Chủ động nắm bắt, ngăn chặn thông tin sai lệch trong thuyết âm mưu chính trị của các thế lực thù địch
Thuyết âm mưu (Conspiracy Theories) chính thức xuất hiện ở phương Tây vào giữa thế kỷ XX và phổ biến rộng rãi trong những năm đầu thế kỷ XXI, khi hàng loạt sự kiện được các thế lực chống đối bày tỏ những phê phán đối với các thiết chế quyền lực và tách rời khỏi những phân tích tiến bộ từ việc thay thế một phân tích chi tiết về các cơ cấu quyền lực phức tạp bằng một viễn cảnh dân túy quá mức đơn giản liên quan đến sự đối kháng giữa người dân và giới tinh hoa(1).
Theo chiều hướng đó, thuyết âm mưu được hiểu là toàn bộ những lối kiến giải khác với lối kiến giải chính thống. Chúng là những tuyên bố đối nghịch, thiếu cơ sở để chứng minh, đồng thời mâu thuẫn với các kiến giải thông thường về sự kiện.
Từ góc nhìn so sánh, những động thái của các thế lực thù địch chống phá nước ta trong thời gian qua là một thuyết âm mưu chính trị, khi thông tin sai lệch được sử dụng là phương tiện chính để chống phá nước ta.
1. Thuyết âm mưu chính trị
Trong thực tiễn, có rất nhiều động cơ khác nhau để con người lựa chọn thuyết âm mưu như: tâm lý, xã hội, chính trị, văn hóa, cá nhân(2),... Vì vậy, thuyết âm mưu cũng theo đó mà được phân tách thành nhiều loại khác nhau, trong đó Thuyết âm mưu chính trị là phổ biến nhất. Nếu như từ âm mưu có nguồn gốc từ thuật ngữ conspirare (với nghĩa đen là cùng nhau hít thở), mô tả hành động của hai hay nhiều người muốn hợp nhất với nhau để cùng đạt được một kết quả mong muốn, thì các âm mưu là thỏa thuận của một nhóm người mà không để người khác biết được nhằm gây tổn hại cho quần chúng trong khi lại thúc đẩy lợi ích của chính mình, thường là lợi ích kinh tế hoặc chính trị.
Một âm mưu đúng nghĩa thường có bốn đặc điểm: Đó là hoạt động phối hợp giữa các nhóm chứ không phải là hoạt động của các cá nhân đơn lẻ; chúng có mục đích bất hợp pháp và nham hiểm chứ không phải là những mục đích có lợi cho toàn xã hội; chúng là những hành vi được mưu tính chứ không phải là một loạt các hành vi tự phát và hỗn loạn; chúng là những tính toán được thực hiện theo một quy trình lên kế hoạch bí mật chứ không phải theo một quá trình bàn thảo công khai(3).
Theo cách diễn giải đó, thuyết âm mưu chính trị có bản chất là “được mưu tính và lan truyền từ tầng lớp trên của xã hội vì lợi ích chính trị, tức là những câu chuyện hư cấu được cố tình bịa đặt và lan truyền vì lợi ích chính trị”(4).
Trong thuyết âm mưu nói chung và thuyết âm mưu chính trị nói riêng, hướng đến hủy hoại niềm tin của quần chúng vào tầng lớp tinh hoa chính trị là mục tiêu cao nhất. Nó hướng tới việc ngăn cản mọi người tham gia vào các hoạt động chính trị, khiến cho mọi người cảm thấy “bất lực với chính trị”. Từ đó, làm suy giảm niềm tin vào chính đảng lãnh đạo, đồng thời nảy sinh tư tưởng bất hòa, chống đối.
Để đạt được mục tiêu đó, những kẻ thực hiện thuyết âm mưu chính trị sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó thông tin giả, tin sai sự thật là phương thức thực hiện phổ biến nhất. Thủ đoạn này đã xuất hiện từ rất lâu (một số nghiên cứu cho rằng nó đã xuất hiện từ năm 1550 trong tác phẩm kinh điển The Prince - Quân vương của Machiavelli)(5), được lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông, bao gồm cả chính thống và phi chính thống. Đặc biệt, trong thời đại số hiện nay, với sự phát triển của mạng lưới truyền hình, chương trình phát sóng tin tức 24 giờ, cộng với sự “nở rộ” của mạng xã hội,... đều là “mảnh đất màu mỡ” để lan truyền thuyết âm mưu và tin giả.
Sự xuất hiện của mạng xã hội, cộng với việc phổ biến các phương tiện truyền thông trực tuyến khiến cho thế giới tràn ngập thông tin thiếu kiểm soát, khiến cho chúng ta rất khó phân biệt giữa tin thật và tin giả, giữa sự thật và sự giả dối. Nói cách khác, chúng ta đang phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, độ tin cậy của thông tin rất thấp. Nguy hại hơn, sự lan truyền của những thông tin này có thể khiến chúng ta mất đi khả năng diễn giải, thẩm định thông tin một cách đúng đắn. Điều này mở ra không gian để thông tin sai lệch chiếm lĩnh phạm vi công cộng và khiến cho các xã hội dân chủ dễ bị thao túng.
Trong bối cảnh đó đã xuất hiện một loại văn hóa chính trị mới - Chính trị hậu sự thật, khi các bài diễn thuyết, phân tích chính trị - xã hội, hay một cách luận giải sự việc, hiện tượng,... có lợi cho các chủ thể thực hiện được “tung ra”, trong khi người dân đang bị “mắc kẹt” bởi những băn khoăn, thắc mắc hoặc giả thuyết của chính mình.
Xuất phát từ toan tính trong việc sử dụng những thông tin sai lệch, những tín đồ của thuyết âm mưu chính trị thường phản đối các phương tiện truyền thông chính thống, chống lại lối tư duy quen thuộc mà họ cho là do giới tinh hoa chính trị tạo ra. Do đó, các phương tiện truyền thông chính thống thường là mục tiêu của những kẻ thực hiện thuyết âm mưu nói chung và thuyết âm mưu chính trị nói riêng. Và trong cuộc chiến đó, Internet là một lựa chọn hữu hiệu vì nó cung cấp các phương tiện để truyền bá thông tin sai lệch. Điều này càng trở nên nguy hại hơn khi năng lực sàng lọc thông tin của các phương tiện truyền thông chính thống bị suy yếu, khả năng cập nhật và xử lý thông tin không theo kịp được các kênh đài phi chính thống. Đây cũng là một trong những lý do để nhiều chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân thay đổi phương pháp nhằm khắc chế hoạt động tung tin giả, tin sai sự thật.
Giờ đây, thay cho việc kiểm duyệt nội dung thông tin trên mạng Internet, thì họ sẽ cung cấp thông tin một cách “bội thực”, khiến cho mạng Internet tràn ngập các thông tin gây nhiễu, giống như cách mà Zeynep Tufekci (Đại học Bắc Carolina) từng khẳng định: “Trước kia, nếu hệ thống kiểm duyệt vận hành bằng cách ngăn chặn các loại thông tin nổi bật, thì trong thời đại quá tải thông tin này, kiểm duyệt hoạt động bằng cách nhấn chìm chúng ta bằng rất nhiều thông tin không thể phân biệt, làm tê liệt khả năng tập trung của chúng ta”(6).
2. Thông tin sai lệch trong Thuyết âm mưu chính trị chống phá Việt Nam
Kể từ khi nước ta giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, đặc biệt là trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Chúng điên cuồng chống phá chúng ta trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,... với nhiều thủ đoạn, phương thức thực hiện khác nhau, trong đó phổ biến nhất là sử dụng thông tin sai lệch.
Theo thống kê của Cục An ninh điều tra - Bộ Công an, từ năm 2004 đến hết tháng 6/2020, cơ quan an ninh điều tra các cấp đã tiến hành điều tra, xử lý 122 vụ án làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam, với 189 đối tượng có hành vi phạm tội(7). Tình trạng này thường gia tăng trong thời gian tổ chức các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc khi số lượng vụ án làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam tăng nhanh.
Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, internet nói riêng, đã và đang tồn tại hàng trăm kênh đài, trang mạng khác nhau, thường xuyên đăng tải, phát tán các thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan chức năng đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo, 4.500 tin xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Số video xấu độc được gỡ bỏ trên Youtube năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017. Tỷ lệ tin xấu độc về các đồng chí lãnh Đảng, Nhà nước năm 2017 lên tới trên 70% thì nay chỉ còn dưới 3%(8).
Những thông tin sai lệch mà các đối tượng thù địch, phản động đăng tải, phát tán tập trung tuyên truyền vào một số trọng điểm:
Thứ nhất, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Chúng thường xuyên phê phán, đả kích: Hệ tư tưởng của Đảng và xã hội ta lạc hậu, lỗi thời; bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức “tự phong”, là người “tiếm quyền” của nhân dân, Đảng “chỉ biết đến lợi ích của Đảng”, là “Đảng đầu hàng”, “bán nước, làm tay sai”, “lệ thuộc” vào Trung Quốc; Cương lĩnh của Đảng ta, nhất là Cương lĩnh thông qua tại Đại hội XI (năm 2011) là “giáo điều, bảo thủ”, là “ảo tưởng”; đường lối chính trị, kinh tế (trong Văn kiện Đại hội và các hội nghị Trung ương) là “sai lầm”, “lạc hậu” vẫn theo mô hình “Xôviết”; chính sách dân tộc, tôn giáo là “vi phạm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo”, là “vi phạm quyền tự trị của các dân tộc thiểu số”; đường lối đối ngoại của Việt Nam là “đu dây” (lúc thì ngả sang Trung Quốc, lúc thì ngả sang Mỹ); chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự cô lập mình”; Nhà nước ta là “Nhà nước độc tài”, “vi phạm quyền con người”, là “vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”, là “bó nghẹt tự do, ngôn luận, báo chí, internet”(9),...
Thứ hai, tung tin bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây mất lòng tin của nhân dân vào phẩm chất, uy tín và năng lực của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Chẳng hạn, vào tháng 6-2020, một tài khoản Facebook đã đăng tin xuyên tạc, bịa đặt về một vị lãnh đạo có quan hệ bất chính với một phụ nữ mà bằng chứng chỉ là một bức ảnh. Nhưng sự thật đó lại là hình ảnh một cảnh trong phim nước ngoài có tên “Em là định mệnh đời anh” tập 30(10). Một thí dụ khác, tháng 8/2020, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội bị đình chỉ công tác để “điều tra trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật” thì trang VOA tiếng Việt đã xuyên tạc rằng, đây là chuyện đấu đá phe phái trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng(11).
Thứ ba, thông qua các trang mạng xã hội, chúng tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam. Một mặt, chúng xuyên tạc mục tiêu chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta khi rêu rao những nội dung như: “đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng”, “cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, “tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”, “chống tham nhũng chỉ là hô khẩu hiệu”,... Mặt khác, chúng cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái(12). Ngoài ra, chúng còn lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để kêu gọi biểu tình, khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của nước ta.
Thứ tư, các đối tượng phản động tung tin sai sự thật nhằm kích động, tập hợp các phần tử xấu, lôi kéo quần chúng nhân dân biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh trật tự. Chúng khai thác những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân (nhất là vấn đề trong lĩnh vực đất đai, tài sản) kêu gọi người dân biểu tình, gây sức ép với chính quyền.
Trong vòng 10 năm gần đây, thông qua mạng Internet, các thế lực phản động đã kêu gọi hàng trăm cuộc tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, đồng thời gây thiệt hại nặng nề về tài sản, uy tín của Việt Nam (nhất là đối với các đơn vị kinh tế có yếu tố nước ngoài).
Thứ năm, đăng tải thông tin sai lệch nhằm tuyên truyền tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm lồng ghép vào đó các quan điểm sai trái, có lợi cho chúng và khiến chúng ta chệch hướng phát triển. Chẳng hạn như: Trong quá trình Đảng ta lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải và phát tán hàng trăm bài xuyên tạc dự thảo Văn kiện Đại hội XIII là “sao chép”, “đánh tráo khái niệm”, không thể đưa đất nước đổi mới, phát triển. Hay khi Đảng, Nhà nước ta lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, chúng đã đăng tải thông tin, công khai phê phán, công kích Đảng, Nhà nước ta, đồng thời kêu gọi đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp; đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”; chống phá quyết liệt việc thông qua Luật An ninh mạng,...
Thứ sáu, in ấn, đăng tải và phát tán thông tin sai lệch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của nước ta, kích động sự hằn thù giữa các tôn giáo với nhau, giữa các tôn giáo với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; kêu gọi sự ủng hộ, can thiệp từ bên ngoài nhằm mục đích đòi trả tự do cho những đối tượng chống đối bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Đơn cử, liên quan đến sự việc phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố “tuyệt thực”, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng gắn mác đấu tranh cho dân chủ, đã đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin trên các trang mạng xã hội, blog, fanpage, facebook, kêu gọi tổ chức quốc tế, “xã hội dân sự”, cộng đồng mạng tìm hiểu, lên tiếng, gây sức ép với chính quyền Việt Nam trả tự cho Trần Huỳnh Duy Thức(13).
Thứ bảy, làm suy giảm vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, một số tổ chức phản động lưu vong móc nối, cấu kết với một số phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước sử dụng những thông tin giả, triệt để khai thác ưu thế của không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, các giải pháp và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam.
Đáng chú ý là một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng khoảng trống thông tin khi các cơ quan báo chí, truyền thông của ta chưa kịp đăng phát những thông tin chính thống thì chúng đã lồng ghép những thông tin giả nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật rồi tung lên không gian mạng làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận; xuyên tạc, công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”,... Chẳng hạn như liên quan đến bệnh nhân Covid thứ 17 ở nước ta, chỉ trong vòng 2 ngày, trên không gian mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến dịch Covid-19 và bệnh nhân số 17(14). Trong số đó có không ít thông tin thất thiệt, trái chiều, sai sự thật khiến người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, và các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Như vậy, hoạt động của các thế lực thù địch khi đăng tải, phát tán những thông tin sai lệch trên không gian mạng nói riêng, trong không gian địa lý của Việt Nam nói chung đã tác động xấu đến công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Nó làm suy giảm niềm tin của một bộ phận quần chúng nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; làm mất an ninh chính trị, trật tự xã hội; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế,... Nói cách khác, các thế lực chống phá nước ta đang thực hiện thuyết âm mưu chính trị ở Việt Nam với những “câu chuyện bịa đặt, hư cấu”; những thông tin sai lệch, xấu độc được lan truyền trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhằm thực hiện mục đích chính trị của chúng là chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng CNXH của nước ta. Vì vậy, để khắc chế âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động sử dụng thông tin sai lệch, đồng thời đánh bại thuyết âm mưu chính trị đó, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch chống phá nước ta. Trong đó, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35, phát huy vai trò của các ban, bộ ngành (đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông), các đơn vị, địa phương tham gia công tác đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch.
Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và nghiệp vụ về phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch nói chung, xử lý thông tin sai lệch nói riêng. Huy động các chuyên gia, nhà khoa học, phóng viên,... nghiên cứu làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn, phương thức thực hiện của thuyết âm mưu và thuyết âm mưu chính trị. Từ đó, đăng tải tin bài phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đồng thời, vạch trần bản chất xấu, độc trong thuyết âm mưu chính trị của chúng. Song song với hoạt động đó, cần đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, chuyên môn trong phòng ngừa, điều tra, xử lý những vụ việc liên quan đến tàng trữ, đăng tải và phát tán thông tin sai lệch chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng CNXH của nước ta.
Ba là, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ những thông tin sai lệch, xấu độc của các thế lực chống phá nước ta. Thông tin sai lệch là “linh hồn” của thuyết âm mưu chính trị, là công cụ hữu hiệu nhất mà các thế lực thù địch sử dụng để chống phá Việt Nam. Vì vậy, phải luôn cảnh giác, có biện pháp cắt đứt chuỗi phát tán, lan truyền thông tin xấu độc, sai lệch là cách thức hiệu quả nhất trong phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch. Để làm được điều đó, phải đẩy mạnh công tác nắm tình hình, từ đó đánh giá đúng, trúng và kịp thời đưa ra giải pháp ngăn chặn đăng tải, phát tán thông tin; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ gỡ bỏ các thông tin sai lệch, độc hại (trong trường hợp đã được đăng tải, phát tán) một cách nhanh nhất; chủ động đăng tải và phủ rộng thông tin chính thức nhằm vô hiệu hóa những thông tin sai lệch của các thế lực chống phá, thù địch.
Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng truyền tải và độ tin cậy của thông tin trên các kênh đài. Do đó, một mặt phải đầu tư hạ tầng thông tin (máy móc, trang thiết bị công nghệ), chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp và chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu về thông tin trong tình hình mới, với phương châm “cập nhật, chính xác”. Mặt khác, quán triệt và thực hiện nghiêm túc “Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 “về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông”, với yêu cầu trọng tâm là: Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ Tổ quốc; chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước(15).
Năm là, phải kịp thời phản bác những thông tin sai lệch mà các thế lực thù địch in ấn, đăng tải và phát tán. Để hiện thực hóa điều đó, chúng ta luôn xác định rõ “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” có thể “kết liễu” bất kỳ thông tin sai lệch nào của các thế lực phản động, thù địch, mặt khác chúng ta cần rút ngắn khâu biên tập, thẩm định, để đăng tải thông tin phản bác kịp thời. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu kéo dài thời gian, thông tin sai lệch sẽ “lây lan” càng rộng, khả năng ngăn chặn nó sẽ càng giảm. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải kịp thời đăng tải các bài viết phản bác các quan điểm sai trái, thông tin sai lệch, xấu độc của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, từ góc nhìn chính trị học cho thấy, những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống đối phản động, cơ hội chính trị nhằm vào nước ta trong thời gian qua về bản chất là một Thuyết âm mưu chính trị, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Chúng lựa chọn “thông tin sai lệch” làm “át chủ bài” trong quá trình hiện thực hóa Thuyết âm mưu chính trị đó. Với việc in ấn, đăng tải phát tán thông tin sai lệch, xấu độc, các thế lực phản động, thù địch đã và đang gây ra không ít khó khăn cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã vạch trần, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của chúng./.
_________________________________________________
(1), (3), (4), (6) Eirikur Bergmann (2020), Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy - Chính trị học về thông tin sai lệch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.32, 89, 76, 265-266.
(2) https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1111/pops.12568, truy cập ngày 30/7/2021.
(5) Về vấn đề này xin xem thêm Niccolò Machiavelli (2005), Quân Vương - Thuật trị nước, Nxb. Tri Thức, H., tr.199.
(7) Bộ Công an, Cục An ninh Điều tra (2020), Báo cáo tổng kết công tác điều tra hình sự các năm (từ năm 2004 đến 2019) và Báo cáo tổng kết công tác điều tra hình sự 6 tháng đầu năm 2020, H.,.
(8), (10) Ban Thời sự, Tăng cường “sức đề kháng” trước thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo, http://vtv.vn, truy cập ngày 30/7/2021.
(9) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb. Lý luận chính trị, H., tr.271-272.
(11) Ban Thời sự, Bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng trước Đại hội XIII: Âm mưu cực kỳ thâm độc!, http://vtv.vn, truy cập ngày 1/8/2021.
(12) Trung Hanh, Về luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm chống tham nhũng, http://hcmcpv.org.vn, truy cập ngày 28/4/2021.
(13) Mai Anh, Những hoạt động chống đối với chiêu bài cũ rích!, http://cand.com.vn, truy cập ngày 28/7/2021.
(14) Trần Khánh: Một số tổ chức phản động lợi dụng dịch bệnh để chống phá Việt Nam, http://mattran.org.vn, truy cập ngày 29/7/2021.
(15) Thủ tướng Chính phủ (2021), Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông, H., tr.1-2.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 11/7/2023
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận