Toả sáng nhân cách Hồ Chí Minh
Nụ cười của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trên bức tường “Những người làm nên thế kỷ XX” giữa thành phố Pari hoa lệ của nước Pháp, giữa bao nhà văn hóa lớn, những vĩ nhân của nhân loại. Nụ cười của Người luôn rạng ngời tin tưởng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam trên con đường vượt qua bao thác ghềnh đến bến bờ độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Và, “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”(1).
Người, tuy đã về với thế giới người hiền “nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới” và “cuộc chiến đấu của Người là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh”(2). Người đã đi vào lịch sử hiện đại, là người “chiến sỹ cống hiến không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, một nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa… Một nhân cách hoàn hảo với những phẩm chất vừa phi thường, vừa bình dị”(3). Vì vậy, nghiên cứu và học tập nhân cách Hồ Chí Minh luôn được các dân tộc tiến bộ trên thế giới nói chung, Đảng và Nhân dân Việt Nam nói riêng đặc biệt quan tâm.
1. Nhân cách Hồ Chí Minh là địa hạt nghiên cứu khó
Giáo sư Trần Văn Giàu là một trong những người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh. Theo Giáo sư, nhân cách Hồ Chí Minh được kết tụ trong 7 điểm cơ bản: Ưu tiên đạo đức; tận tụy quên mình; kiên trì, bất khuất; khiêm tốn, giản dị; hài hòa, kết hợp; thương quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên(4). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm. Ông đã nghiên cứu và viết rất nhiều các công trình khoa học về Hồ Chí Minh. Viết về nhân cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của ông. Ông gọi một thuật ngữ khoa học là “chất Người” trong nhân cách Hồ Chí Minh, ở Hồ Chí Minh, văn hóa chính là nhân hóa(5).
Theo Giáo sư, Viện sỹ Phạm Minh Hạc, nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh, trước hết là nghiên cứu quan điểm của Người về nhân cách được đưa ra rất trang trọng ở những trang đầu tiên của tác phẩm Đường cách mệnh. Giáo sư Phạm Minh Hạc khẳng định: “Cuộc đời và sự nghiệp của Người và những điều viết trong tác phẩm là một: đó chính là 23 giá trị nhân cách đúc kết trong những thành tố tiểu cấu trúc nhân cách bao gồm: “Tâm, tài, lực”… về sau khái quát thành lý thuyết “cấu trúc vĩ mô của nhân cách bao gồm tài, đức”, trong đó, đức là gốc. Đây là 3 giá trị bao gồm đảm bảo sự sống và phát huy năng lực nói chung của con người”(6). Giáo sư Song Thành nhấn mạnh, nét nổi bật trong nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh là những phẩm chất lý tưởng của một nhà chính trị thiên tài. Người có lý tưởng mãnh liệt, ý chí kiên cường, trí tuệ sáng suốt và tầm nhìn xa, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, gần gũi người trí, trọng dụng người tài… Những phẩm chất đó giúp Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn quyết sách, ứng biến kịp thời trước mọi diễn biến phức tạp của thời cuộc, đưa con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, cập bến bờ thắng lợi vẻ vang(7). Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, trong công trình khoa học mang tên Nhân cách Hồ Chí Minh khái quát nhân cách Hồ Chí Minh là “chuẩn mực giá trị của dân tộc Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh”(8).
Ngoài ra, hiện có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã, đang và sẽ nghiên cứu nhiều về nhân cách của Người. Đây chính là những căn cứ khoa học để nhân cách Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tác giả, từ việc kế thừa những nghiên cứu của các nhà khoa học, muốn bắt đầu bài viết nhỏ của mình về nhân cách Hồ Chí Minh từ hai thành tố cấu thành là: phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ, hay nói như Hồ Chí Minh, nhân cách là sự thống nhất giữa Đức và Tài.
2. Hồ Chí Minh - sáng ngời tấm gương đạo đức
Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục và xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Điều này được minh chứng rõ ràng qua những luận điểm cụ thể sau:
Thứ nhất, yêu nước, thương dân, lấy dân là gốc; đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, trung với nước, hiếu với dân, hy sinh suốt đời vì dân, vì nước là yếu tố nền tảng của Đức trong nhân cách của Người.
Hồ Chí Minh, với trí tuệ mẫn tiệp, đã tiếp thu, phát triển những điểm tích cực từ quan điểm “lấy dân làm gốc” của Mạnh Tử và của các triều đại phong kiến Việt Nam tiến bộ.
Tình yêu dân, thương dân, tôn trọng dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết bắt nguồn từ nghĩa đồng bào trong truyền thống. Dân trong tư tưởng của Người là những người cùng chung một nước, chung một cộng đồng, chung một lãnh thổ thống nhất, là “quốc dân”, là “đồng bào”, là “người trong một nước”. Dân là các tầng lớp, các thế hệ, các giới tính, các đoàn thể. Đó còn là những người có chung một cội nguồn. Tất cả là con Lạc, cháu Hồng, “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”(9). Dân là tất cả những ai thừa nhận mình là con dân nước Việt. Đó là toàn bộ đồng bào trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, kể cả những người Việt Nam ở nước ngoài, “không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo”(10), chỉ trừ bọn tay sai cho đế quốc thực dân, bọn Việt gian, bọn phản bội lại lợi ích của Tổ quốc, đi ngược lại con đường độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. “Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra chính phủ của mình”. Vì vậy, “chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(11).
“Dân là gốc” tức là phải xuất phát từ tấm lòng yêu dân, tin dân, hiểu dân, làm tất cả vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của dân, xây dựng một xã hội dân chủ, ở đó, dân thực sự là chủ, được hưởng và bảo đảm quyền dân chủ. Đó chính là giá trị cao nhất mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới trong lý tưởng, hành động của Người.
Việc mở rộng nội hàm khái niệm Dân của Hồ Chí Minh đã tạo một sự thuyết phục mạnh mẽ, tập hợp được một lực lượng rộng rãi vào mặt trận dân tộc thống nhất, tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp cách mạng, đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hành lấy dân là gốc, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề quyền, lợi ích và lực lượng của dân. Đó không chỉ là bản chất ưu việt của nền dân chủ kiểu mới, cho đa số, mà vấn đề còn ở chỗ, phải thực hiện cho được những điều tốt đẹp trong thực tế, biến dân chủ từ lý tưởng và khát vọng thành hiện thực. Hồ Chí Minh khẳng định: Dân là người chủ; vì vậy, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(12). “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”(13), vì vậy, mà nhân dân cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân”(14). Những sáng tạo của nhân dân là những viên ngọc quí trong hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn nhân dân, Người lúc nào cũng tin tưởng vào nhân dân.
Thứ hai, “trung với nước, hiếu với dân” là một đóng góp khoa học và cách mạng của Hồ Chí Minh vào sự phát triển nền đạo đức Việt Nam. Trung, hiếu trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có những biểu hiện khác nhau, có những đặc điểm riêng biệt nhưng luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nước của dân, còn dân là chủ nhân của đất nước. Vì vậy, Trung với nước cũng có nghĩa là Hiếu với dân, mà muốn thực hiện tốt chuẩn mực hiếu với dân thì trước hết phải trung thành với sự nghiệp cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp đấu tranh cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Như vậy, “trung” thống nhất với “hiếu”, ngược lại, “hiếu” là phải biết hy sinh quyền lợi của mỗi cá nhân mình cho cả dân tộc, phải biết đặt lợi ích chung lên trên, lên trước lợi ích riêng của mỗi cá nhân mình, phải vì dân, “lấy dân làm gốc”, phải bảo vệ, giữ gìn những gì mà “trung” đã đạt được. Sự thống nhất giữa “trung” và “hiếu” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ý chí cách mạng của toàn dân tộc tạo thành động lực trong thực tế đấu tranh vì độc lập tự do. Giáo sư Trần Văn Giàu coi đó là chiếc gậy thần trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập chủ quyền của dân tộc, và ngày nay, chuẩn mực đạo đức trung với nước, hiếu với dân vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Thứ ba, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, về tinh thần quốc tế trong sáng. Năm 1949, trong 2 tháng, Hồ Chí Minh đã viết bốn bài báo: “Thế nào là cần?”, “Thế nào là kiệm?” “Thế nào là liêm?” “Thế nào là chính?”. Sau gộp lại, in thành một tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Người. Đây cũng chính là 4 phẩm chất quan trọng, 4 thành tố tiểu cấu trúc trong nhân cách. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện và xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người căn dặn, đây là một công việc thường xuyên, liên tục, giữ vững đạo đức cách mạng là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Và Người là một điển hình vĩ đại cho việc xây dựng và hiện thực hóa đạo đức cách mạng trong thực tiễn cuộc sống. Mặc dù cuộc đời cách mạng đầy gian nan, khó khăn, vất vả, song, Người vẫn kiên cường, bất khuất vượt qua, thực hiện lý tưởng cao đẹp vì dân, vì nước. Là Chủ tịch nước, Người vẫn giản dị với bộ kaki bạc màu, với đôi dép cao su đi suốt chiều dài cuộc đấu tranh giữ nước, dựng nước, vẫn một thói quen gần gũi, đầy tình yêu thiên nhiên, hoa cỏ. Khi viết những trang cuối cùng để lại những lời dặn dò tâm huyết cho thế hệ sau, Người vẫn viết trên mặt sau của tờ Việt Nam thông tấn xã… Người thật giản dị và tiết kiệm. Người vĩ đại cũng chính từ sự giản dị của mình. Người luôn hòa mình cùng nhân dân. Đối với nhân dân Việt Nam, Người vừa là Chủ tịch nước, vừa là vị cha già của dân tộc. Nhân dân Việt Nam với Người là gia đình, là ông bà, chú bác, là con cháu. Với nhân dân thế giới, Người là bạn lớn. Sẽ thấy Người là một người phương Tây lịch thiệp trong con người Á Đông sâu sắc tại các buổi tiếp các đoàn khách ngoại giao. Sẽ thấy ở Người cả một sự tinh tế trong ứng xử văn hóa, sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa các dân tộc trên thế giới. Nhân dân và các dân tộc tiến bộ trên thế giới yêu quý và kính trọng Người, gọi Người là Bác Hồ. Người là như vậy, vĩ đại mà giản dị và luôn ở trong chính lòng dân.
3. Hồ Chí Minh - tỏa sáng nhân cách trí tuệ
Tài là thành tố quan trọng của nhân cách. Có thể khái quát sự tỏa sáng về tài năng trí tuệ trong nhân cách Hồ Chí Minh ở một số nét chủ yếu sau:
Thứ nhất, mẫn tiệp chính trị, xác định đúng phương hướng và phương thức tìm đường cứu nước; kiên trì, dũng cảm thực hiện lý tưởng cao đẹp: Độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân - nền tảng của nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tiến bộ, giá trị và tinh thần của chủ nghĩa yêu nước, sợi chỉ đỏ trong hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt được Người thẩm thấu một cách nội sinh. Môi trường gia đình, môi trường xã hội và sự mẫn tiệp chính trị bẩm sinh đã dạy cho Người một chân lý bất diệt: Yêu nước, yêu dân là phải tìm đường cứu dân, cứu nước thoát khỏi ách lầm than, nô lệ. Nỗi nhục của một người dân nô lệ, một dân tộc mất nước được khắc sâu trong tâm khảm chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ rất sớm. Đó là hình ảnh khốn khổ của những người phu cầu Rào, hình ảnh vua Thành Thái đau đáu một lòng duy tân đất nước, hình ảnh người dân nổi dậy trong phong trào chống sưu thuế tại Huế… Để giải quyết mâu thuẫn khách quan của xã hội Việt Nam đương thời, nhiều sĩ phu yêu nước đã đứng lên tập hợp quần chúng chống lại thực dân Pháp xâm lược, nhưng cuối cùng đều không giành được thắng lợi. Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra những hạn chế của các phong trào đó là “chưa biết tổ chức và chưa có tổ chức”, chưa tìm được con đường cứu nước đúng để cứu dân tộc khỏi kiếp nô lệ lầm than. Người quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Cùng với việc tiếp nhận những tri thức văn hóa phương Đông, Hồ Chí Minh từ rất sớm đã tiếp nhận văn minh phương Tây, cụ thể là văn hóa Pháp. Sau này, năm 1923, Oxip Mandenstan, phóng viên của báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) nhớ lại, khi trả lời phỏng vấn, Người đã nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy... Tôi quyết định tìm cách ra nước ngoài”(15). Nơi đầu tiên mà Người đến trên con đường thiên lý vạn dặm tìm chân lý đúng cho dân, cho nước là đất nước Pháp. Người muốn đến nơi khởi thủy của những mỹ từ đẹp Tự do - Bình đẳng - Bác ái, xem ở đó họ sống và làm việc như thế nào để về giúp đồng bào ta. Bởi vì, ở Việt Nam, người Pháp đã không thực hiện đúng những mỹ từ đẹp đẽ ấy. Người nhận thức rõ ràng rằng, không có tự do khi người dân bị mất nước, sống kiếp đời nô lệ, không có bình đẳng giữa người bị xâm lược và kẻ đi xâm lược, và càng không thể có lòng bác ái giữa người bị bóc lột và kẻ đi bóc lột người khác. Với đôi bàn tay lao động, ngày 5.6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng với công việc phụ bếp trên tàu đô đốc Latouche Treeville thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp để sang Pháp, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ, trường kỳ của mình. Theo các nhà khoa học, đầu thế kỷ XX, Việt Nam có khoảng hơn 100 người sang Pháp, chủ yếu với 2 mục đích cơ bản là kiếm sống và học hành(15). Riêng Nguyễn Tất Thành có mục đích rõ ràng là tìm đường cứu dân, cứu nước. Sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa lại nền độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc đích thực cho nhân dân.
Thứ hai, Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Đây là yếu tố quan trọng trong nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh. Lịch sử văn hoá nhân loại đã chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng, các dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đã nuôi dưỡng biết bao nhân tài nhưng không phải ai cũng trở thành vĩ nhân của dân tộc. Một con người được gọi là vĩ nhân phải có “tâm hồn lớn, tình yêu lớn, sáng tạo, có nghị lực và niềm tin lớn vào chân lý cuộc đời. Những giá trị tinh thần do người ấy sản sinh ra ảnh hưởng đến một thời đại, một giai đoạn dài lâu, có tác dụng biến đổi và thúc đẩy lớn lao, tạo nên vóc dáng mới cho con người, cho trí tuệ và nền văn hoá dân tộc phát triển theo chiều hướng tiến bộ của lịch sử”(16). Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam nói riêng và của toàn thế giới nói chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách văn hoá cao đẹp, văn hoá của một nhà chính trị, một người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động chính trị, văn hoá của Người là minh chứng sống động cho những nhận định trên. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa tài năng chính trị, đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hoá của Người. Đó là chân dung của một nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp hài hoà trong một nhân cách văn hoá cao đẹp. Nhân cách đó toả sáng và có sức quy tụ triệu triệu con người, bạn bè gần xa luôn yêu mến cảm phục, ngay đến kẻ thù cũng phải nể trọng và ngợi ca. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hoá Việt Nam.
Thứ ba, Hồ Chí Minh là một nhà dự báo thiên tài. Người nắm vững quy luật vận động khách quan của xã hội, hiểu rõ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng, chỉ đạo, những quyết sách cho sự phát triển cách mạng Việt Nam một cách khoa học, hiệu quả. Vì vậy, những định hướng, những quyết sách ấy của Người đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của cách mạng Việt Nam.
Để kết bài viết của mình về nhân cách Hồ Chí Minh, tác giả muốn dẫn lời của giáo sư Trần Văn Giàu: Người ta không thể trở thành một cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở cụ Hồ, mỗi người có thể học được một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn. Đó chính là mẫu hình nhân cách vĩ đại trong thời đại mang tên Người: Nhân cách Hồ Chí Minh./.
___________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 5.2013
(1) TS, M.Atmét (1995), Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do, độc lập, Trung tâm KHXH và NV quốc gia, UBQG UNESSCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.26-29.
(2) Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại (2010), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.37, tr.106.
(3) Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại (2010), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.5-6.
(4) Xem thêm, GS, Trần Văn Giầu (2010), Hồ Chí Minh vĩ đại một con người, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.321-322.
(5) Xem Phạm Văn Đồng (2010), Học Hồ Chí Minh chúng ta học gì, Nxb. CTQG, Hà Nội.
(6) Phạm Minh Hạc (2012), Giá trị học, Nxb. Dân Trí, Hà Nội, tr.68-72.
(7) Xem thêm: http://vov.vn, Hồ Chí Minh-một nhân cách lớn, ngày 18.05.2012; Giáo sư Song Thành (2005), Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
(8) GS, TS Mạch Quang Thắng (2010), Nhân cách Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.71.
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), T.8, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.262.
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), T.4, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.249.
(11), (12), (13) Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), T.6, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.232.
(14) Hồ Chí Minh Toàn tập (2002), T.1, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.461.
(15) http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn, Tìm hiểu những hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Huy Hoan, ngày 01.11.2011.
(16) Viện Văn hóa (1990), Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam, Hà Nội, tr.43.
TS. Hoàng Anh
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận