Một số kỹ năng, nguyên tắc dẫn bản tin thời sự truyền hình
Trong bản tin thời sự truyền hình (BTTSTH), người dẫn chương trình (NDCT) có thể chỉ đơn thuần giới thiệu tin tức, nhưng cũng có khi họ kết nối với phóng viên ở hiện trường để đưa tin, hoặc thậm chí họ trực tiếp thực hiện phỏng vấn khách mời tại trường quay hoặc khách mời ở địa điểm khác thông qua kết nối cầu truyền hình. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, một bản tin thời sự có thể chỉ cần một người dẫn chương trình, nhưng cũng có nhiều bản tin đòi hỏi hai người dẫn, thậm chí là hai người dẫn chính và một người dẫn phụ. NDCT có thể ngồi hoặc đứng và đi lại. Điều này phụ thuộc vào độ dài của chương trình cũng như cách sắp xếp tin tức, cách thể hiện chương trình của nhà đài.
Ngoài ra, nếu như các chương trình giải trí mang đến sự thoải mái, thư giãn và tiếng cười, thì các bản tin thời sự thường đòi hỏi tính chính thức, nghiêm trang. Những thông tin được chuyển tải trong BTTSTH là những sự kiện, vấn đề nóng hổi, đặt ra các câu hỏi cần giải đáp, các mâu thuẫn cần hoá giải, có ảnh hưởng sâu, rộng đến đời sống nhân dân. Do đó, cách thức phản ánh thông tin, trình bày một vấn đề, nêu lên một quan điểm, lập trường, cũng như sự định hướng… cần phải thể hiện được thái độ, góc nhìn của những người sản xuất, của lãnh đạo đài, kênh truyền hình. Vì vậy, thông tin nên được trình bày một cách trang trọng, nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng người xem, thông qua nội dung tin, bài và thông qua sự dẫn dắt, kết nối của NDCT bản tin thời sự truyền hình. Dưới đây là một số kỹ năng, nguyên tắc đối với NDCT khi dẫn BTTSTH.
1. Tuân thủ chặt chẽ kịch bản chương trình
Từ những đặc điểm trên của bản tin thời sự, có thể thấy, việc tuân thủ chặt chẽ kịch bản chương trình là một nguyên tắc làm việc không chỉ đối với NDCT mà đối với cả ê-kíp thực hiện chương trình. Bởi kịch bản chương trình là “xương sống” xuyên suốt chương trình, và tất cả các đầu mối phối hợp với nhau dựa vào kịch bản, nên nếu không bám sát kịch bản, các đầu mối công việc sẽ không khớp nhau và xảy ra sai sót.
NDCT là người ráp nối các phần trong nội dung kịch bản thông qua lời dẫn, nên họ càng phải tuân thủ kịch bản chặt chẽ. Nếu có bất kỳ thay đổi gì thì NDCT phải là người được biết đầu tiên, đặc biệt là đối với những chương trình BTTSTH trực tiếp. Việc khiến NDCT bị bất ngờ hoặc lúng túng sẽ tác động ngay đến chất lượng chương trình, vì mọi biểu hiện của NDCT sẽ được máy quay chuyển thẳng tới khán giả. Do đó, chương trình càng ít có “biến động” thì càng đảm bảo chất lượng. Nếu như có tin tức cập nhật xen vào giữa chương trình, thì NDCT cần được báo trước để kịp chuẩn bị lời dẫn, hoặc chí ít là kịp đọc trước lời dẫn mà nhóm thực hiện chuẩn bị cho.
2. Tạo sự kết nối giữa các phần nội dung của chương trình
Dù là dẫn chương trình truyền hình dạng nào, thì việc của NDCT là phải tạo ra sự kết nối giữa các phần nội dung của chương trình, dẫn dắt người xem vào từng nội dung một cách rõ ràng, dễ hiểu. Đối với BTTSTH thì kỹ năng này càng được đòi hỏi cao, bởi cấu thành nên chương trình chính là những thành phần nhỏ như: tin, phóng sự, phỏng vấn, hay các phần đưa tin của phóng viên hiện trường v.v. nên nhiệm vụ dẫn dắt, kết nối của NDCT là hiển nhiên và quan trọng.
Để làm tốt nhiệm vụ này, NDCT phải khiến khán giả xem chương trình thấy được những tin, bài cụ thể một cách sáng rõ và có sự liên kết với nhau trong một chỉnh thể mạch lạc của cả chương trình. Lời dẫn phải làm được nhiệm vụ này, nên nó cần rõ ràng, hấp dẫn ở từng lời dẫn, từng phần lên hình của NDCT.
Như vậy, lời dẫn chương trình tạo ra sự mạch lạc, thống nhất trong kết cấu chương trình thông qua việc dẫn dắt, kết nối các tin, bài và thông qua cả việc gắn kết các thành phần tham gia vào chương trình như: các phóng viên hiện trường, các nhân vật của sự kiện, khách mời…
Ví dụ, chương trình Chuyển động 24, ngày 08 tháng 4 năm 2018 trên VTV1 Đài THVN có đoạn dẫn kết nối giữa NDCT là biên tập viên (BTV) Sơn Lâm với phóng viên có mặt tại hiện trường để phỏng vấn về những thông tin liên quan đến một vụ đâm xe vừa mới xảy ra tại Đức mà trước đó trong chương trình đã đưa tin:
BTV Sơn Lâm: “Thưa quý vị, hiện giờ chúng tôi đã nối điện thoại trực tiếp với phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu để cập nhật những thông tin mới nhất về vụ tấn công bằng ô tô tại nước Đức. Xin chào anh Hồng Quang, diễn biến mới nhất của vụ việc này là như thế nào ạ, đặc biệt là nguyên nhân của vụ tấn công là gì ạ? Xin mời anh.”
Phóng viên Lê Hồng Quang trả lời.
BTV Sơn Lâm: “Vâng thưa anh Hồng Quang, gần đây thì Châu Âu xuất hiện những hình thức tấn công rất manh động mà chúng ta vừa thấy tại Đức như là sử dụng ô tô lao vào khách bộ hành. Không biết là những nhà chức trách ở đây đã có những biện pháp như thế nào để đối phó với hình thức tấn công này chưa ạ?”
Phóng viên Lê Hồng Quang trả lời.
BTV Sơn Lâm: “Xin cảm ơn anh Hồng Quang. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này trong các chương trình tiếp theo. Còn bây giờ là những nội dung khác trong chương trình”.
Như vậy, có thể thấy trong phần lời dẫn đầu tiên và kết thúc của NDCT, mối liên kết giữa tin tức đã đưa trước đó với phần phỏng vấn phóng viên thường trú, và phần cập nhật tin tức trong các bản tin sau. Đồng thời, các câu hỏi phỏng vấn cũng đặt ra những vấn đề cần làm rõ để phóng viên giải đáp, cung cấp thêm thông tin. Tất cả tạo nên một chỉnh thể logic liên quan đến sự kiện trọng tâm là vụ đâm xe, và khiến cho người xem tập trung tiếp nhận tin tức một cách liền mạch để có một hình dung tổng thể về sự việc.
Ngoài ra, lời dẫn cũng có thể liên hệ tin, bài trong chương trình này với chương trình trước hoặc sau, nhằm thể hiện tính liên tục, đầy đủ, đa chiều của thông tin và sự nhất quán trong dòng chảy tin tức chung của một kênh, đài truyền hình. Ví dụ, trong Bản tin Thời sự 12 giờ trưa của Đài THVN ngày 19 tháng 10 năm 2020, ở phần cuối chương trình, biên tập viên Hoài Anh đã dẫn dắt, kết nối vào những tin tức quan trọng của một chương trình khác sẽ phát sóng vào buổi chiều ngày hôm đó:
BTV Hoài Anh: “Cảm ơn quý vị đã theo dõi Bản tin 12 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam. Và bây giờ mời quý vị theo dõi nội dung đáng chú ý sẽ có trong chương trình Việt Nam Hôm nay.”
Để làm tốt công việc dẫn dắt và kết nối, NDCT phải có năng lực sử dụng ngôn ngữ chính xác, linh hoạt. Bên cạnh việc giúp khán giả hình dung được toàn bộ nội dung của chương trình, thì lời dẫn còn phải chuyển tải được sự thú vị, hấp dẫn của từng thông tin.
Bên cạnh đó, để chuyển từ nội dung này sang nội dung khác một cách uyển chuyển, phù hợp, NDCT có thể sử dụng những từ, cụm từ nối như: “tiếp theo chương trình là…”, “xin chuyển sang một thông tin khác…”, “tiếp tục chương trình, xin mời quý vị đến với…” v.v.
3. Đưa thông tin quan trọng lên đầu lời dẫn
Lời dẫn chương trình thường do các phóng viên thực hiện các tin, bài trong BTTSTH viết, vì thế khi nhận được lời dẫn, NDCT cần biên tập lại để hợp với văn phong của mình, để lời dẫn thú vị hơn, gây chú ý hơn, ngắn gọn hơn (nếu cần thiết), và đặc biệt một nguyên tắc khiến lời dẫn gây chú ý hơn đó là thông tin quan trọng được đưa ngay lên đầu.
Ví dụ, NDCT nhận được lời dẫn từ phóng viên như sau:
“Trong sáng nay, bão số 5 khi đổ bộ vào đất liền đã gây mưa lớn, gió mạnh cho một loạt tỉnh thành miền Trung, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, do mưa lớn và gió giật mạnh, đến thời điểm này đã có 1 người thiệt mạng do cây đổ tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, 23 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng, 1.689 ngôi nhà bị tốc mái, 3 nhà bị sập. Phóng viên Phú Thạnh, đưa tin từ cửa biển Thuận An.” (Nguồn: Đài THVN)
Lời dẫn trên có khá nhiều số liệu, câu dài, nhiều ý trong một câu. NDCT có thể biên tập lại thành các câu ngắn, làm tròn những số liệu lẻ và thêm một số từ nối câu để văn phong tự nhiên, dễ nghe hơn, và đưa ngay thông tin gây chú ý nhất lên đầu. Khi đó, lời dẫn sau khi được biên tập, trở thành như sau:
“Mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến cây đổ gây thiệt mạng 1 người tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, toàn tỉnh có 23 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Tài sản cũng bị thiệt hại khi có gần 1700 ngôi nhà bị tốc mái và 3 nhà bị sập. Cơn bão số 5 khi đổ bộ vào đất liền trong sáng nay đã gây ra mưa lớn, gió mạnh cho một loạt tỉnh thành miền Trung. Phóng viên Phú Thạnh, đưa tin từ cửa biển Thuận An.”
Một ví dụ khác, lời dẫn chưa được biên tập:
“Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội chiều 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/9, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch, phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, ông Quý đồng ý với đề xuất của đại diện quận Hoàn Kiếm, cho phép tổ chức lại các hoạt động ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm từ ngày 18/9.” (Nguồn: Đài THVN)
Trong lời dẫn trên, thông tin quan trọng nhất chưa được đưa lên đầu lời dẫn, và có thể lược bớt một số chi tiết kém quan trọng. Sau khi NDCT biên tập, lời dẫn sẽ ấn tượng hơn và ngắn gọn hơn như sau:
“Các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường tại Hà Nội sẽ được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/9. Đây là thông tin vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Hà Nội chiều 15/9. Tuy nhiên, các cơ sở này phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch, phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, các hoạt động ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm cũng sẽ được tổ chức lại từ ngày 18 tháng 9.”
Có thể thấy, những lời dẫn sẽ có giá trị biểu đạt cao hơn và tạo hiệu quả thông tin tốt hơn sau khi được biên tập hợp lý. Trong một BTTSTH có rất nhiều lời dẫn cần biên tập, vì thế NDCT cần bắt tay ngay vào công việc biên tập lời dẫn khi có được kịch bản cuối cùng của bản tin. Thậm chí, họ có thể bắt tay vào biên tập dần những tin tức chắc chắn có trong bản tin, dù chưa biết vị trí cụ thể của nó trong bản tin ra sao, để có nhiều hơn gian hơn trong việc lựa chọn câu chữ, chi tiết cho từng lời dẫn.
4. Bổ sung thêm thông tin cho tác phẩm thông qua lời dẫn
Mỗi tác phẩm báo chí khi được đăng tải đều không nằm độc lập, mà luôn ở trong một mối liên hệ với bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của riêng nó. Có những tác phẩm là một diễn biến của một sự kiện, vấn đề. Có những tác phẩm là một nguyên nhân hoặc hậu quả của một sự kiện, vấn đề. Vì thế, lời dẫn của NDCT ngoài việc dẫn dắt, kết nối vào tác phẩm, còn có thể bổ sung thêm thông tin cho tác phẩm. Với những thông tin đó, sự kiện, vấn đề trong tác phẩm được nhìn nhận trong các mối liên hệ và trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Ví dụ, NDCT đã cung cấp thông tin bối cảnh, làm rõ cho sự kiện trong chương trình Chuyển động 24h ngày 20/9/2020 với lời dẫn sau:
“Ngày 01/11, học sinh các cấp THCS, THPT có thể sử dụng điện thoại di động trong giờ học nếu được giáo viên cho phép. Đây là một thay đổi đáng chú ý trong Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường THCS, THPT và các trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định mới dù được tán thành, nhưng cũng đặt ra một số lo ngại vì ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh và cũng đặt thêm nhiều trách nhiệm quản lý lên vai giáo viên đứng lớp.”
Một ví dụ khác, trong chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 29/10/2020 của Đài THVN, lời dẫn đã bổ sung thêm thông tin bên lề của phiên điều trần của ba Giám đốc điều hành các hãng công nghệ:
“CEO của 3 hãng công nghệ lớn là Google, Twitter, và Facebook ngày hôm qua đã điều trần trực tuyến tại Thượng viện Mỹ vì những cáo buộc kiểm duyệt có chọn lọc các nội dung được chia sẻ trên các mạng xã hội của họ. Thế nhưng điều đặc biệt trong phiên điều trần này là nó không chỉ đưa các CEO công nghệ lên ghế nóng, mà còn để lộ sự căng thẳng giữa nghị sĩ của hai phe là Cộng hoà và Dân chủ trước thềm bầu cử.”
Các ví dụ trên cho thấy, nhờ có sự bổ trợ, làm rõ thêm thông tin từ lời dẫn, các tin, bài dể hiểu và đầy đủ hơn. Thông tin trong lời dẫn gắn kết hợp lý với thông tin trong tác phẩm sẽ làm cho mạch thông tin được chuyển tải trọn vẹn hơn đến công chúng.
Thêm vào đó, lời dẫn không chỉ xuất hiện trước tin, bài để bổ sung thông tin, mà có thể xuất hiện sau tác phẩm để cập nhật thêm những tin tức mới, giúp công chúng nắm bắt kịp thời thông tin. Trong khi bản tin đang phát sóng thì sự kiện ngoài đời sống vẫn tiếp tục có diễn biến. Khi có những chi tiết mới, người dẫn có thể cung cấp thêm để việc phản ánh đầy đủ và mới mẻ hơn. Ví dụ, lời dẫn sau tin về mưa lũ tại Bản tin Thời sự 19 giờ ngày 30/10/2020 của Đài THVN:
“Cũng theo thông tin chúng tôi có được từ Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai thì tính cho tới thời điểm này, cơn bão số 9 và mưa lũ, sạt lở sau bão đã khiến 79 người thiệt mạng và mất tích, trong đó có tới 45 người thiệt mạng và mất tích do sạt lở. Quảng Nam là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất với 23 người thiệt mạng, 22 người mất tích tại 3 huyện là Nam Trà My, Phước Sơn và Hiệp Đức.”
Một ví dụ khác, sau khi đưa tin về phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng viên Tổng thống Mỹ (Chuyển động 24h trưa ngày 30/9/2020), NDCT đã dẫn tiếp như sau:
“Vâng và vì thế mà lần đầu tiên người dân Mỹ đã được chứng kiến hai ứng cử viên Tổng thống xuất hiện cùng lúc và trực tiếp thể hiện năng lực để thuyết phục cử tri mà không qua một màng lọc nào.”
Có thể thấy, việc lời dẫn tham gia cung cấp thông tin, bổ sung cho các tác phẩm cũng chính là một “chất kết dính” liên kết các thành phần trong bản tin thời sự và khiến chỉnh thể, kết cấu của bản tin thêm chặt chẽ.
5. Tạo “sức hút” cho lời dẫn
Một tin, bài có nội dung tốt đến đâu, nhưng lời dẫn vào tin, bài đó không hấp dẫn, thiếu sức hút, thì công chúng truyền hình rất có thể sẽ lướt qua. Công sức của các tác giả sẽ là vô nghĩa hoặc không được nhìn nhận đúng mức nếu như lời dẫn không hoàn thành được nhiệm vụ “câu dẫn” người xem vào tin, bài. Vì vậy, việc của NDCT ở góc độ này là cần tạo nên sức hấp dẫn, “sức hút” cho lời dẫn. Để làm được như vậy, người dẫn cần hiểu về tin, bài đó như chính tác giả của nó, từ đó mới có thể nhìn ra những điểm đáng chú ý của tin, bài như: ý nghĩa, nét đặc sắc, sự độc đáo, tính nhân văn v.v. để đưa vào tạo nên sự thú vị, hấp dẫn cho lời dẫn.
Ví dụ về một lời dẫn trong chương trình Chuyển động 24h ngày 27/10/2014 trên VTV1:
“Thưa quý vị, khi mà trên tay cầm một chiếc bằng lái xe như thế này, tức là quý vị đã được công nhận hai điều: Thứ nhất là quý vị được pháp luật cho phép điều khiển phương tiện giao thông trên đường bởi vì quý vị đã đủ điều kiện cả về sức khoẻ, kỹ năng lái xe, và cả kiến thức về luật giao thông. Thế nhưng có một sự thật là sự thật không hoàn toàn là như vậy. Hãy cùng chúng tôi đến với một cuộc thi sát hạch lái xe”. (Phóng sự: Tiêu cực trong thi lấy bằng lái xe ô tô)
Trong ví dụ trên, NDCT đã cầm trên tay một chiếc bằng lái xe ô tô khi dẫn chương trình để làm công cụ trực quan, thu hút sự chú ý ngay lập tức của khán giả. Cách nói của NDCT cũng khiến người xem tò mò không rõ vì sao NDCT lại cầm trên tay một thứ như vậy để dẫn, và họ sẽ muốn xem việc này sẽ dẫn họ đến nội dung gì. Mặc dù xét về tính logic thì lời dẫn trên chưa hoàn toàn đảm bảo, vì nói hai điều nhưng chỉ đề cập một điều. Nhưng cách dẫn dắt hấp dẫn của NDCT đã khiến khán giả không để tâm đến điều đó.
Ví dụ khác, NDCT đã sử dụng những tính từ mô tả mạnh và đưa nó lên đầu lời dẫn để thu hút ngay sự chú ý của người xem chương trình (Chuyển động 24h tối ngày 30/9/2020):
“Thưa quý vị, “thất vọng” là từ mà nhiều nhà bình luận chính trị đã dùng để miêu tả trận so găng đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden, thậm chí có những người còn dùng từ “hỗn loạn” để nói về cuộc tranh luận này.” (Tin: Cử tri Mỹ thất vọng về cuộc tranh luận của 2 ứng viên Tổng thống)
Trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm đặc biệt, NDCT có thể sáng tạo để lời dẫn thêm thú vị, song song với đó là sự bổ trợ của bối cảnh trường quay, trang phục, màn hình LED chiếu hình ảnh động làm phông nền cho NDCT. Ví dụ, trong chương trình Chuyển động 24h vào ngày 20/11/2014, trường quay VTV24 được trang trí như một lớp học có phấn trắng, bảng đen, trống trường, báo tường và NDCT trong trang phục áo dài trắng đã thể hiện một lời dẫn gây chú ý:
“Con chúc thầy, con chúc cô thật nhiều hạnh phúc, con yêu cô nhất. Cô là cô giáo tuyệt vời mà con đã được học. Đó là những lời chúc giản dị mà chúng tôi đã ghi nhận được trên những con phố sáng ngày hôm nay - sáng ngày 20/11. Mỗi giai đoạn đi qua ai cũng có những người thầy của mình và ngày 20/11 tôi cũng bồi hồi khi khoác trên người tấm áo dài trắng. Những kỷ niệm của thời học trò lại ùa về và ngày hôm nay, Chuyển động 24h cũng xin dành những lời chúc, những lời tri ân kính tặng các thầy, các cô đặc biệt là những người thầy, người cô ở những lớp học tình thương - những người có thể sẽ không được tặng hoa, tặng quà trong ngày này. Hãy đi cùng với chúng tôi, biết đâu quý vị cũng đánh thức đâu đó một giọt tâm hồn tuổi thơ đôi khi chỉ để nhớ, để thương.”
Có thể thấy, việc tạo ra sức hút cho lời dẫn phụ thuộc vào kiến thức, năng lực, sự nhạy cảm đối với tin tức của NDCT. Để có thể nghĩ ra những lời dẫn thú vị, NDCT cũng cần theo sát dòng chảy thông tin, các diễn biến của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội.
6. Thể hiện biểu cảm phù hợp theo tính chất của tin, bài
Người dẫn chương trình khác với một “cái máy nói” ở chỗ họ có thể biểu đạt cảm xúc và biết chỗ nào cần biểu đạt cảm xúc gì cho phù hợp. Mỗi một tin, bài lại mang một tính chất riêng. Thông thường, NDCT nên giữ một thái độ cảm xúc trung lập khi chuyển tải tin tức, tránh việc đưa cảm xúc cá nhân không cần thiết vào. Tuy nhiên, đối với những tin, bài cần thể hiện thái độ, cảm xúc như: sự xót thương, đau đớn khi có một tai nạn thương tâm xảy ra, sự vui mừng trước một tin tích cực, sự nghiêm túc phê bình trước những ứng xử thiếu trách nhiệm… thì khi ấy NDCT phải thể hiện được sắc thái phù hợp.
Ví dụ, đối với tin về hậu quả bão lũ khiến nhiều người chết, gây ra nhiều thiệt hại… NDCT cần có biểu cảm xót xa, buồn khi thể hiện.
BTV Tuấn Dương: “Kính thưa quý vị, sau khi cơn bão số 9 ập vào miền Trung, nhiều ngôi làng miền núi ở Quảng Nam bị sạt lở, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau, khi chỉ trong 1 tỉnh mà có tới 5 địa điểm bị sạt lở kinh hoàng mà 4 trong số đó đều có người thiệt mạng.”
BTV Hoài Anh: “Và có lẽ tất cả chúng ta đều không thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh tang tóc đau thương do sự tàn phá hung bạo của mưa lũ gây ra cho nơi đây. Nhiều gia đình đã mất đến 7-8 người thân. Ngôi làng bình yên giờ trở thành làng tang thương chồng chất.”
Hai NDCT đã thể hiện lời dẫn với sự xót xa, đau buồn, có khi hơi nghèn nghẹn, đặc biệt ở các cụm từ “nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau”, “không thể cầm lòng”, “tang thương chồng chất” cho thấy rõ tính chất, sắc thái của thông tin.
Mặc dù bản tin thời sự mang trong mình hơi thở của phong cách chính luận trang trọng và nghiêm túc, nhưng mỗi tin, bài đều tồn tại một sắc thái biểu cảm riêng ở đó. Ngoài lượng thông tin nằm trong lớp bọc của ngôn từ thì còn một lượng thông tin nằm trong tiết tấu, ngữ điệu, âm lượng và phong cách thể hiện của người dẫn.
Nắm rõ nội dung để hiểu tường tận thần thái của tin tức, NDCT cần có một trái tim nhạy bén để cảm nhận “nhịp đập” của thông tin, nếu không thậm chí NDCT có thể biểu cảm sai, hoặc thậm chí gây phản cảm, khiến công chúng phản ứng.
Đã có những biểu cảm không nên có khi NDCT đưa những tin buồn như trong một bản tin về an toàn giao thông của kênh truyền hình HTV1 vào năm 2013, NDCT sau khi cung cấp thông tin cho người dân về tình hình giao thông tại các tuyến đường trong những ngày diễn ra Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì lại lỡ lời nói thêm rằng: “Chúng ta cũng nên nhớ chấp hành đúng luật lệ giao thông cũng như sự điều khiển của lực lượng cảnh sát chức năng để chúng ta có một ngày Quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn”.
Hay trong một bản tin của VTV1 ngày 28/3/2020, khi đưa tin về sự qua đời của nhạc sĩ Phong Nhã, BTV dẫn đã có biểu cảm mỉm cười và khuôn mặt rất tươi tắn.
Dù là không cố ý, nhưng những lỗi về mặt biểu cảm như vậy của NDCT truyền hình thường khiến cho khán giả phản ứng tiêu cực. Do vậy, trong mọi thời điểm khi đang dẫn chương trình, NDCT cần rất tập trung vào tính chất, nội dung của tin tức để có được sắc thái phù hợp, thể hiện tính nhân văn và sự chuyên nghiệp của một NDCT.
Có thể nói, một BTTSTH là một tập hợp tin, bài phản ánh những sự kiện, vấn đề khác nhau của đời sống. Người dẫn phải chuyển đổi sắc thái thể hiện phù hợp với từng nội dung từng tác phẩm. Do đó, họ phải linh hoạt trong dẫn dắt và thể hiện các sắc thái khác nhau: trang trọng khi đưa tin về các cuộc họp quan trọng của Đảng và Nhà nước; hóm hỉnh, thích thú khi dẫn một tin bài về một lễ hội độc đáo… Lời nói, gương mặt, ánh mắt của người dẫn cho khán giả biết tính chất của từng thông tin. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi NDCT hiểu rõ đặc thù của BTTSTH và làm công việc của mình với một thái độ nghiêm túc, nhiệt tâm, cầu thị./.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 3 2023
Bài liên quan
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
- Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
- Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
- Quản lý thông điệp về liên kết đào tạo đại học trên báo mạng điện tử - Thực trạng và giải pháp
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- 4 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- 5 Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
- 6 Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Sách tinh gọn, hay sách tóm tắt, là một sản phẩm tuy không mới nhưng do sự phát triển của các nền tảng số cũng như mạng xã hội mà đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này còn có nhiều vấn đề, như chưa tạo ra được lợi nhuận trực tiếp, dễ bị vi phạm bản quyền, các chế tài và quy định pháp luật tuy đã có nhưng chưa được cập nhật với tình hình thực tế, các đơn vị xuất bản vẫn còn e dè chưa phát triển mạnh. Do vậy, cần nâng cao vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành - trung gian kết nối các yếu tố trong hoạt động khai thác sách tinh gọn cũng như những sản phẩm phái sinh. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng cần đi đầu trong khai thác bản quyền, xây dựng hệ thống nhân sự chuyên nghiệp, giáo dục và tuyên truyền đến các tác giả nhằm phát triển hoạt động khai sách tinh gọn cho thị trường xuất bản Việt Nam.
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
Ngày 15/10/2024, Báo ảnh Việt Nam, cơ quan của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Số báo đầu tiên có tên gọi là Hình ảnh Việt Nam, với bức ảnh ấn tượng chụp khoảnh khắc hình ảnh anh Vệ Quốc đoàn vào giải phóng Thủ đô, bế trên tay một em bé. Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, trở thành thương hiệu báo ảnh Việt Nam, có công lao đóng góp của nhiều thế hệ làm báo ở nhiều cơ quan liên quan, trong đó phải kể đến đội ngũ nhà báo ở TTXVN.
Một số kỹ năng, nguyên tắc dẫn bản tin thời sự truyền hình
Một số kỹ năng, nguyên tắc dẫn bản tin thời sự truyền hình
Bản tin thời sự truyền hình xuất hiện chủ yếu vào khung giờ “vàng” của các kênh, đài truyền hình với tên gọi thường thấy là: bản tin thời sự, bản tin thời sự tổng hợp, chương trình thời sự, chương trình thời sự tổng hợp… Nói ngắn gọn, đây là dạng chương trình tập hợp nhiều tin tức thời sự trong buổi hoặc trong ngày, có thể là tin tức cả trong nước và quốc tế hoặc riêng tin trong nước, tin quốc tế, có thể là tin tức tổng hợp hoặc riêng về một lĩnh vực. So với các dạng chương trình khác, bản tin thời sự thiên về “tính thời sự”, là nơi để thông báo những tin tức mới nhất tới khán giả truyền hình với tính chất trang trọng, nghiêm túc và thường được phát sóng trực tiếp. Trong nghiệp vụ dẫn chương trình truyền hình, dẫn bản tin thời sự đòi hỏi những kỹ năng, nguyên tắc nhất định.
Bình luận