Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Từ một kiến trúc sư tài năng trở thành nhà hoạt động chính trị kiên trung
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông còn có các bí danh: Sáu Phát (thời kỳ kháng chiến chống Pháp), Tám Chí (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Mảnh đất Bến Tre quê hương ông nổi tiếng về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh binh Thăng), Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Định, với phong trào Đồng khởi năm 1960 và đội quân tóc dài dũng cảm. Dòng dõi gia đình Huỳnh Tấn Phát vốn là người miền Trung di cư vào khai phá và lập nghiệp ở Bến Tre. Cụ cố 4 đời của Huỳnh Tấn Phát là Huỳnh Văn Thiệu có công gom dân, khai phá đất đai, lập nên thôn ấp. Cụ cũng là người tập hợp nhân dân tham gia nghĩa quân Trương Định và bị quân Pháp giết hại. Nhớ ơn công lao giúp dân và cảm phục tấm gương yêu nước bất khuất của cụ Huỳnh Văn Thiệu, dân làng Tân Hưng tôn Cụ là “Thần hoàng bổn cảnh” và xây đền để hương khói thờ phụng Cụ cho đến ngày nay.
Cha của Huỳnh Tấn Phát là Huỳnh Tấn Đặng, sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu có nổi tiếng trong vùng. Mẹ ông là bà Quảng Thị Út, cũng xuất thân trong một gia đình khá giả. Nhưng khi Huỳnh Tấn Phát còn nhỏ tuổi, gia đình đã khánh kiệt, cha mẹ ông phải cầm đất, bán nhà đi làm thuê. Ông cùng người chị là Huỳnh Thị Hay và người em trai là Huỳnh Tấn Thơ, được cha mẹ gửi sang ở với nhà ngoại. Đến tuổi đi học, Huỳnh Tấn Phát được gia đình đưa vào học Trường Lassan Mỹ Tho, hay còn gọi là Trường Taberd Mỹ Tho, một trường dòng của Công giáo. Ở Trường Lassan Mỹ Tho, Huỳnh Tấn Phát học giỏi, bộc lộ năng khiếu vẽ và diễn thuyết.
Sau 6 năm kết thúc chương trình tiểu học ở Trường Lassan, Huỳnh Tấn Phát còn phải trải qua 4 năm học ở Trường Trung học Mỹ Tho (Collège de Mytho), 4 năm học ở Trường Trung học Pétrus Ký. Ở trường nào, ông cũng là học sinh giỏi. Năm 1933, sau khi lấy bằng Tú tài ở TrườngTrung học Pétrus Ký, Huỳnh Tấn Phát thi đỗ vào khoa Kiến trúc, khóa 8 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1938, ông đỗ tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc, nhận bằng kiến trúc sư và trở lại Sài Gòn làm việc. Ban đầu, ông làm việc cho Văn phòng kiến trúc sư của một người Pháp tên là Chauchon.
Năm 1940, ông đứng ra lập Văn phòng kiến trúc sư ở số nhà 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu). Với tài năng và thái độ làm việc cởi mở, tận tình, Văn phòng kiến trúc sư của Huỳnh Tấn Phát nhanh chóng thu hút nhiều khách hàng, cả người Việt và người Pháp, không chỉ ở Sài Gòn mà còn mở rộng ra các tỉnh ở khắp miền Nam. Tuy nhiên, lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước luôn thôi thúc ông phải làm việc gì đó để góp phần cứu dân, cứu nước. Và Huỳnh Tấn Phát đã lựa chọn con đường làm báo, lấy báo chí làm vũ khí đấu tranh.
Tờ báo Thanh niên do ông làm chủ nhiệm ra đời năm 1943 đã không chỉ trở thành nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm yêu nước, thương nòi của các nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ yêu nước, mà còn là địa chỉ tin cậy của các cán bộ lãnh đạo cách mạng. Bí thư Xứ ủy (Tiền phong) Trần Văn Giàu là người trực tiếp kết nối, vận động và giao cho ông nhiệm vụ vận động các trí thức đi theo cách mạng. Ngày 05/3/1945, cũng chính Trần Văn Giàu là người đã bí mật kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kể từ đây, Huỳnh Tấn Phát dấn thân vào hoạt động chính trị, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho cách mạng.
Để thuận lợi cho việc vận động đội ngũ trí thức, Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền phong) phân công Huỳnh Tấn Phát làm Bí thư Tân Dân chủ Đảng; đồng thời là Trưởng ban Tổ chức của tổ chức Thanh niên Tiền phong. Với trách nhiệm mới, Huỳnh Tấn Phát say mê lao vào các công việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa. Theo sự phân công của Xứ ủy Nam Kỳ, tối 24/8/1945, ông tổ chức hội nghị thành lập Kỳ bộ Nam Kỳ Đảng Dân chủ Việt Nam hoạt động với tư cách là một thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Sau hội nghị, ngay trong đêm, ông trực tiếp tổ chức lực lượng Thanh niên Tiền phong dựng một lễ đài cao 15 mét chuẩn bị cho cuộc ra mắt của Lâm ủy Hành chính Nam Bộ vào sáng hôm sau. Sáng 25/8/1945, tại cuộc mít tinh khổng lồ của nhân dân Sài Gòn - Gia Định do Xứ ủy Nam Kỳ và Việt Minh tổ chức, Lâm ủy Hành chính Nam Bộ được thành lập, ra mắt trước nhân dân và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn đã hoàn toàn thắng lợi.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Huỳnh Tấn Phát được giao phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền của chính quyền cách mạng. Một mặt, ông tổ chức lực lượng, vận động đội ngũ trí thức, sử dụng hệ thống các phương tiện kỹ thuật hiện có trong thành phố để thực hiện việc in ấn truyền đơn, báo chí, các tài liệu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tố cáo âm mưu của kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Mặt khác, để chuẩn bị cho kháng chiến trường kỳ, ông đã cùng ông Trần Bửu Kiếm bí mật vận chuyển một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật thông tin ra ngoại thành, xã Tân Bửu, huyện Bình Chánh, để xây dựng nhà in, đài phát thanh dự phòng. Ngay sau khi quân đội Pháp trở lại Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát bị bắt giam 3 ngày ở bót Catinat. Sau khi được thả, ông ra chiến khu miền Đông và được cử làm trưởng Đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Cuối năm 1945, ông từ Hà Nội về đến Chiến khu miền Đông, bắt tay ngay vào công việc của Ban Tuyên truyền xung phong của chính quyền cách mạng và liên lạc với các cơ sở trong nội thành Sài Gòn.
Dưới sự lãnh đạo của Huỳnh Tấn Phát, cơ quan của Ban Tuyên truyền xung phong từng bước dịch chuyển vào nội thành Sài Gòn nhằm bám sát tình hình, gắn kết với lực lượng quần chúng cách mạng, đấu tranh kịp thời với những âm mưu, hành động của kẻ thù. Với bản lĩnh, sự tài trí, thông minh và uy tín của mình, Huỳnh Tấn Phát không chỉ là người lãnh đạo công việc chuyên môn sáng suốt, mà còn là niềm tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho những người đồng chí, đồng đội trong đấu tranh gian nan và nguy hiểm. Biết ông là người phụ trách cơ quan, nhiều gia đình sẵn sàng nhường nhà ở, nuôi giấu người, lưu giữ vật tư, thiết bị phục vụ công việc của Ban Tuyên truyền xung phong, bất chấp nguy hiểm. Ngày 01/4/1946, trong một cuộc đi khám hàng chợ đen do lính Pháp tuồn ra, bọn lính Pháp tình cờ phát hiện ra nơi ở của Huỳnh Tấn Phát cùng thiết bị, vật tư in ấn. Ông bị bắt giải về bốt Catinat cùng hai đồng chí của mình.
Huỳnh Tấn Phát bị giam cầm trong “địa ngục” Khám Lớn Sài Gòn gần 20 tháng. Kẻ thù dùng đủ mọi thủ đoạn, dụ dỗ, dọa nạt, mua chuộc, hứa hẹn, tra tấn dã man, nhưng không lung lạc được khí tiết cách mạng, ý chí chiến đấu của ông. Tinh thần bất khuất trước kẻ thù và thái độ chân tình, gần gũi của ông đã cảm hóa được nhiều tù nhân, lôi kéo họ vào chung hàng ngũ đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống trong tù, bảo vệ tính mạng của tù nhân. Ông được những người tù tôn lên làm Trưởng Ban đại diện của “Liên đoàn Tù nhân Khám Lớn Sài Gòn”. Dưới sự lãnh đạo của ông, các cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù nhân đã thu được thắng lợi, buộc bọn quản lý nhà tù phải nhân nhượng, chấp nhận một số yêu cầu. Trước sức ép của báo chí, dư luận xã hội, chính quyền thực dân buộc phải đưa Huỳnh Tấn Phát ra xét xử tại Tòa án Quân sự Sài Gòn và kết tội ông 2 năm tù giam vì tội thậm vô lý là chống lại “việc lập lại chủ quyền của Pháp ở Nam phần Việt Nam”.
Tháng 11/1947, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho Huỳnh Tấn Phát. Ra tù, ông trở lại bám trụ Sài Gòn và hoạt động công khai. Ông được tổ chức Đảng phân công phụ trách công tác trí vận (vận động trí thức) và báo chí của thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ. Đầu năm 1949, theo yêu cầu của tổ chức, ông bí mật ra Chiến khu Đồng Tháp. Ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ và tiếp tục trực tiếp phụ trách công tác vận động trí thức, đấu tranh báo chí công khai của Sài Gòn. Đầu tháng 8.1950, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mười Cúc tức Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát được cử tham gia Đặc khu ủy và làm Trưởng ban Tuyên huấn.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Huỳnh Tấn Phát tình nguyện ở lại, bám trụ Sài Gòn hoạt động công khai. Để tạo thế hợp pháp, ông làm việc ở Văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, song trách nhiệm bí mật của ông là Khu ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách công tác Trí vận và Chính quyền vận. Giữa năm 1959, theo yêu cầu của tổ chức, ông ra hoạt động tại vùng Tam Giác Sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát) - nơi đứng chân của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Cơ quan Tiền phương của Miền).
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Theo sự phân công của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông chủ trì tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Với trách nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam, Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều đóng góp trong vận động các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, dân tộc, tôn giáo, mở rộng quan hệ đối ngoại, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao uy tín của Mặt trận.
Đầu tháng 6/1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam họp tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh), Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với trách nhiệm mới, ông đã có nhiều đóng góp trong công tác đối ngoại, nâng cao uy tín quốc tế, tạo thế vững chắc cho Chính phủ Cách mạng lâm thời trên bàn đàm phán, cũng như trong đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Paris. Sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của ông cũng góp phần xây dựng vùng giải phóng, ổn định đời sống cho nhân dân, cán bộ.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Huỳnh Tấn Phát trở thành Phó Thủ tướng của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Trưởng Ban quy hoạch đô thị. Năm 1982, ông thôi công tác ở Chính phủ để gánh vác trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông qua đời ngày 30.9.1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi.
Từ một trí thức yêu nước, từ bỏ cuộc sống yên bình, phú quý, dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Huỳnh Tấn Phát trở thành một chiến sỹ cách mạng trung kiên, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc. Trong gian khổ, khốc kiệt của chiến tranh, ông đồng cam cộng khổ, chia sẻ nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Vượt lên những mất mát riêng tư, ông là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng.
Trong bất cứ tình huống nào, khi bom đạn ác liệt, đói khát giữa vòng vây của quân địch hay đòn roi tra tấn dã man trong Khám Lớn Sài Gòn, tình cảnh đau thương khi người con gái thứ hai Huỳnh Lan Khanh hy sinh ở tuổi 19 hay những năm ròng, vợ ông, bà Bùi Thị Nga bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, những ngày thiếu thốn, khoai sắn không đủ ăn hay khi đã gánh vác những trọng trách, trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, Huỳnh Tấn Phát luôn là một con người giản dị, khiêm tốn, nhất mực thương yêu đồng chí, đồng đội, lạc quan, một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng cách mạng, cứu nước, giúp dân.
Làm báo vì mục đích cách mạng, cứu dân, cứu nước
Hoạt động báo chí của Huỳnh Tấn Phát tập trung vào hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chủ yếu liên quan đến báo Thanh niên, và thời kỳ thứ hai, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, là những năm tháng ông lãnh đạo, chỉ đạo Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ và Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ lớn tự do.
Thời kỳ làm báo thứ nhất của Huỳnh Tấn Phát bắt đầu từ năm 1943 khi ông bắt đầu làm báo Thanh niên. Giữa lúc Văn phòng kiến trúc sư đang rất có uy tín, làm ăn phát đạt, Huỳnh Tấn Phát gom góp tiền tiết kiệm bỏ ra mua lại manchette tờ Thanh niên. Đây là tờ tuần báo đã được cấp phép và xuất bản số 01 từ ngày 27/8/1941, do Louis Hoàng Văn Hươn sáng lập và Hoàng Tâm làm Giám đốc đầu tiên, có trụ sở tòa soạn tại số nhà 62, đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), sau chuyển đến số nhà 155, phố Marchaise (nay là phố Ký Con). Mong muốn của ông là xây dựng một tờ tuần báo với mục đích tập hợp, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc của thanh niên, đặng góp phần cứu nước, cứu đời. Sau khi mua được manchette tờ Thanh niên, Huỳnh Tấn Phát chuyển tòa soạn báo về số nhà 70, đường Mayer, tự đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm và mời các cộng sự để tổ chức ra báo. Số 1 báo Thanh niên bộ mới của Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát ra mắt bạn đọc Sài Gòn ngày 07/8/1943, khổ báo 310 x 237 mm, in tại nhà in Thạch Thị Mậu.
Huỳnh Tấn Phát chủ trương tờ tuần báo Thanh niên là chống kẻ thù xâm lược, bất kể đó là thực dân Pháp hay phát xít Nhật. Thời gian đầu, ông mời một số nhà báo trong nhóm của Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang..., tham gia ban biên tập và viết bài cho báo. Khi biết được một số người trong nhóm có tư tưởng quốc gia thân Nhật, ông kiên quyết đấu tranh, không chấp nhận những bài viết của những nhân vật đó. Thời gian sau, khi tiếp xúc với Huỳnh Văn Tiểng cùng nhóm những người cách mạng mới ra tù, ông không chỉ có cảm tình mà còn tin cậy giao cho họ chủ trì nội dung tờ báo.
Thời gian cuối, Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ đã liên lạc với Huỳnh Tấn Phát, ở lại cùng nhà với ông, tham gia viết bài và cùng bàn bạc với ông về nội dung thông tin tuyên truyền trên báo. Vì thế, Thanh niên hầu như đã trở thành tờ báo cách mạng, do Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo. Uy tín của Thanh niên nổi như cồn. Nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước tìm đến cộng tác hoặc gửi bài cho báo như: Lưu Hữu Phước, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Mạnh Phú Tư, Nguyên Hồng, Dương Tử Giang, Khuông Việt, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc(1),v.v..
Để tránh sự đàn áp của kẻ thù, tin tức, bài vở của báo Thanh niên ít đề cập trực tiếp các vấn đề chính trị. Song định hướng chung của tờ báo là động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc, cổ vũ nhân dân khắp ba miền đoàn kết toàn dân, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, chung tay góp sức chống kẻ thù chung; khích lệ thanh niên vươn tới lý tưởng sống cao đẹp, ra tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, giành lại non sông gấm vóc. Báo Thanh niên cũng kêu gọi nhân dân tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ; đăng tải các tác phẩm văn nghệ có tinh thần yêu nước, tiến bộ như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng…
Do sự o ép của chính quyền thực dân Pháp, tờ báo chỉ tồn tại được hơn một năm, phải đình bản ngày 30/9/1944, sau khi ra số báo cuối cùng, số 53. Tuy chỉ tồn tại hơn một năm, xong Thanh niên đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, góp phần thức tỉnh nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, vì mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc. Sự ra đời và tồn tại của tờ báo Thanh niên như một trận tuyến đấu tranh được mở ra giữa lòng thành phố Sài Gòn, trong trùng vây của kẻ thù. Đó còn là bằng chứng không thể rõ ràng hơn về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc của người trí thức, kiến trúc sư tài ba Huỳnh Tấn Phát. Bằng Giang, một cây bút gắn bó với Thanh niên từ những ngày đầu của tờ báo nhận xét: “Đọc Thanh niên một các liên tục, người ta có cảm giác như hơ tay trên lửa đỏ, người ta khó có thể nguội lạnh dửng dưng được. Chính ở điểm đó, Thanh niên kín đáo lên tiếng gọi đàn, chuẩn bị một ngày trọng đại”(2).
Thời gian làm báo Thanh niên cũng là lúc Huỳnh Tấn Phát được tiếp xúc với những người hoạt động cách mạng như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng... Từ sự cảm phục những người dám xả thân vì nước, sự đồng điệu về tấm lòng yêu nước, lý tưởng sống cứu nước, cứu đời, đến giác ngộ về con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông đã xác định quyết tâm dấn thân vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ông được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ vận động, lôi kéo trí thức, thanh niên và tham gia làm báo, những công việc phù hợp với sở trường của ông. Vừa tham gia chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, vận động thanh niên tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, ông vừa tham gia viết bài, cổ động cho tờ báo Tiến, cơ quan của tổ chức Thanh niên Tiền phong do Mai Văn Bộ làm chủ bút.
Thời kỳ thứ hai trong cuộc đời làm báo của Huỳnh Tấn Phát bắt đầu từ đầu năm 1949, khi ông từ nội thành Sài Gòn bí mật ra Chiến khu Đồng Tháp, được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Một nhiệm vụ công tác trọng tâm, cấp bách của Sở Thông tin Nam Bộ lúc đó là nhanh chóng xây dựng cơ sở mới của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ ở chiến khu Đồng Tháp.
Với trách nhiệm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Huỳnh Tấn Phát trực tiếp chỉ đạo các công việc, từ xây dựng đội ngũ cán bộ, mua sắm vật tư, trang bị, thiết bị kỹ thuật, đến xây dựng nội dung các chương trình phát sóng, bảo đảm đời sống và an toàn cho mấy chục con người của cơ quan của Đài. Những hoạt động không mệt mỏi của ông đã góp phần tạo dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nền tảng tinh thần ban đầu quan trọng, giúp cho Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ vượt lên những gian nan, ác liệt của chiến tranh, với 10 lần di chuyển địa điểm vẫn lên sóng đều đặn trong suốt 7 năm, đưa tiếng nói của cách mạng, kháng chiến đến với đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ.
Đầu tháng 8/1950, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mười Cúc tức Nguyễn Văn Linh. Huỳnh Tấn Phát được cử tham gia Đặc khu ủy, làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách “Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do”. Ông lại bắt tay vào chỉ đạo tập hợp đội ngũ cán bộ, nhân viên, thông qua các mối quan hệ quen biết trong nội thành Sài Gòn để tìm mua các vật tư, thiết bị kỹ thuật cần thiết, bí mật đưa ra căn cứ miền Đông. Một đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật, phát thanh viên, nhạc sỹ, biên tập viên, hơn 5 chục người được tụ hội về cơ quan Đài.
Từ hai bàn tay trắng, dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Tấn Phát, chỉ trong vòng vài tháng, toàn bộ các công việc xây dựng và tổ chức của Đài đã hoàn thành. Ngày 25/01/1951, từ Chiến khu Đ, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã phát sóng buổi phát thanh đầu tiên. Mở đầu buổi phát thanh là tiếng phát thanh viên xưng danh: “Đây là Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân đô thành anh dũng. Xin gửi tới đồng bào lời chào đoàn kết và quyết thắng!”. Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do phát mỗi ngày hai chương trình vào buổi trưa và buổi tối bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa.
Cho dù thời gian phát sóng không nhiều, nhưng những buổi phát thanh của Đài là nguồn cổ vũ vô cùng to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng, vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.
Trong hai năm hoạt động, tập thể những người làm việc ở Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm. Có những lúc không còn gạo, bữa ăn chỉ có khoai sắn. Có những trận giặc Pháp ném bom bắn phá, xua quân càn quét, phải chôn giấu máy móc, chia nhau mang vác những thiết bị có thể cơ động để đi tránh trú. Giặc đi rồi, trở về lôi máy từ dưới hầm lên, lau chùi, lắp ráp, hiệu chỉnh ăng ten và lại phát sóng chương trình. Có khi mưa lũ tràn về, kê máy lên giường, người đứng dưới nước để đọc tin, biểu diễn văn nghệ phục vụ chương trình phát sóng.
Trong khó khăn, gian khổ, Huỳnh Tấn Phát luôn là trung tâm đoàn kết, chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, nhân viên của Đài. Ông chia sẻ, đồng cam, cộng khổ cùng mọi người, đồng thời thường luôn có những sáng kiến góp phần cải thiện cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc, làm phong phú nội dung, hình thức các buổi phát thanh. Dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Tấn Phát, tập thể những cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã gắn kết với nhau như một gia đình, vượt lên gian nan, nguy hiểm, duy trì “tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân đô thành anh dũng” ngay nơi cửa ngõ Sài Gòn. Đầu năm 1953, do tình hình thay đổi và yêu cầu nhiệm vụ mới của cuộc đấu tranh, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do ngừng phát sóng.
Tuy chỉ tồn tại trong 2 năm, nhưng Đài Phát thanh Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã để lại ký ức tốt đẹp, một dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn chống thực dân xâm lược Pháp. Những thành công của Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do không tách rời vai trò lãnh đạo của Huỳnh Tấn Phát, đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Thời gian làm báo của Huỳnh Tấn Phát không nhiều và chủ yếu với vai trò người tổ chức, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hoạt động báo chí của ông diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, giữa sào huyệt của quân thù hay dưới làn bom đạn và sự săn lùng, truy diệt của kẻ địch. Bởi thế, mỗi tờ báo, mỗi đài phát thanh mở ra cũng ác liệt, cũng thành tựu như một trận tuyến đánh giặc. Và trong điều kiện gian nan, khắc nghiệt ấy, những đóng góp của các cơ quan báo chí dưới sự lãnh đạo của Huỳnh Tấn Phát cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do càng có ý nghĩa to lớn, quý giá và để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc./.
___________________________________________________
(1) Theo Lê Thiếu Nhơn: Kiến thức gia đình, số 35.
(2) Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. CTQG, H., 2003.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam: Huỳnh Tấn Phát tiểu sử, Nxb. CTQG, HN, 2019.
2. Nguyễn Văn Linh: Huỳnh Tấn Phát - một nhà trí thức cách mạng đáng kính phục // Nguyễn Văn Linh Tuyển tập (1986-1998) T.2, Nxb. CTQG, H., 2011, tr.1256-1258.
3. Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. CTQG, HN, 2003.
4. Nhiều tác giả: Tiếng nói trời mạnh thu, Nxb. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1993.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Lịch sử báo chí Kazakhstan
- Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
- Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
- KỶ NIỆM 80 NĂM BÁO CỨU QUỐC (1942-2022): Một thế hệ nhà báo gạo cội
- Chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo qua hồi ký
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
- 6 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đoàn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự tham gia liên hoan giao lưu lãnh đạo trẻ ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10
Nhận lời mời của Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức tuyển chọn và cử 5 sinh viên ưu tú tham gia Liên hoan Giao lưu lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 10 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 20-24/5/2024.
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
“Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc”. Đó là nhận xét của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Vào thời cổ đại, trong điều kiện xã hội du mục ở Kazakhstan, không có báo chí như ngày nay, nhưng đã có những hình thức sơ khai của báo chí. Nghệ thuật dân gian truyền miệng đã trở thành một phương tiện tích lũy, xử lý, trình bày và phổ biến thông tin ở thảo nguyên Kazakhstan. Các nhà thơ du mục đã làm điều này và làm khá chuyên nghiệp. Họ được gọi là “akyns” và “zhyrau” - là nhà thơ, nhạc sĩ và người sưu tập các truyền thuyết, bài hát, di chuyển từ làng này sang làng khác, và kể lại tin tức một cách tự nhiên. Ở Kazakhstan, đây được gọi là “uzun - kulak” - “tai dài” và hiện tượng này là nguyên mẫu của “dịch vụ thông tin” ngày nay.
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
(LLCT&TTĐT) Báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và quan tâm đầy đủ. Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào báo chí cách mạng. Trong khi đó, còn nhiều nguồn tư liệu khác có thể khai thác và lấy thông tin, ví dụ như hồi ký của các nhà báo hoặc nhà văn làm báo. Bài viết sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về báo chí nước ta thông qua 2 hồi ký tiêu biểu là “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và “Bốn mốt năm làm báo” của Hồ Hữu Tường.
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 14/6/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)". Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức về Nhà báo Xuân Thủy gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Nhà báo để lại.
Bình luận