Quan điểm của C. Mác về thời kỳ quá độ
1. Mở đầu
Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác, chúng ta cần tìm hiểu quan điểm của Mác về thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa (cũng tức là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bởi vì chủ nghĩa xã hội được Mác hiểu là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản). Thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa khác với thời kỳ quá độ từ xã hội tiền tư bản chủ nghĩa lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu quan điểm của Mác về thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội tiền tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, cách hiểu về quan điểm ấy của Mác vẫn chưa có sự thống nhất(1). Bài viết này góp thêm một cách chú giải đối với quan điểm của C. Mác về thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa (gọi tắt là thời kỳ quá độ).
2. Thực chất của vấn đề thời kỳ quá độ
Khi phân kỳ lịch sử thành xã hội này và xã hội kia, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, giữa xã hội này và xã hội kia bao giờ cũng có một thời kỳ quá độ. Xã hội tư bản chủ nghĩa là giai đoạn cao nhất của xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, xã hội thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa là xã hội dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, hay còn gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Vào thời Mác và ngay cả trước thời Mác, nhiều người cho rằng, xã hội tư bản chủ nghĩa không phải là vĩnh viễn. Đối với những người này, vấn đề đặt ra không phải là ở chỗ, xã hội tư bản chủ nghĩa trong tương lai có bị thay thế bằng xã hội cộng sản chủ nghĩa hay không, giữa hai xã hội đó có thời kỳ quá độ hay không, mà là ở chỗ, điều kiện cho sự xuất hiện của thời kỳ quá độ đã có hay chưa, khi nào thời kỳ quá độ sẽ xuất hiện, thời kỳ quá độ sẽ diễn ra trong bao lâu, sự khác biệt giữa thời kỳ quá độ đó với xã hội tư bản chủ nghĩa và với xã hội cộng sản chủ nghĩa là như thế nào, thời kỳ quá độ có nhất thiết phải xuất hiện trước hết ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất hay không. Đấy là thực chất của vấn đề vềthời kỳ quá độ được đặt ra vào thời của Mác.
3. Quan điểm của C. Mác về nhà nước trong thời kỳ quá độ
Quan điểm của C. Mác về nhà nước trong thời kỳ quá độ được ông trình bày ngắn gọn trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gotha”. Cụ thể ông viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(2). Quan điểm này của C. Mác có thể được hiểu như sau.
Lịch sử của loài người giống như lịch sử của tự nhiên. Theo đó, lịch sử của loài người phải trải qua các hình thái hay các giai đoạn từ thấp đến cao. Để phân biệt các giai đoạn này chúng ta có thể xem chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất là chế độ công hữu hay chế độ tư hữu (gọi tắt là chế độ sở hữu, chế độ công hữu, chế độ tư hữu). Các xã hội đã có trong lịch sử theo thứ tự từ thấp đến cao là xã hội dựa trên chế độ công hữu (xã hội cộng sản nguyên thủy), xã hội dựa trên chế độ tư hữu (xã hội này có các giai đoạn khác nhau về mức độ tư hữu của chế độ sở hữu, cụ thể có các giai đoạn như: xã hội dựa trên phương thức sản xuất Châu Á, xã hội dựa trên phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, xã hội dựa trên phương thức sản xuất phong kiến, xã hội dựa trên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa). Xã hội trong tương lai sẽ là xã hội dựa trên chế độ công hữu (xã hội cộng sản chủ nghĩa).
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, giai cấp chưa xuất hiện. Trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu có ba giai cấp, đó là giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất, giai cấp không có tư liệu sản xuất, giai cấp có ít tư liệu sản xuất. Giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất ví dụ là giai cấp chủ nô, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản. Giai cấp không có tư liệu sản xuất ví dụ là giai cấp nô lệ, giai cấp nông nô, giai cấp vô sản. Nhà nước bao giờ cũng là nhà nước của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp bị thống trị, là nền chuyên chính của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị thống trị. Không có nhà nước nào là nhà nước của toàn dân. Giai cấp nào thống trị về kinh tế thì giai cấp đó thống trị về chính trị. Các nhà nước đã có trong lịch sử ví dụ là nhà nước của giai cấp chủ nô (tồn tại trong xã hội chiếm hữu nô, là công cụ để trấn áp giai cấp nô lệ), nhà nước của giai cấp địa chủ (tồn tại trong xã hội phong kiến, là công cụ để trấn áp giai cấp nông nô), nhà nước của giai cấp tư sản (tồn tại trong xã hội tư bản chủ nghĩa, là công cụ để trấn áp giai cấp vô sản). Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ không còn giai cấp, và do đó, sẽ không còn nhà nước.
Trong thời kỳ quá độ, giai cấp sẽ còn tồn tại. Cụ thể, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản sẽ còn; tuy nhiên, giai cấp tư sản sẽ chuyển từ vị trí thống trị thành vị trí bị thống trị, giai cấp vô sản sẽ chuyển từ vị trí bị thống trị thành vị trí thống trị. Trong thời kỳ quá độ, giai cấp tiểu tư sản sẽ không còn, vì giai cấp tiêu tư sản là đại diện cho sản xuất nhỏ, sản xuất nhỏ sẽ chuyển thành sản xuất lớn, khi xã hội tư bản chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn tột cùng của nó thì giai cấp tiểu tư sản sẽ phân hóa thành giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Trong thời kỳ quá độ, nhà nước vẫn còn. Lúc này, nhà nước sẽ là nhà nước của giai cấp vô sản để trấn áp giai cấp tư sản. Bộ máy trấn áp của nhà nước sẽ đơn giản hơn, vì việc đa số trấn áp thiểu số sẽ đơn giản hơn việc thiểu số trấn áp đa số. Mục đích trấn áp của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản là duy trì chế độ tư hữu. Mục đích trấn áp của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản là xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, xây dựng xã hội không có giai cấp.
Khi thời kỳ quá độ kết thúc, tức là khi xã hội cộng sản chủ nghĩa hình thành, giai cấp sẽ mất đi, nhà nước sẽ tiêu vong, trấn áp và cưỡng bức sẽ không còn, tự do của mỗi người sẽ là điều kiện cho sự tự do của mọi người.
Nhà nước trong xã hội tư bản chủ nghĩa và trong thời kỳ quá độ đều là nhà nước dân chủ.Tuy nhiên, nhà nước trong xã hội tư bản chủ nghĩa là nhà nước dân chủ tư sản; còn nhà nước trong thời kỳ quá độ sẽ là nhà nước dân chủ vô sản. Dân chủ tư sản là dân chủ cho thiểu số, không phải là dân chủ cho đa số; dân chủ vô sản sẽ là dân chủ cho đa số, sẽ không phải là dân chủ cho thiểu số. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản là chủ, giai cấp vô sản là tớ. Trong thời kỳ quá độ, giai cấp vô sản sẽ là chủ, giai cấp tư sản sẽ là tớ. Khi thời kỳ quá độ kết thúc, chế độ dân chủ cũng sẽ tiêu vong (vì chế độ độ dân chủ là một hình thức của nhà nước).
4. Quan điểm của C. Mác về quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ
Đặc điểm của quan hệ sản xuất phụ thuộc trước hết vào chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu trong xã hội tư bản chủ nghĩa là chế độ tư hữu (cụ thể hơn là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa). Chế độ sở hữu trong xã hội cộng sản chủ nghĩa là chế độ công hữu. Chế độ sở hữu trong thời kỳ quá độ là sự quá độ từ chế độ tư hữu sang chế độ công hữu, tức không còn hoàn toàn là chế độ tư hữu nhưng cũng chưa hoàn toàn là chế độ công hữu.
Trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu, mức độ tư hữu ngày càng nhiều hơn. Mức độ tư hữu của xã hội tư bản chủ nghĩa cao hơn mức độ tư hữu của các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ, giai cấp vô sản sẽ nắm được quyền thống trị về chính trị, tức là sẽ cướp được chính quyền nhà nước từ trong tay giai cấp tư sản, sau đó giai cấp vô sản sẽ tiến hành quốc hữu hóa tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản. Trong quá trình này, mức độ tư hữu sẽ ngày càng ít đi, mức độ công hữu sẽ ngày càng nhiều hơn, tỷ trọng của tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của giai cấp tư sản trong tổng số tư liệu sản xuất của xã hội sẽ ngày càng ít hơn, tỷ trọng tương ứng của tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của toàn dân sẽ ngày càng nhiều hơn. Thời kỳ quá độ sẽ kết thúc khi chế độ tư hữu hoàn toàn mất đi, chế độ công hữu hoàn toàn hình thành.
Trong thời kỳ quá độ, do vẫn còn chế độ tư hữu nên vẫn còn tình trạng giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản. Tuy nhiên, mức độ bóc lột của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản ở thời kỳ này sẽ ít hơn so với thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Sự bóc lột của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản sẽ chấm dứt khi kết thúc thời kỳ quá độ, xã hội cộng sản chủ nghĩa hình thành.
Trong thời kỳ quá độ, do vẫn còn chế độ tư hữu nên vẫn còn kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tính chất thị trường của nền kinh tế sẽ dần dần ít đi. Khi kết thúc thời kỳ quá độ thì kinh tế thị trường sẽ tiêu vong.
Trong thời kỳ quá độ, sự phân phối sẽ không hoàn toàn theo lao động. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản tuy không lao động nhưng vẫn được hưởng một phần giá trị sản phẩm do giai cấp vô sản làm ra. Công thức phân phối này là (C + V + M), trong đó, phần giá trị mà giai cấp tư sản đầu tư là C; phần giá trị mà giai cấp vô sản làm ra là (V + M), phần giá trị mà giai cấp tư sản được hưởng là M, phần giá trị mà giai cấp vô sản được hưởng là V. Giai cấp tư sản không phải bỏ sức lao động nhưng vẫn được hưởng một phần giá trị của sản phẩm làm ra. Khi kết thúc thời kỳ quá độ thì mới có sự phân phối hoàn toàn theo lao động vì lúc đó mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc sở hữu tư liệu sản xuất, ai làm nhiều sẽ được hưởng nhiều, ai làm ít sẽ được hưởng ít, ai không làm sẽ không được hưởng. Những người thuộc diện chính sách xã hội (già cả, ốm đau, bị thiệt hai do thiên tai và tai nạn,...) tuy không làm những vẫn được hưởng từ nguồn quỹ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Trong thời kỳ quá độ, sự phân phối sẽ vẫn theo công thức này, nhưng mức độ hưởng lợi của giai cấp tư sản sẽ ít hơn, mức độ hưởng lợi của giai cấp vô sản sẽ nhiều hơn.
5. Quan điểm của C. Mác về thời điểm bắt đầu thời kỳ quá độ
Thời điểm bắt đầu của thời kỳ quá độ là thời điểm mà cách mạng vô sản thành công, giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị về chính trị, nhà nước tư sản bị thay thế bằng nhà nước vô sản. Nhưng vấn đề phức tạp là ở chỗ, bao lâu nữa tính từ lúc C. Mác viết tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gotha” thời kỳ quá độ sẽ xuất hiện. Trong các tác phẩm của Mác không có câu nào dự đoán về thời điểm mà thời kỳ quá độ sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta có thể phán đoán rằng, theo Mác, thời kỳ quá độ sẽ xuất hiện trong tương lai gần (sau vài chục năm nữa, hoặc muộn nhất sau hai trăm năm nữa). Vì nếu cho rằng Mác dự đoán thời kỳ quá độ chỉ xuất hiện trong tương lai xa (sau hơn hai trăm năm nữa), thì có nghĩa là cho rằng, mục tiêu của phong trào cộng sản thế giới là mục tiêu của tương lai quá xa, phong trào cộng sản thiếu tính thực tế. Lúc C. Mác viết tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gotha” năm 1875, đã có sự kiện Công xã Pari năm 1871. Công xã Pari có một số đặc điểm của thời kỳ quá độ(3). Với sự kiện đó chúng ta có thể cho rằng, Mác dự đoán thời kỳ quá độ sẽ xuất hiện trong tương lai gần, chứ không phải chỉ xuất hiện sau hơn hai trăm năm nữa.
6. Quan điểm của C. Mác về các nước đầu tiên bước vào thời kỳ quá độ
Trên thế giới vào thời của C. Mác có nhiều nước với nhiều trình độ phát triển khác nhau, một số nước là tiền tư bản chủ nghĩa, một số nước là tư bản chủ nghĩa, một số nước là tư bản chủ nghĩa ở trình độ cao, một số nước là tư bản chủ nghĩa ở trình độ thấp. Vậy, các nước đầu tiên sẽ bước vào thời kỳ quá độ là nước tiền tư bản chủ nghĩa, hay là nước tư bản chủ nghĩa, là nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ cao hay là nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ thấp?
Về vấn đề trên, trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, Ph. Ăngghen viết:“Câu hỏi thứ 19: Cuộc cách mạng đó có thể xảy ra trong riêng một nước nào đó không?”, “Trả lời: Không. Đại công nghiệp do đã tạo nên thị trường thế giới nên đã nối liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, khiến cho mỗi một dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác. Sau nữa, đại công nghiệp đã san bằng sự phát triển xã hội ở trong tất cả các nước văn minh, khiến cho ở khắp nơi, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở thành hai giai cấp có tác dụng quyết định trong xã hội và cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu của thời đại chúng ta. Vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Trong mỗi một nước đó, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển nhanh hay chậm, là tùy ở chỗ nước nào trong những nước đó có công nghiệp phát triển hơn, tích lũy được nhiều của cải hơn và có nhiều lực lượng sản xuất hơn. Cho nên ở Đức, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ thực hiện chậm hơn và khó khăn hơn, còn ở Anh thì nhanh hơn và dễ dàng hơn. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác trên thế giới, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn và thúc đẩy cực kỳ nhanh chóng tiến trình phát triển trước kia của các nước đó. Nó là một cuộc cách mạng có tính chất toàn thế giới và vì vậy nó sẽ có một vũ đài toàn thế giới”(4). Quan điểm này của Ăngghen cũng là quan điểm của Mác.
Vào thời của C. Mác, thì Anh, Pháp, Đức, Mỹ là những nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ cao nhất. Trong quan niệm của C. Mác, các nước đầu tiên sẽ bước vào thời kỳ quá độ là nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ cao nhất, chứ không phải là nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ thấp, càng không phải là nước tiền tư bản chủ nghĩa; những nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ sẽ là những nước đầu tiên bước vào thời kỳ quá độ (cũng tức sẽ là những nước đầu tiên diễn ra cách mạng vô sản). Sự phát triển của xã hội loài người như là quá trình lịch sử - tự nhiên. Chế độ tư hữu nếu chưa phát triển hết khả năng của nó thì sẽ vẫn tiếp tục phát triển; nếu đã phát triển hết khả năng của nó thì sẽ bị phủ định bởi chế độ công hữu. Nước tiền tư bản chủ nghĩa sẽ phát triển thành nước tiền tư bản chủ nghĩa; nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ thấp sẽ phát triển thành nước tư bản chủ nghĩa ở trình độ cao và cao nhất, tức là cao đến mức không thể cao hơn. Lúc đó mới có sự chuyển hóa về chất từ chế độ tư hữu sang chế độ công hữu, cũng tức là mới có sự chuyển hóa từ xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội cộng sản chủ nghĩa.
7. Quan điểm của C. Mác về độ dài của thời kỳ quá độ
Độ dài của thời kỳ quá độ bắt đầu khi giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị về chính trị cho đến khi nhà nước tiêu vong, tức là khi xã hội tư bản chủ nghĩa mất đi và xã hội cộng sản chủ nghĩa hình thành. Vậy, độ dài của thời kỳ quá độ theo dự đoán của Mác là bao nhiêu năm? Trong các tác phẩm của Mác không có câu nào dự đoán về độ dài của thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phán đoán rằng, theo Mác, thời kỳ quá độ không thể dài như một hình thái kinh tế - xã hội, chẳng hạn, độ dài đó không thể là hàng trăm năm. Vì sao? Vì thời kỳ quá độ không phải là một hình thái kinh tế - xã hội, vì thế, độ dài của thời kỳ quá độ thường ngắn hơn độ dài của một hình thái kinh tế - xã hội. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là ở chỗ, thời kỳ quá độ là thời kỳ chuyển hóa về chất, chứ không còn là thời kỳ chuyển hóa về lượng, chuyển hóa về chất là nhảy vọt chứ không phải dần dần. Lý do thứ ba là, khi đã nắm chính quyền, giai cấp vô sản sẽ tiến hành ngay quốc hữu hóa (bằng cách ban hành pháp luật tịch thu tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản và biến thành tài sản của toàn dân, tiếp theo là trấn áp giai cấp tư sản chống đối pháp luật); để hoàn thành việc quốc hữu hóa thì chỉ cần vài chục năm hoặc vài năm, chứ không cần đến hàng trăm năm. Quốc hữu hóa là sự chuyển đổi về chủ sở hữu. Tính phức tạp của việc quốc hữu hóa là do sự chống đối của giai cấp tư sản bị tước đoạt tài sản. Nếu không có sự chống đối của giai cấp tư sản thì giai cấp vô sản cũng chỉ cần mất vài tháng để hoàn thành quốc hữu hóa. Do có sự chống đối của giai cấp tư sản nên thời gian quốc hữu hóa sẽ kéo dài hơn, tuy nhiên thời gian đó cũng sẽ không kéo dài đến hàng trăm năm; nói cách khác, thời kỳ quá độ sẽ không kéo dài đến hàng trăm năm.
8. Kết luận
Trên đây là một cách chú giải đối với quan điểm của C. Mác về một số khía cạnh của thời kỳ quá độ. Ở bài viết này, người chú giải đứng từ thời điểm của C. Mác, chứ không đứng từ thời điểm hiện nay; không đánh giá xem quan điểm của C. Mác về thời kỳ quá độ đã trở thành hiện thực hay chưa; cũng không so sánh quan điểm của C. Mác về thời kỳ quá độ với quan điểm của những người khác (như quan điểm của V.I. Lênin, quan điểm của J. Stalin, quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam…) về thời kỳ quá độ. Mỗi người đều có thể có một quan điểm riêng về thời kỳ quá độ, quan điểm đó có thể là phù hợp hoặc không phù hợp, phù hợp hoàn toàn hoặc không phù hợp hoàn toàn với quan điểm của C. Mác. Tuy nhiên, khi đưa ra quan điểm riêng, chúng ta cần tìm hiểu quan điểm của C. Mác, vì ông là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thời kỳ quá độ” để chỉ thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa.
_____________________________
(1) Trên báo Thanh niên điện tử có đăng ý kiến của báo cáo viên Phùng Hữu Phú (tại Hội nghị báo cáo viên sáng ngày 10 tháng 6 năm 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ở Hà Nội) nói về thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa như sau: “Vấn đề lâu nay rất vướng và cũng chưa làm được. Đó là lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào? Trước đây ta dùng khái niệm “bước đi bước đầu”, “chặng đường đầu”, “giai đoạn đầu”. Có lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ” (Xem: https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-chang-duong-can-tiep-tuc-lam-ro-1235976.html, Truy cập ngày 11.6.2020). Ý kiến này cho thấy rằng, vấn đề thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa vẫn đang là vấn đề thời sự và được quan tâm bởi các nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen (1983), Tuyển tập, Nxb Sự thật, H., T.4, tr.491.
(3) Ví dụ, trong số 85 đại biểu của Hội đồng Công xã được bầu cử ngày 26 tháng 3 năm 1871, có 25 công nhân, 15 đại biểu thuộc tầng lớp tư sản trúng cử nhưng sớm từ chức sau đó; phần còn lại gồm các bác sĩ, giáo viên, công chức; gần 30 đại biểu là hội viên của Quốc tế thứ nhất Quốc tế thứ nhất và cũng có cả những người ngoại kiều gốc Nga, Ba Lan, Hungary.
(Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_x%C3%A3_Paris), truy cập ngày 10.6.2020).
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H., T.4, tr.472.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam ngày 25.6.2020
Bài liên quan
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
- Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
- Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
- Lịch sử hình thành khái niệm văn hóa đại chúng ở phương Tây
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Một trật tự toàn cầu mới đang được định hình, điều đó cũng đồng nghĩa với một sự đòi hỏi về cách tiếp cận an ninh mới do những luật chơi mới định hình. Chiến tranh lai cùng với tiến trình chuyển đổi số đang đặt ra một sự tác động đồng thời, thay đổi bản chất sức mạnh của mỗi quốc gia. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tư duy mới về an ninh, tư duy phức hợp, để có thể đồng lúc nhìn thấy từ nhiều chiều kích khác nhau, những tác động an ninh trong một tương quan tổng thể. Thay vì tập trung vào các danh mục của các mối đe dọa, ngăn chặn và phòng ngừa, vấn đề an ninh quốc gia hiện nay được chuyển hướng vào một mục tiêu duy nhất đó là an ninh quốc gia tổng thể, việc ngăn chặn và phòng ngừa cũng phải chuyển hướng sang thích ứng và phản ứng linh hoạt hiệu quả trước mọi tình huống, bằng mọi biện pháp và từ mọi điểm tiếp cận. Các trọng tâm chiến lược cho an ninh quốc gia cũng chuyển từ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc ưu tiên, sang việc dịch chuyển liên tục các mục tiêu theo hướng tấn công vào bất kỳ điểm tiếp cận nào có thể làm suy yếu theo hiệu ứng mạng lưới một cách nhanh nhất sức mạnh quốc gia. Những thách thức mới này, do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận phức hợp về an ninh và hình thành nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới - trong đó an ninh truyền thống và các vấn đề phi truyền thống hòa nhập thành một tổng thể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
(LLCT&TT) Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp qui luật.
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.
Bình luận