Định hướng xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là tập hợp các thao tác, các bước, các công việc, công đoạn kế tiếp nhau, là quá trình xem xét, nhận diện, nhận định, phân tích, đánh giá một cách đúng đắn, chính xác mức độ sai lệch, xuyên tạc, ra quyết định giải quyết, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này trên cơ sở lập trường, quan điểm và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Để bảo đảm cho hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận thống nhất về mục đích, nội dung, phương thức, đồng bộ về quá trình tổ chức lực lượng và trang bị phương tiện, đầu tư công nghệ hiện đại, quá trình xử lý cần được thực hiện trên cơ sở những định hướng chủ yếu sau:
1. Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phải lấy việc bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân làm mục đích cao nhất
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận suy đến cùng, là một phương diện, một nội dung của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Nói cách khác, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc không có mục đích tự thân mà nó phải nhằm mục đích tối cao là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của quốc gia – dân tộc. Tất nhiên, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận có mục đích trực tiếp là loại bỏ những thông tin đó ra khỏi đời sống tinh thần xã hội, không để chúng ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, chống lại tác động trái chiều của chúng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhưng mục đích trực tiếp này, xét đến cùng, chỉ là mục đích mang tính phương tiện, mục đích “chống”, còn mục đích cuối cùng, tối thượng của việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nằm ở mặt “xây” của nó, tức là nhằm bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.
Mặt khác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm trong đó nội dung phát triển, hoàn thiện và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, Cương lĩnh của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ có thể bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng khi chúng ta thường xuyên phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng đó cho phù hợp với những biến đổi của thực tiễn đất nước và thời đại. Một số khó khăn, thách thức trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, trong việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay thuộc về những khuyết điểm, yếu kém trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoạch định chính sách phát triển quốc gia. Chúng ta hiểu rằng, chính một số luận điểm, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin đã bị lịch sử vượt qua hoặc bị chúng ta hiểu sai, vận dụng sai; chính một số sai lầm, thiếu sót trong quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quá khứ và hiện tại, hoặc sai sót trong quá trình vận dụng, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật,... đã trở thành nguyên cớ để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, suy thoái, biến chất lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, bài xích sự lãnh đạo của Đảng ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì lẽ đó, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phải lấy việc bảo vệ, phát triển, hoàn thiện không ngừng, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và thực hiện thành công Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm mục đích cao nhất.
2. Coi trọng đúng mức việc xử lý thông tin sai lệch xuyên tạc có nguồn gốc từ trong nước, đồng thời kết hợp đồng bộ với việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc của các lực lượng phản động từ ngoài nước
Thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận theo nguồn/chủ thể có thể được phân chia thành thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các nguồn/chủ thể trong nước và từ các nguồn/chủ thể ngoài nước. Các nguồn/chủ thể ngoài nước là các thế lực thù địch đại diện cho giai cấp tư sản phản động quốc tế, là một số chính khách trong chính giới của một số nước tư bản không có thiện cảm với Việt Nam, là những người nghiên cứu lý luận phục vụ sự thống trị của giai cấp tư sản; là những phần tử phản động trong số người Việt Nam ở nước ngoài vốn có nợ máu với nhân dân Việt Nam. Còn các nguồn/chủ thể trong nước thường là những phần tử cơ hội, phản động, chống đối; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một số trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo... bất mãn với chế độ; Hai nhóm chủ thể này thường phối hợp, kết hợp, liên minh, liên kết, thông đồng với nhau khá chặt chẽ theo kiểu “nội công, ngoại kích”. Các chủ thể bên ngoài thường là chủ mưu, là người cung cấp, hỗ trợ về tài chính, phương tiện, cơ sở vật chất, tư vấn về âm mưu, thủ đoạn truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc, hướng dẫn cách thức sử dụng phương tiện kỹ thuật - công nghệ, hỗ trợ theo kiểu “tiền hô, hậu ủng” về mặt tinh thần cho các chủ thể bên trong thực hiện các âm mưu chống phá, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo “ngòi nổ” cho các điểm nóng chính trị - xã hội, thậm chí gây bạo loạn trên các địa bàn trọng yếu ở nước ta. Các chủ thể trong nước có kẻ tự nguyện tìm đến làm tay sai cho các thế lực từ bên ngoài, làm bồi bút, tiếp tay cho các âm mưu của bọn phản động, vô tình hoặc cố ý đồng lõa, truyền bá không công hoặc để nhận viện trợ tài chính từ chủ thể bên ngoài. Tuy nhiên, xét từ mối quan hệ giữa cái bên trong và cái bên ngoài thì rõ ràng lực lượng bên trong nguy hiểm hơn. Tính nguy hiểm của lực lượng bên trong thể hiện trước hết ở chỗ, họ thường xuyên, liên tục tổ chức trên đất nước ta nhiều hoạt động với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, lại rất khó phát hiện và xử lý phức tạp. Tính nguy hiểm còn là ở chỗ lực lượng này trực tiếp tác động hàng ngày, hàng giờ, lặp đi lặp lại với tần suất cao đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ngay trong đời sống thường nhật, ngay trong giao tiếp hàng ngày mà nhiều người do mơ hồ trong nhận thức, do thiếu bản lĩnh và nhãn quan chính trị nên không dễ nhận ra, thậm chí bị chúng “bỏ bùa”, mê hoặc mà không biết.
Các thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn trong nước, nhất là từ một số người trong giới khoa học, từ một số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận chính trị và lý luận văn học, nghệ thuật, đôi khi do sơ hở của công tác lãnh đạo, quản lý, lại được đăng tải trên các báo chí chính thống, đôi khi được xuất bản thành sách và được truyền bá công khai trong xã hội.
Chính vì vậy, cần coi trọng trước hết việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các nguồn bên trong. Xử lý càng triệt để nguồn thông tin này càng không còn đất để các lực lượng bên ngoài kiếm cớ, lợi dụng, sẽ không còn “đồng minh” bên trong để các lực lượng bên ngoài triển khai các âm mưu, thủ đoạn nhằm đạt mục đích phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta từ bên trong. Đồng thời, do chính âm mưu cấu kết trong - ngoài chặt chẽ của hai thế lực này và tính không biên giới của thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội mà quá trình xử lý cần phải phối hợp, kết hợp đồng bộ, đồng thời, chặt chẽ giữa xử lý nguồn thông tin sai lệch, xuyên tạc bên trong và bên ngoài.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn/chủ thể bên trong, nhất là từ một số cán bộ, đảng viên do nhận thức hạn chế mà đưa tin sai lệch, xuyên tạc, từ đối tượng là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nghệ sĩ,… cần theo phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa là chính, tuyệt đối không đẩy họ về phía các lực lượng chống đối, các thế lực thù địch, bất mãn, hận thù lâu dài với cách mạng và nhân dân.
Đối với thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nguồn/chủ thể là các thế lực thù địch, các phần tử phản động, người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có nợ máu với nhân dân cần xử lý triệt để theo quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Đồng thời với việc xử lý cần tiến hành phản bác một cách có căn cứ khoa học, với lập luận logic, chặt chẽ, thuyết phục, đấu tranh triệt để với những sai trái, bịa đặt, xuyên tạc trong các thông tin đó, phối hợp với các nhà mạng gỡ bỏ, xử lý theo pháp luật hoặc dùng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để ngăn chặn, không cho chúng lan tỏa ra cộng đồng, gây tác động tiêu cực về tư tưởng trong xã hội. Theo quan điểm lấy mục đích “xây” là cao nhất, trong quá trình phê phán, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta để định hướng và tạo lập dư luận xã hội tích cực, tạo lập sự đồng thuận xã hội.
3. Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải đúng quy trình, quy phạm pháp luật và những yêu cầu đặt ra cho việc xử lý
Quy trình xử lý là một hệ thống các công đoạn, công việc, các bước, các hoạt động kế tiếp nhau theo một lộ trình, quy định lẫn nhau, làm tiền đề, điều kiện cho nhau. Trong tất cả các bước, các công việc, công đoạn hình thành nên quy trình logic đó không thể bỏ qua một công đoạn nào. Tuy nhiên, do các nhóm đối tượng khác nhau, không thể dập khuôn quy trình xử lý các nhóm đối tượng ở nước ngoài cho các nhóm đối tượng trong nước. Cũng không đồng nhất quy trình, hình thức xử lý đối với nhóm đối tượng là các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất và đối tượng là một số cán bộ, đảng viên hay người dân do trình độ nhận thức hạn chế mà tán phát, chia sẻ các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đặt ra nhiều yêu cầu. Trong giai đoạn hiện nay, đặt lên hàng đầu là các yêu cầu sau:
- Tính đúng đắn, chính xác: Trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước hết và quan trọng nhất là phải xác định được đúng nguồn/chủ thể và đánh giá đúng, chính xác nội dung, mức độ sai phạm và tác động, ảnh hưởng tiêu cực của chúng để xử lý bằng các công cụ và hình thức thích hợp.
- Tính kịp thời: Thông tin sai lệch, xuyên tạc cần được xử lý kịp thời để hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó. Một thông tin sai lệch, xuyên tạc nếu không được xử lý kịp thời thì hậu quả của nó có thể khó lường, khó xử lý hậu quả. Tính kịp thời đòi hỏi các chủ thể tham gia xử lý khi đã nằm trong guồng máy của bộ máy xử lý, phải triển khai, hoàn thành công việc đúng tiến độ, không đùn đẩy, né tránh, không đá bóng sang sân người khác, không dấu diếm, ém nhẹm thông tin mà phải kết hợp, phối hợp chặt chẽ với nhau để quy trình xử lý diễn ra đồng bộ, kịp thời.
- Đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc, đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải trên cơ sở pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, việc xử lý cũng cần tính đến các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp các quy định quốc tế trái ngược, mâu thuẫn với pháp luật Việt Nam, thì lợi ích đất nước, lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân là căn cứ quan trọng nhất để xử lý.
- Tính nhân đạo, nhân văn: Yêu cầu này phản ánh bản chất của cách mạng XHCN và truyền thống dân tộc Việt Nam, nhất là đối với đối tượng là những người biết ăn năn hối lỗi, những người trong nội bộ tổ chức và trong một bộ phận nhân dân ta, vô tình hay cố ý tán phát, chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc.
4. Phát triển, mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia rộng rãi vào quy trình xử lý, coi trọng xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán có tính chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, giàu kinh nghiệm
Nói đến việc xây dựng, phát triển các chủ thể, các lực lượng tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận cần phải dựa trên việc phân tích tương quan lực lượng giữa chúng ta - chủ thể xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc và các lực lượng/các chủ thể của thông tin sai lệch, xuyên tạc – đối tượng của việc xử lý.
Có thể nói, chủ thể/lực lượng của các thông tin sai lệch, xuyên tạc khá rộng rãi, có thực lực thật sự. Bằng kinh nghiệm của một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và đang đương đầu với cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực ý thức hệ, chúng ta không được đánh giá thấp đối tượng, không được chủ quan, khinh địch để không rơi vào thế bị động, bất ngờ. Biết địch biết mình thì trăm trận trăm thắng. Sức mạnh của các lực lượng thù địch trong cuộc đấu tranh ý thức hệ, mà một biểu hiện cụ thể của nó hiện nay là cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, nằm trong sức mạnh của giai cấp tư sản quốc tế đang cầm quyền. Giai cấp này có trong tay cả một bộ máy quyền lực to lớn, có đầy đủ các phương tiện tác động tư tưởng hiện đại nhất, hiệu quả nhất, lại có lực lượng hậu thuẫn khá đông đảo từ bên trong và bên ngoài nước ta, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau theo kiểu “nội công, ngoại kích”, “tiền hô, hậu ủng”. Quan sát thực tiễn thấy rằng, vào những thời điểm diễn ra Đại hội Đảng, hoặc khi đất nước diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại, các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội, thoái hóa, biến chất, các tổ chức chống đối núp dưới mọi hình thức thường rộ lên các đợt công kích kiểu “nội công, ngoại kích” với tần suất cao chống phá cách mạng nước ta.
Trong khi đó, lực lượng của chúng ta tổ chức còn chậm, chưa đều khắp ở mọi nơi, mọi cấp; chỉ đạo, phối hợp có lúc, có việc chưa thật sự chặt chẽ, tác chiến chưa hoàn toàn đồng bộ. Ban chỉ đạo 94 trước đây và Ban chỉ đạo 35 hiện nay hoạt động chưa đều tay ở tất cả các cấp, nhất là ở địa phương. Các cơ quan tham mưu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch hoạt động chưa thật chủ động theo đúng chức năng, nhiệm vụ tại một số thời điểm, hoặc chỉ đạo đối với một vài vụ việc chưa kịp thời, phối hợp chưa đồng bộ, thường xuyên.
Để đạt hiệu quả cao cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, việc xây dựng lực lượng tham gia phải được tiến hành rộng rãi hơn, phối hợp các lực lượng phải chặt chẽ, đồng bộ hơn. Phải xây dựng lực lượng tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có tính toàn dân rộng rãi, đều khắp, nhất là ở cơ sở. Bởi vì, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là hình thức mới của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Cuộc đấu tranh này chỉ có thể giành thắng lợi triệt để nếu thu hút được sự tham gia của toàn dân, dưới sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ của Đảng. Sự tham gia của nhân dân vào việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc cần được triển khai trên tất cả mọi khâu, mọi công đoạn của quy trình xử lý. Nhân dân tham gia vào việc phát hiện, nhận diện nội dung, tính chất, bản chất thông tin, xác định nguồn thông tin. Nhân dân tham gia viết bài phê phán, viết các bình luận phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhân dân tham gia giám sát quy trình xử lý thông tin. Nhân dân chủ động trên không gian mạng, trở thành những chiến binh thông thái, có trách nhiệm trên không gian mạng…
Xây dựng lực lượng có tính toàn dân rộng rãi là yếu tố cơ bản, lâu dài, là điều kiện quyết định sự thắng lợi cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Tuy nhiên, đối tượng xử lý trong việc truyền bá, phát tán các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phần đông là những người được đào tạo cơ bản, có hiểu biết khá rộng, nhiều người trong số họ vốn là những nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có tính chuyên sâu, có kinh nghiệm trên chính trường đấu tranh chính trị, tư tưởng, ngoại giao, thông thạo việc sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội. Cho nên, việc đấu tranh, xử lý những đối tượng này cần những người có trình độ cao, hiểu biết rộng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Chính vì vậy, phải tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách trên cơ sở những yêu cầu nhất định, hoạt động có tính chuyên nghiệp cao.
Đội ngũ cán bộ nòng cốt, hoạt động có tính chuyên nghiệp, tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc cần được xây dựng, phát triển từ những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, cán bộ tuyên giáo, cán bộ chuyên trách từ các ban Đảng, nhất là Ban Tuyên giáo các cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, từ Hội Nhà báo, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội Tin học và từ cán bộ trong các thiết chế và cơ quan truyền thông đại chúng. Trong đội ngũ cán bộ nòng cốt này, cần chú trọng đặc biệt việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và pháp luật quốc tế, hiểu sâu một số lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tâm lý, các lý thuyết truyền thông hiện đại, am hiểu lịch sử dân tộc và cách mạng, có trình độ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tác chiến trên không gian mạng… Họ cần phải có bản lĩnh chính trị và quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Họ cũng cần phải là người có kinh nghiệm trong nghiên cứu, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, biết bút chiến, khẩu chiến với đối phương một cách hiệu quả.
5. Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và mạng xã hội, trang bị phương tiện hiện đại, đầu tư kinh phí bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả thông tin sai lệch, xuyên tạc
Là những người theo quan điểm duy vật biện chứng, chúng ta nhận thức rằng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện là một trong những điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đạt hiệu quả cao. Nếu chỉ đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc bằng nhiệt tình cách mạng, bằng lòng yêu nước, yêu chế độ không thôi thì dễ rơi vào quan điểm duy tâm, duy ý chí.
Rõ ràng, cùng với việc xây dựng và phát triển lực lượng, phát huy nhân tố con người trong việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, trước hết phải phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và mạng xã hội, coi đây là cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ và truyền thông quan trọng nhất trong hoạt động xử lý. Việc xây dựng các trang mạng xã hội mạnh của Việt Nam, có sức thu hút với công chúng và sức cạnh tranh với các trang mạng nước ngoài là một trong những định hướng lớn thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận dòng thông tin tích cực, hạn chế tối đa việc truy cập vào các trang mạng xã hội truyền bá tin giả, tin độc hại, tin đồn thất thiệt. Cần tích cực, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để xâm nhập, nắm quyền quản trị, điều hành các trang Web, blog, diễn đàn, mạng xã hội, xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn truy cập có thời hạn vào các trang mạng độc hại trong một thời gian nhất định.
Hiện nay, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc, công cụ xử lý của đội ngũ những người tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở các địa phương còn nhiều hạn chế, nếu không nói là còn thủ công, lạc hậu so với các thế lực thù địch.
Phương tiện làm việc cho Ban Chỉ đạo 35, cho các chuyên gia là rất quan trọng. Cần bảo đảm trụ sở làm việc thích hợp với điều kiện làm việc đặc thù của Ban Chỉ đạo 35 và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, bảo đảm cho hoạt động chỉ đạo, tác chiến của Ban Chỉ đạo và của các chuyên gia như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh được kết nối Internet…
Tăng cường kinh phí cho mọi hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Trả thù lao thích đáng cho các chuyên gia phân tích và nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc và các chuyên gia viết bài đấu tranh phản bác, vì đây là hoạt động cần đầu tư nhiều chất xám và nhiệt huyết. Có chế độ thù lao đặc biệt để khuyến khích các chuyên gia và tất cả những người có bài viết chất lượng cao, tính chiến đấu sắc bén.
6. Mở rộng hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng, ưu tiên hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và xây dựng các công ước, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế trong đảm bảo an toàn thông tin trên mạng xã hội
Chủ thể của các dòng thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận dù là ở nước ngoài hay ở trong nước, phần lớn và thường xuyên sử dụng mạng xã hội như một loại vũ khí xuyên biên giới để phát tán, truyền bá, chia sẻ thông tin loại này.
Ở nước ta, trong những năm qua, các hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật của Nhà nước, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng các trang mạng xã hội để xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia có xu hướng tăng. Các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc diễn ra với quy mô lớn, cường độ ngày càng cao, bằng những chiến dịch được tổ chức khá bài bản. Họ còn ứng dụng các phần mềm công nghệ để vượt qua các giải pháp an toàn thông tin của ta, thực hiện ý đồ nham hiểm của họ.
Sự phát triển bùng nổ của không gian mạng đã xóa bỏ ranh giới giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho các loại hình tội phạm mạng phát triển mạnh mẽ, trong đó có tội phạm về truyền bá thông tin xấu, độc, chống lại một thể chế chính trị nào đó, chống lại loài người. Các tội phạm mạng thường lợi dụng kẽ hở do sự khác biệt về khung pháp lý của các quốc gia hoặc sự chưa đồng bộ giữa luật quốc tế, thông lệ quốc tế với luật pháp của một nước để thực hiện hành vi sai phạm, trong đó có hành vi nói dối, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ. Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc truy tố, xét xử, xử phạt từng cá nhân riêng lẻ thì vẫn chưa thể xử lý tận gốc nguy cơ về an ninh mạng, chưa thể hạn chế triệt để những tác động xấu của các dòng thông tin giả, độc hại. Các chiến lược quốc gia về an ninh mạng thường chỉ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển của từng quốc gia. Để đảm bảo an toàn thông tin mạng và xử lý tội phạm tin giả, thế giới cần xây dựng những tiêu chuẩn chung và đồng bộ để thống nhất hành động.
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an toàn thông tin mạng cần được tiến hành thường xuyên dưới nhiều hình thức song phương và đa phương, bằng các quy tắc, quy định, các công ước, hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế. Các văn bản mang tính pháp lý này trước hết cần đảm bảo cho an ninh mạng của các quốc gia, chủ quyền quốc gia của các thành viên, vừa phải đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ quyền con người trên môi trường mạng.
Giải pháp về công nghệ nhằm ngăn chặn hay gỡ bỏ thông tin sai lệch, xuyên tạc thường có giới hạn của nó. Nhiều chủ thể truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc rất thành thạo trong việc sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại để che dấu hành vi phạm tội hoặc vượt qua các biện pháp ngăn chặn, phá sóng của ta. Mặt khác, các thế lực thù địch vốn nắm giữ các phát minh, sáng chế về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng các phát minh, sáng chế này khá tốt trong việc truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Họ còn tham mưu, tư vấn cho các thế lực phản động bên trong nước ta, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất vận dụng, sử dụng công nghệ nhằm lách luật của ta, chống lại ta. Rõ ràng, để thực hiện tốt giải pháp về công nghệ trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, chúng ta phải phát triển nội lực về công nghệ, về an toàn thông tin mạng thông qua việc trang bị phương tiện kỹ thuật và nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại nhất, công nghệ số hóa, các thành tựu mới của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời phải đào tạo cơ bản, hệ thống, chuyên sâu và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ sử dụng công nghệ tham gia việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Tăng cường các hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thông tin mạng, về xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc với các nước nhất là các nước tương đồng về thể chế chính trị. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, nhất là về an toàn thông tin mạng. Tăng cường ký kết các hiệp ước, điều ước, các hiệp định song phương, đa phương trong việc chuyển giao công nghệ, trong việc xây dựng hệ thống pháp luật và các qui định, chế tài mang tính quốc tế về lĩnh vực này cần trở thành một hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế về xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc nói riêng và bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia ở Việt Nam hiện nay.
Những định hướng trên là một thể thống nhất, qui định việc xác định nhiệm vụ, giải pháp, lựa chọn qui trình xử lý đúng đắn, triệt để các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
______________________________
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Bá Dương (2015), “Bình mới rượu cũ” của chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
- Lê Quang Tự Do, Quản lý mạng xã hội trong tình hình mới, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 3.2018.
- Nguyễn Thị Trường Giang, Giải pháp nâng cao tính hiệu quả, khả thi của qui tắc ứng xử trên mạng xã hội – góc nhìn từ lĩnh vực truyền thông, Tạp chí lý luận chính trị và Truyền thông, số 1.2019.
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật (2019), Vai trò của báo chí - truyền thông trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Hà Nội.
- Hội đồng lý luận Trung ương (2015), Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Lương Khắc Hiếu, Tiêu chí đánh giá hiệu quả phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 6.2016.
- Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật An ninh mạng, ban hành ngày 12.6.2018.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7.2020
Bài liên quan
- Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
- Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
- Vạch trần luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề tự do tôn giáo âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay
- Bài 3: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - Sự thật không thể phủ nhận
- Bài 2: Nhận diện các luận điệu xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”
Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự ra đời của nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, cùng với sự thay đổi về thị hiếu và đòi hỏi ngày càng cao trong trải nghiệm của công chúng đối với các xuất bản phẩm, đã tác động lớn đến hoạt động xuất bản, in và phát hành sách tại Việt Nam. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản tại Việt Nam cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới, vì chính sự tồn tại và phát triển của ngành.
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại Việt Nam có vai trò tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần nâng cao vị thế đất nước, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước gắn kết ngày càng chặt chẽ với thế giới; đồng thời, đóng góp quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tin tưởng, kiên định, giữ vững con đường cách mạng và thành tựu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước ta.
Vạch trần luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề tự do tôn giáo âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay
Vạch trần luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề tự do tôn giáo âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay
Đại đoàn kết dân tộc là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, là cội nguồn, sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cũng như vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc với dã tâm chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Một trong những chiêu trò thường được chúng triệt để lợi dụng để thực hiện âm mưu đó là vu khống, xuyên tạc về vấn đề tôn giáo, từ đó gián tiếp làm chậm quá trình xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bài 3: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - Sự thật không thể phủ nhận
Bài 3: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - Sự thật không thể phủ nhận
Là đất nước có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, tỷ lệ dân số có tín ngưỡng, tôn giáo không nhỏ và tín ngưỡng, tôn giáo thường xuyên bị các thế lực xấu lợi dụng để chống phá nên Đảng, Nhà nước ta càng luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho Nhân dân
Bình luận