Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Thứ sáu, 14:08 06-09-2024
(LLCT&TTĐT) Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, báo chí đối ngoại được xem như là công cụ chủ đạo, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh quốc gia trên báo điện tử VietnamPlus.
1. Đặt vấn đề
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang trở thành xu hướng tất yếu, thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới. Quá trình này đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm mọi quốc gia dân tộc và tất cả các giai cấp cũng như các tầng lớp xã hội.
Điều này đồng nghĩa với việc, các quốc gia cần phải chủ động, tích cực và tăng cường tìm ra các phương thức để thu hút sự quan tâm, chú ý của thế giới, khẳng định được giá trị và vị thế của nước mình trong cộng đồng quốc tế.
Do đó, việc xây dựng danh tiếng và hình ảnh tích cực của đất nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi hình ảnh quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như khả năng cạnh tranh của quốc gia đó trên trường quốc tế. Với những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen cùng nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước, Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, ngày càng được khẳng định và nâng cao trong môi trường quốc tế.
Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, báo chí đối ngoại được xem như là công cụ chủ đạo, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam với thế giới. “Báo chí đối ngoại là một bộ phận của báo chí, hướng tới các đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam và công chúng ở các quốc gia trên thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm cung cấp cho họ những thông tin chính thức của Việt Nam để làm cho họ hiểu, đồng tình, ủng hộ sự nghiệp phát triển của đất nước”(1).
Với vị thế là báo điện tử chính thức của Thông tấn xã Việt Nam - Trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, báo điện tử VietnamPlus là một trong những tờ báo điện tử chính thống có số lượng công chúng từ nhiều quốc gia trên thế giới truy cập và “là báo điện tử đa ngữ lớn nhất (xuất bản bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp và Tây Ban Nha) ở Việt Nam hiện nay”(2).
Báo điện tử VietnamPlus luôn là cờ đầu trong công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua việc áp dụng các công nghệ truyền thông mới như: ảnh/video 360 độ, Mega story (siêu tác phẩm báo chí) hay RapNewsPlus (bản tin trên nền nhạc rap). Cùng với số lượng và nội dung tin, bài, VietnamPlus đã thực sự trở thành một bộ phận đóng góp tích cực và khẳng định giá trị của mình trong hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới hiện nay qua báo điện tử.
2. Nội dung quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus hiện nay
2.1. Thành công
Hiện nay, báo điện tử VietnamPlus có 16 chuyên mục bao gồm: Chính trị, Thế giới, Kinh tế, Xã hội, Đời sống, Văn hóa, Thể thao, Khoa học, Công nghệ, Ô tô - xe máy, Môi trường, Du lịch, Thị trường, Chuyện lạ, RapNewsPlus, News Game; và 3 chuyên trang là Thăng Long - Hà Nội, Biển đảo Việt Nam và Người Việt Nam ở nước ngoài. Nội dung thông tin trên VietnamPlus được nhiều báo, cổng thông tin điện tử của các bộ, ban, ngành và địa phương trích dẫn; có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như công chúng nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
Công chúng có thể tìm thấy các tin bài về quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới ở hầu hết các chuyên mục, nhưng số lượng bài tập trung nhiều ở chuyên mục như: kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch và chuyên trang Thăng Long - Hà Nội. Do đó, đây cũng chính là những chuyên mục chủ yếu thực hiện việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới của VietnamPlus hiện nay. Thông tin trên VietnamPlus được đăng tải bằng 6 thứ tiếng: tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Nga, Tây Ban Nha.
Các sản phẩm báo chí được sản xuất bởi VietnamPlus đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, các tin, bài, ấn phẩm của VietnamPlus thể hiện những nét đặc sắc về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với sự phong phú của một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; có nhiều thế mạnh thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài. Cụ thể:
Thứ nhất, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua việc tuyên truyền chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; các sự kiện chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế
Nội dung quảng bá đảm bảo tính thời sự, kịp thời truyền tải đến công chúng trong nước và quốc tế thông tin về quan điểm của Việt Nam trước những vấn đề về chính trị, xã hội như: “Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố ở Moskva, Việt Nam kiên quyết bác bỏ tất cả yêu sách trái pháp luật quốc tế ở Biển Đông”; các sự kiện chính trị, đối ngoại lớn của đất nước, các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật như: “Hội nghị gặp gỡ Indonesia năm 2024, Trưởng ban Đối ngoại Trung Ương hội kiến các lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc”; hoạt động của lãnh đạo Việt Nam tại nước ngoài, tham dự các diễn đàn kinh tế - chính trị quốc tế; các hoạt động đón tiếp các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam; những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong hoạt động đối ngoại.
Thông qua nội dung tin, bài, hình ảnh về các sự kiện đó, công chúng có thể thấy rõ những nỗ lực, thành công của Việt Nam trong các hoạt động về kinh tế, chính trị, ngoại giao… để thúc đẩy, xây dựng một đất nước phát triển hưng thịnh, vững mạnh. Qua đó, cho thấy rằng vị thế và uy tín của Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế; đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.
Thứ hai, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua việc giới thiệu nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Thông qua các tác phẩm báo chí, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam được truyền tải một cách rõ nét như làn điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ ( Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia); Cồng chiêng Tây Nguyên (Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại được UNESCO công nhân năm 2005. Các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam cũng được lồng ghép giới thiệu trong các bài báo như đàn nhị, khèn, cồng chiêng.
Bên cạnh đó, các phóng sự, bài viết đã truyền tải những đặc điểm nổi bật của tôn giáo trong đời sống hàng ngày của Việt Nam, điển hình là đạo Phật - tôn giáo đã gắn bó lâu đời với người Việt, đó là các ngôi chùa cổ kính với kiến trúc độc đáo, lễ tế bài bản, trang nghiêm, tôn kính. Các loại hình tín ngưỡng truyền thống phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân cũng được thể hiện rất rõ nét như: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Di sản Phi vật thể của Nhân loại được UNESCO công nhận năm 2012). Theo khảo sát của tác giả, trong tháng 5/2024, chuyên mục đã có 48 tin, bài viết nhằm đảm bảo tính liên tục, không ngắt quãng cho quá trình theo dõi thông tin về chủ đề văn hóa quốc gia của độc giả.
Có thể nói, ẩm thực là một yếu tố không thể không nhắc đến trong văn hóa Việt Nam. VietnamPlus đã xây dựng các phóng sự mô tả từ nhiều món ăn bình dị nhưng rất nổi tiếng của Việt Nam như: bánh mì, phở, bún chả, cà phê cho đến các món ăn mang tính đặc trưng của các dân tộc, vùng miền như bánh bò thốt nốt (dân tộc Chăm), mèn mén (dân tộc Mông), bún thang lươn (Hưng Yên).
Thứ ba, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua việc thể hiện được những nét đặc sắc về thiên nhiên, cảnh quan trên khắp mọi miền của Việt Nam
Trên báo điện tử VietnamPlus, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam được giới thiệu rất rõ nét. Từ di sản thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cho đến các địa điểm nổi tiếng, các di tích lịch sử của quốc gia như đảo Cô Tô, Cố đô Huế, Đền Hùng đều được VietnamPlus khắc họa, mô tả một cách chân thực, rõ nét qua câu chữ, hình ảnh sống động.
Bên cạnh đó, các đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình của các vùng miền tiêu biểu ở Việt Nam cũng được mô tả qua lời dẫn và hình ảnh. Chẳng hạn như: khi đến với Tà Xùa, du khách sẽ ngỡ như mình đang đi lạc giữa tiên cảnh; Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc; mỗi khi hoàng hôn buông xuống, Mỹ Khê như khoác lên mình một tấm áo mang màu sắc trầm lặng, tĩnh mịch.
Hệ thống động - thực vật của Việt Nam cũng được VietnamPlus thể hiện một cách rất sinh động. VietnamPlus đã giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước nhiều loài động - thực vật tiêu biểu ở Việt Nam như sầu riêng (miền Tây), vườn cò (Kiên Giang),… Hơn nữa, đặc điểm về khí hậu, thời tiết ở một số vùng miền, địa phương ở Việt Nam cũng được mô tả trong các sản phẩm báo chí: Điện Biên có khí hậu trong lành, Lạng Sơn mang không khí trong lành mát mẻ đặc trưng của vùng miền núi, hay thiên tai ở khu vực miền Trung với hạn hán, mưa bão, lũ lụt luôn được khéo léo đề cập trong các bài viết, phóng sự ở những địa phương này.
Không chỉ là quảng bá, báo điện tử VietnamPlus còn là “hướng dẫn viên” tư vấn và định hướng cho các du khách trong và ngoài nước về các thông tin chân thực, rõ ràng và khách quan, đầy đủ về địa điểm, dịch vụ ở các vùng miền của Việt Nam. Thông qua đó, giá trị lịch sử, các danh lam thắng cảnh của đất nước đã được quảng bá rộng rãi đến với du khách quốc tế, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế thương hiệu của đất nước.
Thứ tư, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua việc khắc họa tính cách, phẩm chất con người Việt Nam
Các tác phẩm báo chí của báo điện tử VietnamPlus đã tuyên truyền những phẩm chất vô cùng tốt đẹp của con người Việt Nam, từ quá khứ cho tới hiện tại; từ tính cách trong sinh hoạt, lao động cho đến những thành thành tích cao ở đa lĩnh vực cả trong nước và quốc tế.
Người Việt Nam cần cù, chịu khó, vượt lên trên số phận. VietnamPlus đã truyền tải những câu chuyện mang tính nhân văn về sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của những con người khiếm khuyết như những đứa trẻ dù không có tay hoặc không may mắn thiếu đi đôi chân, nhưng nghị lực sống cùng niềm khao khát muốn được học tập, thực hiện ước mơ của mình. Hay những cô/cậu bé, tuy còn nhỏ nhưng đã phải gánh trên đôi vai trách nhiệm kiếm tiền, là những trụ cột chính trong gia đình.
Người Việt Nam có niềm đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Tính cách này xuất hiện trong những con người ở các ngành nghề khác nhau trong xã hội, từ những người lao động chân tay cho đến những người lao động trí óc; từ người trẻ đến người lớn tuổi như các vận động viên thể thao, những người lính Hải quân trên quần đảo Trường Sa, những người khởi nghiệp. Dù cuộc sống, công việc có khó khăn, vất vả như thế nào, họ vẫn theo đuổi đam mê và hiện thực hóa giấc mơ của mình. Cần cù, chịu khó là đức tính phổ biến trong cộng đồng người Việt, được thể hiện rõ trong cuộc sống đời thường.
Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, thân thiện và giàu lòng nhân ái. Trong nhiều bài viết, phóng sự, VietnamPlus đã truyền tải thông điệp về con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do với mong muốn có một môi trường ổn định, thuận lợi để phát triển. Tính cách tốt bụng, giàu lòng nhân ái của người Việt Nam còn được thể hiện ở việc luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, có những chuyến từ thiện đến vùng sâu vùng xa của đất nước để hỗ trợ, động viên cả về mặt tinh thần lẫn vật chất cho những hoàn cảnh khó khăn. Chuyên trang Biển đảo Việt Nam của VietnamPlus cập nhật liên tục các bài viết về tinh thần, thái độ, lòng yêu nước và cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ nơi biển đảo đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ Tổ quốc. Tính từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2024, chuyên trang đã có 97 bài viết đã được đăng tải.
Người Việt Nam nỗ lực, tìm cách gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống dân tộc. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc gìn giữ bản sắc của quốc gia không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, mà còn là sự tất yếu của toàn dân tộc Việt Nam. VietnamPlus đã phản ánh việc giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống như gìn giữ và phát triển những làn điệu dân ca đặc sắc của người Cao Lan; hay bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể “Lễ hội đền Tranh” (Hải Dương); tu bổ Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Kết quả tác giả khảo sát cho thấy, 4 lĩnh vực được độc giả quan tâm nhiều nhất trên báo điện tử VietnamPlus đó là: văn hóa, xã hội, chính trị và du lịch. Đây cũng là các chuyên mục được VietnamPlus tập trung sản xuất nhiều sản phẩm báo chí đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Như vậy, có thể thấy rằng, báo điện tử VietnamPlus rất tích cực trong việc sản xuất các tác phẩm báo chí đưa tin về hình ảnh Việt Nam ra thế giới trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Qua đó, người nước ngoài có cái nhìn rõ nét, cụ thể về đất nước, con người Việt Nam. Đó là một đất nước độc lập, tự chủ và chính trị ổn định; giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán đa dạng với nhiều địa danh, cảnh sắc nổi tiếng và con người luôn chủ động, sáng tạo và nhiệt huyết trong công việc.
2.2. Hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo điện tử VietnamPlus vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục để hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đạt hiệu quả tốt hơn.
Thứ nhất, hình thức một số tác phẩm báo chí của VietnamPlus còn đơn điệu, kém hấp dẫn
Mặc dù, VietnamPlus được coi là có ưu thế nhất trong việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và thu hút khán giả, nhưng báo chưa phát huy tốt lợi thế này. Phương thức tuyên truyền thông tin tại chuyên trang Thăng Long - Hà Nội của VietnamPlus chưa hấp dẫn, trình bày còn đơn điệu, truyền thống. Số lượng văn bản nhiều, hình ảnh ít, số liệu hạn chế và không có video minh họa đã làm giảm đi hiệu quả của việc tuyên truyền về văn hóa, ẩm thực và các địa điểm nổi tiếng của thủ đô Việt Nam. Kích cỡ của văn bản và hình ảnh của các bài viết nhỏ, gây khó khăn cho người đọc, đặc biệt khi xem trên thiết bị di động.
Thứ hai, số lượng và tần suất của các tác phẩm báo chí đối ngoại của VietnamPlus chưa hợp lý
Số lượng và tần suất các bài viết ở trang chính, chuyên trang Thăng Long - Hà Nội, Biển đảo Việt Nam của VietnamPlus không đồng đều. Nếu như trong năm 2023, ở trang chính hay Biển đảo Việt Nam, tần suất các tin, bài được cập nhật theo tháng, theo ngày hay thậm chí là theo giờ thì trong năm 2024 chuyên trang này chưa có bài viết được cập nhật. Điều này gây gián đoạn quá trình cập nhật tin tức về Việt Nam của công chúng.
Kết quả khảo sát những hạn chế về thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới hiện nay cho thấy, có đến 19,1% độc giả lựa chọn “nội dung kém hấp dẫn, chưa thu hút được độc giả”. Bên cạnh đó, có tới 7,9% cho rằng: “ngôn ngữ mang tính chuyên ngành, khó hiểu”; 22,7% lựa chọn “hình thức trình bày còn đơn điệu, ít tích hợp video, hình ảnh minh họa”; 6,6% cho rằng “độ phân giải hình ảnh, video ở chất lượng thấp” và 13,5% cho rằng “số lượng và tần suất của các tác phẩm báo chí đối ngoại chưa hợp lý”. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để VietnamPlus khắc phục, cải thiện và nâng cao các sản phẩm báo chí đối ngoại trở nên hấp dẫn, thu hút công chúng hơn nữa trong tương lai.
2.3. Nguyên nhân
Thứ nhất, công tác thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam trên báo điện tử VietnamPlus đang bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội đang đáp ứng rất tốt nhu cầu cũng như thị hiếu của phần lớn độc giả. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội với hàng loạt tin giả, tin chưa được kiểm chứng thì VietnamPlus vẫn tiếp tục có nhiều lợi thế trong việc định hướng người đọc tới các thông tin chính thống. Để không bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội, báo điện tử VietnamPlus cần phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đứng trước thách thức trong thời đại công nghệ số lên ngôi, VietnamPlus cần có những chiến lược, kế hoạch thay đổi toàn diện về hình thức, nội dung và phương thức truyền tải thông tin để không bị động trước tốc độ của phát triển của mạng xã hội.
Thứ hai, VietnamPlus chưa thật chủ động trong việc phối hợp hoạt động để đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền
Sự phối kết hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng còn thiếu sự chặt chẽ, chưa đồng bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số bài viết có chất lượng cao, nội dung thu hút chưa nhiều, đặc biệt là chuyên mục Thăng Long - Hà Nội của VietnamPlus. Thông tấn xã Việt Nam chưa thực sự chú trọng, quan tâm việc tận dụng ưu thế về ứng dụng công nghệ của VietnamPlus vào các bài viết của chuyên mục Thăng Long - Hà Nội.
3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus trong thời gian tới
Để phát huy hiệu quả quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường và đảm bảo vai trò định hướng, dẫn dắt của ban lãnh đạo báo điện tử VietnamPlus. Ngoài việc thực hiện chức năng của hãng thông tấn quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam còn phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin của công chúng trong và ngoài nước với hàng chục sản phẩm của các đơn vị báo chí, tiêu biểu là VietnamPlus - một trong những tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia có số lượng công chúng truy cập nhiều từ các quốc gia trên thế giới. Để hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia qua báo điện tử VietnamPlus đạt hiệu quả tốt, trước tiên ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cùng với ban lãnh đạo VietnamPlus cần tập trung xây dựng, phát triển tòa soạn ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp cùng cơ sở dữ liệu đủ lớn để phục vụ mục đích thông tin của công chúng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cơ quan báo chí trên thế giới thông qua việc trao đổi chương trình, chuyên mục đăng tải, phát sóng để mở rộng phạm vi quảng bá hình ảnh Việt Nam. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, tạo cơ hội để mời các đoàn phóng viên nước ngoài đến viết bài và đưa tin về đất nước, con người Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam với nội dung chất lượng, thu hút công chúng trên báo điện tử VietnamPlus. Chuyển đổi số hiện đang là một xu thế tất yếu của nhân loại. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải thích nghi với sự thay đổi rất nhanh chóng về công nghệ cũng như việc tiếp cận thông tin của công chúng. Để làm được điều đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của VietnamPlus là những người đóng vai trò tiên phong trong việc làm thay đổi nhận thức, thái độ của công chúng về hình ảnh Việt Nam.
Theo đó, cần tập trung xây dựng thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia cho từng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với thị hiếu của công chúng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tìm kiếm thông tin của công chúng. Với thông tin quảng bá, cần xác định nội dung đúng mục tiêu, mục đích khi tiến hành sản xuất; đồng thời cần lấy thị hiếu của công chúng và tôn chỉ, mục đích của tòa soạn để làm tiền đề cho nội dung quảng bá.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức quảng bá thông tin về hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus. Bên cạnh việc tập trung về mặt nội dung, để thông tin truyền tải đạt hiệu quả cao, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo điện tử VietnamPlus cần chú trọng vào việc cải tiến hình thức truyền thông. Cần đa dạng hình thức quảng bá thông tin hình ảnh quốc gia qua các thể loại như: phóng sự, phỏng vấn, bình luận. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc lựa chọn hình ảnh bởi chúng có sức ảnh hưởng và đọng lại sâu trong tâm trí của độc giả. Để có được định hướng và chiến lược đúng đắn, VietnamPlus nên thường xuyên tiến hành các cuộc điều tra về nhu cầu thông tin của công chúng đối với hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Thứ tư, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ nhân sự ở báo điện tử VietnamPlus. Để có được những bài viết hay, những video chất lượng đến với công chúng, cần phải có sự tham gia đóng góp rất nhiều công sức từ đội ngũ cán bộ thuộc các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau trong tòa soạn. Do vậy, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để bổ sung kiến thức về báo chí Hơn nữa, để có các bài viết quảng bá hấp dẫn, sâu sắc, thuyết phục và đảm bảo tính chân thực, chính xác, cần trang bị các kiến thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo điện tử VietnamPlus về đất nước, con người Việt Nam trên các lĩnh vực như: địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, con người.
Việt Nam cần được thế giới biết đến không chỉ là một quốc gia với văn hóa dân tộc độc đáo và di sản văn hóa nổi tiếng mà còn là một quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, trở thành một “nền kinh tế mới nổi” và “điểm đến đáng tin cậy cho nhà đầu tư nước ngoài”. Để làm được điều đó, cần sự cải thiện về nội dung quảng bá, cách thức quảng bá và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của báo chí đối ngoại. Đồng thời, cần xem xét các giải pháp như liên tục cập nhật công nghệ truyền thông, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của quảng bá hình ảnh quốc gia, đầu tư kinh phí, và xây dựng một bộ máy chuyên trách về quảng bá hình ảnh quốc gia. Chỉ khi các giải pháp này được triển khai một cách hiệu quả, Việt Nam mới có thể tận dụng báo chí đối ngoại như một công cụ quan trọng để nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.
_________________________________________________
(1) Lưu Trần Toàn (2018), Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo chí đối ngoại trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ như hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất chương trình truyền hình đang trở nên ngày càng được quan tâm. Công nghệ AI tăng khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành báo chí, truyền hình. Các đơn vị sản xuất truyền hình hiện nay đang phải nhanh chóng thích ứng với môi trường số, chuyển từ sản xuất truyền thống sang các quy trình hiện đại và hiệu quả hơn. Công nghệ AI không chỉ mang lại tốc độ và hiệu quả trong sản xuất chương trình truyền hình mà còn mở ra cơ hội sáng tạo và thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ người làm báo chí.
Xuất bản là một ngành đặc thù khi tính chính trị, văn hóa tư tưởng, truyền thông đại chúng đan xen với hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Người làm xuất bản vừa phải đáp ứng mục tiêu chính trị, vừa giải quyết các bài toán về kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghệ 4.0 cùng sự thay đổi nhu cầu của thị trường cũng khiến cho ngành xuất bản xuất hiện những xu thế mới mà người dạy và học ngành xuất bản cần nhìn nhận và có những thay đổi thích hợp trong hoạt động đào tạo.
Bình luận