Quá trình hoạt động và những đóng góp của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội
1. Những hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện
Đồng chí Lương Khánh Thiện còn gọi là Trần Xuân Thành (1903 - 1941), quê ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính - Thanh Liêm, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước.
Từ năm 1922, Lương Khánh Thiện rời quê hương, xin vào học tại trường Kỹ nghệ thực hành ở thành phố Hải Phòng. Trong quá trình học tập tại đây, Lương Khánh Thiện cùng với một số học sinh khác cùng chí hướng đã có những hành động thể hiện tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng. Cụ thể, ngày 7/2/1925, nghe tin Toàn quyền Đông Dương Varen công du đến Hải Phòng, Lương Khánh Thiện và nhiều thanh niên yêu nước lúc đó đã chặn đường đưa đơn cho toàn quyền Varen yêu cầu ân xá ngay cho Cụ Phan Bội Châu, hoạt động này gây tiếng vang lớn trong lòng những trí thức yêu nước lúc bấy giờ. Vì lý do đó, Lương Khánh Thiện bị trường dọa đuổi học, mặc dù sắp tốt nghiệp. Sau sự kiện đó, Lương Khánh Thiện vận động 30 anh em đồng loạt bãi khoá, bỏ trường.
Năm 1926, Lương Khánh Thiện về Nam Định xin vào làm thợ nguội ở Nhà máy Sợi. Tại đây, đồng chí đã vận động thành lập Hội Tương tế để giúp đỡ những người công nhân của nhà máy gặp khó khăn, đồng thời thông qua Hội để tuyên truyền, giáo dục họ đấu tranh đòi quyền lợi với chủ Nhà máy. Hoạt động của Lương Khánh Thiện nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đội ngũ công nhân tại Nhà máy Sợi. Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định ra đời, Lương Khánh Thiện đã gia nhập tổ chức Hội và có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của phong trào công nhân Nam Định. Chủ nhà máy biết và tìm cách sa thải, Lương Khánh Thiện tạm lánh về Mễ Tràng, Thanh Liêm để tiếp tục vận động cách mạng. Tại quê nhà, đồng chí đã có những hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng cho nhiều cơ sở yêu nước và những thanh niên yêu nước tại đây, về sau có đồng chí phát triển trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý. Đầu năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng, xin việc ở xưởng cơ khí Nhà máy Tơ. Tháng 4/1929, Lương Khánh Thiện được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng.
Tháng 11/1929, Lương Khánh Thiện lãnh đạo công nhân đấu tranh và tổ chức kỷ niệm thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga. Với những hoạt động đó, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi khỏi nhà máy, đồng chí rút vào hoạt động bí mật. Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, đồng chí Lương Khánh Thiện đã bị thực dân Pháp bắt giam. Qua 7 tháng giam giữ, thực dân Pháp đưa Lương Khánh Thiện cùng một số đồng chí khác ra xử phiên tòa Đại hình ở Kiến An (nay thuộc Hải Phòng), bị kết án khổ sai chung thân.
Năm 1932, Lương Khánh Thiện bị đày ra Côn Đảo, dù bị giam giữ trong tù nhưng đồng chí vẫn tích cực hoạt động. Tháng 6/1936, Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền, trước sự đấu tranh của nhân dân tiến bộ Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có Lương Khánh Thiện.
Sau khi được trả tự do, đồng chí Lương Khánh Thiện tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội cùng với các đồng chí khác như: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Cừ... Xứ uỷ Bắc Kỳ sau một thời gian hoạt động, bị địch khủng bố, nhiều người bị bắt, coi như bị tan rã. Những người cộng sản hoạt động tại Bắc Kỳ, trong đó có Lương Khánh Thiện, rất quan tâm đến vấn đề khôi phục lại Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Tháng 8/1936, tại một địa điểm ở gần sân bay Gia Lâm, Hà Nội, một nhóm cộng sản gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Minh họp cùng nhau, phân tích tình hình trong nước và tình hình thế giới, tình hình các tổ chức đảng ở Bắc Kỳ, trên cơ sở đó, các đồng chí đã thống nhất đứng ra thành lập “Uỷ ban Sáng kiến”. Nhiệm vụ của Uỷ ban này là khôi phục các cơ sở cách mạng, củng cố các tổ chức đảng ở Bắc Kỳ, tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh gay go. Uỷ ban Sáng kiến làm chức năng, nhiệm vụ của Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ, mặc dù tên gọi lúc này mới chỉ là Uỷ ban Sáng kiến.
Sau khi Uỷ ban Sáng kiến được thành lập, để tiến tới thành lập Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ đã được Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Nguyễn Văn Cừ (Trí Cường), Lương Khánh Thiện (Trần Xuân Thành), Đặng Việt Châu (Nguyễn Văn Rạng), Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Minh… thực hiện khẩn trương. Họ đã phân công nhau đi vào các xóm thợ, làng xã và trong trường học để gây dựng các tổ chức quần chúng yêu nước và các tổ chức cơ sở của Đảng. Đánh giá về vai trò của những cán bộ cách mạng thời kỳ này, Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Việc tổ chức lại các tổ chức Đảng có thể tiến hành nhanh, đó là nhờ hoạt động của các cựu tù chính trị được ân xá sau thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp”(1).
Tháng 3/1937, tại phố Hàng Bột, Hà Nội, diễn ra một cuộc họp quan trọng để chính thức lập lại Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ. Dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đinh Xuân Nhạ, Đặng Việt Châu, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Công Hoà, giáo Hựu, Trần Cung, Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Hoàng Tú Hưu (Hoàng Văn Nọn)... Đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Thường vụ Xứ uỷ, đảm nhận Bí thư Xứ uỷ lâm thời. Trụ sở của Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ lúc này đóng ở Hải Phòng và có một bộ phận đóng ở Hà Nội.
Cũng trong tháng 3/1937, Thành uỷ Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành uỷ có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Đạt (tức Lộc, Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn). Phạm vi hoạt động của Đảng bao gồm cả Sơn Tây và Hà Đông(2).
Tháng 9/1937, Xứ uỷ Bắc kỳ chính thức lập lại. Đồng chí Lương Khánh Thiện là Thường vụ Xứ ủy, kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Như vậy, cùng một thời gian, từ tháng 3/1937 đến tháng 12/1938, đồng chí đảm trách hai công việc: Bí thư Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ và Bí thư Thành uỷ Hà Nội (Từ tháng 12/1938 đến tháng 10/1939, đồng chí Lương Khánh Thiện về làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng). Sau khi Xứ uỷ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, trụ sở vẫn ở Hải Phòng và Hà Nội.
Từ năm 1938, cuộc vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương của Đảng bước vào giai đoạn gay go. Chiến tranh thế giới đang có nguy cơ bùng nổ. Trước những khó khăn lớn, Đảng phải đối phó với mọi tình thế, củng cố những cơ sở Đảng đã có, lập thêm cơ sở mới, đồng chí Lương Khánh Thiện bàn với một số đồng chí lãnh đạo quyết định mở hiệu giặt là mang tên “Mai Hải” đặt tại ngôi nhà đầu ngõ Hàng Khoai - Hà Nội để vừa có việc làm cho một số người, vừa có tiền gây quỹ cho Đảng.
Cuối năm 1938, đồng chí Lương Khánh Thiện là Bí thư Xứ uỷ nhận công tác hoạt động ở địa điểm khác, không ở Hà Nội nữa. Ngày 8/1/1941, trong khi đi nắm tình hình phong trào công nhân, đồng chí bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường. Sáng 1/9/1941, thực dân Pháp lén lút xử bắn đồng chí Lương Khánh Thiện tại chân núi Áng Sơn (Kiến An).
2. Những cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội
Với những đóng góp cho cách mạng của Lương Khánh Thiện có thể khẳng định đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong thời gian ngắn làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội (3/1937 đến 12/1938), đồng chí Lương Khánh Thiện đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng và phát triển cơ sở đảng; vận động quần chúng tích cực đấu tranh, chắp mối liên lạc với những đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội. Những cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước trên mặt trận đấu tranh đòi tự do, dân chủ, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.
Một là, đóng góp quan trọng vào việc củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở Hà Nội
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ, Thành uỷ thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Năm 1938, cơ quan lãnh đạo của Thành uỷ được kiện toàn, bổ sung thêm hai đồng chí Nguyễn Văn Trân và Văn Tiến Dũng. Trong những năm 1937 - 1938, toàn Đảng bộ có gần hai chục chi bộ, với gần 100 đảng viên, chủ yếu là công nhân và nông dân.
Trên cương vị là Bí thư Thành uỷ, đồng chí Lương Khánh Thiện rất chăm lo đến việc đào tạo cán bộ. Theo đồng chí, nếu không đào tạo gấp đội ngũ cán bộ, thì không thể giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Địch mở chiến dịch khủng bố, cán bộ của Thành uỷ ngày càng hao hụt do bị địch bắt, giết. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ cho Thành uỷ đã trở nên cấp thiết. Đồng chí đã bí mật đi tới các nhà máy và đi vào các xóm làng để tìm ra những người tích cực trong công nhân và nông dân để đào tạo họ trở thành cán bộ. Đồng chí tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân hiểu rõ về Đảng Cộng sản Đông Dương, về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, khẳng định Đảng là đội tiền phong cách mạng; Đảng tập hợp những phần tử ưu tú nhất trong các giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, những người trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; Đảng là một tổ chức có tính giai cấp và Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; Đảng là trung tâm lãnh đạo, còn các tổ chức quần chúng là sợi dây chuyển tải để nghị quyết của Đảng mau chóng tới quần chúng.
Với những nỗ lực của Thành uỷ Hà Nội, đứng đầu là Lương Khánh Thiện, cơ sở đảng ở Hà Nội dần dần được khôi phục và phát triển. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Khuy, Xưởng sửa chữa ô tô AVIA, S.T.A.I, Nhà máy điện Yên Phụ…, và các ngành nghề như in, ảnh, dệt, mộc, xẻ, sửa chữa ô tô, luyện kim, cơ khí… đã lập được chi bộ đảng hoặc tổ đảng.
Hai là, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cách mạng để nâng cao trình độ giác ngộ cho quần chúng nhân dân ở Hà Nội
Cùng với việc lãnh đạo đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế, chính trị, đồng chí Lương Khánh Thiện cũng rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, cổ động, đặc biệt là công tác báo chí công khai nhằm tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân. Lợi dụng khả năng hợp pháp, báo chí của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội hoạt động khá sôi nổi. Nội dung tập trung phản ánh đời sống khổ cực và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tố cáo tội ác của chính quyền thống trị, tuyên truyền đường lối của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Trong năm 1937, Thành uỷ chủ trương vận động thành lập nghiệp đoàn báo chí để mở rộng ảnh hưởng của báo chí cách mạng. Ngoài báo chí, Thành uỷ còn xuất bản nhiều sách giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cách mạng trên thế giới. Đặc biệt là các cuốn sách: “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình. “Chế độ chính trị các nước” của Cựu Kim Sơn, “Chị em phải làm gì”, “Nghiệp đoàn phải làm gì”… Sách báo công khai của Đảng ở Hà Nội đã góp phần to lớn và trực tiếp vào việc tuyên truyền và nâng cao trình độ giác ngộ cho quần chúng nhân dân ở Hà Nội.
Ba là, quan tâm chỉ đạo công tác vận động quần chúng và lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào đấu tranh ở Hà Nội
Bí thư Thành uỷ Lương Khánh Thiện và tập thể Thành uỷ Hà Nội, ngoài việc tích cực khôi phục và phát triển các tổ chức cơ sở đảng, còn quan tâm chỉ đạo công tác vận động quần chúng ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây.
Trong phong trào công nhân, Thành uỷ lập Ban Công vận do Bí thư Thành uỷ Lương Khánh Thiện trực tiếp phụ trách và chỉ đạo, đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề, thống nhất tổ chức và hành động cho công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội; giáo dục cho công nhân nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết không để cho các thế lực phản động thao túng và chia rẽ đoàn kết giữa Đảng với quần chúng. Nhận được sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Bí thư Thành uỷ Lương Khánh Thiện và tập thể Thành uỷ Hà Nội, phong trào đấu tranh của công nhân Hà Nội vẫn được giữ vững và phát triển. Khẩu hiệu đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn đã triệt để lợi dụng hoàn cảnh hoạt động công khai lúc bấy giờ để mở rộng tổ chức của mình. Tuy là không được nhà cầm quyền cấp giấy phép nhưng công nhân, tiểu thương Hà Nội vẫn chủ động lập ra các hội ái hữu, hội từ thiện, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong đời sống và trong việc làm. Phong trào ái hữu phát triển khá sâu rộng và vững chắc. Hội ái hữu lúc này trở thành hình thức hoạt động rất có hiệu quả, được công nhân, tiểu thương, thợ thủ công hưởng ứng và tham gia. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Lương Khánh Thiện đánh giá cao hoạt động của các hội ái hữu.
Giữa năm 1937, Hội Ái hữu tương tế chợ Đồng Xuân được thành lập, gồm các chị em tiểu thương ở chợ Đồng Xuân. Hoạt động của Hội khá đa dạng. Tháng 10/1937, Hội Ái hữu cựu học sinh trường Thăng Long được thành lập… Đến cuối năm 1937, Hà Nội đã xây dựng được 26 tổ chức, thu hút hàng vạn quần chúng ở hầu hết các xí nghiệp, công sở, ngành nghề, trong đó có tới một nửa tổ chức ái hữu, chính quyền địch buộc phải cấp giấy chứng nhận(3). Song song với việc lập các hội ái hữu, Bí thư Lương Khánh Thiện và Thành uỷ Hà Nội còn chủ trương huy động, tập hợp lực lượng thanh niên và phụ nữ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và các vùng lân cận, đưa họ vào hoạt động yêu nước và cách mạng.
Trong năm 1937 và 1938, phong trào công nhân Hà Nội phát triển mạnh và hoạt động có tổ chức. Hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân các ngành điện, mộc, xẻ, in… liên tiếp nổ ra với khẩu hiệu đòi tăng lương, nhưng không tăng giờ làm, cải thiện chế độ làm việc, tự do nghiệp đoàn… Từ năm 1937, phong trào đấu tranh của công nhân Hà Nội ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, trở thành phong trào vận động dân chủ của Đảng ở Hà Nội. Ngày 11/10/1937, có 2 nghìn công nhân thợ xẻ của Hà Nội đình công, yêu cầu tăng lương, không cúp phạt. Cuộc đấu tranh này đã giành được thắng lợi. Tháng 7/1937, công nhân và lao động Hà Nội viết thư động viên và tổ chức lạc quyên ủng hộ cuộc đình công của công nhân nhà máy Xe lửa Trường Thi ở Nghệ An, ủng hộ phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của công nhân xe lửa phía Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ. Năm 1938, Lương Khánh Thiện trực tiếp lãnh đạo công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đuổi thợ. Cuộc đấu tranh đã đi đến thắng lợi, tạo nên tiếng vang lúc bấy giờ.
Ở các vùng nông thôn Hà Nội, phong trào nông dân phát triển cao. Nông dân đấu tranh chống các hủ tục, xây dựng đời sống mới, chống phụ thu lạm bổ, đòi chia lại công điền và chống nạn sưu thuế nặng nề của chính quyền thực dân và phong kiến. Phong trào đấu tranh của nông dân các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội đã góp phần vào việc động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng nông dân, chuẩn bị lực lượng và cơ sở cách mạng cho phong trào cách mạng thời kỳ tiếp theo.
Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Hà Nội diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, như lập nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tổ chức cắm trại, du lịch, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền sách báo, văn hoá tiến bộ. Dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ, đứng đầu là Lương Khánh Thiện, thanh niên, sinh viên, học sinh Hà Nội trở thành lực lượng xung kích trong các phong trào yêu nước và cách mạng của Thành phố, đặc biệt là phong trào truyền bá Quốc ngữ. “Trường Thăng Long là nơi có phong trào mạnh, đã cung cấp cho Đoàn, cho Đảng nhiều cán bộ ưu tú”(4).
Nhân ngày Quốc tế lao động, 1/5/1938, dưới sự lãnh đạo của Nhóm Tin tức (bộ phận hoạt động công khai của Đảng ta), có sự phối hợp bí mật với Thành uỷ Hà Nội và sự phối hợp công khai với chi nhánh Đảng Xã hội Pháp, tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào lúc 4 giờ chiều, ngày 1/5/1938, tại khu Đấu xảo (nay là cung Văn hoá Hữu nghị, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Dự cuộc mít tinh này có 25 nghìn người, đủ các giới, các ngành, gồm công nhân đường sắt, thợ in, thợ dệt, thợ may, nông dân, tiểu thương, phụ nữ, thanh niên, nhà văn, nhà báo… tham gia. Các đại diện đã công khai vạch trần trước hàng vạn quần chúng chính sách bóp nghẹt tự do dân chủ, chính sách đàn áp bóc lột tàn nhẫn của chính quyền thuộc địa và đòi thực hiện những yêu sách của nhân dân. Quần chúng đến dự mít tinh giương cao cờ đỏ búa liềm của Đảng, hát Quốc tế ca, hô vang khẩu hiệu đòi tự do lập hội, đòi ban hành luật lao động, đòi giảm thuế chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ hoà bình.
3. Đồng chí Lương Khánh Thiện - tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Những cống hiến và hoạt động cách mạng của Lương Khánh Thiện từ ngày đầu mới tham gia phong trào yêu nước đến những hoạt động khi là học sinh, hoạt động trong phong trào công nhân tại các nhà máy, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt, trong thời gian hoạt động cách mạng từ tháng 3/1937 đến tháng 12/1938, trên cương vị Bí thư Xứ uỷ lâm thời, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Dù ở vị trí hoạt động cách mạng hay cương vị lãnh đạo nào, đồng chí đều thể hiện là một người yêu nước, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng. Quá trình hoạt động cách mạng chứa đầy sự hy sinh gian khổ nhưng vô cùng xuất sắc của đồng chí làm sáng lên phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, sẵn sàng hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Lương Khánh Thiện đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho dân, cho nước. Mặc dù sớm hy sinh, nhưng đồng chí đã sống hết mình cho cách mạng và góp phần xây dựng nên những giá trị cao đẹp mà ngày nay các thế hệ trẻ của đất nước cần phải học tập, noi theo.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, là dịp các thế hệ trẻ tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh anh dũng, sự hy sinh cao cả cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu về tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí Lương Khánh Thiện, các thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã xây dựng và bồi đắp lên. Cần phải có ý thức tự giác tiếp bước các thế hệ đi trước, làm dày lên những trang sử vẻ vang của dân tộc./.
______________________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.300.
(2), (3), (4) Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (2012), Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1 (1926 - 1945), tr.142,145,147.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận