Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
1. Đề cương về văn hóa Việt Nam - tính nhân văn từ mạch nguồn văn hóa dân tộc
Nhân văn từ căn nguyên ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam
Trải suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, những giá trị văn hóa quý báu trong dòng chảy văn hóa dân tộc với tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước… là mạch nguồn xuyên suốt làm nên sức mạnh dân tộc, cũng như thắng lợi của các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thấu rõ kết tinh văn hóa quý giá ấy, Đảng ta đã lựa chọn văn hóa như một mũi nhọn quan trọng để đấu tranh cách mạng trong bối cảnh dân tộc Việt Nam “một cổ hai tròng” dưới ách phát xít Nhật và thực dân Pháp. Đảng đưa ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 02/1943.
Lựa chọn văn hóa với sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam là một lựa chọn mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn thời đại hàm chứa tính nhân văn sâu sắc của Đảng ta ngay từ khi Đảng còn đang hoạt động bí mật, nhằm tác động một cách nhẹ nhàng, tinh tế, kịp thời mà sâu sắc, tự nhiên mà không hề gượng ép đến nhận thức, tư tưởng của đông đảo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội trên nền tảng những lập luận khoa học, logíc. Từ đó, làm người dân hiểu, tin, tự giác theo Đảng, nhiệt huyết góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng, biến ý thức cách mạng thành hành động cách mạng đúng đắn, kịp thời.
Xét về vị trí, ý nghĩa lịch sử, Đề cương ra đời có tác dụng thực tế như một bộ phận bổ sung cho Chính cương, Sách lược vắn tắt - những cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng, tạo nên tổng thể kết nối hài hòa, chứng tỏ trình độ tri thức và bản lĩnh chính trị mang tầm thời đại của Đảng, phục vụ mục đích nhân văn cao cả: giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, nô lệ.
Ở bản “Cương lĩnh về văn hóa” ấy, Đảng ta thực sự xác định vững chắc vị trí, tư thế của mình trong lòng dân tộc với dòng chảy hàng ngàn năm văn hiến. Sự ra đời của Đề cương thể hiện mong muốn chính đáng của Đảng muốn làm rõ nhận thức của các giai cấp, tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ về vị trí, vai trò, lịch sử, tính chất, nguy cơ của văn hóa Việt Nam, chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp của các nhà văn hóa mác-xít là đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.
Đó là mong muốn, nhận thức nhân văn dựa trên cơ sở nền tảng Đảng nhận thức rõ về tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc đấu tranh cách mạng cũng như trong thực tiễn đời sống xã hội. Đó cũng đồng thời là căn nguyên cho mục đích nhân văn của Đảng là cần thiết phải cụ thể hóa mong muốn ấy bằng sự ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, thể hiện sự coi trọng tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình cách mạng của dân tộc và trong huy động sức mạnh của nhân dân.
Xét ở khía cạnh sáng tạo, người khởi thảo bản Đề cương về văn hoá Việt Nam là Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những nội dung được thể hiện trong Đề cương về văn hoá Việt Nam có sự tiếp nối tư tưởng của các thế hệ cha ông về tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa, về vai trò của nhân dân, như Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, Nguyễn Trãi với “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, Quang Trung - Nguyễn Huệ với “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”. Đồng thời, thể hiện sự thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quan trọng của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”; chỉ rõ, văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; xác định rõ quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Những quan điểm này là sự chắt lọc, tiếp nối, phát huy sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện động cơ, mục đích nhân văn là coi trọng, đề cao giá trị của văn hóa. Đó cũng là thể hiện sự thống nhất, đoàn kết về tư tưởng trong nội bộ Đảng, minh chứng cho văn hóa ứng xử, văn hóa tri thức nhân văn của người cách mạng.
Nhân văn trong nội dung bản Đề cương
Nội dung Đề cương văn hóa Việt Nam gồm 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác-xít Đông Dương. Đề cương thể hiện tính nhân văn trong nội dung mang tính định hướng: Khẳng định sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sự “soi đường” đó phản chiếu ánh sáng của tiến bộ, tri thức, khoa học và chân lý, của sự tiếp nối và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để “chống lại văn hóa phát xít, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân”, phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. Đảng cũng thể hiện chiều sâu tri thức, kết tinh vẻ đẹp trí tuệ với việc đề ra và xác định định hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa “mà cuộc cách mạng Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Đề cương đã soi rọi, làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam để toàn dân thêm hiểu, trân trọng chiều sâu văn hóa của dân tộc, nêu rõ thực trạng của văn hóa Việt Nam trong xã hội lúc bấy giờ có tính cách nửa phong kiến nửa nô lệ, hoặc nửa phong kiến, nửa tư bản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa. Từ đó, tạo nhận thức đồng thuận về ý thức chống đồng hóa, nô dịch văn hóa, khẳng định: “Ảnh hưởng của văn hóa phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa Việt Nam mạnh lên, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở”. Đây là nhận định phản ánh khách quan hiện thực lịch sử, thể hiện tính nhân văn trong nội dung hướng nhân dân đến sự tiến bộ, khoa học về nhận thức và lựa chọn văn hóa như một trong những phương thức hoạt động cách mạng đúng đắn.
Thực tế đã chứng minh, sau khi bản Đề cương ra đời, đội ngũ văn, nghệ sĩ và các tầng lớp dân chúng thêm hiểu, thêm hăng say tham gia các hoạt động văn hóa để góp phần giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Làm cho dân hiểu, tin và hưởng ứng tính dân tộc, khoa học, đại chúng, đồng thuận làm theo trên cơ sở tự nguyện, tự giác, chứ không phải ép buộc - đó là nghệ thuật lãnh đạo tài tình thấm đẫm tính nhân văn của Đảng. Từ cách thức phổ biến thông tin, tư tưởng, tạo sự tự nguyện ở đông đảo quần chúng nhân dân và cách tiếp cận, tác động đến quần chúng thông qua hình thức một bản Đề cương, Đảng thể hiện, khẳng định rõ tính nhân văn trong việc trao quyền quyết định cho nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của dân; thể hiện tính ưu việt và nghệ thuật lãnh đạo, khoa học lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong bối cảnh xã hội phức tạp, rối ren trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Dựa trên ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, Đề cương đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần, ý thức, bản sắc văn hóa dân tộc để chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, tiến tới giải phóng đất nước (dân tộc hóa), chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ (khoa học hóa), coi trọng dân, lấy dân làm gốc, chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại lợi ích của đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng (đại chúng hóa). Ba nguyên tắc đã trở thành nguồn lực cách mạng mới về cả lý thuyết và thực tiễn, lý trí và hành động, tạo mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc, đặc biệt là với giới trí thức, văn, nghệ sĩ, giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Đó là, ánh sáng của sự nhân văn về trí tuệ, sự định hướng, soi đường tri thức cho toàn dân.
Nhân văn ở việc hướng nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ
Đề cương về văn hoá Việt Nam thể hiện rõ định hướng quần chúng nhân dân đến giá trị Chân - được xây dựng dựa trên cơ sở cái thật là văn hóa là một bộ phận, một thành tố quan trọng tồn tại trong xã hội, mang những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta cũng như nhân loại chân chính đều mong muốn đạt tới; trên cơ sở cái đúng là tính khách quan và vai trò trụ cột của văn hóa không chỉ đối với cuộc đấu tranh cách mạng mà còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Chân còn là sự chân thành trong động cơ, mục đích của Đề cương về văn hoá Việt Nam - cũng chính là của Đảng Cộng sản - hướng tới tác động nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng của trí thức, văn, nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân để họ nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ cái thật, cái đúng đó, mà giá trị Chân trong Đề cương được lan tỏa một cách thuyết phục với việc thể hiện rõ mục đích của tư duy chiến lược và nội dung mang tính khoa học về nhiệm vụ, vấn đề, vai trò của cách mạng văn hóa Việt Nam, của các nhà văn hóa mác-xít Việt Nam.
Giá trị Thiện mang tầm thời đại của nội dung Đề cương được thể hiện ở việc lấy văn hóa là phương tiện, là công cụ nòng cốt để tác động và góp phần tạo nên nhận thức, tư tưởng, từ đó thúc đẩy hành động cách mạng đúng đắn của quần chúng, chứ không phải bằng ép buộc, mua chuộc… Thiện còn thể hiện ở việc sử dụng văn hóa là một yếu tố, công cụ quan trọng (cùng với việc dùng bạo lực cách mạng do yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ) góp phần tích cực đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng đất nước, giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, lầm than, phù hợp với luân thường, đạo lý và mong muốn chính đáng của nhân dân.
Giá trị Mỹ thể hiện ở tính đẹp trong cái tổng thể, toàn diện của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiều sâu trí tuệ, chiều rộng học thuật, chiều dài văn hóa dân tộc khi Đảng ta xác định rõ nội dung, phạm vi, vai trò, tính chất, nội hàm của văn hóa trong hành trình cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa cả trước mắt và lâu dài: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Đồng thời, thể hiện ở tư tưởng mang tính định hướng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, ở xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, ở mối quan hệ mang tính biện chứng giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, ở quan điểm “mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận” (kinh tế, chính trị, văn hóa), cũng như ở ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa… Đây là những yếu tố kết tinh cao độ các giá trị văn hóa, là thành tố then chốt cấu thành nên nền văn hóa dân tộc trải qua các thời kỳ lịch sử, mà đến nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự.
Nhân văn trong mục tiêu tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng
Là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, Đề cương về văn hoá Việt Nam phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách thực dân Pháp - phát xít Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và các nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân. Những lập luận logic, khoa học về tầm quan trọng của văn hóa nước nhà và nhiệm vụ của các nhà văn hóa mác xít Việt Nam thể hiện tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, khẳng định tính chính nghĩa của việc sử dụng sức mạnh văn hóa để đấu tranh cách mạng. Đó là, cơ sở hướng đến mục tiêu tạo nhận thức thống nhất trong không chỉ tầng lớp trí thức, văn, nghệ sĩ, mà còn của đông đảo các tầng lớp dân chúng. Không phải bằng uy vũ, cũng chẳng phải bằng ép buộc, mà chỉ qua lập luận khoa học, Đề cương đi thẳng vào lòng người, soi sáng nhận thức, tác động đến tư tưởng, quan điểm, tình cảm liên quan tới giá trị sống của đồng bào, thúc đẩy họ tình nguyện, đồng lòng đứng chung chiến tuyến đấu tranh chống lại thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành độc lập dân tộc. Từ đó, thể hiện rõ việc tiếp nối mạch nguồn tư tưởng trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là trọng dân, thân dân, “lấy dân làm gốc”, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ở cả bề rộng và chiều sâu.
Song, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ khó có thể phát huy hiệu quả và giá trị, nếu thiếu vai trò của người lãnh đạo. Đề cương đã thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược, cũng chính là cội nguồn của nhận thức và hành động cách mạng đúng đắn qua khẳng định: Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành, dứt khoát phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở bối cảnh xã hội có nhiều phong trào khởi nghĩa thất bại lúc bấy giờ, Đảng đã tập hợp được các tổ chức Cộng sản trên cả ba kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) trong một tổ chức thống nhất, thể hiện tính đại diện tập trung cho khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu thời sự và khả năng nắm bắt thời cơ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là, minh chứng thuyết phục cho luận cứ về vai trò không thể thiếu của Đảng gắn với con đường cách mạng đúng đắn do Đảng lựa chọn mà Đề cương đã khẳng định.
2. Động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước vững bền trong thời đại Hồ Chí Minh
Đề cương về văn hoá Việt Nam đã tạo nên chỉnh thể thống nhất của tính nhân văn có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung, gắn chặt với vai trò lãnh đạo của Đảng, với nền văn hóa của dân, do dân, vì dân. Tính nhân văn hội tụ trong Đề cương về văn hoá Việt Nam đã trở thành một trong những giá trị văn hóa cốt lõi, xuyên suốt, thẩm thấu sâu, rộng trong đời sống thực tiễn, trở thành kim chỉ nam “soi đường cho quốc dân đi”; là động lực về cả nhận thức và hành động, về cả lý luận và thực tiễn phục vụ sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện, phát triển nền văn hóa mới không chỉ trong xã hội lúc bấy giờ, mà còn đến hiện tại và cả tương lai.
Tính nhân văn từ Đề cương đã lan tỏa, thể hiện rõ tinh thần nhân văn của Đảng ta trong cả tư duy lẫn tầm nhìn chiến lược khi coi văn hóa là một mặt trận, thể hiện sự coi trọng, tôn trọng vai trò của quần chúng nhân dân, quy tụ các lực lượng, giai tầng trong xã hội trong khối đại đoàn kết dân tộc. Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội; sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân dưới cái nhìn biện chứng đã đem đến cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Từ đó, tạo sức mạnh nội sinh, làm nên giá trị khai mở cho nền văn hóa vị nhân sinh, là cơ sở cho sự phát triển văn hóa gắn chặt trong mối quan hệ biện chứng với chính trị, kinh tế, xã hội… trong bước đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, con người Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.
Về mặt lý luận, Đề cương đúc kết nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa Việt Nam là dân tộc, khoa học, đại chúng. 80 năm qua, chúng ta đã không ngừng tiếp nối, bảo vệ nguyên tắc đó không chỉ bằng ý chí mà còn bằng xương máu để xây dựng chế độ xã hội mới với mục tiêu làm cho đất nước hùng cường, văn minh, bởi hiểu rõ giá trị có ý nghĩa khai mở, đặt nền móng của Đề cương cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa cũng chính là góp phần xây dựng đất nước. Sự tiếp nối, bảo vệ nguyên tắc trong Đề cương là biểu hiện của sự tiếp nối nhân văn về tri thức, về lý luận của Đảng, nhân dân ta, cũng là động lực để các thế hệ sau không ngừng tiếp tục kế thừa mà phát triển.
Những giá trị của Đề cương, đặc biệt ở nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, ở quan điểm văn hóa là một trong ba mặt trận (cùng với kinh tế, chính trị) cho đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là động lực nền tảng về mặt lý luận để chúng ta xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “hòa nhập chứ không hòa tan”. Đó cũng là động lực để chúng ta biết cân bằng giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, với các lĩnh vực khác trong đời sống, xây dựng nền văn hóa mới gắn với xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển hài hòa, không ai bị bỏ lại phía sau. Tính nhân văn từ Đề cương, vì thế, đã không ngừng được nối dài qua dòng chảy thời gian và khẳng định sự đúng đắn, giá trị của nó, là động lực cho sự phát triển văn hóa đất nước ở những tầng bậc mới.
Tuy được coi là bản Tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, Đề cương vẫn có một số hạn chế về lý luận, như tính độc lập tương đối của thượng tầng kiến trúc và ý thức tinh thần chưa được chú ý một cách thấu đáo do vận dụng chủ nghĩa Mác còn ở dạng sơ khai. Dù thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, song Đề cương mới là những phác thảo mang tính định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa mới, với những nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa, chứ không phải là toàn bộ các quan hệ, giá trị, vấn đề của một nền văn hóa. Con người, với tư cách là chủ thể và khách thể của văn hóa, mới chỉ được đề cập trong những phác thảo…
Những hạn chế này là động lực để trải qua 80 năm, chúng ta không ngừng nhìn lại, tiếp tục rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các quan điểm lý luận, nhận thức về văn hóa cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn: Từ quan điểm coi văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật, nghệ thuật đến mở rộng nội hàm văn hóa gồm tư tưởng, đạo đức, lối sống, khoa học, giáo dục - đào tạo, thông tin đại chúng, văn học - nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo... Từ nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng đến khẳng định nền văn hóa nước ta mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn (Hiến pháp năm 1992), xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998.
Ở Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 đã thể hiện sự kế thừa các quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa trong các thời kỳ trước đó, gắn chặt văn hóa với con người, tiếp thu những tinh hoa lý luận về văn hóa của thế giới theo tinh thần đổi mới của Đảng. Đến Đại hội XIII, Đảng khẳng định quan điểm trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…
Những nhận thức lý luận không ngừng được bổ sung cho thấy tính cầu thị, nhân văn của Đảng ta trong việc tiếp thu, kế thừa để phát triển. Đó là sự phát triển nhân văn về vận dụng lý luận từ Đề cương để xây dựng, hoàn thiện lý luận về văn hóa trong tiến trình xây dựng đất nước, con người ở thời đại ngày nay. Từ đó, tạo động lực để chúng ta không ngừng sáng tạo, nhìn nhận, phát triển Đề cương ở những góc nhìn mới, vận dụng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn hiện nay dựa trên cơ sở kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về mặt thực tiễn, ngay từ khi ra đời, dù chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, nhưng do được đặt trên cơ sở nền tảng, tư tưởng chính trị của thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đề cương về văn hoá Việt Nam đã nhanh chóng đi sâu vào lòng người, lan tỏa rộng khắp xã hội bằng sự nhân văn. Sự nhân văn ấy được dựa trên sự khai thông tư tưởng bằng con đường tri thức, tạo sự chuyển biến về nhận thức cách mạng một cách tự giác trong quần chúng nhân dân, khiến nhân dân đồng lòng đi theo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó, Đề cương tạo ra động lực to lớn là góp phần thúc đẩy, đẩy mạnh cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, gắn với thúc đẩy hành động cách mạng của quần chúng, dẫn đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Đề cương đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên cho các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như cho sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.
Đề cương là động lực quan trọng thôi thúc Đảng ta, nhân dân ta sử dụng văn hóa, phát huy, phát triển, tiếp tục khẳng định, củng cố giá trị văn hóa dân tộc như một vũ khí sắc bén trong các cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, gắn với khí thế nhập cuộc hào hùng: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, phát huy tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Sự nhập cuộc ấy lan tỏa rộng khắp thành các phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Tiếng hát át tiếng bom”… để làm nên những thắng lợi vẻ vang. Nó cũng đồng thời tạo dấu ấn, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc gắn với tinh thần yêu nước, đoàn kết, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, phát triển văn hóa gắn với phát triển con người trong từng bước đường xây dựng đất nước.
Đề cương cũng tạo động lực cho hàng loạt hoạt động thực tiễn gắn với việc đề cao và phát huy vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống chính trị, xã hội, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về văn hóa. Từ Văn kiện Đảng qua các kỳ Đại hội, đến các chiến lược phát triển văn hóa, sự kiện, hoạt động văn hóa được tổ chức đa dạng trong thực tiễn 80 năm qua, như Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội nghị văn hóa toàn quốc… đã khẳng định giá trị, tầm quan trọng của văn hóa. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển ngày càng sâu rễ bền gốc trong đời sống, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu của sự phát triển đất nước, con người Việt Nam.
Đề cương đồng thời là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển đời sống văn hóa về cả vật chất và tinh thần cho người dân, cho thấy sức thuyết phục của việc tiếp nối tính nhân văn từ Đề cương lan tỏa ra thực tiễn thông qua các cuộc vận động, phong trào tăng gia sản xuất, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”… Đó chính là giá trị khơi dậy sức mạnh nội lực của dân tộc. Từ đó, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tái khẳng định tính nhân văn của Đề cương. Đề cương đã thực sự trở thành bản Tuyên ngôn Chân - Thiện - Mỹ của Đảng, của dân tộc ta về văn hóa, là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa bền vững, cũng chính là góp phần không ngừng thúc đẩy sự phát triển vững bền của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày nay, tiếp tục phát huy giá trị nhân văn của Đề cương, lấy đó làm động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước ta vững bền là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân. Cần không ngừng giữ gìn, vận dụng, phát triển thành những lý luận văn hóa mới phù hợp với con đường xã hội chủ nghĩa; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hóa, coi phát triển sự nghiệp văn hóa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.
Gắn với đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện để tạo nguồn lực phát triển văn hóa bền vững; tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, đẩy mạnh khoa học - công nghệ phục vụ sự gìn giữ, phát triển văn hóa ở cả bề rộng và chiều sâu; chú trọng mối quan hệ và sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế, chính trị… Đó là những giải pháp căn cốt để Đề cương về văn hoá Việt Nam với tính nhân văn của nó luôn sống trong lòng dân tộc, thực sự trở thành động lực xây dựng, phát triển văn hóa - cũng chính là góp phần phát triển đất nước, con người Việt Nam bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh./.
________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa Thông tin (2003), Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943: Những giá trị tư tưởng - văn hóa, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.57.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, T.1.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Đề cương về văn hoá Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Nguyễn Bá Dương (2013), “Đề cương về văn hoá Việt Nam” - Giá trị lịch sử và hiện thực, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-%E2%80%93-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc/3786.html . Truy cập 15/02/2023.
7. Phong Lê (2013), Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - bài học 70 năm, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 10.
8. Phạm Quang Long (2023), Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp trí thức tham gia cách mạng, Tạp chí Tuyên giáo (điện tử), https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/de-cuong-van-hoa-viet-nam-nam-1943-ngon-co-tap-hop-tri-thuc-tham-gia-cach-mang-143386
9. Nguyễn Đình Minh (Chủ biên), Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 - Giá trị lịch sử và hiện thực, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông số 3/2023
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận