Phương pháp đối thoại trong công tác tư tưởng
Phương pháp đối thoại trong công tác tư tưởng
Công tác tư tưởng là một hoạt động có mục đích rõ ràng. Mục đích ấy chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia tích cực, chủ động không những của chủ thể mà còn của cả đối tượng trong quá trình thực hiện phương pháp chuyển tải nội dung công tác tư tưởng. Đặc điểm đối tượng công tác tư tưởng là con người có cá tính, có thói quen, có tình cảm, biết tư duy, có ý thức. Vì thế, đối tượng không chỉ tiếp thu thụ động mà còn có sự độc lập, chủ động, sáng tạo đối với những tác động của chủ thể công tác tư tưởng. Mặt khác, đối tượng còn có tác động trở lại rất lớn đối với chủ thể công tác tư tưởng, đòi hỏi chủ thể không ngừng cải tiến, hoàn thiện phương pháp của mình.
Dựa trên những căn cứ phân loại khác nhau, phương pháp công tác tư tưởng được phân chia thành nhiều phương pháp như: phương pháp độc thoại, phương pháp đối thoại, phương pháp trực quan, phương pháp nêu gương, phương pháp cá nhân... Mỗi phương pháp đều có những ưu thế và hạn chế nhất định mà chủ thể công tác tư tưởng có thể vận dụng sáng tạo trong trường hợp cụ thể để phát huy tác dụng của nó. Bài viết này chủ yếu bàn về phương pháp đối thoại trong công tác tư tưởng hiện nay.
Trước đây, khi phương tiện chuyển tải thông tin còn nghèo nàn, trình độ dân trí chưa cao, phương pháp độc thoại với mục đích cung cấp nhiều thông tin thường chiếm ưu thế trong công tác tư tưởng. Ngày nay, cùng với sự bùng nổ thông tin và trình độ dân trí không ngừng nâng lên, nhu cầu ‘’định hướng thông tin’’ nổi lên hàng đầu. Hơn nữa, cùng một vấn đề tư tưởng có nhiều quan điểm, nhiều ý kiến mà chỉ có thông qua tranh luận, trao đổi mới có thể đi đến thống nhất được. Bởi vậy, có thể nói rằng, yêu cầu sử dụng phương pháp đối thoại trong công tác tư tưởng ngày càng tăng.
Có thể hiểu: Phương pháp đối thoại trong công tác tư tưởng là phương pháp cùng trao đổi ý kiến, thảo luận, tranh luận giữa hai hay nhiều người để làm sáng tỏ hay đi đến thống nhất quan niệm, quan điểm, tư tưởng nào đó.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp đối thoại là nó có thể thực hiện thông tin hai chiều, giải đáp kịp thời những vấn đề nhiều người quan tâm với sự tham gia ý kiến của cả chủ thể và đối tượng công tác tư tưởng. Phương pháp này đặt ra các tình huống “có vấn đề”, cuốn hút đối tượng cùng tham gia giải quyết trong quá trình nhận thức, kích thích cả trí nhớ lẫn tư duy, gây hứng thú, chủ động tìm hiểu quan điểm, tư tưởng. Vì thế, những nội dung cần truyền đạt trong công tác tư tưởng thường được đối tượng hiểu sâu, nhớ rất lâu. Có ý kiến cho rằng, sử dụng phương pháp đối thoại có thể lưu giữ khoảng 50% thông tin trong khi sử dụng phương pháp độc thoại chỉ lưu giữ khoảng 5-20% thông tin.
Thông qua đối thoại, đối tượng được trình bày ý kiến của mình, được giải toả tâm lý về những vấn đề tư tưởng còn đang băn khoăn, khúc mắc. Đối thoại thành công, cũng có nghĩa là tư tưởng được thông suốt. Đây là tiền đề quan trọng cho sự thống nhất về hành động cách mạng. Phương pháp đối thoại được sử dụng thường xuyên sẽ rèn kỹ năng tư duy lôgíc và khả năng ăn nói lưu loát cho người tham gia đối thoại. Bởi vì, để ý kiến của mình có thể thuyết phục người khác, người nói bao giờ cũng cần phải cố gắng khái quát, tổng hợp ý kiến, trình bày ý kiến mạch lạc, lập luận vấn đề chặt chẽ.
Tuy nhiên, đối thoại là một phương pháp khó, đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng cần có trình độ tri thức vững vàng, quan điểm lập trường rõ ràng, đủ khả năng hướng đối tượng đi đến những quan điểm, tư tưởng của Đảng. Trong đối tượng có những ý kiến khá sắc sảo mà ngay cả chủ thể cũng chưa hề nghĩ đến hoặc nắm chưa chắc. Nếu không có trình độ tri thức vững vàng, quan điểm lập trường rõ ràng, chủ thể rất có thể rơi vào tình thế lúng túng, bị động.
Cùng một vấn đề nêu ra, có thể có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trong khi đó, tâm lý người tham gia đối thoại bao giờ cũng mong muốn người khác hiểu ý mình, muốn khẳng định ý kiến của mình, bảo vệ quan điểm của mình. Vì thế, không khí cuộc đối thoại đôi khi trở nên rất căng thẳng và khó đi đến thống nhất quan điểm được. Đó cũng là hạn chế thường gặp ở những cuộc đối thoại giải quyết các vấn đề về nhu cầu, lợi ích.
Phương pháp đối thoại thường chỉ tác động trực tiếp đến một hoặc một số ít người trong mỗi lần tác động. Trừ khi, nó được diễn ra trước một đám đông hoặc được truyền đi qua sóng phát thanh, truyền hình đến đông đảo công chúng trong xã hội.
Với đặc điểm là phương pháp cùng trao đổi ý kiến, tranh luận giữa chủ thể công tác tư tưởng và đối tượng để làm sáng tỏ những vấn đề tư tưởng, các phương pháp nêu vấn đề, toạ đàm, hỏi đáp... là những phương pháp đối thoại có hiệu quả trong công tác tư tưởng hiện nay cần được tăng cường sử dụng.
Phương pháp nêu vấn đề là phương pháp tạo ra những tình huống có vấn đề mâu thuẫn giữa những kiến thức đã có sẵn ở đối tượng, và những kiến thức mới cần trang bị cho họ, bằng hệ thống câu hỏi. Các câu hỏi được giải đáp sẽ cung cấp những tri thức mà chủ thể có nhiệm vụ truyền đạt cho đối tượng. Việc giải quyết các vấn đề đó có thể thực hiện thông qua đối thoại trực tiếp giữa chủ thể và đối tượng, nhưng cũng có thể thông qua sự ‘’tự đối thoại’’ của chủ thể để đưa ra phương án giải đáp. Khi chủ thể vừa là người đặt vấn đề và tự giải quyết vấn đề thì phương pháp nêu vấn đề có quan hệ gần gũi với phương pháp thuyết trình, giảng giải, bổ sung, hỗ trợ cho phương pháp ấy.
Trong phương pháp nêu vấn đề với nghĩa là một phương pháp đối thoại, chủ thể thường nêu ra những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về cùng một vấn đề, sau đó khơi gợi đối tượng suy nghĩ, thảo luận tìm ra bản chất vấn đề. Từ đó, hướng dẫn đối tượng tự đi đến kết luận trên cơ sở lập luận lô gích để bảo vệ quan điểm mà mình tán thành, nhất trí.
Khi sử dụng phương pháp nêu vấn đề, đối tượng phải huy động tư duy của mình để cùng giải quyết vấn đề đặt ra, phát huy được tính tích cực, và tư duy độc lập, sáng tạo của họ, đồng thời nâng cao cảm xúc do niềm vui tự nhận thức mang lại. Vì vậy, kiến thức thường được khắc sâu, nhớ lâu. Hơn nữa, nó là điều kiện tốt để rèn luyện, mài sắc tư duy, trí tuệ của đối tượng, rèn kĩ năng xử lý các tình huống có vấn đề trong công tác tư tưởng nói riêng, trong cuộc sống nói chung.
Hạn chế của phương pháp nêu vấn đề là ở chỗ: đây là phương pháp khó, chỉ thích hợp với những nội dung nhất định của công tác tư tưởng khi mà có mâu thuẫn lớn giữa hiện tượng và bản chất của vấn đề hoặc mâu thuẫn quan điểm do việc nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, một chiều. Chẳng hạn, khi đặt vấn đề: ‘’có quan điểm cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay không cần làm công tác tư tưởng. Như vậy có đúng không? Vì sao?’’ Trong trường hợp này, quan điểm trên cũng có khía cạnh đúng khi nhìn từ góc độ ‘’vật chất quyết định ý thức’’, ‘’tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội’’, nhưng rõ ràng là chưa đầy đủ vì chưa thấy sự tác động trở lại của ý thức, tư tưởng đối với vật chất, với tồn tại xã hội.
Nếu vấn đề đặt ra quá dễ sẽ không có tác dụng làm cho đối tượng phải ‘’động não’’ vì họ chỉ cần dùng kinh nghiệm và kiến thức đơn giản sẵn có giải quyết vấn đề một cách hời hợt. Ngược lại, nếu vấn đề đặt ra lại quá khó sẽ làm cho đối tượng rơi vào bế tắc, chán nản không biết giải quyết như thế nào hoặc chệch ra khỏi mục tiêu kiến thức cần đạt tới.
Phương pháp nêu vấn đề đòi hỏi chủ thể phải nắm vững trình độ đối tượng để xác định vấn đề phù hợp với khả năng giải quyết của họ (không quá khó hoặc quá dễ). Vấn đề nêu lên phải liên quan kiến thức cần truyền đạt, có cơ sở lý luận và thực tiễn để giải quyết, có thể gây được không khí tranh luận với những ý kiến khác nhau. Mặt khác, chủ thể cần có sự chuẩn bị công phu từ trước, dự kiến được phương án giải quyết vấn đề phù hợp với kiến thức cần truyền đạt, chứ không nên sử dụng một cách tự phát, ngẫu hứng.
Phương pháp nêu vấn đề thường được sử dụng trong giáo dục lý luận chính trị.
Phương pháp toạ đàm là phương pháp cùng tranh luận, trao đổi của một nhóm người về một vấn đề tư tưởng, dưới sự chủ trì của chủ thể công tác tư tưởng, nhằm đi đến thống nhất và nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề ấy.
Ưu thế của phương pháp toạ đàm là thông qua toạ đàm, đối tượng tăng cường hiểu biết, có điều kiện học hỏi lẫn nhau; nội dung tư tưởng qua thảo luận được khắc sâu, nhớ lâu hơn. Nếu toạ đàm được truyền đi qua sóng phát thanh hay truyền hình, thì tác động tư tưởng không chỉ dừng lại ở nhóm mà còn đến đông đảo khán, thính giả.
Phương pháp toạ đàm đòi hỏi người chủ trì cần có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ việc lựa chọn đề tài thảo luận phải là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhưng chưa có ý kiến thống nhất hoặc giải pháp khả thi, đến việc chuẩn bị “kịch bản” cho nội dung, với hệ thống câu hỏi và đáp án xoay quanh vấn đề sẽ thảo luận. Hơn nữa, người chủ trì cuộc toạ đàm phải là người có hiểu biết sâu sắc và phong phú về đề tài, có khả năng tổng hợp ý kiến và định hướng tư tưởng đúng đắn. Mặt khác, cần phải có địa điểm và thời gian xác định với sự tham gia trực tiếp của một nhóm người có ít nhiều hiểu biết về đề tài toạ đàm.
Phương pháp toạ đàm thường được sử dụng trong sinh hoạt của các tổ chức chính trị hay tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là truyền hình).
Phương pháp hỏi đáp là một phương pháp đối thoại mà vấn đề được nêu lên bởi đối tượng, chủ thể sẽ là người trả lời hoặc định hướng cách giải đáp vấn đề nhằm đi đến thống nhất hoặc hiểu sâu thêm về một quan niệm, quan điểm, tư tưởng nào đó.
Ưu thế của phương pháp hỏi đáp là nó thể hiện tính tích cực, chủ động của đối tượng một cách rõ nét nhất; có thể đáp ứng nhu cầu nhận thức của đối tượng một cách sâu sát, thiết thực nhất. Đồng thời, nó cũng tạo động lực để chủ thể không ngừng nâng cao trình độ, tầm hiểu biết của mình.
Hạn chế của phương pháp hỏi đáp là đôi khi nó đặt chủ thể vào tình huống bị động, khó xử trước những vấn đề mà chủ thể chưa hề biết tới hoặc nắm chưa chắc chắn, đầy đủ. Vì thế, phương pháp này đòi hỏi chủ thể phải có tầm hiểu biết rộng, kinh nghiệm và nghệ thuật đối thoại cao để ứng phó linh hoạt với các câu hỏi khó, bất ngờ. Mặt khác, nếu đối tượng hạn chế về nhận thức thì sẽ không biết đặt câu hỏi gì hoặc hỏi ‘’lạc đề’’ cũng sẽ hạn chế hiệu quả của phương pháp này.
Điều kiện sử dụng phương pháp hỏi đáp có hiệu quả là chủ thể phải trả lời rõ ràng, đi đúng vào trọng tâm câu hỏi tránh trả lời vòng vo, loanh quanh; lập luận phải chặt chẽ có căn cứ xác đáng. Nếu xét thấy câu hỏi khó trả lời thì tìm cách ‘’từ chối khéo’’ như hẹn vào thời gian khác (cuối buổi hoặc buổi sau...) sao cho người hỏi thoải mái, thông cảm chứ không nên ‘’nói đại’’ khi mà mình nắm không chắc, biết không hết. Chủ thể phải rèn luyện kinh nghiệm và nghệ thuật đối thoại và không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, hiểu biết rộng.
Phương pháp hỏi đáp thường sử dụng trong công tác tư tưởng dưới hình thức học tập nghị quyết, nghe thời sự hoặc trong các cuộc giao lưu theo các chủ đề tư tưởng nào đó.
Để sử dụng phương pháp đối thoại có kết quả tốt, cần lưu ý mấy điều cơ bản sau đây:
Một là, phải đảm bảo môi trường tâm lý thuận lợi cho đối thoại. Đó là thái độ chân thành, cởi mở, thẳng thắn, bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng với đối tượng đối thoại. Chỉ có như vậy, đối tượng mới mạnh dạn trình bày hết những ý kiến của mình mà trong nhiều trường hợp, rất cần thiết cho việc nắm bắt dư luận, dự báo tình hình trong công tác tư tưởng.
Hai là, chủ thể hiểu biết sâu sắc và phong phú về chủ đề đối thoại, biết cách khơi gợi vấn đề để thảo luận, tranh luận đúng hướng và nhất là có khả năng ứng phó linh hoạt với những tình huống phức tạp, bất ngờ có thể diễn ra trong cuộc đối thoại. Muốn như vậy, chủ thể phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm để có tầm hiểu biết rộng và nghệ thuật đối thoại cao.
Ba là, các thành viên tham gia đối thoại cũng phải tương đối hiểu biết về chủ đề đối thoại và có thiện chí xây dựng ý kiến đúng đắn, thống nhất. Nếu không nắm được những vấn đề liên quan đến chủ đề đối thoại, họ có thể không có ý kiến hoặc nêu lên những ý kiến hời hợt, làm cho cuộc đối thoại trở nên tẻ nhạt. Nếu không có thiện chí xây dựng ý kiến thống nhất, họ có thể ‘’nói phá ngang’’ hoặc ‘’cãi lấy được’’ làm cho không khí cuộc đối thoại phức tạp và căng thẳng.
Bốn là, chủ thể phải khéo léo, tế nhị, kiên trì lái cuộc đối thoại theo hướng tích cực, tán thành và ủng hộ những ý kiến thẳng thắn, đúng đắn. Trong trường hợp có ý kiến trái ngược, cần phải phản bác bằng luận chứng, luận cứ khoa học, chứ không phải bằng quy kết, áp đặt ý kiến chủ quan. Biết tự kiềm chế, thuyết phục và chờ đợi đối tượng trong đối thoại, cũng là nghệ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong sử dụng phương pháp này.
Năm là, chủ thể phải có khả năng tổng hợp ý kiến qua đối thoại, đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng để nêu được ý kiến có tính định hướng tư tưởng.
Nói tóm lại, đối thoại là phương pháp rất phù hợp với quá trình dân chủ hoá và yêu cầu định hướng trong công tác tư tưởng hiện nay. Bởi vậy, cán bộ công tác tư tưởng nên nắm vững và sử dụng tốt phương pháp này trong những tình huống phù hợp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng.
__________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4).2005
TS Trần Thị Anh Đào
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận