Phát huy bản lĩnh, ý chí, truyền thống của dân tộc Việt Nam qua thực tiễn phòng, chống dịch bệnh Covid-19
1. Sức sống của bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc là những yếu tố phổ quát, đặc trưng nhất hình thành nền văn hóa Việt Nam với những giá trị mang đậm tinh thần nhân văn. Bản lĩnh, ý chí và truyền thống đó được thể hiện ngay từ những ngày đầu ông cha ta lập quốc và không ngừng được hun đúc, phát triển cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong tiến trình hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bản lĩnh, ý chí, những truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn người Việt Nam, tạo nên sức mạnh nội sinh, nguồn dộng lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống, bản lĩnh, ý chí của dân tộc ta không ngừng tỏa sáng và nâng lên tầm cao mới. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đó là bản lĩnh, ý chí của dân tộc nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đánh thắng mọi đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh nhất thế giới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thu non sông về một mối, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ vững chắc nền độc lập và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong tiến trình đổi mới đất nước hơn 35 năm qua, Đảng ta đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chú trọng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, phát huy tối đa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD; sức khỏe người dân được cải thiện với tuổi thọ trung bình trong giai đoạn 1990 - 2019 tăng từ 70,5 tuổi lên 75,4 tuổi(1). Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo(2).
Những thành công đó là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả của sự hòa quyện giữa “ý Đảng và lòng dân”; là sự kết tinh và phát huy những giá trị cao đẹp của bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; tiếp tục tạo nên động lực và sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin tiến lên dưới ngọn cờ Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Phát huy, tỏa sáng bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc trong phòng, chống dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã lan rộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trở thành thảm họa đối với nhân loại trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Ở nước ta, trong giai đoạn đầu của làn sóng dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam trở thành “điểm sáng” của thế giới trong phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, do diễn biến phức tạp từ biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, dịch đã bùng phát mạnh mẽ và lan rộng ở các địa phương trong nước. Cả nước lại phải bước vào “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách. Một lần nữa, bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta lại được phát huy và tỏa sáng qua mỗi người dân Việt Nam, giúp chúng ta từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch và phục hồi kinh tế. Bản lĩnh, ý chí và truyền thống đó được thể hiện rõ nét qua những biểu hiện sau:
Thứ nhất, quyết liệt, thần tốc, kịp thời, sáng tạo, không chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Ngay trong những ngày đầu dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận định, dự báo nguy cơ và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trung ương Đảng, Chính phủ đã linh hoạt điều chỉnh các chủ trương, chính sách, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội để thích ứng với tác động của đại dịch mà trọng tâm là vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” và bảo đảm an sinh xã hội, Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến để tiếp cận nguồn vắc-xin phòng dịch bệnh Covid-19 nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất(3). Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương làm việc không mệt mỏi, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống dịch; ân cần thăm hỏi người dân tại các khu cách ly, cơ sở điều trị, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch… đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để cổ vũ ý chí, nghị lực cho toàn dân, toàn quân trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai, những đóng góp, hy sinh, nỗ lực quên mình của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Từ khi làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bùng phát, hình ảnh về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gợi cho chúng ta nhớ lại những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang," "Năm xung phong"… của những năm tháng kháng chiến cứu nước hào hùng. Giờ đây, truyền thống đó lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn qua hình ảnh các “cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc, thậm chí nhiều anh chị em không có cơ hội gặp được người thân lần cuối do đang phải thực hiện nhiệm vụ.
Những “anh Bộ đội Cụ Hồ”, những “chiến sĩ công an nhân dân” không sợ hy sinh gian khổ, nhiều tháng không về nhà do phải canh gác nơi biên giới, phục vụ, chăm lo, hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch… Những cán bộ ở cơ sở vất vả ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, điều tra dịch tễ và truy vết. Những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài. Những tình nguyện viên bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, xung phong đến nơi nguy hiểm hỗ trợ cộng đồng…”(4). Tất cả những hình ảnh đó là minh chứng sinh động về sự hy sinh, lòng dũng cảm của lực lượng tuyến đầu. Với họ, “vì nhân dân phục vụ” là đạo lý và mệnh lệnh cao nhất trong những ngày đại dịch bùng phát.
Thứ ba, lan tỏa nhiều mô hình chống dịch hiệu quả, những câu chuyện cảm động về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Khi dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và diễn biến vô cùng phức tạp, cả nước, từng địa phương, mỗi người dân luôn mong muốn được chia sẻ, chung tay cùng chống dịch. Nhiều tỉnh, thành phố vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “vùng xanh”, phát triển kinh tế, vừa tích cực vận động quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm để hỗ trợ, sẻ chia với đồng bào vùng dịch. Hình ảnh các đoàn xe nối đuôi nhau chở đội ngũ y, bác sĩ và hàng cứu trợ như tái hiện khí thế “ra trận” của những năm tháng kháng chiến hào hùng. Tình nghĩa đồng bào trong hoạn nạn được biểu hiện rõ nét và cảm động qua những cân gạo, bó rau, quả bí của các cụ già, tiền tiết kiệm của các em nhỏ, đến những bữa ăn từ thiện, chuyến xe miễn phí, “gian hàng 0 đồng” từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức… Không chỉ có sự trợ giúp về vật chất, bên cạnh đó còn có hàng trăm bài thơ, ca khúc, tác phẩm nghệ thuật động viên tinh thần đồng bào, lực lượng tuyến đầu để cổ vũ, truyền lửa, ngợi ca và nhân lên truyền thống, bản lĩnh, ý chí đoàn kết của dân tộc ta để giúp mọi người vững tin vượt qua đại dịch.
3. Một số vấn đề rút ra
Thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta thời gian qua đã một lần nữa tỏa sáng về bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc Việt Nam, qua đó, có thể rút ra được một số vấn đề sau:
Một là, bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy và tỏa sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định sức mạnh nội sinh to lớn, động lực quan trọng của những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; văn hóa phải được đặt ngang bằng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Hai là, thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid -19 thời gian qua là sự khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã và đang nỗ lực xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, luôn lấy “dân làm gốc”, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của các chiến lược, mục tiêu phát triển. Việc thực hiện kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho người dân trước tác động của đại dịch; cố gắng bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho người dân ở các khu cách ly tập trung; tận tình chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ở các cơ sở điều trị…, là minh chứng sống động về những giá trị nhân văn tốt đẹp đã và đang được thực hiện ở đất nước ta. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, coi sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong mọi quyết sách để phát triển bền vững đất nước. Điều đó thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, nhân dân ta đang xây dựng.
Ba là, trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp, góp phần nhân lên sức mạnh của dân tộc, vấn đề có tính nguyên tắc là cần thực hiện “xây” đi đôi với “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp, cái đúng đẩy lùi cái xấu, cái chưa đúng. Cần động viên và phát huy tính chủ động, tích cực trong mỗi người dân để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, sát với thực tiễn địa phương; phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp với các cấp ủy, chính quyền để đạt kết quả cao nhất;... Đồng thời, cương quyết chống lại những tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, sự ích kỷ, cơ hội, chạy theo lợi ích cá nhân… Đặc biệt, cần chủ động nhận diện, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những khó khăn do dịch bệnh để xuyên tạc, phủ nhận thành tích chống dịch của chúng ta.
Bốn là, sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng các hình thức đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín đất nước./.
_____________________________________________
(1) Quỳnh Dương: “Việt Nam - nhiều thành tựu trên con đường phát triển”, Báo Hà Nội Mới, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1030773/viet-nam---nhieu-thanh-tuu-tren-con-duong-phat-trien, ngày 3.04.2022.
(2) Bùi Sỹ Lợi: “Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825072/giam-ngheo-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx#:~:text=Trong%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%202016%20%2D%202020,v%E1%BB%81%20gi%E1%BA%A3m%20ngh%C3%A8o(1), ngày 6.3.2022.
(3) Đài Truyền hình Việt Nam: “Ngoại giao vaccine chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, https://vtv.vn/chinh-tri/ngoai-giao-vaccine-cua-viet-nam-dang-di-dung-huong-20211001214845077.htm, ngày 2.10.2021.
(4) Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: “Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19”, https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/thu-tuong-pham-minh-chinh-gui-thu-ong-vien-cac-luc-luong-tuyen-au-phong-chong-dich-covid-19, ngày 2.8.2021.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 14.8.2022
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Trí thông minh nhân tạo hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận