Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Trong xã hội hiện đại, truyền thông đại chúng và dư luận xã hội ngày càng tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội và nhà trường các cấp, nhất là sinh viên đại học. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông cá nhân ngày càng hiện đại hơn; nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok…có độ phát tán nhanh, số lượng lớn để truyền bá, phát tán thông tin theo ý thích, mục đích cá nhân…bất chấp lợi hại, tạo nên dư luận xã hội đa chiều. Do vậy, để tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, các trường đại học cần đặc biệt quan tâm đến quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Để quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên đại học đạt hiệu quả hơn, chủ thể quản lý của các nhà trường cần nhận thức rõ mối quan hệ mật thiết giữa truyền thông đại chúng với dư luận xã hội, nắm vững nội dung và yêu cầu trong quản lý. Khi các chủ thể quản lý các cấp của nhà trường nắm được đối tượng truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin sẽ quản lý hiệu quả tác động của thông tin và dư luận xã hội nhằm ổn định tinh thần, tư tưởng và củng cố niềm tin của sinh viên nhà trường đối với đường lối, chủ trương, chính sách… của Đảng, Nhà nước ta. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, yêu cầu trong quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên sẽ giúp chủ thể quản lý các trường đại học tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học, đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; và khát vọng vươn mình của dân tộc trong tương lai gần.
1. Mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội
Truyền thông đại chúng quan hệ mật thiết với dư luận xã hội, thông qua vai trò của mình đối với công chúng như: cung cấp thông tin, tạo diễn đàn công khai ngôn luận và định hướng dư luận…Mặt khác, dư luận xã hội không thụ động chịu tác động của truyền thông đại chúng; mà nó thông qua nội dung của dư luận và yêu cầu của chủ thể để khơi nguồn tạo ra nội dung truyền thông đại chúng. Thực tế cho thấy, khi dư luận xã hội hình thành thái độ về một vấn đề xã hội nào đó, đương nhiên nó lại trở thành một sự kiện, mà từ đó chủ thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng có thể xây dựng nội dung để truyền tải thông điệp. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: sự tác động của truyền thông đại chúng tới dư luận xã hội thông qua các nội dung sau:
(1) Truyền thông đại chúng là kênh cung cấp thông tin cho chủ thể để tạo dư luận xã hội. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, truyền thông đại chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nó truyền tải kịp thời, đầy đủ thông tin về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; và sự phát triển hết sức mạnh mẽ của truyền thông đại chúng đã, đang và còn sẽ trở thành phương tiện cơ bản, chủ yếu của công chúng trong tiếp cận thông tin của xã hội, hoặc cá nhân trong đó bao gồm cộng đồng sinh viên các trường đại học.
(2) Truyền thông đại chúng tạo ra diễn đàn công khai ngôn luận; nó thực sự là diễn đàn để các cá nhân trao đổi, tranh luận những ý kiến liên quan tới các sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội và học đường; từ đó hình thành các nhóm xã hội, cộng đồng chia sẻ những quan điểm, ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó đang diễn ra trên thế giới, khu vực, đất nước và nhà trường...
(3) Truyền thông đại chúng là phương tiện để định hướng dư luận xã hội. Nó có thể định hướng sự đánh giá các vấn đề xã hội của cộng đồng thông qua hoạt động cung cấp thông tin của mình. Đặc biệt, nó định hướng dư luận xã hội thông qua việc cung cấp thông tin trung thực, khách quan và nghiêm túc; Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có những phương tiện truyền thông đại chúng thông qua việc nhấn mạnh, khuếch đại mặt này mà xem nhẹ, bỏ qua mặt khác; cung cấp không trung thực, thiếu khách quan, cung cấp thông tin một chiều, bóp méo, xuyên tạc. Vì vậy, nếu không quản lý, kiểm soát tốt và kịp thời sẽ tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần công chúng, nhất là giới trẻ và sinh viên đại học.
(4) Dư luận xã hội không thụ động chịu tác động của truyền thông đại chúng, mà tác động trở lại; nó là nguồn cung cấp sự kiện cho truyền thông. Hay nói cách khác, nội dung dư luận xã hội chính là chất liệu, hay nguồn tin của truyền thông. Trước áp lực của dư luận xã hội và đòi hỏi của chủ thể quản lý truyền thông, yêu cầu hoạt động của các cơ quan truyền thông đại chúng phải thay đổi để phù hợp với đòi hỏi của công chúng, của dư luận xã hội…(3), (5) và (6).
Như vậy, nhận thức rõ mối quan hệ mật thiết giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội sẽ giúp chủ thể quản lý truyền thông ở trường đại học, thấy được ảnh hưởng của nó trong cộng đồng sinh viên để có biện pháp quản lý hiệu quả tác động của các thông tin đó, nhằm ổn định tinh thần, tư tưởng, củng cố niềm tin và nuôi dưỡng khát vọng của sinh viên, giúp sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện thành tài, trở thành chủ nhân tương lai trong kỷ nguyên mới của đất nước.
2. Nội dung quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Một là, xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động truyền thông định hướng hiệu quả dư luận xã hội trong cộng đồng sinh viên đại học.
Để xây dựng kế hoạch, tổ chức định hướng hiệu quả dư luận xã hội và các dòng thông tin trong cộng đồng sinh viên các trường đại học, đòi hỏi các chủ thể được giao trách nhiệm quản lý truyền thông trong nhà trường phải chủ động tổ chức lực lượng, nắm bắt, đánh giá tác động của thông tin đến cộng đồng sinh viên nhà trường; từ đó có căn cứ để điều chỉnh, định hướng thông tin chính xác, sát với thực tiễn giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và quá trình đào tạo trong nhà trường.
Hai là, tổ chức tuyên truyền, tương tác để chia sẻ sứ mạng, mục tiêu, nhiệm vụ của nhà trường đến các đối tượng tiếp nhận thông tin. Đây là một quá trình tác động vào dư luận xã hội trong sinh viên, nhằm xác định phương hướng đúng để hướng dẫn, thúc đẩy sự hình thành quan điểm đúng đắn, thái độ tích cực, có tính tư tưởng cao, thống nhất và có tác dụng giáo dục. Qua đó, đối tượng tiếp nhận thông tin (sinh viên) trong nhà trường nhận thức đúng đặc điểm, ý nghĩa, bản chất của sự kiện, hiện tượng xã hội; nắm rõ các chương trình, mục tiêu, kế hoạch, các chủ trương mà lãnh đạo, quản lý nhà trường ban hành là phù hợp với xu thế của đất nước và chức năng, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường hiện nay.
Ba là, chủ động nắm bắt và xử lý kịp thời các tác động của nội dung thông tin đến tâm trạng, nguyện vọng của cộng đồng sinh viên qua công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội. Ban lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các phòng, ban và giáo viên của nhà trường cần chủ động nắm bắt tác động của chương trình, kế hoạch giáo dục, đào tạo, chương trình giảng dạy, kế hoạch hành động của nhà trường đến tâm trạng, nguyện vọng của sinh viên nhà trường qua công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội. Chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh về tư tưởng, định hướng đúng sai, uốn nắn, điều chỉnh những quyết định, chủ trương, kế hoạch, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện các quy định về công tác sinh viên cho phù hợp với từng đối tượng.
3. Một số yêu cầu đối với quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Trong trường đại học, chủ thể quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên (gồm Ban Giám hiệu nhà trường, các phòng ban quản lý sinh viên, các khoa giảng dạy, cán bộ làm công tác truyền thông, giảng viên và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường). Tuy nhiên, để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quản lý sự tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến đời sống tinh thần cộng đồng sinh viên nhà trường, đòi hỏi các chủ thể trên cần nắm vững và tổ chức triển khai thực hiện một số yêu cầu chủ yếu sau:
Thứ nhất, trong quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên, chủ thể quản lý truyền thông trong nhà trường, trước hết cần nắm bắt kịp thời các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự liên quan đến nhà trường; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn, cùng dư luận xã hội về sự kiện, hiện tượng đó, làm cơ sở cho định hướng hiệu quả dư luận xã hội và các dòng thông tin nội bộ trong nhà trường. Các chủ thể quản lý truyền thông của nhà trường cần tổ chức hiệu quả sự phối hợp giữa Phòng Công tác sinh viên với các tổ chức, đoàn thể của nhà trường như: Chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ, Hội sinh viên trong quản lý, định hướng tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến đời sống tinh thần sinh viên; trong đó Phòng Công tác sinh viên là nòng cốt.
Đặc biệt, chủ thể quản lý các cấp cần nắm bắt, hiểu rõ tác động hai chiều của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên; từ đó nhanh chóng triển khai định hướng kịp thời, đúng đắn thông tin đó đến cộng đồng sinh viên nhà trường. Từ đó, giúp sinh viên định hình thái độ phù hợp với các quyết định quản lý và có hành vi, phát ngôn phù hợp với chủ trương của Lãnh đạo, Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường; tạo thống nhất trong nhận thức, đề cao trách nhiệm trong học tập, rèn luyện; giúp sinh viên thể hiện sự nhất trí cao với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Thứ hai, đánh giá khách quan hệ quả và sự tác động của thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng đối với sinh viên. Đồng thời, dự báo chính xác những dư luận xã hội trong cộng đồng sinh viên phát sinh từ hệ quả tác động của internet, mạng nội bộ, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok…Những tình huống có thể phát sinh bao gồm: những phản ánh tích cực hay tiêu cực, đồng thuận hay không đồng thuận, ủng hộ hay phản đối về một nội dung thông tin nào đó liên quan đến tinh thần, đạo đức, pháp luật, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học… dễ tạo hệ quả xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tinh thần sinh viên. Từ đó, có cơ sở để đưa ra biện pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội và các dòng thông tin nội bộ trong nhà trường đến sinh viên.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu sự tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội trong cộng đồng sinh viên nhà trường. Để thực hiện yêu cầu này, chủ thể quản lý truyền thông các cấp của nhà trường cần nghiên cứu hiểu rõ tính quy luật và những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh các luồng ý kiến khác nhau, cũng như cơ sở khoa học của các luồng thông tin đó. Đồng thời để đánh giá, phán xét một luồng ý kiến nào đó, chủ thể quản lý truyền thông nhà trường cần nâng cao vai trò, chức năng dự báo, chức năng phản biện xã hội trong nghiên cứu tác động của truyền thông đại chúng, cũng như dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên nhà trường. Việc nắm bắt dư luận xã hội cần tuân thủ chặt chẽ các khâu, các công đoạn, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, khoa học trong quá trình thu thập thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng, nguồn gốc tạo nên dư luận xã hội.
Thứ tư, minh bạch hóa các nguồn thông tin, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt. Để thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi chủ thể quản lý truyền thông của nhà trường nói chung, cán bộ, giảng viên, cộng tác viên, thông tin viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên và các chuyên gia khoa học của nhà trường nói riêng, cần có năng lực, kinh nghiệm nhất định trong phân tích đánh giá, nhận định các sự kiện xã hội. Nhất là, cần phân biệt rõ giữa dư luận xã hội và tin đồn cũng như những tác động tiêu cực của tin đồn trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đời sống vật chất, tinh thần của mọi thành viên nhà trường. Đồng thời, nâng cao khả năng dự báo, tham mưu, hoạch định các chính sách, chương trình liên quan đến hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường trong quá trình nghiên cứu, nắm bắt, minh bạch hóa các nguồn thông tin từ dư luận xã hội, từ đó hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt lan truyền trong cộng đồng sinh viên nhà trường.
Thứ năm, thường xuyên thu thập thông tin để đánh giá tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong nội bộ sinh viên nhà trường. Thực hiện yêu cầu này đòi hỏi chủ thể quản lý truyền thông nhà trường thường xuyên tuyên truyền các nhiệm vụ cụ thể của nhà trường, hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin…đến sinh viên theo từng học kỳ, từng năm học, nhiệm vụ được giao. Từ đó có kế hoạch, lộ trình, các bước thực hiện thu thập thông tin để đánh giá mức độ thành công, phản ứng của dư luận đối với các vấn đề được tuyên truyền, định hướng thông tin nội bộ và có điều tra dư luận xã hội về vấn đề này. Chủ thể quản lý các cấp có thể thu thập thông tin để đánh giá sự tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong cộng đồng sinh viên nhà trường thông qua thu nhận các thông tin phản hồi trực tiếp từ kết quả sinh hoạt, hội họp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn sinh viên. Hoặc thu thập, nắm bắt thông tin gián tiếp qua điều tra xã hội học với phương pháp đặc thù như: xây dựng phiếu điều tra, chọn mẫu (đối tượng) điều tra, tập huấn điều tra viên và triển khai trên thực địa; nhập dữ liệu, xử lý và phân tích số liệu; viết báo cáo…
Để nâng cao hiệu quả đánh giá tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đòi hỏi chủ thể quản lý các cấp của nhà trường còn cần nhận thức đầy đủ, thấu đáo về vai trò, tầm quan trọng của công tác thu thập thông tin để đánh giá sự tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong cộng đồng sinh viên thông qua điều tra, nắm bắt, nghiên cứu thông tin, dư luận xã hội trong nhà trường. Việc nắm chắc quy định, quy trình trong điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội, là một khâu, một công đoạn trong quy trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của nhà trường, từ đó chủ thể quản lý lựa chọn hình thức điều tra, thu thập thông tin của sinh viên bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Việc thu thập thông tin để đánh giá tác động truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong nhà trường, được tiến hành bởi nhiều lực lượng, thông qua các chủ thể quản lý theo phân cấp, thông qua hoạt động giảng dạy của giảng viên, trao đổi, đối thoại giữa cấp dưới và cấp trên, giữa sinh viên và nhà quản lý...Chất lượng công tác này gắn liền và liên quan trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường như: hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, và ngành giáo dục về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động dạy và học...
Chủ thể quản lý trong các nhà trường, các khoa giảng dạy và các cơ quan chức năng trong trường cần chú trọng phân tích luồng thông tin thu thập được một cách khoa học, chỉ ra căn cứ thực tế, từ đó đưa ra dự báo, đề xuất giải pháp tuyên truyền, định hướng thông tin, thống nhất nhận thức, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhà trường. Hằng năm, nhà trường tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý truyền thông bảo đảm chất lượng và cơ cấu hợp lý; kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ quản lý, giảng viên…có nhiều nỗ lực và đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ nắm bắt và phản ánh thông tin, dư luận xã hội trong nội bộ nhà trường.
Trong trường đại học, truyền thông đại chúng quan hệ mật thiết với dư luận xã hội, thể hiện ở chỗ: nó là kênh cung cấp thông tin cho chủ thể dư luận xã hội và tạo ra diễn đàn công khai ngôn luận để cá nhân trao đổi, tranh luận những ý kiến liên quan tới học tập, rèn luyện, đời sống vật chất tinh thần của sinh viên; đồng thời nó là phương tiện để định hướng dư luận. Tuy nhiên, dư luận xã hội không thụ động chịu tác động của truyền thông đại chúng, mà tác động trở lại với nguồn cung cấp sự kiện, phản ánh nội dung dư luận xã hội…là chất liệu, là nguồn tin của truyền thông đại chúng. Trong trường đại học, nội dung quản lý, định hướng tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên gồm: xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện; định hướng sự tương tác thông tin, chia sẻ sứ mạng của nhà trường đến đối tượng tiếp nhận thông tin; chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời tác động của thông tin đến tâm trạng, nguyện vọng của mọi thành viên nhà trường.
Để thực hiện nội dung quản lý đó, các chủ thể quản lý trường đại học cần nắm vững và triển khai thực hiện tốt một số yêu cầu chủ yếu như: nắm bắt kịp thời các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự liên quan đến nhà trường; đánh giá khách quan hệ quả và sự tác động của thông tin, cung cấp, trao đổi giữa lãnh đạo nhà trường với các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh nghiên cứu, nắm bắt tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; minh bạch hóa nguồn thông tin, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt; thường xuyên thu thập thông tin để đánh giá tác động của truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong nội bộ sinh viên... Các yêu cầu trên thống nhất, hỗ trợ thúc đẩy tạo hiệu quả cho nhau; vì vậy, trong thực tiễn cần vận dụng đồng bộ, tránh xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa yêu cầu nào đó sẽ không mang lại kết quả mong muốn./.
______________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
2. Trần Khánh Đức (Chủ biên 2019), Dương Thị Hoàng Yến - Đỗ Thị Thu Hằng- Nguyễn Đức Huy - Lê Thanh Huyền, Quản lý đào tạo và Quản trị nhà trường. Nxb ĐHQG Hà Nội 2019.
3. Vũ Đình Hòe (chủ biên), “Truyền thông đại chúng trong công tác lãnh đạo quản lý”, Nxb. CTQG, 2000.
4. Nguyễn Phú Trọng, “Phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước (Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2015).
5. Trần Doãn Tiến (2010), Phê phán các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng Internet góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị - HCQG Hồ Chí Minh 2010.
6. Bùi Hoài Sơn,“Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Khoa học Xã hội, 2008.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- “Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
- Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
- Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
- Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
- Giám sát của báo chí đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
Cuốn sách “Nói hay đừng” tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự, tản mạn… của nhà báo Trần Đức Chính, được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo trong suốt cả sự nghiệp của ông. Điều đặc biệt là, cuốn sách được những đồng nghiệp thế hệ sau, những “học trò” thân thiết và yêu quý của ông tập hợp và chọn lọc, biên soạn.
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Môi trường là cái nôi nuôi dưỡng sự sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối vớt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn nhân loại. Cùng với báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình, tạp chí điện tử đang ngày càng góp tiếng nói, nâng cao nhận thức về môi trường cho từng người dân và toàn xã hội. Các tạp chí điện đã có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp môi trường như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm hấp dẫn, có giá trị định hướng dư luận, phát huy hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Mặc dù một số nền tảng video ngắn đã cải tiến thuật toán nhằm ngăn ngừa các nội dung độc hại tiếp cận người dùng nhưng các nỗ lực này dường như mới chỉ nhằm xoa dịu dư luận và đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các video xấu vẫn tràn ngập trên các nền tảng TikTok, YouTube Short, Facebook Reel, Bigo Bar, Instagram, Likee… tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi người sử dụng mạng xã hội.
Bình luận