Ký ức làm báo binh nhì ở một “Thời hoa lửa”
Đó là một ngày vào cuối tháng Tám năm 1972. Cả một sư đoàn lính dù của quân Ngụy Sài Gòn được lệnh bao vây và giải tỏa Thành cổ Quảng Trị lúc đó do quân giải phóng Quảng Trị đang trụ bám bảo vệ. Bom, pháo liên tục như trút xuống thành cổ. Khi bom ngừng là lính dù ào lên, tấn công vào tất cả các chốt của quân giải phóng. Nhưng đã hơn hai tháng ròng, bom cứ trút, pháo cứ chụp, lính dù tấn công, Thành cổ vẫn vững vàng.
Tôi và Nguyễn Dĩnh, hai nhà báo binh nhì được lệnh vào Thành cổ để viết và chụp ảnh về những ngày chiến đấu căng thẳng ở đây. Gọi là nhà báo binh nhì là đúng với nghĩa đen của nó. Cuối tháng 2.1972, khi mặt trận Quảng Trị rền tiếng súng. Một phần đất Quảng Trị, trong đó có Thành cổ được giải phóng thì Trường Tuyên huấn Trung ương nơi tôi đang học, tuyển một lớp phóng viên đặc biệt mang tên: Phóng viên tiền phương. Nhập ngũ, năm mươi phóng viên trẻ măng chúng tôi đeo lên vai quân hàm binh nhì và khoác ba lô hăm hở vào ngay Quảng Trị. Khi địch nống ra chiếm lại Quảng Trị thì phần lớn lớp chúng tôi đã ra Bắc, chỉ để lại chiến trường có 7 anh em, trong đó có tôi. Đến tận hôm đó, tôi cũng chưa được vào Thành cổ. Nên nhận lệnh tôi rất lo và hồi hộp. Hồi mới vào đi cùng chúng tôi còn có ít nhất là một cậu lính trinh sát dẫn đường. Còn hôm đó chỉ có hai chúng tôi, hai nhà báo binh nhì. Rời trạm giao liên T70 Bãi Hà ở Vĩnh Linh, chúng tôi theo con đường rừng luồn lách tìm xuống quốc lộ 1. Đó là đường ngắn nhất để xuống Thành cổ.Hai anh em cũng phải cách nhau chừng năm mét để tránh những bất trắc. Nhưng đến bờ sông Sa Lung đoạn trên, chúng tôi buộc phải sát lại để dìu nhau lội qua khúc sống không sâu nhưng chảy mạnh này.
Vừa lên được bờ bên kia thì bỗng đâu giống như tiếng sét nổ trên đầu.Cả hai chúng tôi cùng kinh hoàng. Vừa trẫn tĩnh được chút ít thì lại nghe tiếng ì ì đâu đó rất gần. Nguyễn Dĩnh hét lên:
- Mẹ kiếp, máy bay...
- Máy bay gì bay thấp thế?
- F8U
- F8U là gì - Tôi hỏi
- Biết quái đâu được. Chạy đi không nó tương cho trái rốc két chết bây giờ...
Chúng tôi khoác vội chiếc ba lô, xốc lại dây đeo súng và lúp xúp chạy theo con đường mòn từ bờ sông lên. Nhưng chúng tôi quên, chỉ lên hết con đường đó là gặp một cánh đồng trống không. Nhưng cũng yên tâm vì không còn thấy bóng dáng chiếc máy bay đâu nữa. Bỗng nghe một tiếng động chói tai. Chiếc máy bay lúc nãy giống như con yêu tinh hiện ra ngay trên đầu chúng tôi, tưởng như có thể với tay là đụng được nó. Dĩnh lại hét lên: "chạy". Biết chạy đường nào. Xuống ruộng thì lầy, quay lại rừng thì xa. Chỉ có mỗi một con đường bờ ruộng thôi. Đành nhắm mắt mà chạy chớ biết sao bây giờ. Ba lô nảy xóc trên lưng, súng ngắn đập vào giò. Túi mìn Cơ-lây-mo trong đó có cái máy ảnh Praktica đập vào bụng. Chiếc máy bay lại sà xuống, lần này nó không còn hăm dọa nữa mà xỉa xuống hai chúng tôi một tràng đạn súng máy. Đạn cày trên mặt đất cách chúng tôi chừng hai chục thước. Kiểu này là nó muốn xơi tái hai chúng tôi rồi. Phải liều thoát thân thôi. Chúng tôi chạy thục mạng. Dĩnh cao giò nên chạy trước tôi. Anh quay lại la lên: "Kiếm cái bờ ruộng mà nấp vào". Tôi hiểu ý anh: mỗi lần chiếc máy bay chúc xuống thì sau đó buộc nó phải nhao lên, quay ngược lại và phải bay lên thật cao rồi mới bổ nhào xuống. Thế là cuộc đuổi bắt diễn ra thực lý thú. Mỗi lần chiếc máy bay chúc xuống là một tràng súng lại rộ lên, những viên đạn cầy lên mặt đất. Chúng tôi như chọc tức nó. Khi tràng súng vừa nổ, chúng tôi lại bật dậy ào ào chạy tới. Nó quay ngoắt lại, bổ nhào nữa. Không biết chúng xả bao nhiêu tràng súng, và chúng tôi chạy không biết bao nhiêu đường đất. Thêm một lần bổ nhào nữa mà không thấy súng nổ, Nguyễn Dĩnh đứng vụt dậy la lên: "Hết đạn rồi hả? Chơi nữa không mày?". Vừa hét xong đã thấy chiếc máy bay ngóc lên. Rồi, nó phát hiện mục tiêu rồi. Lần này thì toi.Dĩnh rút khẩu K54 bên người, lên đạn nằm phục xuống. Khi chiếc máy bay sà xuống thêm một lần nữa, Dĩnh đứng dậy. Sau một câu chửi tục, anh bấm một lúc hết luôn cả băng đạn trong khẩu K54. Tôi quên nguy hiểm phá lên cười: "Máy bay Mỹ có ghẻ đâu mà mày gãi, Dĩnh". Dĩnh buông thêm một câu chửi tục nữa rồi cũng phá lên cười. Ô hay, thế mà cái máy bay bay đi luôn."Hết mẹ nó đạn rồi, bọn Mỹ này xài sang thực. Có hai thằng binh nhì mà tốn mấy thùng đạn mà không ăn thua gì" Dĩnh nói thế và lại bật cười. Cả hai chúng tôi, người chạt sình bùn. Hai chiếc ba lô quăng đi từ lúc nào. Trên người chỉ còn có những cái túi máy ảnh và khẩu súng. Chúng tôi vừa thở, vừa quay lại tìm ba lô. Trong đó ngoài một bộ quần áo, lương khô còn có thêm cái tăng và cái võng. Đó là hai thứ không thể thiếu trong chiến trường. Tăng che mưa che nắng, còn để bó xác lỡ hy sinh. Võng để thay giường ngủ. Nhưng nó còn để cáng khi lỡ bị thương.
Quá trưa, chúng tôi đến bờ sông Bến Hải. Trong những ngày ở mặt trận Quảng Trị, đã mấy lần tôi có mặt ở bờ sông này. Lần nào cũng xúc động. Cây cầu Hiền Lương còn đó. Chiến tranh đã khắc lên mình nó những vết thương. Lâu nay, không có người, không có xe chạy trên cầu ấy. Đó là Vĩ tuyến 17, nơi cách chia hai miền Nam Bắc suốt bao năm trời. Giải phóng Quảng Trị, rồi sẽ giải phóng Miền Nam, nơi này sẽ không còn là giới tuyến nữa. Tôi bảo Nguyễn Dĩnh: "Hôm nay không đi đò nữa. Bơi qua sông?" "Bơi hả. Thì bơi. Nhưng bơi ở chỗ nào". "Ngay chân cầu Hiền Lương này!". "Điên hả mày? Thuỷ lôi, bom từ trường đầy dưới đó đó". Thằng F8U lúc nãy ngay trên đầu còn chẳng sợ, còn thuỷ lôi, bom từ trường toàn nghe người ta nói. Một lần thôi, bơi được qua sống Bến Hải, là sướng rồi". Chúng tôi bỏ tất cả mọi thứ vào một cái bao ni lon, loại bao gạo của Trung Quốc. Thế là thành một cái phao. Chúng tôi lội xuống nước. Nước sông Bến Hải, vào tháng tám miền Trung nóng như rang, mát lạnh. Chúng tôi cứ lần theo chân cầu Hiền Lương mà bơi qua. Trong cuộc hành quân vào mặt trận, đã bơi qua sông Hiếu, đã lội dòng Sa Lung, đã ngoi ngóp trên sông Thạch Hãn, đã tắm ở dòng sông Mỹ Chánh, nhưng nước mát của dòng sông Bến Hải hôm đó in hoài trong trí nhớ tôi.
Thành cổ Quảng Trị đã cho tôi hàng loạt bài viết: "Trận địa phía Tây nam Thành cổ" in báo Nhân dân. Kể về một cuộc bám chốt giữ đất hất tung những cuộc tấn công của lính dù Ngụy ra khỏi Thành cổ. Ngày ấy chúng treo giải: đứa nào cắm được một lá cờ ba que lên tường Thành cổ sẽ được thưởng hai mươi ngàn tiền Ngụy và 10 ngày nghỉ phép. Nhưng chỉ một cái cờ bằng bàn tay chúng cũng không cắm được lên mặt thành Tây nam. Bài "Tổ chốt Hán Duy Long" đăng trên báo Tiền phong kể về một tổ chốt có 4 người Long, Tam, Nghinh, và Sừ, một ngày đánh không biết bao nhiêu trận. Giếng nước trong Thành cổ lẫn xác người chết đã thối. Nước uống phải chuyển từ ngoài vào cho mỗi người, mỗi ngày chỉ có một bi đông. Hai bi đông nước bị đạn thủng. Một bi đông chia nhau uống. Bi đông cuối cùng được biến thành giải thưởng. Ai bắn được một tên lính dù sẽ thưởng một ngụm nước. Đến cuối ngày bi đông nước còn nguyên môi ai cũng khô rát mà không ai muốn uống. Trận tấn công cuối cùng ồ ạt, khẩu trung liên đỏ nòng, đạn bắn ra vãi ngay trước mặt. Những giọt nước từ chiếc bi đông tưới lên nòng súng. Khẩu súng lại lên tiếng. Tổ chốt Hán Duy Long sau đó được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi còn được viết về Đỗ Mến, tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị đã cùng đơn vị bám trụ suốt hơn 80 ngày trong Thành cổ. Đơn vị sau này đã cũng được tuyên dương Anh hùng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu bài viết, trong những ngày làm báo ở Quảng Trị vậy mà nước mát dòng Bến Hải hồi đó không quên trong ký ức người làm báo như tôi.
Nguyễn Dĩnh bây giờ là đại tá, Phó cục trưởng Cục Văn hoá - Tư tưởng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Mới đây, có dịp lên Tây Ninh, anh đã tìm tôi. Thời gian chỉ đủ để chúng tôi nhắc lại cái ngày bơi qua sông Bến Hải và cười nhớ cảnh Nguyễn Dĩnh dùng súng ngắn bắn máy bay ngày xưa./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền tháng 1,2 năm 2006
Bài liên quan
- Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
- Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- Giải pháp đổi mới hoạt động truyền thông phòng, chống tin giả tại các trường trung học phổ thông hiện nay
Xem nhiều
-
1
[Video] Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
2
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
-
3
Đồng chí GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
4
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
-
5
Đại hội Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp
-
6
Phê phán luận điệu xuyên tạc các nghị quyết “bộ tứ trụ cột”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2025: Khẳng định vai trò tiên phong của báo chí trong hành trình 100 năm đồng hành cùng dân tộc
Sáng 19-6, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2025.
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Trong bức tranh truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang dần được tái hiện với nhiều sắc thái mới, giàu tính biểu cảm và phản ánh đa dạng vai trò của họ trong đời sống đương đại. Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), việc quản lý, thể hiện và lan tỏa hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu nội dung lẫn chất lượng hình thức. Không chỉ đơn thuần là những khuôn hình đặc tả trang phục truyền thống hay lao động thường nhật, các sản phẩm báo ảnh tại đây còn hướng tới việc khắc họa chân dung người phụ nữ dân tộc với vai trò chủ thể phát triển – là cán bộ, trí thức, doanh nhân, nghệ nhân... Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm quản lý tốt hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay.
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển đổi số, việc truyền thông hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở thành một yêu cầu cấp thiết. Báo mạng điện tử với ưu thế về tốc độ, khả năng cập nhật và tính tương tác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành vi của cộng đồng doanh nghiệp. Bài viết này phân tích thực trạng quản trị thông tin về chính sách hỗ trợ DNNVV trên một số báo mạng điện tử chuyên ngành tài chính - đầu tư ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế và đề xuất giải pháp quản trị thông tin, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách kinh tế - cụ thể là chính sách hỗ trợ DNNVV trên báo mạng điện tử, trong thời gian tới.
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Báo mạng điện tử Việt Nam, với lợi thế về tính tích hợp đa phương tiện, tốc độ cập nhật và khả năng tương tác tức thời, đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc kết nối và chuyển tải thông tin hai chiều đến với khu vực nông thôn. Nhiều báo lớn đã mở các chuyên mục về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, cùng với đó là số lượng các bài viết về kinh tế nông thôn ngày càng nhiều, nội dung ngày càng đa dạng, tích cực ứng dụng đa phương tiện để thông tin hấp dẫn hơn, tăng cường tương tác với độc giả. Trên cơ sở khảo sát ba tờ báo điện tử là Dân Việt, Vietnamnet và Nhân Dân điện tử trong năm 2024, bài viết phân tích vai trò, hiệu quả thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, con người luôn được xác định là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của mọi chiến lược phát triển. Trong các nhóm xã hội, thanh niên – với tư cách là một bộ phận dân số có quy mô lớn, có trí tuệ, khát vọng cống hiến và khả năng thích ứng cao – giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển con người toàn diện, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó thanh niên là lực lượng xung kích, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng chịu nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, những tác động hậu COVID-19, và chủ trương tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay. Là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đặc biệt về mảng du lịch – dịch vụ, để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lao động trẻ có chất lượng, năng động, chuyên nghiệp và có ý thức chính trị – xã hội vững vàng.
Bình luận