Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
1. Những vấn đề đặt ra đối với xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Trong hệ thống chính trí Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí rất đặc biệt. Ra đời từ Hội nghị Trung ương lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1931), tổ chức Đoàn TNCS Đông Dương là một tổ chức quần chúng của Đảng nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước tham gia phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khi hệ thống chính trị dân chủ nhân dân ra đời, tổ chức Đoàn tiếp tục là một đoàn thể chính trị - xã hội của Đảng và của thanh niên. Đây là đội ngũ những thanh niên tiền phong, ưu tú nhất của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tự nguyện đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng. Vai trò, vị trí của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã được các văn kiện chính trị, pháp lý của Đảng và Nhà nước khẳng định. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XI) dành chương 5 quy định Đảng lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Điều 44 khẳng định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”. Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25.7.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng khẳng định quan điểm: “Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”. Hiến pháp 2013 (bổ sung và sửa đổi) ghi nhận Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng bốn đoàn thể chính trị - xã hội khác (bao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) là thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
Chín mươi năm qua, tổ chức Đoàn đã thực hiện xuất sắc vai trò, sứ mệnh của mình: tập hợp, giáo dục, rèn luyện nhiều thế hệ thanh niên xung kích, tích cực tham gia phong trào hành động cách mạng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc XHCN; giới thiệu hàng triệu cán bộ, đoàn viên ưu tú để bổ sung vào hàng ngũ của Đảng; tạo môi trường giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tổ chức các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động hướng tới mục tiêu đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh niên rèn luyện và tự khẳng định, vì sự tiến bộ của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước; phụ trách, hướng dẫn Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh xây dựng Đội thành tổ chức giáo dục thiếu nhi trong và ngoài nhà trường và đội dự bị cho tổ chức Đoàn. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, các hoạt động của Đoàn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phù hợp với từng đối tượng thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn từng bước quan tâm, chăm lo tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, trở thành người bạn gần gũi của thanh niên.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, có nhiều vấn đề ảnh hưởng và thách thức đối với tổ chức Đoàn.
Trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, thách thức đặt ra đối với thanh niên là phải nhanh chóng vươn lên ngang tầm thời đại, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, tiếp cận và nắm vững khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và các ngành công nghệ mũi nhọn khác. Đặc biệt, các yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ đòi hỏi rất cao đối với trình độ, năng lực và khả năng đáp ứng của thanh niên.
Sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, quá trình phát triển kinh tế thị trường sẽ tạo ra những thách thức đối với thanh niên về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ lẫn, tay nghề, bản lĩnh và tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên.
Các thế lực thù địch luôn nhằm vào thanh niên, ra sức lôi kéo, làm biến chất thanh niên, kích động thanh niên tham gia các hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị đất nước.
Trong điều kiện phát triển bùng nổ về thông tin, du lịch, mở rộng giao lưu quốc tế, thách thức đối với thanh niên là không được đánh mất, phai nhạt các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, mà phải kế thừa, phát huy các truyền thống đó, giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc trong giao lưu, hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Trong bối cảnh môi trường xã hội vẫn tồn tại những hiện tượng tiêu cực như: nạn tham nhũng, hối lộ, tệ quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, các hành vi phạm pháp... Là những thách thức không nhỏ đối với thanh niên.
Những thách thức trên đây đặt ra cho tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh một vấn đề lớn, cần phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với tình hình thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay. Muốn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thì trước hết phải tăng cường công tác xây dựng Đoàn.
2. Nội dung xây dựng TNCS Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức Cộng sản gần Đảng nhất. Vì vậy, nội dung xây dựng Đoàn cần xác định những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản như xây dựng Đảng (về mục tiêu và nguyên tắc).
Thứ nhất, xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị.
Xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị là nhằm xây dựng, củng cố nhận thức, niềm tin của đoàn viên, của thanh niên vào chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối chính trị của Đảng. Mục đích của xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị là hình thành thế giới quan khoa học (cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng khách quan, khoa học) và nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa (lối sống, cách sống nhân văn theo những chuẩn mực giá trị của người thanh niên trong thời đại mới). Tổ chức Đoàn vững mạnh phải là tổ chức của những thanh niên thực sự tiền phong, gương mẫu về nhận thức, đạo đức, lối sống và hành động.
Xây dựng Đoàn về tư tưởng, chính trị thực chất là giáo dục, xây dựng người thanh niên của thời đại.
Giáo dục tư tưởng, chính trị cho thanh niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sử dụng nhiều hình thức, biện pháp giáo dục nhưng phổ biến nhất là các hình thức: tuyên truyền, vận động; sinh hoạt chính trị và thông qua phong trào thanh niên thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Thứ hai, xây dựng Đoàn về tổ chức.
Xây dựng Đoàn về tổ chức là xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên của Đoàn.
Có thể nói, đây là nội dung quan trọng, cốt tử nhất của công tác xây dựng Đoàn, bởi lẽ, tổ chức không mạnh thì không thể thực hiện được sứ mệnh là làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong các nội dung xây dựng Đoàn thì xây dựng về tổ chức hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề rất cấp bách do những bất cập từ bản thân tổ chức Đoàn.
Cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác, tổ chức Đoàn hiện nay có cơ cấu tổ chức tương đồng với cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (theo bốn cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở). Mô hình tổ chức “nặng tính hành chính” này tiện cho hoạt động điều hành thống nhất nhưng có vẻ không đáp ứng yêu cầu linh hoạt, sáng tạo trong công tác vận động, tập hợp và tổ chức phong trào thanh niên. Tính hành chính còn thể hiện qua công tác cán bộ đoàn (do Đảng thống nhất lãnh đạo) và quản lý đội ngũ cán bộ chuyên trách như đội ngũ công chức (cán bộ chuyên trách là một dạng công chức hưởng lương ngân sách theo ngạch, bậc).
Các quy định về chế độ sinh hoạt Đoàn, tổ chức Đại hội, kết nạp, quản lý đoàn viên rất giống với quy định của tổ chức Đảng cũng có vẻ không còn phù hợp với lớp trẻ hiện nay trong khi yêu cầu về tính tiên phong của người đoàn viên TNCS lại ít được lưu tâm trong công tác kết nạp và trong sinh hoạt, hoạt động của Đoàn.
Từ những bất cập trên, đặt ra cho Đảng và cho tổ chức Đoàn cần nghiên cứu, xem xét việc tổ chức sắp xếp tổ chức, bộ máy của Đoàn theo hướng thoát ly mô hình tổ chức hành chính hiện nay. Có thể thí điểm ở vài địa phương về mô hình tổ chức Đoàn chỉ có 3 cấp: trung ương, tỉnh và cơ sở.
Thứ ba, xây dựng Đoàn về hành động.
Phong trào hành động là phương thức cơ bản để tổ chức Đoàn thực hiện nhiệm vụ chính trị và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Phong trào hành động còn là phương thức kết nối, tập hợp thanh niên và rèn luyện, giáo dục thanh niên, là nơi củng cố tính kỷ luật, tính cộng đồng, kỹ năng phối hợp, điều hành của tổ chức Đoàn. Có thể nói, phong trào thanh niên là thước đo giá trị, là sức sống, là linh hồn của tổ chức Đoàn. Phong trào là biểu hiện sự vững mạnh của tổ chức Đoàn.
Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI phát động triển khai 3 phong trào hành động cách mạng (“Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên khởi nghiệp”).
Vấn đề quan trọng đặt ra đối với tổ chức Đoàn là cần lưu ý, đầu tư về cách thức tổ chức thực hiện để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Để đảm bảo cho phong trào thanh niên mang lại những giá trị thiết thực trong đời sống xã hội và thu hút, hấp dẫn được đông đảo thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp cần cổ vũ, động viên, khuyến khích những sáng tạo từ phong trào cơ sở. Tổ chức Đoàn nên có quỹ hỗ trợ những chương trình, dự án, sáng kiến của thanh niên để từ đó có thể gây dựng và phát triển phong trào mang lại lợi ích cho thanh niên và cho xã hội.
3. Giải pháp tăng cường xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Các cấp bộ Đảng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25.7.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”.
Đảng đoàn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tham mưu với Bộ Chính trị, BCH Trung ương, Ban Bí thư về đề án xây dựng mô hình cơ cấu hệ thống tổ chức của Đoàn từ trung ương đến cơ sở cho phù hợp với yêu cầu tổ chức sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cần thiết thì xin chỉ đạo thí điểm mô hình tổ chức Đoàn ở một vài địa phương theo hai cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở - cấp huyện không có cơ quan chuyên trách huyện đoàn mà chỉ có nhóm công tác thanh niên trong khối đoàn thể trực thuộc Ban dân vận của cấp ủy).
Cần phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cơ sở đối với tổ chức Đoàn cơ sở, nhất là trong công tác cán bộ của Đoàn (đặc biệt là bí thư đoàn cơ sở và bí thư các chi đoàn). Bí thư đoàn cần được xác định, trước mắt là thủ lĩnh của thanh niên và sau nữa là nguồn đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ sở. Việc giới thiệu cán bộ đoàn phải tuyệt đối theo các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định của Quy chế cán bộ đoàn chứ không thể châm trước, bỏ qua yêu cầu về tiêu chuẩn. Trong điều kiện nguồn quy hoạch phong phú thì phải lựa chọn người ưu tú nhất.
Cần thực hiện nghiêm quy định của Điều lệ Đảng về đảng viên trong độ tuổi đoàn phải thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt đoàn và các nghĩa vụ, trách nhiệm của người đoàn viên, là nhân tố gương mẫu trong sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên trong tuổi đoàn hoặc được phân công làm công tác đoàn cần phải xem xét đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong tổ chức Đoàn.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực làm công tác đoàn.
Đội ngũ cán bộ đoàn các cấp có vai trò quyết định đến chất lượng tổ chức Đoàn nhất là quyết định đến hiệu quả các nội dung công tác xây dựng Đoàn. Thực tế cho thấy, ở một cấp bộ đoàn nào đó, việc thay đổi nhân sự chủ chốt (nhất là Bí thư) tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất lượng các mặt công tác Đoàn. Đại hội lần thứ XI (năm 2016) của Đoàn xác định quan điểm: Chất lượng cán bộ đoàn là trọng tâm của công tác xây dựng Đoàn.
Công tác cán bộ nới chung, công tác cán bộ đoàn nói riêng do cấp ủy trực tiếp lãnh đạo. Tuy nhiên, cấp bộ đoàn nhất là bí thư tham gia cấp ủy có vai trò quan trọng trong việc phát hiện nhân tố, đề xuất tham mưu cho cấp ủy về cán bộ đoàn. Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ đoàn có nguồn tuyển chọn từ nhiều lĩnh vực đào tạo và chuyên môn. Ưu thế chung là trình độ cao, cơ hội tiếp cận tri thức tốt, năng động, tích cực, sử dụng công nghệ thành thạo. Hạn chế chung là còn ít trải nghiệm, thiếu kiến thức toàn diện về đối tượng thanh niên, chưa nhận thức đầy đủ về tổ chức Đoàn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác còn yếu.
Từ thực tiễn này, Trung ương Đoàn cần nghiên cứu hướng dẫn các cấp bộ Đoàn làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cơ bản cho đội ngũ cán bộ chuyên trách (bí thư đoàn cơ sở và cán bộ các cơ quan chuyên trách đoàn cấp huyện trở lên). Cán bộ đoàn cần cập nhật kiến thức và kỹ năng công tác theo chức danh và theo công việc. Cần có nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh việc thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên của các tỉnh để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo cán bộ đoàn, đội các cấp.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh.
Tổ chức cơ sở Đoàn là nền tảng của hệ thống tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nền tảng cơ sở vững mạnh mới đảm bảo cho hệ thống tổ chức bền vững và lớn mạnh. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI xác định: Nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn là đột phá. Xây dựng và triển khai các giải pháp có tính đột phá trong nâng cao chất lượng đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư.
Công tác xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đoàn, nhất là ở địa bàn dân cư cần nhiều yếu tố: sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, nhất là Bí thư Đoàn cơ sở và Bí thư các chi đoàn, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Đoàn cấp trên cơ sở, sự hỗ trợ, phối hợp từ chính quyền và các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, nhân tố giữ vai trò quyết định đến chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn chính là cán bộ đoàn. Nhiệm vụ phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá cán bộ đoàn thuộc về cấp ủy cơ sở. Các tổ chức Đoàn cấp trên cơ sở (tỉnh, thành và quận, huyện đoàn) cần tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ bí thư Đoàn cơ sở và bí thư chi đoàn. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cần phối hợp với các ban của Trung ương Đoàn biên soạn nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp trong đó có cấp cơ sở.
Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên.
Đoàn viên là tế bào tạo nên tổ chức Đoàn. Chất lượng đoàn viên khẳng định tính tiền phong và chất lượng của tổ chức Đoàn.
Để nâng cao chất lượng đoàn viên, cần đề cao nguyên tắc: đảm bảo tính tiền phong của người đoàn viên TNCS. Đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên nhưng tổ chức Đoàn chỉ kết nạp những thanh niên tiền phong, gương mẫu về nhận thức, tư tưởng, hành động và ý thức kỷ luật. Tính tiền phong này là điểm khác biệt của tổ chức Đoàn với các tổ chức quần chúng khác và nó khẳng định vị trí của tổ chức Đoàn là tổ chức “gần Đảng nhất”. Đây cũng là yêu cầu trong công tác phát triển đoàn viên, cần phải coi trọng chất lượng - thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp Đoàn và thi hành kỷ luật đoàn viên.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn.
Kiểm tra, giám sát là công cụ để cấp bộ Đoàn phát hiện ra vi phạm, sai sót của cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn trong tổ chức và hoạt động để từ đó có tác động điều chỉnh phù hợp.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn cần kết hợp kiểm tra từ bên trong nội bộ của Đoàn (trong nội bộ của cấp bộ Đoàn, của tổ chức Đoàn cấp trên với cấp dưới) và từ bên ngoài (sự giám sát, đánh giá từ phía xã hội, của cấp ủy, chính quyền, các thành viên hệ thống chính trị cùng cấp).
Công tác xây dựng Đoàn cần sự kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan chuyên trách của Đoàn cấp trên, nhất là các ban của Tỉnh Đoàn và Trung ương Đoàn. Cần có sự phối hợp giữa cấp trên (với vai trò định hướng, dẫn dắt) và cấp dưới (thực hiện). Các cơ quan của Trung ương Đoàn cần có các nghiên cứu, đánh giá từng mặt công tác Đoàn trong đó có công tác xây dựng Đoàn để có các quyết định điều chỉnh, chỉ đạo trong hệ thống và có các kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền (Đảng, Nhà nước) về các chủ trương, quyết định có liên quan đến tổ chức Đoàn.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức quần chúng do Đảng thành lập và trực tiếp lãnh đạo. Đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của Thanh niên Việt Nam và là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Bởi vậy, trách nhiệm xây dựng Đoàn thuộc về trách nhiệm của Đảng, của bản thân tổ chức Đoàn, của các thành viên hệ thống chính trị và của chính đội ngũ cán bộ, đoàn viên và thanh niên. Vì vậy, để xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò, trách nhiệm của nhiều chủ thể trong hệ thống chính trị và xã hội. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực trạng của tổ chức Đoàn hiện nay./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 7.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận