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Tạp chí Xây dựng Đảng số 6/2011.
18. Nguyễn Trường Sơn (2019), Vai trò của tổ chức Đảng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Báo điện tử của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ngày 31/10/2019.
19. Nguyễn Quốc Toản (2021). Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, trang Thông tin Điện tử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ngày 06/07/2021.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Xây dựng chính phủ số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Báo chí - truyền thông trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Đổi mới tư duy về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong giai đoạn mới
- Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong mọi chiến lược phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 37: Thương nhớ Bác!
-
2
Kênh truyền thông Mạch Nguồn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
-
3
Mạch nguồn số 38: Tuổi trẻ với pháp luật
-
4
Mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại hiện nay - vấn đề đặt ra và đề xuất
-
5
Gần 2.000 tân sinh viên K43 tham gia “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đầu khóa, năm học 2023 - 2024"
-
6
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng năm học 2023-2024
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(LLCT&TTĐT) Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là vấn đề cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền có vai trò quan trọng”. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề nguyên tắc, là một trong những quan điểm cơ bản, trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng, liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại hiện nay - vấn đề đặt ra và đề xuất
Mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại hiện nay - vấn đề đặt ra và đề xuất
(LLCT&TTĐT) Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, là nòng cốt của kinh tế nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, giữ vai trò điều tiết thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng khác. Với chủ trương đổi mới, sắp xếp lại DNNN của Đảng, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các DNNN nói chung, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng bước đầu đã có thay đổi. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tổng kết, nghiên cứu để đổi mới, kiện toàn, sắp xếp lại một cách khoa học và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, nhằm đáp ứng và cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng chính phủ số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Xây dựng chính phủ số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
(LLCT&TT ĐT) Cuộc cách mạng khoa học công nghệ cùng với sự bùng nổ thông tin mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các quốc gia. Điều này đã buộc chính phủ các nước phải đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng số hóa, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý. Tính đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành chuyển đổi số và bước đầu đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa tích cực. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đã có tầm nhìn chiến lược khi đã đưa nội dung chuyển đổi số vào nội dung các nghị quyết. Mới đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cập trực tiếp đến yêu cầu và mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số. Trước xu thế tất yếu của thế giới và quyết tâm chính trị cao xuất phát từ nhận thức ngày càng đầy đủ và toàn diện về vấn đề này, các hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam cũng đã và đang có sự đổi mới để phù hợp hơn với bối cảnh mới của thời đại số hóa.
Báo chí - truyền thông trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Báo chí - truyền thông trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
(LLCT&TT) Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, mục tiêu này được cụ thể thành các nhiệm vụ khác nhau. Để tuyên truyền thực hiện được có hiệu quả các nhiệm vụ lịch sử quan trọng đó thì vai trò của báo chí - truyền thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó chính là những nội dung mà bài viết này muốn đề cập đến.
Đổi mới tư duy về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam
Đổi mới tư duy về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam
(LLCT&TT) Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối mở cửa kinh tế, chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Đảng ta đã từng bước mở rộng, hoàn thiện nhận thức về nhu cầu hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng phù hợp với điều kiện của đất nước và yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Bài viết này tập trung làm rõ sự đổi mới tư duy chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam trên 02 phương diện: (1) Đổi mới tư duy đối ngoại và (2) Đổi mới tư duy hội nhập quốc tế.
Bình luận