Ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
1. Ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính nhằm phát triển các hệ thống có khả năng mô phỏng hành vi thông minh của con người như học tập, suy luận, nhận diện, xử lý ngôn ngữ và ra quyết định. Theo tác giả Trương Ngọc Sơn, trong khoa học máy tính, “trí tuệ nhân tạo hay AI có thể được hiểu là một chương trình máy tính hay một hệ thống có khả năng xử lý như cách mà một con người xử lý, bao gồm khả năng nhận dạng, suy luận, phán đoán như bộ não con người” (1).
Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, AI đã dần trở thành một phần không thể thiếu của các ngành nghề, và báo chí cũng không ngoại lệ. AI đã có mặt trong nhiều hoạt động báo chí, từ tự động hóa thu thập dữ liệu, hỗ trợ phân tích thông tin, đến biên tập và thậm chí sản xuất các bản tin cơ bản.
Các công nghệ như Natural Language Processing (NLP) cho phép tự động hóa quá trình viết các tin tức đơn giản như báo cáo tài chính, kết quả thể thao và dự báo thời tiết. Điều này giúp các phóng viên có thêm thời gian tập trung vào các chủ đề phức tạp hơn. Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Sự phát triển của công nghệ AI đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách sản xuất tin tức, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động. Không chỉ có khả năng tạo nội dung về các chủ đề cụ thể, ChatGPT còn hỗ trợ lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, xây dựng dàn ý và giải thích thông tin với tốc độ nhanh và mức độ chi tiết cao. Nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu và sản xuất nội dung tự động, AI giúp rút ngắn thời gian từ khi thu thập thông tin đến khi phát hành tin tức, tạo điều kiện để báo chí bắt kịp tốc độ cập nhật liên tục của mạng xã hội và các nền tảng tin tức trực tuyến.
Trong sáng tạo tác phẩm điện tử, ứng dụng AI là việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hoặc tự động hóa quá trình sản xuất nội dung báo chí trên nền tảng số. AI có thể tham gia vào nhiều công đoạn khác nhau, từ thu thập và xử lý dữ liệu, phân tích xu hướng tin tức, hỗ trợ viết, biên tập nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm đọc, cho đến tối ưu hóa hình thức trình bày.
Công nghệ AI giúp các tòa soạn báo mạng điện tử nâng cao hiệu suất làm việc, cải thiện chất lượng tin bài và tương tác với độc giả một cách hiệu quả hơn. AI có thể hỗ trợ nhà báo viết bài nhanh hơn, phát hiện tin giả, tạo đồ họa tự động, dịch thuật nội dung và đề xuất các chủ đề phù hợp với độc giả. Tuy nhiên, AI không thay thế hoàn toàn nhà báo mà đóng vai trò như một công cụ giúp họ tối ưu hóa công việc sáng tạo nội dung
2. Phạm vi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử
Đối với hoạt động báo chí trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng chứng tỏ vai trò then chốt trong việc tái định hình các quy trình sản xuất, biên tập, phân phối và đánh giá nội dung báo mạng điện tử. Phạm vi ứng dụng của AI trải dài trên toàn bộ chuỗi giá trị sáng tạo báo chí, từ nội dung văn bản đến đa phương tiện, từ tối ưu hóa kỹ thuật đến gia tăng trải nghiệm độc giả.
- Trong khâu sản xuất nội dung: Một trong những ứng dụng rõ nét nhất của AI là khả năng tạo nội dung tự động. Dựa trên các thuật toán học máy (machine learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), các công cụ AI có thể tự động tạo ra bản tin từ các cơ sở dữ liệu có cấu trúc như dữ liệu tài chính, kết quả thể thao, thời tiết... Ví dụ, hãng tin Associated Press (Mỹ) từ lâu đã sử dụng AI để sản xuất hàng nghìn bản tin tài chính ngắn mỗi quý mà không cần sự can thiệp của con người(2).
AI còn hỗ trợ gợi ý tiêu đề hấp dẫn, viết lại nội dung, hoặc tạo phác thảo bài viết dựa trên chủ đề được nhập vào. Công cụ như Jasper, Copy.ai hay ChatGPT có khả năng hỗ trợ nhà báo xây dựng ý tưởng, hoàn thiện câu chữ và gia tăng tốc độ xuất bản.
Đáng chú ý, AI đang tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực tạo ảnh minh họa tự động (text-to-image) nhờ vào các mô hình như DALL . E hoặc Midjourney. Với khả năng chuyển văn bản mô tả thành hình ảnh sinh động, AI giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc tạo đồ họa cho tin bài.
- Trong khâu biên tập và hiệu đính: AI đã và đang hỗ trợ kiểm tra chính tả, ngữ pháp, cấu trúc câu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các công cụ như Grammarly hay Hemingway giúp phát hiện lỗi ngôn ngữ và đề xuất sửa lỗi ngữ nghĩa, đảm bảo chất lượng ngôn từ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, AI còn hỗ trợ kiểm chứng dữ kiện (fact-checking), một chức năng ngày càng cần thiết trong bối cảnh lan truyền tin giả (fake news). Thông qua việc học từ khối lượng lớn dữ liệu và văn bản đáng tin cậy, AI có thể phát hiện các sai lệch thông tin, dấu hiệu xuyên tạc, hoặc hình ảnh bị chỉnh sửa.
AI cũng có khả năng tóm tắt văn bản dài thành các đoạn nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, giúp độc giả nhanh chóng tiếp cận thông tin cốt lõi mà không cần đọc toàn bộ bài viết.
- Trong khâu phân phối và cá nhân hóa nội dung: Một trong những năng lực mạnh mẽ nhất của AI là khả năng phân tích hành vi người dùng và đề xuất nội dung phù hợp. Thông qua mô hình học máy, AI nhận diện sở thích, tần suất truy cập, thời gian đọc và từ khóa quan tâm của từng độc giả, từ đó tự động sắp xếp thứ tự hiển thị bài viết hoặc gửi thông báo tin tức mang tính cá nhân hóa.
Ví dụ, báo điện tử VietnamPlus đã ứng dụng AI để đề xuất nội dung theo hành vi người đọc, qua đó gia tăng thời gian lưu lại trên nền tảng và tỷ lệ nhấp (CTR). Đây là xu hướng đang được nhiều tòa soạn triển khai nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa quảng cáo.
Ngoài ra, AI còn có khả năng tự động gắn thẻ bài báo (metadata tagging), giúp tổ chức nội dung hợp lý và dễ dàng hơn trong việc truy xuất thông tin, cải thiện khả năng tìm kiếm trên cả hệ thống nội bộ và các công cụ tìm kiếm bên ngoài như Google.
- Trong các hình thức sáng tạo nội dung báo chí mới: AI đang mở rộng không gian sáng tạo với báo chí dữ liệu (data journalism), infographics động, video tự động và âm thanh tổng hợp (text-to-speech). Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng AI đã và đang được nhiều đơn vị trong Thông tấn xã Việt Nam triển khai như Podcast, Speech-to-Text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn hay tin tuyển chọn từ ban biên tập; hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…Với báo chí dữ liệu, AI giúp nhà báo xử lý khối lượng lớn dữ liệu để phát hiện xu hướng, tạo biểu đồ tương tác hoặc trực quan hóa thông tin. Trong khi đó, các nền tảng như Lumen5 có thể tạo video tự động từ nội dung bài viết, góp phần đa dạng hóa phương thức tiếp cận độc giả.
Một ứng dụng nổi bật khác là chatbot báo chí - các trợ lý ảo có thể trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin theo thời gian thực, đồng thời duy trì tương tác với độc giả theo hướng tự nhiên hơn. Năm 2018, VietnamPlus là cơ quan báo chí chính thống đầu tiên sử dụng chatbot để tương tác với độc giả. Sản phẩm cũng đã được Hiệp hội các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương trao “Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn”. Đây là hình thức vừa giúp tăng cường tương tác, vừa thu thập dữ liệu phục vụ cho quá trình cá nhân hóa thông tin.
3. Cách thức tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình sáng tạo báo chí
- Mô hình vận hành công nghệ AI trong tòa soạn: Việc tích hợp AI hiệu quả đòi hỏi các tòa soạn phải thiết lập một kiến trúc số đồng bộ giữa hệ thống quản trị nội dung (CMS) với các công cụ AI chuyên biệt. Nhiều tòa soạn hiện đại xây dựng mô hình “tòa soạn thông minh (smart newsroom)”, nơi dữ liệu lớn (big data), AI và phân tích hành vi người dùng được vận hành như một hệ sinh thái thống nhất.
AI không thay thế nhà báo, mà hỗ trợ và nâng cao năng lực làm việc. Nhà báo từ vai trò người viết truyền thống có thể trở thành người giám sát, biên tập và kiểm định chất lượng nội dung do AI tạo ra. Đây chính là mô hình “con người - AI cộng tác” (human-in-the-loop) đang được nhiều tổ chức báo chí quốc tế áp dụng. Tại The Washington Post (Mỹ), công cụ trí tuệ nhân tạo mang tên Heliograf được triển khai nhằm tự động hóa việc sản xuất các bản tin thể thao, chính trị và tài chính – những nội dung có cấu trúc dữ liệu rõ ràng. AI sẽ đảm nhiệm việc tổng hợp, trình bày thông tin một cách nhanh chóng và chính xác ở cấp độ sơ khai. Tuy nhiên, vai trò của con người không bị thay thế mà chuyển sang vị trí then chốt hơn: biên tập viên có nhiệm vụ kiểm tra nội dung do Heliograf tạo ra, bảo đảm độ chính xác, bổ sung ngữ cảnh phù hợp và phân tích sâu các khía cạnh mà AI chưa thể thực hiện được. Mô hình “con người – AI cộng tác” này đã giúp The Washington Post xuất bản hàng trăm bản tin ngắn mỗi ngày mà không cần gia tăng số lượng phóng viên, vừa nâng cao hiệu suất làm việc vừa duy trì chất lượng báo chí(3).
- Các công cụ AI tiêu biểu trong sáng tạo báo chí: Một số nền tảng nổi bật bao gồm:
+ ChatGPT, Jasper, Copy.ai: Hỗ trợ viết nội dung, gợi ý ý tưởng.
+ DALL.E, Midjourney: Tạo ảnh minh họa tự động.
+ Grammarly, Hemingway: Biên tập ngữ pháp và phong cách.
+ Headlime, Writesonic: Tối ưu hóa tiêu đề và nội dung quảng bá.
+ Lumen5, Pictory: Tạo video từ văn bản.
+ Rev.ai, Otter.ai: Chuyển giọng nói thành văn bản và ngược lại.
Các công cụ này khi được tích hợp vào quy trình xuất bản sẽ tạo ra một hệ thống tự động - bán tự động - có giám sát, vừa đảm bảo hiệu suất, vừa duy trì được tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp trong sản xuất báo chí.
4. Tiêu chí đánh giá hiệu quả ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử
Để đánh giá chính xác hiệu quả của việc ứng dụng AI vào vấn đề này, cần xem xét nhiều tiêu chí quan trọng như chất lượng nội dung, hiệu suất làm việc, trải nghiệm độc giả, hiệu quả tài chính và đạo đức báo chí. Trong nội dung bài viết này, tác giả xin đưa ra một số tiêu chí đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử như sau:
Một là, tiêu chí về chất lượng nội dung tác phẩm
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung báo mạng điện tử là chất lượng thông tin. AI có thể hỗ trợ nhà báo trong nhiều khâu như phân tích dữ liệu, tạo lập nội dung, chỉnh sửa văn bản, song điều quan trọng là phải đảm bảo tính chính xác và tin cậy của thông tin. Các nội dung do AI hỗ trợ sản xuất cần được kiểm duyệt chặt chẽ để tránh sai sót, bóp méo sự thật hoặc bị thao túng bởi dữ liệu sai lệch.
Bên cạnh đó, AI cần đóng vai trò như một công cụ nâng cao tính sáng tạo, giúp tạo ra các tiêu đề hấp dẫn, tối ưu hóa hình ảnh, video hoặc đồ họa đi kèm bài viết. Một bài báo hấp dẫn không chỉ dừng lại ở nội dung chữ viết mà còn phải có tính trực quan sinh động, thu hút độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngoài ra, AI có khả năng cá nhân hóa nội dung, đề xuất bài viết phù hợp với từng nhóm độc giả dựa trên thói quen và hành vi đọc của họ, giúp nâng cao trải nghiệm cá nhân.
Do đó, khi đánh giá về tiêu chí chất lượng nội dung tác phẩm báo mạng điện tử do ứng dụng AI cần lưu ý các vấn đề sau:
+ Tính chính xác và tin cậy: AI có giúp nhà báo kiểm chứng thông tin, giảm sai sót và loại bỏ tin giả không?
+ Tính sáng tạo và hấp dẫn: AI có hỗ trợ tạo tiêu đề hấp dẫn, nội dung có chiều sâu, cách diễn đạt sinh động không?
+ Khả năng cá nhân hóa nội dung: AI có gợi ý nội dung phù hợp với từng đối tượng độc giả không?
Hai là, tiêu chí về hình thức của tác phẩm
Tác phẩm báo mạng điện tử không chỉ yêu cầu nội dung chất lượng mà còn đòi hỏi hình thức trình bày hấp dẫn, tối ưu hóa trải nghiệm đọc. Do đó, khi đánh giá hiệu quả ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử cũng cần phải được đánh giá qua các tiêu chí về hình thức tác phẩm như:
+ Thiết kế giao diện trực quan: AI có giúp tối ưu hóa bố cục bài viết, sử dụng màu sắc, font chữ, khoảng trắng hợp lý không?
+ Trình bày đa phương tiện: AI có hỗ trợ tích hợp hình ảnh, video, infographic, đồ họa tương tác một cách mượt mà không?
+ Tối ưu hiển thị trên các nền tảng: AI có giúp bài báo hiển thị tốt trên điện thoại, máy tính bảng, laptop không?
+ Cá nhân hóa trải nghiệm đọc: AI có hỗ trợ điều chỉnh kích thước chữ, giao diện tối (dark mode) và chế độ đọc không gián đoạn không?
Ba là, tiêu chí về hiệu suất làm việc của nhà báo và tòa soạn
Ứng dụng AI không chỉ giúp nhà báo sản xuất nội dung nhanh hơn mà còn tối ưu hóa quy trình làm báo. Một trong những lợi ích lớn nhất của AI là khả năng tăng tốc độ sản xuất tin tức, hỗ trợ nhà báo xử lý các tác vụ tốn nhiều thời gian như bóc băng phỏng vấn, dịch văn bản, tóm tắt nội dung và chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp. Nhờ đó, các phóng viên và biên tập viên có thể tập trung nhiều hơn vào việc sáng tạo nội dung chuyên sâu và mang tính phân tích.
AI cũng có khả năng hỗ trợ xử lý dữ liệu báo chí ở quy mô lớn. Trong thời đại dữ liệu lớn (Big Data), việc thu thập, phân tích và trực quan hóa dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong báo chí dữ liệu (Data Journalism). AI giúp các tòa soạn xử lý dữ liệu nhanh chóng, nhận diện xu hướng thông tin, từ đó cung cấp cho nhà báo những góc nhìn sâu sắc hơn để viết bài.
Do đó, việc ứng dụng AI cần giúp tối ưu hóa quy trình làm báo, nâng cao năng suất làm việc của nhà báo:
+ Tốc độ sản xuất tin tức: AI có giúp rút ngắn thời gian biên tập, bóc băng phỏng vấn, chỉnh sửa văn bản không?
+ Tối ưu hóa quy trình làm báo: AI có hỗ trợ phân tích dữ liệu, kiểm tra lỗi ngữ pháp, định dạng nội dung không?
+ Hỗ trợ báo chí dữ liệu (Data Journalism): AI có giúp thu thập và trực quan hóa dữ liệu một cách hiệu quả không?
Bốn là, tiêu chí về trải nghiệm và tương tác của độc giả
Trong báo mạng điện tử, sự tương tác với độc giả đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân người đọc và nâng cao mức độ phổ biến của bài báo. AI giúp cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua các thuật toán cá nhân hóa, đề xuất bài viết phù hợp với sở thích và hành vi đọc của từng cá nhân. Điều này không chỉ giúp độc giả tiếp cận nội dung họ quan tâm một cách nhanh chóng mà còn tăng tỷ lệ giữ chân người đọc trên trang web báo mạng điện tử.
Một tiêu chí quan trọng khác là khả năng tương tác với độc giả. Các chatbot AI có thể tự động trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin hoặc thậm chí hỗ trợ tóm tắt nội dung báo chí theo yêu cầu của người đọc. Ngoài ra, AI còn giúp tối ưu hóa trải nghiệm đọc bằng cách tự động điều chỉnh bố cục trang, đề xuất nội dung liên quan hoặc thậm chí chuyển đổi văn bản thành giọng nói để hỗ trợ người khiếm thị.
Vì vậy, việc AI hỗ trợ sáng tạo nội dung cần giúp nâng cao mức độ tương tác của độc giả với báo mạng điện tử:
+ Sự hài lòng của độc giả: AI có giúp tạo nội dung hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu người đọc không?
+ Tỷ lệ giữ thời gian đọc: AI có giúp giảm tỷ lệ thoát trang, tăng thời gian độc giả đọc bài không?
+ Tương tác hai chiều: AI có hỗ trợ chatbot, gợi ý nội dung, phản hồi bình luận nhanh chóng không?
Năm là, tiêu chí về đạo đức báo chí và an toàn thông tin
Bên cạnh những lợi ích, việc ứng dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức về đạo đức nghề nghiệp và an toàn thông tin. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là AI có thể bị lợi dụng để tạo tin giả, làm sai lệch thông tin hoặc thao túng dư luận. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ, đảm bảo nội dung do AI tạo ra không vi phạm các nguyên tắc báo chí. Cần có sự rõ ràng về cách thức AI được sử dụng, đảm bảo rằng không có sự can thiệp không hợp lý trong việc tạo ra nội dung và thông tin không bị thao túng. Các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm trong việc giải thích rõ ràng với độc giả về sự tham gia của AI trong quy trình sáng tạo nội dung.
Ngoài ra, AI cần được sử dụng để bảo vệ bản quyền nội dung, ngăn chặn tình trạng sao chép trái phép hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một yếu tố quan trọng khác là bảo mật dữ liệu độc giả, đảm bảo AI không thu thập hoặc sử dụng thông tin cá nhân của người đọc một cách trái phép.
5. Kết luận
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử không còn là xu hướng tương lai, mà đã trở thành thực tiễn phổ biến trong môi trường truyền thông hiện đại. Với khả năng tự động hóa, tối ưu nội dung và cá nhân hóa trải nghiệm, AI góp phần tái cấu trúc toàn diện quy trình sản xuất và phân phối thông tin báo chí. Bài viết cho thấy AI không chỉ nâng cao năng suất và hiệu quả tiếp cận độc giả, mà còn mở rộng không gian sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức về kiểm soát chất lượng, đạo đức nghề nghiệp và nguy cơ phụ thuộc công nghệ. Để AI phát huy hiệu quả, cần xây dựng hệ tiêu chí đánh giá rõ ràng, phát triển hạ tầng công nghệ, pháp lý và nguồn nhân lực phù hợp. Mô hình cộng tác “con người - AI” là định hướng chiến lược để bảo vệ bản sắc báo chí trong thời đại số.
Trong tương lai, việc nghiên cứu sâu hơn về tác động của AI đến hành vi người dùng và cấu trúc tổ chức báo chí sẽ góp phần hoàn thiện các mô hình ứng dụng. Nếu tận dụng tốt, báo chí Việt Nam hoàn toàn có thể biến AI thành đòn bẩy để khẳng định vai trò trong kỷ nguyên số./.
_____________________________
(1) Trương Ngọc Sơn (2020), Giáo trình “Trí tuệ nhân tạo cơ sở và ứng dụng”, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
(2) Anh Minh (2024), Câu chuyện ứng dụng AI tại hãng tin AP, Tạp chí Thông tin và Truyền thông điện tử, đăng nhập ngày 16/5/2024, https://ictvietnam.vn/cau-chuyen-ung-dung-ai-tai-hang-tin-ap-64456.html
(3) Vũ Anh Tú (2024), Cách các tờ báo Mỹ sử dụng AI, Tạp chí Thông tin và Truyền thông điện tử, đăng nhập ngày 8/5/2023, https://ictvietnam.vn/cach-cac-to-bao-my-su-dung-ai-57073.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brett King (Bùi Tố Hạnh dịch, 2019), Cuộc cách mạng AI, NXB Thế giới, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Trường Giang (2014), Báo mạng điện tử - Những vấn đề cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Đinh Thị Thu Hằng (2023), Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí, Tạp chí Người làm báo điện tử, ngày 18/6/2023
4. Katie King (2020), Trí tuệ nhân tạo trong marketing, NXB Công Thương, (Lê Tường Vân dịch)
5. Klaus Schwab (2019), Định hình cuộc cách mạng công nghệ 4.0, NXB Thế giới, (Nguyễn Văn – Thành Thép dịch)
6. Phạm Thị Thanh Tịnh (2022), Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 6/2022.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Truyền thông về Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG) của các tập đoàn lớn tại Việt Nam hiện nay: Cơ hội và thách thức
- Sự dịch chuyển của thương hiệu Việt trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam
- Giải pháp thúc đẩy tác động của ứng dụng yếu tố văn hoá trong chương trình âm nhạc đối với hành vi tiếp nhận nội dung của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông
- Tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược xây dựng thương hiệu ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện nay
- Báo chí truyền thông chính trị trên Youtube: Cơ hội, thách thức và giải pháp
Xem nhiều
-
1
[Video] Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Động lực mới cho phát triển kinh tế”
-
2
Quản trị nhà nước tốt gắn liền với thể chế dân chủ ổn định và phát triển
-
3
Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam của Đại thắng mùa Xuân 1975 để lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
-
4
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Tuyên Quang hiện nay
-
5
Không thể bác bỏ giá trị thời đại lý luận của C. Mác về quá trình lưu thông tư bản
-
6
Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - mục tiêu, quyết tâm của toàn Đảng và ý nguyện, khát vọng của người dân Việt Nam
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng "đề kháng", ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị - Bài 1: Những giá trị to lớn của “sức mạnh mềm”
Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chính vì sự quan trọng của văn hóa, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước liên tục cấu kết, tổ chức tuyên truyền, kích động chống phá dưới nhiều hình thức, cường độ, mức độ và trên nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chúng phủ nhận nền tảng văn hóa tinh thần xã hội chủ nghĩa được xây dựng mấy chục năm qua, lấy đó là nội dung ưu tiên, là mũi tấn công nhằm thay đổi tâm lý, tình cảm, tư tưởng của xã hội, nhất là giới trẻ. Loạt bài: “Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng "đề kháng", ngăn ngừa suy thoái về chính trị, tư tưởng” tập trung làm rõ những hiện tượng chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm hướng tới xây dựng một nền văn hóa tinh thần với những giá trị nhân văn, tốt đẹp, làm cơ sở để đất nước có đủ sức mạnh vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Truyền thông về Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG) của các tập đoàn lớn tại Việt Nam hiện nay: Cơ hội và thách thức
Truyền thông về Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG) của các tập đoàn lớn tại Việt Nam hiện nay: Cơ hội và thách thức
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu và cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, truyền thông về ESG (Môi trường – Xã hội và Quản trị) tại các tập đoàn Việt Nam trở thành công cụ quan trọng để tiếp cận gần gũi với công chúng, thể hiện cam kết tạo ra tác động xã hội tích cực, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín và thu hút khách hàng có trách nhiệm xã hội(1). Việc truyền thông hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng, tạo niềm tin với nhà đầu tư và người tiêu dùng, đồng thời khai thác cơ hội phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các tập đoàn cũng đối mặt với thách thức lớn về hiện tượng greenwashing gây mất niềm tin và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín doanh nghiệp; đồng thời, vấn đề minh bạch và xác thực trong công bố thông tin ESG vẫn còn hạn chế, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược truyền thông chặt chẽ, có chứng nhận uy tín và câu chuyện thực tế để tránh rủi ro pháp lý và mất lòng tin từ công chúng. Do đó, truyền thông về ESG tại các tập đoàn Việt Nam hiện nay vừa là cơ hội để khẳng định vị thế bền vững vừa là thách thức đòi hỏi sự cam kết minh bạch và trách nhiệm cao trong từng hành động và thông điệp truyền tải.
Sự dịch chuyển của thương hiệu Việt trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam
Sự dịch chuyển của thương hiệu Việt trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam
Không chỉ là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt, thương hiệu còn minh chứng cho sự uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế toàn cầu, môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp cần đầu tư đúng đắn cho thương hiệu. Định vị thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với khách hàng mà còn góp phần nâng cao giá trị tài sản thương hiệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Từ góc độ quản trị truyền thông thương hiệu, nghiên cứu này chỉ ra xu hướng dịch chuyển, nhìn nhận những thách thức trong quá trình định vị thương hiệu Việt nói chung, thương hiệu trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nói riêng, phát hiện điểm cốt lõi trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của một số doanh nghiệp điển hình. Cuối cùng, nghiên cứu đúc rút một số kinh nghiệm, gợi mở giải pháp nhằm nâng cao việc phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam.
Giải pháp thúc đẩy tác động của ứng dụng yếu tố văn hoá trong chương trình âm nhạc đối với hành vi tiếp nhận nội dung của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông
Giải pháp thúc đẩy tác động của ứng dụng yếu tố văn hoá trong chương trình âm nhạc đối với hành vi tiếp nhận nội dung của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông
Nghiên cứu này đánh giá tác động của ứng dụng yếu tố văn hoá trong các tiết mục âm nhạc thông qua chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) năm 2024 đến hành vi tiếp nhận nội dung của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ đó đề xuất các giải pháp truyền thông nhằm thúc đẩy tác động của ứng dụng yếu tố văn hoá trong chương trình âm nhạc đối với hành vi tiếp nhận nội dung của giới trẻ Việt Nam.
Tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược xây dựng thương hiệu ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện nay
Tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược xây dựng thương hiệu ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện nay
Nghiên cứu tập trung phân tích chiến lược xây dựng thương hiệu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong giai đoạn 2021–2024. Thông qua khảo sát khách hàng, phỏng vấn chuyên gia và phân tích nội dung truyền thông, nghiên cứu cho thấy, ESG không chỉ là công cụ quản trị mà còn là nền tảng định vị thương hiệu có chiều sâu và sức bền. Nghiên cứu chỉ ra thực trạng tích hợp ESG trong chiến lược xây dựng thương hiệu ngân hàng. Tuy nhiên, việc triển khai ESG tại MSB vẫn còn thiếu kế hoạch truyền thông xuyên suốt và chưa đồng bộ giữa hành động thực tiễn và định vị thương hiệu. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược nhằm tối ưu hóa việc tích hợp ESG trong truyền thông thương hiệu ngân hàng giai đoạn tới, góp phần củng cố hình ảnh ngân hàng có trách nhiệm, minh bạch và phát triển bền vững.
Bình luận