Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
1. Những chặng đường phát triển của báo chí Việt Nam
Với Bốn mươi năm “nói láo”, Vũ Bằng đã dùng bút pháp tự trào và giọng điệu dí dỏm nhẹ nhàng để mở đầu cuốn hồi ký viết về nghề báo: “Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề nói láo”(1). Giọng điệu đậm chất uy-mua này sẽ là giọng chủ đạo trong suốt thiên hồi ký, tạo cảm giác thích thú cho những người theo dõi. Vốn quen với một nhà văn Vũ Bằng tinh tế, dịu dàng trong Thương nhớ mười hai, ta sẽ phải bất ngờ với một nhà báo Vũ Bằng sắc sảo, tưng tửng và đau đáu những suy tư trong Bốn mươi năm nói láo: “Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng tôi đã may hết sức, là vì bài của tôi gửi đến nhà báo lại được nhà báo vui lòng giở ra đọc. Tôi nói may là vì sau này vào hẳn nghề rồi, làm chủ bút, thư ký toà soạn cho nhiều tuần báo và nhật báo, tôi biết có nhiều bài vở, truyện tích rất hay của bạn đọc gửi tới mà không được chủ nhiệm, chủ bút mó tới hay mở ra coi, hoặc coi sơ sơ rồi bỏ, làm cho phí mất bao nhiêu mầm non, có nhiều hy vọng nảy nở sau này”(2).
Ngược lại, tác phẩm hồi ký mang cái tên gần giống với hồi ký Vũ Bằng là cuốn Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường được trình diễn với một giọng tự sự trầm tĩnh và cách dùng từ đặc sệt phương ngữ miền Tây: “Tập hồi ký nầy chánh thức khởi từ tháng Năm dương lịch năm 1930, lúc mà con chim non vỗ cánh bay vào làng báo. Nhưng cần nhắc về lắm việc đã xảy ra trước đó”(3). Cách dùng ngôn từ đậm chất địa phương của Hồ Hữu Tường dễ gợi cho bạn đọc về những điều xưa cũ, về không khí báo chí miền Nam đã lùi vào quá vãng. Điểm thú vị là nhà báo đã không kể lại sự việc theo trật tự logic thông thường. Ở một vài chương mục, để giữ mạch tuôn trào say sưa của hồi ức, tác giả đã cố ý bỏ qua trật tự thời gian để đảo chiều và ghép nối những sự kiện mà ông cho là có liên hệ chặt chẽ: “Nơi chương trước, tôi phải nói đến tờ báo nhẩm Thiên Thu mà không tôn trọng trật tự của thời gian, chỉ để cho độc giả thấy rằng tờ báo nhẩm nầy là cứu cánh của tạp chí Tháng Mười. Bây giờ tôi xin phép quay trở lại năm 1932 mà nói về việc tôi vào làng báo Việt Nam. Làng báo ở đây là làng báo của tất cả mọi ký giả, chớ không phải là của làng báo bí mật”(4).
Nhà báo - nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí trong một lần nói chuyện với sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn đã có nhận định về thế hệ những người cùng thời rằng: “Làm văn, viết báo là hai chữ dính liền nhau như hình với bóng, không một người nào say mê làm báo mà không viết văn”. Tính chất văn chương chi phối hoạt động báo chí ở nhiều cấp độ, với nhiều mức độ khác nhau. Đây là một hiện tượng có ý nghĩa đặc thù của nền báo chí Việt Nam, đã bao quát và chi phối toàn bộ nền báo chí Việt Nam từ những ngày đầu tiên.
Trong hồi ký Bốn mươi năm “nói láo”, Vũ Bằng đã tổng kết lại cả chặng đường dài của báo chí Việt Nam: từ những năm 1930 đến 1945 tại Hà Nội thời tạm chiếm, từ 1946 đến 1954 với vài năm báo chí kháng chiến và báo chí nội thành Hà Nội, chặng từ 1954 đến 1969 tại đô thị Sài Gòn. Trong dòng chảy chập chùng của hồi ức, những cái tên như Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn, Zân mới, Lửa sống, Hoà Bình, Thế giới và công chúng... đủ cho ta hình dung về bầu “khí quyển” báo chí của một dân tộc bị nô dịch cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đó là một nền báo chí hầu như là do tư nhân phụ trách (chỉ một vài tờ thuộc cơ quan ngôn luận của chính quyền), lúc nào cũng ở tình trạng cạnh tranh nhau khốc liệt để tồn tại, luôn chịu sự kiểm duyệt gắt gao của thể chế, không bao giờ được tự do tuyệt đối và mãi mãi khát vọng về “tự do ngôn luận”. Khảo cứu các tờ báo và tạp chí đã ra đời và tồn tại ở Việt Nam trước 1945, có thể nhận thấy mấy điểm chung là: thứ nhất là vai trò đậm nét của cá nhân hoặc nhóm cá nhân, thứ hai là sự tồn tại ngắn ngủi của các tờ báo và tạp chí, thậm chí có những tờ chỉ tồn tại được vỏn vẹn vài số. Hồ Hữu Tường đã kể trong hồi ký của mình về tờ báo chỉ có một số duy nhất là tờ Tiền Quân, “tờ Đồng Nai ra được tám số là bị cấm”. Sự tồn tại ngắn ngủi của các tờ báo/tạp chí là do báo/tạp chí đó được dùng làm cơ quan ngôn luận cho một trào lưu hay một quan điểm mang tính chất tiên phong, có liên quan đến chính trị xã hội nên rất dễ bị khai tử.
Không khí học thuật, văn chương trên báo và tạp chí thời kỳ này cũng rất sôi nổi, tạo ra một hiện tượng xưa nay chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam, đó là: những cuộc tranh luận nảy lửa, liên tục, với sự tham gia của hàng loạt tờ báo/ tạp chí như đợt bút chiến giữa Phong hóa, Loa, Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu và Hà Nội báo. Những lời bình chú trước kia chủ yếu là từ người đời sau - “hậu sinh” thực hiện với đối tượng là người đời trước - “tiền nhân”, thì đến đầu thế kỷ XX, sự phê bình, tranh luận đã lan tràn giữa những người cùng thời, một lời phê bình có thể được đáp trả ngay vào ngày hôm sau, rồi tiếp tục sau đó là những bài viết tranh luận xoay quanh vấn đề mãi không ngừng. Hồ Hữu Tường đã nhắc về không khí tranh luận sôi nổi này trong hồi ký của mình:
“Tôi nhớ năm ấy có ba cuộc bút chiến rất sôi nổi. Cuộc bút chiến thứ nhứt xảy ra trên lập trường triết học. Một bên là Phan Văn Hùm, còn bên kia có rất đông người, mà tôi không nhớ là ai. Đề tài tranh biện là duy tâm hay duy vật? Sau nầy, ở Huế có Hải Triều xông vào bên cạnh Phan Văn Hùm, và Hải Triều có góp những bài của mình mà đăng trong một tác phẩm lấy đề tài đó làm tên. Cuộc bút chiến thứ hai xảy ra trên địa hạt văn nghệ. Nhân Nguyễn Công Hoan, một tiểu thuyết gia ở Hà Nội vừa cho ra một tiểu thuyết, nói cho đúng hơn là một tập truyện ngắn, lấy tên là Kép Tư Bền. Dư luận các nhà phê bình chia thành hai phe. Phái khuynh tả thì khen, cho rằng đó là một công trình nghệ thuật vị nhân sinh. Phái chê lại đứng trên quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật mà chỉ trích (...)”(5).
Hồi ký Hồ Hữu Tường còn thuật lại một cách ngắn gọn, rõ ràng về chặng đường Bốn mốt năm làm báo của mình đồng thời cũng là con đường mà báo chí cách mạng đã trải qua. Từ tờ báo đầu tiên chỉ có một số đến tờ “báo nhẩm” làm trong tù, từ tên tuổi của những tờ báo nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 như tuần báo Đồng Nai, báo La Lutte, Thường trực Cách Mạng rồi Nhựt báo Phương Đông... Dù chặng đường làm báo trải qua không ít khó khăn, ra tù vào tội, từ làm báo công khai đến làm báo bí mật nhưng những nhà báo chân chính như ông Hồ Hữu Tường vẫn son sắt gắn chặt đời mình với nghiệp báo như một duyên nợ.
2. Nghệ thuật làm báo từ sơ khai đến chuyên nghiệp
Mặc dù chế độ chính trị ở mỗi thời kỳ có sự khác biệt nhưng nghệ thuật làm báo luôn là đích đến của những người làm báo. Hồ Hữu Tường đã nhắc đến điều này trong hồi ký của mình: “Lúc ban đầu, những tờ như Gia Định báo, chỉ có những ông Tây mới xin được một cái giấy phép ra báo cho người An Nam mình đọc”(6). Trên tờ Gia Định báo lúc đầu (từ 1865 đến 1869) chỉ có hai chuyên mục là “Công vụ” và “Tạp vụ”. Khi Pháp chuyển giao việc quản lý tờ báo cho ông Trương Vĩnh Ký thì diện mạo tờ báo bắt đầu thay đổi. Chuyên mục “Thứ vụ” xuất hiện nhằm đăng tải những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ đương thời. Mục “Thứ vụ” đã giúp Gia định báo đến gần hơn với công chúng và cũng tiệm cận hơn với tính chất thực sự của một tờ báo lúc đó.
Đầu thế kỷ XX, trước khi các tờ báo Việt ngữ ra đời, những tờ công báo, kỷ yếu đầu tiên bằng Hán ngữ và Pháp ngữ đã được xuất bản tại Bắc Kỳ. Khi đó, những người chịu trách nhiệm xuất bản là những trí thức tây học ngoài Bắc, tiêu biểu là Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí và Phạm Quỳnh với Tạp chí Nam Phong.
Nguyễn Văn Vĩnh với vai trò chủ bút của Đông Dương tạp chí đã tạo nên một “mốc son” đặc biệt trong tiến trình phát triển của báo chí nước nhà. Hồi ký của Hồ Hữu Tường và Vũ Bằng đều nhắc về nhân vật cấp tiến này. Đông Dương tạp chí là một tờ báo hoàn toàn bằng tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ, là “Ấn phẩm có tính báo chí” đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà. Những bài học đầu tiên trong chuyến thăm nước Pháp đã thôi thúc ông phải thay đổi bộ mặt u tối của báo chí khi đó. Ông đã tạo nên Đông Dương tạp chí với dung lượng 16 trang, 24 trang và 32 trang theo cách của ông. Một tờ tạp chí có vị trí quan trọng của nhà cầm quyền Pháp, hàng năm sử dụng ngân khố của Pháp để xuất bản, nhưng ông Vĩnh vẫn đặt bạn đọc lên vị trí hàng đầu, nhiệt tình tư vấn cho bạn đọc về việc mua báo, viết bài... Ông còn tuyên bố trên bản báo của mình rằng: “Cấm nhặt không được phép ai chép trong báo chương này ra làm nhật trình hoặc làm sách”. Tạp chí dành toàn bộ trang cuối để quảng cáo cho chính mình. Còn trang đầu tiên luôn nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc: “Những ai viết thơ cho bản báo thì phải ký tên. Nếu không ký thì kinh không xem đến. Đã ký thì ký cho rõ ràng…”. Đây quả thật là quan điểm làm báo cấp tiến so với thời kỳ đó.
Trong hồi ký Bốn mươi năm “nói láo”, Vũ Bằng cũng nhắc đến sau Đông Dương tạp chí là Tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ bút, tạo nên một lâu đài tạp chí đường bệ, hàn lâm dù ban đầu, quan điểm của tờ tạp chí này bị đánh giá là đi ngược lại lợi ích dân tộc. Nam phong được coi như một “Bách khoa nguyệt san”. Tiếp sau Nam Phong là các tờ báo Khai hóa của Bạch Thái Bưởi; Đông Tây của Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn, tạo nên những điểm sáng của báo chí. Hồi ký Vũ Bằng nhắc đến Hoàng Tích Chu và số phận của báo Đông Tây với một thái độ kính trọng và chân thành, không còn giọng bông đùa như khi ông tự trào về mình.
Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần hai có nhiều biến động không ngừng. Sinh hoạt báo chí vì vậy không chỉ dừng lại ở hoạt động khai thác các vấn đề học thuật mà còn phải phản ánh kịp thời những vấn đề xã hội. Tuyên ngôn của tờ Khai hóa đã đánh dấu một bước chuyển trong nghề báo thời bấy giờ: “Báo tin là báo những tin hay, tin lạ ở trong nước làm cho dân chúng biết…”. Từ đó nhịp sống của xã hội đã bắt đầu đồng hành với nhịp thở của báo chí. Sự đổi mới của Đỗ Văn, Hoàng Tích Chu khởi đầu trên tờ Phong hoá, sau đó là tờ Đông Tây của riêng hai ông là những bằng chứng cho sự tiếp nhận nền báo chí hiện đại thế giới để vận dụng vào báo chí nước nhà. Sự mạnh dạn cắt bỏ những bài dài, câu dài, tăng những tin bài ngắn để tăng hiệu quả thông tin, chuyển thông tin thời sự ở trang trong ra trang nhất đã làm cho thông tin, sự kiện trở nên có giá trị hơn.
Các tờ báo Thanh Niên (1925), Dân chúng (1938), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1943)… ra đời trong hoàn cảnh bí mật, thiếu thốn mọi bề, tờ báo xuất bản đơn sơ, thậm chí chép tay, in thô sơ trên thạch, trên đá nhưng đã thể hiện nghệ thuật tuyên truyền, mang lại sức mạnh to lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam. Thanh niên là tờ báo cách mạng đầu tiên, sau này là tờ Việt Nam độc lập đều gắn chặt với tên tuổi Nguyễn Ái Quốc, thể hiện sự kết hợp tài tình giữa đấu tranh cách mạng và sử dụng báo chí làm vũ khí tuyên truyền. Việt Nam độc lập ra đời năm 1941 tại Khuổi Nậm, tỉnh Cao Bằng - nơi các dân tộc ít người sinh sống với trình độ văn hóa còn hạn chế. Làm thế nào để để bà con đọc được, hiểu được và làm theo báo (tức là làm theo cách mạng) là vấn đề rất nan giải. Khi đó, tờ báo chỉ có hai trang viết bằng bút thép nhưng đã tập hợp nhiều thể loại như tin tức, xã luận, bình luận, câu chuyện lịch sử, các bài văn vần, chuyện thơ… Các bài viết bằng ngôn ngữ chính văn được đan xen với các trang ảnh, hình vẽ minh họa để tạo nên mạch đọc và mạch nhìn tương ứng. Nguyễn Ái Quốc còn sáng tạo thêm hai câu văn vần để giới thiệu mỗi số báo. Hai câu này có thể viết theo thể song thất hoặc lục bát để tóm lược nội dung chính của số báo, giúp bà con dễ dàng nắm được thông tin trọng tâm.
Bên cạnh những thông tin về tờ báo, các cá nhân xuất sắc, nghệ thuật làm báo, tác giả hồi ký cũng điểm lại những chặng đường phát triển của hậu kỳ in ấn, một công việc có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình truyền bá các tác phẩm báo chí. Trong hồi ký của mình, nhà báo Hồ Hữu Tường kể lại những buổi đầu với cách thức làm việc còn sơ khai, thủ công:
“Trước hết, nghiên cứu một khổ cho tạp chí để trình bày thành một quyển bỏ túi, đóng bìa đẹp, số trang. Rồi Đào Hưng Long chép bài lên từng trang, trình bày ngay ngắn và có mỹ thuật, từ đầu cho đến cuối. Nhớ đâu mỗi số là 64 trang thì phải. Xong mới mướn chệt lấy thiếc mà hàn một cái máy in. Nói cho oai, chớ đó chỉ là một cái hộp thiếc bề ngang bằng bề cao trang tạp chí, bề dài bằng hai lần bề ngang của trang. Hộp bề khá sâu, độ hơn mười lăm phân. Kế đi lại tiệm kiếng mướn cắt đâu chừng mười sáu tấm kiếng mỏng, để vừa vào hộp, lấy gỗ kê các kiếng cách nhau gần một phân. Bấy giờ xương xoa nấu xong, mới đổ vào hộp. Xương xoa không tốn nhiều mà dùng xong, rửa ráy, thì không thấy cái khuôn, vì hộp đựng đồ tế nhuyễn. Mà mỗi miếng kiếng sẽ hiến đến hai mặt xương xoa láng bóng, dùng tốt hơn là cái mặt tự nhiên. Lại khi in, thì chỉ một đêm, hai ba người ráp lại, miễn là làm “mi” xong, thì lo in trong một giờ là có đủ số tạp chí cần dùng để phổ biến” (7). Rõ ràng, vượt qua những hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, các nhà báo đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo của mình trong mọi công đoạn, tạo nên dấu ấn cho từng sản phẩm.
Cũng trong hồi ký, Hồ Hữu Tường tiếp tục nhắc đến sự phát triển của công nghệ in ấn như một minh chứng cho bước tiến dài của ngành báo. “Sang đầu thế kỷ XX, do một sự tình cờ, mà người ta phát minh một cách in thứ hai, gọi là in offset. Ngay danh từ offset nầy chứng tỏ sự phát minh bất ngờ này. Tiếng Anh, off có nghĩa là ném đi, còn set có nghĩa là bộ. Dường như lúc đó, người thợ cầm một món gì đó, rồi thấy thừa, ném qua một bên, đến khi xong việc, thấy vật ném đó ăn sâu vào một miếng kẽm, nên nghĩ ra phát minh lối in nầy” (8); “cũng vào đầu thế kỷ XX, một lối in khác được phát minh, gọi là hélio. Nguyên tắc bôi mực lại trái ngược với của offset. Trong cách in offset, mực được bôi lên những mặt lồi ra. Còn trong lối in hélio, mực lại chứa trong những lọ tức là những hang tí hon, nghĩa là lõm vào, rồi giấy đặt lên, thì mực in vào” (9). Như vậy, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của in ấn, lịch sử báo chí Việt Nam cũng tiến một bước dài trong quá trình phát triển của mình, tạo tiền đề mạnh mẽ cho sự thay đổi của báo chí hiện đại.
Ngày nay, trong tiến trình đổi mới của đất nước, báo chí phát triển mạnh do nhu cầu thông tin thời mở cửa và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin - truyền thông. Báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, mà là kênh thông tin hữu ích phục vụ mọi nhu cầu thông tin của nhiều lớp người trong xã hội. Có thể nói, những tư liệu quý giá về lịch sử báo chí được cung cấp từ hai cuốn hồi ký của Vũ Bằng và Hồ Hữu Tường đã giúp ta hiểu hơn và thêm kính phục công việc của những người làm báo chân chính./.
_____________________________________
(1), (2) Vũ Bằng (2000), Bốn mươi năm “nói láo”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(3), (4), (5), (6), (7) Hồ Hữu Tường (2017), Bốn mốt năm làm báo, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
“Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc”. Đó là nhận xét của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Vào thời cổ đại, trong điều kiện xã hội du mục ở Kazakhstan, không có báo chí như ngày nay, nhưng đã có những hình thức sơ khai của báo chí. Nghệ thuật dân gian truyền miệng đã trở thành một phương tiện tích lũy, xử lý, trình bày và phổ biến thông tin ở thảo nguyên Kazakhstan. Các nhà thơ du mục đã làm điều này và làm khá chuyên nghiệp. Họ được gọi là “akyns” và “zhyrau” - là nhà thơ, nhạc sĩ và người sưu tập các truyền thuyết, bài hát, di chuyển từ làng này sang làng khác, và kể lại tin tức một cách tự nhiên. Ở Kazakhstan, đây được gọi là “uzun - kulak” - “tai dài” và hiện tượng này là nguyên mẫu của “dịch vụ thông tin” ngày nay.
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
(LLCT&TTĐT) Báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và quan tâm đầy đủ. Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào báo chí cách mạng. Trong khi đó, còn nhiều nguồn tư liệu khác có thể khai thác và lấy thông tin, ví dụ như hồi ký của các nhà báo hoặc nhà văn làm báo. Bài viết sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về báo chí nước ta thông qua 2 hồi ký tiêu biểu là “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và “Bốn mốt năm làm báo” của Hồ Hữu Tường.
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 14/6/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)". Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức về Nhà báo Xuân Thủy gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Nhà báo để lại.
Bình luận