Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và vận dụng trong nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng, quan tâm đến vấn đề đạo đức, đặc biệt là đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Tư tưởng Hồ Chí minh về đạo đức cách mạng được thể hiện ở cách nhìn toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là các mối quan hệ và bản chất của con người. Tựu chung lại, có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. Trong những bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát nội hàm đạo đức cách mạng đó là: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(2); “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”(3). Hồ Chí Minh đặc biệt coi nội dung này bởi đó là một trong những căn cứ, tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. “Trung với nước”, “hiếu với dân” phản ánh nội dung bao trùm nhất về đạo đức cách mạng theo tư Hồ Chí Minh.
Người chỉ rõ, “Trung với nước” là tuyệt đối trung thành với Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã lựa chọn. Lấy mục tiêu đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân là cơ sở, động lực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. “Hiếu với dân” là “người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ”(4). Hồ Chí Minh khẳng định, mỗi người cán bộ, đảng viên phải thực sự tôn trọng, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đồng thời, Người luôn coi Nhân dân là người làm chủ, có vai trò quyết định đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Người luôn nhất quán quan điểm: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(5).
Thứ hai, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(6). Đây được coi là phẩm chất căn cốt trong xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, “Cần” là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”(7). “Kiệm” là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(8). “Liêm” là “trong sạch, không tham lam”(9). “Chính” nghĩa là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”(10).
Qua đó có thể thấy, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là phẩm chất đạo đức cần có của mỗi con người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Thực hiện được 4 đức tính này sẽ giúp cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao đạo đức cách mạng, rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, đây còn là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của dân tộc. Theo Người: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(11).
Hồ Chí Minh luôn đề cao mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” và chí công vô tư. Mỗi người cán bộ, đảng viên khi thực hành nghiêm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại, khi hành động chí công vô tư sẽ thể hiện sự “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Đối với người cán bộ, đảng viên, thực hành chí công vô tư là nhân tố quan trọng để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Về cơ bản, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là cơ sở, tiền đề của chí công vô tư và ngược lại, mỗi cán bộ, đảng viên chỉ thực sự chí công vô tư khi đã thực hiện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Thứ ba, yêu thương, quý trọng con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(12). Qua đó cho thấy, với Hồ Chí Minh tình yêu thương, hướng thiện luôn tồn tại bên trong mỗi con người. Tình yêu thương, quý trọng con người là tình cảm giành cho mỗi cá nhân, đồng bào, dân tộc không phân biệt vùng miền… Trước hết, đó là tình yêu thương dành cho những người bị áp bức, bóc lột trong mọi giai tầng xã hội. Tình yêu thương, quý trọng con người được thể hiện trong mối quan hệ thường ngày với những người xung quanh, đó có thể là những người trong gia đình, dòng họ, làng xã hoặc cũng có thể là những người đồng chí, đồng nghiệp.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người… Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc... Làm việc CHÍNH, là người THIỆN. Làm việc TÀ, là người ÁC”(13). Qua đó có thể thấy, người “thiện” và người “tà” có ranh giới xác định rõ ràng. Khi mỗi con người làm việc thiện sẽ thể hiện tâm tính tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người xung quanh. Trên cơ sở đó, giúp phát huy tính tích cực, ngăn ngừa hạn chế, tiêu cực trong mỗi con người, giúp các cá nhân nhận thức và hành động đúng. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ mục tiêu hướng tới xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”(14).
Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đạo đức, lối sống… đã đặt ra yêu cầu về nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xuất phát từ thực tế, chỉ trong năm 2024 các bộ, ngành, địa phương đã xử lý kỷ luật 4.741 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ 390 người; công chức 1.092 người, viên chức 6.313 người vi phạm kỷ luật, đạo đức(15) đã đặt ra yêu cầu về nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên phản ánh sự tác động của nhiều yếu tố như lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng đã làm giao động, ảnh hưởng đến tư tưởng... Trước tình trạng này, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận còn: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(16). Chính vì vậy, việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay càng cần được coi trọng hơn bao giờ hết.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng.
Thực tế cho thấy, nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng để mỗi cán bộ, đảng viên có căn cứ, cơ sở nâng cao đạo đức cách mạng một cách hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là quan điểm về đạo đức cách mạng. Đưa nội dung đạo đức cách mạng vào chương trình sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, học tập chính trị định kỳ. Nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống cho quần chúng noi theo. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương trước quần chúng. Gắn việc học tập đạo đức cách mạng với tự soi, tự sửa, tự kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ. Gắn rèn luyện đạo đức cách mạng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xác định rõ đạo đức cách mạng là nền tảng để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để làm tốt công tác này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo về vai trò của công tác xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Cấp ủy đảng và người đứng đầu phải luôn quán triệt và thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực công tác. Đồng thời, cần có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, mối quan hệ giữa đức và tài phải đi song hành ở mỗi cấp ủy, đảng viên trong tổ chức đảng các cấp.
Hai là, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(17). Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong công tác và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Nhiệm vụ này cần được tiến hành thông qua định hướng công tác, học tập, rèn luyện cũng như mối quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức, cơ quan. Kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng, chủ yếu cho thấy vai trò của họ trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có vai trò định hướng, điều chỉnh hành vi, phát triển nhân cách trong công việc và cuộc sống thường ngày. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để từng cán bộ, đảng viên có thể hiểu và vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào cuộc sống. Chú trọng xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm trong rèn luyện, nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Mục đích, động cơ rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên tạo ra động lực thúc đẩy quá trình hoạt động và vận dụng thực tiễn của họ đạt kết quả cao. Nhiệm vụ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì vậy, cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí sống có hoài bão, lý tưởng và khát vọng đúng đắn để khơi dậy, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Ba là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Để góp phần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ, đảng viên cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ việc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa “sống còn” đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, hệ thống chuẩn mực về mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm. Lãnh đạo cấp ủy các cấp cần thường xuyên nêu gương trong công tác tự phê bình và phê bình để đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò tự giác, tích cực trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đạo đức cách mạng chính là nền tảng tinh thần vững chắc, là “cái gốc” để mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tiễn cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần được trang bị những giá trị đạo đức cốt lõi như: trung thực, liêm chính, tận tụy, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, với nội dung sát với yêu cầu nhiệm vụ và vị trí công tác của từng đối tượng. Đồng thời, cần gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Qua đó, tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, tổ chức đảng các cấp cần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Môi trường công sở, cơ quan, đơn vị phải là nơi lan tỏa những giá trị tốt đẹp, khích lệ tinh thần phục vụ nhân dân và ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên./.
_______________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, 2011, tr.292.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.354.
(3), (12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.169, 672.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.438.
(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (13) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.432, 117, 118, 122, 126, 129, 128, 129.
(14), (17) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.607, 612.
(15) Bộ Nội vụ: Kỷ luật gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2024; giảm biên chế 16.100 người, https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-ky-luat-gan-5-000-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-trong-nam-2024-giam-bien-che-16-100-nguoi-20241221072556017.htm, ngày 21-12-2024.
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.95.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân
- Phát huy tư tưởng nhân văn trong hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh ở thời đại 4.0
- Lực lượng Công an nhân dân học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy
- Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và ý nghĩa đối với công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hiện nay
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trí tuệ, “là đạo đức, là văn minh” và việc vận dụng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong kỷ nguyên mới
Xem nhiều
-
1
[Video] Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Động lực mới cho phát triển kinh tế”
-
2
Thực hành tiết kiệm
-
3
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
-
4
Ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
-
5
Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - mục tiêu, quyết tâm của toàn Đảng và ý nguyện, khát vọng của người dân Việt Nam
-
6
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và vận dụng trong nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đảng viên trẻ với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Trên không gian mạng, nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những chủ đề nhạy cảm và được quan tâm sâu sắc. Vì thế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trở thành một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của toàn thể cán bộ, đảng viên trong đó có đảng viên trẻ - những người sở hữu tri thức, năng lực và có vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết này tập trung làm rõ vai trò của đảng viên trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân
Trong suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, để nâng cao đời sống của nhân dân thì phải khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi nguồn lực, phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế. Phát huy quyền là chủ và làm chủ của nhân dân. Để phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả, cần phải thực hiện dân chủ trong kinh tế, giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế nhiều thành phần, phân phối công bằng, hợp lý. Sự phát triển kinh tế là điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Phát huy tư tưởng nhân văn trong hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh ở thời đại 4.0
Phát huy tư tưởng nhân văn trong hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh ở thời đại 4.0
Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu; sáng lập báo Thanh niên ngày 21/6/1925, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng nhân văn đã tạo nên nhân cách và những thành tựu vĩ đại trong hoạt động báo chí cách mạng của Bác. Sinh thời, Bác đã luôn nhắc nhở các tờ báo, nhà báo phải quán triệt tốt tính nhân văn trong hoạt động nghiệp vụ. Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, báo chí đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm lãnh đạo, quản lý tốt hoạt động báo chí. Kế thừa và phát huy tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong hoạt động nghiệp vụ, báo chí Việt Nam cần giữ vững định hướng chính trị, tận dụng cơ hội, làm chủ công nghệ số, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.
Lực lượng Công an nhân dân học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy
Lực lượng Công an nhân dân học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy
Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân không chỉ là lời căn dặn mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, rèn luyện và cống hiến của lực lượng công an trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở phân tích sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, bài viết đề xuất các giải pháp giúp đẩy mạnh việc học tập và làm theo sáu điều Bác Hồ dạy của lực lượng Công an nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và ý nghĩa đối với công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hiện nay
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và ý nghĩa đối với công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hiện nay
Sinh thời, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo xây dựng và kiện toàn chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng thời kỳ. Sự vững mạnh của chính quyền địa phương trong mỗi giai đoạn lịch sử góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của các cuộc cách mạng, khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay đang được soi đường bởi chỉ dẫn toàn diện và sâu sắc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận