Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng và một số biện pháp rèn luyện đội ngũ cán bộ kiểm tra
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng. Khẳng định về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, Người chỉ rõ: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(1).
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc và kiểm tra người. Người thường xuyên nhắc nhở Đảng phải chú ý xem xét lại những nghị quyết và những chỉ thị mà mình ban ra đã được thi hành thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đã ban hành sẽ hóa ra những lời nói suông và còn làm hại đến lòng tin của Dân đối với Đảng. Làm tốt công tác kiểm tra chính là góp phần vào hoàn thiện quy trình lãnh đạo của Đảng, từ ra nghị quyết đến tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.
Theo Hồ Chí Minh: “Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”(2).
Công tác kiểm tra giúp cho các cấp, các ngành thấy rõ được ưu điểm, khắc phục được những sai lầm, khuyết điểm ngay từ lúc mới ban hành chỉ thị, nghị quyết. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(3).
Về cách kiểm tra cấp dưới, của những người lãnh đạo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”(4). Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm, giúp họ sửa chữa mà qua kiểm tra còn khơi dậy được tính tích cực, sự ủng hộ to lớn của nhân dân, củng cố tín nhiệm của Đảng trước quần chúng.
Hình thức, phương pháp kiểm tra đúng, rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định hiệu quả của mỗi cuộc kiểm tra là ở người kiểm tra. Vì hình thức, phương pháp kiểm tra mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là ở người sử dụng các phương tiện ấy. Do đó, cần quan tâm đến việc lựa chọn người để đi kiểm tra: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra”(5). Lựa chọn đúng người đi kiểm tra thì kết quả sẽ tốt đẹp, lựa chọn sai người sẽ dẫn đến nhận định sai lầm, thậm chí lệch lạc về đối tượng kiểm tra.
Hồ Chí Minh đề cao hình thức kiểm tra thường xuyên và phương pháp kiểm tra trực tiếp. Người nhắc nhở: “Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”(6).
Thông qua công tác kiểm tra, nếu thấy cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm cần phải kịp thời chấn chỉnh. Cách nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm của Hồ Chí Minh rất độ lượng nhưng cũng rất cụ thể, thiết thực: “Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ bị gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”(7). Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những cơ quan, cán bộ, mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy: “Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(8).
Tình trạng này dẫn đến hậu quả là trên thì quan liêu, dưới thì lạm quyền, tắc trách, vô kỷ luật, nhiều tiêu cực: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(9).
Để khắc phục bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Hồ Chí Minh cần: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi”(10).
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật và thi hành kỷ luật
Công tác kiểm tra cần gắn với kỷ luật đảng vì kỷ luật và thi hành kỷ luật trong Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, bảo đảm cho sự hoạt động bình thường và phát triển của Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng”(11).
Cũng như công tác kiểm tra, kỷ luật thi hành kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu này được quy định bởi quy luật hình thành và phát triển của Đảng. “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(12).
Đảng bao gồm những người ưu tú và tiên tiến, những người hăng hái và được quần chúng tín nhiệm. Tuy vậy, không phải tất cả đảng viên của Đảng đều tốt, đều làm việc hay. Trong Đảng chưa hoàn toàn tránh khỏi một số người làm những việc không chính đáng. Do vậy, duy trì kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm, sai lầm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa biến chất; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Kỷ luật đảng bao gồm kỷ luật trong nội bộ Đảng, kỷ luật của chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể. Người phê phán rất nghiêm khắc một số cán bộ, đảng viên chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể mà đảng viên đó là thành viên: “Sự thực nhiều đảng viên, cán bộ chẳng làm đúng như thế, đã không giữ đúng kỷ luật của chính quyền, cơ quan đoàn thể, nhân dân. Thậm chí có khi phớt cả thủ trưởng, bộ trưởng, đi không xin phép, về không báo cáo, tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm. Các đảng viên, cán bộ đó không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một”(13).
Đối xử với người có sai lầm, khuyết điểm, Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng, sâu sắc. Người quan niệm: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”(14). Người nhắc nhở, giúp đỡ người có sai lầm khuyết điểm là cần thiết nhưng cũng phải rất nghiêm khắc với những phần tử cố ý phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Khi xem xét, đánh giá khuyết điểm của những người có sai lầm, khuyết điểm cần có sự phân biệt rõ ràng vì: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết”(15).
Đối với những người có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”(16). Làm được như vậy, người có sai lầm, khuyết điểm “tâm phục, khẩu phục”, công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng không biến thành công cụ để trừng phạt cán bộ, đảng viên.
Phương châm thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, công khai, dân chủ: “Có thưởng thì phải có phạt, thưởng phạt phải nghiêm minh”(17).
Mọi vi phạm đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng không có “vùng cấm”, không được che đậy, thiên lệch, nể nang. Người nhấn mạnh: “Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”(18).
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra
Cùng với quá trình phát triển của Đảng thì bộ máy tiến hành công tác kiểm tra của Đảng cũng được củng cố, hoàn thiện; đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp cũng không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra rất cụ thể và toàn diện. Người cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ năng lực của một cán bộ Đảng, làm công tác xây dựng Đảng, đồng thời phải có những yêu cầu riêng cả về năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29.7.1964, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(19).
Không chỉ vậy, cán bộ lãnh đạo công tác kiểm tra cần có cả kinh nghiệm và năng lực, biết phát huy trí tuệ của tập thể theo đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: “người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(20). Năng lực đó thể hiện trong việc nắm vững quy luật, có tri thức, hiểu biết thực tế, tác phong làm việc khoa học, đúng đắn và làm việc có kế hoạch. Người khẳng định: “Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”(21).
Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ chú ý hoàn thành nhiệm vụ của mình là đi kiểm tra người khác mà cũng cần quan tâm đến việc khắc phục những khuyết điểm của chính bản thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. “Một số cán bộ thanh tra còn rụt rè, nể nang đối với một số cán bộ cao cấp của các cơ quan được kiểm tra, buông trôi việc theo dõi các cơ quan sửa chữa khuyết điểm sau khi được kiểm tra, cách làm việc còn chậm chạp, không kịp thời giải quyết một số thư khiếu nại của nhân dân, v.v..”(22).
Trong quan niệm về người cán bộ cách mạng nói chung, cán bộ kiểm tra nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến phẩm chất đạo đức, lòng nhân ái: “Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”(24). Do đó, khi lựa chọn và sử dụng cán bộ cần phải tránh dùng người sau: “Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ. Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ. Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông”(25).
Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ kiểm tra là hệ thống những quan điểm toàn diện, gắn đức với tài trong đó đức là gốc, gắn phẩm chất đạo đức cách mạng với năng lực thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật đảng luôn ngời sáng tính nhân văn, nhân bản, thể hiện yêu cầu về văn minh kiểm tra, văn hóa kiểm tra; về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói chung, về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra nói riêng, vừa mang tính định hướng cơ bản, lâu dài, vừa có tính thời sự, tiếp tục dẫn đường cho chúng ta đi tới mục đích đề ra.
Thực hiện tư tưởng đó của Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, ngành kiểm tra đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, toàn ngành đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm của 13.619 tổ chức, 16.214 cấp ủy viên các cấp và 24.727 đảng viên, gần bằng cả nhiệm kỳ của khóa XI... Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người...)(26).
Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
4. Một số biện pháp rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ kiểm tra hiện nay
4.1. Đối với cán bộ kiểm tra
Đội ngũ cán bộ kiểm tra phải nỗ lực học tập, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ và lâu dài trong đấu tranh cách mạng, trong công tác và rèn luyện đạo đức, lối sống. Trong đó, cần chú trọng các biện pháp chủ yếu sau:
Nỗ lực học tập, cầu tiến bộ
Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ kiểm tra phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi người. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của suy thoái. Đội ngũ cán bộ kiểm tra phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu công tác, khả năng và điều kiện thực tế của mình để xác định nội dung và kế hoạch học tập cho phù hợp. Học tập cần đa dạng về biện pháp và hình thức: tập trung, tại chức và tự học; trong đó tự học là quan trọng. Học tập không chỉ thông qua trường lớp, sách vở mà còn phải học trong thực tiễn công tác và cuộc sống hàng ngày, học qua các đồng chí có kinh nghiệm...
Giữ vững và thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt đảng
Đảng không những là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, mà còn là môi trường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt đảng được quy định trong Điều lệ Đảng là yêu cầu bắt buộc nghiêm ngặt đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên. Vì vậy, cán bộ kiểm tra phải thông qua sinh hoạt đảng để thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tham gia quyết định các nhiệm vụ của tổ chức đảng mà mình là thành viên; đồng thời, để tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ, năng lực của bản thân.
Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao năng lực công tác
Mọi hoạt động trong xã hội đều theo quy luật: từ hoạt động thực tiễn đúc kết thành kinh nghiệm, lý luận và từ lý luận, kinh nghiệm lại vận dụng vào thực tiễn để đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn. Lý luận phải liên hệ chặt chẽ với thực tiễn và từ thực tiễn mà bổ sung, phát triển lý luận. Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đang đặt ra nhiều vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, cần được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ kiểm tra phải có ý thức và trách nhiệm thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ, năng lực, cải tiến phương pháp hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển, hoàn chỉnh lý luận về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và công tác xây dựng Đảng.
4.2. Đối với cơ quan, tổ chức đảng
Ngoài việc phải thực hiện đúng và tốt các nội dung về công tác cán bộ kiểm tra của Đảng, các tổ chức đảng cần chú ý một số biện pháp sau:
Tạo điều kiện để cán bộ kiểm tra được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần có chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra; có chính sách, cơ chế để cán bộ đi học nâng cao trình độ; đồng thời phải có chế tài bắt buộc cán bộ tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động hàng ngày để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.
Đổi mới nội dung phương thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm tra
Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Từ năm 2005, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương mở các lớp Cử nhân chính trị chuyên ngành công tác kiểm tra. Tháng 5.2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tái lập Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng, hằng năm mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ kiểm tra theo các ngạch kiểm tra viên, kiểm tra viên chính và kiểm tra cao cấp.
Trước những thách thức mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng phải đối mặt với những vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Do đó, hệ thống bài giảng cần cập nhật thêm một số chuyên đề nhằm theo kịp sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, nhanh chóng đổi mới hệ thống giáo trình đào tạo cử nhân; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; hoàn thiện cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp dạy và học ở các cơ sở đào tạo hiện nay.
Đánh giá đúng và bố trí hợp lý cán bộ
Tổ chức (nhất là thủ trưởng, người lãnh đạo và quản lý) phải đánh giá đúng, khách quan, công tâm, chính xác về từng cán bộ. Điều này sẽ tạo môi trường tốt và sự phấn khởi cho đội ngũ cán bộ kiểm tra tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao và hạn chế, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm. Việc đánh giá đúng còn giúp cho việc đào tạo, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý theo đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ bởi “dụng nhân như dụng mộc”. Đây cũng là biện pháp không chỉ để cán bộ kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có chất lượng, hiệu quả mà còn là cách tốt nhất để cán bộ kiểm tra có mục tiêu phấn đấu, vươn lên tự hoàn thiện mình.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020
(1), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.362, 363-364.
(2), (3), (4), (5), (8), (10), (12), (14), (15), (16), (18), (20), (24), (25) Sđd, t.5, tr.637, 637, 316, 637, 637, 326, 302, 323, 323, 323-324, 308, 737, 314, 314.
(6), (7) Sđd, t.15, tr.20, 280 - 281.
(9) Sđd, t.7, tr.357.
(11) Sđd, t.6, tr.17.
(13) Sđd, t.8, tr.51.
(17) Sđd, t.11, tr.234.
(19), (23) Sđd, t.14, tr.363 - 364.
(21), (22) Sđd, t.13, tr.71, 35.
(24) Sđd, t.11, tr.234.
(26) Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019,http://www.xaydungdang.org.vn.
PGS, TS Lê Văn Cường
Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận