Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận do các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất phát tán trên mạng xã hội hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra trong cơ sở chính trị - pháp lý, trong quy trình và áp dụng qui trình xử lý; trong xây dựng, phát triển và phối hợp lực lượng; trong việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; trong hợp tác quốc tế và khu vực. Vì vậy, nâng cao hiệu quả xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở nước ta, cần tập trung vào các giải pháp có khả năng giải quyết tốt các vấn đề cấp thiết đặt ra trên đây.
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và những quy định mang tính pháp lý liên quan đến việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận phát tán trên mạng xã hội.
Để đảm bảo tính hiệu quả cho việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách quy định trong lĩnh vực này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thể chế trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận phát tán trên mạng xã hội bao gồm: “Luật chơi”, “Người chơi” và “Cách chơi”.
Trước hết nói về “Luật chơi”, tức là hệ thống pháp luật và những quy định mang tính pháp lý liên quan đến việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Hiện tại, nước ta đã xây dựng được một hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến việc đấu tranh phòng, chống và xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, tin xấu độc, bảo vệ an ninh quốc gia. Có thể kể đến những điều luật như, Điều 79, Điều 88, Điều 89, Điều 226, Điều 258, Điều 263 của Bộ Luật hình sự, 1999. Ngoài Bộ Luật hình sự, nước ta còn có các luật khác như: Luật An toàn thông tin; Luật Giao dịch điện tử; Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật An ninh mạng;… và nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn liên quan. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, một số văn bản luật và nghị định hướng dẫn vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thật sự phù hợp với thực tiễn đa dạng của việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận vốn có nhiều đặc thù. Để tăng cường hiệu lực và bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm cho việc xử lý nghiêm minh, thống nhất. Hệ thống qui định của Đảng và pháp luật của Nhà nước còn có tác dụng nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ cấp cao trong việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế bảo vệ người tham gia đấu tranh, xử lý, đảm bảo cho họ được bảo vệ an toàn khi bị các thế lực thù địch tấn công, trả đũa. Đồng thời khuyến khích mọi người chủ động, tích cực tham gia vào việc bảo vệ những người đấu tranh, tấn công, phản bác quan điểm sai trái, thù địch và xử lý các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Trong những năm trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện thêm các văn bản pháp lý, các quy định theo hướng cụ thể hóa các văn bản pháp luật, chi tiết hóa các bộ luật bằng các nghị định, thông tư, hướng dẫn và tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đủ sức cảnh báo, răn đe cả đối với những người trực tiếp hoặc người đồng lõa, tiếp tay hành vi lợi dụng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc. Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo nhận thức và thực thi thống nhất trên phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực và đối với mọi hành vi vi phạm. Ngoài ra, cũng cần soạn thảo và ban hành quy định về phạm vi trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tránh việc chồng chéo hoặc tình trạng “cha chung không ai khóc” khi xuất hiện thông tin sai lệch, xuyên tạc. Sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Ngoài việc xây dựng hệ thống pháp luật, các quy định mang tính pháp lý (“Luật chơi”) cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tức là “Cách chơi”. Hệ thống cơ chế, chính sách phải tạo ra động lực thúc đẩy mọi cá nhân, mọi tổ chức tham gia vào hoạt động đấu tranh, xử lý. Đồng thời phát huy được trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò của Ban chỉ đạo 35, của các chuyên gia, các cộng tác viên trong đấu tranh, xử lý. Cơ chế, chính sách còn bảo đảm cho việc phối hợp chặt chẽ các lực lượng, các phương tiện trong từng giai đoạn, từng bước của quy trình xử lý.
Hai là, xây dựng và từng bước hoàn thiện quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, tạo lập các điều kiện khách quan, chủ quan cho việc thực thi thống nhất và hiệu lực quy trình này.
Hiện nay, việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận chưa được áp dụng theo một quy trình nhất định và nhất quán. Việc xử lý theo quy trình chưa mang tính phổ biến. Mỗi nơi, mỗi địa phương, căn cứ luật pháp và các quy định, các chế tài hiện hành và điều kiện thực tế mà ra quyết định xử lý. Hai ngành được coi là áp dụng khá tốt quy trình xử lý là Công an và Quân đội. Việc chưa có quy trình thống nhất và thực thi quy trình đồng bộ là một nguyên nhân trực tiếp của thực trạng xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận trên mạng xã hội thiếu triệt để, hiệu quả chưa cao. Điều đó đòi hỏi phải sớm xây dựng, hoàn thiện quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc làm căn cứ, định hướng cho quá trình xử lý thống nhất, khách quan, nghiêm minh, triệt để.
Các nghiên cứu gần đây xác định rằng, để việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận đạt hiệu quả cao, cần trải qua một quy trình bao gồm 4 giai đoạn: 1) Giai đoạn nghiên cứu và nhận diện; 2) Giai đoạn lập phương án xử lý và chuẩn bị; 3) Giai đoạn thực thi các giải pháp xử lý; 4) Giai đoạn sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm.
Bốn giai đoạn này được cụ thể hóa thành 9 bước cơ bản như sau:
1. Nhận diện ban đầu về thông tin sai lệch, xuyên tạc. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền;
2. Thảo luận, kết luận về nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc;
3. Thẩm định nguồn tin và xác định các chiều tác động, ảnh hưởng; lấy ý kiến tư vấn của tổ chuyên gia và đề xuất định hướng, kế hoạch xử lý;
4. Ra các quyết định xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc;
5. Thực hiện các biện pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc;
6. Truyền thông sau khủng hoảng (nếu cần);
7. Lưu, bổ sung, cập nhật hồ sơ, dữ liệu;
8. Đánh giá tác động, đánh giá hiệu quả, phản hồi;
9. Rút kinh nghiệm, lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cho tương lai(1).
Hiện nay, các bước, các giai đoạn trong quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đã được thực hiện ở một mức độ nhất định, nhưng chưa đồng đều và thiếu thống nhất. Công an và Quân đội là hai ngành được đánh giá thực hiện nghiêm và đầy đủ các bước, các giai đoạn trong quy trình xử lý. Trong 4 giai đoạn của quy trình xử lý, giai đoạn 1 và giai đoạn 3 được đánh giá là thực hiện tốt. Còn giai đoạn 2 - giai đoạn lập phương án xử lý và giai đoạn 4 - giai đoạn sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được thực hiện phổ biến ở các địa phương, bộ, ngành, trừ Công an và Quân đội. Ngoài ra, hoạt động thuộc bước thứ 9 “Lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cho tương lai” được thực hiện với tỉ lệ thấp và phổ biến ở các địa bàn khảo sát. Kết quả trên cho thấy, tính chủ động, tính liên tục, tính lâu dài, tính mục đích trong hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc chưa thực sự được coi trọng đúng mức(2).
Chính vì vậy, cần nghiên cứu một cách khoa học, tỉ mỉ các giai đoạn, các bước của quy trình xử lý và ban hành quy định về quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, tạo thế chủ động và tính nghiêm minh, thống nhất, hiệu quả trong việc việc xử lý. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình xử lý cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia hoạt động xử lý.
Ba là, kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo 35, đổi mới hoạt động của Tổ chuyên gia.
Trước đây, để thực hiện cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm xây dựng bộ máy chuyên trách đảm nhận nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết này. Đó là Ban chỉ đạo 94 (Ban chỉ đạo đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa); Ban chỉ đạo 609 (Ban chỉ đạo đấu tranh trên mặt trận lý luận); Ban chỉ đạo Đề án 213 (Ban chỉ đạo đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật) và Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ…
Sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết 35/NQ-TW ngày 18.10.2018, các Ban chỉ đạo 35 đã được thành lập ở các cấp từ trung ương đến địa phương, nhằm tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các Ban chỉ đạo 35 đều được thành lập. Ban chỉ đạo 35 của các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng xử lý và đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo 35 thể hiện rõ tính chuyên nghiệp hơn, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận cần được xây dựng theo hướng chuyên trách trong khuôn khổ của mô hình tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo 35 ở tất cả các cấp, các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, Ban chỉ đạo 35 các cấp, nhất là cấp trung ương, cấp bộ, ngành cần tăng cường chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, thường xuyên đối với nhiệm vụ xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này, Ban chỉ đạo 35 các cấp cần đầu tư và nhanh chóng xây dựng bộ phận điều hành kỹ thuật (phòng, ban, tổ) phục vụ công tác xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì đây là hoạt động thường xuyên sử dụng công nghệ cao, tiên tiến nhất, hiện đại nhất để phát hiện, thẩm định, phân tích, nhận diện, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Các Ban chỉ đạo 35 cần lập kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, sao cho mọi hoạt động của mình mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, chủ động, hiệu lực và hiệu quả, tránh hình thức, thời vụ, bị động, nhất thời, khép kín. Hoạt động của Ban chỉ đạo 35, nhất là của tổ chuyên gia hiện nay cần chú trọng đến việc nêu cao ý thức trách nhiệm, tạo sức đề kháng, “sự miễn dịch” cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân.
Để hoàn thành nhiệm vụ xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận do các thế lực thù địch truyền bá, phát tán trên mạng xã hội, Ban chỉ đạo 35, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, cần quan tâm việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển các lực lượng nòng cốt, chuyên trách, đội ngũ chuyên gia; thường xuyên đổi mới đội ngũ cán bộ, thay thế những cán bộ non về năng lực, sức khỏe không đảm bảo, thiếu nhiệt tình. Đồng thời, chú trọng đào tạo cán bộ trẻ tạo nguồn cho việc bổ sung, kiện toàn lực lượng chuyên trách. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ khoa học, bản lĩnh và sự nhạy bén về chính trị, phẩm chất đạo đức cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận phát tán trên mạng xã hội cần tập trung vào các khối kiến thức và kĩ năng sau:
1) Lý luận chính trị;
2) Ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc;
3) Công nghệ thông tin, an toàn thông tin và an ninh thông tin;
4) Báo chí truyền thông, quản lý báo chí - truyền thông và mạng xã hội;
5) Các kiến thức về tâm lý học, chính trị học và khả năng nhận diện, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc(3).
Quan tâm đúng mức chế độ đãi ngộ về vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách và đội ngũ chuyên gia. Bởi hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận là hoạt động trí tuệ và mang nhiều đặc thù, đòi hỏi rất cao ở người tham gia về trí lực, tâm lực, thể lực. Vì vậy, người tham gia cần được đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần, tâm lý để tái sản xuất sức lao động, duy trì thường xuyên nhiệt tình, sự sáng tạo trong công tác. Thực hiện chế độ khen thưởng, động viên, khuyến khích các lực lượng tích cực, tự giác tham gia hiệu quả vào mọi hoạt động của quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng ở mọi cấp tham gia vào mọi hoạt động của quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận phát tán trên mạng xã hội có nhiều chủ thể, nhiều lực lượng và được bố trí triển khai thông qua nhiều nội dung, nhiều phương thức, tác động đến nhiều đối tượng, thực hiện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và diễn ra ở tất cả các cấp. Ngoài ra, một số cán bộ thực tiễn tham gia việc xử lý nhận định rằng, mặc dù sự phối hợp trong công tác xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc đã đạt một số thành công, tuy nhiên sự phối hợp chủ yếu diễn ra trong nội bộ đơn vị, cơ quan, việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức bên ngoài hiện còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc phối hợp là rất cần thiết nhằm phát huy tối đa sức mạnh, ưu thế của tất cả các lực lượng, các nội dung, các phương thức, tạo thành và nhân lên sức mạnh tổng hợp lớn nhất trong việc ngăn chặn và xử lý triệt để, có hiệu quả các thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận do các thế lực thù địch cấu kết truyền bá trên mạng xã hội hướng vào các đối tượng ở nước ta.
Mô hình tổng thể về phối hợp các lực lượng, các nội dung, phương thức xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận là kết hợp giữa phối hợp trên quy mô toàn quốc với quy mô ngành, địa phương, giữa quốc gia và quốc tế, giữa trong nước với nước ngoài, giữa chiều dọc và chiều ngang và sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chiều dọc và chiều ngang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn dân, cần xây dựng mô hình phối hợp tổng thể trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở nước ta như sau:
- Phối hợp theo chiều ngang: là sự phối hợp giữa các lực lượng, các chủ thể xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong cùng một cấp. Chẳng hạn, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành có liên quan trong xử lý. Ở các địa phương cũng có sự phối hợp chiều ngang giữa ban tuyên giáo cấp ủy với các sở/ phòng và ngành tương ứng.
- Phối hợp theo chiều dọc: là sự phối hợp theo cấp hành chính của cùng một ban, bộ, ngành, lĩnh vực. Theo đó, Ban chỉ đạo 35 của từng ban, bộ, ngành, lĩnh vực phối hợp từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để xử lý những vấn đề thuộc phạm vi công tác của mình hay những thông tin sai lệch, xuyên tạc chỉ liên quan đến ngành mình, lĩnh vực của mình.
- Phối hợp phức hợp: là sự kết hợp phối hợp giữa chiều ngang và chiều dọc một cách linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả. Theo đó, một ban, ngành có thể phối hợp với ban, ngành khác ở cùng cấp và với ban, ngành đó ở cấp trên và cấp dưới để xử lý những thông tin liên quan không chỉ đến ngành, lĩnh vực theo chiều dọc mà còn đến một số ngành, lĩnh vực khác.
- Phối hợp trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề, những thông tin sai lệch, xuyên tạc có yếu tố quốc tế.
Trong hoạt động và vận hành các mô hình phối hợp trên đây, ngành tuyên giáo giữ vai trò nòng cốt, các cơ quan báo chí - truyền thông có vai trò chủ lực, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách đắc lực và tích cực.
Ngoài ra Ban chỉ đạo 35 các cấp cần phối hợp và đề nghị hỗ trợ về mặt công nghệ và chuyên môn từ các cơ quan chuyên trách về an ninh mạng như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng); Lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh… trong quá trình phát hiện, nhận diện và xác định, thực thi các giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Năm là, đổi mới và áp dụng có hiệu quả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận trên mạng xã hội.
Hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, đấu tranh bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có đặc điểm nổi bật là nó diễn ra trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Cho nên, các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) được các quốc gia, các tổ chức, các thế lực, các cá nhân vận dụng, áp dụng triệt để và ngay lập tức vào cuộc chiến không tiếng súng này.
Đối với Việt Nam, giải pháp công nghệ chủ động nhất, hữu hiệu nhất trong việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là phải hướng vào việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, có khả năng tiếp cận, xử lý và khuếch tán vào dòng thông tin quốc tế một lượng thông tin đủ lớn, đủ mạnh của Việt Nam để tạo ra sự hiểu biết và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Mặt khác, cần đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện và trang bị công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại cho các cơ quan báo chí truyền thông và các cơ quan tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc để các cơ quan này đạt tới trình độ công nghệ chung của thế giới hiện đại, có khả năng hòa nhập, hội nhập vào trình độ thông tin của thế giới, qua đó mà khuyếch tán, chia sẻ, thẩm thấu thông tin của Việt Nam vào dòng chảy thông tin quốc tế.
Cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Sớm nghiên cứu đưa vào khai thác và sử dụng thường xuyên các phần mềm phục vụ việc kiểm soát, phân loại, phân luồng thông tin tích cực, tiêu cực trên mạng xã hội, cảnh báo các luồng thông tin mà dư luận đặc biệt quan tâm và có khả năng xảy ra biểu tình và cao hơn là xẩy ra điểm nóng. Ứng dụng các kỹ thuật phân tích, điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ, khóa tài khoản của đối phương(4). Xây dựng các bộ lọc nhằm tìm kiếm nhanh các từ khóa mang tính chất phản động, bôi nhọ, kích động để ngăn chặn, lọc bỏ, gỡ bỏ. Phát triển các Rôbôt mạng tham gia các chiến dịch truyền thông nhằm truyền bá các thông tin tích cực, pha loãng, làm phân tán luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc, loại bỏ các tin xấu độc, tin đồn thất thiệt. Kiểm soát, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông để tuyên truyền xuyên tạc, truyền bá thông tin chứa đựng nội dung sai lệch, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, về lý luận và thực tiễn, về lịch sử và hiện trạng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phong tỏa các tài khoản được lập ra để nhận tài trợ bất hợp pháp về tài chính từ các tổ chức và cá nhân ở bên ngoài nhằm hỗ trợ các hoạt động truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Tăng cường phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước, các định chế quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ nguy cơ, tác hại mà các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận có thể gây ra đối với Việt Nam.
Song song với việc thực hiện nội dung giải pháp về công nghệ nêu trên, cần nghiên cứu, phát triển nhanh các mạng xã hội nội địa có khả năng cạnh tranh, thậm chí kiềm chế sự độc quyền của các mạng xã hội nước ngoài. Tạo thế chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ xa các hoạt động sử dụng không gian mạng để truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc và trong xử lý hiệu quả các thông tin này.
Giải pháp về sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong đấu tranh phòng, chống, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc khá đa dạng. Nó đòi hỏi không chỉ việc đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại, đồng bộ mà quan trọng hơn là đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia công nghệ tài năng, sắc sảo, sáng tạo, có trí tuệ, có bản lĩnh và lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Một đội ngũ như vậy chỉ có thể được xây dựng, phát triển trên cơ sở tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên ở trong nước và ở nước ngoài, được sử dụng hợp lý, được đánh giá đúng mức, được động viên, khích lệ về vật chất và tinh thần thỏa đáng, được đưa vào thực tiễn để tôi rèn và phát triển năng lực sáng tạo.
Sáu là, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng và xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Tăng cường, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận phát tán trên mạng xã hội tại Việt Nam xuất phát từ các lý do sau:
- Mối đe dọa về an toàn thông tin mạng hiện nay đã mang tính toàn cầu. Tin giả, thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc đối với loài người và đối với mỗi quốc gia, dân tộc đã mang tính quốc tế, diễn ra ở mọi nơi trên thế giới và đòi hỏi sự chung tay giải quyết của các tổ chức quốc tế và của mọi quốc gia trên thế giới.
- Chủ thể của các thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận là các thế lực thù địch từ nước ngoài cấu kết với các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất… trong nước thực hiện. Điều đó có nghĩa là, chủ thể các thông tin sai lệch, xuyên tạc mang tính xuyên biên giới.
- Do tính chất không biên giới của Internet và mạng xã hội. Nhiều nền tảng mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam có máy chủ đặt ở nước ngoài, do các nhà mạng nước ngoài sở hữu và quản lý.
Hợp tác quốc tế trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về lĩnh vực tư tưởng, lý luận cần được kết hợp chặt chẽ và cần được coi là một nội dung của hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Hình thức hợp tác không chỉ dừng lại ở các cuộc tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, hội nghị, hội thảo… trên các diễn đàn quốc tế nhằm tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Cần tăng cường ký kết và thực thi có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế, các điều ước, công ước quốc tế dưới hình thức song phương, đa phương về phòng, chống thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả.
Tăng cường hơn nữa việc hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ thông tin có trình độ phát triển cao để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo vệ an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, lọc bỏ, gỡ bỏ và có chế tài xử lý đối với các thông tin sai lệch, xuyên tạc ảnh hưởng đến Việt Nam(5).
Các giải pháp trên đây là một thể thống nhất, đòi hỏi được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương, từng bộ, ngành. Để mang lại hiệu quả cao trong quá trình xử lý một số giải pháp đòi hỏi cần được thực thi triệt để và phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ không chỉ trên phạm vi cả nước, trong toàn bộ hệ thống, mà còn có sự hợp tác ở phạm vi khu vực và quốc tế./.
______________________________
(1), (2), (3) Đỗ Thị Thu Hằng (Chủ nhiệm đề tài) (2020) Báo cáo tóm tắt đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm năm 2019 “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.21-22, 29-30.
(4), (5) Mai Đức Ngọc (Chủ nhiệm đề tài) (2020), Báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm năm 2019 “Nghiên cứu định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.257 - 258, 265 - 266.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2020), Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb. CTQG Sự thật - Nxb. Trẻ, Hà Nội.
2. Học viện Báo chí và Tuyên truyển, KOICA, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (2020), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin”.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2.2021
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận