Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy được vị thế của vấn đề bình đẳng dân tộc, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Người đã minh chứng điều đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề bình đẳng dân tộc là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và bình đẳng dân tộc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc; đồng thời kết tinh và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc về giải quyết các mối quan hệ dân tộc.
1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bình đẳng dân tộc
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân tộc là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người. C.Mác đã khẳng định: lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp. Như vậy, ngay từ khi xã hội loài người có sự phân chia giai cấp, con người đã luôn tìm cách đấu tranh nhằm vươn tới sự giải phóng. Trong những mục tiêu của sự nghiệp giải phóng ấy, bình đẳng và công bằng xã hội vừa là vấn đề cơ bản, vừa là vấn đề lâu dài. Đối với chủ nghĩa xã hội, bình đẳng và công bằng xã hội luôn luôn là nguyện vọng thiết tha của quần chúng nhân dân, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu và động lực quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Bình đẳng, vốn nghĩa là sự ngang bằng nhau về một phương diện nào đó giữa hai hay một số sự vật cùng tham gia một quan hệ nhất định. Như vậy, bình đẳng xã hội được hiểu là sự ngang bằng nhau giữa các cá nhân hay các nhóm cộng đồng xã hội về một phương diện xã hội nhất định nào đó, chẳng hạn như bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân, về địa vị xã hội, về cơ hội, về mức độ thỏa mãn những nhu cầu cụ thể nhất định trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… Theo đó, có thể nói sự ngang bằng nhau giữa người với người (hoặc giữa các nhóm cộng đồng xã hội với nhau) về mọi phương diện, là nói đến một sự bình đẳng xã hội toàn diện, hoàn toàn. Bình đẳng xã hội chỉ đặt ra trong so sánh về phương diện xã hội. Ngoài sự khác nhau về mặt xã hội thì bình đẳng xã hội cũng không loại trừ sự khác biệt về mặt tự nhiên và sinh vật.
Trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gôta”, C.Mác đã đấu tranh chống lại quan điểm rất trừu tượng của Lát-xan về vấn đề bình đẳng xã hội. Ông cho rằng, công bằng và bình đẳng xã hội trong chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với việc xóa bỏ giai cấp bóc lột, điều đó không có nghĩa là xã hội sẽ có sự bình đẳng hoàn toàn. Do đó, có thể xem bình đẳng xã hội là một giá trị có tính chất định hướng để con người thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần trong mối quan hệ tương đối hợp lý giữa cá nhân và nhóm xã hội, phù hợp với khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Sự phân tích khoa học và cụ thể về vấn đề bình đẳng xã hội trong tư tưởng của C.Mác giúp chúng ta hiểu rõ hơn khái niệm bình đẳng xã hội và mối quan hệ của nó với những khái niệm khác, đặc biệt là khái niệm bình đẳng dân tộc.
Học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như vấn đề bình đẳng dân tộc, tự quyết dân tộc, liên hiệp công nhân các dân tộc, dân tộc tư bản chủ nghĩa, dân tộc xã hội chủ nghĩa… Trong đó vấn đề bình đẳng dân tộc là một trong những nguyên lý rất quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong nhiều tác phẩm, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã gắn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, gắn mục tiêu đấu tranh cho bình đẳng dân tộc với mục tiêu đấu tranh cho bình đẳng xã hội. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C.Mác đã khẳng định giai cấp vô sản của mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc. Đồng thời các ông cũng chỉ ra cho giai cấp công nhân thấy rõ muốn xây dựng mối quan hệ giai cấp, quan hệ xã hội mới trên tinh thần: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này nô dịch dân tộc kia cũng sẽ mất theo”(1).
Trong tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết”, V.I.Lênin đã chỉ rõ, các dân tộc có quyền bình đẳng…, đây cũng là nội dung cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của Lênin.
Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết là thủ tiêu tình trạng áp bức giai cấp, trên cơ sở đó nhằm xóa bỏ sự nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác, từ đó khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc ở trình độ lạc hậu kém phát triển nỗ lực vượt lên trên con đường tiến bộ, văn minh. Sự bình đẳng toàn diện giữa các dân tộc không chỉ được ghi nhận về pháp lý, mà quan trọng hơn là phải được thể hiện trong thực tế cuộc sống.
Xét về nội dung, công bằng bình đẳng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin là bình đẳng toàn diện, nhưng trên hết, trước hết là bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế. Ở phương diện này, bình đẳng dân tộc phụ thuộc vào sự đồng đều về trình độ phát triển kinh tế của các dân tộc, cốt lõi là sự phát triển về lực lượng sản xuất. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã viết: “Những quan hệ qua lại giữa các dân tộc khác nhau đều phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi dân tộc đó về mặt lực lượng sản xuất, sự phân công lao động và sự giao tiếp nội bộ…”(2). Điều mà C.Mác nói ở đây có thể hiểu là không ngừng phát triển lực lượng sản xuất, vượt qua tình trạng lạc hậu về kinh tế, vươn lên trình độ sản xuất tiên tiến của thời đại là con đường đưa mỗi dân tộc vươn lên địa vị bình đẳng với các dân tộc khác.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin không xem nhẹ ý nghĩa của bình đẳng trên lĩnh vực chính trị, bởi lẽ, bình đẳng trên lĩnh vực chính trị là quyền rất cơ bản của mỗi dân tộc, tộc người, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức, bị lệ thuộc, đấu tranh giành quyền bình đẳng chính trị là điều kiện để thực hiện bình đẳng trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Mỗi biểu hiện của tư tưởng dân tộc cực đoan, dân tộc nước lớn; kỳ thị dân tộc, phân biệt đối xử giữa các dân tộc, tộc người, những mưu đồ chính trị của các thế lực phản động, việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia dân tộc, tộc người đều vi phạm quyền bình đẳng chính trị của các dân tộc. Quyền bình đẳng chính trị theo Lênin là các dân tộc có quyền tự quyết vận mệnh của dân tộc mình; quyền lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường, bước đi, nhịp độ của sự phát triển, nó cũng đồng nghĩa với quyền tự quyết dân tộc.
Bình đẳng trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Nó liên quan tới nhiều yếu tố văn hóa dân tộc - tộc người. Bởi văn hóa là biểu hiện kết tinh những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Chính trên lĩnh vực văn hóa, các yếu tố tộc người - những yếu tố mà ở đó phân biệt rõ dân tộc này với dân tộc khác được biểu hiện đầy đủ nhất. Nền văn hóa với các bản sắc dân tộc mất đi thì dần dần dân tộc cũng tan biến với tính cách một cộng đồng riêng, độc lập, đó chính là thảm họa của tình trạng bị đồng hóa, cưỡng bức dân tộc. Trong quan hệ dân tộc, văn hóa là một nhân tố có ý nghĩa quyết định địa vị bình đẳng của dân tộc này với dân tộc khác.
Lênin đã khẳng định vấn đề bình đẳng trong văn hóa phải gắn chặt với bình đẳng về kinh tế và chính trị. Lênin viết: “Tách lĩnh vực trường học riêng ra, trước nhất đó là một điều không tưởng phi lý, vì không thể nào tách trường học (cũng như “văn hóa dân tộc” nói chung) ra khỏi kinh tế và chính trị được”(3).
Liên quan đến bình đẳng văn hóa là quyền bình đẳng về ngôn ngữ - một quyền tự nhiên của con người. Vấn đề ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ dân tộc là nhu cầu máu thịt, thiêng liêng của cư dân các dân tộc. Bởi vì quyền bình đẳng về ngôn ngữ là sự đóng góp tích cực của những người dân chủ triệt để. Theo Lênin, những người không thừa nhận, không bảo vệ quyền bình đẳng dân tộc, bình đẳng về ngôn ngữ, không đấu tranh chống mọi bất bình đẳng dân tộc, thì người đó không phải là người mácxít chân chính. Ý nghĩa sâu xa của Lênin về bình đẳng dân tộc, thực chất là cần thủ tiêu giai cấp.
Như vậy, theo các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề bình đẳng dân tộc nằm trong khuôn khổ bình đẳng xã hội. Do đó, các ông đã đưa tiến trình của cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng dân tộc hòa nhập vào tiến trình chung của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng con người.
2. Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam
Với truyền thống hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, giá trị cốt lõi xuyên suốt, cội nguồn của tư tưởng bình đẳng dân tộc là chủ nghĩa yêu nước - giá trị đầu bảng của thang giá trị Việt Nam. Đoàn kết, yêu nước, lòng nhân ái, cố kết cộng đồng đã được hun đúc qua bao thế hệ con người Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho truyền thống ấy, giá trị ấy.
Ngay từ thời Vua Hùng dựng nước, tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, từng có nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, cư trú trên những vùng miền khác nhau, cho dù là dân tộc đa số hay thiểu số, họ đều đoàn kết gắn bó với nhau thành một khối thống nhất, cùng nhau chống mọi kẻ thù, cùng nhau khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội.
Yêu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đã tạo nên tinh thần tự lực, tự cường, chung lòng chung sức đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua 12 thế kỷ liên tục chống giặc ngoại xâm, phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh như: Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Nhật, Mỹ, nhưng nhân dân Việt Nam dù ở miền xuôi hay miền ngược, dân tộc đa số hay thiểu số đã liên kết chặt chẽ, cố kết cộng đồng đã giành những thắng lợi vô cùng oanh liệt, vẻ vang, làm rạng danh non sông đất nước.
Do yêu cầu của cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, nhân dân các dân tộc Việt Nam đã đoàn kết, hợp sức, hợp lực chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên như bão lũ, hạn hán để giành giật cuộc sống mưu sinh với tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Tất cả những giá trị ấy đã vun đắp nên truyền thống yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc. Không chỉ là một tình cảm, một phẩm chất tinh thần, mà đã phát triển nâng lên trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính, trở thành dòng chủ lưu của tư tưởng Việt Nam.
Sau này, khi đề cập đến vấn đề dân tộc ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là một nhà. Cụm từ “con Rồng cháu Tiên” được Người nhiều lần sử dụng để nói lên mối quan hệ máu thịt giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh, phát huy thì những giá trị văn hóa của phương Đông, phương Tây cũng góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc. Bởi vậy, một nhà văn, nhà báo phương Tây đã khái quát rằng, hình ảnh Hồ Chí Minh là sự kết hợp hoàn chỉnh đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, Triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một chủ gia tộc, tất cả được bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành quả tri thức của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho vốn trí tuệ của mình ngày một giàu có và sâu sắc. Trước hết, Người sớm hấp thụ tư tưởng Nho học, nắm vững nguyên lý cơ bản, tiếp thu sáng tạo những mặt tích cực của Nho giáo, chủ yếu ở triết lý hành động, tư tưởng nhân đạo, những nguyên tắc, đạo lý thương dân, yêu nước, lý tưởng về xã hội thái bình, thịnh trị. Hồ Chí Minh còn tiếp thu những tư tưởng của Phật giáo, tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, mong sao đem lại ấm no cho mọi người. Ngoài ra, Người còn khai thác nhiều yếu tố tích cực của các nhà tư tưởng phương Đông cổ đại như: Lão Tử, Mặc Tử… và cận hiện đại như Tôn Trung Sơn…
Tất cả những giá trị, phẩm chất tốt đẹp đã hun đúc nên chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh. Vốn kiến thức phong phú cùng với trình độ uyên thâm về Nho học, đã tạo cơ sở để Người tiếp nhận những giá trị văn hóa phương Tây ở nơi đất khách quê người, nhất là tiếp thu tư tưởng dân chủ, tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” của các cuộc đấu tranh cách mạng tư sản.
Như vậy, sự kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái và tính cố kết cộng đồng cùng với những giá trị tích cực tiếp thu từ kho tàng văn hóa thế giới, đã trở thành nền tảng vững chắc để từ đó, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà trước hết là những nguyên lý, lý luận về vấn đề dân tộc và bình đẳng dân tộc./.
___________________________________________________
(1) C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, T.3, tr.565.
(2) C.Mác - Ph Ăngghen (1995), Sđd, T.1, tr.30.
(3) V.I.Lênin (1980), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M., T.24, tr.171 - 172.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2/2022
Bài liên quan
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
- Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 60: "Bão tin giả"
- 2 Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam là tất yếu khách quan
- 3 Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- 4 Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2024
- 5 Mạch Nguồn số 61: CÔ ĐOÀN THỊ HOA - NGƯỜI LÁI ĐÒ ĐẶC BIỆT
- 6 Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại*
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 18/12/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhà chính trị - nhà văn hoá lớn của thế kỷ XX, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người bạn thân thiết của nhân dân các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng và lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.
Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của công tác giáo dục thanh niên. Người đã chỉ rõ sự cần thiết; nội dung, phương thức giáo dục thanh niên và trách nhiệm của các chủ thể trong công tác này. Bài viết trình bày khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên và đề xuất giải pháp vận dụng tư tưởng của Người vào công tác giáo dục thanh niên Việt Nam góp phần phát huy vai trò của thanh niên trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Chuẩn bị, dự tính mọi việc trước những sự kiện trọng đại, có tính chất bước ngoặt của cách mạng là vấn đề mang tính nguyên tắc, thiết thực, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện. Theo đó, để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sắp tới, cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị toàn diện trước thềm Đại hội, mà tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn đóng vai trò quan trọng. Việc nghiên cứu và vận dụng phù hợp, sáng tạo, khoa học các chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên tiếp tục có ý nghĩa to lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bình luận