Xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội liên quan đến các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam hiện nay
1. Một số vấn đề liên quan đến khủng hoảng truyền thông của giới nghệ sĩ biểu diễn
Truyền thông trên MXH đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung và các nghệ sĩ biểu diễn nói riêng. MXH vừa là công cụ truyền thông cho giới nghệ sĩ, nơi họ giao tiếp với công chúng và xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng đồng thời cũng là nơi khởi phát và lan rộng các cuộc khủng hoảng truyền thông về chính họ. Bài nghiên cứu này ta sẽ tìm hiểu về xử lý khủng hoảng truyền thông trên MXH đối với các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP chỉ rõ: Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới(1).
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khủng hoảng và khủng hoảng truyền thông, trong đó nhấn mạnh vai trò của truyền thông đối với việc xử lý khủng hoảng. Trước hết, theo Charles F. Hermann, có ba đặc trưng tách biệt khủng hoảng bao gồm: Bất ngờ, đe dọa và thời gian ứng phó ngắn(2).
Sau này, Theo R. Tyler Spradley, khái niệm về khủng hoảng được công nhận rộng rãi bao gồm 5 thành phần: (1) khủng hoảng bao gồm những hậu quả nặng nề đối với hoạt động và danh tiếng; (2) khủng hoảng có thể là một sự kiện đơn giản hoặc phức tạp hoặc một chuỗi các sự kiện hội tụ lại; (3) khủng hoảng là những điều bất ngờ về bản chất có rất ít hoặc không thể dự đoán được; (4) các cuộc khủng hoảng thực sự đe dọa đến hiệu quả hoạt động hoặc nhận thức của công chúng; và (5) các cuộc khủng hoảng đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tham gia vào một quá trình nhận thức nhằm giảm mức độ không chắc chắn và khôi phục một dạng ổn định giúp duy trì hoạt động.
Theo giáo trình môn Khủng hoảng truyền thông của Khoa Quan hệ công chúng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khủng hoảng truyền thông là “thông tin tiêu cực về tổ chức lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông khiến công chúng hoang mang, mất niềm tin. Trong cuộc khủng hoảng truyền thông, các phương tiện truyền thông có thể là công cụ lan truyền khủng hoảng hoặc là nguyên nhân của khủng hoảng. Yếu tố truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho tình hình trở nên xấu đi hay tốt lên”(3).
Ở Việt Nam, khái niệm “xử lý khủng hoảng truyền thông khá phổ biến để nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ truyền thông, lan rộng từ truyền thông và cũng được chấm dứt bởi quyền năng của truyền thông. Trong khi đó, khái niệm Crisis communication ở nước ngoài còn được hiểu như là “truyền thông trong khủng hoảng”. Từ đó, nhiều định nghĩa về truyền thông trong khủng hoảng nghiêng về quan điểm dựa trên sự truyền tải, tập trung vào “việc thu thập, xử lý và phổ biến thông tin cần thiết để giải quyết tình huống khủng hoảng”(4). Ngoài ra, truyền thông trong khủng hoảng được xem một cách hữu ích như một loạt các quy trình và thực tiễn giao tiếp nhằm tìm cách thúc đẩy sự an toàn và ổn định của tổ chức, cá nhân khi các hoạt động bình thường gặp phải thách thức bởi khủng hoảng.
Trong số các công cụ của truyền thông, social media (mạng xã hội) ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong việc đăng tải, lan tỏa các thông điệp truyền thông. Hiện nay, có nhiều cách phân loại mạng xã hội, trong đó điển hình nhất là cách chia MXH thành các nhóm như sau:
- Mạng xã hội hỗn hợp giao tiếp và mạng kết nối: FB, Zalo
- Mạng hình ảnh: Instagram, Flickr, Pinterest…
- Mạng công việc, chuyên môn: LinkedIn, Slideshare
- Mạng chia sẻ video: Youtube, Tiktok, Vimeo, Vine
- Mạng xã hội chia sẻ âm nhạc: Souncloud, Musically, Spotify.
- Mạng xã hội thảo luận: ttvnol.vn, webtretho.com, lamchame, otofun, tinhte, VOZ…
- Mạng xã hội viết blog: WordPress (WordPress.com và WordPress.org), Blogger.com, Multiply, Myspace, Blogspot…
- Mạng xã hội đánh giá: reviewcongty123, tripAdvisor, Foody…
Với đặc điểm công khai và dễ lan tỏa, MXH không chỉ tạo ra hiệu quả nhanh chóng cho các hoạt động truyền thông, mà ngược lại, MXH cũng tạo ra các nguy cơ thường trực đối với khủng hoảng truyền thông. Theo Thomas Friedman, “khi mọi người có blog, có tài khoản trên Facebook hay Twitter thì tất cả đều là nhà xuất bản. Với điện thoại di động, mỗi người đều có thể là tay săn ảnh. Và khi một người đăng tải clip lên Youtube thì họ trở thành nhà sản xuất phim…”(5). Trong bài viết này, người nghiên cứu chỉ đề cập đến các nền tảng MXH phổ biến tại Việt Nam và liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu, bao gồm: Facebook, Youtube, TikTok và Instagram.
2. Phân loại các khủng hoảng của giới nghệ sĩ biểu diễn trên MXH
Trên nền tảng mạng xã hội, các nghệ sĩ biểu diễn vừa là người của công chúng (celebrities), vừa là những người gây ảnh hưởng (influencer), vừa là người dẫn dắt quan điểm chính (KOL - Key Opinion Leader). Họ đồng thời cũng là các gương mặt thương hiệu, quảng cáo, đại sứ cho các chiến dịch truyền thông của các doanh nghiệp, tổ chức…
Thuật ngữ “Người gây ảnh hưởng” (“Influencer”) hiện nay được sử dụng tương đồng với “KOL”, dùng để chỉ những người có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng, có khả năng tác động tới nhận thức, thái độ và hành vi của một nhóm người có những đặc điểm chung. Khả năng gây ảnh hưởng này được tạo ra bởi quyền lực, hiểu biết, vị trí xã hội và mối quan hệ họ có được.
Trong những năm gần đây, khái niệm, thuật ngữ “Influencer” (người gây ảnh hưởng, đưa ra ý kiến tham khảo) trở nên phổ biến trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng (PR: Public Relations). Theo đà phát triển của truyền thông xã hội (social media) và mạng xã hội (social network) như Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok… xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các loại hình người có tầm ảnh hưởng truyền thông ở nhiều mức độ và lĩnh vực khác nhau.
Khủng hoảng truyền thông trên MXH có 3 đặc điểm chính: tính lan tỏa (Spreadability), sức ảnh hưởng (influence) và sự tăng cấp (escalation) - theo TS Clara Ly-Le. Cũng vì vậy, MXH tác động không nhỏ đến sự gia tăng về số lượng và tần suất những cuộc khủng hoảng truyền thông trên các nền tảng MXH liên quan đến giới nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam. Trong số đó, tác giả bài viết này tạm thời phân loại thành các nhóm khủng hoảng sau: (mỗi nhóm khủng hoảng, nên có ví dụ minh họa).
- Khủng hoảng về phát ngôn: trong thời gian qua, Hoa hậu Ý Nhi khiến dư luận dậy sóng sau khi đăng quang vì những phát ngôn vừa thiếu hàm lượng chất xám, vừa kiêu ngạo. Các video phỏng vấn của Ý Nhi được đăng tải, chia sẻ tràn ngập trên mạng. Mới đây nhất, ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng gây dậy sóng cộng đồng mạng vì phát ngôn trịch thượng với báo chí và các đồng nghiệp…
- Khủng hoảng liên quan đến năng lực biểu diễn: đó là trường hợp của ca sĩ Khánh Thy hát chênh phô trên sóng trực tiếp của Đài Truyền hình Hà Nội, để lộ nhiều hạn chế về kỹ thuật thanh nhạc, quên lời, phải giơ bàn tay ra nhìn chữ.
- Khủng hoảng về đời tư liên quan đến tình yêu, hôn nhân, giới tính: một số ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Jack. Yasuy đã từng bị cư dân mạng phản đối vì câu chuyện “thay lòng đổi dạ”, làm fan mang bầu và không thực hiện nghĩa vụ nuôi con.
- Khủng hoảng liên quan đến tài chính như các vấn đề về nộp thuế, catse, nợ nần mất khả năng thanh toán, không minh bạch trong hoạt động gây quỹ từ thiện… Điển hình là những lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh nhận tiền từ thiện lên tới hơn 14 tỷ đồng nhưng không giúp đỡ bà con vùng lũ, ca sĩ Thủy Tiên chưa minh bạch về các khoản thu chi trong khi làm từ thiện, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trốn thuế…
- Khủng hoảng liên quan đến các vấn đề pháp luật như xâm hại hoặc quấy rối tình dục, chia sẻ thông tin giả mạo, xấu độc, quảng cáo sai sự thật, hoặc vi phạm các quy trình, thủ tục, giấy phép… trong biểu diễn. Đó là trường hợp của diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị bắt tại Tây Ban Nha vì nghi vấn xâm hại tình dục đối với người vị thành niên, diễn viên Angela Phương Trinh bị phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật việc chữa trị Covid-19 bằng giun đất, diễn viên Minh Béo khi bị hàng loạt nạn nhân lên tiếng tố cáo và thậm chí đã bị đi tù ở Mỹ…
- Khủng hoảng liên quan đến bản quyền như nghi vấn đạo/nhái sản phẩm nghệ thuật và phong cách biểu diễn. Tiêu biểu là lùm xùm liên quan đến các ca sĩ Lệ Quyên, Tùng Dương và Đan Trường biểu diễn bài "Ai chung tình được mãi" trong các chương trình thương mại nhưng không xin phép đơn vị sở hữu bản quyền. Một trường hợp khác, ca sĩ Osen Ngọc Mai không những “hát chùa” ca khúc “Túy âm” mà còn đăng đàn để “mắng” tác giả Xesi. Điều này đã khiến dư luận phẫn nộ lập ra một nhóm Anti với đông đảo thành viên để lật lại những vấn đề về đời tư, hôn nhân, chuyên môn và đạo đức nhà giáo của Ngọc Mai, vì vậy, nhiều bầu show phải hủy hợp đồng biểu diễn với nghệ sĩ này.
- Khủng hoảng liên quan đến vấn đề vi phạm thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa, đạo đức hoặc cố tình tạo scandal để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, sản xuất và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy… Chẳng hạn, đã có thời gian dài, người mẫu Hà Anh, Ngọc Quyên, rapper Tiến Đạt, nam vương Ngô Tiến Đoàn, Lương Bằng Quang và Ngân 9x… thường xuyên đăng tải những bức ảnh “nóng” lên mạng khiến dân tình dậy sóng vì phẫn nộ.
Có thể nói, khủng hoảng truyền thông có tác động nặng nề không chỉ đối với giới nghệ sĩ biểu diễn, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị chủ quản của nghệ sĩ, đồng thời gây thiệt hại cho các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hình ảnh của họ trong các chiến dịch truyền thông, quảng cáo. Bên cạnh đó, một hậu quả xã hội nặng nề không kém từ các cuộc khủng hoảng truyền thông của giới nghệ sĩ biểu diễn, đó là tác động đến đông đảo công chúng nghệ thuật, người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ với văn hóa thần tượng, v.v.
Cũng có ý kiến cho rằng, không ít nghệ sĩ cố tình tạo “chiêu trò”, lợi dụng khủng hoảng truyền thông để tạo sự quan tâm và chú ý trong dư luận nhằm tiếp cận với một lượng người follow mới, qua đó tạo ảnh hưởng hoặc tìm kiếm lợi ích về mặt thương mại.
3. Các nguyên nhân gây ra khủng hoảng truyền thông trên MXH đối với nghệ sĩ biểu diễn
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra khủng hoảng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội đối với nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Về các yếu tố khách quan: trước hết có thể do sự bất cẩn của các đối tác hợp tác, hoặc các cá nhân có liên quan tác động đến danh tiếng, hình ảnh của nghệ sĩ. Một nguyên nhân khác là do thông tin giả, những tin đồn tiêu cực hoặc bình luận thiếu tính xây dựng về nghệ sĩ được lan truyền trên môi trường trực tuyến.
Ngoài ra, còn do quyền riêng tư của nghệ sĩ bị xâm phạm: nhất cử nhất động của các nghệ sĩ trên môi trường trực tuyến đều chịu sự theo dõi, giám sát, hoặc chú ý của công chúng, dư luận. Những động thái dù nhỏ nhất, riêng tư nhất cũng có thể bị rò rỉ (leak) trên môi trường trực tuyến. Thậm chí, một số nghệ sĩ còn bị các paparazzi hoặc người hâm mộ đeo bám ở ngoài đời, ghi hình đời sống cá nhân, các sinh hoạt riêng tư và đưa lên mạng xã hội.
Một số yếu tố khác liên quan đến sự phân biệt đối xử, bạo lực ngôn từ, bạo lực mạng, miệt thị ngoại hình… Hiện nay nhiều hội, nhóm tẩy chay (anti) đã hình thành trên mạng xã hội để nhắm đến nghệ sĩ, thậm chí có nhóm lên tới hàng trăm ngàn thành viên nhằm “bóc phốt”, kêu gọi các hành động như phản đối, bôi nhọ, tẩy chay… nhắm đến một số nghệ sĩ biểu diễn.
Sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp giải trí (show business hoặc showbiz) ở Việt Nam đang dần biến tướng, từ đó dẫn đến xung đột và mâu thuẫn giữa các nghệ sĩ bị lan truyền và gây ra khủng hoảng truyền thông. Nghệ sĩ cũng có thể là nạn nhân của các chiến dịch tấn công trực tuyến và bôi nhọ bằng các nội dung xuyên tạc, phỉ báng, đe dọa hoặc lăng mạ trên mạng xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp và tâm lý của nghệ sĩ.
Về nguyên nhân chủ quan, yếu tố đầu tiên có thể kể đến, đó là quản lý truyền thông và quản trị thương hiệu cá nhân nghệ sĩ không hiệu quả. Một số nghệ sĩ không có chiến lược truyền thông tốt hoặc không thể ứng phó với những tình huống tiêu cực trên mạng xã hội. Thậm chí, trong một số trường hợp, do không đủ năng lực quản lý và phản ứng thích hợp, mức độ khủng hoảng truyền thông còn tăng thêm.
Sai lầm và mơ hồ trong việc đánh giá thông tin và mức độ nghiêm trọng của sự việc: ngay khi dấu hiệu của một cuộc rủi ro xuất hiện, nghệ sĩ không có đầy đủ thông tin để đánh giá và dự đoán khủng hoảng. Vì vậy, từ những bất ổn, sự việc được đẩy lên thành khủng hoảng.
Một nguyên nhân khác nữa là nghệ sĩ bị mất kiểm soát và phản hồi thông tin khiến dữ liệu cá nhân bị rò rỉ, sai lệch, lan truyền, thậm chí, tài khoản cá nhân của nghệ sĩ còn đưa ra phát ngôn gây tranh cãi hoặc tham gia vào những vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Điều này có thể dẫn đến phản hồi tiêu cực từ công chúng, làm giảm uy tín và danh tiếng của nghệ sĩ và gây ra khủng hoảng truyền thông.
Bên cạnh đó, nguyên nhân của khủng hoảng còn do thiếu tinh thần lắng nghe và tương tác với công chúng, dư luận, do đó đã bỏ qua phản hồi và ý kiến của cư dân mạng hoặc các bên liên quan, gây ra sự bất mãn và leo thang khủng hoảng truyền thông.
Ngược lại, một số nghệ sĩ không những bỏ qua các quy tắc ứng xử mà còn phản ứng quá mạnh mẽ và thiếu kiểm soát với sự việc cũng gây nên khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội cho nghệ sĩ. Đó có thể là thái độ tức giận, đáp trả mạnh mẽ hoặc thậm chí thực hiện hành động không đúng mực, gây tổn hại đến hình ảnh và sự nghiệp của nghệ sĩ.
Điều đặc biệt quan trọng đẩy các vấn đề bất ổn của nghệ sĩ “leo thang” thành khủng hoảng truyền thông, đó là thiếu sự phối hợp và hỗ trợ từ đồng nghiệp trong giới nghệ thuật. Trên thực tế, khi một người gặp khủng hoảng truyền thông, sự đoàn kết và hỗ trợ từ cộng đồng nghệ sĩ có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực và tạo điều kiện để xử lý tình huống một cách hiệu quả.
Khi khủng hoảng xảy ra, nghệ sĩ đơn độc chịu đựng và tìm biện pháp ứng phó mà thiếu sự can thiệp từ cơ quan chức năng, thiếu sự hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
4. Giải pháp và bộ tiêu chí H.E.R.B.A.L cho xử lý khủng hoảng truyền thông
Như vậy, để xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cần có sự nhạy bén và chủ động trong việc đánh giá thông tin, tương tác một cách tốt hơn với cộng đồng, duy trì sự kiểm soát và phản ứng tuân thủ theo các quy tắc và giá trị của cộng đồng, tìm kiếm sự hỗ trợ và sự đoàn kết từ đồng nghiệp và tìm đến cơ quan chức năng để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý khi cần thiết. Đồng thời, việc xây dựng và duy trì một hình ảnh đáng tin cậy, chuyên nghiệp và tôn trọng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng là yếu tố quan trọng để giảm thiểu tác động của khủng hoảng truyền thông đối với nghệ sĩ.
Trong thời gian tới, rất cần những chương trình giáo dục truyền thông cho giới nghệ sĩ biểu diễn, xây dựng những tài liệu để đào tạo và hướng dẫn họ sử dụng MXH một cách an toàn và hiệu quả. Hơn bao giờ hết, cần xây dựng và thực thi các quy tắc ứng xử trên MXH cùng với các chế tài xử lý một cách công bằng và hiệu quả đối với các bên vi phạm.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, giới truyền thông, các đồng nghiệp và công chúng, xây dựng cộng đồng MXH lành mạnh và tích cực.
Từ đó, tác giả bài viết này đề xuất bộ tiêu chí H.E.R.B.A.L cho các giải pháp trong xử lý khủng hoảng truyền thông, với mỗi chữ cái biểu thị một từ viết tắt của một từ trong quản lý truyền thông. Cụ thể là:
H - Honest: Trong quản lý khủng hoảng truyền thông, điều quan trọng là phải duy trì sự trung thực và liêm chính nhằm xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm với các bên liên quan.
E - Empathy: Thể hiện sự đồng cảm, hiểu, chia sẻ và thừa nhận cảm xúc cũng như mối quan tâm của cộng đồng và những người bị ảnh hưởng, từ đó điều chỉnh thông điệp truyền thông trong khủng hoảng.
R - Responsive: Phản ứng nhanh có nghĩa là phân tích, đánh giá sớm và chính xác về mức độ khủng hoảng, đưa ra giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng và ngăn chặn mức độ leo thang của khủng hoảng.
B - Balance: Thực hiện cân bằng, hài hòa giữa các bên trong khủng hoảng mà vẫn đảm bảo được hình ảnh, thương hiệu nhất quán của nghệ sĩ trong mắt công chúng.
A - Authentic: Đảm bảo tính xác thực và kiểm soát yếu tố thông tin từ đúng nguồn của đại diện nghệ sĩ, đại diện phát ngôn, tránh bị đưa tin giả mạo, xuyên tạc hoặc thiếu chính xác trong thông điệp truyền thông.
L - Listening: Lắng nghe dư luận, hiểu những mối quan tâm, phản hồi và cảm xúc của những người bị ảnh hưởng để có các giải pháp khắc phục và tìm ra cơ hội trong khủng hoảng.
Bằng cách tuân theo các nguyên tắc được thể hiện bằng chữ viết tắt H.E.R.B.A.L, người quản lý truyền thông có thể điều hướng khủng hoảng hiệu quả hơn, duy trì mối quan hệ tích cực với các bên liên quan và nỗ lực giải quyết tình huống một cách minh bạch và đồng cảm.
Có thể nói, trên nền tảng MXH, khủng hoảng truyền thông có thể ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam. Vì vậy, cần lưu ý rằng việc xử lý khủng hoảng truyền thông trên MXH là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự cùng nhau hợp tác của tất cả các bên liên quan. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và khám phá các phương pháp và giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả xử lý khủng hoảng truyền thông và bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và quyền lợi của nghệ sĩ trên MXH./.
___________________________________________
(1) Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 12 năm 2020. Link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-144-2020-ND-CP-quy-dinh-hoat-dong-nghe-thuat-bieu-dien-459381.aspx.
(2) Link: https://www.sagepub.com/sites/default/files/upm-binaries/37705_1.pdf.
(3) Nguyễn Thị Minh Hiền (2021), Tài liệu nội bộ môn Quản lý vấn đề và xử lý khủng hoảng truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(4) Coombs & Holladay (2010, tr.20) - The handbook of crisis communication.
(5) Nguồn: The New York Times (27/6/2007), The whole world is watching – Link: https://www.nytimes.com/2007/06 /27/opinion/27friedman.html.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
- Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
- Bài 2: Không có công thức chung cho một “tòa soạn số”
- Tăng cường sử dụng Podcast, Audio trên các tạp chí khoa học điện tử
- Xu hướng truyền thông chính trị cá nhân hóa trong thời đại dữ liệu lớn
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
Bài viết đề cập đến thực trạng sử dụng mạng xã hội (MXH) và nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng cuả sinh viên thông qua phân tích dữ liệu khảo sát 598 mẫu là sinh viên tại 5 trường đại học tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên dành nhiều thời gian trong ngày sử dụng MXH và sử dụng đồng thời nhiều MXH. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cung cấp nhiều thông tin cá nhân trên MXH, không chú ý đến các điều khoản bảo mật của các MXH cũng như chưa chú trọng nguyên tắc bảo mật khi sử dụng MXH, có nhiều hành vi nguy cơ dẫn đến mất an toàn bản thân trên không gian mạng. Đây là nguyên nhân dẫn đến trên 80% sinh viên đã từng rơi vào những tình huống hay nguy cơ rủi ro trên không gian mạng. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung thêm hiểu biết và cơ sở khoa học định hướng giải pháp giảm nguy cơ rủi ro và tăng cường an toàn trên không gian mạng cho sinh viên nói riêng và người sử dụng MXH nói chung.
Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
Với vai trò là đội quân xung kích, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn của mình dưới tác động của chuyển đổi số.
Bài 2: Không có công thức chung cho một “tòa soạn số”
Bài 2: Không có công thức chung cho một “tòa soạn số”
Sẽ không có một công thức chung cho một mô hình tòa soạn số cụ thể, tòa soạn nào biết tận dụng, phát huy sức mạnh nội sinh, quyết tâm, quyết liệt thay đổi; giữ gìn, xây dựng bản sắc văn hóa tòa soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số thì cùng với những nguồn lực như cơ chế, chính sách, công nghệ,... tòa soạn ấy sẽ chiến thắng, công cuộc chuyển đổi số sẽ cán đích thành công. Thực chất, chuyển đổi số là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
Tăng cường sử dụng Podcast, Audio trên các tạp chí khoa học điện tử
Tăng cường sử dụng Podcast, Audio trên các tạp chí khoa học điện tử
Podcast và Audio tại các tờ báo mạng điện tử và tạp chí điện tử, đã nhanh chóng trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, dù còn khá mới mẻ, song tiếp nhận thông tin qua các sản phẩm Podcast, Audio, với nhiều ưu điểm, đã giúp cho hình thức truyền thông này nhận được sự chú ý của cơ quan báo chí và công chúng. Riêng với các tạp chí khoa học điện tử, nếu được sử dụng hợp lý, Podcast, Audio sẽ tạo được hiệu quả truyền thông tốt. Tuy nhiên, thực tế, do rào cản về tư duy, thói quen sản xuất sản phẩm và kỹ thuật truyền thông, mà chuyển tải thông tin khoa học bằng Podcast và Audio chưa được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn, bài viết sẽ gợi ý cách triển khai hình thức này trong chuyển tải thông tin tại tạp chí khoa học điện tử.
Bình luận