Vạch trần những thủ đoạn xuyên tạc sai sự thật về công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam
“Vi-rút tin giả” và cách nhìn sai lệch, xuyên tạc sự thật về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam
Thời gian qua, đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam, với sự xuất hiện biến chủng Delta của vi-rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm nhanh, diễn biến vô cùng phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống dịch, vừa thực hiện giãn cách, cách ly, liên tục cải tiến phác đồ điều trị để giành giật từng mạng sống cho người bệnh, vừa bảo đảm sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến từng người dân...
Lợi dụng thời điểm khó khăn này của chúng ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại ra sức đăng tải, phát tán tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, như blog, zalo, facebook... những thông tin có nội dung sai lệch, bịa đặt về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam. Những kiểu thông tin này giống như một “biến chủng mới” của vi-rút độc hại - “vi-rút tin giả”. Tần suất, lưu lượng, cường độ những thông tin xấu, độc trên ngày càng gia tăng, kèm theo là những hình ảnh, clip không rõ nguồn gốc, được lắp ghép từ những sự kiện rời rạc, chỉnh sửa có chủ ý, mưu toan dựng lên bức tranh đen tối về một Việt Nam tang thương trong dịch bệnh COVID-19; trong đó, nổi lên một số thủ đoạn chủ yếu là:
Một là, tung tin giả mạo nhằm tạo ra những hỗn loạn trong cộng đồng, gây đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân. Vào thời điểm mà Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên cả nước triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngay lập tức xuất hiện các tin giả lan truyền về việc thị trường sẽ khan hiếm hàng hóa, giá cả sẽ tăng đột biến. Nhằm dẫn dụ niềm tin của công chúng, các đối tượng tung tin rằng đây là nguồn tin từ “nội bộ cơ quan nhà nước”.
Thông tin thất thiệt này nhanh chóng được một số đối tượng khác chia sẻ, bình luận, lây lan trong cộng đồng nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, tiêu cực, bức xúc, làm bất an lòng dân, bất ổn xã hội, nhất là tại các “điểm nóng” của dịch bệnh. Không chỉ xuyên tạc rằng “Việt Nam - cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu”, các đối tượng này còn bịa đặt rằng “chính quyền sẽ bỏ mặc người dân”, “mạnh ai người ấy sống”(?!); từ đó kích động người dân không tin chính quyền, không chấp hành các quy định về giãn cách, cách ly, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát tình hình, truy vết nguồn dịch. Đối với họ, tình hình càng rối thì càng dễ giở các chiêu trò chống phá. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống xã hội, sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm sự vận hành của thị trường và hệ thống chuỗi cung ứng, bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm liên tục đến tận tay người tiêu dùng chính là những bằng chứng sinh động, thuyết phục, hoàn toàn khác với những gì mà các thế lực phản động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá.
Hai là, chỉ trích, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta là sai lầm, vi phạm quyền con người. Chỉ trong tháng 7 và tháng 8.2021, trên nhiều chuyên mục của đài, báo nước ngoài không có thiện chí với Việt Nam đã có hàng trăm bài viết; còn trên các trang mạng xã hội, số lượng này lớn hơn nhiều với nội dung cố tình bóp méo sự thật, khích bác về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam. Đó là những luận điệu như “mùa dịch COVID-19 mà ngăn sông cấm chợ”, “chỉ biết ra lệnh phong tỏa, cách ly để mặc dân sống cơ hàn, vật lộn với khó khăn tận cùng” hoặc chỉ trích “chống dịch kiểu Việt Nam khiến dịch bệnh lây lan ngày càng nhiều” (?!).
Thậm chí, họ còn đưa ra luận điệu vu vạ rằng “chính quyền bỏ mặc người dân”, “chỉ giỏi tuyên truyền sáo rỗng”, “cố tình che giấu sự thật” về dịch bệnh COVID-19. Họ còn quy chụp Chính phủ “bỏ rơi công dân Việt Nam ở nước ngoài”, “đóng cửa biên giới”, “bế quan tỏa cảng”, “ngăn cản công dân Việt Nam trở về Tổ quốc, quê hương”. Họ còn xuyên tạc và ra vẻ quan ngại rằng “đang có sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính quyền” nhằm hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước, phủ định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc vừa bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân, vừa tập trung phát triển kinh tế; vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền, đẩy người dân vào cảnh thiếu đói cùng cực” trong điều hành chống dịch bệnh COVID-19 (?!). Từ đó, họ kích động nhân dân “bất tuân dân sự”, đi ngược lại các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà rộng hơn là chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Ba là, đưa tin giả với mưu đồ chia rẽ vùng, miền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh thủ đoạn kích động, mưu toan gây mâu thuẫn, chia rẽ vùng, miền, nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Gần đây, các đối tượng này dựng chuyện, lấy cớ kêu gọi tẩy chay việc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước huy động sức người, sức của, các y bác sĩ, tình nguyện viên vào giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chống dịch bệnh COVID-19.
Họ cố tình gợi lại nỗi đau chia cắt hai miền của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh để phụ họa cho giọng điệu “hai miền không thể hòa một trong cuộc chiến chống dịch”. Nhiều đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã mượn cớ này để hùa theo, cho rằng Đảng, Nhà nước “phân chia” và “ưu tiên” vùng, miền trong chống dịch. Thậm chí, họ cố tình suy diễn một cách vô căn cứ rằng, dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh bùng phát mạnh là do khởi phát từ Bắc Ninh, Bắc Giang (nói chung là từ miền Bắc), nên họ kêu gọi “hãy tẩy chay Bắc kỳ”... Những luận điệu xuyên tạc đó không chỉ nhằm gây tâm lý chia rẽ vùng, miền mà còn khoét sâu thêm vào nỗi khó khăn, vất vả mà người dân Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam đang phải dốc sức vượt qua trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Bốn là, xuyên tạc chiến lược vắc-xin, chiến dịch tiêm chủng phòng, chống COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng phản động, cơ hội tung tin sai sự thật rằng “chính quyền lừa dối nhân dân trong chiến dịch vắc-xin”, “Chính phủ lấy vắc-xin viện trợ của quốc tế để bán cho dân”, “Quốc hội đề nghị sớm ban hành luật tiêm vắc-xin để thu tiền” (?!)... Họ xuyên tạc trắng trợn chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Đảng, Nhà nước ta rằng Chính phủ chỉ ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên và các đối tượng là “con ông, cháu cha” chứ không quan tâm đến sức khỏe người dân, nhất là người dân nghèo, người yếu thế trong xã hội (?!). Thậm chí, họ còn bịa đặt, vu cáo Chính phủ Việt Nam sử dụng quỹ vắc-xin không đúng mục đích; từ đó kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước rút tiền, ngừng việc quyên góp, ủng hộ vào Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Như vậy, bản chất của âm mưu, thủ đoạn và chiêu trò chống phá tinh vi, xảo quyệt trên của các thế lực thù địch với mưu đồ gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc tâm lý lo âu, hoang mang, gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, nhằm làm suy giảm quyết tâm chính trị và sự đồng thuận chống dịch trong cộng đồng. Họ không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc tình hình, phủ nhận một cách vô căn cứ những biện pháp, kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 mà còn mưu toan tác động vào niềm tin của nhân dân, gây mất ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Không thể bóp méo sự thật, phủ nhận những biện pháp và kết quả phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam
Bước vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh hay có trình độ y học phát triển cao, nhưng cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vào cuộc. Các biện pháp, cách làm để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được Việt Nam thực hiện là chưa có tiền lệ, trên cơ sở tiếp thu những bài học của thế giới và đúc rút từ những lần chống dịch trước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung phù hợp với diễn biến thực tế để đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể là:
Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự đoàn kết và quyết tâm chính trị cao nhất “chống dịch như chống giặc”. Đây được xác định là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, là trọng tâm cấp bách hàng đầu, cả trước mắt và lâu dài, được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, không chủ quan, lơi là, mất cảnh giác hay bằng lòng với kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng, khơi dậy mọi nguồn lực trong xã hội, đúng với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”(1).
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội; ban hành các chỉ thị, thông báo, kết luận(2). Đây là định hướng chiến lược quan trọng, thể hiện tư duy sắc bén và tầm nhìn sáng suốt, toàn diện trước một nhiệm vụ mới nảy sinh với tính chất vô cùng khó khăn, phức tạp. Thực hiện chỉ đạo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30.2021/QH15, ngày 28.7.2021, đề ra một số giải pháp cấp bách phòng, chống đại dịch COVID-19. Chính phủ luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc diễn biến, bất kể ngày đêm và trong nhiều tình huống khẩn cấp, kịp thời ban hành chỉ thị, nghị quyết, công điện(3), “thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước... từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới””(4).
Chủ động phân công các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, sâu sát cơ sở và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch ở những địa bàn trọng điểm. Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 luôn có mặt chỉ đạo địa phương liên tục 24/24 giờ cho đến khi mọi việc được kiểm soát an toàn. Tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao nhất, đoàn kết, đồng lòng và hành động quyết liệt vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ tính mạng, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Bất chấp mọi gian nguy, vất vả, hàng vạn y, bác sĩ, tình nguyện viên, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ luôn có mặt trên tuyến đầu chống dịch, ở tâm điểm của những nơi khó khăn nhất cùng chính quyền cơ sở trực tiếp tiến hành và hướng dẫn, động viên quần chúng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trở thành điểm tựa niềm tin, gắn kết chặt chẽ tình cảm quân - dân, khắc sâu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ công an từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ.
Với lẽ đó nên đại bộ phận người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay học tập, lao động, công tác ở nước ngoài luôn một lòng ủng hộ và tuân thủ theo chủ trương, đường lối của Đảng, hành động theo sự điều hành và sự kêu gọi của Chính phủ vì sự bình yên, hạnh phúc của chính mình và mọi người. Thực tế đó đã củng cố vững chắc niềm tin cho dù trong bất kỳ tình huống nào, Đảng, Nhà nước luôn hành động vì lợi ích quốc gia - dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt dẫu có tinh vi đến đâu cũng đều bị chính những kết quả thực tiễn sinh động bác bỏ.
Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, triệt để các quy trình, biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Đó là các quy định, thông điệp 5K, sau đó phát triển thành 9K và vắc-xin(5). Để hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm, các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện tốt các biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa nguồn dịch theo đúng nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” và tinh thần “chủ trương một, tổ chức thực hiện mười” bảo đảm chặt chẽ, thực chất, không để xảy ra tình trạng giãn cách hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, quản lý chắc, cách ly ngay những người có liên quan đến dịch tễ, phong tỏa ngay những nơi là “ổ dịch”. Tiến hành khoanh vùng, bảo vệ vững chắc “vùng xanh” (khu vực an toàn), có biện pháp từng bước chuyển “vùng cam” (khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao) thành “vùng xanh” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ” (khu vực phong tỏa, cách ly, có dịch).
Nhanh chóng tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, truy vết và tách các ca bệnh ra khỏi cộng đồng; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ không để lọt người có nguy cơ nhiễm vi-rút COVID-19 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tổ chức các khu cách ly, khu phong tỏa chặt chẽ, khoa học, hợp lý, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, đồng bộ hơn các giải pháp: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là khâu then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vắc-xin, thuốc điều trị là chiến lược; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội là quan trọng; lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, toàn dân là chiến sĩ chống dịch(6).
Với những biện pháp, cách làm đó, đã qua ba lần dịch bùng phát trước đây nhưng Việt Nam vẫn thực hiện được “mục tiêu kép” là vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, vừa đẩy mạnh phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm cuộc sống của người dân. Với công dân Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ đã chủ động liên hệ, sắp xếp và tổ chức hàng trăm chuyến bay trợ giúp kiều bào rời khỏi vùng dịch về nước an toàn. Đánh giá về kết quả này, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Ki-đông Pắc khẳng định: “Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc quản lý các đợt dịch bùng phát hiện nay, đã xây dựng kế hoạch ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19 từ giai đoạn đầu, trong đó có các kịch bản khác nhau”(7). Còn cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Giăng Nô-en Poa-ri-ê, đề cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam: “Có hai lý do, thứ nhất, chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam rất xuất sắc và rất đúng; thứ hai, người dân Việt Nam đã thực hiện và đồng tình với các quy định của Nhà nước, của Chính phủ”(8).
Thứ ba, xây dựng chiến lược vắc-xin, thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội đã khẳng định: “Đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc-xin cho trẻ em. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể”(9). Xác định vắc-xin là giải pháp chiến lược, căn bản, lâu dài nên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh “chiến lược ngoại giao vắc-xin”, bằng mọi biện pháp thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc-xin để đáp ứng yêu cầu tiêm chủng nhanh nhất, nhiều nhất có thể, tăng cường khả năng miễn dịch trong cộng đồng. Thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 miễn phí cho người dân cả nước theo quan điểm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”; phấn đấu đạt 75% dân số từ 18 đến 65 tuổi được tiêm vào đầu năm 2022.
Việc phân bổ vắc-xin được Bộ Y tế tính toán hợp lý trên nguyên tắc công bằng, minh bạch giữa các địa phương, ưu tiên cho lực lượng chống dịch trên tuyến đầu và các địa phương có số lượng nhiều người nhiễm bệnh COVID-19, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp. Tất cả vắc-xin nhập khẩu về Việt Nam đều là các loại vắc-xin đã được WHO đưa vào danh sách được phép sử dụng, được Bộ Y tế kiểm duyệt, phê duyệt, cấp phép. Không chỉ vậy, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất. Tham khảo kinh nghiệm các nước, tham vấn chuyên môn với WHO, sáng tạo trong huy động tổng hợp, hiệu quả các nguồn lực để mua, nhận hỗ trợ vắc-xin nhằm sớm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Thứ tư, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư với số lượng ca nhiễm, ca tử vong tăng cao, Đảng, Chính phủ nhất quán tinh thần “lấy tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”(10), bằng mọi biện pháp không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm phân phối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở những khu vực phong tỏa, cách ly, giãn cách. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” hoặc tính mạng bị đe dọa. Chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Ngày 01.7.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 26.000 tỷ đồng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành hai gói cứu trợ với giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Trên thực tế các gói hỗ trợ này đã nhanh chóng đến tận tay người lao động, người yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn, thiếu thốn trong dịch bệnh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng trăm nghìn túi hàng an sinh, gói thực phẩm cứu trợ được trao trực tiếp đến từng hộ gia đình; hàng chục nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp, người dân cả nước quyên góp đã được chuyển đến đúng người, đúng nơi.
Hơn ai hết, nhân dân trong vùng dịch hiểu rằng chính quyền và cả hệ thống chính trị đang sát cánh, đồng hành và nỗ lực cùng với mình. Đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với tất cả tình cảm chân thành, tinh thần tương thân, tương ái và sự góp sức, sẻ chia sâu sắc nhất để cùng chiến thắng dịch bệnh. Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hơn thế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”(11). Không chỉ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mà bất luận trong hoàn cảnh nào, người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng bảo vệ, bảo đảm cả về tính mạng, tài sản và điều kiện sống.
Ngoài ra, Đảng, Nhà nước ta kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật; trang bị “vắc-xin phòng ngừa vi-rút tin giả - 5K” cho công chúng (không tin - không bấm like - không cổ xúy bình luận - không kích động - không chia sẻ thông tin sai lệch). Ưu tiên ngân sách và các nguồn lực hợp pháp, bảo đảm kinh phí hợp lý, nhanh chóng thành lập hệ thống trung tâm chỉ huy ở các cấp để chỉ đạo tập trung, thống nhất, xây dựng cơ chế đặc thù, thuận lợi trong việc mua sắm vắc-xin, thuốc điều trị, hóa chất, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh thế giới chưa có tiền lệ và không một quốc gia nào có thể khẳng định đã chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19; với Việt Nam, tiến hành đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp bằng sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân là vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất để chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Với những kết quả đã đạt được trong những lần chống dịch trước đây và những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong lần bùng phát dịch lần thứ tư này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào chiến thắng đại dịch COVID-19, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng... nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được”(12).
Do vậy, cho dù những chiêu trò chống phá cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam có thâm độc và tinh vi đến đâu thì sự thật vẫn luôn là ánh sáng phơi bày tường tận mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch và tự nó phản bác đanh thép, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, đồng thời xua tan những nghi ngờ, băn khoăn trong cộng đồng, củng cố vững chắc niềm tin và quyết tâm chiến thắng đại dịch./.
______________________
(1) “3 trước”, chủ động nhận diện trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước. “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ.
(2)Thông báo kết luận số 172-TB/TW, ngày 21.3.2020, của Bộ Chính trị “Về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11.6.2021, của Bộ Chính trị, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội”; Điện ngày 21.7.2021, của Thường trực Ban Bí thư, “Về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19”; Lời kêu gọi ngày 29.7.2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
(3) Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 26.02.2021, “Về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19”; Nghị quyết số 79/NQ-CP, ngày 22.7.2021, “Về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19”; Nghị quyết số 86/NQ-CP, ngày 6.8.2021, “Về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7.7.2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23.8.2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27.3.2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19”; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31.3.2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”; Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24.4.2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”...
(4) Nghị quyết số 86/NQ-CP, ngày 6.8.2021, của Chính phủ, “Về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
(5) Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế, kiểm soát biên giới, khu cách ly an toàn, không ra khỏi nhà, không đăng tải tin sai sự thật và tiêm vắc-xin.
(6) Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23.8.2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc”.
(7), (8) Đài Truyền hình Việt Nam, Phỏng vấn trong chương trình Đối mặt: “Virus tin độc: Âm mưu xuyên tạc chiến lược vaccine, phủ nhận kết quả chống COVID-19 của Việt Nam”, VTV1, tháng 8.2021.
(9) Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11.6.2021, của Bộ Chính trị, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội”.
(10) Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23.8.2021, của Thủ tướng Chính phủ,“Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc”.
(11) Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23.8.2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc”.
(12) Lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, ngày 29.7.2021, https://www.tapchicongsan.org.vn.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 21.11.2021
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận