Sự sáng tạo trong tinh thần Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc từ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác
1. Dùng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác để đi sâu nhận thức về những thành tựu mới nhất của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác
Thế giới quan của chủ nghĩa Mác là thế giới quan của giai cấp vô sản, như V.I.Lênin đã chỉ ra: “chỉ có thế giới quan mácxít là biểu hiện đúng đắn những lợi ích, những quan điểm về nền văn hóa của giai cấp vô sản cách mạng”(1). Tổng Bí thư Tập Cận Bình chỉ rõ: “Chủ nghĩa duy vật biện chứng là thế giới quan và phương pháp luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đều là thế giới quan và phương pháp luận.
Với tư cách là phương pháp luận, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử có quan hệ mật thiết với thực tiễn xã hội và các lĩnh vực khoa học, nó giải đáp một cách khoa học các vấn đề về mối quan hệ giữa con người và thế giới, giữa chủ thể và khách thể, giữa tư duy và tồn tại. Kiên trì chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, yêu cầu phải kiên trì nguyên lý về tính thống nhất vật chất của thế giới, nguyên lý về bản chất của đời sống xã hội là thực tiễn, nguyên lý về sự vận động mâu thuẫn của sự vật, nguyên lý về sự thống nhất biện chứng giữa tính năng động chủ quan và tính quy luật khách quan, xác lập nguyên lý quần chúng nhân dân là sức mạnh mang tính quyết định sự biến đổi của xã hội. Đồng thời, kiên trì phương pháp luận thực sự cầu thị (tìm chân lý trong thực tiễn), phương pháp luận phân tích mâu thuẫn, phương pháp luận hệ thống, phương pháp luận về đường lối quần chúng...
Với tư cách là một chính đảng mácxít, lý do mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong suốt 100 năm qua đi từ yếu đến mạnh, lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng và cải cách chính là bởi Đảng luôn kiên trì thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, đồng thời luôn lấy đó làm cơ sở lý luận, tư tưởng để phân tích và giải quyết mọi vấn đề.
Kể từ cải cách, mở cửa, ĐCSTQ đã vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để hình thành hai học thuyết hạt nhân lớn: học thuyết về giai đoạn đầu của CNXH và học thuyết về kinh tế thị trường XHCN; đồng thời, vận dụng phép biện chứng của chủ nghĩa Mác để giải quyết một cách khoa học mối quan hệ giữa xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần, giữa bốn nguyên tắc cơ bản (phải kiên trì đường lối XHCN; phải kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân; phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng; phải kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông) và quan hệ giữa cải cách và mở cửa, giữa giàu trước và cùng giàu, giữa kế hoạch và thị trường; tích cực thúc đẩy tiến trình phát triển cải cách, mở cửa và thực hiện sự biến đổi lịch sử phát triển nhảy vọt theo mô hình Trung Quốc.
Tổng kết về quá trình CNXH đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, chủ trì kỳ học tập tập thể về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nêu: “Đảng ta vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích một cách có hệ thống, cụ thể và lịch sử về phong trào xã hội của Trung Quốc và quy luật phát triển của nó. Trong quá trình nhận thức thế giới và cải tạo thế giới, chúng ta không ngừng nắm bắt quy luật và vận dụng sáng tạo quy luật, thúc đẩy sự nghiệp của Đảng và nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, “Đảng ta phải đoàn kết lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu phấn đấu “hai cái một trăm năm” và thực hiện giấc mơ Trung Quốc về đại phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, chúng ta phải không ngừng nuôi dưỡng trí tuệ triết học của chủ nghĩa Mác, càng kiên trì và vận dụng một cách tự giác hơn thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng”.
Trong thực tiễn, ĐCSTQ đã luôn vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để đưa ra những dự báo khoa học về những mâu thuẫn cơ bản của CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, xử lý chính xác các quan hệ của những phương diện giữa nhà nước và thị trường, giữa kinh tế công hữu và kinh tế ngoài công hữu, giữa mở cửa và an ninh, giữa cục bộ (bộ phận) và toàn cục (tổng thể), giữa trước mắt và lâu dài, giữa trong nước và quốc tế.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XX của ĐCSTQ nêu rõ: “Chúng ta kiên trì sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác là nhằm vận dụng thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc, chứ không phải học là đọc thuộc lòng và lặp đi lặp lại từng kết luận và từng câu chữ cụ thể của nó”; “tiếp tục đẩy mạnh đổi mới lý luận trên cơ sở thực tiễn, trước hết phải quán triệt thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, kiên trì và vận dụng tốt về lập trường, quan điểm và phương pháp thấu suốt trong đó”.
Không dừng ở đó, Báo cáo còn khái quát một cách cô đọng về thế giới quan và phương pháp luận tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới với nội dung chủ yếu về “sáu điều phải kiên trì”: “Phải kiên trì nhân dân là cao nhất, phải kiên trì sự tự tin và tự lập, phải kiên trì tuân theo quy luật và sáng tạo, phải kiên trì nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề, phải kiên trì tư duy hệ thống, phải kiên trì tinh thần về một thế giới chung”.
“Sáu điều phải kiên trì” là sự kế thừa và phát triển thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác. Theo đó, cần nắm vững các khía cạnh sau:
Thứ nhất, kiên trì nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử về sự sáng tạo lịch sử của nhân dân. Điều này đòi hỏi phải kiên trì mục tiêu theo đuổi giá trị của một chính đảng mácxít. Sự theo đuổi giá trị phấn đấu của chính đảng vô sản chính là nhằm để bảo vệ lợi ích của nhân dân, trọng tâm là lợi ích của nhân dân lao động. Tính nhân dân là thuộc tính bản chất của chủ nghĩa Mác, là dấu hiệu cơ bản phân biệt một chính đảng mácxít với các chính đảng khác. Về vấn đề này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: Đảng Cộng sản “tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”(2). Tại Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của C.Mác, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã khái quát một cách cô đọng: “Sự uyên bác của chủ nghĩa Mác, có thể quy về một câu là sự giải phóng nhân loại”.
Đối với ĐCSTQ, sứ mệnh trước hết của Đảng là sự mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc và sự phục hưng dân tộc Trung Hoa. Sở dĩ Đảng luôn gắn bó mật thiết với đông đảo quần chúng nhân dân là bởi Đảng luôn đại diện cho lợi ích cơ bản của nhân dân. Cùng với điều này, lý luận của Đảng sở dĩ giữ được sức sống và được nhân dân thừa nhận là bởi lý luận của Đảng luôn đề cao lập trường nhân dân, kiên trì định hướng giá trị nhân dân là cao nhất.
Từ Đại hội XVIII của ĐCSTQ, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ rõ rằng: “hướng tới một cuộc sống tốt đẹp của nhân dân là mục tiêu của chúng ta”; “nền tảng và sức mạnh của của Đảng nằm trong lòng nhân dân”.
Trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội thời đại mới, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nêu rõ tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, rằng: “Chỉ có kiên định với tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, kiên trì phát triển vì nhân dân, phát triển dựa vào nhân dân và thành quả phát triển do nhân dân cùng hưởng, thì mới có quan điểm đúng đắn về phát triển, hiện đại hóa”. Trong thực tiễn, Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện xây dựng xã hội khá giả toàn diện, chiến thắng đại dịch Covid-19 đã thể hiện đầy đủ việc theo đuổi giá trị nhân dân là cao nhất.
Trong ngoại giao hợp tác, đứng trước chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương mà các nước tư bản phương Tây theo đuổi cũng như nhiều khó khăn trong quản trị xã hội quốc tế, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đề xuất rõ phương án của Trung Quốc nhằm xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại. Đưa ra khái niệm về một cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại, kiên trì và phát huy các giá trị chung của toàn nhân loại, tìm kiếm mẫu số chung lớn nhất của nhân loại, vun đắp mẫu hình quan hệ quốc tế mới… tạo nên sự phát triển hòa bình, phát triển chia sẻ và phát triển bền vững. Theo đó, quan điểm cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại nhằm thể hiện tình cảm thế giới của những người cộng sản Trung Quốc “lấy thế giới làm trách nhiệm của mình”, gánh vác trách nhiệm trong việc phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XX ĐCSTQ làm rõ lập trường chính trị “kiên trì nhân dân là cao nhất” trong tư tưởng về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình, đề ra một cách sáng tỏ thế giới quan và phương pháp luận về “tinh thần về một thế giới chung”, tuyên bố: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc, mưu cầu sự phục hưng cho dân tộc Trung Hoa, cũng như mưu cầu cho sự tiến bộ của nhân loại, và mưu cầu cho một thế giới đại đồng”.
Thứ hai, kiên trì nguyên tắc duy vật biện chứng về tính thống nhất vật chất của thế giới, nguyên tắc đời sống xã hội về bản chất là thực tiễn, nguyên tắc thống nhất biện chứng giữa tính năng động chủ quan và tính quy luật khách quan. Điều này đòi hỏi phải xác lập vững chắc quan điểm cơ bản về “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”, trên cơ sở nắm bắt chính xác các điều kiện cụ thể của Trung Quốc, tình hình của Đảng và tình hình thế giới để thực hiện kết hợp hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn.
Kể từ Đại hội XVIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã luôn giữ vững các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong thực tiễn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và căn cứ theo sự biến đổi về phương hướng phát triển của Trung Quốc thời đại mới để đưa ra quan điểm quan trọng về CNXH đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới. Đồng thời, kết hợp với phương hướng mới và yêu cầu mới về sự phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc thời đại mới, ĐCSTQ đề ra những quan điểm phát triển mới và đưa ra những nhận định tư tưởng mới cho việc thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị quốc gia cũng như việc thúc đẩy cải cách cơ cấu phía nguồn cung, thể hiện rõ nét sự tự giác và chủ động mang tính lịch sử trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới phải “kiên định chính xác những biến đổi của môi trường quốc tế và trong nước, phân tích một cách biện chứng đặc trưng mang tính giai đoạn của sự phát triển kinh tế nước ta”, “kiên định việc hoạch định chính sách và đẩy mạnh công tác xuất phát từ thực tế khách quan”; trong quá trình cải cách sâu rộng toàn diện, “trong giải quyết mọi công việc phải kiên trì xuất phát từ thực tế và căn cứ theo quy luật khách quan”, “xử lý mối quan hệ giữa tôn trọng quy luật khách quan và phát huy tính năng động chủ quan”, v.v. Chính vì vậy, Báo cáo chính trị tại Đại hội XX ĐCSTQ đã làm rõ về thế giới quan và phương pháp luận “phải kiên định tự tin, tự lập”, “phải kiên định liêm chính đổi mới” và “phải kiên định nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề”. |
Kể từ cải cách, mở cửa, ĐCSTQ đã vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để hình thành hai học thuyết hạt nhân lớn: học thuyết về giai đoạn đầu của CNXH và học thuyết về kinh tế thị trường XHCN; đồng thời, vận dụng phép biện chứng của chủ nghĩa Mác để giải quyết một cách khoa học mối quan hệ giữa xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần, giữa bốn nguyên tắc cơ bản (phải kiên trì đường lối XHCN; phải kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân; phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng; phải kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông) và quan hệ giữa cải cách và mở cửa, giữa giàu trước và cùng giàu, giữa kế hoạch và thị trường; tích cực thúc đẩy tiến trình phát triển cải cách, mở cửa và thực hiện sự biến đổi lịch sử phát triển nhảy vọt theo mô hình Trung Quốc. |
Thứ ba, kiên trì những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về cấu trúc mâu thuẫn xã hội loài người và tính chỉnh thể hữu cơ của xã hội. Điều này đòi hỏi phải hết sức coi trọng và phát huy hiệu quả phương pháp phân tích mâu thuẫn xã hội và phương pháp phân tích hệ thống. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, mâu thuẫn tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc, nên khi phân tích, xử lý các mâu thuẫn xã hội phải có sự nhận thức tổng thể và phải có tư duy hệ thống.
Vì xã hội là một hệ thống phức tạp của các mâu thuẫn, có mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, có mâu thuẫn giữa con người với xã hội, có mâu thuẫn giữa con người với con người, có mâu thuẫn giữa các tiểu hệ thống về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội khác; sự tồn tại mâu thuẫn các giai cấp, các giai tầng, các nhóm lợi ích; sự tồn tại mâu thuẫn giữa nhà nước với các đơn vị và các cá nhân…, nên khi phân tích mâu thuẫn xã hội phải kiên trì tư duy hệ thống và chú trọng tính quy hoạch tổng thể.
Ngược lại, nếu chỉ chú ý xem xét các yếu tố riêng lẻ thì sẽ nảy sinh tính phiến diện “thấy cây mà không thấy rừng”. Về vấn đề này, V.I.Lênin đã từng chỉ rõ: “Phương pháp biện chứng là phương pháp bắt buộc người ta phải coi xã hội là một cơ thể sống, đang hoạt động và phát triển”(3). Từ Đại hội XVIII ĐCSTQ đến nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh việc kiên trì tính quan trọng của tư duy hệ thống.
Tháng 12/2012, phát biểu tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “tăng cường tính hệ thống, tính chỉnh thể và sức mạnh phối hợp của cải cách”.
Trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề dành cho những nhân sĩ ngoài Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tổ chức (tháng 11/2013), Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Cải cách sâu rộng toàn diện là một công trình có hệ thống phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường thiết kế từ đỉnh chóp và lập kế hoạch tổng thể, đồng thời tăng cường nghiên cứu về tính liên quan, tính hệ thống và tính khả thi của cải cách”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị học tập tập thể lần thứ 20 của Bộ Chính trị khóa XVIII (tháng 01/2015), Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Đối mặt với tình hình phức tạp và nhiệm vụ nặng nề, trước tiên phải có quan điểm toàn cục, để nắm rõ được các loại mâu thuẫn”.
Trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Trung ương ĐCSTQ phối hợp đẩy mạnh bố cục tổng thể “năm trong một” và phối hợp đẩy mạnh bố cục chiến lược “bốn toàn diện”, thể hiện rõ ý thức chỉnh thể, tư duy hệ thống và biện chứng. Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện cải cách sâu rộng toàn diện, mở rộng mở cửa, coi trọng việc vận dụng tư duy hệ thống để hoạch định toàn cục, nắm bắt chính xác phương hướng, đường lối chủ đạo và trọng điểm của cải cách; không chỉ tập trung nắm tốt được những vấn đề hiện tại, mà còn chú trọng đến việc quy hoạch dài hạn để đạt được sự phối hợp giữa toàn cục và cục bộ, kết hợp giữa giải quyết phần ngọn với giải quyết tận gốc, kết nối giữa tiệm tiến và đột phá, làm cho các biện pháp cải cách khác nhau được liên kết và phối hợp một cách hữu cơ với nhau.
Chính vì vậy, Báo cáo chính trị tại Đại hội XX đã kết hợp đưa sự “kiên trì tư duy hệ thống” vào thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, nhấn mạnh rằng việc xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc phải “nắm bắt tốt các mối quan hệ giữa toàn cục với cục bộ, giữa trước mắt và lâu dài, giữa vĩ mô và vi mô, giữa mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu, cái riêng và cái chung”. Thế giới quan và phương pháp luận trong tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của tư tưởng Tập Cận Bình được hình thành trên cơ sở kiên định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc; là thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Trung Quốc hóa, cũng như thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác thế kỷ XXI; là phép báu để quan sát thời đại, nắm bắt thời đại, giải quyết các vấn đề thời đại, thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
2. Dùng những nguyên lý kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác để đi sâu nhận thức về sự phát triển sáng tạo của học thuyết kinh tế chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Bộ Tư bản là đại biểu cho kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác, qua việc phân tích những hiện tượng kinh tế rắc rối, phức tạp của CNTB, nó đã vạch rõ bản chất của chế độ kinh tế và các hiện tượng kinh tế TBCN, đồng thời với cơ chế vận hành và quy luật khách quan của nền đại sản xuất xã hội hoá và kinh tế thị trường, hướng tới hình thái kinh tế của xã hội tương lai, do đó cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn khoa học và các nguyên tắc quan trọng để nhận thức các hiện tượng kinh tế phức tạp khác nhau trong các điều kiện của chế độ kinh tế cơ bản của CNXH.
Kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác cho rằng, khi con người sản xuất ra tư liệu vật chất thì tất yếu phải có hai mối quan hệ: một là, quan hệ giữa con người với tự nhiên, đây là phạm trù lực lượng sản xuất xã hội; hai là, quan hệ giữa con người với nhau, tức là phạm trù quan hệ sản xuất xã hội hoặc phạm trù quan hệ kinh tế. Phương thức sản xuất xã hội - với tư cách là phạm trù nghiên cứu của kinh tế chính trị học - là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất. Trong đó, quan hệ sản xuất bao hàm sự tổng hòa các mối quan hệ lẫn nhau diễn ra trong bốn mắt khâu của sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng trong quá trình sản xuất xã hội.
Trong chỉnh thể thống nhất của quan hệ sản xuất, quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, tức là quan hệ sở hữu giữa người với người, có một vị trí cực kỳ quan trọng. Chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất quyết định cách thức kết hợp giữa người lao động và tư liệu sản xuất, quyết định địa vị của con người trong sản xuất và các quan hệ giữa họ với nhau, quyết định quan hệ phân phối, trao đổi và tiêu dùng giữa con người với nhau, do đó quyết định tính chất của quan hệ sản xuất. Vì vậy, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất là cơ sở của quan hệ sản xuất.
C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất TBCN quyết định mối quan hệ giữa tư bản tư nhân bóc lột lao động làm thuê, nghĩa là nhà tư bản sở hữu kết quả sản xuất, trong khi những người lao động làm thuê chỉ có thể tồn tại dựa vào việc bán sức lao động của mình. Mục đích cuối cùng của nền sản xuất hàng hóa TBCN là bóc lột giá trị thặng dư do công nhân tạo ra.
Trong hệ thống kinh tế TBCN, tích lũy tư bản tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc, cũng như khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính do sản xuất thừa tương đối. Những mâu thuẫn cơ bản của CNTB sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng gay gắt cùng với quá trình xã hội hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế ngày càng sâu rộng và kết quả cuối cùng tất yếu là CNXH sẽ thay thế CNTB.
Dựa trên các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã miêu tả về các đặc trưng của hệ thống kinh tế của xã hội tương lai dựa trên sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất:
Một là, mục đích của nền sản xuất XHCN là thỏa mãn những nhu cầu tồn tại, hưởng thụ và phát triển của con người. Mục đích của sản xuất với tư cách là phạm trù kinh tế phản ánh bản chất của sản xuất đã trả lời cho câu hỏi tại sao việc tiến hành sản xuất là vì lợi ích vật chất của con người. Bởi vì, bất kỳ nền sản xuất nào cũng luôn được tiến hành theo một quan hệ sản xuất nhất định dựa trên chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, nên lợi ích vật chất của con người trong một xã hội hay một phương thức sản xuất không phải do quan hệ giữa con người với tự nhiên quyết định, cũng không phải do ý muốn chủ quan của con người quyết định, mà do bản chất của mối quan hệ lợi ích vật chất giữa người với người quyết định.
Trong phương thức sản xuất TBCN, nhà tư bản chiếm hữu tư liệu sản xuất, còn người lao động thì tách khỏi tư liệu sản xuất; nhà tư bản thống trị quá trình sản xuất, đồng thời chiếm hữu kết quả của lao động, nền sản xuất tất nhiên phải được tiến hành dựa trên động cơ và ý chí của nhà tư bản.
Trong phương thức sản xuất XHCN, người lao động là người sở hữu tư liệu sản xuất và làm chủ các hoạt động kinh tế và mục đích của nền sản xuất XHCN nhằm thỏa mãn nhu cầu của quần chúng nhân dân.
Hai là, thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, muốn giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, thì sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản phải “tước đoạn lại kẻ bóc lột”, cải tạo chế độ tư hữu TBCN thành chế độ công hữu XHCN. Chế độ công hữu chủ yếu không phải là chế độ xã hội được tưởng tượng ra dựa trên một quan niệm bình đẳng nào đó, mà nó là sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội đến một trình độ nhất định và những quan hệ kinh tế của nền đại sản xuất xã hội hóa đòi hỏi.
Vì vậy, xã hội XHCN là “một xã hội tổ chức theo nguyên tắc của chủ nghĩa tập thể”(4), một xã hội “tổ chức sản xuất trên cơ sở sở hữu chung trước hết của từng dân tộc đối với tất cả tư liệu sản xuất”(5).
Ba là, xã hội tương lai sẽ thực hiện nền sản xuất có kế hoạch. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, để khắc phục tình trạng vô chính phủ và mất cân đối trong nền sản xuất TBCN, sẽ thực hiện việc tổ chức và điều tiết có kế hoạch nền sản xuất XHCN trong toàn xã hội.
Bốn là, thực hiện chế độ phân phối theo lao động. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, phương thức sản xuất TBCN thực hiện phân phối theo tư bản, theo đó các giai cấp bóc lột khác nhau dựa trên quyền sở hữu tư liệu sản xuất theo số lượng để phân chia giá trị thặng dư do công nhân làm thuê tạo ra, còn người lao động chỉ dựa vào việc bán đi một thứ hàng hóa đặc biệt là sức lao động, trong đó dựa theo tình trạng sử dụng sức lao động khác nhau để thu lại một phần giá trị mà lao động của mình đã tạo ra, giá trị được tạo ra của phần lao động tất yếu này biểu hiện là tiền lương hoặc là hình thức chuyển hóa của giá cả sức lao động. Trong điều kiện của phương thức sản xuất XHCN, người lao động trở thành người làm chủ về tư liệu sản xuất và làm chủ đất nước, chế độ phân phối xã hội thực hiện phân phối theo lao động.
Ý tưởng khoa học về kinh tế và xã hội tương lai của C.Mác và Ph.Ăngghen đã cung cấp cơ sở lý luận quan trọng cho việc thiết lập chế độ kinh tế XHCN. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những gì mà C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra là những nguyên tắc và ý tưởng tổng thể về kinh tế và xã hội tương lai, một dự kiến mang tính khoa học dựa trên xu thế chung của sự phát triển kinh tế và xã hội, chứ không phải là một bản kế hoạch chi tiết cho từng thời kỳ và giai đoạn phát triển của xã hội tương lai. Những ý tưởng khoa học của các ông phải được kiên trì về nguyên tắc và tinh thần, mà thể chế và cơ chế kinh tế cụ thể cần và phải được cụ thể hóa theo các điều kiện lịch sử khác nhau cũng như nhu cầu thực tế của mỗi quốc gia.
Kể từ Đại hội XVIII của ĐCSTQ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân, đã thực hiện một loạt các khám phá mang tính sáng tạo mới về xây dựng nền kinh tế XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, để hình thành một loạt nhận thức mới, tư tưởng mới và quan điểm mới được thể hiện tập trung trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XX. Cụ thể chủ yếu có các khía cạnh sau.
Thứ nhất, kiên trì theo đuổi giá trị của chủ nghĩa Mác về thực hiện sự phát triển tự do và toàn diện của con người, thực hiện tư tưởng phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới lấy nhân dân làm trung tâm. C.Mác và Ph.Ăngghen phê phán chế độ tư bản lấy tư bản làm trung tâm, nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của hiệp hội những người tự do trong xã hội tương lai.
Từ Đại hội XVIII của ĐCSTQ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân với sự phát triển mất cân đối và không đầy đủ. Theo phương châm cơ bản về sự phát triển kinh tế và xã hội dựa trên việc “lấy nhân dân làm trung tâm” mà không phải là “lấy tư bản làm trung tâm” để không ngừng đi sâu sáng tạo lý luận và tìm tòi thực tiễn việc “lấy nhân dân làm trung tâm”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XX đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng để giành được những thành tựu của thời đại mới chính là việc “đã quán triệt sâu sắc tư tưởng lấy nhân dân làm trung tâm”, đồng thời nhấn mạnh, cùng với xây dựng toàn diện đất nước XHCN hiện đại, phải “kiên trì với tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm” và “nhân dân là cao nhất”. Điều này đã thể hiện niềm tin lý tưởng, tôn chỉ bản chất, sứ mệnh ban đầu của ĐCSTQ; vừa có lợi cho việc bảo đảm bản chất của chế độ kinh tế và phương hướng phát triển đúng đắn một cách cơ bản của CNXH, vừa có lợi cho việc đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh và hài hòa nền kinh tế quốc dân, bảo đảm cho nhân dân được hưởng thụ những thành quả phát triển kinh tế, cũng như thể hiện ở việc đã kế thừa và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác về mâu thuẫn chủ yếu của xã hội và mưu cầu lợi ích cho nhân dân.
Thứ hai, kiên trì bản chất tinh thần của học thuyết sở hữu của chủ nghĩa Mác và hoàn thiện lý luận về chế độ sở hữu XHCN. Kể từ khi thành lập cách đây 100 năm, ĐCSTQ đã vận dụng sáng tạo lý luận về chế độ sở hữu của chủ nghĩa Mác trong thực tiễn thúc đẩy cách mạng, xây dựng và cải cách của Trung Quốc. Đặc biệt là, kể từ khi cải cách và mở cửa, ĐCSTQ đã căn cứ vào thực tiễn xây dựng kinh tế của CNXH đặc sắc Trung Quốc, từng bước hình thành nên chế độ sở hữu, trong đó công hữu làm chủ thể và cùng tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XX chỉ ra phải kiên định và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản của CNXH: “không chút dao động trong việc củng cố và phát triển nền kinh tế của chế độ công hữu, khuyến khích, ủng hộ, hướng dẫn sự phát triển kinh tế của nền kinh tế phi công hữu”, đặc biệt phải “đẩy nhanh ưu hóa bố cục và điều chỉnh cơ cấu sở hữu kinh tế nhà nước, thúc đẩy làm lớn, làm mạnh, làm xuất sắc các doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tập thể nông thôn mô hình mới”, ưu hóa môi trường phát triển của doanh nghiệp dân doanh, bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp dân doanh theo pháp luật, thúc đẩy doanh nghiệp dân doanh phát triển lớn mạnh…
Những đánh giá về yêu cầu phát triển chế độ sở hữu XHCN cũng như những thành quả lý luận và thực tiễn về kinh tế của Đảng kể từ cải cách, mở cửa là sự kế thừa, bổ sung lẫn nhau, làm nổi bật những yêu cầu về thời đại mới phải đồng thời đẩy mạnh làm lớn, làm mạnh, làm xuất sắc của các doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước, làm cho lý luận về chế độ sở hữu của chủ nghĩa Mác được phát huy mạnh mẽ.
Thứ ba, kiên trì bản chất tinh thần của lý luận của chủ nghĩa Mác về điều tiết kinh tế, làm phong phú và phát triển lý luận về kinh tế thị trường XHCN và lý luận điều tiết vĩ mô.
Để đối phó với tình trạng vô chính phủ của nền sản xuất TBCN, C.Mác đã trình bày tư tưởng về nền kinh tế kế hoạch và sự phát triển cân đối XHCN. Kể từ cải cách và mở cửa, ĐCSTQ đã cải cách hệ thống kinh tế kế hoạch hóa truyền thống theo thực tế phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng cơ chế thị trường.
Từ Đại hội XVIII, Trung Quốc đã đi sâu cải cách cơ cấu phía nguồn cung, nhanh chóng thúc đẩy cải cách hệ thống “phân cấp quản lý tinh gọn”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX đã đưa chế độ kinh tế thị trường XHCN vào phạm trù chế độ kinh tế cơ bản của CNXH. Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội XX nhấn mạnh cần tiếp tục “kiên trì định hướng cải cách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kiên trì mở cửa đối ngoại trình độ cao, đẩy nhanh xây dựng bố cục phát triển mới lấy tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau”. Đồng thời, đưa ra phương châm “kết hợp hữu cơ giữa thực thi chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước với đi sâu cải cách cơ cấu coi trọng nguồn cung” một cách biện chứng, nhấn mạnh những yêu cầu về “xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao”, “tạo dựng thị trường lớn thống nhất toàn quốc, đi sâu cải cách thị trường hóa các yếu tố sản xuất, xây dựng hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao”…
Đây không chỉ là sự biến đổi lớn môi trường phát triển trong và ngoài nước cũng như những nhiệm vụ mang sứ mệnh của Đảng trong thời đại mới để đề ra những hành động chiến lược to lớn, mà còn là sự phát triển mới lý luận của chủ nghĩa Mác về thị trường và kế hoạch, về cung và cầu, về thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Thứ tư, kiên trì những yêu cầu về mặt nguyên tắc của lý luận phân phối theo lao động của chủ nghĩa Mác, đồng thời đi sâu nhận thức một cách khoa học về mục tiêu phát triển cùng giàu trong CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Những mâu thuẫn cơ bản của xã hội TBCN đã quyết định đến việc sự phát triển của CNTB tất yếu sẽ dẫn đến sự đối lập giàu nghèo và phân hóa thành hai cực. Một trong những mục tiêu quan trọng của CNXH chính là xóa bỏ sự đối lập giàu nghèo và phân hóa thành hai cực, xây dựng xã hội công bằng, công chính, thực hiện giàu có chung cho toàn thể nhân dân.
Ngay từ thời kỳ đầu cải cách, mở cửa, trên cơ sở đi sâu tổng kết những kinh nghiệm và bài học lịch sử xây dựng hiện đại hóa, một lần nữa ĐCSTQ đã phân tích, làm rõ chủ trương làm giàu trước dẫn dắt làm giàu sau để thực hiện mục tiêu cùng giàu. Kể từ Đại hội XVIII, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã xem xét tình hình cụ thể, kịp thời đưa ra một loạt nhận thức mới, tư tưởng mới và quan điểm mới trong việc thực hiện đường lối cùng giàu cho toàn thể nhân dân. Chẳng hạn, một trong những tư tưởng phát triển mới về mặt lý luận là “cùng hưởng sự phát triển”, còn về mặt thực tiễn, ĐCSTQ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện được mục tiêu xây dựng Đảng 100 năm qua là xóa đói nghèo tuyệt đối, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiếp tục đề ra việc đẩy mạnh “toàn thể nhân dân cùng giàu thu được tiến triển mang tính thực chất rõ nét hơn”.
Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội XX đã đưa cùng giàu vào yêu cầu nội tại về hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc với việc nêu ra quan điểm: “Hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc là hiện đại hóa mà toàn thể nhân dân cùng giàu”, làm rõ: “Chế độ phân phối là chế độ mang tính nền tảng thúc đẩy cùng giàu”. Với những yêu cầu về xây dựng thể chế phân phối cụ thể, không những, không chỉ đề ra việc phải “xây dựng hệ thống cơ chế điều tiết đồng bộ giữa phân phối lần đầu với phân phối lần thứ hai và lần thứ ba”, mà còn đề xuất nhằm vào những yêu cầu đối với “quy phạm về cơ chế tích lũy của cải”, do đó lý luận về phân phối của chủ nghĩa Mác đã được làm phong phú và phát triển một bước./.
(Người dịch: PGS, TS. Nguyễn Minh Hoàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
CÒN NỮA...
_________________
(1) V.I.Lênin (2005): Toàn tập, T.41, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.400.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen (1994): Toàn tập, T.4, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.614.
(3) V.I.Lênin (2005): Toàn tập, T.1, Sđd, tr.232.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, T.19, Sđd, tr.33.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen (1997): Toàn tập, T.37, Sđd, tr.618.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 10/7/2023
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận