Hiệp định Pari - thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thứ hai, 13:23 01-04-2024
(LLCT&TT) Hội nghị Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao tay đôi đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc bằng Hiệp định Paris. Hiệp định Paris đã góp phần tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước đi vào giải pháp, chấm dứt chiến tranh và can thiệp ở Việt Nam. Việc Mỹ buộc phải “cút” khỏi miền Nam đã mở ra cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân và dân ta tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
I. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris là hoạt động ngoại giao lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, là một sự kiện quốc tế được dư luận thế giới chú ý nhiều nhất bởi vì:
1- Cuộc đàm phán gắn liền với diễn biến trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương. Thông qua diễn tiến đàm phán và dư luận quốc tế, người ta dễ dàng hiểu được thế trận trên chiến trường, cũng như qua tình hình chiến trường và dư luận quốc tế, người ta có thể phán đoán được diễn tiến cuộc đàm phán. Thế trận trên bàn đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào thế trận trên chiến trường.
2- Cuộc đàm phán là cuộc đối đầu giữa hai bên về ngoại giao: một bên là nền ngoại giao nhà nghề, lâu đời của một siêu cường với chính sách đàm phán trên thế mạnh, củ cà rốt đi liền với cái gậy; một bên là nền ngoại giao non trẻ của nhà nước cách mạng với chính sách ngoại giao nhân dân, dựa vào đạo lý và thế chính nghĩa.
3- Cuộc đàm phán suốt thời gian dài trước hết là cuộc đấu lý, đấu tranh để phân biệt phải trái, đúng sai, để tranh thủ dư luận thế giới và dư luận trong nước Mỹ. Cả hai phía đều rất coi trọng yêu cầu này cho đến khi tình hình chiến trường tạo được thời cơ, hai bên mới đi vào mặc cả về giải pháp.
Do có tính chất như vậy nên cuộc đàm phán có những đặc điểm chính sau đây:
Một là, cuộc đàm phán Paris là một cuộc đàm phán quốc tế kéo dài. Tính từ lúc mở đàm phán song phương Việt Nam - Mỹ ngày 13.5.1968 đến ngày ký Hiệp định 27.1.1973 là 4 năm, 8 tháng, 14 ngày.
Hai là, cuộc đàm phán Paris có nhiều diễn đàn khác nhau: đàm phán song phương Việt Nam - Mỹ (1968); diễn đàn bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Mỹ - chính quyền Sài Gòn (1969 - 1971); diễn đàn gặp riêng (đàm phán bí mật) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Mỹ (1971 - 1973).
Ba là, nội dung đàm phán có hai phần chính: đấu tranh đạo lý, phân biệt đúng sai là phần chủ yếu, chiếm tới 80% thời gian đàm phán và chủ yếu diễn ra công khai tại diễn đàn bốn bên.
Bốn là, đàm phán đã gay go đến khi kết thúc việc ký kết các văn bản cũng rất phức tạp và khác thường:
- Văn bản chính là văn bản Hiệp định, có hai văn bản khác nhau: văn bản Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký với Hoa Kỳ ký và văn bản bốn bên tham chiến ký.
- Bốn Nghị định thư.
- Tám bản hiểu biết, nêu những thoả thuận và cam kết của hai bên mà vì tế nhị ngoại giao không đưa được vào các văn kiện công khai.
- Cụ thể hoá Điều 21 về đóng góp của Mỹ để hàn gắn vết thương chiến tranh, có riêng một thông điệp của Tổng thống Mỹ.
Năm là, trên bình diện quốc tế, cuộc đàm phán và Hiệp định Paris được dư luận quan tâm; các báo, các hãng thông tấn lớn luôn luôn có tường thuật, bình luận về diễn biến cuộc đàm phán; rất nhiều nhà báo quốc tế theo dõi sát cuộc đàm phán suốt gần năm năm. Đó cũng là một thuận lợi cho Việt Nam.
Sáu là, các chính phủ, chính giới các nước cũng rất quan tâm tới cuộc đàm phán. Liên Xô, Trung Quốc - hai đồng minh chính của Việt Nam; Pháp - nước chủ nhà đều có tổ chức riêng theo dõi cuộc đàm phán để tìm cách tác động theo lợi ích chiến lược từng nước. Các nước khác ít liên quan trực tiếp cũng chú ý theo dõi cuộc chiến tranh và tình hình đàm phán.
II. Cuộc đàm phán Paris kéo dài, các bên đã ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, các văn kiện được ký kết bao gồm nhiều nội dung về các vấn đề chính trị, quân sự, nội bộ miền Nam… Những vấn đề lớn và cơ bản nhất trong Hiệp định Paris phản ánh thắng lợi to lớn của ta, cũng là cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam tiếp tục phát triển sau đó.
Thứ nhất, quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Đi vào Hiệp định Paris, phía Việt Nam kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ phải cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là một trong những mục tiêu xuyên suốt cơ bản nhất, quan trọng nhất của cách mạng nước ta. Tại cuộc đàm phán này, nhiều lần phía Mỹ tìm mọi cách lẩn tránh hoặc hạ thấp giá trị của vấn đề. Cuối cùng, điều khoản này được đưa vào vị trí trang trọng nhất, thành một chương riêng của Hiệp định. “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Hiệp định ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây:
1) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.
2) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.
3) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam” (Điều 9).
Liên quan đến quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết như đã nêu, còn có điều khoản ràng buộc cụ thể hơn:
“Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam” (Điều 4).
Những cam kết này vừa là nền tảng chính trị và pháp lý của toàn bộ Hiệp định vừa có ý nghĩa khẳng định cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là trái đạo lý và pháp lý quốc tế. Nó cũng là cơ sở pháp lý mạnh mẽ bảo đảm đưa cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên và là công cụ hữu hiệu ngăn chặn Mỹ can thiệp trở lại vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Thứ hai, Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh, chấm dứt đánh phá miền Bắc, phá huỷ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam.
Hiệp định ghi rõ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự… của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác…” (Điều 5). “Việc huỷ bỏ tất cả căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ… sẽ hoàn thành trong thời hạn 60 ngày… (Điều 6) và… Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà… (Điều 2), còn “Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình” (Điều 3b).
Như vậy, yêu cầu cơ bản nhất của Việt Nam trong đàm phán là Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, ngừng bắn tại chỗ; các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam sẽ ở nguyên vị trí; việc quân miền Bắc không được nói đến trong Hiệp định Paris là thắng lợi cơ bản của ta trước luận điệu và đòi hỏi vô lý của phía Mỹ đưa ra.
Như vậy, Hiệp định Paris đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta, tạo ra một bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam: Mỹ rút, Ngụy suy yếu, quân ta ở lại và mạnh lên. Đây là cơ sở có tính chất quyết định để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thứ ba, xác nhận trên lãnh thổ miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị; hai chính quyền hiệp thương giải quyết các vấn đề nội bộ miền Nam.
Tất cả các điều khoản quân sự - chính trị về miền Nam phản ánh thực tế tình hình miền Nam sau khi ngừng bắn được các bên công nhận: hai chính quyền ở miền Nam - chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cùng song song tồn tại. Mỗi bên quản lý vùng do mình kiểm soát và giữ quyền quan hệ ngoại giao vốn có. Lực lượng chính trị, vũ trang của hai bên giữ nguyên vẹn và “ở nguyên vị trí” (Điều 3b). Về các vấn đề chính trị, Hiệp định Paris đề ra các nguyên tắc và phương hướng lớn: “hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương… để thành lập Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau” (Điều 12a). Vậy là các điều khoản của Hiệp định đưa tới việc thừa nhận trên thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. Hai chính quyền bình đẳng với nhau và cùng chịu trách nhiệm về tương lai của miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, những quy định này còn có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng. Chính quyền Sài Gòn không còn là thực thể hợp pháp duy nhất ở miền Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời lại giành được thế hợp pháp. Từ nay, mọi vấn đề của miền Nam đều phải có tiếng nói của chính quyền cách mạng. Về thực tế, các điều khoản này mở ra con đường hợp pháp và dân chủ hoá để xoá bỏ hai chính quyền tạm thời song song tồn tại này, tiến tới thành lập một chính quyền dân chủ, tiến bộ, thống nhất cho cả miền Nam.
Thứ tư, Mỹ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.
Mỹ cam kết “… sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và toàn Đông Dương” (Điều 21). Công hàm của Tổng thống Hoa Kỳ gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (một văn kiện kèm theo Hiệp định) ghi rõ Mỹ cam kết đóng góp khoảng 3,25 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại trong thời gian năm năm. Cam kết của Mỹ trên thực tế là sự thừa nhận tính chất phi đạo lý và trái với luật pháp quốc tế của cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Thứ năm, vấn đề Campuchia và Lào.
Theo tinh thần và nội dung của Hiệp định, Việt Nam và Hoa Kỳ giải quyết ngừng bắn chung và có giải pháp toàn bộ cho toàn cõi Đông Dương với lập luận rằng: sở dĩ có chiến tranh ở Lào và Campuchia là do có chiến tranh Việt Nam. Lập trường trước sau như một của Việt Nam là: Lào và Campuchia là hai nước độc lập, có chủ quyền. Việt Nam chỉ có thể giải quyết với Mỹ mặt quốc tế của vấn đề Lào, Campuchia - tức là giải quyết việc Mỹ chấm dứt can thiệp vào Lào và Campuchia liên quan đến việc Việt Nam giúp đỡ cách mạng hai nước này. Chừng nào còn xâm lược thì nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia còn đoàn kết chiến đấu chống xâm lược.
Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Campuchia và Lào. Những vấn đề liên quan giữa các nước Đông Dương sẽ do các bên Đông Dương giải quyết... Cách mạng ba nước lần lượt giành thắng lợi trọn vẹn, đó là kết quả của sự phối hợp đấu tranh về quân sự, chính trị và ngoại giao của nhân dân ba nước Đông Dương.
Thứ sáu, bộ máy tổ chức thi hành và giám sát thi hành Hiệp định.
Đây là vấn đề rất quan trọng và tế nhị vì thành phần của bộ máy này cũng có thể giúp cho bên này hay bên kia giành lợi thế vào đúng thời điểm ngừng bắn có hiệu lực hoặc trong quá trình đàm phán, hai bên đã đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quan điểm, lập trường của mình về cơ cấu, thành phần, số lượng người, trang thiết bị của các Ban Liên hợp quân sự và Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát.
Từ kinh nghiệm Hiệp định Geneve 1954 quy định Ban Liên hợp quân sự có vai trò thứ yếu, Uỷ ban quốc tế đóng vai trò chính, nay Việt Nam đấu tranh đòi Hiệp định Paris xác định Ban Liên hợp quân sự đóng vai trò chính, Uỷ ban quốc tế có vai trò quan trọng nhưng không thể có quyền lực lớn hơn Ban Liên hợp quân sự. Các điều khoản Hiệp định Paris chỉ mới giải quyết những vấn đề nguyên tắc, còn những vấn đề thể thức thực hiện các điều khoản đó phải do Ban Liên hợp quân sự thay mặt cho các bên quy định. Hơn nữa, trong Hiệp định cũng có những điều mà các bên đã giao cho Ban Liên hợp quân sự quy định thể thức thực hiện như ngừng bắn, quy định vùng do mỗi bên kiểm soát… Cuối cùng, do quy định nhiệm vụ như vậy nên bộ máy Ban Liên hợp quân sự gồm 3.300 người, còn Uỷ ban quốc tế chỉ có 1.150 người.
Vấn đề quan trọng nữa là việc chọn thành phần các nước tham gia Uỷ ban quốc tế. Ta chủ trương thành phần của Uỷ ban quốc tế lần này cần có bốn nước và kết quả là Uỷ ban này gồm: Ba Lan, Hunggari, Indonexia, Canada. Mặt khác, ta đưa được hai nguyên tắc quan trọng vào hoạt động của Uỷ ban quốc tế là phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và nguyên tắc nhất trí trong các kết luận của Uỷ ban. Hai nguyên tắc này đều có lợi cho ta.
Thành phần và nhiệm vụ của Hội nghị quốc tế do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ thoả thuận, được nêu rõ trong Điều 19 của Hiệp định Paris. Về nội dung Định ước quốc tế, cơ bản cũng do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ thoả thuận. Hội nghị quốc tế và Định ước của Hội nghị là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho công cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, đồng thời cũng đã nâng cao vai trò và vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trên trường quốc tế.
III. Thành công lớn nhất và cũng là nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị khi tiến hành cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, gắn ngoại giao với chiến trường và tình hình quốc tế.
Thứ nhất, đó là nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của đàm phán. Trước hết là đàm phán phục vụ đấu tranh quân sự trên chiến trường, tấn công kiềm chế kẻ địch, góp phần kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, trực tiếp góp phần tranh thủ dư luận, củng cố hậu phương quốc tế của ta, tạo rối loạn cho hậu phương quốc tế và hậu phương trong nước của chính quyền nước Mỹ.
Thứ hai, vận dụng một phương sách và nghệ thuật đàm phán khôn khéo, vững chắc; phát huy tối đa chỗ mạnh của ta về chính trị, xoáy vào chỗ yếu của Mỹ là chiến tranh phi nghĩa và ở vào thế nhất thiết phải rút khỏi Việt Nam. Từ đó tìm tòi vận dụng những sách lược và lập luận đấu tranh có sức tranh thủ và thuyết phục, áp chế được đối phương và đáp ứng mong đợi của dư luận, của bạn bè.
Thứ ba, đàm phán dựa trên cơ sở nắm chắc tình hình chiến trường, nội bộ nước Mỹ và tình hình quốc tế, chủ động về bước đi, phối hợp chặt chẽ giữa đàm phán công khai và đàm phán bí mật, giữa đàm phán với vận động quốc tế. Nhờ vậy, Việt Nam giữ được độc lập tự chủ trong đàm phán, đồng thời phối hợp với anh em, bạn bè nhưng không để ai tác động vào bước đi của ta. Cuộc đàm phán Paris thật sự đã góp phần củng cố niềm tin và sự ủng hộ của bạn bè, mở rộng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Thắng lợi của đàm phán Paris cùng với cuộc chiến đấu ở trong nước đem lại cho Việt Nam các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris công nhận các quyền đó. Hiệp định đáp ứng các nguyện vọng và các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hoà bình của tất cả các nước trên thế giới. Hiệp định là một cống hiến to lớn đối với hoà bình, quyền tự quyết, độc lập dân tộc và việc cải thiện quan hệ giữa các nước./.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, tranh cổ động không chỉ mang trong mình sứ mệnh tuyên truyền vận động, cổ vũ, tinh thần chiến đấu, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, mà còn mang trong đó những giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cùng những thông điệp về khát vọng hoà bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thông điệp “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 - 1975).
Đầu năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt công chúng cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là cán bộ trường Đảng, chúng tôi may mắn sớm được nhận cuốn sách để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí - truyền thông. Đặc biệt, chúng tôi đã mang cuốn sách đó làm quà tặng Thư viện Karl Marx ở thủ đô London, Vương quốc Anh.
Khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong sức khỏe của Tổng Bí thư sẽ hồi phục. Nhưng phép màu nhiệm đã không đến... 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã ngừng đập…
Tôi biết nhà báo Lê Trí Dũng từ năm 1992. Khi đó, anh đang là sinh viên lớp đại học báo chí Khóa 10 (1992-1995), Khoa Báo chí, trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Lúc này, các lớp đại học báo chí có hai đối tượng học chung, đó là cán bộ đang làm việc ở các cơ quan báo chí và học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bình luận