Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
1. Đặt vấn đề
Truyền thông chính sách có vai trò thiết yếu trong quy trình chính sách, từ hoạch định đến thực thi, đánh giá và phân tích chính sách. Không chỉ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách, truyền thông chính sách còn giúp xây dựng đồng thuận xã hội, kêu gọi sự ủng hộ và chấp hành chính sách của người dân. Nếu công tác truyền thông chính sách không được thực hiện bài bản, hiệu lực và hiệu quả của chính sách sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, báo chí có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Báo chí cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản biện của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền. Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách là không thể phủ nhận.
đội ngũ phóng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông chính sách. Họ đóng vai trò cầu nối giữa các ban, bộ, ngành và các bên liên quan chịu tác động hoặc hưởng lợi từ chính sách. Chính sách có được truyền thông rõ ràng, chính xác, kịp thời hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, bản lĩnh của phóng viên. Nếu phóng viên không có kiến thức chính sách và kỹ năng, phương pháp truyền thông tốt, họ sẽ không thể làm cho công chúng hiểu, ủng hộ và chấp hành chính sách, đặc biệt là các chính sách phức tạp.
Nhiều phóng viên cho biết, họ phải tự học trong công việc và chưa được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng hay hội thảo về kỹ năng truyền thông chính sách. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng truyền thông chính sách là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông không thể cung cấp thứ mình có mà phải cung cấp thứ phóng viên cần. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của phóng viên là cần thiết nhằm trả lời các câu hỏi như: Phóng viên có nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách hay không? Họ có nhu cầu bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng nào? Tại sao lại có nhu cầu đó?
2. Phương pháp nghiên cứu
Để trả lời các câu hỏi nghiên cứu trên, chúng tôi đã xây dựng 2 bảng hỏi: bảng hỏi định lượng và bảng hỏi định tính. Bảng hỏi định lượng gồm chủ yếu các câu hỏi thang bậc để phóng viên đánh giá tầm quan trọng của các kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách. Phóng viên được đề nghị đánh giá tầm quan trọng của các kiến thức và kỹ năng theo thang đo Likert từ 1 đến 5 với 1 là “rất không quan trọng” và 5 là “rất quan trọng”. 126 phóng viên của các cơ quan báo chí - truyền thông đã tham gia khảo sát này.
Để làm rõ hơn các lựa chọn của phóng viên trong khảo sát thứ nhất, chúng tôi đã xây dựng bảng hỏi định tính. Bảng hỏi định tính gồm các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi mở để người tham gia có cơ hội giải thích lựa chọn của mình. Bảng hỏi định tính nhằm trả lời các câu hỏi như: Phóng viên có nhu cầu bồi dưỡng về truyền thông chính sách hay không? Tại sao? Phóng viên mong muốn chương trình bồi dưỡng truyền thông chính sách như thế nào? Tại sao? 31 phóng viên tham gia khảo sát này.
Cả hai khảo sát được thực hiện trên nền tảng Google Forms để thuận lợi cho việc triển khai đến phóng viên các cơ quan báo chí - truyền thông khác nhau. Một số cơ quan báo chí tham gia khảo sát gồm báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại biểu nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Dữ liệu được tập hợp, làm sạch và xử lý trong phần mềm SPSS 26. Tính ẩn danh của người tham gia nghiên cứu được bảo đảm trong quá trình xử lý và trình bày dữ liệu.
Trong khảo sát thứ nhất, 73/126 (57,9%) phóng viên chưa từng tham gia khóa bồi dưỡng nào về truyền thông chính sách. Trong khảo sát thứ hai, 21/31 (67,7%) phóng viên chưa từng tham gia khóa bồi dưỡng nào về truyền thông chính sách trong vòng 5 năm gần đây.
3. Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách
Khảo sát định tính với 31 phóng viên đặt câu hỏi: Anh/ chị đánh giá năng lực truyền thông chính sách hiện nay của bản thân có đáp ứng được yêu cầu của công việc không? 22,6% phóng viên trả lời “hoàn toàn đáp ứng được”; 74,2% trả lời “đáp ứng được một phần” và 3,2% trả lời “hoàn toàn không đáp ứng được”. Sự tự đánh giá này của các phóng viên tham gia nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa năng lực hiện tại của phóng viên và yêu cầu khách quan của công việc.
Trên cơ sở kết quả này, chúng tôi đã đề nghị các phóng viên đánh giá nhu cầu bồi dưỡng năng lực truyền thông chính sách trên thang đo Likert từ 1 đến 5 với 1 là “rất không cần thiết” và 5 là “rất cần thiết”. Theo đó, nhu cầu bồi dưỡng năng lực truyền thông chính sách được xác định ở mức cần thiết (M = 3.9032, SD = 1.27423). Cụ thể, 45,2% phóng viên cho rằng, bồi dưỡng truyền thông chính sách là cần thiết; 35,5% là rất cần thiết trong khi 12,9% cho rằng bồi dưỡng truyền thông chính sách là rất không cần thiết.
Để tìm hiểu rõ hơn nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của phóng viên, chúng tôi đề nghị người tham gia nghiên cứu trả lời câu hỏi: Tại sao anh/ chị lại có nhu cầu bồi dưỡng về truyền thông chính sách? Các lý do chính được đưa ra bao gồm: để nâng cao trình độ nghiệp vụ và hiệu quả công tác; để truyền thông chính xác và hiệu quả; để chuyển tải thông tin chính sách tới công chúng một cách dễ hiểu, hấp dẫn hơn; để giúp người dân hiểu đúng và làm đúng chính sách…
Bốn yếu tố tác động mạnh nhất đến nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của phóng viên bao gồm: mong muốn tự thân để làm tốt hơn công việc hiện tại; sự thay đổi không ngừng của thực tiễn nghề nghiệp; đòi hỏi của công chúng về thông tin khách quan, đáng tin cậy và yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ từ phía cơ quan công tác. Các yếu tố khác bao gồm: ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của đồng nghiệp trong công việc và mong muốn được thăng tiến, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhu cầu bồi dưỡng về truyền thông chính sách trước hết là nhu cầu tự thân, xuất phát từ mong muốn hoàn thiện bản thân, nâng cao hiệu quả công tác của phóng viên. Nhu cầu tự thân sẽ thôi thúc, tạo động lực cho phóng viên tìm kiếm và trân trọng các cơ hội bồi dưỡng và có thể thúc đẩy quá trình học tập suốt đời của phóng viên. Nếu như nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách không phải nhu cầu tự thân mà là nhu cầu do yêu cầu của cơ quan công tác thì nó sẽ thiếu tính bền vững. Trong trường hợp lý tưởng, mong muốn nội tại cùng với áp lực bên ngoài sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ, khiến nhu cầu bồi dưỡng trở nên cấp bách hơn.
Nếu như mong muốn làm tốt hơn công việc là yếu tố mang tính chủ quan thì sự thay đổi của thực tiễn nghề nghiệp, đòi hỏi của công chúng và yêu cầu của cơ quan công tác là những yếu tố mang tính khách quan. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí và giữa báo chí với mạng xã hội, phóng viên cần cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác. Nếu không đáp ứng được mong mỏi của công chúng và yêu cầu của cơ quan công tác, phóng viên sẽ không khẳng định được vị thế của bản thân. Đặc biệt, phóng viên sẽ không có cơ hội và nền tảng để phát triển năng lực cũng như thúc đẩy sự nghiệp.
4. Nhu cầu bồi dưỡng kiến thức truyền thông chính sách
Để xác định các kiến thức và kỹ năng phóng viên mong muốn được bồi dưỡng, chúng tôi đã triển khai bảng hỏi định lượng với 126 người tham gia. Khảo sát này đề nghị phóng viên xếp hạng các kiến thức, kỹ năng cho sẵn theo thang đo Likert từ 1 đến 5 với 1 là “rất không quan trọng”, 2 là “không quan trọng”, 3 là “bình thường”, 4 là “quan trọng” và 5 là “rất quan trọng”. Bên cạnh đó, để phóng viên có cơ hội đưa ra các kiến thức. Dữ liệu được đưa vào SPSS để tính giá trị trung bình (mean) và độ lệch chuẩn (standard deviation) để xếp hạng các kỹ năng theo mức độ quan trọng.
Theo đó, kiến thức về công chúng truyền thông được đánh giá là quan trọng nhất (M = 4.6429, SD = .61272), tiếp theo là kiến thức về dư luận xã hội (M = 4.5317, SD = .67748) và kiến thức về các quy định chung của pháp luật (M = 4.5159, SD = .78724). Kiến thức về quy trình chính sách, kiến thức vận động chính sách và kiến thức về mô hình, cơ chế xây dựng chính sách được đánh giá ở mức ngang nhau. trong khi kiến thức về kinh nghiệm của các nước trong truyền thông chính sách được đánh giá là ít quan trọng nhất (M = 4.0317, SD = .81914).
Các kiến thức trên đây được xếp vào ba nhóm chính: (1) kiến thức về công chúng truyền thông; (2) kiến thức về quy trình chính sách và (3) kiến thức về phương tiện truyền thông. Sự kết hợp của ba nhóm kiến thức này sẽ giúp phóng viên xây dựng và truyền tải thông điệp chính sách phù hợp với công chúng. Chương trình bồi dưỡng truyền thông chính sách có thể tập trung vào ba mảng kiến thức này với sự điều chỉnh về liều lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể. Việc cung cấp các kiến thức này bằng phương thức nào cũng cần được cân nhắc bởi phóng viên là những người có kinh nghiệm thực tế nhưng có thể thiếu kiến thức hệ thống, lý luận.
Kiến thức về công chúng có vai trò thiết yếu đối với hiệu quả truyền thông chính sách. Nhà truyền thông cần trả lời được các câu hỏi: Công chúng là ai? Công chúng có những đặc điểm, mong muốn gì? Công chúng có hành vi như thế nào? Khi trả lời được các câu hỏi này, nhà truyền thông sẽ biết cách tiếp cận phù hợp để cung cấp thông tin và thuyết phục công chúng. Truyền thông chính sách là một hình thức của truyền thông thuyết phục, hướng đến xây dựng nhận thức và gia tăng mức độ ủng hộ, chấp hành chính sách của công chúng.
Kiến thức về quy trình chính sách sẽ giúp phóng viên hiểu được các bước xây dựng, ban hành, thực thi và đánh giá chính sách và vai trò của báo chí - truyền thông trong từng bước. Trong giai đoạn hoạch định chính sách, báo chí - truyền thông đóng vai trò nêu vấn đề, cung cấp diễn đàn để các bên liên quan thảo luận, trao đổi về các phương án chính sách. Trong giai đoạn thực thi chính sách, báo chí - truyền thông thuyết phục, hướng dẫn công chúng ủng hộ, tuân thủ chính sách. Trong giai đoạn đánh giá chính sách, báo chí - truyền thông cung cấp phản hồi của các bên liên quan nhằm giúp cơ quan ban hành chính sách nhìn nhận những mặt tích cực và hạn chế của chính sách, từ đó thực hiện những điều chỉnh cần thiết.
Kiến thức về phương tiện truyền thông sẽ giúp phóng viên biết cách sử dụng, huy động các phương tiện truyền thông phù hợp cho các chiến dịch truyền thông chính sách. Nhà truyền thông cần sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau với các nhóm công chúng khác nhau đồng thời kết hợp các phương tiện theo từng thời điểm nhằm tạo ra hiệu quả tối đa. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, việc sử dụng phương tiện truyền thông phù hợp, dễ tiếp cận là rất quan trọng nhằm cung cấp thông tin công chúng cần theo cách công chúng muốn. Các phương tiện truyền thông thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi để truyền thông chính sách, đặc biệt là với các nhóm công chúng trẻ.
Ngoài đánh giá tầm quan trọng của các kiến thức cần bồi dưỡng, những người tham gia nghiên cứu còn đề xuất thêm một số kiến thức khác. Ví dụ, một người tham gia nghiên cứu đề xuất “Kiến thức về văn hóa để đánh giá tác động văn hóa đến truyền thông chính sách vì hiện nay hầu hết các dự án muốn được thông qua và tiến hành đều phải có đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động văn hóa”. Người tham gia nghiên cứu cũng đề xuất kiến thức mới như kiến thức về xử lý khủng hoảng truyền thông, kiến thức về ứng xử báo chí, kiến thức về chính sách liên quan…
Danh sách các kiến thức phóng viên có nhu cầu bồi dưỡng:
- Kiến thức về xử lý khủng hoảng truyền thông;
- Kinh nghiệm của thế giới trong truyền thông chính sách công;
- Kiến thức về các mô hình truyền thông hiện đại, ứng dụng phù hợp với từng thể loại chính sách;
- Kiến thức về xu thế phát triển của mạng xã hội;
- Kiến thức về các chính sách liên quan;
- Kiến thức về khoa học công nghệ;
- Kiến thức về môi trường văn hoá nơi các đối tượng tiếp nhận, nhất là tập quán văn hoá khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống;
- Kiến thức về phương thức truyền thông mới;
- Kiến thức về ứng xử báo chí.
5. Nhu cầu bồi dưỡng về kỹ năng
Nhóm nghiên cứu đề nghị 126 người tham gia khảo sát đánh giá tầm quan trọng của 10 kỹ năng trong danh sách dưới đây theo thang điểm từ 1 đến 5 với 1 là “rất không quan trọng” và 5 là “rất quan trọng”. Theo đó, kỹ năng phân biệt tin thật và tin giả được đánh giá là quan trọng nhất (M = 4.6587, SD = .64700), tiếp theo là kỹ năng giải thích, phân tích chính sách (M = 4.5873, SD = .63586) và kỹ năng phân tích công chúng (M = 4.5397, SD = .61515). Như vậy, sự xếp hạng tầm quan trọng của ba kỹ năng này có sự tương đồng, kết nối đáng kể với các kiến thức về truyền thông chính sách ở trên.
Các kỹ năng: sử dụng thể loại báo chí phù hợp với mục đích truyền thông chính sách, sử dụng phương tiện truyền thông phù hợp với mục đích truyền thông, thăm dò dư luận xã hội và tiên lượng và dự báo tác động của chính sách với các bên liên quan được xếp vào nhóm giữa với giá trị trung bình khoảng 4.3. Trong khi đó, kỹ năng xây dựng mạng lưới với các bên liên quan được đánh giá là ít quan trọng nhất (M = 4.0476, SD = .81836).
Danh sách các kỹ năng phóng viên có nhu cầu bồi dưỡng:
- Kỹ năng phân biệt tin thật và tin giả;
- Kỹ năng giải thích, phân tích chính sách;
- Kỹ năng phân tích công chúng;
- Kỹ năng nghiên cứu và phân tích văn bản; - Kỹ năng sử dụng thể loại báo chí phù hợp với mục đích truyền thông chính sách;
- Kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông phù hợp với mục đích truyền thông;
- Kỹ năng thăm dò dư luận xã hội;
- Kỹ năng tiên lượng và dự báo tác động của chính sách với các bên liên quan;
- Kỹ năng phỏng vấn các bên liên quan;
- Kỹ năng xây dựng mạng lưới với các bên liên quan;
Các kỹ năng trong danh sách này có thể được xếp vào ba nhóm chính: (1) kỹ năng báo chí - truyền thông; (2) kỹ năng chính sách và (3) kỹ năng mềm.
Kỹ năng báo chí - truyền thông bao gồm các kỹ năng như phân biệt tin thật, tin giả, kỹ năng phân tích công chúng, kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông… Đây là các kỹ năng cơ bản được chú trọng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông đồng thời cần được tiếp tục rèn luyện trong thực tiễn nghề nghiệp. Những kỹ năng chung này cần được tiếp tục nâng cao, tối ưu hóa để phát triển năng lực truyền thông chính sách.
Nhóm kỹ năng chính sách bao gồm các kỹ năng như giải thích, phân tích chính sách, đánh giá tác động của chính sách, thăm dò dư luận. Sự kết hợp giữa kỹ năng chính sách và kỹ năng báo chí - truyền thông là cần thiết để giúp phóng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Điều này đòi hỏi phóng viên vừa có kiến thức về chính sách vừa có khả năng xây dựng thông điệp truyền thông chính sách. Nếu phóng viên không hiểu về chính sách, họ không thể giúp người khác hiểu, ủng hộ chính sách.
Nhóm kỹ năng mềm như kỹ năng xây dựng mạng lưới với các bên liên quan có vai trò hỗ trợ quan trọng cho hoạt động truyền thông chính sách. Để tìm hiểu về chính sách, xây dựng diễn đàn cho các cuộc thảo luận, trao đổi phương án chính sách, phóng viên cần có khả năng kết nối với cơ quan ban hành chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách, đối tượng chịu tác động của chính sách và các bên liên quan khác. Báo chí - truyền thông là diễn đàn đa chiều cho các cuộc thảo luận, phản biện chính sách. Khi đã kết nối được các bên liên quan trong cuộc thảo luận này, báo chí - truyền thông sẽ thúc đẩy quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Bên cạnh các kỹ năng nêu trên, các phóng viên tham gia nghiên cứu đã đề xuất nhiều kỹ năng khác nhau: xử lý khủng hoảng truyền thông, sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới để truyền thông chính sách, thu hút công chúng, thể hiện thông tin sinh động, hấp dẫn và dễ tiếp cận… Các kỹ năng được đề xuất nhiều hơn so với các kiến thức, cho thấy sự quan tâm của phóng viên đối với kỹ năng thực hành hơn so với kiến thức. Đáng chú ý, kỹ năng khai thác thông tin đa chiều từ những người làm chính sách hay kỹ năng thu thập thông tin được nhiều phóng viên khác nhau đề xuất.
Danh sách các kỹ năng phóng viên đề xuất bồi dưỡng:
- Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông;
- Kỹ năng sử dụng và thao tác các thiết bị truyền thông hiện đại;
- Kỹ năng tác nghiệp độc lập;
- Kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội;
- Kỹ năng phản biện chính sách;
- Kỹ năng thu hút công chúng và kỹ năng thể hiện thông tin;
- Kỹ năng khai thác thông tin đa chiều từ những người làm chính sách;
- Kỹ năng sử dụng công nghệ trong truyền thông chính sách;
- Kỹ năng xử lý thông tin đầu vào chính sách và quản lý rủi ro nếu có sau khi công bố thông tin;
- Kỹ năng đưa thông tin chính sách trên các nhiều loại hình đa phương tiện: truyền hình, mạng xã hội, kênh nội dung số;
- Kỹ năng truyền thông chính sách dễ hiểu, dễ tiếp cận.
6. Kết luận
Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cơ quan báo chí - truyền thông. Báo chí - truyền thông là phương tiện truyền thông thiết yếu, có vai trò tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân đồng thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến Đảng, Nhà nước. Truyền thông chính sách hiệu quả góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ.
Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến truyền thông chính sách. Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường truyền thông chính sách nhằm kịp thời thông tin các quyết sách của chính phủ, xây dựng đồng thuận xã hội. Truyền thông chính sách là cần thiết trong quá trình dân chủ hóa, minh bạch hóa đời sống xã hội và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng. Truyền thông phải bám sát quy trình chính sách từ khi hoạch định đến lúc thực thi, đánh giá chính sách.
Muốn truyền thông chính sách tốt thì cần có đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách tốt. Các phóng viên tại các cơ quan báo chí - truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động truyền thông chính sách. Tuy nhiên, còn ít phóng viên được đào tạo hoặc bồi dưỡng chuyên nghiệp về năng lực truyền thông chính sách. Từ năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở chương trình Cử nhân Truyền thông chính sách nhằm đào tạo lực lượng tuyên truyền, truyền thông chính sách chất lượng cao cho đất nước. Học viện cũng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc triển khai dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ từ năm 2017 đến nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phóng viên có nhu cầu bồi dưỡng năng lực truyền thông chính sách. Các phóng viên tham gia nghiên cứu cho rằng, bồi dưỡng năng lực là cần thiết để phục vụ cho công việc, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Phóng viên tham gia nghiên cứu đã xếp hạng các kiến thức, kỹ năng quan trọng mà chương trình bồi dưỡng truyền thông chính sách cần chú trọng đồng thời đề xuất một số kiến thức, kỹ năng khác theo nhu cầu cụ thể của bản thân.
Nghiên cứu về nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách là cơ sở quan trọng để cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông như Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng chương trình bồi dưỡng từ xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, xây dựng phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá đến lấy phản hồi của học viên. Một chương trình đào tạo hiệu quả phải xuất phát từ nhu cầu của học viên, lấy nhu cầu của học viên làm cơ sở để đáp ứng./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
- Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
- Mấy vấn đề về định hướng phát triển báo chí kiến tạo
- Mạng xã hội và báo chí: cuộc chia ly đã được báo trước
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đoàn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự tham gia liên hoan giao lưu lãnh đạo trẻ ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10
Nhận lời mời của Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức tuyển chọn và cử 5 sinh viên ưu tú tham gia Liên hoan Giao lưu lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 10 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 20-24/5/2024.
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh của đất nước.
Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
Bài viết tìm hiểu thực trạng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí truyền thông trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng (TTĐC) truyền thống và mạng xã hội (MXH). Kết quả phân tích cho thấy mức độ thường xuyên cập nhật thông tin trên MXH phổ biến hơn so với các kênh TTĐC. Đội ngũ cán bộ cũng có xu hướng cập nhật và sử dụng hiệu quả thông tin chuyên sâu về chính trị trên MXH, đặc biệt, thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thông tin về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết nêu một số giải pháp nâng cao hiệu quả cập nhật và tuyên truyền các thông tin chính trị, xã hội trên các kênh, phương tiện TTĐC và MXH của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông.
Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan báo chí - truyền thông nói chung và của đội ngũ phóng viên nói riêng. Việc truyền thông chính sách hiệu quả hay thất bại đều bắt đầu từ năng lực của lực lượng tham gia truyền thông chính sách. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực truyền thông chính sách còn chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ khi hiểu được nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông mới có thể xây dựng chương trình bồi dưỡng hợp lý, thiết thực và hiệu quả.
Bình luận