(LLCT&TT) Văn hoá là lĩnh vực trọng yếu trong đời sống xã hội. Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ mà Đảng đã vạch rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, có vai trò quan trọng của báo chí. Báo chí vừa là bộ phận cấu thành văn hoá, được dưỡng sinh và phát triển trên mảnh đất văn hoá màu mỡ, vừa là nhân tố sáng tạo và có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hoá đương đại. Bài viết tập trung và phân tích rõ mối quan hệ giữa báo chí và văn hoá.
1. Báo chí - bộ phận cấu thành văn hoá
“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1) - theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho nên, văn hoá hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, thậm chí là cả văn hoá chính trị - theo cách lý giải của một số nhà nghiên cứu.
Văn hoá vật chất bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất vật chất của con người tạo ra: đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại… Văn hoá tinh thần bao gồm toàn bộ sản phẩm do hoạt động tinh thần của con người tạo ra: tư tưởng, tín ngưỡng - tôn giáo, kiến trúc, điện ảnh, văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, sân khấu, văn chương, lễ hội, phong tục, đạo đức, ngôn ngữ, báo chí…
Như vậy, báo chí là một bộ phận cấu thành văn hoá tinh thần, bởi báo chí là sản phẩm của sự sáng tạo, có giá trị, ích dụng. Báo chí thực hiện các chức năng thông tin, tư tưởng, quản lý, giám sát, định hướng dư luận xã hội, là phương tiện nâng cao tri thức, văn hoá đại chúng, là kênh giải trí tiện lợi. Nó còn có khả năng tác động, chi phối đến hoạt động kinh tế, dịch vụ… Để thực hiện tốt các chức năng của mình, đảm bảo hàm lượng văn hoá, báo chí luôn hoạt động trên nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, đảm bảo tính khuynh hướng, tính nhân dân, tính nhân văn, nhân đạo và tính dân tộc, quốc tế sâu sắc.
Từ sự ra đời của những tờ báo in hiện đại ở châu Âu đầu tiên vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII, sự xuất hiện của phát thanh cuối thể kỷ XIX, truyền hình vào đầu thế kỷ XX, đến sự bùng nổ của báo mạng bắt đầu từ năm 1992, đều gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ truyền thông và nhu cầu thông tin ngày một đa dạng, phong phú của xã hội loài người.
Khác với nhiều thành tố văn hoá khác, báo chí được xem là hiện tượng văn hoá đặc thù. Ở chỗ, nó vừa là kết quả của văn hoá, vừa có tác động qua lại, kìm hãm hoặc thúc đẩy các hiện tượng văn hoá khác nói riêng và văn hoá nói chung.
2. Văn hoá đối với báo chí
Trong mối quan hệ như là kết quả của văn hoá, có thể khẳng định, báo chí chịu tác động của văn hoá, điển hình ở những khía cạnh sau:
- Văn hoá là chất liệu cho tác phẩm báo chí
Văn hoá hiện diện sinh động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khi, báo chí thực hiện sứ mệnh phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống, vì vậy, văn hoá là mạch nguồn chất liệu cho các tác phẩm báo chí. Ở Việt Nam hiện nay, có thể tìm thấy một số đầu báo có đặt tên bằng chữ văn hoá(2), như: Tạp chí Tư tưởng - Văn hoá (Ban Tuyên giáo TƯ), Văn hoá thể thao (Liên hiệp KH-CN phát triển nông thôn); Tạp chí Văn hoá dân gian (Viện Khoa học xã hội Việt Nam); Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), Tạp chí Văn hoá các dân tộc (Hội Văn hoá các dân tộc VN); Tạp chí Văn hoá doanh nhân (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN); Báo Văn hoá, Số cuối tuần Thế giới văn hoá của Báo Văn hoá; Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, Tạp chí Di sản văn hoá, Tạp chí Xây dựng đời sống văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Tạp chí Văn hoá các dân tộc (Hội Văn hoá các dân tộc VN), Tạp chí Văn hoá nghệ thuật ăn uống (Hội Văn nghệ dân gian VN)…
Ngoài ra, hầu hết các tờ báo đều có chuyên trang, chuyên mục, chương trình văn hoá. Nội dung về văn học, văn hiến, kiến trúc, điêu khắc, ngôn ngữ, điện ảnh, ca nhạc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội... được phản ánh rất đa dạng, sinh động trên báo chí, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng. Nếu không có mảnh đất hiện thực với đa dạng các hình thái văn hoá, làm sao có được hàng chục tờ báo chuyên biệt văn hoá ra đời, làm sao có hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục, chương trình văn hoá trên các đài phát thanh, truyền hình, các tờ báo mạng để phục vụ đại chúng?
Thực tế, không ít công chúng tìm đọc một tờ báo, nghe, xem một chương trình phát thanh, truyền hình, đơn giản vì muốn theo dõi một câu chuyện, đọc một bài thơ, hay nghe vở kịch sân khấu truyền thanh, xem bộ phim, một chương trình ca nhạc… Hiện nay, hầu hết các báo, các đài phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương, đều có các chuyên trang, chuyên mục, chương trình văn hoá. Càng ở những số báo đặc biệt như báo Tết, báo Xuân hoặc những báo cuối tháng, cuối tuần - những ấn phẩm, chương trình mà công chúng mong ngóng, đợi chờ, có số lượng phát hành lớn, đông đảo người theo dõi - càng chuyển tải nhiều tác phẩm văn hoá. Âu cũng là để thoả mãn nhu cầu của công chúng.
Sự đa dạng các ấn phẩm, sản phẩm, chương trình về văn hoá, đã góp thêm sắc hương vào vườn hoa báo chí Việt Nam, làm nên những món ăn tinh thần hấp dẫn, bổ ích cho công chúng.
- Văn hoá là môi trường diễn ra hoạt động báo chí
Bởi triền văn hoá trải dài theo bề rộng và chiều sâu, thấm đẫm trong nguồn mạch mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nên không có bất kỳ hoạt động báo chí, của bất kỳ nhà báo hay cơ quan nào mà không thuộc một môi trường văn hoá nhất định.
Môi trường văn hoá Việt Nam hiện nay là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, đậm tính phương Đông nhưng cũng có ảnh hưởng của phương Tây. Lối sống, hành vi giao tiếp, ứng xử của người dân dưới tác động của phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo báo chí.
Chẳng hạn, hệ sinh thái số với big data, trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối, sự phát triển của Internet và mạng xã hội… giúp nhà báo có điều kiện khai thác nguồn thông tin đa dạng một cách nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời, kết nối, lan toả thông tin không giới hạn. Trí tuệ nhân tạo cũng được tận dụng để phát minh ra nhà báo robot viết tin, bài, dẫn chương trình; Internet vạn vật kết nối giúp dữ liệu báo chí được hiện diện sinh động trên môi trường mạng, trên đa dạng nền tảng thiết bị đầu cuối; cùng với đó là sự hiện diện đầy bản sắc của báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí on-demand...
Văn hoá đại chúng với sự thay đổi nhu cầu, sở thích, thói quen tiếp nhận truyền thông cũng buộc báo chí phải tự điều chỉnh nội dung, hình thức, phương thức hoạt động, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả. Không chỉ là sự xuất hiện các sản phẩm báo chí mạng xã hội, báo chí di động, báo chí theo yêu cầu như đã nói ở trên, hay các hình thức truyền thông sáng tạo, mà các cơ quan báo chí hiện đại còn đang không ngừng tìm cách mở rộng các tính năng giao tiếp, tương tác với công chúng, trao cho công chúng quyền chủ động và khuyến khích người dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Hội nhập văn hoá toàn cầu nói chung, hội nhập truyền thông nói riêng, cũng có tác động đến báo chí, ở chỗ, báo chí Việt Nam có cơ hội tăng cường giao lưu, tiếp cận kỹ năng làm báo hiện đại, nỗ lực thoả mãn nhu cầu đa dạng của công chúng trong nước bằng việc gia tăng hàm lượng tin tức quốc tế. Đồng thời, báo chí Việt Nam cũng thấy rõ trách nhiệm phải quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, tiếp cận công chúng nước ngoài nhiều hơn. Nhiều chuyên trang tiếng nước ngoài trên báo điện tử, trên phát thanh, truyền hình... vì thế đã ra đời.
- Văn hoá “là nhân tố kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí”(3), giúp nhà báo tuân thủ đạo đức và pháp luật
Nói đến văn hoá là nói đến giá trị, là nói đến cái đẹp, chuẩn mực, thương hiệu, uy tín. Một cơ quan báo chí văn hoá, thì nhà báo phải tuân thủ đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, thượng tôn pháp luật, thuần thục kỹ năng tác nghiệp. Thêm nữa, đó còn là sự tuân thủ các nguyên tắc hành nghề, tôn trọng tính Đảng, tính chính xác, khách quan, tính nhân dân, dân tộc, tính nhân văn, nhân đạo.
Đối với cơ quan báo chí, văn hoá thiết lập một hành lang văn hoá để cơ quan báo chí vận hành, với mục đích tối thượng là tạo nên những sản phẩm giá trị, chất lượng. Từ hành lang văn hoá đó, ban biên tập của mỗi cơ quan báo chí sẽ có căn cứ để xây dựng cơ cấu bộ máy tổ chức với nhân sự và các phòng ban chức năng phù hợp, xác lập được các chuẩn mực, quy tắc giao tiếp, ứng xử, phương thức làm việc, tác nghiệp trong cơ quan, bắt đầu từ Ban biên tập cho tới các phòng, ban chức năng, và cuối cùng là cán bộ nhân viên, phóng viên cấp dưới, đảm bảo để guồng máy cơ quan hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí đã xác lập các tiêu chí, kỹ năng tác nghiệp, vừa mang tính bắt buộc, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong cơ quan.
Văn hoá báo chí cũng tạo hành lang đạo đức, pháp luật, kinh tế... giúp các cơ quan báo chí xác lập các chuẩn mực, quy tắc giao tiếp, ứng xử phù hợp trong mối quan hệ với các cơ quan báo chí khác, với cơ quan chủ quản, với đối tác, với công chúng của mình.
Như vậy, tuy là yếu tố hữu hình, nhưng văn hoá tự nó đã định hình nguyên tắc làm việc, thống nhất nhận thức, thái độ, hành vi cho toàn bộ nhà báo, cơ quan báo chí, giúp tạo nên khối đoàn kết, thống nhất trong hoạt động, đảm bảo những sản phẩm chất lượng.
3. Tác động trở lại của báo chí đối với văn hoá
- Báo chí sáng tạo văn hoá
“Báo chí truyền thông có ý nghĩa cả trong việc sáng tạo, sản xuất, tiêu dùng và truyền bá văn hoá”(4), bởi, “Báo chí đóng vai trò là cơ quan đưa ra sáng kiến, tổ chức, hỗ trợ các hoạt động, các sân chơi văn hóa, văn hóa nghệ thuật như các sự kiện ca nhạc, thi sắc đẹp, thi thời trang, thi đấu thể thao, hoạt động du lịch..., từ đó, làm nảy sinh các sự kiện văn hóa mới, kích thích văn hóa phát triển”(5).
Đúng vậy, thực tế, báo chí khởi xướng nhiều phong tục văn hóa, nhiều hành vi văn hoá, góp phần hình thành nhiều lối sống mới, thói quen và thị hiếu mới cho công chúng. Ví dụ, trong lĩnh vực báo chí, có: văn hóa báo Tết, Hội báo Xuân; văn hóa cà phê báo (uống cà phê, đọc báo). Thói quen, sở thích tiếp nhận mới cho công chúng ngày nay là bật truyền hình, mở radio, đọc báo như cách thức thư giãn, nạp năng lượng, bởi phát thanh đưa cả nhà hát vào phòng ngủ, truyền hình là sân khấu và là màn ảnh miễn phí cho người thưởng thức. Báo chí số với năng lực tương tác và siêu liên kết, đã và đang tạo nên thế hệ công chúng thông minh, công chúng chủ động, công chúng diễn ngôn. Họ chính là người có quyền lực tối cao trong thẩm định chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực âm nhạc, báo chí khởi xướng những sự kiện âm nhạc lớn được công chúng đón nhận, tạo thành thị hiếu, “trendy”, như: Chương trình “Giọng hát Việt nhí”, “Giọng hát Việt”, “Người ấy là ai”, “Đường lên đỉnh olympia”, “Hãy chọn giá đúng”..., mà sau này, cả những người tham gia chương trình lẫn người dẫn chương trình đều dễ dàng thành “người nổi tiếng”.
Trong đời sống, báo chí đã biến những sự kiện vốn là sở thích của một nhóm người, thành “lễ hội”: “Lễ hội thể thao” qua các đợt đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự Seagames hay Thế vận hội Olympic, khơi dậy văn hoá tập luyện thể thao, chuộng thể thao; biến một sự kiện của địa phương thành sự kiện mang tầm văn hoá quốc gia bằng cách tăng cường quảng bá, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, như: Lễ hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội chọi Trâu (Hải Phòng), Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Lồng tồng (Bắc Kạn)...
Báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh, tường thuật các chương trình âm nhạc, vũ đạo, điện ảnh… mà còn tự sáng tạo, dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật theo phong cách đặc thù của loại hình, đem sắc màu văn hoá nghệ thuật mới vào đời sống xã hội. Ngày một nhiều hơn những bộ phim truyền hình, chương trình ca nhạc do Đài truyền hình sản xuất được công chúng yêu thích, đón nhận…
Báo chí quảng cáo sản phẩm để dẫn dắt xu hướng thời trang, làm đẹp, định hướng hành vi tiêu dùng, mua sắm, hình thành ở công chúng thói quen mua sản phẩm tiêu dùng của những người nổi tiếng hoặc những sản phẩm, thương hiệu được báo chí quảng bá, lăng xê. Những sản phẩm phim ảnh, ca nhạc, những trò chơi, gameshows trên môi trường báo chí có kết nối Internet đang được công chúng tiếp nhận hàng ngày là khuôn định cho một loạt biến đổi, ở cả chiều cạnh tích cực lẫn tiêu cực, về phong cách sống, thói quen, thị hiếu...
- Báo chí tiêu dùng văn hoá
Văn hoá được thể hiện trong đời sống hàng ngày thông qua hoạt động con người. Và báo chí truyền thông là phương tiện tiêu dùng văn hoá, giúp đưa văn hoá thẩm thấu vào đời sống một cách tự nhiên. “Thời đại hậu công nghiệp, vai trò và tác động của báo chí với tư cách phương tiện thực thi văn hóa càng to lớn, càng hữu hiệu nhờ ở thế mạnh ít lĩnh vực nào sánh được với nó, thể hiện ở sự tăng tiến đột biến về tốc độ, số lượng, chất lượng và khả năng tương tác đa chiều”(6).
Đúng vậy, với 779 cơ quan báo chí, trong đó có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (số liệu trong Báo cáo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng trình bày) đang hoạt động hiện nay, báo chí thực sự đã trở thành nhân tố đi đầu, là hình mẫu trong việc thực thi, tiêu dùng văn hoá và quảng bá hệ giá trị chuẩn mực của con người và dân tộc Việt.
Trước hết, báo chí có sứ mệnh góp phần gìn giữ tiếng Việt. “Một minh chứng về mối quan hệ qua lại giữa báo chí và văn hóa ở nước ta là vai trò của báo chí trong sự khẳng định, lan tỏa và hoàn thiện chữ quốc ngữ”(7). Từ tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo (1864, chủ bút Trương Vĩnh Ký), cho đến tờ báo cách mạng đầu tiên năm 1925 (tờ Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập), và tới thời hiện đại, báo chí vẫn không ngừng sử dụng, bồi đắp chữ quốc ngữ. Các nhà báo được đặt ra sứ mệnh phải viết hay, viết đẹp để công chúng học theo. Song song, báo chí làm giàu quốc ngữ theo hướng du nhập nhiều thuật ngữ chính trị, kinh tế, triết học, xã hội học, mỹ thuật, hội họa, thể thao… chưa có trong tiếng ta. Báo chí đã trở thành cầu nối đưa ngôn ngữ thế giới hội nhập văn hóa Việt.
Thứ hai, báo chí lấy văn hoá như là đối tượng phản ánh, là chất liệu để xây dựng tác phẩm.
Báo chí khai thác các sự kiện, vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, âm nhạc, thể thao, điện ảnh, hội hoạ, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng… làm chất liệu nội dung. Nhưng không phải là tiêu dùng văn hoá một cách vô thức, mà báo chí tiêu dùng văn hoá một cách hữu thức. Nhà báo và cơ quan báo chí luôn chắt lọc những sự kiện, sự việc, những vấn đề văn hoá tiêu biểu, nổi bật, có ý nghĩa xã hội, được công chúng quan tâm để làm đối tượng phản ánh. Báo chí cũng chú trọng lựa chọn và phản ánh các chuẩn mực văn hoá hiện hành, các tập quán hành động của cá nhân trong đời sống xã hội.
- Báo chí góp phần quảng bá văn hóa
“Vắng báo chí tức là cuộc sống của chúng ta sẽ tức khắc thiếu vắng thông tin, âm nhạc, thể thao, các nghệ thuật thị giác, các phương tiện truyền bá kiến thức từ xa”(8). Lật giở các trang báo in, lướt qua các tờ báo mạng, mở radio hay tivi, công chúng sẽ được tiếp nhận các sự kiện, sự việc, vấn đề văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần với nhiều chiều cạnh đa dạng.
Qua báo chí truyền thông, nhân dân được tiếp cận, chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh; được tiếp cận nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong hoạt động từ thiện, những hành động nhân ái trong xã hội... Những thông điệp hay, hấp dẫn, tích cực, chứa đựng điều thiện lành sẽ giúp người dân tự nguyện hướng tâm hồn mình đến đời sống tinh thần thanh cao, hình thành nếp sống nhân văn, theo giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Năm 2020, 2021, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, báo chí đã tập trung phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng, từ Bắc tới Nam, hình thành phong trào lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hơn lúc nào hết, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân được thắp sáng, nhân rộng.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiếp tục được báo chí quan tâm. Thậm chí, báo chí không lãng quên trách nhiệm đối với giữ gìn các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số. Đài phát thanh - truyền hình Trung ương, địa phương đã có chương trình dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào, xóa dần khoảng cách và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, đồng thời, bảo tồn, phát huy được ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số(9).
Nhiều tờ báo đã tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam ra thế giới bằng tiếng Anh. Hàng loạt di sản văn hóa Việt Nam đã được xếp hạng là di sản văn hóa nhân loại như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Quan họ (Bắc Ninh), Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế và gần đây nhất là “thực hành tín ngưỡng Tam phủ”… cũng được báo chí quảng bá rộng rãi ra nước ngoài.
Trong bối cảnh Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục, việc tiếp biến văn hoá thế giới là tất yếu, và trong việc thực hiện nhiệm vụ đó, có trách nhiệm của báo chí. Thời gian qua, báo chí đã mở rộng thông tin về các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại Việt Nam, lựa chọn giới thiệu phim ảnh, âm nhạc, danh thắng, phong tục tập quán, thành tựu khoa học công nghệ của các quốc gia để người Việt được mở mang và học hỏi.
- Báo chí thẩm định giá trị văn hoá
Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là giám sát, quản lý xã hội. Phát hiện những mặt tích cực trong lĩnh vực văn hoá để gìn giữ, phát huy, nhân rộng; nhận diện những biểu hiện lệch chuẩn, tiêu cực để lên án, phê phán, tiến tới xoá bỏ, loại trừ khỏi đời sống văn hoá nói riêng và đời sống xã hội nói chung là việc làm thường xuyên, liên tục của báo chí. “Báo chí, truyền thông không đơn thuần làm công việc chuyển tải văn hóa một cách thụ động mà phải chủ động sàng lọc khi quảng bá văn hóa đại chúng, không tiếp tay cho những hành vi phản cảm trong hoạt động văn hóa nghệ thuật”(10).
Báo chí thực hiện nhiệm vụ này bằng sức mạnh của các tuyến bài phân tích, bình luận, phỏng vấn ý kiến chuyên gia và cơ quan chức năng... Thời gian qua, báo chí lên án thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt; phê phán tình trạng xuống cấp văn hoá gia đình, văn hoá học đường, văn hoá công sở; biến tướng của các lễ hội, địa danh du lịch; ô nhiễm không gian đô thị và môi trường sống; hiện tượng tham ô, lãng phí; dự án xây dựng tượng đài nghìn tỷ, dựng tượng phản cảm ở các địa phương nghèo; những hủ bại, lạc hậu kìm hãm sự phát triển xã hội… Báo chí tham gia thẩm định các danh hiệu văn hoá, tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”…; tìm giải pháp phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá...
Năng lực giám sát, phản biện của báo chí chứng minh cống hiến của báo chí trong nỗ lực làm trong sạch và giàu đẹp đời sống văn hoá dân tộc.
- Báo chí góp phần nâng cao tri thức văn hoá cho đại chúng dễ dàng
Một trong những chức năng, và đồng thời là mục đích của báo chí là nâng cao tri thức về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có tri thức về văn hoá. Mạng lưới báo chí dày đặc từ trung ương đến địa phương, với đa dạng loại hình và đa dạng phương thức chuyển tải, đã biến báo chí trở thành phương tiện có thế mạnh đặc biệt trong việc cung cấp tri thức văn hoá cho con người, giúp báo chí trở thành trường học rộng lớn nhất.
Khác với cách tuyên truyền văn hoá qua cổ động trực quan, qua các thiết chế văn hoá như viện bảo tàng, đền thờ, nhà rông, hay qua sách, qua sân khấu…, truyền thông văn hoá qua báo chí rất thuận tiện, rẻ tiền và sinh động. Công chúng có thể tiếp cận thông tin văn hoá qua các thiết bị di động, có quyền lựa chọn sản phẩm mà họ quan tâm trong số hàng nghìn sản phẩm báo chí miễn phí; thậm chí có thể tương tác, phản hồi nhanh chóng, tức thì; các ý kiến đóng góp phát triển sản phẩm văn hoá được cơ quan báo chí coi trọng… Báo chí còn có thế mạnh phát triển các chương trình dạy văn hóa qua truyền hình, phát thanh; có thể đưa các giải pháp từ chuyên gia, nhà văn hoá, cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề mà dư luận quan tâm...
Báo chí và văn hoá có mối quan hệ đặc biệt. Văn hoá vừa là đối tượng, là nguồn đề tài vô tận của báo chí, vừa là môi trường diễn ra hoạt động truyền thông, góp phần định hình sự phát triển báo chí. Ngược lại, báo chí vừa sản xuất, tiêu dùng văn hoá, vừa có trách nhiệm giữ gìn, phát triển, quảng bá các giá trị văn hoá của dân tộc. Tất nhiên, trong quá trình tương tác và thực hiện sứ mệnh của mình đối với văn hoá, báo chí cũng có những va vấp, khúc quanh, chủ yếu gây nên bởi hiện tượng “lá cải hoá báo chí”, “thương mại hoá báo chí”. Do đó, trách nhiệm quản lý báo chí, một lần nữa lại được đặt ra./.
__________________________________________
(1) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.3, tr. 431.
(4) Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.154.
(5), (8) PGS,TS. Vũ Duy Thông (2013), Báo chí - truyền bá và sáng tạo văn hóa, in trong: Văn hoá truyền thông trong thời kỳ hội nhập, Hội Nhà báo Việt Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb. Thông tin và Truyền thông, tr.288, 287.
Bình luận