Về chế định nguyên thủ quốc gia trên thế giới hiện nay
1. Quan niệm nguyên thủ quốc gia và chế định nguyên thủ quốc gia
Trong từ điển Tiếng Việt(1), “nguyên thủ” hay “nguyên thủ quốc gia” được định nghĩa là người đứng đầu một nước, một quốc gia. Theo từ điển Tiếng Anh, nguyên thủ quốc gia “là hiện thân của cộng đồng chính trị và sự trường tồn của nhà nước, thực hiện những chức năng nghi lễ với vị thế biểu tượng quốc gia trong đối nội và đối ngoại”, “là người trưởng đại diện chính thức của quốc gia”(2). Theo từ điển mở tiếng Anh (Wikipedia), nguyên thủ quốc gia được hiểu tương đương như người đứng đầu nhà nước và là nhân vật chính thức đại diện cho sự thống nhất quốc gia và tính hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền.
Các quốc gia trên thế giới đều có nguyên thủ của mình. Tuy nhiên, tùy theo biến đổi của lịch sử, tùy vào hình thức chính thể, chế độ chính trị của mỗi nước ở từng thời kỳ mà chế định nguyên thủ quốc gia có cách gọi, danh xưng, địa vị pháp lý, thẩm quyền khác nhau, như Vua, Quốc vương, Hoàng đế, Quốc trưởng, Tổng thống, Chủ tịch... Nhiều nguyên thủ quốc gia có quyền lực tuyệt đối (trong nhà nước quân chủ chuyên chế, hay trong chế độ độc tài), có những nguyên thủ chủ yếu nắm quyền hành pháp (Cộng hòa tổng thống và Cộng hòa hỗn hợp), song cũng có những nguyên thủ chỉ giữ vai trò đại diện quốc gia và mang tính biểu tượng quyền lực nhà nước.
Trên thế giới, “Nguyên thủ quốc gia” hay “Người đứng đầu nhà nước” được tổ chức rất khác nhau, có vị trí, vai trò khác nhau, tùy thuộc vào mô hình chính thể, chế độ chính trị, có thể, sâu xa hơn là phụ thuộc vào truyền thống chính trị, lịch sử văn hóa.
Về hình thức chính thể, hiện nay, trên thế giới có 6 loại mô hình chính: (i) Quân chủ; (ii) Quân chủ lập hiến; (iii) Cộng hòa đại nghị; (iv) Cộng hòa tổng thống; (v) Cộng hòa hỗn hợp; (vi) Cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Trong mô hình chính thể Quân chủ (phổ biến trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến), người đứng đầu nhà nước là “Vua”, là người chủ vương quốc (đất nước), có toàn quyền đối với mọi vấn đề của đất nước. Trong mô hình chính thể Quân chủ lập hiến, người đứng đầu nhà nước là “Vua”, “Quốc vương” (nếu quốc vương là nữ thì gọi là “Nữ hoàng”). Trong các nước này có hiến pháp dân chủ, vị trí nguyên thủ thường là thế tập, cha truyền con nối, chủ yếu giữ vai trò đại diện quốc gia, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, không trực tiếp điều hành đất nước (Anh, nhiều nước Bắc Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia...).
Trong mô hình Cộng hòa đại nghị, nguyên thủ quốc gia được nghị viện bầu, có thời hạn, có chức năng đại diện quốc gia, đoàn kết quốc gia, cân bằng quyền lực giữa các nhánh quyền lực nhà nước (Đức, Italia, Singapore...).
Trong mô hình Cộng hòa tổng thống, Tổng thống là nguyên thủ quốc gia vừa đứng đầu nhà nước, đại diện quốc gia vừa đứng đầu hành pháp.
Trong mô hình Cộng hòa hỗn hợp, nguyên thủ quốc gia là Tổng thống, vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa đứng đầu hành pháp. Chính phủ chủ yếu hình thành từ đảng đa số của nghị viện (Pháp, Liên bang Nga, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Âu).
Trong mô hình Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có sự khác nhau giữa các nước: Liên Xô trước đây, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào. Điển hình là mô hình Liên Xô, nguyên thủ quốc gia là Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Chủ tịch tập thể của Nhà nước Liên Xô. Ở Việt Nam, nguyên thủ tập thể như Hội đồng nhà nước theo Hiến pháp 1980.
Chưa bàn đến hiệu lực, hiệu quả hay tính hợp lý của các chế định người đứng đầu nhà nước của các mô hình chính thể nói trên, thì vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ hay thẩm quyền của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới rất khác nhau. Quyền lực nhà nước lớn nhất được trao cho chế định này trong các nhà nước dân chủ là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên Xô và Tổng thống trong các mô hình Cộng hòa tổng thống, điển hình là Mỹ.
Nguyên thủ quốc gia thường được quy định trong Hiến pháp - văn bản pháp lý cao nhất của một quốc gia và hình thành chế định nguyên thủ quốc gia. “Chế định” là tập hợp một nhóm quy phạm pháp luật có đặc điểm giống nhau để điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong phạm vi một ngành luật hoặc nhiều ngành luật. Chế định có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Nghĩa chung và rộng là các yếu tố cấu thành cơ cấu pháp lý của thực tại xã hội, nghĩa hẹp là tổng thể các quy phạm, quy tắc của một vấn đề pháp lý.
Như vậy, có thể đưa ra một khái niệm chung nhất về Chế định nguyên thủ quốc gia là: Tập hợp nhóm quy phạm pháp luật quy định về người đứng đầu nhà nước. Tùy theo hình thức nhà nước khác nhau mà chế định nguyên thủ quốc gia quy định về nguyên thủ quốc gia có tên gọi, vị trí, vai trò, trách nhiệm khác nhau. Khái niệm này chứa đựng rất nhiều nội dung khá rộng liên quan đến (i) Cách thức tổ chức nguyên thủ quốc gia trong bộ máy nhà nước; (ii) Vai trò, vị trí, chức năng; (iii) Trình tự hình thành; (iv) Mối quan hệ của nguyên thủ quốc gia trong hệ thống chính trị; (v) Cách thức thực thi quyền lực nhà nước của nguyên thủ quốc gia. Tóm lại, nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu quốc gia, tùy theo hình thức nhà nước mà có tên gọi, vị trí, vai trò, trách nhiệm khác nhau.
2. Vai trò, vị trí, chức năng của nguyên thủ quốc gia
Để làm rõ được vai trò, vị trí, chức năng nguyên thủ quốc gia cần nghiên cứu và xem xét ứng với hình thức nhà nước cũng như mô hình chính thể cụ thể. Hình thức nhà nước gồm hình thức chính thể, hình thức cấu trúc. Hình thức chính thể là cách thức tổ chức, trình tự thành lập các cơ quan cấp cao của nhà nước. Mặc dù có nhiều mô hình chính thể, nhưng chung quy lại có hai hình thức chính thể cơ bản là quân chủ (chuyên chế) và cộng hòa (dân chủ). Trong mỗi loại hình chính thể lại được chia ra nhiều loại chính thể tập con (mô hình), như mô hình chính thế quân chủ gồm quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế (trong quân chủ hạn chế gồm quân chủ nhị nguyên và quân chủ đại nghị - quân chủ lập hiến). Sự khác nhau cơ bản của chúng trước hết nằm ở những quy định liên quan đến việc thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, trong đó có nguyên thủ quốc gia. Ở chính thể quân chủ, nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước là vua. Xét ngay trong nghĩa của từ “Quân chủ” có nghĩa là “Vua là chủ”. Vua - nguyên thủ quốc gia có vị trí, vai trò, địa vị chính trị tối cao, đứng trên mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Trong nhà nước quân chủ lập hiến, vai trò của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước - vua hay quốc vương, được giữ nguyên, tiếp nối từ thời phong kiến, nhưng chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định, không còn tính “quân chủ” nguyên vẹn như trước, mà bị hạn chế, chia sẻ vai trò, quyền lực cho các thành tố khác trong bộ máy nhà nước.
Điều 1 Hiến pháp 1947 của Nhật Bản, quy định: “Thiên Hoàng là biểu tượng của quốc gia Nhật Bản và cho sự hòa hợp dân tộc”. Điều 4 quy định: “Thiên Hoàng chỉ được tiến hành các hoạt động liên quan đến quốc gia theo quy định trong trong Hiến pháp, Thiên Hoàng không có quyền lực trong Chính phủ”. Điều 6: “Thiên Hoàng bổ nhiệm Thủ tướng nội các theo chỉ định của Quốc hội; Thiên hoàng bổ nhiệm Chánh Thẩm phán Tòa án tối cao theo chỉ định của Nội các”. Như vậy, theo Hiến pháp Nhật Bản hiện hành, mặc dù Nhật Hoàng (Thiên Hoàng) mang tính biểu tượng quốc gia, tham gia vào thực hiện nhiệm vụ ở các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp song chỉ mang tính thủ tục, nghi thức là chính. Quyền lập pháp cơ bản vẫn thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp cơ bản vẫn thuộc về Nội các, bao gồm Thủ tướng và các bộ trưởng. Mặc dù không tham gia vào các công việc mang tính chất nội bộ chính trường, song Nhật Hoàng luôn được người dân Nhật Bản tôn kính. Nhật Hoàng có tầm ảnh hưởng, tác động rất lớn, gần như tuyệt đối tới tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân Nhật Bản.
Chính thể cộng hòa bao gồm 4 loại mô hình cơ bản gồm Cộng hòa tổng thống, Cộng hòa đại nghị, Cộng hòa hỗn hợp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Ứng với mỗi loại mô hình chính thể này có mô hình nguyên thủ quốc gia tương ứng. Nhìn chung, ở ba mô hình Cộng hòa tổng thống, Cộng hòa hỗn hợp, Cộng hòa đại nghị, thường người đứng đầu nhà nước, nguyên thủ quốc gia có tên gọi là “tổng thống”. Đối với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, nguyên thủ quốc gia có nhiều tên gọi khác nhau: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Liên Xô trước đây, Việt Nam theo Hiến pháp 1980); Chủ tịch nước (Trung Quốc, Việt Nam, Lào). Nguyên thủ quốc gia trong chính thể Cộng hòa tổng thống thường có vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp, có vai trò và ảnh hưởng rất to lớn đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước bởi chính các quyết sách của mình.
Trong mô hình Cộng hòa đại nghị (hay Cộng hòa nghị viện), nguyên thủ quốc gia tham gia phần nào vào lập pháp, tư pháp và hành pháp tượng trưng. Đa phần ở các nước, quyền hành pháp được trao cho thủ tướng - người đứng đầu chính phủ. Tiêu biểu cho mô hình này là Đức, Áo, Italia. Ở Đức, nguyên thủ quốc gia không đứng đầu hành pháp, mà chỉ có quyền hành pháp (hình thức giống như mô hình nguyên thủ quân chủ lập hiến).
Đối với mô hình Cộng hòa hỗn hợp (lưỡng đầu chế, lưỡng tính) là sự kết hợp giữa Cộng hòa tổng thống và Cộng hòa đại nghị (các nước theo mô hình này là Pháp, Phần Lan, Hàn Quốc, Nga... ). Quyền lực nhà nước được thiết kế vừa độc lập tương đối vừa phối hợp hài hòa giữa các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp. Tiêu biểu cho mô hình này là Pháp. Theo Hiến pháp Pháp quy định, Tổng thống có quyền thành lập ra Chính phủ, ra các quyết định tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Chính phủ. Tổng thống có vai trò trung tâm của bộ máy giữ cân bằng cho các hoạt động của bộ máy. Điều 5, chương II, Hiến pháp Pháp năm 1958 quy định: “... Bằng vai trò trọng tài, Tổng thống bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền”. Như vậy, Tổng thống giữ vai trò chỉ đạo điều hành tham gia các nhiệm vụ trong các lĩnh vực lập pháp, tư pháp, hành pháp để đảm bảo cân bằng hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, ngày nay, cạnh tranh giữa các đảng chính trị và mối quan hệ giữa các đảng phái chính trị có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành vị trí, địa vị chính trị, vai trò của nguyên thủ quốc gia. Ở các quốc gia đa đảng hay một đảng nổi trội chiếm ưu thế, thủ lĩnh tiêu biểu, xuất sắc của đảng chính trị, thay mặt đảng đưa ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương của đảng mình để tranh cử các vị trí quyền lực ảnh hưởng lớn trong xã hội, trong đó có tranh cử vị trí nguyên thủ quốc gia. Nếu nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu đảng thì sẽ thuận lợi hơn cho các hoạt động của đảng phái cũng như quy tụ được sự ủng hộ của cử tri hơn trong cạnh tranh chính trị và bầu cử dân chủ tự do.
3. Quyền lực của nguyên thủ quốc gia
Tùy theo hình thức chính thể nhà nước mà nguyên thủ quốc gia có phạm vi quyền lực khác nhau. Có rất nhiều cách phân chia quyền lực của nguyên thủ quốc gia(3): có thể theo các nhóm quyền cơ bản (trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp); phân loại theo loại quyền, như C.A. Luscky chia thành 38 loại quyền; John M.Carey chia quyền của nguyên thủ quốc gia thành 11 quyền, bao gồm 7 quyền trong nhóm quyền lập pháp và 4 quyền trong lĩnh vực không phải lập pháp; Alan Siaroff lại đánh giá 9 loại quyền theo các nhóm chính thể; James Mc Gregor và Las Johannsen và Ole Norgaard chia theo các loại quyền theo nhóm tổng thể...
Nhìn chung, có thể phân loại quyền lực của nguyên thủ quốc gia theo riêng từng quyền cụ thể, hay theo các nhóm quyền của chính thể. Để so sánh tổng thể giữa các chính thể, quyền của nguyên thủ quốc gia theo mức độ quyền lực gắn với các chính thể nhà nước như sau:
a, Nguyên thủ quốc gia toàn quyền và thực quyền: có thể thấy trong các chính thể: (i) nổi bật nhất là quân chủ tuyệt đối (điển hình là Vua trong nhà nước chủ nô và phong kiến chuyên chế). Đặc điểm nổi bật đó là quyền lực nhà nước tập trung mạnh vào nguyên thủ quốc gia là Vua, Hoàng đế, Quốc vương. Nguyên thủ quốc gia có quyền lực tuyệt đối, không giới hạn, là người duy nhất có quyền đặt ra luật pháp. Các sắc phong, chiếu chỉ của vua có giá trị pháp lý tối cao. Nguyên thủ quốc gia điều hành, quyết định mọi việc trong bộ máy nhà nước, quyền lực bao trùm lên tất cả các nhánh quyền gồm cả quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp. Cơ quan lập pháp chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho nhà vua; trong lĩnh vực tư pháp, mặc dù có hệ thống tòa án, Vua vừa là người có quyền hành pháp cao nhất, đồng thời Vua cũng có quyền xét xử cuối cùng...); (ii) Cộng hòa tổng thống (Mỹ, Braxin, Mehico, Venezuela, Colombia...), nguyên thủ quốc gia nhìn chung có quyền lực rất lớn trực tiếp điều hành chính phủ và có ảnh hưởng tới các nhánh quyền khác.
Ví dụ, Tổng thống Mỹ: Đứng đầu hành pháp (có toàn quyền bổ nhiệm nội các); có quyền triệu tập Quốc hội bất thường, hằng năm gửi thông điệp đến Quốc hội, đề xuất những văn bản pháp luật, tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang có quyền huy động lực lượng cận vệ của bang để phục vụ cho liên bang. Ngoài ra, Tổng thống còn có những quyền rộng lớn hơn trong những trường hợp đặc biệt quốc gia như trong trường hợp khẩn cấp hay chiến tranh, Tổng thống được nghị viện trao cho những quyền đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia và điều hành kinh tế, xã hội đất nước. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực tư pháp, Tổng thống bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ngành tư pháp (qua sự chuẩn y của Thượng viện).
Trong nhánh lập pháp, Tổng thống có những quyền quyết định ở vị trí tối cao như khoản 3, Điều II, Hiến pháp Mỹ: “Tổng thống có quyền trong trường hợp bất thường, triệu tập nghị viện hoặc một trong hai viện”, có quyền phủ quyết các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua; (iii) Cộng hòa xã hội chủ nghĩa mô hình Xô viết: Nguyên thủ quốc gia thực quyền, hầu như về thực chất không bị giới hạn quyền lực trong thực thi quyền lực nhà nước. Chỉ bị giới hạn bởi quyền lực chính trị của đảng cộng sản, đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.
b, Nguyên thủ quốc gia quyền lực hạn chế nhưng thực quyền: thường thấy trong chính thể Cộng hòa hỗn hợp. Trong mô hình chính thể này, nguyên thủ quốc gia không còn toàn quyền, độc quyền mà quyền lực có sự giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn có quyền rất lớn trong lĩnh vực hành pháp, như quyền quyết định bổ nhiệm thủ tướng chính phủ (cho dù trong Hạ viện có thể đảng đối lập chiếm đa số), và một số quyền ở lĩnh vực tư pháp như có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh tư pháp...
c, Nguyên thủ quốc gia không thực quyền: (i) quân chủ lập hiến và (ii) cộng hòa đại nghị. Ở các mô hình chính thể này, nguyên thủ quốc gia hầu như không tham gia vào giải quyết các công việc của nhà nước. Nguyên thủ quốc gia là vua trong chính thể này, mặc dù “bất khả xâm phạm”, tượng trưng cho sự độc lập, trường tồn của dân tộc, có quyền uy về mặt biểu tượng, song không có quyền lực trên thực tế. Vua “nhường quyền năng lập pháp cho nghị viện, sau đó dần dần lại phải nhường tiếp quyền điều hành đất nước cho hành pháp - chính phủ mà đứng đầu là thủ tướng”(4). Chính phủ không chịu trách nhiệm trước nguyên thủ quốc gia. Ví dụ, Hiến pháp Nhật Bản năm 1889, Chương I, Điều 3, Điều 4 cho thấy, mặc dù Hoàng đế Nhật Bản “là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” “đứng đầu đế chế, có quyền lực tối cao” nhưng “thực thi các quyền theo các quy định của Hiến pháp”.
Như vậy, quyền của nguyên thủ quốc gia đã bị hạn chế bởi hiến pháp. Trên lĩnh vực lập pháp, Vua không có quyền làm luật, chỉ có quyền chuẩn y, phê chuẩn mang tính hình thức, thông qua theo thủ tục đơn thuần. Nhiều quyền lực mang tính chất tối cao của Vua cũng chỉ thành hiện thực khi có sự đồng ý của nghị viện như Điều 5: “thực thi quyền lập pháp với sự chấp thuận của nghị viện Hoàng gia”; Điều 9 cũng cho thấy, Hoàng đế ban hành các sắc lệnh cần thiết để thực thi các luật hay để duy trì hòa bình và trật tự, tăng phúc lợi cho dân song sắc lệnh đó “sẽ không làm thay đổi bất kỳ luật nào hiện tại dưới bất kỳ hình thức nào”.
Mô hình cộng hòa đại nghị, quyền lực nhà nước không tập trung cho nguyên thủ quốc gia mà tập trung vào nghị viện (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra). Nghị viện có quyền lập ra chính phủ (chính phủ do nhân dân gián tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm gián tiếp trước nhân dân thông qua nghị viện), bầu tổng thống; đồng thời nghị viện có thể bãi miễn chính phủ, tổng thống và cơ quan tư pháp. Tổng thống, chính phủ hoạt động và chịu trách nhiệm trước nghị viện. Song, các quyết định của Tổng thống luôn theo ý chí của đa số ở hạ viện.
Để các quyết định của Tổng thống có giá trị, Điều 58, Hiến pháp 1959 Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “Để chỉ thị của Tổng thống Liên bang có giá trị, đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ Liên bang hoặc của Bộ trưởng Liên bang có thẩm quyền. Điều này không áp dụng đối với các việc bổ nhiệm hay truất Thủ tướng Liên bang, giải tán Nghị viện”. Điều 63: “Nghị viện Liên bang bầu Thủ tướng và các bộ trưởng Liên bang. Người trúng cử Thủ tướng liên bang là người chiếm được đa số phiếu của các thành viên trong Nghị viện Liên bang, Tổng thống Liên bang chính thức bổ nhiệm người trúng cử...”. Điều 64: “Các bộ trưởng Liên bang do Tổng thống Liên bang bổ nhiệm và bãi miễn trên cở sở đề nghị của Thủ tướng Liên bang”.
Như vậy, Tổng thống chỉ làm những việc mang tính chất hình thức, quyết định những việc không xuất phát từ ý chí của nguyên thủ hay nói cách khác “quyết định những việc đã rồi”. Quyền lực của Thủ tướng mạnh có ảnh hưởng hơn cả người đứng đầu nhà nước. Điều này cũng dễ hiểu và được minh chứng qua thực tế, khi trong chính trường nước Đức hiện nay, nhân vật ảnh hưởng lớn đến đất nước, gây sự quan tâm, chú ý của thế giới không phải là nguyên thủ quốc gia mà chính là vị trí Thủ tướng Angela Merkel.
4. Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, thuật ngữ “nguyên thủ quốc gia” chưa được đề cập chính thức trong bất cứ bản Hiến pháp nào để chế định người đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 với Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, sau 4 lần sửa đổi và theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, dù là cá nhân hay tập thể (Hội đồng nhà nước - Chủ tịch tập thể) thì nội hàm “nguyên thủ quốc gia” ở giai đoạn nào cũng mang ý nghĩa là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 86 ghi: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Như vậy, mặc dù không chỉ đích danh Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia nhưng xét về bản chất, Chủ tịch nước Việt Nam là người đứng đầu Nhà nước, chính là nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng là “Người đứng đầu nhà nước” thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Trải qua các giai đoạn cách mạng, chế định người đứng đầu Nhà nước đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, như địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, “tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước nói chung, trong đó có nguyên thủ quốc gia nói riêng còn có những bất cập nhất định”, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia còn bị hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại; trong thống lĩnh các lực lượng vũ trang...Mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa được quy định rõ ràng(5); về cơ bản vẫn còn tồn tại tình trạng “hình thức”.
Ngày 23.10.2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội tín nhiệm bầu là Chủ tịch nước. Từ khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, vai trò, vị thế của Chủ tịch nước trên thực tế được tăng lên, địa vị chính trị cũng mạnh hơn bởi gắn liền với vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Bộ máy nhà nước cơ bản vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức, song có một số đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả, sự phối hợp hài hòa, hợp lý trong các hoạt động đối nội, đối ngoại... Đây là thực tế mới đang diễn ra cần được nghiên cứu một cách cụ thể để làm rõ hơn về mô hình nguyên thủ quốc gia ở nước ta, phát huy thật hiệu quả, thực chất vai trò của nguyên thủ quốc gia cho các nhiệm kỳ Chủ tịch nước tiếp theo./.
_____________________________________________
(1) Xem Hoàng Phê (Chủ biên) (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.672.
(2) Từ điển tiếng Anh Cambridge 3nd Edition.
(3) Xem TS Đỗ Minh Khôi (chủ biên) (2014), Chế định nguyên thủ quốc gia, Nxb CTQG, H., tr.53-56.
(4) Xem GS, TS Tạ Ngọc Tấn (2013), Thể chế chính trị - Một số kinh nghiệm của thế giới, Nxb Chính trị - Hành chính, H., tr.204.
(5) Xem Phạm Minh Khôi (2014), Chế định nguyên thủ quốc gia trong các hiến pháp Việt Nam, Nxb CTQG, H., tr.159; Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, Văn phòng Chủ tịch nước; Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế định Chủ tịch nước, ngày 15.3.2012 của Văn phòng Chủ tịch nước.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 15.5.2021
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị xuất bản muốn thu hút độc giả thì công tác truyền thông thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những phương tiện truyền thông mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong công tác truyền thông thương hiệu xuất bản. Bài viết tập trung phân tích hoạt động truyền thông thương hiệu của NXB Kim Đồng nhằm rút ra những bài học cho các NXB trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận