(LLCT&TT) Trong các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, có luận điệu phủ nhận tư tưởng của Người về kinh tế nhiều thành phần. Thực tế, Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói chuyện bàn về những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam và hợp tác kinh tế quốc tế. Đó là tư tưởng về xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, có nhiều hình thức sở hữu, kinh tế quốc doanh luôn đóng vai trò chủ đạo và có vai trò của nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác; gợi ý cho chúng ta nhiều luận điểm về hội nhập kinh tế quốc tế. Bài viết là những luận chứng góp thêm một số tư liệu vào việc phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phủ nhận tư tưởng của Người về kinh tế.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; đồng thời, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động không mệt mỏi, tìm tòi, khảo sát con đường cứu nước của các vị tiền bối, loại trừ con đường cách mạng tư sản Âu - Mỹ, lựa chọn con đường cách mạng vô sản, sáng lập tổ chức Đảng Cộng sản, lãnh đạo, dõi theo từng bước chuyển của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta; để lại di sản tinh thần vô giá mãi soi sáng con đường chúng ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn xuất hiện những luận điệu xuyên tạc hòng bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, phủ nhận sự cống hiến của Người đối với cách mạng Việt Nam và gây tổn hại đến di sản Hồ Chí Minh. Sự tấn công, chống phá, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra từ sớm, gắn với quá trình Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước; không tách rời âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc chống cộng, các thủ đoạn chống Đảng Cộng sản Việt Nam và chống phong trào đấu tranh cứu nước, cách mạng của nhân dân ta. Đặc biệt, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), sự tấn công, chống phá, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên gay gắt hơn.
2. Tuy số lượng không nhiều nhưng qua một số bài viết, bài nói chuyện, như: Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam (ngày 11.4.1946), Thường thức chính trị (tháng 9.1953), Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (tháng 12.1959)..., Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều nội dung quan trọng về con đường phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là tư tưởng xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, có nhiều hình thức sở hữu; kinh tế quốc doanh luôn đóng vai trò chủ đạo và có vai trò của nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác; gợi ý một số luận điểm về hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, có ý nghĩa làm luận chứng góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.
Một là, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của việc phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.
Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã xác định: sau khi giành được chính quyền cách mạng sẽ “áp dụng những nguyên tắc tân chính sách kinh tế”(1), chính là áp dụng Chính sách Kinh tế mới (NEP) như của V.I.Lênin áp dụng cho nước Nga từ năm 1921. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh xác định xây dựng kinh tế là “nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”, bởi vì “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(2) và “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(3).
Điều đó cũng cho thấy, nếu như trước khi giành được chính quyền cách mạng về tay nhân dân, thực hiện cấp thiết nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh thứ tự các nhiệm vụ dân tộc, dân quyền, dân sinh, thì từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người nhấn mạnh dân sinh, dân quyền, dân tộc. Ví dụ, ngày 9.11.1946, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người nói: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc"(4). Thực tế là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vấn đề dân tộc và dân quyền coi như căn bản đạt mục tiêu (mặc dù phải tiếp tục củng cố, bảo vệ, xây dựng và phát triển), nên có điều kiện thực hiện vấn đề dân sinh, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân tin tưởng, tích cực làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đến năm 1953, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai đang đến gần giai đoạn thắng lợi cuối cùng, Người khẳng định: “Tùy hoàn cảnh mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến CNXH (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên CNXH (cộng sản) như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta…”. Đối với Việt Nam, mục đích “kháng chiến để đập tan ách đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất thực sự, thực hiện chế độ dân chủ mới, tiến tới CNXH và chủ nghĩa cộng sản”(5). Theo cách diễn đạt đó của Hồ Chí Minh, chế độ dân chủ mới hẳn là thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam.
Từ sau 1954, khi miền Bắc nước ta bước vào xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh vạch rõ: “đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng XHCN, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”(6). Theo Người, nền kinh tế đó có 5 loại kinh tế khác nhau: kinh tế quốc doanh, kinh tế các hợp tác xã, kinh tế của cá nhân, kinh tế tư bản của tư nhân, kinh tế tư bản của nhà nước. Trong đó, “kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả”(7). Rõ ràng, ở chừng mực nhất định, hàm ý của vấn đề đó cho chúng ta thấy sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là tất yếu khách quan.
Hai là, Hồ Chí Minh chỉ rõ các thành phần và các hình thức sở hữu kinh tế ở Việt Nam.
Từ năm 1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ ở vùng tự do nước ta còn tồn tại 6 thành phần kinh tế là: (1) Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô. (2) Kinh tế quốc doanh, có tính chất CNXH. (3) Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa CNXH. (4) Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, họ thường tự túc, ít có gì bán và cũng ít khi mua gì. (5) Kinh tế tư bản của tư nhân. (6) Kinh tế tư bản quốc gia. Trong loại này, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. Tư bản của Nhà nước là CNXH(8).
Nhưng về lâu dài, để phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, Hồ Chí Minh chỉ ra 5 loại kinh tế khác nhau, đó là: “A- Kinh tế quốc doanh (thuộc CNXH, vì nó là của chung của nhân dân). B- Các hợp tác xã (nó là nửa CNXH, và sẽ tiến đến CNXH). C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa CNXH). D- Tư bản của tư nhân. E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh). Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng CNXH chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”(9).
Đến năm 1959, Hồ Chí Minh chỉ rõ ở Việt Nam có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất: (1) Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. (2) Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. (3) Sở hữu của người lao động riêng lẻ. (4) Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản. Trong đó, “kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên”. Còn “kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển”. Đồng thời, nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo hướng CNXH bằng “hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”. Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Nhà nước dùng cơ quan của mình và dựa vào công đoàn, hợp tác xã, các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế(10).
Ba là, Hồ Chí Minh gợi mở một số chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Chính sách đó gồm bốn điểm mấu chốt sau đây:
(1) Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
(2) Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên.
(3) Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông.
(4) Lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta. Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta(11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm khách quan với kinh tế tư bản tư nhân, vì Người nhìn thấy đặc điểm riêng của giai cấp tư sản Việt Nam. Đó là “giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước”, cho nên, “nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo CNXH”(12). Bên cạnh đó, Người rất quan tâm tới việc phát triển kinh tế của Việt kiều để có sức đầu tư về nước: “Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam”(13).
Bốn là, Hồ Chí Minh đưa ra một số gợi ý về giải pháp phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.
Thứ nhất, phát triển kinh tế đi đôi với quản lý có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.Theo Người, “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi CNXH, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc” và “sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”(14). Trong phát triển kinh tế phải chống ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là những “giặc nội xâm” - đồng minh với giặc ngoại xâm, “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Cần quản lý kinh tế, phân phối sản phẩm sao cho công bằng để kích thích động lực phát triển. Ví như, không nên chia phần tốt cho vợ, con mình còn phần xấu thì chia cho người khác; phải thật minh bạch tất cả các khoản chi, khoản thu; ban quản trị không được tư túi, tiêu xài mà không báo cáo.
Thứ hai, ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng phải xây dựng cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hợp lý. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11.4.1946, Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(15). Ba năm sau, Người lại nhấn mạnh: “Mặt trận kinh tế gồm có công nghệ, buôn bán, nông nghiệp. Ngành nào cũng quan trọng cả. Nhưng lúc này quan trọng nhất là nông nghiệp, vì “có thực mới vực được đạo”(16).
Tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 10.12.1954, Người cảnh báo: “Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít. Trung Quốc phát triển cả công nghiệp nặng, nhẹ, đồng thời cả nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”(17). Sau đó, Người căn dặn: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính”; “Nền kinh tế XHCN có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp..., hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”(18).
Thứ ba, phải đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; khuyến khích lợi ích cá nhân hợp pháp, có kích thích lợi ích vật chất. Để tạo động lực cho nền kinh tế, phát huy quyền làm chủ trong lao động, sản xuất và phân phối, Người đề ra phương pháp: “Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”. Đối với phân phối thì: “Làm tốt, làm nhiều: hưởng nhiều; làm xấu, làm ít: hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không”(19). Trong điều hành, quản lý kinh tế, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt là tránh để thất thoát, lãng phí của công.
Thứ tư, chủ động mở cửa hội nhập kinh tế, có kế hoạch sản xuất, tiết kiệm, hài hòa, đều có lợi. Từ năm 1919, trong bài đăng Báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết kết luận: “Xét về nguyên tắc tiến bộ chung thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; văn minh chỉ có lợi cho các quan hệ quốc tế mở rộng và tăng cường”(20).
Tư tưởng này về sau được cụ thể hóa trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân... Trong cuộc đấu tranh về quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho sự nghiệp chung: đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”(21).
Thông điệp ấy được Hồ Chí Minh nêu ở Lời kêu gọi Liên hợp quốc, khi “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị đặt trong một cuộc xung đột vũ trang gây ra bởi các lực lượng Pháp” và chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến “trường kỳ, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”. Lúc đó, mục đích chính của thông điệp là: “Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước Đồng minh khác trình bày trước Liên hợp quốc về cuộc xung đột và xin tố cáo những nguyên nhân, trách nhiệm về cuộc xung đột này”. Đành rằng, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khác hiện nay và tất nhiên chúng ta không thể máy móc lấy tiêu chuẩn của ngày nay áp đặt cho quá khứ. Nhưng thông điệp mà người đưa ra cách đây gần 75 năm vẫn có ý nghĩa đối với mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn hiện nay.
Về mặt tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, Hồ Chí Minh chỉ rõ: kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ Trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, địa phương căn cứ vào kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người có kế hoạch riêng của mình sao cho ăn khớp với kế hoạch chung. Cán bộ phải biết lao động và phải tham gia lao động; người lao động phải biết quản lý và tham gia quản lý. Thực hiện nguyên tắc phân phối công bằng, hợp lý làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, những người già yếu, tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom. Các quan hệ lợi ích phải được giải quyết hài hòa, cá nhân và tập thể, nhà nước và nhân dân phải đều có lợi.
3. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh về tính khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH là hoàn toàn đúng đắn. Nhiều luận điểm của Hồ Chí Minh về kinh tế đến nay vẫn nguyên giá trị, trở thành điểm cốt lõi trong đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt là quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(22).
Mặc dù, có lúc chúng ta chưa hiểu hết để vận dụng đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam. Thậm chí, có lúc dẫn tới khuynh hướng muốn xóa bỏ ngay thành phần kinh tế tư nhân, quan tâm phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Song, từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 đến nay, chúng ta có nhận thức và hành động sát với tư tưởng của Hồ Chí Minh về kinh tế, coi kinh tế nhiều thành phần là đặc thù của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, ngày càng đánh giá khách quan về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân; cho phép phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể trong những ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Từ Đại hội XIII của Đảng, “kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”(23).
Việc nghiên cứu đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế sẽ cung cấp thêm những luận điểm quan trọng, làm cơ sở lý luận cho Đảng ta hoàn thiện đường lối kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp thêm luận cứ khoa học vào hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật tạo điều kiện khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, đảm bảo định hướng XHCN.
Chúng ta đang từng bước hoàn thiện thể chế nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đặc điểm về điều kiện nước ta nên nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng, vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ tư tưởng của Người về kinh tế nông nghiệp để vận dụng vào quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng việc mở cửa nền kinh tế để bắt nhịp với xu thế thời đại, chúng ta cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường đối ngoại theo hướng ngày càng rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam; mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, kêu gọi đầu tư, tích cực liên kết, liên doanh, hợp tác phát triển kinh tế. Kế thừa và phát triển quan điểm trên, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”.
Ngoài những ý nghĩa đó, việc nghiên cứu đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế chính là cung cấp luận cứ khoa học cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay./.
___________________________________________________
(1) PGS, TS Hoàng Trang, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.
(2), (4), (15), (21) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.4, tr.175, 491, 246, 523.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.518.
(5), (7), (8), (9), (11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.8, tr.216, 293 - 294, 266, 267.
(6), (10), (18) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.411 - 412, 372 - 373, 162, 635.
(12), (19) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.391, 537 - 538, 534.
(13) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.80.
(14) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.13, tr.70.
(16) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.6, tr.212.
(17) Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện trong tháng 12 qua các năm (1890 - 1969), trang web của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(20) Hồ Chí Minh (2011), Sđd , T.1, tr.9.
(22), (23) Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.79 - 80, 81.
Bình luận