Đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản ở Việt Nam - tổng quan và triển vọng
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) Nhật Bản là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với đầu tư và phát triển không chỉ ở các nền kinh tế Đông Nam á, mà kể cả các nước công nghiệp phát triển. Kinh nghiệm phát triển của một số nước Đông á cho thấy, FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá của các quốc gia. Trong 20 năm đổi mới vừa qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng. Đến nay, nền kinh tế đã từng bước ổn định, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển tăng tốc, FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản lại càng đóng vai trò quan trọng hơn. Phát biểu khai mạc Hội thảo kêu gọi đầu tư vào Việt Nam do Tổng lãnh sự sứ quán Việt Nam tại thành phố Osaka phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản, Tổng lãnh sự Việt Nam khẳng định "Chính phủ Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế và chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác". Một trong những chủ trương lớn của Chính phủ trước những thuận lợi mới trong triển vọng thu hút nguồn vốn FDI đang diễn ra là tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của các nước phát triển, các tập đoàn xuyên quốc gia, trong đó Nhật Bản được đánh giá là địa bàn quan trọng.
1. Tổng quan tình hình đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản ở Việt Nam
Từ khi ban hành luật đầu tư nước ngoài năm 1987, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút các dòng FDI vào việc phát triển kinh tế. Thông qua con đường giao lưu văn hoá, kinh tế thương mại, các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đã có mặt trước xa thời điểm Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong đầu tư trực tíêp nước ngoài, sau một thời kỳ thăm dò và tạo dựng thị trường, cho đến nay hầu hết các công ty xuyên quốc gia lớn của Nhật Bản đều đã có mặt ở Việt Nam với những dự án đầu tư rất đáng chú ý. Đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đã có những tác động to lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển một số lĩnh vực công nghiệp và kết cấu hạ tầng chủ yếu, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trên thế giới.
Trên thực tế gần 3 năm sau khi Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam được ban hành các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản mới chính thức quyết định tham gia đầu tư một dự án khởi đầu có số vốn khiêm tốn gần 1 triệu USD. Năm 1990 số vốn đầu tư tăng thêm trên 10 triệu USD và năm 1991 các công ty Nhật Bản có 6 dự án với tổng số vốn là 8 triệu USD. Bước sang năm 1992, quan hệ kinh tế giữa hai nước được thúc đẩy do việc giải quyết vấn đề Campuchia và quá trình đổi mới của Việt Nam được gia tăng trên các lĩnh vực không chỉ có vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam được khai thông mà nguồn vốn FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản cũng gia tăng đưa tổng số vốn đầu tư trực tiếp đến năm 1992 lên đạt 135,5 triệu USD. Năm 1993 số vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản vẫn tăng, đạt 212,4 triệu USD với 43 dự án.
Như vậy, đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản khởi đầu chậm, mức đầu tư hàng năm không ổn định. Nếu so với mức tăng FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào các quốc gia và vùng lãnh thổ thì quả là còn khiêm tốn, đặc biệt khi tính đến khả năng, tiềm lực vốn của các công ty Nhật Bản.
Năm 1994 với những chuyển biến của tình hình quốc tế trong đó đáng chú ý là Mỹ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam (tháng 2.1994) cùng với sự gia tăng của xu hướng đồng Yên lên giá đã tạo ra đợt bùng nổ đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào Việt Nam. Tính riêng năm 1995 các công ty Nhật Bản có 50 dự án và mức vốn đạt 1303,2 triệu USD. Với mức vốn này đã đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư đứng thứ 3 ở Việt Nam sau Đài Loan và Hồng Kông.
Năm 1996 các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Tính riêng trong năm 1996 các công ty Nhật Bản đầu tư 777 triệu USD. So với năm 1995 rõ ràng số vốn đầu tư đã giảm sút. Có thể nói năm 1996 là năm mở đầu giai đoạn 2 đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam với đặc điểm mức đầu tư bắt đầu có xu hướng giảm sút. Tình hình này gắn liền với thực trạng nền kinh tế Nhật Bản và sự giảm sút của đồng Yên.
Bước sang năm 1997 đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp tục có sự suy giảm với 54 dự án và tổng vốn đăng ký 606 triệu USD mặc dù trong năm nay các công ty Nhật Bản đứng thứ 2 về số dự án (sau Đài Loan 64 dự án) và đứng thứ 2 về tổng số vốn đầu tư (sau Hồng Kông gần 695 triệu USD). Năm 1998 tốc độ và quy mô đầu tư từ các công ty Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Năm 1998 các công ty Nhật Bản có 17 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn 177,5 triệu USD giảm 3,4 lần so với mức của năm trước. Nguyên nhân của tình trạng suy giảm này là do hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu á và suy thoái kinh tế Nhật Bản.
Năm 1999 có thể nói mức đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào Việt Nam trở về mức khởi đầu. Tính đến 31.12.1999 số vốn đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản chỉ đạt mức 42 triệu USD, giữ vị trí thứ 9 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tính chung trong thời kỳ 89-90 FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản chiếm 5,43% tổng FDI vào Việt Nam, giai đoạn 91-95 tăng lên 10,96% và từ 96-2000 tính trung bình còn chiếm 8,98%.
Bước sang năm 2000, Việt Nam đã có xúc tiến mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đáng kể nhất là việc ban hành luật đầu tư sửa đổi tháng 7.2000 đã tăng sức thu hút với các vốn đầu tư. Năm 2000 so với năm 1999 tổng số vốn đầu tư đã đăng ký tăng 30%, số dự án tăng 86% và năm 2001 so với năm 2000 con số tương ứng là: 103% và 58%. Năm 2002 số dự án tăng lên 49 và đạt 119 triệu USD.
Từ năm 2003-2005 với những nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp hai nước, Việt Nam vừa đứng trước cơ hội lớn để đón làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật Bản vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các nước, đặc biệt là từ các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ. Tính đến hết tháng 11.2005 các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản chiếm vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Tính từ 1998 đến hết tháng 11.2005, cả nước đã cấp giấy phép đầu tư cho 6.880 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn cấp mới 64,6 tỷ USD, trong đó có 5.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 43,4 tỷ USD (tính cả các dự án đã hết hiệu lực). Đã có 74 quốc gia và các vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó chỉ tính riêng các công ty của Nhật Bản chiếm 9,8% về số dự án; 12,1% tổng số vốn đăng ký và 16,2% tổng số vốn thực hiện; quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án đạt 10,5 triệu USD/dự án(1). Như vậy tính đến thời điểm hết tháng 11.2005 các công ty Nhật Bản hiện có 594 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 5.983.310.674 USD, trong đó tổng số vốn đầu tư thực hiện 4.131.110.861 USD(2). Theo thống kê sơ bộ, hiện có 28 công ty xuyên quốc gia lớn của Nhật Bản đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các công ty có vốn đầu tư Nhật Bản cũng đã tạo được trên 85.056 việc làm, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam(3).
Về hiệu quả đầu tư nhìn chung hoạt động của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam là tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm thay thế nhập khẩu và tham gia tích cực vào lượng hàng hoá xuất khẩu. Điều này được thể hiện thông qua những con số thống kê như sau: Thứ nhất, vốn thực hiện so với tổng số vốn đăng ký có tỷ lệ cao, chiếm đến 73% trong khi con số chung là 20%. Thứ hai, tỷ lệ dự án giải thể trước thời hạn so với dự án cấp giấy phép thấp. Thứ ba, là doanh thu của các dự án đầu tư trên vốn thực hiện đạt con số rất cao, 2,2 lần trong khi con số chung là 1,7 lần(4).
Về cơ cấu ngành, công nghiệp trong đó chủ yếu là công nghiệp nặng chiếm tới 71,2% số dự án, các ngành nông - lâm nghiệp chiếm 6,6% và các ngành dịch vụ chiếm 22,2%. Các doanh nghiệp của Nhật Bản đã có mặt trên 34 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hoá, Bình Dương... Ngoài ra các công ty Nhật Bản đã đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp tại Việt Nam bao gồm khu công nghiệp Nomura Hải Phòng với vốn đầu tư 163 triệu USD, diện tích 153 ha, cơ sở hạ tầng đạt chất lượng cao với các công trình phụ trợ kèm theo như nhà máy điện, nhà máy nước... khu công nghiệp Thăng Long tại Hà Nội với vốn đầu tư 53 triệu USD và khu công nghiệp Long Bình. Về hình thức đầu tư trong tổng số 594 dự án còn hiệu lực hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 390 dự án, hình thức liên doanh chiếm 141 dự án, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 18 dự án(5).
Có thể khẳng định rằng sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản được coi là một trong những yếu tố nổi bật của quá trình tăng trưởng kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua. Trước hết, có những yếu tố bên trong tạo ra sự gia tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào Việt Nam với làn sóng đầu tư trực tiếp thứ nhất vào thập kỷ 90 và sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới từ 2005. Việt Nam với tiềm năng của nền kinh tế thị trường của hơn 82 triệu dân các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đã nhận thấy nhiều yếu tố tích cực ở Việt Nam như: tài nguyên phong phú, nguồn lao động dồi dào, trình độ văn hoá cao, giá nhân công thấp... và kết quả là một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản chảy vào Việt Nam để tìm kiếm và khai thác các cơ hội kinh doanh. Điểm khác biệt trong đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản ở Việt Nam so với đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản ở các nước Asean là sự kết hợp đồng thời sản xuất phục vụ thị trường nội địa với sản xuất phục vụ xuất khẩu. Có lẽ việc một thị trường đóng lần đầu tiên thực sự được mở cửa cho đầu tư nước ngoài đã giải thích cho sự gia tăng các luồng vốn đầu tư trực tiếp nói chung và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
Bên cạnh những nỗ lực của Việt Nam để "khai thông" các dòng FDI, cũng có cả những nhân tố tác động bên ngoài tạo nên lực "đẩy" chúng vào Việt Nam Có thể khẳng định rằng việc mở cửa của Việt Nam cho đầu tư nước ngoài năm 1987 là thời điểm thích hợp vì nó đặt Việt Nam trong mối liên hệ của các lực hấp dẫn. Yếu tố đầu tiên là sự gia tăng luồng vốn FDI của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản vào các nước châu á, nhất là khu vực Đông Nam á, các nền kinh tế mới nổit như Việt Nam, Trung Quốc, ấn Độ trong sự chuyển hướng chiến lược đầu tư hướng về châu á của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản. Yếu tố thứ hai là sự suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản buộc các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi nhằm tranh thủ thị trường mới, tài nguyên phong phú, giá nhân công rẻ để tiếp tục tối đa hoá lợi nhuận trong bối cảnh sự canh tranh quyết liệt của các nền kinh tế công nghiệp hoá mới châu Á (NIEs). Yếu tố thứ ba là vai trò cầu nối của Singapore trong dòng lưu chuyển vốn của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản.Xếp thứ hai về vốn đầu tư trực tiếp đăng ký tại Việt Nam, đồng thời là "trạm trung chuyển" của các công ty xuyên quốc gia, Singapore tiếp tục khẳng định là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ là một nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, Singapore còn được ghi nhận là một cầu nối quan trọng đối với nguồn vốn đầu tư từ các nước TNCs sang Việt Nam, đặc biệt trong thời gian Mỹ vẫn thực hiện cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Singapore hiện là nơi hội tụ của hơn 1600 TNCs trên thế giới, trong đó có nhiều công ty hàng đầu đã sử dụng quốc đảo này làm "cửa ngõ" để mở rộng thị trường Việt Nam như Toshiba, Mitsui... Yếu tố thứ tư là sau một thời gian gia tăng đầu tư vào Trung Quốc, các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm thị trường mới theo phương châm "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ". Bên cạnh đó trong con mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản vị trí địa - chính trị của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tái cấu trúc mạng lưới sản xuất châu á.
Là một nền kinh tế quá độ ở Đông Nam á, mặc dù trình độ phát triển của Việt Nam còn thấp so với các nước ASEAN nhưng Việt Nam hội tụ khá đầy đủ những ưu thế của các yếu tố thuận lợi và kết quả là dòng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đã gia tăng vào Việt Nam.
Về những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp Nhật Bản thường gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh ở Việt Nam: thứ nhất, có thể nói tới ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực 1997 đã gây ra một số tác hại không nhỏ, cụ thể là làm giảm khả năng đưa vốn ra thị trường bên ngoài, giảm sức tiêu thụ... Thứ hai là thị trường trong nước trên thực tế phát triển chậm hơn nhiều so với dự kiến của các nhà đầu tư. Thứ ba là mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư đang kinh doanh tại Việt Nam, nhưng do cơ chế chính sách của chúng ta chưa đồng bộ nên hiện vẫn không tránh khỏi một số bất cập trong hệ thống tài chính, ngân hàng, trong cơ chế điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Trước tình hình như vậy thì việc thúc đẩy những biện pháp như tiếp tục cải thiện hơn môi trường đầu tư cả về kết cấu hạ tầng và hệ thống chính sách... từ khâu đầu đến khâu cuối là hết sức cần thiết.
2. Triển vọng đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản ở Việt Nam
Khoảng 10 năm trước, Việt Nam đã bỏ lỡ mất một cơ hội lớn để đón làn sóng đầu tư lớn từ Nhật Bản và thời cơ ấy Trung Quốc đã nắm bắt. Nhưng hiện nay một thời cơ mới lại đến mà nguyên nhân lại xuất phát từ Trung Quốc. Các nhà đầu tư, nhất là các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản đang chú ý trở lại thị trường Việt Nam. Sau một thời gian đầu tư ồ ạt sang Trung Quốc, nhiều công ty xuyên quốc gia thấy rằng không nên tập trung vào một thị trường mà cần phân tán một phần các cơ sở sản xuất sang các nước khác để tránh rủi ro.
Khuynh hướng này bắt đầu xuất hiện từ 2003 nhưng gần đây mạnh hơn khi quan hệ Nhật Bản - Trung Qốc trở nên căng thẳng làm cho các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc mạng lưới sản xuất châu á mà trọng tâm là phân tán đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác. Việt Nam đang nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách những quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản. Do Trung Quốc đang tạo ra những rủi ro từ chính sách đồng Nhân dân tệ và từ những cuộc biểu tình chống Nhật, vì vậy Việt Nam đang có vị trí nổi bật trong lúc các nhà đầu tư tìm cách giảm bớt những rủi ro tại Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò của JETRO tháng 6.2005 cho thấy chỉ có 54,8% trong tổng số 414 công ty Nhật được thăm dò cho biết sẽ khai trương hay mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong ba năm tới giảm mạnh so với tỷ lệ 86,5% trong cuộc thăm dò trước đó tháng 12.2004(6). Theo đánh giá những năm gần đây của các nhà đầu tư Nhật Bản, bốn quốc gia mà họ cho là sẽ trở thành các cứ điểm sản xuất hàng công nghiệp quan trọng của thế giới trong tương lai Trung Quốc, Thái Lan, ấn Độ và Việt Nam. Vào thời điểm hiện tại có thể nói Việt Nam được chú ý nhiều nhất.
Theo đánh giá chung của các công ty Nhật Bản ở châu á, hiện nay Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi nhất: Lao động khéo tay, chăm chỉ, tiếp thu nhanh các kiến thức mới mà tiền lương chỉ bằng một nửa Thái Lan và thấp hơn nhiều Trung Quốc. Hơn thế nữa các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm sáng đầu tư trước hết là sự ổn định chính trị tại Việt Nam. Trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản thường tìm hiểu mức độ ổn định chính trị, xã hội và an ninh ở các địa phương nơi đến và Việt Nam đáp ứng tất cả những điều này.
Một số nguyên nhân khác như triển vọng gia nhập WTO của Việt Nam, cùng với việc thực thi Sáng kiến chung Việt - Nhật, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt - Nhật và Hiệp định thương mại song phương Việt - Nhật. Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt Luật đầu tư chung và Luật doanh nghiệp bắt đầu thực thi từ 2006 đã tạo ra một sân chơi chung cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Trong năm 2005, các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam dẫn đầu về số lần tăng vốn với tổng số vốn đăng ký trên 379 triệu USD, chiếm trên 1/3 tổng số vốn tăng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(7). Riêng ba doanh nghiệp lớn là Nidec, Honda và Canon đã chiếm tới trên một nửa tổng vốn tăng của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam.
Sau 10 năm đầu tư vào Việt Nam, với ba nhà máy được xây dựng, tổng số vốn đầu tư của Nidec tại Việt Nam đạt 100 triệu USD. Đáng lưu ý là trong buổi lễ động thổ nhà máy thứ 3 ở khu công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh tháng 7.2005, Tổng giám đốc Nidec tại Việt Nam Kinihiko Nishihara đã khẳng định sẽ tiếp tục nâng vốn đầu tư của Nidec vào Việt Nam lên 500 triệu USD sau 4 năm hoạt động của nhà máy thứ ba và lâu dài sẽ còn đầu tư lớn hơn nữa.
Công ty Honda Việt Nam sau những thành công trong ngành công nghiệp xe gắn máy hai bánh tại Việt Nam, đã đầu tư thêm 58 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô có công suất 10.000xe/năm.
Cuối năm 2005, tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), công ty Canon đã khánh thành nhà máy sản xuất máy in Laser với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD, công suất gần 8,5 triệu sản phẩm/ năm(8). Trong năm 2006 dự kiến sản phẩm xuất khẩu của nhà máy chiếm tới 30% thị phần thế giới trở thành doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhất 2006 tại Việt Nam. Nhờ có việc Canon xây dựng nhà máy này, hàng loạt các công ty vệ tinh của Canon từ các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đã đến khu công nghiệp này để tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó đã có một số công ty đăng ký thuê đất ở đây để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho Canon, Tổng giám đốc Canon Việt Nam Sacho Kageyama khẳng định "Canon Việt Nam nói riêng cũng như nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nói chung hiện đang xem Việt Nam là một trong những địa chỉ hấp dẫn đầu tư trong khu vực ASEAN, nên lượng vốn đầu tư của chúng tôi sẽ còn tiếp tục tăng". Môi trường đầu tư ở Việt Nam liên tục được cải thiện khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có một dòng vốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản chảy vào Việt Nam.
Hiện còn một số dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản đang trong quá trình tìm hiểu hoặc chờ được cấp phép, trong đó có những dự án lớn với số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, chẳng hạn như dự án khu nghỉ mát Đan Kia - Suối Vàng do 4 tập đoàn lớn là Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo và Limtec đầu tư 100% vốn.
Riêng đối với các nhà máy đầu tư Nhật Bản, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai chương trình sáng kiến chung Việt - Nhật. Theo đánh giá mới nhất của Uỷ ban sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong số 125 hạng mục nhỏ có 33 hạng mục được đánh giá Việt Nam hoàn thành 75 hạng mục khác đang được triển khai đúng với kế hoạch. Đặc biệt có nhiều hạng mục quan trọng được hoàn thành đầu năm 2006 như hạng mục xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyến thăm Nhật Bản cuối năm 2005 của lãnh đạo bộ Kế hoạch và đầu tư không nằm ngoài nỗ lực tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tại cuộc gặp gỡ, nhiều dự án quy mô lớn được hai bên bàn bạc, thảo luận và có khả năng biến thành hiện thực trong thời gian tới. Tập đoàn Sumitomo có kế hoạch phát triển thêm một số dự án khác trong ngành công nghiệp, ngoài lĩnh vực đầu tư hiện nay trong ngành cơ khí chế tạo. Dự án trọng điểm quốc gia xây dựng khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn có tổng số vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD cũng được đưa ra thảo luận với các đối tác tiềm năng của Nhật Bản trong chuyến thăm này.
Với những tiến triển khả quan như hiện nay, có thể nói Việt Nam sẽ trở thành thành viên của tổ chức WTO trong năm 2006. Đây cũng là thời điểm Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xuống dưới 5% để bằng các nước ASEAN khác. Điều quan trọng là các công ty Nhật Bản đã đến Việt Nam đều mở rộng kinh doanh và nó đã phát tín hiệu an toàn cho các công ty Nhật Bản khác.
Nhật Bản là một trong những nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhưng về phương diện đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa phải là cao nhất. Khách du lịch Nhật Bản là một tiềm năng đáng kể nhưng cho đến nay cũng chưa được khai thác một cách đúng mức. Hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản có một vị trí và vai trò nhất định đối với sự phát triển của Nhật Bản, nhưng trên thực tế chúng ta chưa thu hút được bao nhiêu. Trong thời gian tới, ngoài việc kêu gọi, khuyến khích vốn từ các các công ty xuyên quốc gia hàng đầu,chúng ta cũng cần quan tâm đến tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Sự quan tâm trở lại của Nhật Bản đối với Việt Nam có một ý nghĩa lớn. Tuy nhiên đó mới chỉ là hoàn cảnh thuận lợi. Để chớp thời cơ này một cách có hiệu quả đòi hỏi phải có một chính sách thu hút FDI khôn ngoan, hợp với trào lưu mới, cạnh tranh được với những nước có chiến lược dùng FDI để tăng năng lực cạnh tranh quốc tế đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá.
____________________________
(1),(2),(3),(4),(5) Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư nước ngoài, tháng 11.2005, Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư
(6),(7),(8) Báo điện tử, Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 13.12.2005.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 5.2006
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận