Nên chăng cần đặt lại vấn đề “gia giáo”
Nhân ngày "Gia đình Việt Nam" tôi muốn gợi lại vấn đề "gia giáo", vấn đề giáo dục gia đình trước những thách đố của thực trạng đạo đức xã hội và sự bất cập của hệ thống giáo dục đang là nỗi bức xúc của nhiều người.
Sẽ là một tiếng kèn lạc điệu nếu định bê nguyên xi nội dung khái niệm "gia giáo" của các cụ ta truyền dạy, đem áp đặt một cách khiên cưỡng vào bối cảnh xã hội Việt Nam đang mở cửa bước vào một con đường hội nhập quốc tế trong thế kỷ XXI. Nhưng sẽ là hồi chuông cảnh báo cần thiết phải gióng lên về vai trò của giáo dục gia đình đang hết sức lúng túng trước những thách đố gay gắt của sự xuống cấp đạo đức xã hội cùng với những tật bệnh của nó đang tấn công vào con em chúng ta, nhằm đem lại cho khái niệm "gia giáo" một nội dung thích hợp.
Gia đình là phạm trù xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người, cũng là thành tựu lâu đời nhất của lịch sử. ấy vậy mà, "hình như đã có một thời, chúng ta cố tình giảm nhẹ vai trò của gia đình trong đời sống con người. Và trong nhà trường, trẻ con ít được nhắc nhở lòng tôn kính ông bà, cha mẹ, tình thương mến ruột rà anh chị em. Trong các tác phẩm văn học, nhân vật thường chỉ là đại diện cho một tập đoàn xã hội, một đoàn thể, một dân tộc...Vậy mà có bao giờ mất đi cái ý nghĩa sống còn của gia đình với đời sống con người " (Ma Văn Kháng)
Cùng với sự nghiệp đổi mới, "cái ý nghĩa sống còn của đời sống gia đình đối với con người" đang ngày càng được nhận thức rõ hơn. Gia đình, giáo dục gia đình được nói đến nhiều hơn, chủ đề gia đình cũng xuất hiện thường xuyên hơn trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đó là điều đáng mừng. Rồi đây đó, khái niệm gia đình, gia phong thấp thoáng hiện ra, song chỉ đủ sức gợi nhớ về một thời đã qua chứ chưa là một khẳng định về ý nghĩa cần làm sống lại một truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hoá của xã hội ta hôm nay.
Nhưng, rõ ràng giáo dục gia đình từng giữ một vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống của nhân dân ta, đó là một nét văn hoá đáng quý mà chúng ta phải kế thừa. Đương nhiên là sự kế thừa trên quan điểm biện chứng, vừa có sự phủ định vừa có nâng cao.
Xét thật kỹ thì khái niệm "gia giáo" có một sắc thái không hoàn toàn trùng khớp với "giáo dục gia đình" mà chúng ta đang sử dụng. Chính sắc thái ấy cho phép nó thường đi liền với khái niệm "gia phong". Hai khái niệm đó được sử dụng có ẩn chứa một sự tôn kính về truyền thống riêng của những kiểu loại gia đình gắn liền với dòng họ, làm đậm thêm ý nghĩa của thiết chế xã hội đặc thù mang màu sắc dân tộc, một hiện tượng đặc trưng của văn hoá dân tộc.
Trong xã hội ta xưa, vị trí của "người thầy" đứng ở bậc rất cao, chỉ sau vua, trên cả cha, khẳng định truyền thống "tôn sư trọng đạo" của cha ông ta. Không chỉ học trò kính thờ thầy, mà gia đình học trò cũng hết sức tôn kính ông thầy của con mình. Nội dung giáo dục của "thầy" với giáo dục gia đình là thống nhất trong "mục tiêu chủ yếu là giúp cho con em học làm người", song giáo dục gia đình cũng có nét riêng giúp việc hình thành nhân cách cho con em. Đó là kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua câu chuyện tâm tình trong nhà. Đó là mẹ dạy cho con gái, vì con gái không được cắp sách theo học thầy. Đó là những bài "gia huấn" được một số gia đình thuộc loại "danh gia vọng tộc" soạn riêng để dạy cho con em mình. Nét riêng của một số kiểu loại gia đình tạo thành "gia phong" được truyền dạy và tạo thành niềm tự hào mà con cháu họ cố gắng gìn giữ.
Cũng chính vì thế, khái niệm "gia giáo" ẩn tàng trong đó ý thức tự hào và cổ vũ lòng tự trọng để giữ được "nếp nhà", giữa được "gia phong" để xứng đáng là "con nhà gia giáo". Dưới những biến thái khác nhau, song giáo dục gia đình dù ở bất cứ thời đại nào cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc rèn dạy cho con em "nên người". Gây dựng lại nét truyền thống về niềm tự hào của "con nhà gia giáo", cổ vũ cho tinh thần tự trọng để bảo vệ nếp nhà, gìn giữ "gia phong" là điều có thể làm được. Bắt đầu từ một số gia đình nào đó có đủ những yếu tố cần thiết và cộng đồng xã hội nơi đó nên động viên cổ vũ để nhân rộng ra trong nội dung của xây dựng "gia đình văn hoá". Từ "điểm" mà mở rộng ra thành "diện", chuyển dần nội dung "gia đình văn hoá" gắn với "gia giáo, gia phong" để tăng thêm động lực cho từng thành viên trong gia đình phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng là "con nhà gia giáo". Thực ra, trong khái niệm "gia đình văn hoá" nên đặt rõ nội dung hình thành và củng cố văn hoá gia đình bằng cách đưa văn hoá vào trong sinh hoạt gia đình, trước hết là trong giáo dục gia đình. Điều này có ý nghĩa lớn đến việc nâng cao dân trí, dân khí và dân chủ trong xã hội. Đó chính là xây dựng truyền thống mới.
"Truyền thống làm nên đặc trưng của bản sắc dân tộc là phần cốt lõi của văn hoá gia đình Việt Nam" (Trần Đình Hượu). "Truyền thống" không là cái nhất thành bất biến. Chẳng hạn như các "con em trong gia đình" cũng đồng thời là những "thành viên của xã hội". Tuy vậy, không thể đem cách ứng xử trong quan hệ gia đình vào các mối quan hệ xã hội, và ngược lại, cũng không thể áp đặt những chuẩn mực ứng xử xã hội vào trong ứng xử gia đình. Bởi lẽ, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trong mối thâm tình máu mủ, ruột rà. Quan hệ huyết thống là nét đặc thù phân biệt thiết chế gia đình, khác hẳn với các loại thiết chế xã hội khác. Thế nhưng, trong một thời gian dài quan niệm "nhà" và "nước" chỉ khác nhau về quy mô, không khu biệt về bản thể đã cho phép đưa cách ứng xử trong gia đình áp đặt vào trong xã hội theo lề thói gia trưởng. Cho nên, "con em" trong gia đình phục tùng sự sai khiến của cha mẹ, khi là thành viên trong xã hội, họ cũng là thân phận con em chịu sự sai khiến của các nhà cầm quyền, các bậc "cha chú". Trong sự ưu trội của tính cộng đồng, cá nhân bị che lấp. Cá nhân là thành viên trong gia đình hay là thành viên trong xã hội đều không tự khẳng định được mình với tư cách là cá nhân. Họ hiện diện trong đời sống với tư cách là "con cái nhà ai", "gia thế ra sao", chứ không với tư cách là một "cá nhân công dân". Tính năng động chủ quan của mỗi người bị thui chột vì cái tôi không thể đứng một mình, "nó cứ luôn luôn đi theo chữ anh, chữ bác, chữ ông" (Hoài Thanh).
Cứ hiểu điều đó mới thấy được những "đụng độ" không sao tránh khỏi khi thế hệ trẻ hiện nay muốn tự khẳng định mình thường dễ va chạm với "các bậc cha chú" thường cứ muốn lấy mình làm chuẩn để "con em" phải khuôn theo. ấy thế mà, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hoá. Vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề có ý nghĩa nền tảng của xã hội hiện đại. Cũng trên ý nghĩa đó, giáo dục gia đình không thể không đặt ra việc hình thành nghiên cứu cá nhân công dân trong xã hội cho con em trong gia đình.
Điều ấy phù hợp với đòi hỏi của thời đại chúng ta đang sống, thời đại của sự khẳng định mạnh mẽ cá nhân: bản sắc, nhân cách, quyền hạn, lợi ích, trách nhiệm và các giá trị cá nhân.
"Gia giáo" tự nó phải mang một nội dung mới trong quan điểm về lễ nghĩa, đạo đức, tính cách, lối ứng xử, cách giao tiếp... Chính vì thế, phải biết "truyền thống hoá hiện đại và hiện đại hoá truyền thống" trong giáo dục gia đình, trong phục hồi trở lại khái niệm "gia giáo, gia phong".
Vấn đề sẽ trở nên thiết thực hơn khi mỗi gia đình tự trang bị cho mình những "kháng thể mạnh" đủ để chống lại những tật bệnh xã hội đang có chiều hướng gia tăng như cơn dịch bệnh "lắc" đang là hiểm họa rình rập đời sống của không ít gia đình đô thị và ven đô, kể cả con em của gia đình nông thôn đang đổ về đô thị ngày càng đông để kiếm việc làm. Nâng cao ý thức trách nhiệm về sự hiểu biết cho những người chủ gia đình, nhen nhúm trở lại một nét đẹp văn hoá của xã hội và gia đình Việt Nam trong việc vun đắp truyền thống gia đình, hình thành nên "nếp nhà" để lấy đó làm điểm tựa cho việc động viên, giáo dục con cháu biết rèn luyện và giữ gìn danh dự của gia đình, không làm xấu đi nét đẹp của "con nhà gia giáo", biết tự hào trong vun đắp, gây dựng "gia phong" chính là tạo nên những "kháng thể mạnh" đó.
Chẳng lẽ đây không là một nét cần thiết và có sức động viên thiết thực mà không phù phiếm khoa trương đối với việc xây dựng "gia đình văn hoá" sao?./.
____________________________
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 4 (tháng 7+8)/2005
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận