Nông nghiệp bền vững và sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia trong vùng nhiệt đới, có nhiều thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, có thể gieo trồng cây lương thực nhiều vụ trong một năm, đồng thời cũng có nhiều thiên tai có thể gây thiệt hại mùa màng. Xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững là cơ sở để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp bền vững chỉ có ý nghĩa tương đối. Cũng như quá trình vận động của mọi sự vật, ví dụ trong 20 - 25 năm sản xuất nông nghiệp tăng tiến một cách ổn định, thỏa mãn được nhu cầu hàng hóa nông sản tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu, như vậy có thể coi là tương đối bền vững. Rồi có thể xảy ra biến động, con người cần thiết phải điều chỉnh để lập nên một thế bền vững mới. Nội dung của nông nghiệp sinh thái bền vững bao gồm: bảo đảm được quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp (bao gồm trồng trọt và chăn nuôi), bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất, bảo vệ rừng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, sản xuất nông sản sạch, bảo đảm lương thực thực phẩm, không ngừng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp bảo quản và chế biến, kết hợp chặt chẽ giữa sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp.
Sự phát triển bền vững của sản xuất phải đạt hiệu quả: làm giàu cho người nông dân và làm giàu cho xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Việt Nam, cùng các nước khác trên thế giới, đã bước sang thế kỷ 21 - thế kỷ đầy triển vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, đồng thời đầy thử thách, trong đó đảm bảo an toàn lương thực trong tình hình dân số tăng lên có tính chất sống còn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển có dân số đông.
Trong gần 20 năm qua, chính sách đổi mới ở Việt Nam, kết hợp với các tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, đã đưa đất nước từ tình trạng thiếu lương thực đến tự cấp lương thực. Sau chiến tranh, từ 1975 đến các năm sau, Việt Nam hàng năm phải nhập khẩu gạo. Năm 1987, năm bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực quy thóc 17,6 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người 280 kg. Đến năm 1989, Việt Nam mới bắt đầu tự cấp được lương thực và có một phần gạo xuất khẩu, sản lượng lương thực quy thóc 21,5 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người 332kg. Năm 1997, mặc dù dân số tiếp tục tăng lên (76 triệu người), sản lượng lương thực quy thóc đạt 30,6 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người 400 kg. Từ năm 1987 đến năm 1997, sản lượng lương thực tăng 74%. Riêng diện tích gieo trồng lúa đã từ 5,6 triệu ha (1987) tăng đến 7 triệu ha (1997), bình quân năng suất lúa từ 2,7tấn/ha tăng đến 4tấn/ha. Việt Nam trong các năm trước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới, nay đứng hàng thứ hai thế giới.
Thành tựu sản xuất lương thực của Việt Nam đạt được do nhiều yếu tố tổng hợp: các chủ trương, chính sách của Nhà nước với nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, trong đó Nghị quyết 10 về giao quyền sử dụng đất cho hộ nông dân, các tiến bộ khoa học công nghệ được áp dụng vào sản xuất lương thực - trước hết đối với cây lúa, nông dân tiếp thu nhanh chóng các chính sách mới và các thành tựu khoa học kỹ thuật mới. Các chương trình khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước về cây lương thực và thực phẩm được xây dựng và tiến hành, triển khai có hiệu quả vào sản xuất từ 1987 đến nay do tính bức xúc thường xuyên về lương thực. sản xuất lương thực luôn luôn là một mặt trận hàng đầu đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) trong khoảng 30 năm tới, sản lượng lúa thế giới phải tăng thêm 70% so với hiện nay, mới đáp ứng được nhu cầu khi dân số tăng cao trong thế kỷ 21. Xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững là cơ sở cho sự phát triển ổn định sản xuất lương thực và thực phẩm. Có 3 yếu tố cơ bản được coi là những điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đó là: Quỹ đất, quỹ nước và quỹ rừng xanh.
* Bảo đảm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp.
Diện tích lãnh thổ Việt Nam hơn 33 vạn km2, vùng trung du và miền núi chiếm hơn phần nửa diện tích . Quỹ đất canh tác hiện nay 8,2 triệu ha, trong đó đất lúa 4,2 triệu ha. Có thể mở rộng diện tích canh tác đến hơn 10 triệu ha, hoặc cao hơn, trong đó có một phần đất bằng, đa số là đất dốc dưới 150. Bình quân đất canh tác hiện nay xấp xỉ 1.000 m2/người. Dân số Việt Nam còn tiếp tục tăng, diện tích đất canh tác mở rộng thêm phần lớn là các vùng khô hạn hoặc khó khăn. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, việc mở rộng thành phố, các khu dân cư, mở đường giao thông, xây dựng các khu công nghiệp dần dần lấn chiếm nhiều diện tích đất canh tác tốt đã được thuần thục qua nhiều thế kỷ. Cần có sự điều chỉnh hợp lý, nghiêm khắc về việc sử dụng đất, để đảm bảo được quỹ đất canh tác bình quân đầu người khoảng 1.000 m2 khi dân số tăng lên. Diện tích này được nhân lên khi tăng 2 - 3 vụ gieo trồng trong năm.
* Bảo vệ và tăng cường nguồn nước sạch.
Nước và đất là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. Sự bùng nổ dân số trên thế giới có thể dẫn đến sự tranh chấp gay gắt hơn về đất và nước, đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự kiềm chế và tăng cường hơn nữa sự hợp tác cộng đồng. Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, các ngành kinh tế quốc dân, đời sống hàng ngày không thể thiếu nước. Hiện nay, khối lượng nước sử dụng bình quân cho một người Việt Nam còn khá dồi dào, dự báo sau 20 năm nữa, do dân số tăng và công nghiệp phát triển, giải quyết vấn đề nước sẽ không dễ dàng. Nhiều vấn đề về nước đặt ra hôm nay và mai sau, kể cả dự báo trong tương lai mực nước biển có thể dâng cao hơn, sẽ lấn một phần diện tích đất ven biển và làm tăng diện tích đất mặn ven biển.
Đối với Việt Nam, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nếu để nước bị ô nhiễm nơi này, sẽ rất nhanh tỏa lan ra nơi khác. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy khi nguồn nước bị ô nhiễm, làm sạch trở lại rất khó khăn và phí tổn rất cao. Sản xuất nông sản sạch đòi hỏi phải có nguồn nước tưới sạch, bảo đảm vệ sinh sản phẩm. Củng cố, xây dựng thêm hệ thống thủy lợi, tăng nguồn dự trữ nước, bảo đảm nước sạch, có tính quyết định đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và toàn bộ sự phát triển kinh tế xã hội. Đối với sản xuất lương thực, đến nay 84% diện tích gieo trồng lúa được tưới. Tuy vậy ở các vùng đất cao như vùng trung du, miền núi hoặc ven biển, diện tích tưới cho cây hàng năm mới đạt khoảng 33 - 34%.
* Bảo vệ và phát triển rừng.
Đất, nước và rừng xanh là cái nền cơ bản để xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Rừng bảo vệ đất, chống xói mòn đất, giữ nguồn nước và có tác dụng điều tiết khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi phải gắn liền với việc bảo vệ diện tích rừng sẵn có và tăng diện tích trồng rừng, nhằm giữ được nguồn nước trên mặt đất và tăng dự trữ nước ngầm. Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam rất thấp, chỉ còn 28%, chương trình trồng 5 triệu ha rừng phải đạt mục tiêu thực hiện tỷ lệ che phủ đạt 43% vào năm 2010, tức là phải khôi phục lại diện tích rừng 14,3 triệu ha, tương đương với diện tích rừng vào thập kỷ 40 của thế kỷ 20.
* Sản xuất lương thực thực phẩm.
Đến nay, sản xuất lương thực ở Việt Nam đi vào thế ổn dịnh cung cấp cho nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu đã được 10 năm, mặc dù có lúc gặp thiên tai. Năm 1998, hạn hán rất nghiêm trọng đã xảy ra ở Trung bộ Việt Nam, nhưng sản lượng lúa vẫn tiếp tục tăng. Sản lượng lương thực tăng đã thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giá trị chăn nuôi trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 25% trong kế hoạch 1991-1995, nay tốc độ tăng sản lượng cây trồng nhanh hơn nhiều so với tăng sản lượng chăn nuôi, nên giá trị chăn nuôi sụt xuống còn 22%. Vấn đề phát triển chăn nuôi còn là vấn đề lớn liên quan đến chọn giống, thức ăn gia súc và thú y. Theo chương trình phát triển chăn nuôi, đến năm 2010 sẽ đưa giá trị chăn nuôi tăng đến 30% trong tổng giá trị nông nghiệp, chăn nuôi sẽ trở thành ngành chính, ngoài sản phẩm thịt, sữa, trứng, sẽ tăng số lượng cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt. Phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, thủy sản và công nghiệp bảo quản chế biến là các ngành cơ bản để giải quyết vấn đề lương thực - thực phẩm trong thế kỷ tới. Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp sẽ được công nghiệp hóa. Trong tình hình hiện nay, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam còn đơn giản, nặng nề chất bột (gạo). Trong thời gian tới, cần nâng cao dinh dưỡng đạm thực vật, đạm động vật và các loại vitamin, chất khoáng cần thiết cho mỗi người dân. Vì vậy, chủ trương đa dạng hóa nông sản đang được triển khai ở các vùng sinh thái khác nhau. Trong hệ thống luân canh cây trồng và hệ thống chăn nuôi, cần thực hiện đa dạng hóa nông sản. Cần thiết có sự phát triển hợp lý về cây lương thực (lúa, ngô, các loại cây có củ), đỗ đậu, rau, quả, chăn nuôi gia súc và gia cầm, các loại thủy sản (động và thực vật). Đến thế kỷ 21, cách tính sản lượng lương thực ở Việt Nam và bình quân lương thực - thực phẩm đầu người sẽ là cách tính tổng hợp, toàn diện đặc biệt phải chú trọng đến hàm lượng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn để nâng cao sức khỏe người dân và cải tạo giống nòi. Gần đây, ở Việt Nam đã đưa vào sản xuất các giống lúa mới P4, P6 thâm canh có hàm lượng protein cao khoảng 11% trong gạo (so với gạo hiện nay trung bình 7% protein), đây là một trong những hướng nâng cao chất lượng dinh dưỡng của cây lương thực.
Để tiến tới năm 2020, dự đoán lúc bấy giờ dân số Việt Nam 105 triệu người, riêng lúa và ngô, các loại cây có củ phải đạt sản lượng quy thóc 52,5 triệu tấn, tức bình quân lương thực quy thóc đầu người phải đạt 500 kg, nhằm phát triển cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi. Từ trước đến nay, trong sản lượng lương thực quy thóc, sản lượng thóc chiếm khoảng 90%, sản lượng màu chỉ khoảng 10%. Đến 2020, do diện tích trồng lúa có hạn, nên ít nhất sản lượng màu quy thóc phải chiếm 20%. Nếu diện tích gieo trồng lúa cả năm giữ được khoảng 7 triệu ha, năng suất lúa bình quân sẽ là 59,4 tạ/ha. Trên diện tích này, hiện nay có trên 60% là diện tích thâm canh (phải đạt từ 4T/ha trở lên), các diện tích khác có điều kiện khó khăn như khô hạn, nước sâu, mặn, phèn, nên năng suất còn thấp. Nâng cao độ đồng đều về năng suất lúa, cải tạo các vùng khó khăn để tăng năng suất ở các diện tích này, là phương hướng của khoa học chọn giống lúa ở Việt Nam. Các loại cây lương thực - thực phẩm khác cũng phải có hướng tương tự. Khoa học sinh học hiện đại, trong đó có công nghệ sinh học, sẽ tích cực thực hiện và hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra cho sản xuất.
Về sản xuất nông sản sạch, cần bảo đảm vệ sinh môi trường sản xuất (đất, nước, không khí), sử dụng hóa chất phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý, bón phân hữu cơ đã ủ hoai kết hợp với phân hóa học. Tiêu chuẩn chung đảm bảo nông sản sạch là: đảm bảo phẩm cấp, chất lượng, không có lượng dư thừa vượt quá mức cho phép về nitrat, kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây bệnh phải ở dưới mức gây hại cho người. ở Việt Nam, sử dụng phân hóa học bình quân mỗi ha khoảng 90 kg đạm, lân và kali, chưa phải là cao. Thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng sử dụng bình quân 0,4 - 0,5 kg họat chất, còn thấp hơn nhiều so với mức sử dụng ở các nước khác. Tuy nhiên, cần tập huấn cho người sản xuất thực hiện đúng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh cây trồng bằng hóa chất.
Công nghiệp hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp chủ yếu bằng các biện pháp thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa và sử dụng hóa chất một cách hợp lý. Trên cơ sở đảm bảo được quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ và tăng tỷ lệ che phủ của rừng xanh, tạo điều kiện xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, sản xuất lương thực - thực phẩm ở Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển, đồng thời có nhiều thử thách. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đào tạo cán bộ khoa học, đào tạo nông dân giỏi về áp dụng kỹ thuật mới, tất cả các mặt này kết hợp với việc cấp ruộng đất sử dụng lâu dài cho hộ nông dân, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, chắc chắn sẽ tạo ra được khối lượng lớn nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu dân số tăng lên trong thế kỷ 21./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 4 (tháng 7+8)/2005
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận