Phát thanh và Hòa bình
1. Phát thanh là phương tiện đấu tranh gìn giữ hòa bình
Thông điệp “Phát thanh và Hòa bình” nhấn mạnh vai trò của phát thanh trong việc thúc đẩy con người cảm thông, chia sẻ, thảo luận và cùng lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội, cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, tăng cường sự gắn kết, thông hiểu lẫn nhau để xây dựng một môi trường xã hội hòa bình và nhân ái. Phát thanh cung cấp thông tin, khuyến khích đưa ra các sáng kiến về hòa bình, kêu gọi sự chung tay, nỗ lực giải quyết mâu thuẫn, xung đột thông qua các giải pháp hòa bình. Phát thanh tạo ra không gian cho các cuộc đối thoại, trao đổi, cho phép mọi người thể hiện, bày tỏ quan điểm về những vấn đề họ quan tâm. Phát thanh là đại diện cho tiếng nói của những cộng đồng, những nhóm người yếu thế trong xã hội, góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn chặn xung đột trước khi mâu thuẫn bùng phát thành bạo lực, nâng cao nhận thức, đưa ra các cảnh báo kịp thời về các yếu tố có thể gây ra mâu thuẫn, căng thẳng ở một số khu vực nhất định, xóa bỏ những hiểu lầm, xây dựng lại niềm tin thông qua các chương trình phát thanh cụ thể.
“… trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với việc xuất hiện ngày càng nhiều thông tin sai lệch, gia tăng tình trạng bạo lực, cực đoan, các thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu…. Chúng ta hãy sử dụng phát thanh làm công cụ giảm nhẹ những tình huống này, mang đến những chương trình đa dạng, cân bằng, thúc đẩy mối quan hệ hài hòa, hòa bình. Chúng tôi cũng sẽ vận dụng các đổi mới công nghệ cho phép ngày càng nhiều người tiếp cận radio, mở rộng các chương trình lan tỏa thông điệp về tình hữu nghị, hy vọng và hòa bình”(2).
Với tính chất thân mật, gần gũi, gợi cảm xúc, dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, hơn một thế kỷ qua, phát thanh đã đi sâu vào đời sống của con người. Sự nỗ lực gìn giữ hòa bình của các quốc gia, dân tộc và của chung nhân loại ghi nhận sự đồng hành của phát thanh đã đấu tranh không ngừng nghỉ để cuộc sống của con người bình an hơn.
- Trên thế giới
Với sự xuất hiện của phát thanh ở đầu thế kỷ XX, loại hình báo chí này đã nhanh chóng trở thành phương tiện truyền thông được yêu thích trên toàn thế giới. Năm 1936, Công ước sử dụng phát thanh vào mục đích hòa bình đã được ký tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Phát thanh đã phát huy sức mạnh của mình như một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới. Ở quốc gia nào phát thanh cũng là kênh truyền thông bảo vệ quyền lợi và hoà bình dân tộc và góp tiếng nói vì hòa bình chung trên toàn thế giới.
Phát thanh thể hiện vai trò to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại để giảm thiểu xung đột trên thế giới. Liên hợp quốc nhận định: “Đài phát thanh là một nhân tố quan trọng và là một phần thiết yếu của việc duy trì và chuyển đổi sang hòa bình. Đây là một phần của chức năng thiết lập chương trình nghị sự và cung cấp các nội dung thiết yếu để đặt ra các vấn đề quan trọng, nêu bật những vấn đề chính quyền và người dân quan tâm, đồng thời thúc đẩy họ quan tâm. Phát thanh giải quyết cả nguyên nhân gốc rễ và nguyên nhân gây ra xung đột trước khi chúng có khả năng bùng phát thành bạo lực thông qua các lựa chọn biên tập và nội dung chương trình phát thanh cụ thể”(3).
Theo Liên hợp quốc, các chương trình phát thanh đi sâu vào các vấn đề của đời sống, giúp làm sáng tỏ những bất cập xã hội, mất cân bằng cơ cấu, nghèo đói, tranh chấp tài nguyên hoặc đất đai, tham nhũng, chạy đua vũ trang, v.v., đưa tin và định hướng lựa chọn phương án cho các xung đột. Nội dung của đài phát thanh giúp cảnh báo về các yếu tố có thể gây ra thù địch, chẳng hạn như tính toán sai lầm, gia tăng tranh cãi, leo thang căng thẳng ở một số khu vực, từ đó phát thanh góp phần xóa bỏ những hiểu lầm, giúp xác định các yếu tố, cách ứng xử gây mất lòng tin… Điều này giúp giảm thiểu sự thù ghét, mong muốn trả thù, ý muốn dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn. Tại các khu vực từng xảy ra xung đột, phát thanh có thể giúp người dân xua tan đi nỗi sợ hãi và hàn gắn vết thương chiến tranh. Trên khắp thế giới, từ các đài phát thanh dành cho người dân tại Kenya tới các đài phát thanh cho những nhóm thiểu số tại Mông Cổ hoặc cộng đồng bản địa ở Mexico, đã giúp con người trở nên kiên nhẫn, cởi mở và vì mục tiêu hòa bình hơn. Việc giải quyết những thách thức mà con người đang phải đối mặt, gồm biến đổi khí hậu, xung đột hay gia tăng quan điểm gây chia rẽ… ngày càng phụ thuộc vào khả năng con người đối thoại với nhau và tìm giải pháp chung. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định: “Chúng tôi đề cao vai trò đặc biệt và sâu rộng của phát thanh trong việc mở rộng tầm nhìn và xây dựng xã hội hài hòa”(4).
Phát thanh đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình trên phạm vi toàn cầu. Phát thanh đưa thông tin và những quan điểm chính thống đến với công chúng một cách nhanh nhất mà các phương tiện khác có thể không có được, đặc biệt ở những khu vực có xung đột hoặc khủng hoảng thì chỉ có phát thanh mới có thể len lỏi đến được với người nghe. Bằng cách thúc đẩy đối thoại, phát thanh có thể giảm bớt căng thẳng và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonia Guterres nhận định: “Đối với Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng tôi, phát thanh là cách cần thiết để thông tin, đoàn kết và mang đến quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng do chiến tranh. Trong Ngày phát thanh thế giới, chúng ta hãy công nhận sức mạnh của phát tranh trong thúc đẩy đối thoại, khoan dung và hòa bình”(5).
Như vậy, với dòng chảy âm thanh bền bỉ, phát thanh đã không ngừng chuyển tải thông tin thiết yếu đến các cộng đồng người trên thế giới, mang đến nguồn tri thức, sự hiểu biết, tác động vào cảm xúc, lương tri, không ngừng đóng góp cho hòa bình thế giới.
- Ở Việt Nam
Sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1945 là một dấu mốc cho thấy phát thanh ở Việt Nam gắn liền với tiến trình gìn giữ hòa bình của đất nước. Cách mạng tháng Tám thành công, nhằm giới thiệu với thế giới hình ảnh đất nước Việt Nam vừa mới giành được độc lập, khẳng định chủ quyền và kêu gọi ủng hộ của nhân dân thế giới, Bác Hồ đã chỉ thị xây dựng đài phát thanh quốc gia. Từ đó đến nay, phát thanh Việt Nam luôn là phương tiện đắc lực đấu tranh và bảo vệ hòa bình của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, phát thanh là phương tiện thường trực thông tin, tuyên truyền, đấu tranh vì quyền lợi dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, hướng đến hòa bình, độc lập, tự cường. Trong bối cảnh chiến tranh, việc phát hành, phổ biến báo in gặp nhiều khó khăn, phát thanh đã phát huy tính chất, đặc điểm của loại hình trong việc đưa tin, định hướng dư luận về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tính chất tiện lợi, nhanh chóng, dễ tiếp nhận, công chúng tiếp nhận đồng thời trên diện rộng của phát thanh cùng sức lan tỏa mạnh mẽ, bền bỉ của làn sóng đã giúp phát thanh thực hiện tốt nhiệm vụ đóng góp vào tiến trình dành độc lập, tự do, xây dựng hòa bình của đất nước.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, phát thanh vừa thực hiện nhiệm vụ cung cấp các thông tin về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vừa là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng kẻ thù xâm lược để dành được độc lập dân tộc và hòa bình. “Phát thanh còn là cầu nối, là niềm tin và hy vọng của quân và dân miền Nam đối với miền Bắc, thậm chí nhiều khi các bài hát hoặc các chương trình phát trên sóng từ miền Bắc còn là mật lệnh để mở màn cho trận đánh này và dừng trận đánh kia ở miền Nam”(6). Phát thanh đồng thời cũng thông tin không ngừng nghỉ để nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu được cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, từ đó ủng hộ nhân dân Việt Nam. Có thể nói, phát thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời là người lính đấu tranh không ngừng nghỉ để gìn giữ, bảo vệ hòa bình của đất nước.
Phát thanh tiếp tục cổ vũ đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986 và từng bước phát triển, vững bước con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang xây dựng một đất nước “do nhân dân lao động làm chủ, có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”(7). Tính chính thống, đáng tin cậy và sự linh hoạt, lan tỏa của phát thanh ở Việt Nam tiếp tục được phát huy.
Hiện nay, hệ thống phát thanh ở Việt Nam ngày ngày thông tin bảo vệ sự ổn định của đất nước trên nhiều phương diện. Hàng ngày, dòng chảy thông tin phát thanh đã góp phần đắc lực cho hoạt động quản lý đất nước, điều hòa các mối quan hệ xã hội, nhận diện những bất cập, cổ vũ những điểm tích cực, gắn kết con người. Nói về Đài Tiếng nói Việt Nam - cánh chim đầu đàn của ngành phát thanh cả nước, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ khẳng định: “VOV luôn tự hào là tiếng nói của lương tri và hòa bình”(8).
2. Sử dụng phát thanh hiệu quả cho mục đích hòa bình
Khẳng định và tôn vinh sức mạnh của phát thanh trong việc gắn kết mọi người, thúc đẩy sự hiểu biết và đối thoại, đồng thời giúp xây dựng các cộng đồng hòa bình hơn, cũng là lúc chúng ta bàn đến những giải pháp thúc đẩy sử dụng phát thanh có hiệu quả cho hòa bình của đất nước và trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ra đang phải đối diện với vấn nạn thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt nghiêm trọng là thông tin chống phá Đảng và Nhà nước, chống phá chế độ, chống phá thành quả cách mạng của nhân dân ta. Tin tức giả mạo, thông tin độc hại mà các thế lực thù địch sử dụng các chiêu thức tinh vi để phát tán và chống phá chính là những yếu tố gây chia rẽ xã hội, gây nghi ngờ, mất lòng tin, gây xung đột và chiến tranh. Cuộc chiến với tin giả diễn ra trên không gian mạng đòi hỏi chúng ta có phương thức đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người, giữ gìn sự đoàn kết, bảo vệ lòng tin của người dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, bảo vệ sự ổn định chính trị và hòa bình.
Với tư cách là một trong những phương tiện truyền thông mạnh mẽ giúp ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình, phát thanh cần được sử dụng như một lực lượng, một kênh đấu tranh, chống lại các luận điệu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chống các biểu hiện gây bất ổn.
Cần phát huy vai trò của phát thanh cho mục đích hòa bình theo những hướng như sau:
Trên bình diện thế giới, Liên hợp quốc kết nối các đài phát thanh ở các quốc gia, xây dựng những chương trình hành động, triển khai có điểm nhấn các chiến dịch truyền thông vì mục đích hòa bình. Phát thanh chú trọng thông tin tăng cường hiểu biết giữa các nước, các cộng đồng, thúc đẩy sự lắng nghe và thấu hiểu. Định hướng của Liên hợp quốc rất quan trọng để các đài phát thanh cộng hưởng tiếng nói, tạo ra sức mạnh giải quyết những tranh chấp, xung đột, củng cố hòa bình thế giới. Liên hợp quốc cần hỗ trợ phát thanh thông qua các chương trình phát triển năng lực, nâng cao tính chuyên nghiệp, hỗ trợ xây dựng hành lang pháp lý và quy định đầy đủ, hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số và khả năng tài chính của các đài phát thanh.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước cần dành nhiều hơn sự quan tâm chỉ đạo, và đầu tư cho phát thanh trong định hướng bảo vệ, gìn giữ hòa bình, ổn định của đất nước. Hệ thống phát thanh các cấp cần được đầu tư, củng cố và phát triển các hoạt động nhằm phát huy vai trò ở quy mô, phạm vi tương ứng. Đầu tư trang thiết bị, tăng cường năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ thực hiện là những phương cách quan trọng để tăng năng lực thông tin bảo vệ hòa bình của phát thanh trong môi trường truyền thông số hiện nay.
Các đài phát thanh cần có sự nỗ lực thể hiện vai trò trong việc duy trì, bảo vệ hòa bình, theo hướng:
Một là phát huy sự đa dạng của thông tin phát thanh trong việc phản ánh mọi mặt của đời sống, góp phần thay đổi nhận thức, đoàn kết cộng đồng và thúc đẩy hòa bình. Nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nội dung có gần gũi, thiết thực và trúng trọng tâm thì mới có thể làm cho chương trình phát thanh trở nên ý nghĩa và được công chúng thẩm thấu hơn. Sự phong phú của thông tin phát thanh góp phần tạo dựng hiểu biết đa dạng và không ngừng mở rộng nhận thức của công chúng, đồng thời là kênh tham chiếu quan trọng đối với các cấp lãnh đạo, quản lý.
Hai là các sản phẩm phát thanh tiếp tục thể hiện nâng cao tính tin cậy. Lòng tin của công chúng tạo ra môi trường để phát thanh thâm nhập sâu vào đời sống, phát huy năng lực bảo vệ và nuôi dưỡng hòa bình. Ở mọi thời điểm, khi công chúng nghi ngại những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hay những tin đồn thất thiệt trên các phương tiện truyền thông mới, họ luôn có kênh phát thanh để xác thực, nhận biết đúng đắn, tăng cường lòng tin. Sự đa dạng, phong phú đi kèm tính chính xác, tin cậy sẽ tạo ra giá trị cho thông tin phát thanh, làm tiền đề cho việc đóng góp tích cực cho hòa bình.
Ba là sử dụng phát thanh như một kênh tương tác xã hội rộng lớn, thúc đẩy các yếu tố đảm bảo hòa bình. Phát thanh cung cấp các chương trình phù hợp cho nhóm các cộng đồng thiểu số, tạo điều kiện để những nhóm người yếu thế trong xã hội có thể nói lên tiếng nói một cách dễ dàng hơn các loại hình truyền thông khác. Phát thanh có thể tiếp cận những nhóm đối tượng ít được đề cập đến trong các loại hình truyền thông khác hay truyền thông xã hội, tăng sự tin cậy và công bằng với phát thanh. Thông qua sự tương tác giữa thính giả và đài phát thanh, các chương trình phát thanh sẽ trở nên gần gũi, phù hợp và đa dạng hơn.
Bốn là nâng cao tính trách nhiệm của những người làm báo phát thanh vào giữ gìn sự ổn định xã hội và hòa bình. Sự ghi nhận của Liên hợp quốc và công chúng trên toàn thế giới cho người làm phát thanh thêm tự hào nhưng cũng cần nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong lan tỏa những giá trị nhân văn của loại hình báo chí có bề dày truyền thống này, qua đó thúc đẩy sự gắn kết và chia sẻ, bảo vệ công bằng xã hội, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hướng tới một xã hội nhân ái và hòa bình. Trách nhiệm đi kèm với nghĩa vụ, mỗi nhà báo phát thanh đều ý thức về đóng góp của mình vào xây dựng và phát triển phát thanh như một nhân tố tham gia bảo vệ hòa bình, từ đó có sự trau dồi kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.
Theo đó, đội ngũ nhà báo phát thanh vừa phải làm chủ được công nghệ tiên tiến vừa có đạo đức nghề nghiệp. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xoay chuyển, chi phối cả nền sản xuất các sản phẩm xã hội, việc các nhà báo phát thanh vận dụng được sức mạnh công nghệ vào công việc của mình để tạo ra những sản phẩm thích ứng với xu hướng mới là yêu cầu có tính trực tiếp và bắt buộc. Tuy nhiên, khi công nghệ tự động, công nghệ của các thiết bị thông minh lên ngôi, cũng là lúc chúng ta phải đương đầu với rất nhiều nguy cơ, đòi hỏi cao ở nhà báo trách nhiệm xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp để định hướng và thực hiện các công việc của mình một cách đúng đắn, mang lại lợi ích cao nhất cho công chúng thính giả, và cao hơn nữa, trở thành những sứ giả của hòa bình./.
___________________________________________________
(1) Constitution of UNESCO. Adopted in London on 16 November 1945.
(2) https://vov.gov.vn/ngay-phat-thanh-the-gioi-2023-phat-thanh-va-hoa-binh-dtnew-467148?keyDevice=true.
(3) https://www.unesco.org/en/days/world-radio/radio-peace.
(4), (5) https://vov.gov.vn/phat-thanh-gop-phan-tao-dung-the-gioi-hoa-binh-va-khoan-dung-mobiledtnew-104958?keyDevice=true.
(6) https://vov.vn/xa-hoi/ngay-phat-thanh-the-gioi-2023-phat-thanh-thuc-day-hoa-binh-giam-thieu-xung-dot-post1001324.vov.
(7) https://vtc.vn/tong-giam-doc-do-tien-sy-vov-luon-tu-hao-la-tieng-noi-cua-luong-tri-va-hoa-binh-ar741575.html.
(8) https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_ publisher/V8hhp4dK31Gf/content/sang-tao-ly-luan-cua-dang-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-trong-cong-cuoc-doi-moi.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 6/2023
Bài liên quan
- Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam
- Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
- Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Xem nhiều
-
1
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
2
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
3
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
-
4
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
5
THÔNG BÁO VỀ VIỆC XUẤT BẢN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TỪ NĂM 2025
-
6
Chi bộ Văn phòng Đảng – Hội đồng trường – Đoàn thể tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chi bộ Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Sáng 5/03/2025, tại phòng họp số 9, tầng 10, Nhà A1, Chi bộ Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, dân chủ và thẳng thắn, mang tính xây dựng cao; thể hiện quyết tâm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác lãnh đạo.
Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam
Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để hòa nhịp cùng mạch đập phát triển sôi động của thời đại. Ngày nay, loại hình báo in dần lui về phía sau để nhường lại “không gian tương tác” cho loại hình báo mạng điện tử bởi những thế mạnh mà báo in truyền thống không có...Với thế mạnh nổi trội của mình, báo mạng điện tử không chỉ là nguồn cung cấp thông tin “nhanh, hot, cập nhật không ngừng”, mà còn hứa hẹn là một cánh đồng rộng lớn cho mục tiêu gia tăng giá trị về mặt kinh tế. Việc phát triển các nguồn thu bền vững có thể nói là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo mạng điện tử nói riêng.
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong thời đại số, báo mạng điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những bài viết trên các nền tảng báo chí trực tuyến không chỉ phản ánh thực trạng cung - cầu lao động mà còn góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động về tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về tính hấp dẫn, tính định hướng và khả năng lan tỏa của thông điệp. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết, cần được cơ quan báo chí quan tâm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Các chương trình thiện nguyện trên sóng truyền hình không chỉ là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông. Là kênh thời sự - chính luận chủ lực của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV1 đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ người yếu thế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, các chương trình này cần được đầu tư hơn về nội dung, phương thức triển khai cũng như cách thức kết nối với khán giả. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của VTV1, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lan tỏa, góp phần phát huy tốt hơn nữa vai trò của truyền hình trong công tác thiện nguyện.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, việc quản lý và truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, có trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận về các vấn đề quy hoạch đô thị. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý thông điệp về “quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay”, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần vào sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
Bình luận