Cơ sở hình thành văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 08:43 10-04-2024
(LLCT&TT) Văn hoá từ chức là những ứng xử dựa trên lương tri, lòng tự trọng khi những người lãnh đạo thấy mình mắc khuyết điểm, lỗi lầm, thấy không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ hiện tại; là hành vi của cá nhân tự nguyện rời bỏ vị trí lãnh đạo, cầm quyền của mình cho người khác có khả năng hơn (năng lực, trình độ, phẩm chất, sức khỏe…) nhằm đảm bảo lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và sự phát triển của đất nước.
Đi cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là phải xây dựng một nền chính trị tương thích mang tính hiện đại, văn minh và nhân văn. Việc xây dựng đời sống văn hóa có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển các giá trị tinh thần của mỗi quốc gia, dân tộc. Cấu thành văn hóa dân tộc có một phần không thể thiếu, nhất là ở xã hội hiện đại đó, được gọi là văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị được cấu thành từ nhiều thành tố khác nhau.
Trong văn hóa chính trị, văn hóa từ chức là một yếu tố cấu thành đặc biệt quan trọng. Văn hóa từ chức thể hiện bản lĩnh, dũng khí, sự khảng khái của các chủ thể chính trị - là các lãnh đạo, trong quá trình thực hiện quyền lực của mình. Trong lịch sử dân tộc, những hành động của các vị quan thanh liêm rất được đề cao. Khi thấy việc bất bình mà can gián vua không được, họ có thể từ quan, cáo quan về quê dạy học, ở ẩn, vui thú điền viên.
Tuy nhiên, những tấm gương đó có thể mang nhiều ý nghĩa, nhưng đó không phải là biểu hiện của văn hóa từ chức. Có thể khẳng định, cho đến nay, ở Việt Nam, văn hóa từ chức chưa được hình thành và phát triển đầy đủ. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, văn hóa từ chức thể hiện rất mạnh mẽ, góp phần nâng cao văn hóa chính trị. Vậy, cơ sở nào quy định sự hình thành văn hóa chính trị, văn hóa từ chức?
1. Cơ sở kinh tế
Nếu như văn hóa chính trị phản ánh trình độ phát triển đời sống chính trị của một xã hội nhất định thì văn hóa từ chức lại phản ánh tồn tại xã hội đó ở một trình độ phát triển cao hơn. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, người ta mới luận bàn nhiều đến văn hóa từ chức, bởi lẽ đến nay, với sự phát triển nhất định của kinh tế thì hành vi từ chức mới nảy sinh và phát triển.
Nói đến từ chức là đề cập đến thái độ và hành xử của những người có chức, có quyền và đương nhiên kèm theo đó là có những quyền lợi nhất định. Việc một cá nhân dễ dàng từ chức hay không, đôi khi do yếu tố kinh tế quyết định. Thực tế cho thấy, nếu một cá nhân nào đó có tiềm lực tài chính đủ mạnh và khiến cho người này không hoàn toàn lệ thuộc về kinh tế vào vị trí mà người đó đang đảm nhiệm, quyết định từ chức đến với họ sẽ dễ dàng hơn. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao ở Việt Nam, hành vi từ chức còn hiếm đến như vậy. Do đó, có thể thấy, từ chức có cơ sở kinh tế của nó.
Thông thường, trong xã hội mà kinh tế phát triển, thì việc từ chức diễn ra phổ biến hơn, dễ dàng thiết lập được môi trường để xây dựng và hình thành văn hóa từ chức. Điều này góp phần lý giải tại sao ở các nước phát triển, hành vi từ chức lại xuất hiện sớm và đã hình thành được văn hóa từ chức. Còn ở các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, hành vi này quả là hiếm khi diễn ra. Nếu có, nó cũng ít phản ánh xu hướng tự giác hay tính có văn hóa, mà cơ bản là vì không có giải pháp nào tốt hơn nữa, hoặc là từ chức được coi như một cách để “hạ cánh an toàn”, thoái thác nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị cá nhân.
2. Cơ sở chính trị
Như trên đã khẳng định, văn hóa từ chức là một biểu hiện của văn hóa chính trị, bởi lẽ văn hóa từ chức chỉ hình thành trong môi trường hoạt động của những người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội. Văn hóa từ chức, ngoài sự chi phối của các yếu tố kinh tế thì nó còn bị tác động mạnh của cả yếu tố văn hóa và chính trị. Do đó, nếu xây dựng, định hình sớm các giá trị văn hóa chính trị và một thể chế chính trị ổn định, chặt chẽ, sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nảy sinh hành động từ chức mang tính văn hóa.
Suy cho cùng, một nền chính trị ổn định và đáp ứng lợi ích của giai cấp, cộng đồng xã hội phải được hình thành nên từ những yếu tố bền vững. Những nhân tố có sứ mệnh tập hợp quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị ấy phải có đủ năng lực và phẩm chất, đồng thời, phải biết sử dụng quyền lực chính trị ấy một cách hiệu quả. Như vậy, thừa nhận sự yếu kém và buông tay khỏi quyền lực chính trị khi nó không còn phù hợp với bản thân của các quan chức là điều cần thiết để hình thành nên một nền chính trị ổn định và bền vững. Văn hóa từ chức phải được hình thành trên cơ sở nhận thức một cách toàn diện các vấn đề này, và chỉ có như vậy, nó mới không làm suy yếu đi hệ thống chính trị. Ngược lại, nó sẽ trở thành yếu tố bền vững để xây dựng một nền chính trị thực sự tiến bộ, văn minh.
Hiện nay ở Việt Nam, quyền lực công phải được sử dụng một cách hiệu quả và phù hợp với xu hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng. Phải định hướng cho xã hội nhận thức được, những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền, mà đó là một vị trí đầy thách thức, khó khăn dành cho những cá nhân có nghị lực, bản lĩnh phục vụ lợi ích cộng đồng. Đó là những người có khát vọng và có nhân cách lớn. Họ là những cá nhân mạnh mẽ, dám hành động, dám chịu trách nhiệm và luôn ý thức rõ ràng rằng đối tượng mà họ phục vụ là nhân dân, xã hội.
3. Cơ sở pháp lý
Từ chức và văn hóa từ chức, như đã tiếp cận ở trên, vừa là lương tri, vừa là trách nhiệm cá nhân, công dân, trách nhiệm đặc biệt của các chính khách. Do đó, muốn thúc đẩy từ chức và văn hóa từ chức thì nhất thiết phải tác động đến cả lương tri và trách nhiệm của những người có chức, có quyền. Để giác ngộ lương tri, cần tuyên truyền, khích lệ, động viên, tạo dư luận xã hội tốt với cả người từ chức và công chúng với hành động của họ. Để tăng cường trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, cần phải có thể chế, chế tài và những quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ.
Văn hóa chính trị là một tổng thể bao gồm những vấn đề chính trị: hệ tư tưởng, quan điểm, định hướng chính trị; tri thức, sự hiểu biết về chính trị; niềm tin, sự thuyết phục về chính trị; truyền thống chính trị; những phương tiện, những chuẩn mực, những phương thức tổ chức và hoạt động của quyền lực chính trị… Tất cả những yếu tố đó tương tác lẫn nhau và chi phối để hình thành văn hóa chính trị, văn hóa từ chức.
Trước hết, cần phải xây dựng hệ thống pháp luật quy định rõ ràng vị trí, vai trò, chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý. Phải xây dựng các quy định, hướng dẫn về việc từ chức của cán bộ, công chức trên nền tảng cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Xây dựng được quy chế công chức thật chặt chẽ, kỹ lưỡng về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác.
Chẳng hạn, ở Đức có Luật về quan hệ pháp lý giữa các thành viên chính phủ, Điều 9 Luật này quy định, bộ trưởng có quyền từ chức bất cứ lúc nào. Như vậy, từ chức thuộc quyền cá nhân của các chính khách và các nhà lãnh đạo. Tự nguyện được từ chức, đó chính là điều kiện cần cho văn hoá từ chức. Tuy nhiên, để họ dù không muốn cũng tự buộc mình từ chức, phải có điều kiện đủ là về mặt pháp lý, pháp luật cũng quy định, bộ trưởng có thể bị thủ tướng miễn nhiệm bất cứ lúc nào. Nghĩa là các cá nhân lãnh đạo không từ chức cũng không được, bởi sẽ bị đối mặt với miễn nhiệm.
Từ chức không chỉ là hành vi của cá nhân, mà cũng có thể là của tập thể. Ở những nước có chính phủ được thành lập từ nghị viện thì quy trình quy trách nhiệm của chính phủ trước nghị viện được thực hiện chủ yếu bằng hai hình thức: bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ.
4. Cơ sở văn hóa, xã hội
Mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa từ chức là khá chặt chẽ, trong đó, một mặt, văn hóa chính trị quyết định văn hóa từ chức; mặt khác, văn hóa từ chức là sự phản ánh một mặt, một khía cạnh biểu hiện của văn hóa chính trị và có tác động trở lại văn hóa chính trị. Văn hóa từ chức là một hình thái ý thức xã hội và ý thức công dân. Tất cả những cấu trúc được xây dựng trên nền tảng chính trị sẽ được quyết định và quy chiếu bởi cái nền tảng chung ấy.
Từ chức hay không từ chức, từ chức như thế nào phụ thuộc vào văn hóa chính trị của nền chính trị, thể chế chính trị ấy. Văn hóa chính trị là cơ sở, hình thành và quyết định tới văn hóa từ chức. Văn hóa từ chức thể hiện một mặt của văn hóa chính trị. Nhận thức, thái độ, hành vi của việc từ chức ở mỗi nền chính trị khác nhau là khác nhau. Sự biến đổi của văn hóa từ chức đi cùng với sự biến đổi của văn hóa chính trị.
Văn hóa từ chức được định hình và phát triển trên cơ sở nền tảng văn hóa, xã hội nhất định. Do đó, văn hóa từ chức có cơ sở văn hóa - xã hội của riêng nó. Cơ sở văn hóa, xã hội như thế nào sẽ quy định tính chất và mức độ của từ chức và văn hóa từ chức tương ứng.
Nói đến từ chức và văn hóa từ chức, nhiều người nghĩ đến Nhật Bản. Nước Nhật có một bề dày văn hóa Đức trị kết hợp với nền văn minh công nghiệp hàng trăm năm nay, mới sản sinh ra những vị thủ tướng có Văn hóa từ chức, điển hình như các ông Hatoyama, Shinzo Abe, hay Naoto Kan… Các nước phương Tây, gần đây nhất, Thủ tướng Hy lạp Lucas Papademos hay ở Italy là ông Sivio Berlusconi cũng xin từ chức một cách rất văn hóa. Kể cả Việt Nam thời xưa, hay trước năm 1945 cũng vậy, các cụ đã được thừa hưởng một nền giáo dục Quốc học rất căn bản, cả về kiến thức lẫn đạo lý. Những dẫn chứng và liên hệ ấy giúp chúng ta có một hình dung cơ bản về mối liên hệ giữa trình độ và điều kiện văn hóa xã hội với văn hóa từ chức, cụ thể hơn, điều kiện văn hóa, xã hội là cơ sở hình thành văn hóa từ chức.
Nói đến cơ sở văn hóa, xã hội còn phải để cập đến dư luận xã hội. Chính cơ sở văn hóa xã hội định hướng và tạo ra dư luận xã hội. Dư luận xã hội lại góp phần định hướng thái độ, niềm tin và hành động cho con người. Chẳng hạn như ở Việt Nam, một trong những lý do dẫn đến từ chức còn rất hiếm hoi là dư luận xã hội nhìn nhận đây là về vấn đề chưa bình thường. Đồng thời, mặt tổ chức Đảng, nếu cá nhân đó là đảng viên thì họ viện dẫn, đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức nghĩa là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu..., từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn… Điều này cũng dẫn đến một hệ lụy nữa là, nhiều người đã lên chức rồi, họ không muốn xuống, họ sĩ diện và cố bám chức vụ đến cùng, vì quyền đi liền với lợi.
5. Cơ sở đạo đức
Từ chức trước hết là hành vi của cá nhân, nó vừa biểu hiện văn hóa chính trị của cá nhân nhưng đồng thời cũng là sự phản ảnh các giá trị của văn hóa cộng đồng. Văn hóa cá nhân gắn với nhân cách cá nhân, thể hiện qua trình độ nhận thức, qua ý thức thái độ và cụ thể hơn là qua hành vi cũng như sự tham gia của các cá nhân vào đời sống chính trị. Trong khi đó, văn hóa cộng đồng lại là sự kết thành hệ giá trị cộng đồng, thực chất cũng chính là các nhân cách ghép lại nhưng phải được xã hội thừa nhận trên cơ sở các chuẩn mực phổ biến.
Trong các chuẩn mực ấy, chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quan trọng đến hành vi từ chức của cá nhân. Chuẩn mực đạo đức của xã hội được hình thành một cách lâu dài, nó phản ánh điều kiện xã hội. Đạo đức xã hội được quyết định bởi các điều kiện xã hội, tuy nhiên, vai trò của công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng của chính phủ là đặc biệt quan trọng. Đạo đức xã hội là cơ sở để hình thành đạo đức cá nhân. Đạo đức cá nhân đóng vai trò quan trọng cho việc hình thành đạo đức của đội ngũ chính khách, đạo đức các nhà lãnh đạo. Do đó, khi có những hành vi trái đạo đức, trái lương tâm sẽ là động cơ để làm cho các chủ thể lãnh đạo cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn trước cộng đồng và hành vi từ chức tất yếu sẽ dễ dàng nảy sinh.
Như vậy, về cơ bản, văn hóa từ chức phụ thuộc vào các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Tuy nhiên, kể cả khi các điều kiện này đầy đủ, cũng chưa đảm bảo chắc chắn rằng nhất định sẽ có văn hóa từ chức. Ngược lại, vẫn có thể có hành vi từ chức trong điều kiện các yếu tố trên đây chưa đầy đủ. Từ chức là một thành tố văn hóa được biểu hiện ra không chỉ ở hành vi mà cả trong ý thức, tư tưởng và suy nghĩ của cá nhân người có quyền chức. Thực tế, hành vi từ chức của các cá nhân còn có cơ sở đạo đức của nó là liêm chính, tự trọng, trọng danh dự, liêm sỉ và các chuẩn mực đạo đức khác. Nếu không có những chuẩn mực đạo đức này, rất khó để các cá nhân từ chức, hoặc nếu không, hành vi từ chức cũng không trở nên tự giác, khó trở thành văn hóa./.
1. Lưu Văn An (2011), Chính trị học so sánh, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2012), Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
3. Nguyễn Sỹ Dũng (2012), Nuôi dưỡng văn hóa từ chức, Báo Lao động, số 295.
4. Quyền Duy (2013), Văn hóa từ chức, Tạp chí Cộng sản, số 843.
5. Nguyễn Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, Hà Nội.
6. Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2009), Chính trị học Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Xử lý tình huống chính trị, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb. Thời Đại, Hà Nội.
9. Dương Xuân Ngọc (2009), Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị - Từ nhận thức đến thực tiễn, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật Cán bộ công chức.
11. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận