Tiếp tục thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ
1. Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh và gia đình liệt sĩ
Trong trái tim nặng tình ân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, gia đình liệt sĩ, Người bộc bạch, chia sẻ một cách hết sức thiêng liêng: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”(1).
Ghi nhận, đánh giá cao sự hy sinh, công lao to lớn của thương binh, tử sĩ và gia đình của họ, Hồ Chí Minh khẳng định, máu đào của thương binh, tử sĩ đã góp phần tô thắm thêm lá cờ cách mạng của dân tộc ta. Chính sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã mang lại cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do. Đồng thời, Người cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những mất mát, thiệt thòi của thương binh, tử sĩ và gia đình họ, nhất là khi trở về với cuộc sống đời thường. Người trăn trở khi phải chứng kiến cảnh ngộ: “Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ. Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hóa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ”(2). Do vậy, Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng anh dũng hy sinh ngoài chiến trường, Người vô cùng đau xót, viết thư chia buồn gửi tới gia đình với tất cả tấm lòng: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam… Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”(3).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gẫy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là một sự hy sinh tuyệt đối. Đồng bào biết rằng: Các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộcgồm cả gia đình của mỗi đồng bào”(4). Từ nhận thức sâu sắc đó, Người mong muốn đồng bào ta phải trân trọng, biết ơn và giúp đỡ anh, chị, em thương binh, gia đình tử sĩ, những người có công với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Trên cương vị Chủ tịch nước, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhận những mất mát, hy sinh lớn lao của những thương binh, tử sĩ, ngày 16.2.1947, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất đối với thương binh, tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền móng cho việc hoạch định, thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ ở nước ta. Sau đó bốn tháng, Người tiếp tục yêu cầu chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để toàn thể đồng bào, nhân dân ta bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, những người có công với Tổ quốc.
Tại Hội nghị trù bị họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên), đại biểu các các cơ quan, ban ngành ở Trung ương, khối, tỉnh đã bàn bạc, thống nhất lấy ngày 27.7.1947 làm “Ngày Thương binh liệt sĩ” đầu tiên. Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 hằng năm đã trở thành Ngày Thương binh liệt sĩ.
Cứ mỗi dịp 27 tháng 7 hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân hoặc gửi thư tới người phụ trách công tác thương binh, liệt sĩ, tới các bệnh viện, các thương binh, gia đình liệt sĩ. Người kêu gọi cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, thực hiện nghiêm túc chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, chăm lo để bảo đảm cho họ được “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”; nhắc nhở nhân dân ta tỏ lòng hiếu nghĩa, cảm thông, chia sẻ với thương binh và gia đình tử sĩ, người có công với Tổ quốc; ân cần động viên anh, chị, em thương binh phấn đấu để trở thành những tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống đời thường, “tàn nhưng không phế”, tiếp tục hăng hái đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu phương châm chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng: “Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm, thì anh em nhất định dần dần tự túc được”(5). Theo đó, chính sách của Chính phủ có vai trò chủ đạo, là đòn bẩy thúc đẩy các phong trào đền ơn đáp nghĩa của các tầng lớp nhân dân giữ vai trò quan trọng, thiết thực. Bản thân thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng có vai trò quyết định trực tiếp trong việc phấn đấu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của họ.
Người cũng đã đề ra và phát động các phong trào để kêu gọi nhân dân giúp đỡ, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, như phong trào “Đón thương binh về làng” tháng 7.1951 với mục đích, yêu cầu Đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương và nhân dân giúp đỡ thương binh, ưu tiên thương binh làm những công việc phù hợp với khả năng để mỗi người có thể tự sinh sống, hòa nhập với cộng đồng…
Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, kịp thời biểu dương, cổ vũ những cá nhân, tập thể có thành tích trong công việc giúp đỡ, chia sẻ với thương binh, gia đình tử sĩ. Bản thân Người luôn quan tâm, gương mẫu thực hiện việc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng thông qua những hành động cụ thể, thiết thực, từ tiết kiệm tiền lương, tiền nhuận bút, thậm chí là nhịn ăn...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo ngợi ca, biểu dương những tấm gương liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, cho nhân dân như các anh hùng: Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Ca ngợi sự hy sinh quên mình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, đó là những lãnh tụ Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ… Khen ngợi các thương binh có nhiều thành tích trong học tập, tăng gia sản xuất, trở thành các chiến sĩ tiên phong trên các mặt trận, như các anh Trần Chút ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hơn người miền Nam công tác ở Nghệ An, Phạm Văn Tiêm ở nông trường Đông Hiếu, v.v..
Trong những dịp lễ, tết, Người thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ, ghi nhận, biểu dương những công lao, đóng góp của họ, khuyến khích họ lạc quan, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng cuộc sống mới; giữ vững truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quân đội cách mạng; giữ vững kỷ luật, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh, em thương binh với nhau, giữa các đồng chí thương binh với các cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc họ và với đồng bào địa phương. Nhắc nhở họ không nên công thần, ỷ lại, tiêu cực hoặc yêu cầu nhân dân quá đáng, mà phải gắn bó với nhân dân, chủ động, tích cực trong công tác, cuộc sống hằng ngày; tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên.
Mỗi lời kêu gọi, bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là những hành động thiết thực của Người đã cho thấy một tinh thần thấu hiểu, thấu cảm sâu sắc đến đời sống của thương binh, gia đình tử sĩ và những người có công với cách mạng. Qua đó, Người mong muốn đồng bào, chính quyền các địa phương sẵn sàng trợ giúp thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với Tổ quốc thông qua những hành động cụ thể, hiệu quả trong cả lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Theo Người, Đảng, Nhà nước, Đoàn thể phải chấp hành, thực hiện một cách chu đáo các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Bằng tấm lòng nhân ái cao cả, một tâm hồn và trái tim luôn “yêu thương hết thảy chỉ quên mình”, trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Người thiết tha nhắn gửi và căn dặn những điều hệ trọng đối với cách mạng Việt Nam, trong đó, đầu tiên là “công việc với con người”, đặc biệt là: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””(6).
Người cũng không quên căn dặn, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quan tâm, chú trọng việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(7). Và, “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(8).
Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, họ đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch để chăm lo, bồi dưỡng và đào tạo nghề cho họ, giúp họ trở thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(9).
2. Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với cách mạng
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác thương binh, liệt sĩ. Trong thực tế, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng, thể hiện sự công bằng, tôn vinh những cống hiến và tiến bộ xã hội.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ các công trình, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được nhân dân, xã hội đồng lòng, hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng từng bước được cải thiện; các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã giữ vững bản lĩnh, ý chí vươn lên và tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách ưu tiên nguồn lực để trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, gia đình những người có công với cách mạng ngày càng có chiều sâu, thiết thực, hướng đến giải quyết các vấn đề khó khăn, còn tồn đọng ở các thời kỳ trước để lại. Chế độ trợ cấp ưu đãi, các chế độ hỗ trợ khác đối với người có công, gia đình chính sách được triển khai thực hiện khá đồng bộ, điều đó thể hiện qua các chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công với cách mạng...
Bên cạnh đó, các cơ sở, đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, tu sửa, kịp thời đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Nhiều xã, phường đã làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những hình thức phong phú, thiết thực đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội với các hoạt động tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng ngày càng được quan tâm, chú trọng, từ đó kêu gọi, huy động các nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước chung sức, đồng lòng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”(10).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế. Đó là: một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận; số lượng liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc kêu gọi, huy động, bố trí, sử dụng các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; vẫn còn có những nghĩa trang, công trình Tổ quốc ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo kịp thời; đời sống của một bộ phận gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng còn khó khăn, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tình trạng làm giả, khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn, gây bức xúc trong xã hội…
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên về di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những định hướng của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ chưa thật đầy đủ và sâu sắc, do đó, việc vận dụng, tổ chức thực hiện trong thực tiễn chưa đạt hiệu quả cao. Hệ thống pháp luật, chính sách, quy định, hướng dẫn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công vẫn còn những bất cập, chưa thật đầy đủ, rõ ràng. Công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng chưa thường xuyên; việc phát hiện sai sót và xử lý các vi phạm có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, chưa triệt để.
Từ di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng và quan điểm, định hướng của Đảng ta, trong thời gian tới, để công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách đối với những người có công ngày càng được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, các cấp ủy đảng cần nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và những người có công với cách mạng; cần nhận thức và xác định rõ việc chăm lo, thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hai là, coi trọng hơn nữa việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27.5.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc công nhận người có công với cách mạng; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15.5.2013 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; thực hiện nghiêm Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9.12.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về Ưu đãi người có công với cách mạng; rà soát, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện pháp luật, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, cần kết hợp tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tôn tạo, tu bổ, chỉnh trang các phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang, các công trình ghi công liệt sĩ; tiếp tục quan tâm hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Ba là, chú trọng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; huy động các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, với các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thường xuyên quan tâm, khích lệ, tôn vinh, biểu dương các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề có liên quan, bảo đảm quyền lợi của thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng./.
__________________________________________
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.579, 579-580, 49.
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.335, 456.
(6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.616, 616, 616, 617.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.148-149.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 26.7.2022
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận