Đến với Ngôi nhà Di sản Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Và tôi đã bị thuyết phục bởi những điều mắt thấy để rồi xác lập một niềm tin rằng, những người làm Bảo tàng sẽ tiếp tục thành công trên hành trình tìm kiếm, gìn giữ, tôn vinh những hiện vật của một thời... Đi qua 1.000 ngày “từ không đến có” và giờ đây, họ đã có cho mình một hành trình dù vất vả nhưng vô cùng đẹp đẽ, tự hào để tiếp tục nỗ lực và tự tin hoàn thành sứ mệnh kết nối, gìn giữ sợi chỉ đỏ của lịch sử báo chí nước nhà cho công chúng hôm nay và mai sau...
Nổi bật trong không gian trưng bày Bảo tàng là sự xuất hiện của chiếc loa đại, minh chứng cho những trận “đấu loa” quyết liệt ở vĩ tuyến 17. Ảnh: Sơn Hải
1. Thú thực là, trước ngày Bảo tàng chính thức mở cửa khai trương, tôi ít nhiều có những lo ngại chộn rộn về một điểm đến mang phong thái của lịch sử, của khoa học, đâu đó những ám ảnh về sự khô cứng, của tính kinh viện, hàn lâm..., liệu ở đây sẽ có gì để tìm kiếm, thu hút, và đủ hấp dẫn, níu giữ chân người?
Giám đốc Bảo tàng là một nữ nhà báo chưa từng được đào tạo về nghiệp vụ Bảo tàng ngày nào cùng đội ngũ nhân viên hơn chục người đều khá trẻ. Tôi biết họ suốt 1.000 ngày qua, như những con ong chăm chỉ cần mẫn cứ lao mình về phía trước kiếm tìm những tinh hoa của một thời, một đời nghề gửi gắm với sự tận tụy và trách nhiệm...
Từng ấy thời gian, từng ấy con người dốc sức, liệu đã đủ cho sự hiện diện của một Bảo tàng Báo chí đầu tiên ở Việt Nam như kỳ vọng của những người làm báo nhiều thế hệ? Kỳ vọng ấy chất chứa trong lời tâm sự của nhà báo lão thành Phan Quang: “Những hiện vật nói lên phần nào quãng đời đã qua của các cụ, các bác, các bạn nhà báo hiện đang có mặt hoặc không còn có mặt nữa trên cõi trần này. Giống như mỗi tấm biển đề tên phố là một trang sử viết về một danh nhân hay một sự kiện trọng đại, mỗi hiện vật hiến tặng Bảo tàng hàm chứa trong nó những kỷ niệm, những mảnh đời đã chung tay góp sức làm nên quá khứ hào hùng của báo chí ta, dân tộc ta, đất nước ta”.
Trưng bày tại Bảo tàng với nhiều màu sắc đa dạng.
Nhìn lại quãng đường bộn bề áp lực vừa trải qua, Giám đốc Bảo tàng Trần Kim Hoa chia sẻ: “Từ một nhà báo, tôi may mắn được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ban đầu khi nhận nhiệm vụ, tôi còn chưa hình dung hết những thách thức phía trước. Vào cuộc, tiếp xúc với các nhà báo, với các hiện vật, tài liệu, tôi lập tức bị cuốn hút bởi những câu chuyện lịch sử, những số phận, những nghiệt ngã, khó khăn, vất vả, mồ hôi, nước mắt trong lao động và sáng tạo; những cống hiến và sự hy sinh máu xương của các thế hệ nhà báo đi trước... Cứ thế, vừa học và làm, chúng tôi luôn nghĩ “phải làm hết sức mình để sau này không phải ân hận, tiếc nuối”! Có thể nói rằng Ngôi nhà Di sản này chính là “tác phẩm báo chí” quan trọng nhất, lớn lao nhất mà tôi được tham gia trong cuộc đời làm báo của mình!”.
2.Đi tìm câu trả lời “đã đủ, đã xứng tầm” ấy bằng việc “mục sở thị” những ngày sau Lễ Khai trương trong tâm thế của một người trẻ có nhu cầu khám phá và tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi những điều tưởng chừng rất giản dị lại được tỏa sáng ở nơi này, tinh tế đến từng chi tiết nhỏ.
Một góc trưng bày tại bảo tàng báo chí Việt nam. Ảnh Sơn Hải
Bảo tàng đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu, trong số đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Tất cả hiện vật gắn liền với lịch sử báo chí Việt Nam từ 1865 đến nay, với diện tích gần 1.500m2 được khai thác triệt để bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay và các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa... dường như đang sống dậy trong “ngôi nhà” này. Điều đặc biệt là, tại Bảo tàng có tới 95% tờ báo được trưng bày là những tờ báo gốc đã được những người làm Bảo tàng thầm lặng sưu tầm nhiều ngày qua. Ở góc độ chuyên môn, tìm kiếm được những bản gốc ấy quả thực là điều không dễ đối với một bảo tàng non trẻ.
Một trong những điểm nhấn đầu tiên ở giai đoạn khởi thủy của báo chí Việt Nam và báo chí thế giới được khai thác khá độc đáo của Bảo tàng gắn với ý tưởng trưng bày những tờ báo cổ xưa nhất thế giới và Việt Nam trên bục hình viên kim cương 10 cánh với hàm ý “đây là viên kim cương vô giá, cần được đặc biệt nâng niu, giữ gìn bởi giá trị hàm chứa của những tờ báo đầu tiên của nhân loại, của Việt Nam chúng ta”. Trên đó, hai tờ báo của Việt Nam được tôn vinh, sánh vai với những tờ báo có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất thế giới bao gồm tờ Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên và tờ Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Buổi lễ khai trương bảo tàng đã thu hút được đông đảo các phóng viên đến tác nghiệp.
Thạc sỹ Quang Minh - cán bộ Bảo tàng cho biết: “Gia Định Báo, với phiên bản cổ nhất được tìm thấy cho đến nay là tờ số 4 xuất bản ngày 15/7/1865, hiện bản chính đang được Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn minh Paris, Pháp lưu giữ. Một phiên bản micro phim năm 1959 của tờ báo này đã được gửi tặng tới Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.
Ở các không gian tiếp theo, người xem dường như được ít nhiều mở mang kiến thức khi chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh tái hiện hoạt động báo chí từ những năm đầu báo chí vô sản với sự ra đời của Báo Thanh Niên, những bài báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Nguyễn Khánh Toàn, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng… cho đến khi đất nước hoàn toàn được giải phóng.
Ở đây, tôi thấy mình dường như đang lạc vào những thước phim quay ngược thời gian với đủ màu sắc và lối trưng bày đặc tả khi đứng trước một góc “Hầm làm báo của Báo Nhân Dân” dưới làn bom đạn, phòng tối tráng ảnh của TTXVN, chiếc máy quay Ngựa trời đánh dấu sự khai sinh của Truyền hình Việt Nam và bắt gặp những khẩu hiệu đầy tinh thần chiến đấu trên các tờ báo năm xưa, những tấm thẻ nhà báo vượt qua lằn ranh của bom đạn ngày nào...
Trong Bảo tàng có rất nhiều tư liệu quý về Tiếng Việt để thấy rằng, báo chí thời nào cũng vậy, luôn đồng hành và phát triển cùng với ngôn ngữ, đó là hồn cốt của dân tộc. Không chỉ là chuyện viết báo, Bảo tàng còn tìm kiếm và lưu giữ được những hình ảnh, tư liệu bất ngờ và thú vị về in ấn, phát hành, quảng cáo đầu thế kỷ XX.
Khi được chứng kiến, tôi như vỡ òa. Hóa ra là cha ông chúng ta đã “làm kinh tế báo chí” từ thuở nào, với nhiều góc quảng cáo rất sinh động được đăng từ những ngày đầu khởi thủy, ngay trên tờ Gia Định Báo chẳng hạn.
Hay như những lời rao báo dí dỏm và hấp dẫn khiến tôi không thể rời mắt trong Bản truyền đơn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cổ động mua báo Việt Nam Hồn ngày 15/5/1923 tại Paris, Pháp: “Mình người nước Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán Văn, không xem Pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai, tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy. Phận mình đã vậy, vận nước thế nào, anh chị đồng bào có hay chăng nhé. Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc. Chẳng nài khó nhọc, giám kể công trình. Mong mỗi người mình, mở mày mở mặt. Báo này sẽ đặt tên Việt Nam Hồn. Mỗi tháng hai lần, mỗi lần trăm bản. Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chỉ. Mấy lời chung thủy, thư bất tận ngôn. Chúc Việt Nam Hồn Vạn tuế, vạn vạn tuế... Cắt gửi toa này cho ông Nguyễn Ái Quốc số nhà 3, Phố Mác - sê đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, Pa-ri, quận 5”...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu xem các tờ báo tại Bục Kim Cương. Ảnh: Sơn Hải
Tất cả đều gợi lại những ký ức, nhắc nhớ về lịch sử, không phải của một người, của một tập thể nhỏ bé nào đó mà là của một nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đầy tự hào, kiêu hãnh. Quan sát và cảm nhận, tôi - một nhà báo của thế hệ hôm nay nhìn thấy những tờ báo nhàu cũ, ố vàng được nâng niu trong tủ kính, trang trọng và đầy ý nghĩa, như được nhìn thấy một “hào khí” được trao truyền, được gửi gắm, thấy cuộc hành tiến hôm nay trong công việc, nghề nghiệp mang đầy sự thôi thúc và động lực vươn lên. Và tôi cũng luôn tin, khi những đoàn khách tham quan đang liên tục đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay cũng có chung cảm nhận ấy...
3. Đối với một bảo tàng mới ra đời, áp lực nặng nề nhất, sự phụ thuộc lớn nhất chính là sự quan tâm của công chúng, nhất là công chúng trẻ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam bước đầu đã có thể lạc quan trên chặng đường khó khăn này để bước vào giai đoạn hoạt động mới, những thách thức mới… Nhà báo Kim Hoa từng nói với tôi trong những buổi đầu đi tìm hiện vật: “Một hiện vật dù cũ nhưng sẽ luôn mới với công chúng hôm nay khi chúng ta “nhìn thấy” và khai thác, soi chiếu từ nhiều góc độ về những giá trị vượt thời gian của chúng. Đây chính là công việc thường xuyên, đòi hỏi trách nhiệm, đam mê và cần có phương pháp phù hợp, hiệu quả, bắt đầu từ việc hoàn thiện hồ sơ thông tin cho hiện vật”.
Những mong mỏi ấy sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu hướng đến của những người làm bảo tàng trong thời gian tới. Đây là tâm huyết, nguyện vọng tha thiết của nhiều thế hệ làm báo, nhiều nhiệm kỳ Ban Chấp hành của Hội Nhà báo Việt Nam; tháng 8/2014, Đề án Xây dựng Bảo tàng Báo chí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tháng 7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời và chính thức bắt đầu hành trình hơn 1.000 ngày vừa sưu tầm, nghiên cứu, vừa lên ý tưởng, đề cương, kịch bản trưng bày và thiết kế, thi công, sắp đặt…
Đến hôm nay khai trương tạm gọi là thành công bước đầu, để bước sang một trang mới nhiều hy vọng. Nhưng áp lực vẫn còn nhiều bởi để Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà còn là nơi để nghiên cứu lịch sử báo chí, để giáo dục truyền thống... thì sẽ mãi là một hành trình phải cần mẫn như con ong, phải luôn luôn lắng nghe, chờ đợi, hy vọng không được nguội tắt...
Các hiện vật được trưng bày trang trọng trong tủ kính.
Có người nói với tôi rằng, làm bảo tàng thì phải biết hết, biết rõ, biết tất tần tật mọi thứ... Nhưng thế giới vạn vật là vô hạn, những hiểu biết của con người là hữu hạn, ai có thể vỗ ngực tự hào “biết tuốt” trong thế giới này? Những người làm Bảo tàng Báo chí luôn phải “bơi” trong biển kiến thức và tư liệu lịch sử, họ phải nỗ lực vượt khó để từng ngày “bồi đắp”, kiếm tìm… Trong mắt tôi, hành trình kiếm tìm về với những dấu ấn lịch sử, gìn giữ, nâng niu, khai thác giá trị những tinh túy của thời đại đó đáng trân trọng biết nhường nào. Trân trọng những gì Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã và đang làm được, càng trân trọng những con người tận tụy, thầm lặng cho công việc ấy.
Tôi rất ấn tượng về nhà báo, Giám đốc Bảo tàng Trần Kim Hoa - người thường từ chối nói về mình và những cán bộ tận tâm, tận lực của chị. Chị bảo: “May mắn là một bảo tàng sinh sau đẻ muộn như Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, được Hội quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi, được các nhà báo, gia đình nhà báo, cộng tác viên báo chí động viên, khích lệ và sự góp sức cụ thể bằng tư liệu, hiện vật, thông tin; các bảo tàng, thư viện, khu di tích ủng hộ nhiệt tình; các chuyên gia, cố vấn khoa học, đội ngũ tư vấn, thiết kế, thi công đã ngày đêm cùng chúng tôi làm nên ngôi nhà di sản này...”
Theo Hà Vân/ báo Công luận
Nguồn: http://hoinhabaovietnam.vn/Den-voi-Ngoi-nha-Di-san-Bao-tang-Bao-chi-Viet-Nam_n65853.html
Bài liên quan
- Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
- Lịch sử báo chí Kazakhstan
- Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
- Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
- KỶ NIỆM 80 NĂM BÁO CỨU QUỐC (1942-2022): Một thế hệ nhà báo gạo cội
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
“Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc”. Đó là nhận xét của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Vào thời cổ đại, trong điều kiện xã hội du mục ở Kazakhstan, không có báo chí như ngày nay, nhưng đã có những hình thức sơ khai của báo chí. Nghệ thuật dân gian truyền miệng đã trở thành một phương tiện tích lũy, xử lý, trình bày và phổ biến thông tin ở thảo nguyên Kazakhstan. Các nhà thơ du mục đã làm điều này và làm khá chuyên nghiệp. Họ được gọi là “akyns” và “zhyrau” - là nhà thơ, nhạc sĩ và người sưu tập các truyền thuyết, bài hát, di chuyển từ làng này sang làng khác, và kể lại tin tức một cách tự nhiên. Ở Kazakhstan, đây được gọi là “uzun - kulak” - “tai dài” và hiện tượng này là nguyên mẫu của “dịch vụ thông tin” ngày nay.
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
(LLCT&TTĐT) Báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và quan tâm đầy đủ. Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào báo chí cách mạng. Trong khi đó, còn nhiều nguồn tư liệu khác có thể khai thác và lấy thông tin, ví dụ như hồi ký của các nhà báo hoặc nhà văn làm báo. Bài viết sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về báo chí nước ta thông qua 2 hồi ký tiêu biểu là “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và “Bốn mốt năm làm báo” của Hồ Hữu Tường.
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 14/6/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)". Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức về Nhà báo Xuân Thủy gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Nhà báo để lại.
Bình luận