Ảnh hưởng của báo mạng điện tử tiếng Anh đến xã hội Việt Nam trong thời kì hội nhập
1. Đặt vấn đề
Vai trò của báo mạng điện tử (BMĐT) đối với sự phát triển của thế giới trong thời kì hội nhập là không thể phủ nhận nhờ tính tiện lợi và khả năng đáp ứng vượt trội trong cung cấp thông tin và giải trí của nó so với các loại hình truyền thông khác.
Theo 24h, với vị trí là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và thời gian sử dụng Internet trung bình lên tới gần 7 tiếng/ngày(1), không có gì ngạc nhiên khi nhận thấy mức độ ảnh hưởng của BMĐT đối với mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Việt, từ phong cách sống đến thói quen làm việc, học tập cũng như sinh hoạt.
Trước khi có các trang BMĐT tiếng Việt của riêng mình, người Việt đã được hưởng lợi rất nhiều từ các trang BMĐT tiếng Anh. Trong thời kì hội nhập, nguồn thông tin quý giá này đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình đưa thế giới đến với Việt Nam, và đưa Việt Nam đến với thế giới.
Nếu các chuyên mục “Quốc tế” hoặc “Thế giới” hoàn thành sứ mệnh đưa thế giới đến với Việt Nam, thì nhiệm vụ đưa Việt Nam đến với thế giới lại phần lớn do các phiên bản tiếng Anh của BMĐT hoặc BMĐT tiếng Anh đảm trách. Hiện nay, rất nhiều BMĐT của Việt Nam có phiên bản tiếng Anh. Điều này là cấp thiết với nhiều lý do:
- Các báo nước ngoài chỉ đưa tin về các sự kiện lớn của Việt Nam với số lượng thông tin chi tiết không nhiều.
- Để các quốc gia trên thế giới hiểu rõ về Việt Nam, chúng ta không chỉ chờ họ đến mà phải chủ động tìm đến với họ.
- Số lượng Việt kiều nói tiếng Việt ngày càng giảm đi, thay vào đó là những thế hệ người Việt trẻ hơn, được sinh trưởng ở nước ngoài và khả năng sử dụng tiếng Việt hạn chế. Để tiếp cận được với thế hệ người Việt này, cách duy nhất là phải sử dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.
2. Báo mạng điện tử và những ưu thế vượt trội
2.1. Báo mạng điện tử
Theo Lexico, BMĐT là tờ báo được xuất bản dưới dạng văn bản điện tử trên hệ thống máy tính (sau này được sử dụng khi nối mạng Internet); đặc biệt là phiên bản kỹ thuật số của một tờ báo in(2).
Theo TechTarget Contributor, BMĐT là một phiên bản độc lập, có thể tái sử dụng và có thể được làm mới của một tờ báo truyền thống, nơi thu thập và lưu giữ thông tin dưới dạng điện tử(3).
Theo Onlinenewspapers.com, số lượng các BMĐT trên thế giới ngày nay đã lên đến hàng chục nghìn. Đây là một minh chứng cho khả năng phát triển của thể loại truyền thông hiệu quả này(4).
2.2. Ưu điểm của báo mạng điện tử
Khả năng cập nhật thông tin
Tất cả các phương tiện truyền thông tồn tại trước BMĐT đều bị giới hạn bởi thời gian phát hành định kì: phát hành hàng ngày, tuần, theo các chương trình có khung giờ và thời lượng phát sóng nhất định không thay đổi - chỉ các tin tức thật đặc biệt (trừ quảng cáo), có tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế mới được phát chèn vào các chương trình đang phát sóng. Một trong những trường hợp hy hữu đó là việc đưa tin về cái chết của Elvis Presley. Theo Hartley B. và Viney P. (1994), khi Elvis Presley qua đời vào ngày 16.8.1977, các chương trình phát thanh và truyền hình trên toàn thế giới đã tạm dừng để đưa tin về cái chết của ông(5).
BMĐT không chịu sự giới hạn như vậy. So với các phiên bản báo in, thay vì phát hành hàng ngày, BMĐT cập nhật hàng giờ, thậm chí là tính theo phút đối với các sự kiện được nhiều người quan tâm như tường thuật trực tiếp các sự kiện quan trọng, thảm hoạ thiên tai hay một trận đấu bóng. Theo Steele (2015), các bài báo trên BMĐT còn có thể được cập nhật với các sự kiện hay chi tiết mới, hoặc chỉnh sửa khi cần thiết, điều không bao giờ xảy ra đối với các báo in(6).
Các sản phẩm của BMĐT đáp ứng được mong muốn của người đọc khi mang lại cho họ cảm giác thực sự của người chứng kiến hoặc tham gia sự kiện - không phải chờ đến thời gian giao báo hay khung giờ phát sóng, thậm chí có thể nhận thông tin chi tiết hơn những người trực tiếp có mặt tại sự kiện do người đọc có thể đồng thời nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Khả năng tiếp cận thông tin
Theo The Information Age, tất cả các bài báo trên BMĐT từ khắp nơi trên thế giới đều có thể được truy cập từ bất kỳ đâu(7). Với các tiện ích mà Internet mang lại, người đọc có thể truy cập vào bất kì trang BMĐT nào trên thế giới. Điều này giúp xoá nhoà khoảng cách, khắc phục những khó khăn về giao thông mà các phương tiện truyền thông khác không thể làm được. Chỉ cần có một trong các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay hay máy tính để bàn có kết nối Internet, người đọc ở bất kì địa điểm nào - trên xe buýt, tại điểm du lịch hay trên các chuyến tàu đều có thể biết thông tin về sự kiện tại một quốc gia khác cách họ nửa vòng trái đất. Ở những nước thuộc nhóm đang phát triển như Việt Nam, số lượng người đọc có tất cả các thiết bị trên không hề nhỏ.
Khả năng cung cấp không gian
Theo The Information Age, BMĐT không bị giới hạn về số lượng bài báo mà một người có thể đọc(8). Steele, (2015) cho rằng, một bài trên BMĐT chỉ nên dài 1.000 -1.500 từ̀. Tuy nhiên, trên thực tế́ số trang không giới hạn. Nói cách khác, các bài báo có thể dài tùy ý mà không bị hạn chế(9).
Do không bị ràng buộc bởi các quy định chặt chẽ về độ dài, số lượng chữ, số lượng ảnh, số lượng trang báo, thời lượng phát sóng của chương trình, BMĐT có khả năng cung cấp tối đa các chi tiết và ảnh minh hoạ cho các thông tin mà họ cho là độc giả muốn biết. BMĐT cũng có các chuyên mục khác nhau và ở đó số lượng bài viết về cùng một sự kiện cũng không bị giới hạn nhằm mang đến cho người đọc cái nhìn đa chiều về cùng một sự kiện.
Khả năng lựa chọn thông tin
Theo The Information Age, BMĐT cho phép độc giả chọn bài báo họ muốn nghe, xem hoặc đọc(10). Đây được coi là một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của BMĐT. Do số lượng bài viết về cùng một sự kiện là không giới hạn, người đọc có rất nhiều lựa chọn - theo chủ đề, tác giả, thời điểm cập nhật - tuỳ theo mối quan tâm của họ. Đối với những độc giả bận rộn, đây là một yếu tố quan trọng do họ có thể tìm được ngay cái họ cần chỉ nhờ một cú nhấp chuột, hoặc thậm chí nhận được thông tin ngay khi nó được phát hành nếu độc giả đăng kí nhận thông tin qua thư điện tử hay các ứng dụng thiết bị điện tử thông minh, như trường hợp nhận thông tin từ CNN qua thư điện tử, hay các tin tức từ các báo điện tử tiếng Anh được cập nhật tự động trên điện thoại và máy tính xách tay của Apple.
Khả năng liên kết thông tin
Khả năng liên kết thông tin cũng là một điều làm nên sức cuốn hút của BMĐT. Honor Society (2015) dùng thuật ngữ “Ranh giới liền mạch” (Seamless Boundaries) để nói về khả năng này. “Các tờ báo điện tử có thể có các “chuyên mục” riêng, nhưng sự di chuyển từ chuyên mục này sang chuyên mục khác là liền mạch: không cần phải liếm ngón trỏ và ngón tay cái khi lật trang như đối với báo in”(11).
Khả năng liên kết thông tin còn phải kể đến vai trò của các bài báo có liên quan (với các kí hiệu như bài báo liên quan, đọc tiếp hoặc đọc thêm) và cùng với các từ khoá, khái niệm quan trọng được dự báo là có thể gây khó hiểu cho người đọc hoặc là điều họ quan tâm ẩn dấu dưới các cụm từ được đánh dấu siêu liên kết (hyperlink) nối với một trang riêng với những giải thích đầy đủ, tường tận, chi tiết và chính xác đủ để làm hài lòng những độc giả khó tính nhất.
Điều đó có nghĩa là độc giả không phải tìm kiếm những thứ họ muốn đọc. Theo Honor Society (2015), trên thực tế, mọi người không muốn dành thời gian lật tìm trên các trang của một tờ báo in để tìm một bài báo khi họ có thể tìm kiếm và tìm thấy nó trên Internet sau vài giây(12). Người đọc ngay lập tức có thể xem lại các bài báo có liên quan đã được phát hành, hoặc chính họ còn được mời gọi khám phá những khái niệm mới được gợi ý ngay trong bài báo nhờ dấu hiệu của các siêu liên kết mà chỉ khi đọc bài cụ thể họ mới biết. Những thắc mắc của độc giả ngay lập tức được trả lời, thậm chí các ý tưởng mới cũng được nảy sinh nhờ những gợi ý ẩn dấu sau các siêu liên kết trên các trang BMĐT. Chỉ cần một cú nhấp chuột, độc giả có thể tìm thấy và bắt đầu khám phá cả một kho kiến thức, thông tin mà họ chưa hề nghĩ tới trước khi bắt đầu đọc bài báo. Điều này tạo nên mê lực cho các trang BMĐT khiến người đọc nhiều khi không dứt ra được.
Khả năng tương tác
So với các phương tiện truyền thông khác, tác giả hầu như ít có khả năng ngay lập tức nhận được ý kiến của độc giả hoặc khán thính giả trong khi việc này không khó đối với BMĐT.
Theo Rafter (2014), lời dẫn có thể là phần duy nhất - ngoài tiêu đề là phần bắt buộc - của bài BMĐT hiện lên ở dạng đầy đủ hoặc bộ phận trang chủ(13). Nếu sau khi lướt qua tiêu đề người đọc còn do dự xem có nên dành thêm thời gian cho bài báo hay không, thì lời dẫn chính là điều giúp người đọc đưa ra quyết định có tiếp tục đọc toàn bài hay không(14).
Tác giả và ban biên tập có thể coi số lượng và thời điểm truy cập là thước đo tương đối chính xác về mức độ quan tâm của độc giả đối với nội dung bài báo. BMĐT thường có không gian để độc giả đưa ra, gửi bình luận của mình giúp cho sự tương tác giữa tác giả và độc giả hiệu quả hơn.
Khả năng kết hợp các dạng thức đưa tin
BMĐT hiện đang hoạt động theo xu thế đa phương tiện (multimedia). Nhiều loại hình ngôn ngữ, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video… được tích hợp trong một trang báo điện tử). Thiel (1998) cho rằng, BMĐT đang tự tạo ra một không gian riêng, đặc biệt là trong số những người săn tin tức, hiểu biết về máy tính và giới trẻ, những người coi Internet là phương tiện hữu hiệu cho thông tin và tin tức(15).
Nhờ xu thế làm báo đa phương tiện, người đọc báo có thể cùng một lúc nhận được thông tin thông qua nhiều hình thức: đọc, nghe, nhìn và tổng hợp của các hình thức này. Khả năng này tạo nên tính hấp dẫn của BMĐT và khiến người tiếp nhận thông tin không có cảm giác nhàm chán, đơn điệu, tạo cho người đọc động lực để khám phá thông tin một cách chủ động, thậm chí bị cuốn hút vào việc khám phá một cách tự nhiên.
3. Ảnh hưởng của BMĐT tiếng Anh đến việc tiếp nhận và khai thác thông tin của người Việt
Trong thời kì hội nhập, người Việt Nam đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển nhằm không bị bỏ lại phía sau. Muốn học hỏi từ thế giới phát triển, chúng ta phải tìm cách đem thế giới đến với Việt Nam. Các báo điện tử tiếng Anh có vai trò quan trọng trong quá trình này.
3.1. Ảnh hưởng đến thói quen và cách thức tiếp nhận thông tin
Trước khi có các trang BMĐT của riêng mình, người Việt Nam đã có thể tiếp cận với các trang BMĐT trên thế giới đặc biệt là những người biết tiếng Anh. Phương tiện truyền thông mới này đã góp phần thay đổi cách người đọc báo truyền thống tiếp nhận tin tức từ các nguồn nước ngoài.
Ngày nay, với nhu cầu hội nhập, người Việt với mức độ sử dụng Internet cao đương nhiên sẽ lựa chọn điện thoại, Internet để kết nối với nhau và hòa nhập với thế giới, thói quen đọc của họ nói chung và đọc báo nói riêng cũng thay đổi theo.
Thiel (1998) quan niệm rằng, BMĐT không phải là một sản phẩm, nó là một trải nghiệm và thực tế BMĐT được thực hiện như một dịch vụ tuyệt vời cho nhân loại(16).
BMĐT tiếng Anh đã thực sự thay đổi thói quen và cách thức tiếp nhận thông tin của người Việt cả trên phương diện thời gian, địa điểm cũng như công cụ hỗ trợ.
Phóng viên BMĐT không bao giờ được “đi ngủ”, hay được coi là được hoàn thành công việc hoàn toàn một khi vẫn còn có tin tức để cập nhật (hoặc độc giả nhận được tin tức đó lần đầu tiên khi họ đăng nhập vào các giờ khác nhau trong ngày và đêm). Những câu chuyện riêng lẻ không phải là đích hướng tới của BMĐT. Thay vào đó, thông điệp nằm trong tổng thể “giao diện” với một loạt bài về cùng một sự kiện. Các BMĐT có thể theo sát diến biến của một sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian dài - một cuộc xung đột, cuộc thi hay chung kết bóng đá - và thông tin được cập nhật từng phút thay cho từng ngày như đối với báo in.
Tuy thuộc các múi giờ khác nhau, nhờ các BMĐT tiếng Anh người Việt không gặp khó khăn khi muốn biết thông tin nóng hổi về những sự kiện diễn ra ở bất kì nơi nào trên trái đất. Thay vì phải chờ đến sáng để đi ra sạp bán báo hay chờ người bưu tá đem báo tới, không lâu sau khi sự kiện diễn ra, thông tin về nó đã xuất hiện trên BMĐT.
Với khả năng khắc phục các rào cản về cả không gian và thời gian, các tờ BMĐT tiếng Anh đã khiến người Việt hình thành các thói quen mới: đọc báo bất kì khi nào có nhu cầu thay vì đọc vào buổi sáng, đọc ở bất kì nơi đâu thay vì ở cơ quan hay các điểm đọc báo công cộng, dùng một chiếc điện thoại nhỏ xinh, gọn nhẹ thay vì một tờ báo giấy chiếm mất một khoảng không gian tương đối và có thể choán chỗ của những người xung quanh. Hơn thế nữa, thay vì đọc báo một lần trong ngày, người Việt hiện nay đọc báo nhiều lần trong ngày, vì họ biết chắc rằng bất kì khi nào lên mạng đọc báo họ đều có thể nhận được thông tin mới từ một quốc gia nào đó.
Hầu hết các báo ở Việt Nam có chuyên mục “Quốc tế” hoặc “Thế giới” với các tin được dịch từ các nguồn nước ngoài, trong đó các nguồn tiếng Anh chiếm một số lượng đáng kể. Với khả năng sử dụng tiếng Anh ngày càng được cải thiện, khá nhiều người Việt Nam có thói quen đọc các báo điện tử tiếng Anh để cập nhật tin tức và tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ trực tiếp cho công việc, kinh doanh và ngoại giao.
Theo Thiel (1998), BMĐT là biểu tượng của thực tế. Xét từ nhiều góc độ, BMĐT là phương tiện truyền thông của tương lai vì việc loại hình này cung cấp thông tin, thông tin giải trí và tương tác dễ dàng(17).
3.2. Ảnh hưởng đến cách thức khai thác thông tin phục vụ các mục đích văn hóa, giáo dục
Giáo dục có lẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều từ các BMĐT tiếng Anh.
BMĐT tiếng Anh được coi là kho tư liệu vô tận cho những người học ngôn ngữ Anh, nghiên cứu các vấn đề văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Đối với các thế hệ 6X, 7X học tiếng Anh, một cuốn giáo trình in với chất lượng khiêm tốn đã là tài sản quý báu. Các bài đọc được sử dụng trong các giáo trình cũng được viết từ trước khi sách xuất bản và khi được đưa vào sử dụng để dạy tiếng Anh ở Việt Nam, thông tin trong các bài đọc có thể về các sự kiện xảy ra trước đó 5 năm hoặc lâu hơn nữa. Người học cũng bị đóng khung trong các bức ảnh của các giáo trình, và được nghe giọng đọc tiếng Anh qua một số cuốn băng được ghi trong các phòng thu(18).
Trước khi có dịch vụ Internet, để có được những tờ báo in có xuất xứ từ Anh, Mĩ hay báo bằng tiếng Anh, người đọc phải đến những nơi như Hội đồng Anh, Thư viện Quốc gia để được đọc số báo mới nhất (phát hành cách vài ngày), hoặc tìm kiếm các tờ báo phát hành cách một hoặc hai năm ở các sạp báo cũ. Kể cả khi có khả năng tiếp cận được báo in hàng ngày, thì tin tức chỉ được cập nhật một lần trong ngày.
Từ khi có kết nối Internet, không chỉ người học tiếng Anh, mà tất cả những người có khả năng sử dụng tiếng Anh được tiếp cận với một thư viện vô giá, không giới hạn cả không gian và thời gian. BMĐT tiếng Anh với các thông tin, kiến thức về mọi phương diện của cuộc sống của các quốc gia trên thế giới, được cập nhật hàng giờ, thậm chí với tần suất trung bình 2 phút/ lần.
Ngày nay, người khai thác thông tin có thể được tiếp cận hay cập nhật diễn biến mới nhất chỉ vài giây sau khi xuất hiện trên BMĐT, qua chuyên mục tin mới nhận (Breaking News) đối với các sự kiện có diễn biến trong một khoảng thời gian dài.
Khi tiếp cận thông tin trên BMĐT, độc giả có thể đọc, nghe hoặc xem lại phần tư liệu mình cần với số lần không hạn chế. Thậm chí có thể tải về để lưu trữ, biên tập và sử dụng khi cần thiết cho những mục đích riêng của mình.
Ngoài các giáo trình giảng dạy tiếng Anh phổ biến ở Việt Nam, việc sử dụng tư liệu từ BMĐT tiếng Anh ở mọi thể loại trong việc dạy thực hành tiếng có thể đem lại hiệu quả cao do đáp ứng được các mục đích: cung cấp thông tin cập nhật về mọi phương diện của cuộc sống, đồng thời khắc phục được những khó khăn do sự thiếu nguồn sách dạy và học tiếng Anh.
Trên các BMĐT, người đọc cũng có thể nghe, xem được các bài về các lĩnh vực khác nhau với giọng đọc tiếng Anh tự nhiên của người bản ngữ cũng như các giọng nói đa dạng trong vô số các tình huống giao tiếp tự nhiên mà người xem, người học không phải mất công tưởng tượng như lúc nghe mô tả các tình huống giả định khi nghe CD trong các sách dạy tiếng Anh.
Về mặt lý thuyết, các tư liệu trên BMĐT có thể được sử dụng cho hầu hết các hoạt động dạy và học các môn thực hành tiếng. Có thể chia thành 2 nhóm kĩ năng chính: kĩ năng tiếp nhận kiến thức bao gồm đọc và nghe hiểu và kĩ năng tái hiện kiến thức gồm diễn đạt nói và viết. Ngoài ra còn kiến thức liên quan đến từ vựng, ngữ pháp, phát âm.
Không chỉ các môn thực hành tiếng, các BMĐT còn là các cuốn giáo trình thú vị cung cấp kiến thức về văn hoá, xã hội của các nước nói tiếng Anh - đặc biệt là Anh và Mĩ - một cách sống động, các bài báo có thể sử dụng làm tư liệu cho dịch thuật.
Ví dụ: CNN có ít nhất 9 chuyên mục theo các chủ đề: thế giới (World), chính trị Hoa kì (US Politics), kinh doanh (Business), sức khoẻ (Health) giải trí (Entertainment), công nghệ (Tech), phong cách (Style), du lịch (Travel), thể thao (Sports), v.v.
Có thể nói rằng, phần lớn các kĩ năng làm báo đang được giảng dạy trong các cơ sở đào tạo báo chí ở Việt Nam dựa trên lý thuyết và thực hành làm báo của người Anh, Mĩ và các nước khác thông qua phiên bản tiếng Anh của các báo trên thế giới. Các BMĐT tiếng Anh có thể được sử dụng như các minh hoạ sinh động cho các giờ học – lý thuyết và thực hành – về kĩ năng làm báo, bao gồm các kiến thức về thể loại, phong cách, ngôn ngữ báo chí cho đến đạo đức nhà báo v.v.
Các thể loại tác phẩm báo chí có thể tiếp cận được trên các BMĐT tiếng Anh gồm: bản tin hàng ngày (news bulletin); tin giờ chót (breaking news); phóng sự (reportage); phỏng vấn (interview), giao lưu (talk show), v.v.
Đây là một trong những nguồn tư liệu quý báu giúp các nhà báo Việt Nam học cách làm báo của các quốc gia phát triển.
3.3. Ảnh hưởng đến cách thức khai thác thông tin phục vụ nghiệp vụ báo chí
Việc ra đời hàng loạt BMĐT hoặc phiên bản điện tử của các tờ báo in đồng nghĩa với việc các báo sẽ phải hoạt động theo tiêu chí của các BMĐT - cập nhật tin sớm nhất có thể - tức là tham gia cạnh tranh với các BMĐT khác, đặc biệt là các tin ở chuyên mục “Quốc tế” hoặc “Thế giới”.
Thay vì mua lại các tin đã dịch sẵn của Thông tấn xã Việt Nam, nhiều BMĐT có đội ngũ biên phiên dịch riêng của mình với trách nhiệm tìm kiếm, dịch và biên tập các tin theo yêu cầu, tiêu chí của từng báo. Từ đó xuất hiện một công việc mới là chọn lọc, dịch và tổng hợp tin từ các nguồn tiếng Anh khác nhau.
Các biên phiên dịch viên này phải đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ khác với phóng viên của ban khác: giỏi tiếng Anh, có nghiệp vụ báo chí, có quan điểm chính trị rõ ràng để có khả năng sử dụng một số trong vô vàn tin tức mà họ thu thập, tiếp cận được nhằm phục vụ cho 2 mục tiêu chính của báo chí: cung cấp thông tin và định hướng dư luận.
Công việc của các phóng viên vừa chủ động vừa bị động. Bị động do họ phải phụ thuộc vào nguồn tin mà họ muốn khai thác - do khác múi giờ, do dạng tư liệu cụ thể khai thác được, áp lực chạy đua về thời gian...
4. Kết luận
Báo mạng điện tử phục vụ cho số lượng độc giả lớn hơn nhiều so với các phương thức truyền thông khác. Chúng thực sự tạo nên một dịch vụ tuyệt vời cho loài người nhờ các ưu điểm vượt trội của mình và đủ điều kiện là phương thức truyền thông của tương lai. Đối với xã hội Việt Nam và cộng đồng người Việt, các báo điện tử tiếng Anh thực sự đã góp phần thay đổi phong cách sống, thói quen học tập, làm việc của đa số người Việt đặc biệt là giới trẻ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong thời kì hội nhập với sứ mệnh đưa thế giới đến với Việt Nam, và đưa Việt Nam đến với thế giới./.
___________________________________
(1) 24h (2018), Hơn 60% dân số Việt Nam dùng Internet, truy cập trung bình 7 tiếng/ ngày. https://www.24h.com.vn/cong-nghe-thong-tin/60-dan-so-viet-nam-dung-Internet-truy-cap-trung-binh-7-tieng-ngay-c55a1010906.html
(2)Lexico, English Dictionary. Online newspaper. https://www.lexico.com/definition/online_ newspaper
(3) TechTarget Contributor. Electronic Newspaper. https://searchmobilecomputing.techtarget.com/ definition/electronic-newspaper
(4) Onlinenewspapers.com, Online Newspaper Directory for the World. http://www.onlinenewspapers. com/
(5) Hartley B. & Viney P. (1994), Elvis Presley – story of a superstar. Streamline English Connections. Oxford University
(6), (9) Steele, Jason (2015). 6 Ways Digital Journalism Is Very Different from Print Journalism. http://contently.net/2015/03/20/resources/6-ways-digital-journalism-different-print-journalism/
(7), (8), (10) The Information Age, Advantages of online news service. https://008743.weebly.com/ advantages-of-online-news-services.html
(11), (12) Honor Society (2015), Print Newspapers vs. Online Editions: The Pros and Cons. https://www.honorsociety.org/articles/print-newspapers-vs-online-editions-pros-and-cons
(13) Rafter, Michelle V. (2014), Writing basics: how to write a lead, http://michellerafter.com /2014/07/14/writing-basics-the- lead/
(14) Nguyễn Thị Thanh Hương (2017), Mối liên hệ giữa tiêu đề và lời dẫn trong báo điện tử tiếng Anh. Nghiên cứu nước ngoài (VNU Journal of Foreign Studies). 5 (33)
(15), (16), (17) Thiel, Shayla (1998), The Online Newspaper: A Postmodern Medium. The Journal of Electronic Publishing. https://quod.lib.umich.edu/j/jep/3336451.0004.110?view=text;rgn=main
(18) Nguyễn Thị Thanh Hương (2017), Khai thác tư liệu trên báo tiếng Anh trong việc dạy thực hành tiếng cho sinh viên chuyên ngữ. Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ và khu vực học trong thời kì hội nhập” Nxb Đà Nẵng.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 4.2021
Bài liên quan
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
- (LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng Internet ở Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mạch Nguồn số 55: Lửa
Nhắc đến các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy là nhắc đến những con người hiên ngang và quả cảm, không quản ngại ngày đêm đối đầu với hiểm nguy. Họ là những chiến sĩ tiên phong và mạnh mẽ, là lực lượng rắn rỏi đối chọi với những tên “giặc lửa” hung tợn. Xin kính mời quý vị và các bạn cùng đón xem Mạch Nguồn số 55 với chủ đề “Lửa” để thấu hiểu hơn về cuộc sống và công việc hàng ngày của những anh hùng cứu cháy; đồng thời tôn vinh tinh thần dũng cảm, quật cường của họ - những con người trong khoảnh khắc đỏ lửa đã quên thân mình mà hy sinh tận hiến.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên những ứng dụng siêu kết nối và sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo), những nguồn dữ liệu khổng lồ (bigdata) len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế số là một tất yếu khách quan. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất nông nghiệp phát triển, việc xây dựng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, mà rất cần sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Từ đó, bằng sức mạnh của minh, thông tin báo chí sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, thói quen mua - bán sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh tế có quy mô lớn của nước ta hiện nay.
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.
(LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
(LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
(LLCT&TT) Ngày 13.2 hàng năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) lựa chọn là ngày Phát thanh thế giới. Chủ đề của ngày Phát thanh thế giới năm 2022 mà UNESCO đưa ra là“Phát thanh và sự tin cậy” (To radio to trust). Tại sao UNESCO nhấn mạnh vào“sự tin cậy” và giải pháp nào để phát thanh hiện đại duy trì được sự tin cậy, đó là những câu hỏi lớn đối với ngành phát thanh ở Việt Nam hiện nay.
Bình luận