Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Nghiên cứu, đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Phát biểu bế mạc Hội nghị, khái quát nhấn mạnh kết quả đạt được, một số công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Tổng Bí thư lưu ý, quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật và thực tiễn đặt ra; quán triệt và thực hiện xuyên suốt các yêu cầu có tính nguyên tắc, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế tổng quát Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Thông qua cải cách tổ chức bộ máy để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội dựa trên cơ chế tổng quát này.
Tổng Bí thư yêu cầu, việc tổng kết phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; triển khai thực hiện khẩn trương nhưng đảm bảo thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, từ các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính Đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát để đề xuất lại, kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian, cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia và xã hội hóa các dịch vụ công. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; có cơ chế hữu hiệu sàng lọc đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu cần thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức mới, phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật đảm bảo đồng bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực.
Cùng với đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt, đồng thời cả hai nhiệm vụ quan trọng, tăng tốc bứt phá để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Trên cơ sở nguyên tắc đã nêu trên và định hướng của Bộ Chính trị cũng đã được Trung ương thống nhất, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban đảng, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất; chuẩn bị phương án nhân sự và rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức bộ máy mới để đảm bảo đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách.
“Nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Quá trình thực hiện cần theo dõi để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, uốn nắn và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đã đề ra”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội; Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đảng đoàn, tổ chức chính trị xã hội; Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đảng đoàn, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi lĩnh vực lãnh đạo, quản lý; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.
Cùng với đó, xây dựng dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của cấp ủy trực thuộc Trung ương, cấp ủy Bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức sau khi đã sắp xếp; ban hành các quy định về chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý bị tác động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ, tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới.
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế có liên quan của Đảng; phối hợp tham mưu bố trí cán bộ theo thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị tổ chức sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị thuộc quyền quản lý; xây dựng Tờ trình của Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương về kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam
Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Trung ương đã cho ý kiến thống nhất với đề xuất của Bộ Chính trị về giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh lãnh đạo một số cơ quan nhà nước, thống nhất cho hai đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và khai trừ ra khỏi Đảng đối với 3 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng do có sai phạm. Trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm trên các nguyên tắc có sai phạm thì phải có kết luận xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ đất nước trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và khẩn trương, cấp bách, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng phát huy cao độ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra./.
Nguồn: Bài đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25/11/2024
Bài liên quan
- Học viện tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức
- Trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III-năm 2024
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 3 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 4 Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- 5 Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- 6 Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Học viện tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức
Học viện tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức
Chiều ngày 29/11/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có buổi tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức, do ông Manfred Pentz, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Liên bang và châu Âu về hợp tác quốc tế và chống quan liêu dẫn đầu.
Trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III-năm 2024
Trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III-năm 2024
Tối 25-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III, năm 2024.
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành nhiều nội dung công việc. Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận thống nhất các vấn đề quan trọng.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Toàn văn Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì.
Bình luận