Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ Đại hội XII với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo ra những dấu ấn đáng ghi nhận, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tiếp thêm động lực và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung triển khai, tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp vào hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, đã sớm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành chương trình hành động thực hiện công tác kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp với trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu.
Ngay sau Đại hội XIII, hoạt động xây dựng các Quy định cụ thể hóa Điều lệ Đảng và Nghị quyết Đại hội cũng như các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật...
Từ các quy định của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng như Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 01-12-2022 của Ban Bí thư ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã trực tiếp ban hành các hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp trong thực hiện nhiệm vụ như Quyết định số 354-QĐ/UBKTTW năm 2021 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm...
Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vào cuộc sống và thực hiện thống nhất trong toàn Đảng. Hoạt động xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cũng là góp phần hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.
Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng mang tính chủ động, kịp thời hơn. Công tác thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường và có nhiều đổi mới với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông. Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chú trọng tăng cường tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng một cách bài bản và sâu rộng.
Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được nâng lên. Việc công khai trên các phương tiện truyền thông về kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng xã hội hội tốt, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình. Nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm đã được xử lý công khai, nghiêm túc, thể hiện rõ tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Vai trò giám sát của nhân dân cũng như của báo chí đã thể hiện rõ sự đồng bộ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và mang lại hiệu quả to lớn: bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền còn góp phần phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời là cơ sở quan trọng để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp được tiến hành chủ động, đồng bộ, toàn diện hơn; có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Do đó, phải từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đồng bộ, hiệu quả”(1).
Mặt khác, tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước có sự cấu kết rất chặt chẽ với khu vực nhà nước và hậu quả là rất nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật: “Chỉ từ vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á mà đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao(2).
Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã thực hiện đúng quan điểm “công minh, chính xác, kịp thời”. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình đã thi hành kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, để người có vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Phương châm thi hành kỷ luật đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã thực hiện đúng mục đích là cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, không để “khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người”; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay trong các cơ quan có chức năng kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”(3) chứ không phải nhằm mục đích “vạch lá, tìm sâu” để trừng trị.
“Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì vậy phải quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, đủ năng lực để hoàn thành trọng trách được giao, đồng thời phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan này”(4).
Thứ sáu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm tra được quan tâm. Các lớp bồi dưỡng cán bộ kiểm tra theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra chuyên trách được thực hiện định kỳ, bài bản; nội dung, chương trình học có nhiều đổi mới theo hướng cập nhật kiến thức, tăng cường thực tiễn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo ngạch, bậc và kết hợp nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương, đơn vị có sáng kiến, cách làm hay.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, dẫn đến: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”(5).
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Đảng đã chỉ rõ “lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Chính vì vậy, phải thống nhất cao về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cũng là nhằm đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là nhằm “đấu đá phe cánh” trong nội bộ.
Hai là, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, đi ngược lại các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên với mục đích kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”; đồng thời, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng với vai trò là lực lượng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thi hành kỷ luật trong Đảng cần quán triệt quan điểm “nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình” như Tổng Bí thư đã nêu, “Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”(6).
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo: “tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được chủ quan, nóng vội, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”(7).
Bốn là, ủy ban kiểm tra các cấp cần nắm vững phương châm rõ đến đâu, kết luận đến đó; chú ý phát hiện, phòng ngừa vi phạm từ xa, từ sớm. Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cần chủ động thẩm tra, xác minh để tổ chức kiểm tra, giám sát khi có nguồn thông tin qua báo chí, công luận, qua tố giác của nhân dân. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động, quyết liệt hơn nữa; tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “nặng trên, nhẹ dưới”.
Ủy ban kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở cần thấm nhuần quan điểm: “Cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng”(8).
Năm là, tăng cường kiểm soát quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Thực tế cho thấy: “Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn”(9).
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng và thực thi quyền lực, nhất là của người đứng đầu. Qua công tác kiểm tra, giám sát mà chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời kiểm tra nhằm bảo vệ cái đúng, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm từ sớm.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ và hướng tới xây dựng “văn hóa kiểm tra” cho đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra đảng.
Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, trong thời gian tới, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vẫn có thể còn diễn biến rất phức tạp. Mặc dù nhiệm kỳ nào Trung ương cũng đều có những chủ trương, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, song một thực tế là khá nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện là do nhân dân, báo chí phát hiện và đưa ra công luận mà tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra tại những nơi đó lại không phát hiện được qua sinh hoạt định kỳ, qua giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề. Do vậy, đòi hỏi công tác kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, không dao động trước bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện, áp lực nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Cán bộ kiểm tra phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi đảng viên và phải được quy định thành nền nếp, chế độ. Mỗi cán bộ kiểm tra phải thật sự là một tấm gương sáng, mẫu mực trong học tập, trong công tác cũng như trong cuộc sống để quần chúng noi theo.
Trong giai đoạn hiện nay, tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải trở thành nhu cầu thường xuyên, thói quen trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ kiểm tra lười học tập, không thường xuyên tiếp nhận, cập nhật những thông tin mới, những tri thức mới cũng là một biểu hiện suy thoái về đạo đức và như vậy sẽ rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân tin tưởng, giao phó.
______________________________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)
Ngày nhận bài: 01-7-2023; Ngày bình duyệt: 18-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24 - 8-2023.
(1), (2), (3), (4), (6), (7), (8), (9) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.35, 42, 24, 24-25, 28, 43, 65, 39.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 29/1/2024
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận