(LLCT&TT) Hội nhập quốc tế là quá trình tất yếu khách quan và tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng chống bạo lực gia đình. Việc nhận thức được sự tác động cả tích cực và tiêu cực của hội nhập quốc tế đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay.
1. Quan niệm về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và vai trò của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay
Gia đình là một khái niệm đa nghĩa. Do đó, có nhiều cách định nghĩa nhận diện về gia đình dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ nghiên cứu chính trị - xã hội, “Gia đình là một tế bào xã hội hay một thiết chế xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, chung sống và chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên”(1).
Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhận thức được tầm quan trọng của gia đình, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(2).
Bạo lực gia đình là một trong các hành vi làm băng hoại hệ giá trị của gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 giải thích “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Vì vậy, đấu tranh PCBLGĐ là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Phòng, chống bạo lực gia đình là hành động của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở pháp luật tổ chức các hoạt động trong việc ngăn ngừa, đấu tranh PCBLGĐ; là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện đồng bộ các biện pháp PCBLGĐ, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật hiện hành.
Như vậy, có rất nhiều chủ thể tham gia PCBLGĐ với nhiều phương thức khác nhau trong đó có vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ. Vai trò đó được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau: vai trò của truyền thông đại chúng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về PCBLGĐ; vai trò của truyền thông đại chúng trong phát hiện và bảo vệ các nạn nhân chịu hành vi bạo lực gia đình; vai trò của truyền thông đại chúng trong ngăn ngừa và đấu tranh chống lại bạo lực gia đình.
Hội nhập quốc tế là quá trình gắn kết, liên kết, hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa các quốc gia - vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia - vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh cộng đồng khi giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm.
Tư tưởng mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được hình thành thể hiện nhất quán trong các văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, trong lời kêu gọi Liên hợp quốc (12.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động bày tỏ rất rõ ràng tư tưởng mở cửa hội nhập của nước ta: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”(3).
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, quan hệ quốc tế của nước ta chỉ diễn ra với các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa là chủ yếu. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng bổ sung đường lối đối ngoại theo tinh thần rộng mở và toàn diện. Nhất là từ khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ra Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10.4.2013 về hội nhập quốc tế, quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới và bắt kịp với xu hướng tất yếu của xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác”(4). Trong bối cảnh đó, hội nhập quốc tế ở Việt Nam vừa tác động tích cực vừa tác động tiêu cực đến quá trình phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
2. Tác động tích cực của hội nhập quốc tế đối với quá trình phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam
Hội nhập quốc tế mang lại thời cơ, thuận lợi chung cho sự phát triển của các dân tộc, nhất là các dân tộc đang phát triển và do đó góp phần phát triển truyền thông đại chúng. Hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển xã hội trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Từ hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần mở rộng giao lưu văn hoá Việt Nam với thế giới và mang lại những cơ hội cho sự phát triển về văn hoá, tư tưởng và phát triển khoa học công nghệ - môi trường và những điều kiện mang tính nền tảng cho phát triển báo chí và truyền thông. Đó là thời cơ để phát triển văn hóa truyền thông đại chúng và do đó có điều kiện để phát huy ngày càng có hiệu quả vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất: Hội nhập quốc tế tác động tích cực đến việc tiếp thu những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận được các trang thiết bị truyền thông hiện đại góp phần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Hội nhập quốc tế là môi trường thuận lợi để nước ta tranh thủ được những thành tựu tiến bộ của nhân loại về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Đặc biệt là cơ hội tiếp thu những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật tiến bộ, tiếp nhận và đổi mới trang thiết bị hiện đại, trong đó có trang thiết bị truyền thông. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam. Là nước đi sau, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp nhận công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội nói chung và của truyền thông đại chúng nói riêng. Chính quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, nước ta có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng những thành quả tiến bộ của khoa học và công nghệ mới, trong đó có thành quả trên lĩnh vực truyền thông. Trên cơ sở các trang thiết bị hiện đại đó, quá trình chuyển tải và truyền đạt thông tin về PCBLGĐ sẽ ngày càng có hiệu quả cao hơn.
Thứ hai: Hội nhập quốc tế tác động tích cực đến việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa, tư tưởng tiến bộ của nhân loại về gia đình góp phần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, bên cạnh cơ hội tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật và văn minh nhân loại, hội nhập quốc tế còn tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN Việt Nam có cơ hội tiếp thu những tinh hoa văn hóa, tư tưởng tiến bộ của nhân loại về gia đình như: vai trò của cá nhân trong gia đình, xây dựng kinh tế trong gia đình, mối quan hệ dân chủ trong gia đình… cho quá trình phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam. Đặc biệt là có cơ hội tiếp thu những thành tựu phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế ở các loại nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay (các nước xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, các nước đang lựa chọn con đường phát triển) với mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội để hướng đến “giải phóng con người một cách toàn diện “ - một hệ giá trị của nền tảng tư tưởng cho sự phát triển truyền thông xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới nói chung và truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ nói riêng.
Thứ ba: Hội nhập quốc tế tác động tích cực đến việc nâng cao tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa hệ giá trị gia đình Việt Nam đến bạn bè thế giới góp phần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
Hội nhập quốc tế là môi trường thuận lợi để nước ta có thể vừa tiếp thu vừa đóng góp vào thành tựu phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế của nước ta và tham gia có hiệu quả phân công phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu. Mặt khác, khi tham gia hội nhập quốc tế hiện nay, với sự đổi mới toàn diện của Đảng trong đó có đổi mới trên lĩnh vực văn hóa - xã hội còn là thời cơ để làm mới những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam như tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng, sự khoan dung, độ lượng, sự thủy chung, vai trò của các thành viên trong gia đình…
Trên cơ sở những giá trị truyền thống đó, thông qua quá trình hội nhập quốc tế một mặt sẽ tạo ra những cái mới, tiến bộ, tích cực trong đời sống văn hoá tinh thần, trong lối sống của con người Việt Nam, sự trưởng thành về ý thức và năng lực dân chủ, sự chín muồi cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta, sự quan tâm và giải phóng con người. Mặt khác, sẽ lan tỏa hệ giá trị gia đình Việt Nam đến với các nước trên thế giới thông qua truyền thông đại chúng. Từng bước nâng cao tầm ảnh hưởng của văn hóa truyền thống của đất nước và con người Việt Nam đến thế giới trong đó có phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
Thực tiễn đã chứng minh văn hoá nói chung, văn hóa gia đình nói riêng và truyền thông đại chúng có mối quan hệ khăng khít, biện chứng. Truyền thông đại chúng là bộ phận của văn hoá nhưng truyền thông đại chúng cũng sáng tạo ra và phổ biến văn hoá, lưu truyền văn hoá trong đó có văn hóa gia đình.
Thứ tư: Hội nhập quốc tế tác động tích cực đến việc nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của người làm truyền thông nói chung, của người làm báo nói riêng góp phần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh đến vai trò của người làm báo (người làm truyền thông đại chúng) rằng: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Do vậy, người làm truyền thông đại chúng, người làm báo luôn luôn là lực lượng trực tiếp mang văn hóa Việt Nam đến với nhân loại tiến bộ và ngược lại phổ quát những giá trị của văn hóa nhân loại tiến bộ đến đất nước và con người Việt Nam trong đó có văn hóa gia đình và PCBLGĐ. Vì vậy, quá trình hội nhập quốc tế đã tác động tích cực đến việc nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của người làm báo đến quá trình phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, khát vọng “dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái, xã hội ta là một xã hội văn hoá cao” sẽ trở thành hiện thực. Trong xã hội đó, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, không có bạo lực gia đình. Đây thực sự là thời cơ phát triển, không chỉ phát triển kinh tế mà còn là phát triển xã hội, văn hoá, con người Việt Nam để chuyển mình trên con đường xây dựng một xã hội Việt Nam hiện đại, văn minh, tiến kịp với các nước trong cộng đồng khu vực và thế giới thông qua vai trò của các nhà báo và tầm ảnh hưởng của họ đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
3. Tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đối với quá trình phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam
Hội nhập quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay tác động đến từng con người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực truyền thông đại chúng và PCBLGĐ. Cũng như các lĩnh vực khác, hội nhập quốc tế đã mang lại cơ hội cho lĩnh vực truyền thông và những người làm công tác truyền thông. Họ có điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Đặc biệt, việc thu hẹp dần khoảng cách về trình độ công nghệ thông tin giữa các nước trên thế giới, việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại đã giúp cho lĩnh vực truyền thông nước nhà có được những bước tiến dài trong tiến trình tự động hoá truyền thông. Tuy nhiên, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế cũng mang lại cho ngành truyền thông Việt Nam nhiều thách thức và những tác động tiêu cực đáng lo ngại. Cùng với những thách thức kinh tế, chính trị, xã hội, hội nhập quốc tế còn tạo ra những thách thức và tác động tiêu cực đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ.
Thứ nhất: Trong hội nhập quốc tế sự chênh lệch, phụ thuộc về trình độ khoa học công nghệ và vận hành các trang thiết bị truyền thông giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ tác động tiêu cực đến vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Trước đây, với hệ thống truyền thông truyền thống, các hoạt động nghiệp vụ của ngành truyền thông trong một quốc gia nói riêng và giữa các quốc gia nói chung có nhiều cách thức vận hành khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của nó để phục vụ công chúng… Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, không có và không thể có một quốc gia nào đứng độc lập hay hoàn toàn tách biệt khỏi với thế giới bên ngoài mà phải gắn kết nhau, có nhiều công đoạn, qui trình, cách thức buộc phải phụ thuộc lẫn nhau trong đó có lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bởi vậy, trong xu thế hội nhập, để tránh lạc hậu, các cơ quan thông tin và truyền thông ở Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu và triển khai các công nghệ, kỹ thuật và các chuẩn nghiệp vụ mới mà các chuyên gia của các nước phát triển đã nghiên cứu và phổ biến. Chính điều này đã làm cho ngành truyền thông Việt Nam hoà nhập theo sự phát triển của ngành trên thế giới. Song cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại cho cơ quan truyền thông ở các quốc gia dân tộc là không đồng đều như nhau. Quốc gia nào có quan hệ hợp tác tốt và nhiều dự án thì sẽ có những bước tiến rất nhanh trong việc phát triển công nghệ thông tin, xây dựng nguồn lực, đào tạo cán bộ,...
Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, truyền thông Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn truyền thông lớn ở các nước tư bản. Ở Việt Nam, ngoài một số đơn vị truyền thông của nhà nước, nhiều đơn vị truyền thông nhỏ lẻ khác đang thực sự lúng túng trong vấn đề định hướng phát triển, trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới, phần mềm truyền thông, các chuẩn xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin - cơ sở tạo nên sự phát triển của truyền thông hiện đại.
Có thể thấy, hiện nay, với việc kiểm soát một hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng khổng lồ chi phối hơn 90% lượng thông tin toàn cầu và 70% nội dung chương trình được chuyển tải trên mạng Internet, Mỹ và các nước phương Tây là những quốc gia thống trị trên lĩnh vực thông tin và truyền thông toàn cầu. Sự chệnh lệch rất lớn về khả năng nắm giữ thông tin và truyền thông sẽ dễ dẫn đến khả năng các nước này áp đặt các giá trị văn hóa, tư tưởng đối với nước khác trong đó các văn hóa gia đình. Và vì vậy, đây là hạn chế trong phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thông nói chung và phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam nói riêng.
Thứ hai: Trong hội nhập quốc tế, sự bùng nổ và hỗn loạn thông tin trong thế giới thông tin đa chiều, thông tin giả, thông tin ảo, thông tin sai lệch…đã tác động tiêu cực đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Thông qua toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh sự phát triển và bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, đã tạo điều kiện cho các quốc gia dân tộc trên thế giới đều có cơ hội được tiếp nhận thông tin đa chiều với tốc độ nhanh nhất. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để các nước lớn, các thế lực xấu, các thế lực thù địch đã lợi dụng thông tin và truyền thông như là công cụ, phương tiện lợi hại để phát tán các thông tin giả, xấu độc, sai lệch, xuyên tạc các giá trị văn hóa, tư tưởng của các quốc gia dân tộc, nhất là đối với các nước đi lên Chủ nghĩa xã hội như Việt Nam. Với sức mạnh của truyền thông đại chúng trong hội nhập quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch có thể dễ dàng tung tin bịa đặt, đổi trắng thay đen, lừa gạt quần chúng, tiến hành xâm nhập về tư tưởng, làm ly tán nhân tâm và khai thác các bí mật quốc gia trong nội bộ nước ta để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Bên cạnh đó, với sự phát triển rất nhanh chóng của mạng thông tin toàn cầu, nhất là điện thoại di động, Internet và các phương tiện truyền thông khác cho phép các thế lực thù địch dễ dàng tăng cường các hoạt động tuyên truyền hệ tư tưởng tư sản và lối sống tư sản vào Việt Nam và tăng cường chống phá chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều đó cũng không tránh khỏi bị lợi dụng để cổ súy bạo lực gia đình, xuyên tạc, làm sai lệch hệ thống pháp luật về PCBLGĐ, gây mất an ninh trật tự và ổn định xã hội.
Mặt khác, với sự tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng dễ dàng như hiện nay thì thông tin trong nước dễ dàng và nhanh chóng bị phát tán ra bên ngoài, thông tin bên ngoài thì dễ dàng xâm nhập vào bên trong tạo thành một vòng tròn khép kín mà chúng ta rất khó kiểm soát, nhất là đối với những thông tin sai lệch về bạo lực gia đình trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các cuộc xâm nhập, tiến công từ bên ngoài và sự móc nối từ bên trong bằng thủ đoạn thông tin chính trị tư tưởng qua Internet và các phương tiện khác sẽ ngày càng phức tạp nên chúng ta khó ngăn chặn kịp thời khi mà một số kẻ lợi dụng tác động tiêu cực của bạo lực gia đình.
Thứ ba: Trong hội nhập quốc tế, đối với các quốc gia đang phát triển, các nước nhỏ nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa gia đình do truyền thông văn hóa của các nước lớn xâm lấn ào ạt sẽ tác động tiêu cực đến vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay.
Cùng với toàn cầu hoá về ngôn ngữ, về văn hoá, về lối sống là toàn cầu hóa về quan niệm giá trị, về hệ tư tưởng, trong đó có quan niệm về văn hóa gia đình và PCBLGĐ. Đây là đòn tiến công mạnh mẽ của văn hoá và hệ tư tưởng bên ngoài đối với văn hoá dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở các nước chậm phát triển đang lựa chọn con đường phát triển, cũng như các nước đang định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự rối loạn văn hoá tinh thần và sự rạn nứt quan niệm giá trị toàn cầu nổ ra cùng một lúc với hàng loạt các hiện tượng phạm tội xã hội mới như nghiện hút, buôn bán ma tuý, buôn lậu, tham nhũng, cướp giật, án mạng, bạo lực kết hợp với sự lan tràn của các loại tà giáo và thế lực xã hội đen, càng làm tăng sự rối ren đe doạ sự ổn định và an ninh xã hội, trong đó có sự bình an của gia đình.
Mặt khác, sự giao lưu văn hóa - giáo dục trong thời đại hội nhập quốc tế còn là cơ hội tốt để các thế lực đế quốc tiếp nhận, tác động, làm biến chất các lưu học sinh của nước ta, từ đó “ươm mầm hạt giống tự do”, làm phai nhạt các giá trị của gia đình truyền thống, cổ vũ, tuyệt đối hóa cho các loại gia đình thực dụng, gia đình “cá thể”... Chúng còn tài trợ cho các hội thảo quốc tế để tuyên truyền các quan điểm giá trị phương Tây nhằm thúc đẩy tiến trình “dân chủ hóa” ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế, văn hoá dân tộc, văn hoá truyền thống gia đình bị xói mòn ở những mức độ khác nhau mà nghiêm trọng nhất là khi văn hoá chính trị, ý thức hệ phương Tây du nhập ngày càng nhiều, thách thức an ninh chính trị của nhiều quốc gia trong đó có ảnh hưởng đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đối với việc bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Điều này càng bị lợi dụng khi xu hướng bạo lực gia đình ở nước ta vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Trước tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ, truyền thông đại chúng của các nước đang phát triển, các nước đang phát triển như Việt Nam đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng sức đề kháng trước sự xâm lấn ào ạt của văn hóa bên ngoài để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình và các hành vi bạo lực trong gia đình.
Nhằm phát huy sự tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ ở Việt Nam, trước tiên đòi hỏi Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các cơ quan truyền thông, Hội Phụ nữ cần phải nhận thức được tác động của hội nhập quốc tế đến vai trò của truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ; hai là, các Bộ, ban, ngành có liên quan cần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh công tác PCBLGĐ trong thời kỳ hội nhập quốc hiện nay; ba là, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về PCBLGĐ, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ; bốn là, tăng thời lượng, tần suất truyền thông về PCBLGĐ, nhất là các điểm nóng về bạo lực gia đình; năm là, kịp thời biểu dương và tuyên truyền những tấm gương điển hình có đóng góp tích cực cho công tác PCBLGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng; sáu là, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo về công tác PCBLGĐ; bảy là, đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại cho công tác truyền thông nói chung và truyền thông đại chúng trong PCBLGĐ thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay. /.
_____________________________________________
(1) Đỗ Công Tuấn (2012), Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. Chính trị - hành chính, H., tr.387-388.
(2), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam(2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr.143; 164.
(3) Hồ Chí Minh (1995): Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, T.4, tr.470.
Bình luận