Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Dẫn nhập
Thế giới đang bước những bước đi đầu tiên trong việc tiến tới một trật tự toàn cầu mới, điều sẽ định hình lại toàn bộ luật chơi toàn cầu đã được thiết lập trong hơn bảy thập kỷ qua. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới cho nền an ninh quốc gia, trong cách tiếp cận về an ninh và những hình thái mới của chiến tranh. Do giới hạn dung lượng, tác giả trình bày bài viết này như một sự gợi mở về những ý tưởng mới về an ninh, và gọi nó là an ninh phi truyền thống - tức một cách tiếp an ninh mới khác với truyền thống, và khác cả với khái niệm an ninh phi truyền thống đang được hiểu - theo cách tiếp cận phức hợp và đặt trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số đang tác động một cách sâu sắc đến quốc gia và toàn cầu. Những kiến giải, dẫn chứng, do vậy, sẽ được trình bày một cách hết sức ngắn gọn, cô đọng.
Những sự kiện trong hai thập kỷ qua đã thúc đẩy chúng ta đến một cái nhìn mới về an ninh.
- Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và những hệ quả của nó cho đến ngày hôm nay, và thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
- Sự hình thành của các dịch bệnh toàn cầu, đặc biệt là SARS và đỉnh điểm là dịch Covid- 19 đã làm thay đổi cục diện toàn cầu về nhiều mặt và vẫn chưa thể đoán định trước tương lai đối với đại dịch.
- Các cuộc cách mạng màu của Mùa Xuân Arab được kích hoạt bởi các mạng xã hội đến nay vẫn để lại những sự hỗn loạn và tiềm ẩn những nguy cơ chưa thể định hình và kiểm soát được.
- Cuộc đối đầu Đông - Tây giữa Nga và các nước phương Tây với Ukraine là điểm bùng phát từ 2004 đến nay đã trở thành một cuộc chiến quân sự với những cách thức chiến tranh hết sức mới - chiến tranh lai (hybrid war) và khởi đầu cho một sự tái định hình trật tự toàn cầu mới.
- Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ và bắt đầu đi vào khốc liệt với cuộc thương chiến Mỹ - Trung, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang tái định hình khái niệm toàn cầu hóa, tái định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu và sức mạnh quốc gia.
- Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11.09.2001 đã chuyển hóa thành một hình thái mới trong đó “ai là khủng bố?” và “ai khủng bố ai” đang trở thành một câu hỏi không thể trả lời.
- Sự đan xen của các liên minh, liên kết toàn cầu, vừa xung đột, vừa đan xen lợi ích đã tạo nên những hình thái mới trong các chiến lược an ninh quốc gia (Aukus, Brics, Quad,...).
Đâu là những điểm chung của các sự kiện này? Nó sẽ thay đổi cách ta tư duy như thế nào? Thay đổi cách ta hành động ra sao? Thay đổi những mục tiêu cần đạt được để đảm bảo an ninh như thế nào? Chuyển đổi các trọng tâm chiến lược trong an ninh ra sao? Và cuối cùng, định hình nên những chiến lược an ninh quốc gia mới theo hướng nào?
Kỳ 1: Chiến tranh lai và đòi hỏi về một cách tiếp cận phức hợp cho an ninh quốc gia
1. Điều gì đang diễn ra?
Sự phát triển của thế giới trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 được đặt nền tảng trên cơ sở vận động và phát triển mạnh của công cuộc toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới một cách mạnh mẽ, tạo nên những chuỗi giá trị gia tăng, chuỗi cung ứng và hệ thống thương mại trao đổi gắn kết toàn cầu sâu sắc.
Trong cái thế giới đó, tồn tại song hành cả hai mặt thuận lợi và cản trở. Khi thế giới bị chi phối bởi một siêu cường chính, trật tự đó là phù hợp, nhưng nếu có sự xuất hiện của những siêu cường mới, trật tự đó trở nên lạc hậu và cần phải có một sự sắp xếp mới. Bởi không thể tự dưng phát triển ngoài những trật tự hiện hữu, những siêu cường tiềm năng sẽ luôn bị chi phối và buộc phải tìm mọi cách để vượt ra khỏi những sự kìm hãm của trật tự hiện tại chi phối bởi chủ thể thống trị trật tự đó. Tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới là tình trạng phổ biến, một tồn tại tất yếu cho sự sinh tồn, bởi sự xuất hiện bất kỳ một đối thủ mới thực sự nào cũng đồng nghĩa với miếng bánh phải bị chia sẻ và thậm chí, sự tồn vong của chính mình cũng bị đe dọa.
Các trận chiến luôn là công cụ để giải quyết những dàn xếp mới về trật tự toàn cầu. Và cùng với sự phát triển của xã hội loài người, chiến tranh đã được nâng cấp lên những hình thái mới - các thế hệ chiến tranh bậc cao hơn. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã đi cùng với những sự phát triển đến mức độ cao nhất của Chiến tranh thế hệ 5. Hôm nay, trong bối cảnh vô cùng phức tạp của thế giới, chúng ta đang được chứng kiến những mầm non của Chiến tranh thế hệ 6 - Chiến tranh đa diện, đa hình thái hay Cuộc chiến tranh Bản vị - Chiến tranh lai (hybrid warfare).
Nếu như Chiến tranh thế hệ 5 vẫn nhắm đến các đối tượng chủ yếu là các thể chế ở tầm quốc gia trở lên, thì Chiến tranh thế hệ 6 đã chuyển sang những mục tiêu cụ thể hơn: đó là các tập đoàn xuyên quốc gia/đa quốc gia; các doanh nghiệp địa phương; và cá nhân mỗi con người tại từng quốc gia. Nếu Chiến tranh thế hệ 5 lấy quyền ảnh hưởng và kiểm soát làm trọng tâm, thì sang Chiến tranh thế hệ 6 quyền điều khiển và quyền sinh tồn trở thành mục tiêu trọng tâm. Trong đó, con người trở thành trung tâm của “cuộc chiến” với 3 trọng tâm: Kiểm soát an ninh con người; Điều khiển các giao thức và tương tác giữa con người với nhau; và Nắm quyền sinh tồn của con người thông qua bản vị.
Với những nền tảng chính mà công cuộc toàn cầu hóa đã tạo dựng được: chuỗi giá trị gia tăng; Chuỗi cung ứng; và Hệ thống thương mại trao đổi gắn kết toàn cầu sâu sắc; các cường quốc đã lấy đó làm trọng tâm để cạnh tranh chiến lược.
Bởi toàn cầu hóa, không một quốc gia nào, không một doanh nghiệp nào còn có thể làm chủ được hoàn toàn chuỗi giá trị gia tăng của mình nữa, mà luôn chịu sự ảnh hưởng lẫn nhau, ai làm chủ và chi phối được những nền tảng của các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, kẻ đó sẽ làm chủ quyền Kiểm soát an ninh con người.
Công nghệ ngày càng phát triển và sự phụ thuộc lẫn nhau về công nghệ được gia tăng bởi quyền Sở hữu trí tuệ và các cam kết quốc tế về đầu tư và Thương mại toàn cầu đã dẫn đến sự phụ thuộc nhau về khả năng công nghệ/bí quyết/và những hình thức tương tự trong việc sản xuất/tạo ra các sản phẩm - dịch vụ. Chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nên cấu trúc của nền kinh tế thế giới, sức mạnh của mỗi quốc gia và cũng đưa đến cho các cường quốc một cơ hội trong việc ai làm chủ được những hạt nhân của các chuỗi cung ứng sẽ có tiếng nói quyết định trong cách thức trật tự thế giới được vận hành, hay nắm quyền Điều khiển các giao thức và tương tác giữa con người với nhau.
Và cuối cùng, bởi con người là một sinh vật xã hội, giao dịch với nhau bởi những thỏa thuận dựa trên các biểu tượng mang tính niềm tin - bản vị. Do vậy, ai định hình nên được cách thức và có thể tạo lập nên các bản vị, kẻ đó sẽ nắm quyền sinh tồn của con người thông qua bản vị mà mình tạo lập nên.
Các cường quốc, khi tiến đến một trật tự mới, được định hình bởi Chiến tranh thế hệ 6 - Cuộc chiến Bản vị/Chiến tranh lai, sẽ bắt buộc phải tiến vào một cuộc chơi không còn kẻ độc nhất, mà là một sự hài hòa giữa 3 cực toàn cầu và các vệ tinh khu vực. Trong đó mỗi cực sẽ phải định hình cho mình những nền tảng bản vị riêng để duy trì vị thế và cạnh tranh với nhau trong việc thu hút, kéo các vệ tinh gần mình nhất có thể và tăng cường độ và mật độ tương tác, đồng thời với việc duy trì sự ổn định của vị thế hài hòa giữa 3 cực.
2. Sự hình thành và phát triển của khái niệm chiến tranh lai (hybrid warfare)
Brin Najžer (2020) đã đưa ra một khái niệm về chiến tranh lai: “Chiến tranh lai là một hình thái mới của xung đột cường độ thấp trải dài trên một phổ các năng lực. Nó là một sự hợp nhất có chủ ý và không rõ ràng giữa chiến tranh truyền thống và phi truyền thống được tiến hành bởi một cơ quan quyền lực duy nhất và được định hướng bởi một tác nhân là nhà nước hay tương tự nhà nước. Mục đích của chiến tranh lai là đạt được các mục tiêu chính trị mà điều đó sẽ không thể đạt được hoặc sẽ phải chịu chi phí quá cao, thông qua việc sử dụng những hình thái đơn lẻ. Sự pha trộn giữa truyền thống và phi truyền thống cho phép tác nhân có thể khai thác điểm yếu chiến lược hoặc học thuyết của đối phương trong khi vẫn duy trì được khả năng từ chối và sự bất ngờ chiến lược”.
Sự hình thành này bắt nguồn từ nguồn gốc khái niệm chiến tranh lai được cho là từ William J. Nemeth (2002) trong tác phẩm “Future war and Chechnya: a case for hybrid warfare” (tạm dịch: Tương lai của chiến tranh và Chechnya: một trường hợp về chiến tranh lai), trong đó, Nemeth cho rằng chiến tranh lai sẽ là hình thái thống trị các cuộc chiến của tương lai.
Từ thực tiễn cuộc chiến Chechnya, Nemeth thấy chiến tranh lai như một hình thức chiến tranh được thực hiện bởi các xã hội lai (hybrid societies) - xã hội được phát triển tách rời nhà nước hiện đại. Theo Nemeth, chiến tranh lai là sự phát triển của chiến tranh du kích kết hợp với sự tham gia của công nghệ hiện đại và các phương pháp huy động hiện đại. Lực lượng quân sự lai (hybrid military forces) được hình thành bao gồm nền tảng của Chiến tranh thế hệ thứ 4, Chiến tranh mới và chủ nghĩa khủng bố, và chiến tranh tiền lương (wage warfare) được dựa trên ý tưởng rằng với cách như vậy, sẽ tạo ra lợi thế vượt hơn các lực lượng của phương Tây vốn chiến đấu dựa trên lợi thế công nghệ.
Frank G. Hoffman (2007) dựa trên tác phẩm của Nemeth và các sự kiện trong cuộc chiến Israel-Lebanon lần thứ hai năm 2006, đã đưa ra một định nghĩa về chiến tranh lai nổi tiếng: “Chiến tranh lai kết hợp một loạt các phương thức chiến tranh, bao gồm các năng lực thông thường, các chiến thuật và hình thái bất quy tắc, hành động khủng bố, bao gồm bạo lực và cưỡng bức bừa bãi, và rối loạn tội phạm (criminal disorder)”. Định nghĩa này toàn diện hơn của Nemeth. Những bài học mới từ Hezbollah, tiếp tục từ xung đột Chechnya, và sự thay đổi của các lý thuyết và học thuyết được khai mở bởi các nhà phân tích Hoa Kỳ từ các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, Hoffman đã chỉ ra chiến tranh lai có thể thực hiện được bởi cả nhà nước và tổ chức phi nhà nước. Tuy nhiên, điều hạn chế ở cả Nemeth và Hoffman là vẫn chưa cắt nghĩa rõ ràng được tính chất lai (hybrid) của chiến tranh.
Bộ Chỉ huy Liên quân Mỹ (GAO - 2010) định nghĩa chiến tranh lai như “xung đột được thực hiện bởi cả chủ thể nhà nước/phi nhà nước đe dọa sử dụng đa hình thức chiến tranh từ bao gồm các năng lực truyền thống, các chiến thuật bất quy tắc và các rối loạn tội phạm”
Nhóm công tác quân sự Nato (Nato Military Working Group) (GAO - 2010) đã đưa ra một định nghĩa về cái thiết định nên một mối đe dọa lai (hybrid threat) và được NATO thừa nhận chính thức: “Một mối đe dọa lai được định nghĩa như “mối đe dọa do bất kỳ đối thủ hiện tại hoặc tiềm tàng nào gây ra, bao gồm cả nhà nước, phi nhà nước và những kẻ khủng bố, với khả năng, cho dù được chứng minh hay có khả năng sử dụng đồng thời các phương tiện truyền thống hay phi truyền thống một cách tùy biến, để theo đuổi các mục tiêu của mình”.
Arsalan Bilal (2021) đã đưa ra nhận định rằng: “Người ta có thể lập luận rằng bản chất của an ninh quốc tế và xung đột vẫn như cũ. Các quốc gia - như mọi khi - bị lôi kéo vào các cuộc cạnh tranh kinh tế và quân sự có tổng bằng 0, xung đột vũ trang dường như vẫn không thể tránh khỏi, các tình thế an ninh lưỡng nan và cân bằng an ninh diễn ra liên tục. Tuy nhiên, cách thức hoạt động không còn như trước. Xung đột được đấu tranh theo những cách mới, sáng tạo và hoàn toàn khác biệt. Với sự ra đời của chiến tranh lai hiện đại, chúng ngày càng ít hơn về lực sát thương và động năng. Điều quan trọng ở đây là khái niệm chiến tranh lai có thể không hoàn toàn mới. Nhiều nhà thực tiễn cho rằng nó cũng lâu đời như chiến tranh. Tuy nhiên, nó đã trở nên phổ biến và có liên quan đáng kể trong những năm gần đây khi các quốc gia sử dụng các chủ thể phi nhà nước và công nghệ thông tin để khuất phục các đối thủ của họ trong hoặc - quan trọng hơn - trong trường hợp không có xung đột vũ trang trực tiếp”.
Những trích dẫn về các nghiên cứu, khái niệm, định nghĩa về chiến tranh lai có thể tiếp tục và chi tiết hơn rất nhiều, tuy nhiên, trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ đưa ra một số trích dẫn có tính phổ biến và mang tính dẫn đạo cho chủ đề đang bàn luận. Chúng ta có thể chỉ ra những vùng giao thoa trong nội hàm của các khái niệm, định nghĩa về chiến tranh lai đã dẫn chứng trên là:
- Sự kết hợp giữa các năng lực, yếu tố, phương tiện truyền thống và phi truyền thống;
- Các tác nhân chủ đạo có thể là nhà nước, phi nhà nước;
- Tính bất quy tắc trở thành một đặc trưng;
- Điều quan trọng là đạt được mục tiêu chứ không phải là đạt mục tiêu bằng cách nào;
- Tính chất chiến tranh chuyển từ tổng lực sang các biện pháp phối hợp đa hình thái, đa năng lực cho phép tổ chức chiến tranh với cường độ thấp nhưng vẫn đạt lợi thế;
- Cần có một chiến lược mới để thích ứng;
3. Những bài học từ xung đột Nga - Ukraine về chiến tranh lai và gợi ý về một cách tiếp cận phức hợp
András Rácz (2015) trong nghiên cứu của mình, đã mô tả lại tình thế sau sự kiện Nga chiếm Crimea năm 2014 và đặt ra một bối cảnh mới cho việc tiếp cận một trạng thái xung đột/chiến tranh: “Cuộc chiến khó nắm bắt, gián tiếp và hiệu quả cao được tiến hành bởi các lực lượng Nga đã khiến không chỉ Ukraine mà cả thế giới bất ngờ, các chuyên gia và nhà báo đang phải tìm kiếm cách thức để mô tả hiện tượng đột ngột xuất hiện, chưa từng có này”.
Tạp chí quân sự và quốc phòng hàng đầu Jane’s cũng chưa thể đưa ra một cái tên cụ thể để gọi tên “cách tiếp cận mới lạ” với chiến tranh này. Chuyên gia người Latvia Jānis Bērziņš là người đầu tiên trong nghiên cứu năm 2014 của mình phân tích về cuộc chiến tranh mới của Nga tiến hành ở Crimea. Peter Pomerantsev dùng cách gọi “chiến tranh phi tuyến tính” (non-linear war) trong bài viết trên Foreign Policy tháng 5.2014 để đề cập đến vấn đề đã được trích dẫn trong tác phẩm của Vladislav Surkov.
Thuật ngữ “chiến tranh phi tuyến tính” cũng đã được Mark Galeotti, một chuyên gia hàng đầu về cấu trúc an ninh Nga sử dụng trong tiểu luận được xuất bản của mình vào tháng 7.2014, dựa trên logic chiến tranh được đưa ra bởi Gerasimov. Trong khi đó, The International Herald Tribune cũng đã nói về một “cuộc chiến gián tiếp” phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của truyền thông, lực lượng đặc nhiệm và lực lượng ủy nhiệm địa phương. Nhà khoa học và là cựu cố vấn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, Andrei Illarionov cũng đã đề cập đến thuật ngữ này vào tháng 6.2014, chỉ ra tầm quan trọng của chiến tranh thông tin trong phương thức chiến tranh mới này.
Chỉ một đoạn tóm tắt ngắn tình hình sau sự kiện Crimea cũng đã có thể chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, có một vấn đề rất lớn trong việc chọn lựa phương thức tiếp cận một vấn đề an ninh trong bối cảnh mới. Những phương thức truyền thống đã gây nên sự lúng túng lớn cho các chuyên gia và nhà chiến lược trong việc nhận diện và để gọi tên được một sự kiện như Crimea năm 2014.
Không chỉ dừng lại đó, cuộc xung đột vũ trang, được gọi là Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu vào ngày 24.02.2022 tại Ukraine đã lại đặt thêm một mức độ phức tạp mới cho vấn đề an ninh khi cuộc chiến này đạt đến mức độ phức tạp vô cùng lớn để nhận diện nó thực sự là cuộc chiến tranh như thế nào, phạm vi và những giới hạn đường biên của nó, cách thức tiến hành và mức độ ảnh hưởng, cũng như những phương thức chiến lược và chiến thuật được áp dụng. Để thấy rõ điều này, xin tóm tắt lại những nội dung chính:
Thứ nhất, trước đây, mọi người thường tin rằng tất cả các nền tảng (platform) công cộng là trung lập và sẽ không bị gián đoạn cho dù có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, một số nền tảng được gọi là nền tảng công cộng đã ngay lập tức tuyên bố tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Một số lượng lớn các nhà khai thác dịch vụ Internet nước ngoài do Hoa Kỳ đứng đầu đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và thực hiện một "hành động ngắt kết nối" chống lại Nga. Sau đó là việc loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống Swift do Hoa Kỳ kiểm soát, khiến các ngân hàng lớn của Nga không thể thực hiện các giao dịch và thanh toán toàn cầu. Cả hệ thống thư mục gốc của mạng và hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ đều được gọi là nền tảng công cộng do Hoa Kỳ kiểm soát. Một khi chiến tranh nổ ra, tất cả sẽ trở thành vũ khí chiến tranh, thậm chí trở thành nhân tố mấu chốt quyết định thắng bại. Độ phụ thuộc vào các hệ thống này càng lớn thì mức độ thiệt hại càng sâu.
Thứ hai, một số tuyên truyền trước đây đã nói rằng các vệ tinh trong không gian là an toàn và sẽ không bị tấn công và chiến tranh không gian sẽ không nổ ra. Tuy nhiên, ngay sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, một nhóm hacker bí ẩn (rõ ràng là hành vi quân đội mạng của một số tổ chức chính phủ) đã tấn công vào trung tâm điều khiển vũ trụ của Nga, và tuyên bố đã đóng cửa trung tâm vũ trụ của Nga và thành công làm cho toàn bộ vệ tinh Nga mất kiểm soát. Trung tâm kiểm soát không gian của Nga cho biết nó thực sự đã bị tấn công, nhưng hệ thống an ninh đã tự động che khuất cuộc tấn công và đẩy lùi nó. Điều này cho thấy rằng chiến tranh đã mở rộng ra ngoài không gian? Các trận chiến không gian vẫn luôn đang được tiến hành?
Thứ ba, mọi người thường tin rằng, ngân hàng ở các nước phương Tây an toàn hơn ngân hàng trong nước và các nước phương Tây rất coi trọng quyền bất khả xâm phạm của tài sản tư nhân. Nhưng sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đột nhiên bộc lộ hành vi “cướp đoạt” tất cả tài sản của chính phủ và tư nhân Nga ở nước ngoài, không chỉ tài sản ngân hàng bị đóng băng mà ngay cả du thuyền sang trọng và tư gia của người Nga ở nước ngoài cũng bị tịch thu.
Thứ tư, sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, hầu như tất cả các công ty công nghệ cao của Mỹ và các nhóm phương Tây đều tuyên bố tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, cắt nguồn cung cấp chip và tất cả các sản phẩm công nghệ cao cho Nga. Starlink của Elon Musk cũng tham gia vào lệnh trừng phạt chống lại Nga và ủng hộ Ukraine, Apple cũng tham gia vào các lệnh trừng phạt. Độ sâu và bề rộng của lệnh trừng phạt công nghệ mà phương Tây áp đặt lên Nga nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Lệnh trừng phạt được áp dụng cho bất cứ thứ gì có thể gây khó khăn hoặc triệt hạ Nga, mọi thủ đoạn được áp dụng đến cùng cực. Tuyên bố khoa học không có biên giới cũng chỉ là trò hề.
Thứ năm, nhiều người cho rằng dư luận phương Tây là tự do nhất và tin tức phương Tây là trung thực nhất. Nhưng sau khi chiến tranh Nga-Ukraine xảy ra, toàn bộ dư luận phương Tây biến thành một cỗ máy phát động chiến tranh dư luận với Nga. Các nền tảng Internet lớn ở Hoa Kỳ và châu Âu đã đóng các kênh truyền thông bên ngoài của Nga, họ kiểm soát toàn bộ việc phát tán dư luận, hướng dẫn dư luận theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ và phương Tây, và họ tiếp tục tạo ra các tin tức giả.
Thứ sáu, các biện pháp trừng phạt dường như không có giới hạn, ví dụ như ngành thể thao, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga, thậm chí cả mèo Nga và cây Nga cũng bị xử phạt. Điều này trông có vẻ buồn cười, nhưng thực ra không hề buồn cười. Đó biểu hiện của bá quyền chính trị và văn hóa của phương Tây, cho ta thấy tầm ảnh hưởng và sự kiểm soát của bá quyền phương Tây sâu và rộng đến mức nào. Những lĩnh vực này mới nhìn thì không có liên quan gì đến chính trị nhưng một khi chiến tranh xảy ra thì chúng đều sẽ trở thành vũ khí chiến tranh, đều trở thành công cụ chiến tranh giết người không thấy máu, đây có lẽ là lần đầu tiên chúng ta được cảm nhận sâu sắc như vậy.
Những điểm trên nên cho chúng ta một cảm giác thức tỉnh đột ngột. Bây giờ, chúng ta sẽ thực sự nhận ra rằng, chiến tranh Nga-Ukraine thực sự là một cuộc chiến tranh trên mọi phương diện thực sự do toàn khối phương Tây tiến hành chống lại Nga. Tập đoàn Tây phương không chỉ tài trợ vũ khí và tiền bạc cho Ukraine, mà còn tiến hành chiến tranh toàn diện chống lại Nga.
Có thể nói, an ninh của một quốc gia đã không còn ở trong một vài phạm vi cụ thể nữa, mà đã trở thành một thể toàn diện, trong đó, mỗi thành phần cấu thành nên tổng thể sức mạnh quốc gia, cấu thành nên cấu trúc quốc gia, cấu thành nên hệ thống quốc gia đều trở thành đối tượng của an ninh quốc gia và có một mối liên hệ phức hợp (complex) sâu sắc với nhau.
Từ bài học về cuộc xung đột Nga - Ukraine đã cho chúng ta thấy một bước tiến triển mới rất lớn trong sự phát triển của các hình thái xung đột, chiến tranh và an ninh toàn cầu. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận mới đối với nền an ninh quốc gia, một cách tiếp cận phức hợp, định hình nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới từ sự phát triển của chiến tranh lai./.
_________________________________________________________
TÀI LIỆU THAO KHẢO
1. András Rácz, Russia’s Hybrid War in Ukraine: Breaking the Enemy’s Ability to Resist, The Finnish Institute of International Affairs, Helsinki, 2015
2. Arsalan Bilal (2021), Hybrid Warfare - New Threats, Complexity, and “Trust” as the Antidote, NATO Review 30 Nov.https://www.nato.int/docu/review/articles/2021/11/30/hybrid-warfare-new-threats-complexity-and-trust-as-the-antidote/index.html
3. Brin Najžer, The hybrid age: International security in the era of hybrid warfare, I.B. Tauris, 2020.
4. Government Accountability Office, National Defence: Hybrid Warfare, GAO-10-1036R, Washington, DC: U.S. Government Accountability Office, September 2010
5. Hoffman, G.F, Conflict in the 21st century: The rise of hybrd wars, Potomac Institute for Policy Studies, 2007.
6. Nemeth, W. J., Future War and Chechnya: A Case for Hybrid Warfare, Monterey, CA: Naval Postgraduate School, 2002.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 2/2023
Bài liên quan
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
- Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
- Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
- Lịch sử hình thành khái niệm văn hóa đại chúng ở phương Tây
- Nhìn lại chặng đường 91 năm xây dựng và trưởng thành ngành Công tác Dân vận của Đảng
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- 3 Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
- 4 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 5 Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- 6 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Một trật tự toàn cầu mới đang được định hình, điều đó cũng đồng nghĩa với một sự đòi hỏi về cách tiếp cận an ninh mới do những luật chơi mới định hình. Chiến tranh lai cùng với tiến trình chuyển đổi số đang đặt ra một sự tác động đồng thời, thay đổi bản chất sức mạnh của mỗi quốc gia. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tư duy mới về an ninh, tư duy phức hợp, để có thể đồng lúc nhìn thấy từ nhiều chiều kích khác nhau, những tác động an ninh trong một tương quan tổng thể. Thay vì tập trung vào các danh mục của các mối đe dọa, ngăn chặn và phòng ngừa, vấn đề an ninh quốc gia hiện nay được chuyển hướng vào một mục tiêu duy nhất đó là an ninh quốc gia tổng thể, việc ngăn chặn và phòng ngừa cũng phải chuyển hướng sang thích ứng và phản ứng linh hoạt hiệu quả trước mọi tình huống, bằng mọi biện pháp và từ mọi điểm tiếp cận. Các trọng tâm chiến lược cho an ninh quốc gia cũng chuyển từ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc ưu tiên, sang việc dịch chuyển liên tục các mục tiêu theo hướng tấn công vào bất kỳ điểm tiếp cận nào có thể làm suy yếu theo hiệu ứng mạng lưới một cách nhanh nhất sức mạnh quốc gia. Những thách thức mới này, do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận phức hợp về an ninh và hình thành nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới - trong đó an ninh truyền thống và các vấn đề phi truyền thống hòa nhập thành một tổng thể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
(LLCT&TT) Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp qui luật.
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.
Bình luận