Quan niệm của Mác - Ăngghen về vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
1. Quan niệm chung về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ cơ bản nhất, trọng yếu nhất, bao trùm và chi phối các quan hệ khác trong đời sống xã hội, C.Mác đã chỉ rõ: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại xã hội của họ; trái lại tồn tại của họ quyết định ý thức của họ”(1). Cơ sở hạ tầng xã hội bao giờ cũng là nhân tố cơ bản quyết định kiến trúc thượng tầng, khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn sự thay đổi kiến trúc thượng tầng cũng sẽ diễn ra. Ông viết: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ kiến thức thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”(2). Sự biến đổi của cơ sở hạ tầng dẫn đến sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng là cả một quá trình hết sức phức tạp. Nguyên nhân của quá trình đó, xét cho cùng là sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Cơ sở hạ tầng với tư cách là kết cấu kinh tế hiện thực của xã hội không chỉ sản sinh ra kiến trúc thượng tầng tương ứng, mà còn qui định cả tính chất của kiến trúc thượng tầng - giai cấp nào giữ địa vị thống trị xã hội về mặt kinh tế thì nó cũng chiếm địa vị thống trị trong kiến trúc thượng tầng xã hội; mâu thuẫn trong đời sống kinh tế, xét đến cùng, quyết định mâu thuẫn trong lĩnh vực tư tưởng; cuộc đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực chính trị tư tưởng là biểu hiện của những mâu thuẫn đối kháng trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, kiến trúc thượng tầng không phải là sản phẩm giản đơn, thụ động của cơ sở hạ tầng. Toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng như các yếu tố cấu thành của nó có tính độc lập tương đối, có sự tác động qua lại lẫn nhau và tác động mạnh mẽ trở lại đối với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các yếu tố nhà nước, đảng phái chính trị. Tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng là tích cực khi nó tác động cùng chiều với sự vận động của các quy luật kinh tế khách quan đó, còn ngược lại thì nó sẽ là trở lực, gây tác hại cho sự phát triển của sản xuất và xã hội.
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ xuyên suốt lịch sử phát triển của xã hội có giai cấp, nó quy định sự vận động, biến đổi của các xã hội đó.
Theo các nhà kinh điển mácxít sự chuyển biến trạng thái xã hội từ xã hội này sang xã hội khác đều do quan hệ kinh tế - chính trị quyết định. Sự thay đổi đó có nguyên nhân sâu xa là từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn tới sự thay đổi trong quan hệ sản xuất và toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội. Mác nhấn mạnh: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó”(3).
Như vậy, trong hệ thống các quan hệ xã hội, quan hệ sản xuất là bộ phận cấu thành quan trọng nhất và sự vận động của mối quan hệ kinh tế - chính trị đã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra tính chất đặc thù của toàn bộ hệ thống đó trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. Mác đã nhận định: “Tổng hợp lại thì những quan hệ sản xuất hợp thành cái mà người ta gọi là những quan hệ xã hội, là xã hội, và hơn nữa hợp thành một xã hội ở vào một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có tính chất độc đáo riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản đều là những tổng thể quan hệ sản xuất như vậy, mỗi tổng thể đó đồng thời lại đại biểu cho một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử nhân loại”(4). Như vậy, quan hệ sản xuất với tư cách là cơ sở kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự biến đổi của chính trị.
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ biện chứng. Một mặt, chính trị phụ thuộc vào kinh tế, sự chuyển biến về chính trị gắn liền với sự chuyển biến về chế độ kinh tế. Theo Mác “chính trị tức là kinh tế được cô đọng lại”. Kinh tế mạnh mới đảm bảo cho nền chính trị ổn định. Mặt khác, chính trị tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế và có địa vị hàng đầu do tính giai cấp, tính đảng của các hoạt động kinh tế trong các chế độ xã hội có giai cấp. Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị còn thể hiện ở chỗ: chúng có thể phù hợp với nhau hoặc cũng có thể mâu thuẫn với nhau. Nếu sự thống nhất, phù hợp giữa chúng tạo nên sự ổn định và phát triển xã hội thì sự không phù hợp giữa chúng tạo nên sự bất ổn định, sự trì trệ, thậm chí còn là sự rối loạn xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen không đưa ra một cái nhìn siêu hình hoặc tuyệt đối hoá một trong hai yếu tố của mối quan hệ này, mà nó có tính biện chứng sâu sắc và có tác động tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
2. Vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
Trước hết, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế được thể hiện qua mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng.
Vai trò của kiến thức thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng nói chung có tác động hai mặt của nó. Nếu kiến trúc thượng tầng có tác động thuận chiều cùng với sự vận động của những quy luật kinh tế khách quan, thì kiến trúc thượng tầng sẽ có ảnh hưởng và vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển ngày càng nhanh của kết cấu kinh tế - xã hội và ngược lại.
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích về vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế như sau: Tác động của quyền lực nhà nước đối với sự phát triển kinh tế có thể có ba loại. Nó có thể tác động cùng hướng - khi ấy sự phát triển diễn ra nhanh hơn; nó có thể tác động ngược lại sự phát triển kinh tế - khi ấy thì hiện nay ở mỗi dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một thời gian nhất định, hoặc là có thể cản trở sự phát triển kinh tế ở những hướng nào đó và thúc đẩy ở những hướng khác. Trường hợp này dẫn đến một trong hai trường hợp nêu trên.
Tuy nhiên, rõ ràng là trong trường hợp thứ hai và thứ ba, quyền lực chính trị có thể gây tác hại lớn cho sự phát triển kinh tế và có thể gây ra sự lãng phí to lớn về sức lực và vật chất. Ăngghen đã phân tích rõ vai trò và ảnh hưởng của nhà nước thông qua hình tượng của bạo lực như sau: sau khi bạo lực chính trị đã trở thành độc lập đối với xã hội, sau khi đã từ đày tớ trở thành người chủ rồi, thì nó có thể tác động theo hai chiều hướng. Hoặc nó tác động theo hai ý nghĩa và chiều hướng của sự phát triển kinh tế có tính quy luật. Như thế giữa bạo lực chính trị và sự phát triển kinh tế không có sự xung đột nào và sự phát triển kinh tế được đẩy mạnh hơn. Hoặc nó chống lại sự phát triển kinh tế và khi đó trừ một vài ngoại lệ ra, thường thường nó chịu sức ép của sự phát triển kinh tế.
Trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, vai trò quyết định thuộc về các quan hệ kinh tế như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, chính trị cũng có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với kinh tế. Tính độc lập tương đối đó biểu hiện ra thông qua tác động trở lại của chính trị đối với kinh tế. “Tất cả các chính phủ, ngay cả những chính phủ chuyên chế nhất... có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm sự phát triển kinh tế cùng với những hệ quả về chính trị và pháp luật bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế ấy, song rút cục họ vẫn phải tuân theo sự phát triển ấy”(5).
Thứ hai, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế còn thể hiện trong mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế.
Khi xem xét mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng lợi ích kinh tế quy định quyền lực chính trị và một khi nó đã tồn tại như một thực thể hiện hữu thì quyền lực chính trị lại tác động rất lớn đến kinh tế. Tính quy định của lợi ích kinh tế đối với quyền lực chính trị được thể hiện qua những điểm sau:
Một là, lợi ích kinh tế là sự phản ánh và biểu hiện trực tiếp của quan hệ sản xuất, mà trong xã hội thì quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, chi phối các quan hệ xã hội còn lại, trong đó có quan hệ về tương quan lực lượng chính trị.
Hai là, cơ sở và nội dung của quyền lực chính trị là lợi ích kinh tế. Theo các nhà kinh điển mácxít thì đằng sau những hành động chính trị là sự thúc đẩy của lợi ích vật chất, để thoả mãn những lợi ích kinh tế thì quyền lực chính trị chỉ được sử dụng làm phương tiện đơn thuần.
Ba là, sự vận động, phát triển của lợi ích kinh tế quy định sự phát triển và vận động của quyền lực chính trị. Song với tư cách là nhà duy vật biện chứng, Mác không bao giờ quan niệm mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị là mối quan hệ một chiều. Hai nhân tố lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị luôn luôn tác động qua lại lẫn nhau. Mác chỉ rõ rằng, quyền lực chính trị có thể tác động tới kinh tế theo ba cách thức: thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế; thúc đẩy ở mặt này, kìm hãm ở mặt khác; kìm hãm sự phát triển kinh tế. Ông kết luận: sự vận động của kinh tế chịu ảnh hưởng một bên là sự vận động của quyền lực nhà nước, còn một bên là của lực lượng đối lập sinh ra đồng thời với quyền lực ấy. Chính vì vậy, trong chính trị vấn đề quyền lực chính trị (biểu hiện tập trung ở quyền lực nhà nước) là một mục tiêu trọng tâm trực tiếp mà giai cấp nào, nhóm xã hội nào cũng muốn nắm và chi phối. Vì nắm được quyền lực chính trị là nắm được công cụ cơ bản, trọng yếu để giải quyết quan hệ lợi ích với các giai cấp khác, nhóm xã hội khác theo hướng có lợi cho giai cấp mình, nhóm xã hội mình. Do đó tác động của chính trị đối với kinh tế thể hiện ở sự tác động của quyền lực chính trị đối với kinh tế.
Thứ ba, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế thể hiện qua vai trò lãnh đạo của đảng chính trị đối với đời sống xã hội.
Khi phân tích, nhận xét đánh giá về hệ quả của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, các nhà kinh điển mácxít đã đi đến kết luận rằng: trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy nhất định sẽ dẫn đến việc hình thành các đảng chính trị và các đảng chính trị đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đảng chính trị là tổ chức có mục đích chính trị rõ ràng, có tổ chức chặt chẽ, tập hợp lôi cuốn quần chúng cùng hành động chung để đạt mục đích đề ra. Mác đã chỉ ra rằng, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào giành được quyền lực chính trị sẽ trở thành giai cấp thống trị và thực hiện vai trò lãnh đạo xã hội.
Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng, trong việc nhận thức và giải quyết quan hệ chính trị với kinh tế, bên cạnh việc ý thức tới vị trí và lợi ích của giai cấp cầm quyền thì yêu cầu cơ bản, nền tảng trước hết mà đảng chính trị cầm quyền phải hướng tới là: quan hệ và sự tác động của chính trị đối với kinh tế, phải vì mục tiêu phát triển sức sản xuất, phát triển xã hội, tạo ra những điều kiện vật chất của một xã hội mới. Đối với đảng chính trị tiến bộ là đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động thì chủ trương, đường lối chính sách phát triển đất nước của nó phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội, nên vai trò thúc đẩy xã hội tiến lên là vô cùng to lớn. Đối với đảng chính trị phản tiến bộ thì vai trò của nó đối với xã hội chỉ là sự kìm hãm.
Do đó, đường lối, chủ trương, chính sách, các biện pháp chính trị của đảng cầm quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Như Lênin đã phân tích: “Trong một nước tiểu nông... trao đổi... sự phát triển của kinh tế nhỏ là một sự phát triển tiểu tư sản, một sự phát triển lên chủ nghĩa tư bản... nếu tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân... tức là của chủ nghĩa tư bản, một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ. Chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với một đảng nào muốn áp dụng nó. Dại dột, vì về phương diện kinh tế, chính sách ấy là không thể nào thực hiện được; tự sát, vì những đảng nào định thi hành một chính sách như thế, nhất định sẽ bị phá sản”(6).
C.Mác đánh giá cao vai trò tích cực của đảng của giai cấp vô sản đối với sự phát triển xã hội nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Thứ nhất, theo Mác, đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị thực chất là lãnh đạo sự nghiệp giải phóng kinh tế. Trong Điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế do Mác soạn thảo viết: “... việc giải phóng giai cấp công nhân về mặt kinh tế là mục tiêu vĩ đại mà bất kỳ phong trào chính trị nào cũng đều phải phục tùng với tư cách là một thủ đoạn”(7). Thứ hai, Đảng của giai cấp vô sản luôn có đường lối, chính sách hợp lý. Cơ sở của đường lối, chính sách đấu tranh của chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản là lợi ích cách mạng của giai cấp vô sản, đồng thời có tính toán một cách khách quan đến tất cả mọi quan hệ xã hội. Thứ ba, sách lược đúng đắn của đảng cộng sản đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình phát triển xã hội nhằm mục đích phát triển kinh tế đem lại đời sống ấm no cho nhân dân...
Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thấy rõ vai trò to lớn của chính trị trong phát triển kinh tế, đã vận dụng sáng tạo những quan điểm đó vào thực tế của Việt Nam. Đảng ta luôn đặt mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế là mối quan hệ trọng tâm trong quá trình phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế để giữ vững ổn định chính trị đã trở thành nguyên tắc trong quá trình Đảng lãnh đạo tiến trình cách mạng nước ta. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong đường lối đổi mới của Đảng và thực tiễn qua hơn 25 năm đổi mới đất nước đã chứng minh điều đó.
___________________________________
(1),(2),(3) C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.13, tr.15, 15, 14-15.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Sđd, T.6, tr.553.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Sđd, T.38, tr.488.
(6) V.I.Lênin (1978), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T.43, tr.266-267.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Sđd, T.16, tr.24.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 23.7.2013
Bài liên quan
- Quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về con người và sự vận dụng của Đảng ta trong quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
- Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh
- Tư tưởng Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - Giá trị và những vấn đề cần bổ sung, phát triển hiện nay
- Sự hình thành tư tưởng triết học gắn với hoạt động báo chí của C.Mác trước năm 1848
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại Việt Nam có vai trò tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần nâng cao vị thế đất nước, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước gắn kết ngày càng chặt chẽ với thế giới; đồng thời, đóng góp quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về con người và sự vận dụng của Đảng ta trong quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
Quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về con người và sự vận dụng của Đảng ta trong quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
C.Mác và Ph.Ăngghen đã xuất phát từ con người hiện thực, đưa ra những quan điểm đúng đắn, nâng lên tầm cao mới về vai trò của con người đối với sự phát triển của tự nhiên, xã hội nhằm thực hiện mục đích cao cả là giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công, hướng tới tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bài viết phân tích một số quan điểm cơ bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về con người - chủ thể sáng tạo ra lịch sử nhân loại; đồng thời làm rõ quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo những quan điểm đó trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Quan niệm của Mác - Ăngghen về vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
Quan niệm của Mác - Ăngghen về vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
Đảng ta nhận thấy rõ vai trò to lớn của chính trị trong phát triển kinh tế, đã vận dụng sáng tạo quan điểm của Mác - Ăngghen vào thực tế của Việt Nam, luôn đặt mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế là mối quan hệ trọng tâm trong quá trình phát triển đất nước. Giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế để giữ vững ổn định chính trị đã trở thành nguyên tắc trong quá trình Đảng lãnh đạo tiến trình cách mạng nước ta.
Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh
Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh
Ph.Ăngghen, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã cùng C.Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, vì chủ nghĩa cộng sản. Ph.Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ph.Ăngghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, son sắt với C.Mác và giai cấp vô sản thế giới.
Tư tưởng Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - Giá trị và những vấn đề cần bổ sung, phát triển hiện nay
Tư tưởng Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - Giá trị và những vấn đề cần bổ sung, phát triển hiện nay
Ph.Ăngghen (1820 - 1895) đã cùng với C.Mác (1818 - 1883) xây dựng học thuyết về sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN). Tuy luôn khiêm nhường nhận mình chỉ là người thể hiện những ý tưởng của C.Mác, nhưng trên thực tế, Ph.Ăngghen có công rất lớn đối với xây dựng và phát triển học thuyết này. Chính Ph.Ăngghen là người đã tiếp cận đa diện và hệ thống về GCCN hiện đại, là người đã luận chứng khoa học về SMLS bao gồm tính tất yếu, nội dung, điều kiện, lộ trình... cùng nhiều bổ sung quan trọng để hoàn thiện học thuyết này. Đồng thời, Ph.Ăngghen còn chỉ rõ, phải đặt lý luận ấy “trên mảnh đất hiện thực” để hiện thực hóa và phát triển nó. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, những tư tưởng của Ph.Ăngghen cần tiếp tục được các Đảng Cộng sản vận dụng và bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh mới.
Bình luận