Đấu tranh, phòng ngừa các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề dân tộc vẫn đang là điểm nóng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, ảnh hưởng không nhỏ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh khu vực và thế giới.
Ở Việt Nam, các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chống phá Đảng và chế độ ta. Mục đích của chúng là lợi dụng hạn chế, thiếu sót của ta trong việc thực thi chính sách dân tộc, sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp... để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tổng dân số của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh hơn 82 triệu người, chiếm 85,3% dân số, 14,7% dân số còn lại thuộc về 53 dân tộc thiểu số, có những dân tộc thiểu số có dân số trên 1 triệu người, như: Tày, Thái, Mông, Khmer, Nùng...; có những dân tộc dân số chưa đến 5.000 người, sống phân bố và xen kẽ trên các địa bàn rộng lớn, tập trung chủ yếu là ở các vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc không giống nhau, song nhìn chung, các dân tộc luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng bào các dân tộc luôn đồng hành cùng tiến trình lịch sử phát triển dân tộc, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm nhất quán đối với vấn đề dân tộc, đó là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trên cơ sở đó, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung làm giảm dần khoảng cách về trình độ dân trí, mức sống giữa các dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc, kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng kỳ thị, chia rẽ đoàn kết dân tộc hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc để gây bất ổn về chính trị - xã hội, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc; thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc cùng tiến bộ, góp phần xây dựng đất nước, hướng đến tương lai các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phát triển, ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc đã không ngừng được hoàn thiện. Đại hội lần thứ VIII của Đảng xác định: “Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược”, đến Đại hội lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng”. Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) đã ban hành nghị quyết riêng về công tác dân tộc trong đó nhấn mạnh: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”(1). Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định thêm: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”(2).
Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã kế thừa các chủ trương, đường lối của các đại hội trước đó với quan điểm: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”(3).
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối về công tác dân tộc: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”(4).
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định quan điểm: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Chú trọng tính đặc thù của từng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt là, “có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(5).
Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đang đi vào cuộc sống, mang lại sự bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc, tương trợ, tương thân, tương ái, cùng nhau tiến bộ, phát triển giữa các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho người dân; phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phòng, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị, chia rẽ các dân tộc; nghiêm khắc xử lý các cá nhân, tổ chức lợi dụng vấn đề dân tộc gây mất đoàn kết, chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, khi áp dụng vào đời sống vẫn còn những bất cập, hạn chế như, một số hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm; khả năng hiện thực hóa một số chính sách gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, chưa phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương; công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết ở một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên; việc rà soát, hoàn thiện nhiều chương trình, đề án còn chậm trễ... Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý ở cấp cơ sở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa sâu sát, không nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn thấp, việc triển khai chính sách chưa chuyên nghiệp, lúng túng trong khâu hướng dẫn thực hiện.
Những hạn chế, yếu kèm trên đã tạo cớ để các thế lực thù địch khoét sâu, lợi dụng vấn đề dân tộc để xâm phạm an ninh quốc gia, bằng cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc nhằm bôi nhọ, bóp méo sự thật, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Chúng lợi dụng những thiếu sót của ta trong việc thi hành các chính sách dân tộc để gây xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào các dân tộc, từ đó đẩy lên cao trào, tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ về chính trị - xã hội ở nước ta. Lợi dụng các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị - xã hội có liên quan đến chính sách dân tộc để kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc tham gia biểu tình, gây rối trật tự công cộng. Chúng gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị, “tôn giáo hóa vùng dân tộc”… Xây dựng, nuôi dưỡng nhiều tổ chức phản động dùng làm công cụ chống phá. Tạo mâu thuẫn, gây xung đột giữa dân tộc đa số với dân tộc thiểu số hay giữa các dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên lãnh thổ, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo...
Thời gian tới, để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp:
Trước hết, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho tất cả các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cần lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ, văn hóa, tâm lý của đồng bào từng khu vực. Cần có sự thống nhất trong công tác phối hợp, để bảo đảm những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào có ý nghĩa và thiết thực nhất, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào. Củng cố thường xuyên khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, là đối tượng dễ bị các thế lực thù địch hướng đến lôi kéo, lợi dụng, kích động, giúp đồng bào có khả năng nhận biết được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cần thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư của bà con, kịp thời giải quyết những bức xúc, những vấn đề nổi cộm, không để xảy ra các điểm nóng về chính trị - xã hội.
Thứ ba, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng bào biết tự lực cánh sinh tạo sinh kế. Từ đó thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập của đồng bào các dân tộc thiểu số so với mức bình quân của cả nước. Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào các dân tộc sẽ tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu.
Thứ tư, cần làm tốt công tác nắm bắt tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phát hiện, đi trước đón đầu và kịp thời xử lý những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia. Khi phát hiện, cần tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để, tránh để tạo cớ can thiệp, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Có những chính sách khoan hồng, giúp đồng bào trót nghe theo lời kẻ xấu quay trở về, tái hòa nhập cộng đồng./.
__________________
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2003), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.34.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.121.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.244 - 245.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.164.
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.I, tr.170.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 02.6.2021
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)” và đón nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin được gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thủ trưởng các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các đồng chí cộng tác viên và bạn đọc lời cảm ơn trân trọng. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí !
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận