(LLCT&TT) Di cư là một hoạt động tất yếu của tồn tại loài người trong suốt chiều dài lịch sử. Di cư góp phần phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trong cả nước, ngoài các mục tiêu di cư phục vụ cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, di cư còn thực hiện mục tiêu quốc phòng, an ninh(1). Đặc thù di cư ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng hiện nay khá đa dạng. Để hiểu hơn về vấn đề trên, bài viết mang đến cho bạn đọc những nội dung cụ thể về xu hướng di cư của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu cũng như những vấn đề đặt ra đối với công tác quốc phòng, an ninh.
1. Đặc điểm di dân của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu
Di dân trong nước nói chung và ở Lai Châu nói riêng không phải là một hiện tượng mới ở nước ta. Theo Báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2010) cho biết: sau năm 1975, đã có một sự di chuyển lớn dân số từ thành phố về các khu vực nông thôn, miền núi. Xu thế di dân này một phần là do chương trình tái định cư theo kế hoạch của Đảng và Nhà nước đưa cư dân thành thị, đồng bằng về các khu vực kinh tế mới và một phần lý do khác là nơi người dân di cư sau chiến tranh.
Hiện nay, di dân ở nước ta nói chung và ở địa bàn Lai Châu nói riêng đã và đang tồn tại các loại hình di dân đa dạng. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỉ lệ di dân có tổ chức và di dân tự do, song theo số liệu điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2014, tỉ trọng loại hình di dân nông thôn - thành thị cũng như loại hình di dân nông thôn - nông thôn vẫn cao và tương tự nhau ở mức 29%. Số liệu điều tra di dân nội địa quốc gia năm 2015: Các kết quả chủ yếu, nhận xét rằng, “di dân nội vùng là loại hình di dân lớn nhất trong số các loại hình di dân nội địa, trong khi đó di dân giữa các vùng chiếm tỉ trọng thấp hơn”(2).
Đối với tỉnh Lai Châu, tình hình di dân ngoài chủ trương, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, loại hình di dân tự do cũng đã xuất hiện và nổi cộm từ những năm 1995 - 1997 sau khi có tình trạng (xưng vua, đón vua “Vàng Chứ”) trong đồng bào dân tộc Hmông từ những năm 1990. Từ năm 2000 đến nay, tình hình di dân ở Lai Châu ngày càng có nhiều diễn tiến phức tạp với các loại hình di dân đa dạng bao gồm cả di dân có kế hoạch theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và di dân tự do (cả trong nội vùng, ngoại vùng, nội tỉnh, ngoại tỉnh và di dân vượt biên giới sang Lào và Trung Quốc)(3).
Đối với tình hình di dân có tổ chức, theo kế hoạch chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm mục tiêu xây dựng thủy điện, thủy lợi phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu dân sinh trên địa bàn Lai Châu. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, thực hiện chương trình di dân tái định cư xây dựng thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát theo Quyết định số 34/2010 QĐ-TTg ngày 8/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Lai Châu đã hoàn thành việc di chuyển và tiếp nhận 5.819 hộ dân tái định cư (trong đó đối với di dân tái định cư thủy điện Sơn La là 3.564 hộ; di dân tái định cư thủy điện Lai Châu là 1.331 hộ; di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát là 924 hộ(4). Các vùng bố trí di dân tái định cư được tập trung ở các huyện Tam Đường, Mường Tè, Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu).
Tình hình di cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều biến động tương đối phức tạp, nhất là tình trạng di dân tự do ở vùng biên giới. Theo số liệu của UBND tỉnh từ đầu năm 2006 đến 6.2017 có 862 hộ với 4.451 khẩu di cư tự do, trong đó di cư tự do đi là 451 hộ với 2.364 khẩu, di cư đến là 166 hộ với 842 khẩu, 140 hộ hồi cư với 804 khẩu và di cư nội tỉnh là 105 hộ với 441 khẩu. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh Lai Châu di dân ngoại tỉnh khoảng 13.500 người (chủ yếu đi Mường Nhé/ Điện Biên và các tỉnh Tây Nguyên; di dân nội tỉnh khoảng 6.330 người (đi các xã Nậm Manh, Mường Mô, Kan Hồ, Tà Tổng, Mù Cả/ Mường Tè). Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016, hiện tượng di dân nội vùng, ngoại vùng, di dân xuyên biên giới bất hợp pháp có những diễn biến khó lường, khó kiểm soát. Số hộ di cư ngoại vùng là 59 hộ/ 275 khẩu, số hộ di cư nội vùng là 55 hộ/320 khẩu (chủ yếu là đồng bào tộc người Hmông theo đạo). Di cư tự do biên giới (sang Trung Quốc) là 17 hộ/ 83 khẩu. Số phụ nữ sang Trung Quốc kết hôn tính từ năm 2005 đến nay là 706 người (trong đó từ năm 2006 đến 2012 là 635 người, năm 2013 là 21 người, năm 2014 là 32 người, năm 2015 là 62 người). Số người sang Trung Quốc làm thuê là 164 người (chủ yếu là nam giới)(5).
Tỉnh Lai Châu hiện có 20 thành phần dân tộc (tộc người) sinh sống, trong đó tộc người Thái chiếm 35,19%, tộc người Hmông chiếm 21,87%, tộc người Kinh chiếm 12,69%, tộc người Dao chiếm 11,84%, tộc người Hà Nhì chiếm 4,34%, còn lại là các tộc người khác(6). Trong các dân tộc, dân tộc Thái có số lượng đông nhất trong dòng di dân có kế hoạch; dân tộc Hmông di cư tự do đông nhất. Theo tập quán, người Thái thường định cư ở vùng thấp, địa hình có nhiều suối, ruộng trồng lúa nước nên khi triển khai xây dựng thủy điện Sơn La, Lai Châu, số lượng người Thái phải di chuyển đến nơi ở mới là đông nhất. Người Hmông, với tập quán du canh, du cư nên họ thường xuyên dịch chuyển chỗ ở và canh tác, tạo ra dòng di cư tự do lớn nhất trong các dân tộc.
Di dân tự do trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện, chịu sự tác động từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau:
Nguyên nhân về địa lý, kinh tế và tập quán canh tác. Các hộ di cư tự do đến nơi ở mới chủ yếu là do đang sinh sống ở nơi rất khó khăn, có hoàn cảnh đói nghèo (đồi núi có độ dốc cao, mùa mưa gây sạt lở, đất bạc màu, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, lũ quét...). Do đó, quá trình canh tác đất bị bạc màu nhanh, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi (điển hình như ở các xã Mường So, Dào San, Pa Vệ Sử, Sì Lờ Lầu thuộc huyện Phong Thổ,…). Kết quả khảo sát người di cư tự do ở tỉnh Lai Châu cho thấy, lý do di cư vì nơi ở cũ nghèo đói và thấy nhiều người đến nơi ở mới dễ làm ăn hơn chiếm tỉ lệ cao nhất trên 80%(7).
Mặt khác, các hộ di cư tự do đều thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Các nguyên nhân đó tạo ra tập quán canh tác du canh, du cư của các tộc người thiểu số ở địa bàn Lai Châu mà chủ yếu là tộc người Hmông và Dao(8).
Nguyên nhân thuộc về yếu tố tâm lý tộc người của một số dân tộc thiểu số ở Lai Châu, điển hình là tộc người Hmông:“Tộc người Hmông muốn có một Vương quốc riêng (Vương quốc Hmông tự trị), nên đã nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động tổ chức di dân tự do đi đến các nơi theo sự sắp xếp của chúng để được học tiếng mẹ đẻ “tiếng Latinh hóa Hmông”, để được ăn mặc đẹp, đi chơi và nghe giảng kinh thánh ở nơi cư trú mới vào các ngày thứ 5, thứ 7 trong tuần”(9).
Nguyên nhân từ phía các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào di cư tự do, hòng gây áp lực về chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, tạo cớ gây sức ép, can thiệp vào nội bộ chủ quyền quốc gia, phá vỡ thế trận xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở tỉnh Lai Châu. Các thế lực thù địch, phản động núp bóng danh nghĩa các tổ chức phi chính phủ (NGOs) để xây dựng các hoạt động chống phá như tài trợ về vật chất, gây dựng tinh thần hoang ảo; tuyên truyền đồng bào chống đối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương.
Cùng với những nguyên nhân tạo ra dòng di cư tự do nói trên là các nguyên nhân khác như: trình độ dân trí, lao động của đồng bào các dân tộc còn thấp; cơ cấu chuyển đổi lao động, ngành nghề chưa có; phong tục tập quán lạc hậu trong định canh, định cư,…
2. Xu hướng di cư của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu
Xu hướng di cư ở mỗi thời kỳ gắn với sự phát triển của đất nước và vùng miền cụ thể. Nếu như trong một vài thập kỷ trước, di cư ở tỉnh Lai Châu gắn với các loại hình di cư có kế hoạch theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và một số loại hình di cư tự do khá thân thuộc như di theo tập quán canh tác (du canh, du cư) của một số tộc người thiểu số; di cư vì lý do an toàn trong sản xuất và nơi ở; phòng tránh thiên tai,… thì hiện nay, cùng với các dạng thái di cư trên, xu hướng di cư ở tỉnh Lai Châu có chiều hướng mới, khá đa dạng, phức tạp. Có thể nhận diện xu hướng di cư của các đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu trên một số chiều cạnh sau:
Hướng di cư tự do Đông - Tây. Ở tỉnh Lai Châu có đủ các loại hình di cư, tạo ra các dòng di dân khác nhau. Song đáng chú ý nhất là dòng di cư tự do Đông - Tây, tập trung chủ yếu ở dân tộc Hmông và một số ít người Dao.
Trong các loại hình di cư ở tỉnh Lai Châu (cũng như một số tỉnh biên giới trên đất liền ở nước ta) xuất hiện di dân xuyên biên giới, từ Lai Châu tự do đi sang các nước Trung Quốc và Lào. Di dân tự do xuyên biên giới chủ yếu là di dân theo đường “tiểu ngạch”, trái phép. Những người di chuyển sang Trung Quốc, Lào theo mùa vụ, diễn ra chủ yếu khi mà các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc, Lào vào vụ thu hoạch một số cây trồng như mía, ngô,…; hoặc vào các dịp lễ tết để làm thuê. Họ sang các nước để tìm kiếm việc làm, thường là những việc làm giản đơn. Theo kết quả khảo sát của Khoa Dân tộc và Tôn giáo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I (2015) cho thấy, tại tỉnh Lai Châu, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép đang xảy ra ở địa bàn biên giới, chỉ tính riêng từ tháng 6 năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2015 cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện trên 600 trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc và Lào(10).
Di dân xuyên biên giới rất khó quản lý, vì người dân đi theo từng tốp người cùng dân tộc, cùng địa phương, thông qua mạng lưới xã hội và tùy thuộc vào những thông tin về việc làm từ các địa phương biên giới của Trung Quốc, Lào dội về. Điểm đáng chú ý là, một số người đã có những việc làm trái pháp luật như: vận chuyển hàng hóa trái phép; mang chuyển những tài liệu, văn hóa xấu độc vào nước ta và cũng có không ít người “trung chuyển” các tài liệu xuyên tạc, chống đối Nhà nước ta. Có một số ít di cư để thực hiện việc gom, mua, vận chuyển ma túy.
Không gian, thời gian của di dân. Di dân ở tỉnh Lai Châu phân bố tương đối rộng, diễn ra hầu hết trên phạm vi toàn tỉnh và vùng với các loại hình đa dạng. Có sự khác biệt về thời gian di dân giữa hai loại hình di dân có tổ chức và di dân tự do. Nếu như di dân có tổ chức diễn ra công khai và có thời điểm di chuyển nhất định thì di dân tự do thường diễn ra không công khai, khó nắm bắt. Trong báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo của tỉnh Lai Châu năm 2016 ghi rõ: “Các trường hợp di cư tự do thường lén lút vào đêm khuya và thời gian di cư thường tập trung chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm”(11). Đây là khoảng thời gian mà một số tộc người thường sau ăn tết xong hoặc thu hoạch mùa vụ xong thì tiến hành di cư theo tập quán canh tác, du canh du cư.
Quy mô số lượng dân chuyển cư. Kết quả nghiên cứu cho thấy, di dân ở các loại hình diễn ra với số lượng khá lớn, trong đó số lượng di dân theo kế hoạch của Nhà nước và chính quyền địa phương là lớn nhất. Theo báo cáo của địa phương, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 chính quyền địa phương đã phải di chuyển hàng nghìn hộ dân đi khỏi nơi lòng hồ để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện.
Công cuộc di dân theo kế hoạch vẫn còn tiếp diễn, hằng năm địa phương tiếp tục thực hiện các đợt di dân tránh lũ, ổn định dân di cư cho các đồng bào tộc người thiểu số. Đối với loại hình di dân tự do, số lượng không lớn bằng di dân theo kế hoạch, song diễn ra khá phức tạp, có thời điểm ồ ạt, với số lượng khá lớn, song có thời điểm lại yên ắng, chẳng hạn như sự việc di dân ở huyện Mường Tè, Sìn Hồ năm 2004 với hơn 7000 người di cư; năm 2011 di cư Mường Tè đi Mường Nhé, Điện Biên với hơn 11.000 người(12), là một minh chứng. Điều đáng lưu ý di cư tự do chủ yếu là tộc người Hmông.
Địa bàn di dân. Di dân ở tỉnh Lai Châu diễn ra hầu hết trên các địa bàn song không đồng đều. Di cư theo kế hoạch của Nhà nước và chính quyền địa phương chủ yếu diễn ra trên phạm vi nội tỉnh, toàn tỉnh có 5 huyện có số lượng di cư lớn đó là: Sìn Hồ, Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ và Tam Đường. Trong đó huyện Tân Uyên, Tam Đường là điểm đến của loại hình di dân có tổ chức, với số lượng nhiều hơn các địa phương khác. Di cư tự do diễn ra trên phạm vi rộng hơn bao gồm cả nội huyện, nội tỉnh, nội vùng và cả di cư xuyên biên giới. Trong đó, các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ có số lượng di dân tự do, cả đi và đến lớn hơn các huyện khác trong địa bàn tỉnh.
Như vậy, di dân ở Lai Châu trong thời gian gần đây đa dạng về loại hình, phức tạp về quy mô, tính chất và không đồng đều giữa các địa phương, tộc người. Thực trạng đó tạo ra khó khăn cho việc kiểm soát di dân, quản lý xã hội và việc đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực và đất nước.
Theo số liệu thống kê, hai huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), Mường Tè (tỉnh Lai Châu) là hai địa phương người Hmông di cư tự do đến tụ cư. Trong giai đoạn từ 2006 đến nay di cư tự do nội vùng Tây Bắc chủ yếu là di cư của người Hmông, theo trục Đông - Tây. Trong dòng di cư tự do ở Mường Nhé tỉnh Điện Biên năm 2011, có yếu tố tộc người, liên quan đến sự tích tụ dân cư của dân tộc Hmông từ các địa phương trong vùng chuyển đến, trong đó có người Hmông của tỉnh Lai Châu.
Sự dịch chuyển nơi ở với số lượng lớn của người Hmông theo hướng Đông - Tây có yếu tố tác động của tôn giáo, tập tính tộc người. Người Hmông thường di cư đến phía Tây, ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Do trình độ dân trí thấp với tập tính du canh du cư và tính tộc người nên đã tạo ra dòng di cư tự do Đông - Tây của người Hmông trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng, ở một số tỉnh Tây Bắc nói chung.
3. Những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng, an ninh trên địa bàn
Di cư của các đồng bào tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu có sự đa dạng về loại hình và tính chất. Di cư kể cả di cư tự do tạo ra sự phân bố lại dân cư, khỏa lấp những vùng thưa vắng về dân cư, nhất là vùng biên giới, để xác lập chủ quyền của đất nước và khai thác tài nguyên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu được quản lý tốt, được quan tâm xây dựng thì những nơi dân cư do di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số hình thành sẽ tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biên cương của đất nước. Song nó cũng để lại những hệ lụy xã hội trên các mặt kinh tế - xã hội; quản lý dân cư với quốc phòng, an ninh sâu sắc.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch thường lợi dụng kẽ hở trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương Lai Châu trong công tác di dân tái định cư, lôi kéo đồng bào nhẹ dạ, cả tin di cư tự do hoặc chống đối chính sách di dân tái định cư, gây khó khăn cho công tác phát triển lực lượng quốc phòng, an ninh. “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc di cư tự do với số lượng lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Dân quân ở các xã biên giới không tập trung tinh thần; hạn chế số lượng; ý thức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của một số cán bộ địa phương và nhân dân chưa tốt. Trong số những hộ /người di cư tự do cả trong nội vùng, ngoại vùng, vượt biên trái phép có cả đảng viên, cán bộ chủ chốt cấp xã, người có uy tín trong dòng họ,…”.
Những tác động tiêu cực trên của di dân ngày càng gây bất lợi trong công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Việc nắm rõ, phát huy những thuận lợi của di dân, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của di cư, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền Lai Châu cần có biện pháp tổng hợp, tích cực hơn nữa góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Một là, cấp ủy, chính quyền địa phương Lai Châu cần có những nghiên cứu định kỳ hàng năm về di dân, chú trọng đối tượng di dân tự do để giúp cho công tác kiểm soát và dự báo di dân kịp thời; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng di dân tự do. Trong quá trình lập kế hoạch di dân, tái định cư nên khuyến khích các hình thức di dân không tập trung theo phương thức xen ghép và tự nguyện nhằm hạn chế sức ép đất đai tập trung, tăng cường khả năng tự điều chỉnh, tiến tới hồi phục nhanh cuộc sống của các hộ dân sau tái định cư. Giữ vững ổn định, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Lai Châu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng địa phương, đảm bảo quốc phòng, trật tự an ninh trên địa bàn.
Hai là, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Lai Châu cần bám nắm dân cư, nhất là sự biến động dân di cư tự do, kịp thời củng cố, tăng cường lực lượng cho những địa bàn vắng dân, thưa dân, những địa bàn có dân di cư mới. Kiện toàn các hoạt động của lực lượng quốc phòng, an ninh, đồng thời tiến hành lồng ghép các hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh cho nhân dân, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
_____________________________________________
(1) Đặng Nguyên Anh (1999), Di dân và quản lý di dân trong giai đoạn phát triển mới: Một số suy nghĩ từ góc độ nghiên cứu, Tạp chí Xã hội học, Số 3,4 (67,68).
(2) Tổng cục Thống kê - Quỹ dân số Liên hợp quốc (2016), Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015: Các kết quả chủ yếu, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội.
(3) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu (2016), Báo cáo khái quát tình hình khu vực biên giới và tình hình di cư tự do ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu, Lai Châu.
(5), (11), (12) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu (2016), Báo cáo khái quát tình hình khu vực biên giới và tình hình di cư tự do ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu, Lai Châu.
(6) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo của tỉnh Lai Châu năm 2016.
(7), (8) Dựa trên kết quả khảo sát của tác giả phục vụ đề tài luận án: Di dân với xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân (nghiên cứu trường hợp tỉnh Lai Châu), năm 2017.
(9) PVS: nam, 35 tuổi, cán bộ dân vận, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.
(10) Vũ Trường Giang và các cộng sự (2016), Di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số tác động đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ năm 2015, Mã số: B15-15, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Bình luận