Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân - nghiên cứu kinh nghiệm của Thành phố Hà Nội
1. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, kịp thời cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết, văn bản của Đảng về xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN đúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn
Nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định về xây dựng tổ chức đảng trong khu vực KTTN được Đảng ta ban hành thời gian qua như: Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị "Về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài"; Kết luận số 80 KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương khóa X “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới”; Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư “Quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương “Về thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Thông báo số 22-TB/TW, ngày 11/4/2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII “Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa X”; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường”; Kết luận số 29-KL/TW ngày 31/1/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Đảng viên làm KTTN; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị KTTN”; Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống… Thành uỷ Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, quán triệt và kịp thời cụ thể hoá các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
Chấp hành các văn bản của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 80 KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương khóa X “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới”, năm 2011, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 636-QĐ/TU ngày 6/5/2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có dưới 50% vốn nhà nước, các doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Thành phố Hà Nội"; ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo. Tất cả các huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp, đảng uỷ các Tổng Công ty trực thuộc Thành uỷ đều ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban Chỉ đạo.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách tái cấu trúc nền kinh tế; công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh; số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực KTTN, ngày 27/2/2012, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành uỷ tiếp tục ban hành Quyết định số 636-QĐ/TU ngày 6/5/2012, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thành phố xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có dưới 50% vốn nhà nước; các doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành phố Hà Nội".
Hằng năm, Ban Thường vụ đều có quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo thành phố thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cao với nguyên tắc “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” để thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ qua việc chủ động ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCĐTP ngày 2/3/2012 "Về tổ chức thực hiện và kế hoạch hằng năm của Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thành phố". Trên cơ sở đó, các quận uỷ, huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khối doanh nghiệp, đảng uỷ các tổng công ty trực thuộc thành uỷ đã xây dựng kế hoạch thực hiện.
Xác định để xây dựng được tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, Thành uỷ Hà Nội chủ trương thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc các huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ. Ngày 19/6/2013, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quy định 1774-QĐ/TU, "Quy định một số điểm khi thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp, Đảng bộ cụm công nghiệp trực thuộc quận, huyện, thị uỷ". Năm 2016, trên cơ sở Đề án số 01-ĐA/BCTTU của Ban Tổ chức Thành uỷ, Thành uỷ Hà Nội hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội và Đảng bộ Khối Du lịch Hà Nội thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội. Tiếp đó, Thành uỷ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 6/12/2019 hợp nhất Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Hà Nội và Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội.
Việc kịp thời cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết, văn bản của Đảng đúng và phù hợp với điều kiện thực tiễn xuất phát từ nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của tập thể cấp uỷ, người đứng đầu và từng thành viên cấp uỷ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN. Việc ban hành nghị quyết, quy định, chương trình, kế hoạch đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội là căn cứ quan trọng nhất để triển khai có hiệu quả chủ trương, về xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN của Đảng trong thời gian qua.
2. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN
Xác định xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN có nhiều điểm khác biệt so với việc xây dựng tổ chức đảng trong các khu vực khác, một trong những yêu cầu Thành uỷ Hà Nội đặt ra là không được cứng nhắc, rập khuôn mà phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở mỗi doanh nghiệp.
Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã tăng cường công tác khảo sát, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đội ngũ người lao động, từ năm 2012 đến năm 2020, toàn Thành phố đã chỉ đạo và thực hiện khảo sát trên 51.500 lượt doanh nghiệp, trong đó đã tiến hành khảo sát sâu, toàn diện trên 7.300 doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn, quy mô rộng, có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định(1). Trên cơ sở kết quả khảo sát, đã xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức các buổi tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và người lao động để vận động, thuyết phục thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Khi đã tạo được sự đồng thuận, đủ điều kiện theo quy định thì hướng dẫn các cấp uỷ đảng trực thuộc thành lập tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng và Điều lệ các tổ chức đoàn thể. Các tổ chức đảng sau khi được thành lập, tập trung hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc của cấp uỷ, quy chế phối hợp giữa cấp uỷ và chủ doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp theo đúng các quy định của Ban Bí thư; hướng dẫn công tác đảng vụ, đoàn vụ cho cơ sở nhằm thực hiện và phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng và đoàn thể.
Cấp uỷ lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nắm chắc tình hình công nhân, người lao động để tuyên truyền, vận động, phát hiện các đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng. Định kỳ đánh giá kết quả và đề ra nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết của cấp uỷ. Nhiều cấp uỷ trực thuộc đã cụ thể hoá thành các chương trình, đề án để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp thực hiện nền nếp. Hằng năm, các cấp ủy thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, tập trung vào việc kiểm tra chế độ, nền nếp sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ, quy chế làm việc, quy chế phối hợp của cấp uỷ... Qua kiểm tra, đã kịp thời định hướng, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với thực tế từng đơn vị; chấn chỉnh nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; hướng dẫn, định hướng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ; hướng dẫn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ, củng cố các tổ chức đảng góp phần từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp.
3. Quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong các đơn vị KTTN
Giai đoạn 2012 - 2020 là thời điểm tập trung thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đối với các tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu, đổi mới sắp xếp lại các doanh nghiệp. Các đảng ủy tổng công ty đã tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; động viên cán bộ, đảng viên, người lao động yên tâm công tác, thực hiện đúng các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Sau cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, đã chỉ đạo các đảng bộ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với mô hình quản trị doanh nghiệp mới trên tinh thần đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, củng cố những đơn vị yếu kém, tỷ lệ các tổ chức đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đều tăng, số tổ chức đảng yếu kém giảm. Nhiều cấp ủy đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tích cực đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, nhất là trong sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ định kỳ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đáp ứng việc bố trí thời gian và nhân sự vào hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị; các tổ chức đảng đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp, chủ động thực hiện việc trao đổi với chủ doanh nghiệp về kết quả hoạt động và nội dung định hướng thời gian tới trước khi sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ; có nơi mời chủ doanh nghiệp dự sinh hoạt chi bộ; tổ chức lấy ý kiến chủ doanh nghiệp trước khi nhận xét đảng viên. Đặc biệt, một số cấp ủy cấp trên đã chủ động đã cử cán bộ xuống dự sinh hoạt chi bộ tại các đơn vị KTTN để hướng dẫn, giúp đỡ quy trình, nội dung sinh hoạt chi bộ ở những đơn vị có tính đặc thù hoặc ở những tổ chức đảng cần phải củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đồng thời thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2012- 2020, cấp ủy các cấp đã mở 280 lớp bồi dưỡng cho 11.786 đối tượng kết nạp Đảng; 175 lớp bồi dưỡng cho 8.256 đảng viên mới; 128 lớp tập huấn nghiệp vụ cho trên 12.867 lượt cấp uỷ viên; 215 lớp nghiệp vụ công tác đoàn thể cho 16.980 lượt đoàn viên, hội viên(2). Qua đào tạo, bồi dưỡng đã giới thiệu được cho chủ doanh nghiệp và Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú có phẩm chất, năng lực vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp, phát huy tốt năng lực, sở trường, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Các tổ chức đoàn thể trong các đơn vị KTTN đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức đoàn, hội, thu hút đông đảo sự tham gia của các đoàn viên, hội viên và người lao động; các hoạt động được triển khai đã phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc; tích cực động viên người lao động tham gia các phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo, thi đua lao động giỏi, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao… Bên cạnh đó, các đoàn thể trong doanh nghiệp còn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ… đối với người lao động của chủ doanh nghiệp nhằm củng cố lòng tin của người lao động trở thành đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
4. Coi trọng, kiên quyết, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động đối với việc thực hiện chủ trương xây dựng tổ chức đảng trong đơn vị KTTN
Xác định việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc xây dựng và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp là một trong những yếu tố căn cốt quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác này, Thành uỷ Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ đơn vị KTTN, quần chúng và người lao động trong các doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian qua Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động đảm bảo thực chất, hiệu quả. Nội dung tuyên truyền, vận động thường xuyên đổi mới, phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm có liên quan đến khu vực KTTN. Hình thức, phương pháp tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để lan toả nội dung tới nhiều đối tượng hơn, phạm vi rộng hơn.
Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới và các phương tiện thông tin đại chúng khác xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền thường xuyên, liên tục các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Thành phố Hà Nội liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển KTTN trở thành một động lực của nền kinh tế nói riêng. Công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ đơn vị KTTN, quần chúng và người lao động trong khu vực KTTN về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên trong đơn vị KTTN, từ đó góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong đơn vị KTTN.
Các cấp uỷ đã tổ chức hội nghị, tọa đàm, giao lưu, đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động trong đơn vị KTTN định kỳ, đột xuất hoặc nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 để phổ biến, đối thoại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị KTTN, gắn công tác chỉ đạo, quản lý đơn vị KTTN với tuyên truyền, vận động, thuyết phục ban lãnh đạo đơn vị KTTN, chủ đơn vị KTTN và người lao động quan tâm tạo điều kiện cho việc thành lập, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2012-2020, các quận, huyện, thị ủy đã tổ chức trên 740 buổi gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp, tọa đàm chuyên đề, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và địa phương đối với các doanh nghiệp trên địa bàn…(3).
Một số cấp uỷ đã chủ động vận động thành lập tổ chức đảng ngay từ khi nhà đầu tư nghiên cứu dự án đầu tư. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp là người nước ngoài, Thành uỷ cũng đã chỉ đạo một số cơ quan có liên quan biên tập và in các tài liệu phục vụ tuyên truyền chủ trương xây dựng tổ chức đảng trong đơn vị KTTN của Đảng ra tiếng nước ngoài. Trong giai đoạn 2012-2020 đã biên tập và in 02 số Thông tin chuyên đề (10.000 cuốn) Nghị quyết số 09-NQ/TU, Nghị định số 98-NĐ/CP của Chính phủ ra 04 thứ tiếng nước ngoài (Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản)(4),...
Việc phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị KTTN tham gia công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục có vai trò rất quan trọng trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành uỷ, các cấp uỷ, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị KTTN; vận động người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, các đoàn thể quần chúng; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để phát hiện những quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng. Thành đoàn Hà Nội ban hành Chương trình số 07-Ctr/TNHN ngày 15/5/2013, Hướng dẫn số 17-HD/TNHN ngày 15/7/2013; tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho thanh niên và con công nhân lao động; tặng các mô hình sân chơi thiếu nhi; tổ chức các hoạt động hỗ trợ và đồng hành, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao trong các Khu công nghiệp...
Trong giai đoạn 2012-2020, Liên đoàn lao động Thành phố tổ chức 1.856 buổi quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ công đoàn các cấp; tổ chức 341 hội nghị, phát hành 679.700 tờ gấp và 25.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, phát hành 5.000 cuốn Sổ tay Pháp luật, 10.000 cuốn Sổ tay Công nhân, 4.000 tờ gấp về an toàn lao động, bảo hiểm nhân thọ đến công nhân lao động. Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã xây dựng Đề án số 05-ĐA/BTV ngày 30/6/2012 về tăng cường, thu hút lao động nữ tham gia tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2012- 2016. Các hoạt động trên đã thu hút, tập hợp người lao động trong các doanh nghiệp tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, thuyết phục những quần chúng ưu tú phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên, góp phần xây dựng hạt nhân ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng; xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở những doanh nghiệp đã thành lập tổ chức đảng.
Việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục còn được một số cấp uỷ, tổ chức đảng trong đơn vị KTTN thực hiện khéo léo qua hoạt động phối hợp với Ban giám đốc, chủ doanh nghiệp biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các đơn vị, cá nhân tiên tiến, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp hiệu quả đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức hoạt động hiệu quả; trong đó có nhiều đảng viên xuất sắc trở thành làm tấm gương sáng cho quần chúng và người lao động tin tưởng, noi theo.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN. Vì vậy, nhiều lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đã nhận thấy vị trí, vai trò, lợi ích thiết thực của việc có tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp nên đã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đảng viên hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò trong doanh nghiệp.
Để thực hiện quan điểm được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “KTTN là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(5) đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN; tích cực đổi mới, nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực, sức chiếu đấu của tổ chức đảng, đảng viên ở loại hình doanh nghiệp này. Những kinh nghiệm của Thành phố Hà Nội trong phát triển tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN có giá trị tham khảo hữu ích cho các địa phương đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế này./.
__________________________________________________
(1), (2), (3), (4) Thành ủy Hà Nội (2020), Báo cáo số 659-BC/TU ngày 21/5/2020, Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020, Hà Nội, tr.7, 10, 3, 3.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H.,T.1, tr.129.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 5/ 2023
Bài liên quan
- Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam của Đại thắng mùa Xuân 1975 để lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của niềm tin, ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc
- Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Nhân tố cốt lõi bảo đảm thành công trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 66: LỜI HIỆU TRIỆU MÙA XUÂN
-
2
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong tình hình mới
-
3
Mạch Nguồn số 65: NHÌN LẠI 2024 "CHUYỆN LÀNG, CHUYỆN NƯỚC"
-
4
Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
-
5
NGÀY HỘI TƯ VẤN TUYỂN SINH - HƯỚNG NGHIỆP - VIỆC LÀM 2025: AJC OPEN DAY - JOB FAIR 2025
-
6
Mạch Nguồn số 68: LAN TỎA PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TẠI HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới có khởi nguồn từ đất nước Ấn Độ và du nhập vào Việt Nam đến nay đã gần 20 thế kỷ. Với những giáo lý mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, Phật giáo dễ dàng hòa nhập với đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam. Một trong những giáo lý có ảnh hưởng và ý nghĩa sâu sắc với các tín đồ đạo Phật và mỗi người dân Việt Nam là tư tưởng hồi hướng công đức. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ thuật ngữ “hồi hướng”, “hồi hướng công đức”, nội dung, tính hợp lý và giá trị đạo đức của giáo lý này đối với đời sống tinh thần của người Việt.
Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam của Đại thắng mùa Xuân 1975 để lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam của Đại thắng mùa Xuân 1975 để lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
Sáng ngày 30-4-2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn lễ kỷ niệm. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn:
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của niềm tin, ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của niềm tin, ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của niềm tin, ý chí kiên cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó cần tiếp tục được phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, sánh vai các cường quốc năm châu.
Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế. Thắng lợi này đã củng cố thành quả của kỷ nguyên độc lập, tự do và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam do Đảng lãnh đạo; tiếp tục khẳng định hệ giá trị cho nhân loại về tính chính nghĩa của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và vươn mình phát triển.
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện trọng đại - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Đó không chỉ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn gian khổ, mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí độc lập, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bình luận